HỒI 6
– Hai chú, đã tàn tiệc chưa? Bận quá, giờ cháu mới sang được đây!
Cậu Khanh đẩy cánh cửa nhà khép hờ thò đầu vào trong. Hai ông cụ đang ngồi chờ sẵn bên mâm cơm ngẩng đầu lên, ông Vương cất tiếng mời đon đả.
– A ha, “quý tử“ của tôi đây rồi. Vào, vào nhanh đi!
Ông tôi cũng cười nói.
– Định để hai ông già chúng tôi chết đói luôn hay sao đây hả? Cơm canh nguội hết cả rồi. Chỉ chờ mỗi cậu thôi đấy!
– Các chú đợi cháu làm gì, cứ túc tắc ăn trước rồi cháu sang là vừa.
Cậu chàng cười tếu táo, ngồi xuống chiếu cạnh hai ông cụ.
-Sáng giờ về bận quá cháu cũng chưa có gì vào bụng.
– Khổ, giờ cả tiệm thuốc có mỗi cậu vất vả, thôi cố lên cháu ạ!
Ông tôi sắp bát đũa đưa cho cậu chàng. Cậu Khanh chỉ cười cười. Ông Vương béo đã nhanh tay rót rượu, miệng ngâm nga.
– Rượu ngon lại có bạn hiền, tri âm tri kỷ, hội thuyền gặp nhau!
Cậu Khanh cũng hào hứng bắt vào.
– Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu! Tửu năng ích nhân, diệc năng tổn nhân. Thôi thì cháu làm bát cơm cho ấm cái bụng cái đã. Ha Ha.
Cậu chàng không khách khí ăn cơm, ngồi nhìn hai ông cụ chè qua chén lại.
Ông tôi cười nói.
– Đúng là ông nào cháu nấy, chú Vương nhỉ?
– Đúng, đúng bác. Có khi anh em ta phải nhờ cháu Khanh đây mở cho cái lớp bổ túc Hán ngữ, chứ nghe cậu nói cứ ù ù cạc cạc y như vịt phải sấm thế này có xấu hổ không chứ lị?
Ông Vương nói tay bóp củ lạc rang kêu lách tách, mắt đảo qua lại phụ hoạ. Cả ba người cười lên thoải mái. Bát ếch om, măng xào trên mâm bốc khói nghi ngút, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt. Ngoài trời, cơn mưa rào như trút nước ban nãy giờ đã thưa hạt rồi ngớt dần. Bầu không khí trong trẻo, dịu mát, phảng phất mùi đất bốc lên ngai ngái sau cơn mưa.
Trong nhà, ông Vương béo chẳng biết đã nốc hết mấy chén, mặt đã hơi ửng đỏ, như nhớ ra chuyện gì li kì, bèn giơ tay chỉ vào đĩa thịt ếch, giọng lè nhè:
– Đây này, cậu Khanh biết gì không? Để có được bữa mồi hết nấc như hôm nay, hai ông lão tôi đây đã phải gian nan khổ cực một phen đấy cậu ạ!
– Sao thế chú, có vụ gì vậy ạ?
– Ôi cậu không tưởng tượng nổi đâu!
Ông Vương đã ngà ngà say, ăn nói chẳng đâu vào đâu, cứ hoa tay múa chân như phường chèo. Ông tôi vốn không muốn ông ta vội vàng kể ra chuyện đêm qua nên ngăn lại.
– Chú say rồi đấy. Đã bảo rồi, rượu này nặng thì uống ít thôi. Ăn gì lót bụng đi rồi kể gì hãy kể.
– Ơ hay buồn cười cái nhà anh này, em vẫn đang ăn đây. Cứ để em chia sẻ cái kỷ niệm đáng nhớ nhất đời em về lũ ếch ở cái đồng mình cho cháu nó nghe, nó hãi cùng chứ. Đảm bảo sợ mất mật cậu Khanh ạ!
Ông Vương mắt lờ đờ ngất ngưởng quay sang cậu Khanh giơ ngón trỏ chỉ trỏ phụ họa. Cậu Khanh vẫn đang chăm chú lấp đầy cái bụng rỗng bằng một bát cơm nóng hổi, tranh thủ đáp lời.
– Nghe hấp dẫn thế chú, nhưng chú ăn bát cơm đi rồi kể, để cháu lấy cơm cho nào.
Ông Vương dường như không còn để ý đến những lời mà hai người kia đang thì thào bên tai, hai mắt gắng gượng mở to để nhìn cho rõ cậu Khanh, hoặc cũng có thể để lục lại trí nhớ mà hồi tưởng lại đêm kinh hoàng hôm qua, sau đó líu lô kể một tràng, câu được câu chăng.
Ấy thế mà cậu Khanh cũng chịu khó nghe ra phết, cứ thi thoảng lại gật gù mỗi khi ông béo kể đến đoạn bị ma trêu kinh hãi thế nào. Ông tôi ngồi đối diện chốc chốc lại thêm pha vào giữa câu chuyện kinh dị của ông Vương béo cho đỡ nhạt. Kể xong, ông Vương ngất ngưởng thở một câu.
– Ngẫm lại đến giờ vẫn còn “rét” cháu ạ! Số mình chưa tận, giả như người yếu bóng vía chắc đứt tim đi luôn rồi! May bác Thanh đây không sao, chứ bị nó nhát cả thì hai ông già ngủ ngoài đồng hết một lượt mất thôi!
Cậu Khanh nghe hết câu chuyện của ông Vương, tựa hồ có điều suy nghĩ. Ông tôi thì nghĩ thầm, chàng thanh niên kia đã tường tận cả rồi, bèn rót đầy ba chén rượu nâng lên:
– Thôi, trải qua hại hoạ mà vẫn bình an vô sự coi như là phúc lớn mạng lớn, nếu có lần sau, cậu Khanh đây sẽ đánh cho chúng hồn phi phách tán không còn hại người được nữa, cậu Khanh nhỉ?
– Cháu chỉ sợ không đủ sức lực, ha ha. Cháu kính hai chú!
Cậu Khanh hai tay nâng chén rượu một cách cung kính. Bữa cơm trưa của hai ông già và một thanh niên nhanh chóng qua đi. Giờ đã gần hai giờ chiều, mưa cũng đã tạnh từ lâu. Ông Vương lại say bét nhè nằm một đống, cậu Khanh tranh việc thu dọn hiện trường và rửa bát đĩa. Ông tôi thì ngồi pha ấm chè bên bàn nước. Cậu Khanh làm xong ra ngồi đối diện, nhấp chén chè nóng đằng hắng nói:
– Vụ đêm qua, chú Vương kể, hẳn là thật?
– Cũng tại tôi mà chú Vương mới bị vạ lây. Càng ngày tôi thấy chúng nó càng tác oai tác quái hơn cậu ạ. Tôi thì không sao, nhưng chỉ lo cho bà nhà tôi, mấy hôm nữa về mà chuyện này chưa giải quyết được thì tôi không biết phải làm sao nữa.
Ông tôi bất lực gật đầu, ánh mắt nhìn một phía nặng vẻ suy tư.
– Chú yên tâm đi, cháu đã hứa giúp thì nhất định sẽ làm. Cháu về thu xếp công việc ổn thoả rồi sẽ làm ngay.
– Cảm ơn cậu! Thật ngại quá!
– Thế đêm qua, làm sao chú đưa chú Vương về nhà được? Hai quỷ nhi ấy không làm gì chú chứ?
Nhớ lại sự việc đêm qua, ông tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng, nhấp ngụm nước chè bình ổn lại tâm trạng mới thuật lại đầu đuôi cho cậu Khanh nghe. Cậu Khanh lắng nghe hồi lâu, sau đó yên lặng suy nghĩ, chợt ánh mắt cậu sáng lên, bảo với ông tôi.
– Chú à, tạm thời cháu đã nắm đươc tình hình. Về con chó nhà chú, rõ là không phải chó thường, cũng chưa chắc là loài yêu ma, cháu vừa nhớ ra trong sách của ông nội để lại có một tài liệu nhắc tới trường hợp này, lát cháu về sẽ tìm lại.
– Thật thế hở cậu?
Ông tôi nghe thấy thế không tránh khỏi cũng có điểm chờ mong.
– Vâng, chú đừng lo lắng quá.
Cậu Khanh nhìn ông tôi trấn an, đồng thời bàn bạc.
-Cháu cảm thấy, oan hồn kia có liên hệ nào đó với hai con quỷ nhi, có thể nên bắt đầu điều tra từ oan hồn này.
Ông em trầm ngâm suy nghĩ, cố nhớ lại sự việc. Chợt mắt ông loé lên, một chi tiết vừa xẹt qua trong đầu.
– Có khi nào chính là cô bé này…
Ông tôi chau mày nghi hoặc. Nhớ về những lời mà vợ ông Vương kể về cái đám ma của bà chị kết nghĩa, thì ông tôi mới nhận ra các manh mối có một sự trùng hợp nhất định. Cậu Khanh thấy ông tôi tựa hồ đang suy nghĩ bèn hỏi.
-Chú sao thế?
– Cậu đi về có nghe tiếng kèn đám ma hay đi ngang qua cái đám ở xóm nông nghiệp gần đây không?
Ông tôi đột nhiên hỏi, cậu Khanh chớp mắt suy nghĩ giây lát rồi gật đầu..
– Có ạ. Trên đường về ban nãy cháu đi ngang qua, cũng thấy có gì lạ lắm nhưng lúc ấy vội không nán lại lo việc bao đồng được. Biết thể nào cũng có chuyện mà! Chú phát hiện ra gì vậy?!
– Tôi nhận ra, oan hồn tôi gặp đêm qua rất có thể là cô bé mới chết nhà đó.
Cậu Khanh ghi nhận, ánh mắt thanh tỉnh nhìn xuyên qua lớp cửa gian nhà chính ra con đường lớn, thì thầm.
– Cháu nghĩ, chú cháu mình nên ghé thăm đám tang ấy một chuyến! Chiều nay chúng ta đi luôn. Giờ cháu về thu xếp công việc cho người làm rồi chiều cháu qua đón chú nhé!
Ông tôi không có ý kiến gì nên thuận theo. Hai người không lãng phí thời gian, thống nhất xong xuôi, liền nhanh chóng đóng cửa cho ông Vương béo nghỉ ngơi rồi ai về nhà nấy chuẩn bị.
———————-
Bẵng cái đã gần sáu giờ chiều, vì cậu Khanh còn phải tranh thủ khám bệnh, cắt thuốc cho mấy vị đến khám đột xuất nên lỡ cái hẹn từ ban trưa với ông tôi. Mãi hơn năm giờ chiều mới thấy cậu chàng chạy xe máy vào ngõ gọi cửa. Cậu Khanh bận áo sơ mi màu trắng, đeo chéo trên vai một túi vải trông khá to và cũ, hoạ tiết giống thổ cẩm. Cũng may mùa hè ngày dài nên vẫn còn sáng sủa lắm, lúc này, hai người đang trên đường đi đến cái nhà có đám ma kia.
Ông tôi ngồi sau vỗ vai Khanh nói nhỏ:
– Này, tôi với cậu tự nhiên không mời mà đến liệu có sao không nhỉ?
– Không lo đâu chú. Nhà cô ấy biết cháu mà, có dạo sang cắt thuốc bổ suốt. Lúc này gia quyến nhà người ta đều đang đau buồn, mình đến là có tâm nên không ai để ý gì đâu.
Đi một lát thì xe đã đến đầu ngã ba rẽ vào xóm nông nghiệp. Bên tai thấp thoáng nghe thấy tiếng kèn đám ma réo rắt buồn bã. Nhà bà Hạnh, mẹ cô gái mới chết nằm sâu trong con ngõ ngoằn ngoèo, từ đường chính rẽ vào, đi thêm vài chục mét, đã thấy xa xa một cái rạp nhỏ màu trắng dựng lồi ra ngoài đường một chút, cảnh tượng hết sức ảm đạm.
Cậu Khanh dừng xe, ghé sát nói vào tai ông tôi vì tiếng kèn trống từ trong át ra:
– Giờ thế này chú, chú chỉ việc đi theo cháu thôi, mọi việc cứ để cháu tự lo, có gì cháu sẽ nói sau.
Xong xuôi, hai người rảo bước đi vào.
Sân nhà bà Hạnh khá rộng, đặt ngang dọc mấy dãy bàn ghế, bên trên là chè nước. Mùi nhang khói toả ra nghi ngút, vấn vít trong không trung. Vì chết ngoài đường, ngoài chợ lại oan khuất nên xác cô bé không được đem vào nhà chính mà được bỏ vào hòm đặt ở giữa sân. Họ hàng ruột thịt, người thân thích với gia đình cô bé trên đầu đều chít dải khăn tang màu trắng, vài người đang ngồi vật vã khóc lóc tỏ lòng đau xót. Riêng người anh trai chưa về kịp chịu tang em gái dải khăn của cậu được đặt trên linh tọa.
Những người khách đang lặng lẽ bước tới phúng điếu, thắp cho cô gái trẻ bạc mệnh nén hương rồi khấn vái, một người đàn ông trung niên đang đứng bên cạnh linh toạ, tóc điểm hoa râm, chờ để vái trả lễ theo tục, có lẽ là anh em ruột thịt của bà Hạnh. Khanh và ông nội tôi cũng chầm chậm bước đến đặt vào cái đĩa nhỏ phong bì phúng viếng, lần lượt châm lửa đốt nhang. Phía trước quan tài là linh toạ cao hơn độ ba bốn mươi phân, hai bên đặt hai cây chuối con. Trên phủ vải đen chạm đất, mặt trực diện dán một chữ “Thọ” lớn màu trắng. Di ảnh cô gái được đặt chính giữa, góc trên bên trái có gắn dải băng đen, thấp thoáng hiện ra sau làn khói trắng từ bát hương bay lên nghi ngút. Bên cạnh là bài vị làm tạm thời bằng giấy viết bằng chữ nho. Minh tinh được treo vào một cành tre còn nguyên lá xanh ở ngọn. Đèn nến thắp sáng lung linh cùng mâm cơm cúng.
Ông tôi sững ra vài giây khi nhìn vào tấm ảnh. Một cảm giác rờn rợn lại tràn về chạy dọc sống lưng lạnh toát. Khanh quay sang bắt gặp dáng vẻ ấy của ông tôi bèn hỏi.
– Chú sao thế?
– Tôi, không sao. Nhưng đúng là cô bé này…
Cậu chàng không tỏ thái độ gì, chỉ gật đầu, bảo ông tôi lại đằng kia ngồi uống trà nước. Ông tôi lật đật quay lưng đi, đằng sau, trên bức di ảnh, khuôn mặt trong trẻo của cô gái trẻ hiện ra, miệng mỉm cười tươi tắn, mái tóc dài đen nhánh được vén gọn gàng qua tai, đôi mắt tròn đen láy như đang nhìn xoáy vào lưng ông tôi mãi không thôi.
Ra tới nơi, đã có vài người khách đang ngồi bên bàn, một vài người họ hàng nhận nhiệm vụ tiếp khách thay, vì chủ tang tức bà Hạnh lúc này tinh thần hết sức rối ren, đau buồn. Trong đám người, ông tôi nhác thấy bóng bà Nụ vợ ông Vương béo, liền đi tới ngồi cạnh, cậu Khanh nhân lúc không ai để ý, đã lẻn đi đâu mất. Bà Nụ ngẩng mặt lên thì thấy ông tôi, ngạc nhiên bèn hỏi:
– Ơ, bác bá cũng sang viếng cháu đấy phỏng? Bác mời chén nước đi.
– Vâng, lúc trưa nghe cô kể cũng thấy tội nghiệp, sẵn tiện có cậu Khanh nhà bác Bình rủ sang nên tôi đi luôn, đến thắp cho cháu nén hương an ủi vong hồn nó.
– À, cậu Khanh nhà đối diện ấy hả? Thế nó đâu rồi?
– À, mới ở đây xong, chắc lại gặp ai quen chạy đi đâu nói chuyện rồi.
Ông ngó nghiêng tìm kiếm bóng dáng cậu chàng nhưng không thấy đâu. Bà Nụ tiếp lời:
– Ài, chạy ngược xuôi từ qua đến giờ em mệt quá, chắc tiếp hộ chị Hạnh đợt khách này nữa rồi em tranh thủ về nhà, sáng mai mới qua.
– Vâng, tí cô về nghỉ đi cho lại sức, kẻo đổ bệnh ra đấy lại khổ. Mà cô Hạnh mẹ cháu bé đâu hở cô?
– Chị ấy đang nằm nghỉ trong buồng anh ạ. Nãy ra ngồi được lúc lại khóc lóc vật vã ngất xỉu mọi người phải xốc vào rồi. Khổ thế, chồng mất sớm, nhà có ba mẹ con thì giờ đứa con gái lại bỏ mẹ với anh trai mà đi như vậy. Thằng anh nó nghe đâu rạng sáng mai mới về đến nhà, đóng quân tận trong Đắc Nông. Cảnh nhà côi cút.
– Tội nghiệp cháu bé!
Ông tôi trầm buồn đưa chén chè lên uống.
Lúc ra thắp hương cho cô gái, Khanh đã cảm thấy có gì đó không ổn. Cậu không nhìn thấy linh hồn của cô bé đâu. Trong giai đoạn “thân trung ấm”, theo lý mà nói, linh hồn người chết phải ở đâu đó quanh đây. Cậu bèn đi quanh nhà xem xét. Người nhà bà Hạnh lúc này đang bận rộn, mỗi người một việc chạy ngược xuôi lo liệu hậu sự, cũng chẳng ai để tâm đến chàng trai lạ mặt. Khanh vòng ra mé sau ngôi nhà, đằng sau là khu bếp có khoảng sân khá rộng, đang bày ngổn ngang đồ bếp núc linh tinh. Lúc này trời đã xâm xẩm tối, khu bếp được thắp sáng bằng một bóng đèn vàng vọt. Nhìn vào góc trong gian bếp thấp hơn phía đối diện, Khanh thấy một bóng đen ngồi thu lu trong đó như cái chum. Cậu vội nép mình sau bờ tường quan sát. Cái bóng động đậy rùng mình thành một luồng khí đen bay ra phía tiền sảnh. Vẻ mặt lạnh lùng, Khanh nhẹ nhàng quay trở lại sân trước, túi vải cũ kĩ vẫn đeo trên vai.
Len lỏi qua đám người đang đi lại tất tả, ánh mắt Khanh dừng lại sau cỗ quan tài đen im lìm. Ngày xưa, nhà nào cũng xây theo lối sân thấp hơn nền nhà rất nhiều, nên đều có bậc tam cấp nối từ sân lên bờ hè. Đằng sau quan tài của cô gái là bậc tam cấp ấy. Hiên nhà chính bên trên tạm thời được che đi bằng một cái ly đô màu đen, ngồi đằng sau đó là mấy người của đội kèn, trống. Phía bên này, một vòng hoa được dựng vào phía trước trên đề “tập thể lớp 12C”.
Khanh nhìn lướt qua một lượt, ánh mắt dừng lại ở bậc tam cấp. Cái bóng đen ban nãy chờn vờn một lúc rồi tụ lại đứng trên bậc thấp nhất, nghĩa là gần quan tài và linh toạ. Trên nắp quan tài có bát cơm úp, đôi đũa tre vót hoa man kẹp quả trứng luộc cắm vào giữa bát cơm. Ngoài ra còn bày chín khúc chuối con để cắm hương bên cạnh chín ngọn nến trắng. Lúc này, cái bóng méo mó bắt đầu vươn nửa thân trên ra đằng trước dài ngoằng, ghé sát đầu xuống hít lấy hít để mùi nhang, nến, rồi lại sà qua bát cơm, nhoài sang hít mâm đồ lễ phúng điếu. Nó hít đến đâu, hoa quả đang tươi rói tự nhiên trở nên úng, nẫu hết đến đó. Khói hương bay lên cứ tự động bị hút về một phía mất tăm. Hai bên linh cữu, người thân cô bé vẫn đang gào khóc thảm thiết chẳng hề hay biết gì.
Khanh lẩm bẩm trong miệng: “thầy cúng rước nhầm về rồi!”
Nhưng do trước khi nhập quan, đã làm lễ “phạt mộc” nên nó không theo vào quan tài được, mà lang thang ẩn náu xung quanh nhà. Nếu để hồn nhập xác, rất dễ trở thành Qủy Nhập Tràng.
Có lẽ, do nhà neo người lại cấp bách nên phía bên gia đình chỉ mời được thầy cúng cho đủ lễ nghi chứ đúng ra, còn rất nhiều thiếu sót, mặc dù có tiến hành làm lễ gọi hồn về từ chỗ cô bé mất. Khi làm lễ nhập quan, cậu Khanh không chứng kiến tường tận nên không nắm rõ tình hình, có khả năng là thầy cúng đã yểm phía trong linh cữu một lá bùa nào đó, thí như bộ bài tam bích chẳng hạn, nên vong hồn đói khát này theo về kia mới còn lang thang ở ngoài giờ này. Gia đình cũng không tìm hiểu để lập đàn tràng cầu siêu, khai thị cho cô bé biết đường vãn sinh đến cõi Phật trong lúc này quả là sơ xuất.
Khanh thầm nhủ “không hay”. Mà có làm thì vong hồn cô bé cũng không nghe thấy, có lẽ đang bị thứ gì đó khống chế. Nhất định Khanh phải tìm hiểu cho rõ nguyên nhân. Trước mắt phải bắt cái vong đang “ăn trực uống chờ” nhà người khác kia cái đã.
Nói là làm ngay, cậu Khanh đảo mắt xung quanh xem có ai chú ý tới mình không rồi nhẹ nhàng đi vòng ra sau chỗ chiếu có người nhà cô gái đang túc trực ngồi nép vào trong góc khuất. Tay kín đáo cho vào túi vải lấy ra một linh phù nhỏ màu vàng xung quanh buộc ngang mấy vòng bằng một sợi chỉ mảnh màu đỏ. Hai đầu sợi chỉ gắn hai mảnh gỗ trầm bé tí. Cậu ngồi xếp bằng xuống, chắp tay nhắm mắt bắt đầu niệm lầm rầm nơi cửa miệng. Tay trái đưa lên bắt Kim Cang Chỉ, tay phải định ấn. Tiếng kèn trống từ nhà trên vọng xuống réo rắt át đi nên mọi người hầu như không phát hiện ra điều gì. Câu chú vừa được cất lên thì trước trán Khanh cũng xuất hiện một vầng hào quang màu vàng toả ra nhàn nhạt trong giây lát.
-Thu!
Sau câu lệnh đó, linh phù quấn chỉ đang kẹp trên hai ngón tay cậu bỗng loé lên vệt quang lấp lánh, những nét vẽ nhỏ bé ngang dọc bằng chu sa hằn rõ lên, nổi trên ba ấn triện đỏ chói tạo thành một sợi dây pháp thuật vô hình, vươn tới cái bóng đen kia rồi quấn chặt lấy. Chạm phải sợi dây, hồn ma như chạm phải tia sét, ngàn vạn đau đớn liền ra sức dãy dụa, nó gào rú quật đổ một cây chuối con được dựng hai bên linh toạ. Mọi người giật mình hoảng hốt, nhìn cây chuối đổ rạp xuống mà không hiểu chuyện gì. Cậu Khanh vẫn hết sức tập, miệng gia chú nhanh hơn, lập tức sợi dây màu vàng càng ra sức siết chặt lấy hồn ma rồi kéo nó về thu vào trong linh phù. Sợi chỉ đỏ loé lên điển quang, ôm chặt lấy thân linh phù, thứ ánh sáng rực rỡ kia cũng tắt dần đi. Cậu Khanh nhanh tay bỏ linh phù trở lại vào túi, nhắm mắt thành cẩn, hai tay chắp lại khẽ lầm rầm câu gì đó, hoàn tất xong xuôi rồi mới khẽ khàng đứng dậy bước ra phía đám người đang ngồi ở bàn nước.
Ông tôi đang nói chuyện với bà Nụ và mấy người khách thì thấy cậu Khanh lững thững bước tới, liền hỏi nhỏ.
– Cái anh này, anh đi đâu nãy giờ đấy hả?
-Cháu đi tìm nhà vệ sinh, tự nhiên buồn tiểu quá. Sau đó đi thử một vòng xem xét xem sao.
– Thế có thấy gì không?
– Một chút ạ. Cô Nụ, cô đến lâu chưa?
– Chào cậu, tôi ở đây từ qua đến giờ ấy chứ, chị nhà đây là chỗ bạn bè thân thiết với tôi mà.
– À ra vậy!
Ông nội tôi và cậu Khanh ngồi lại chuyện trò một lúc nữa rồi xin cáo lui. Ngoài đường đã tối om, đi ra đến ngã ba lớn mà vẫn còn nghe văng vẳng tiếng kèn trống nỉ non buồn bã vang vọng trong gió.
—————-
Trên đường trở về từ đám tang, cậu Khanh rủ ông tôi vào quán cháo lươn bà Tứ ăn tối vì lúc này đã khá muộn. Mỗi người gọi ra một bát cháo đầy nóng hôi hổi. Cậu Khanh cúi đầu vừa thổi vừa húp xì xụp, ông tôi ngồi đối diện, hỏi qua làn khói bốc lên nghi ngút.
– Ban nãy cậu đi đâu vậy?
– Cháu đi xem xét tình hình. Chú biết gì không, vong hồn cô bé ấy không về nhà.
– Cậu nhìn thấy được à?
– Vâng, nói ra cũng dài dòng lắm. Đại khái là vong hồn cô bé thì không thấy đâu mà lại thấy vong hồn kẻ khác chú ạ!
– Là sao? Có chuyện đó thật à?
– Vâng. Có lẽ thầy cúng nhà họ mời làm lễ gọi hồn cô bé về không được thành công. Cũng may là nó không theo vào quan được, không thì cũng phiền phức chán.
– Tôi không ngờ tâm linh lại phức tạp như vậy? Thế giờ ta phải làm gì tiếp theo hở cậu?
Ông em bối rối hỏi.
– Chú đừng vội, đêm nay về cháu sẽ cố tìm hiểu con chó nhà chú. Dù gì, chẳng phải là hai con mèo kia sợ chú chó đó sao. Chú cứ về nhà nghỉ ngơi đi, đêm nay chúng nhất định không dám bén mảng tới làm phiền nữa đâu.
– Tôi biết rồi. Tôi chỉ mong có thể giữ Vàng lại nuôi như trước… Cậu Khanh ạ!
Khanh đang cắm cúi ăn, bèn dừng lại, ngẩng đầu nhìn vẻ mặt ông tôi lúc đó, một ánh mắt chất chứa sự lo lắng lẩn khuất nơi đáy mắt ông cụ. Cậu khẽ mỉm cười từ tốn nói:
– Chú yên tâm, dù sao đi nữa, Vàng vẫn là toàn tâm toàn ý bảo vệ gia đình chú, là một con chó rất đáng nuôi. Chú ăn cháo đi, kẻo nguội.
Ông tôi chỉ cảm thấy nặng nề hơn khi nghe cậu Khanh nói vậy. Không hiểu chàng thanh niên đang ngồi đối diện sẽ làm gì con chó nhà ông. Ông tôi thở dài, gắng ăn nốt tô cháo, còn mua thêm một bát về cho con chó.
Cậu Khanh chở ông tôi về, nán lại đứng ở sân nhà xem xét tình hình hồi lâu. Đưa mắt nhìn khắp khu vườn âm u, cậu nhìn thấy luồng âm khí đang ngày một dày đặc. Sự luân chuyển âm dương đã trở nên hỗn độn, vòng cân bằng cũng bị đảo lộn. Tà khí khuếch đại càng khiến quỷ linh trở nên hung mãn hơn. Cảm thấy không an tâm, Khanh bèn vận dụng Kỳ Môn Độn Giáp tính một phen hung, cát xem sao. Một lát sau quay sang dặn dò ông tôi:
– Đêm nay chú hãy đóng chặt cửa ở yên trong nhà. Dù bên ngoài có gì nhất định cũng đừng ra ngoài, tốt nhất là thắp cho tổ tiên nén hương xin ông bà ông vải về phù hộ cho. Bên ngoài đã có con chó rồi. Còn ngôi nhà này, hiện giờ bọn chúng không vào được đâu.
Khanh chỉ tay về phía ngôi nhà, ánh mắt dừng lại trên phần mái nhà ông tôi.
-Chính là chỗ đó!
Cậu đưa tay chỉ. Đó là khúc thượng lương – xà nóc ( phần cột gỗ nằm ngang dưới con rường, dùng để liên kết các cột cái và cột quân). Nhà ông nội tôi hồi ấy là do đích thân ông cố nội xây theo kiểu nhà gỗ cổ, mãi đến những năm chín mươi tám mới tu sửa lại. Ông tôi cũng nhìn theo hướng tay cậu Khanh chỉ, không hiểu chuyện gì nên hỏi:
– Sao nhà tôi chúng nó lại không vào được? Nhà ông bà Trân bên kia bọn nó còn vào cả trong nhà rồi ấy chứ.
– Nếu bọn chúng vào được thì đã vào từ lâu rồi.
Cậu Khanh lắc đầu nói.
– Vì ngôi nhà này đã được yểm chú trấn ma quỷ, chính là trên khúc thượng lương kia, câu chú cũng không thường đâu. Cỡ như hai con quỷ nhi còn chưa vào được thì mấy cái vong yếu đuối làm sao dám vào nhà chú. Chú Thanh, thực ra chuyện này cháu đã phát hiện từ lâu, có điều nó không có gì nghiêm trọng, nên cháu nghĩ không cần nói ra cho gia đình đỡ hoang mang. Không ngờ rốt cuộc vẫn xảy ra cơ sự.
Ông tôi nghe xong thì đứng sững ra, vẻ mặt ngạc nhiên, chỗ cậu Khanh nói, chỉ là một cột gỗ to nằm ngang chót vót gần nóc nhà, giăng đầy mạng nhện. Nhà ông bị yểm bùa chú mà ông không hề hay biết. Cha ông, tức cố nội tôi, không hề nói với ông.
– Sao thể có chuyện đó! Thầy tôi không hề dặn dò gì tôi về chuyện này cả. Cậu có nhìn nhầm không?
– Cháu dám chắc. Không tin chú cứ từ từ kiểm chứng.
Khanh khẽ cười đáp lời, làm sao cậu có thể nhìn nhầm được. Nguyên cả khúc thượng lương ở giữa nóc nhà đang toả ra ánh sáng vàng nhàn nhạt, năng lượng nguồn sáng hội tụ ở cột gỗ ấy từ tim mái toả ra bao bọc lấy toàn bộ ngôi nhà. Đương nhiên điều này thì chỉ có mình Khanh nhìn thấy. Người yểm được chú này tuyệt nhiên không phải tầm thường, đức hạnh cũng có thể xem như ngang hàng với ông nội của cậu, quả thực làm cậu tò mò, bèn hỏi ông:
– Ngày xưa, cụ cố thân sinh ra chú học nghề ở đâu? Dựng ngôi nhà này gồm những ai chú có biết không?
– À, là thế này!
Ông tôi trầm ngâm kể.
– Hồi trẻ thầy tôi lang thang theo mấy người bạn đồng hương lên tận Quảng Ninh tìm nghề để học mấy năm trời. Ở đó gần Trung Quốc, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, là nơi có rất nhiều nghệ nhân người Hoa sang nước ta làm ăn, buôn bán thông qua con đường biên giới, họ làm nhiều nghề khác nhau. Thầy tôi cùng vài người bạn gặp được một cao nhân người Hoa chuyên về nghề nề, mộc, cảm thấy có hứng thú đặc biệt nên xin theo học, từ ấy cũng quen thêm được nhiều bạn bè người Hoa hơn. Sau này đã lành nghề, thầy tôi quyết định trở về quê lập nghiệp, cùng về với thầy tôi ngoài vài người bạn cũ còn có cả hai người Hoa nữa. Lí do là vì họ nghe nói quê mình là nơi đất rộng người đông, đất đai trù phú, muốn đến ngao du và tìm hiểu. Sau này, một trong số những người bạn của thầy đứng ra lập nên một đội thợ lớn, thầy tôi cùng hai người gốc Hoa kia cũng có tên trong đó. Về sau, khi dựng ngôi nhà này, thầy mời những người bạn trong đội thợ cũ có cả hai người Hoa kia giúp xây cất ngôi nhà.
– Ra vậy. Có khả năng rất lớn thứ được yểm trong nhà chú là do hai người Hoa làm. Họ đã tạo ra thứ linh lực vô hình bảo hộ cho ngôi nhà này. Nhưng có một điều khiến cháu băn khoăn, là tại sao cụ cố và hai người Hoa lại làm như thế, lý do là gì?
– Tôi cũng như cậu thôi, không biết gì về chuyện này. Thầy tuyệt nhiên không nói gì về việc yểm bùa chú trong nhà cả. Hồi ấy tôi đang công tác ở ty thương nghiệp dưới tỉnh, lấy vợ xong hai vợ chồng ở khu tập thể của công ty, định mua nhà dưới ấy, nhưng tôi là con trưởng không muốn xa quê, xa thầy, nên cuối cùng dồn tiền quay về mua mảnh đất này của thị trấn. Cái hồi đấy, đất hoang nhiều, thị trấn đang mở rộng quy hoạch nên thu hẹp ruộng đồng lại, đất ven ruộng cắt ra bán theo quy định nhà nước. Tôi mua mảnh này mất gần ba chục triệu đấy, mấy chục triệu hồi ấy to lắm chứ, cũng may lo được phần đất, còn phần dựng nhà dựng cửa đã có thầy lo, chứ hai vợ chồng tôi đều ở xa, có quán xuyến được việc gì đâu.
Ông tôi hồi tưởng lại.
– Duy có một lần lúc ngôi nhà đang được xây, tôi ghé về xem tình hình thế nào, thì thấy thầy có bảo là mảnh đất này phần âm không được yên ổn lắm, nhưng không lo, thầy đã nhờ được người làm lễ hoá giải rồi. Nghe thầy nói vậy thì tôi cũng yên tâm nên không nghĩ ngợi gì cả, lâu dần cũng quên bẵng đi.
– Vậy là đúng rồi. Hai cao nhân người Hoa kia khi đến xem mảnh đất này đã phát hiện ra điều gì đó, có thể họ đã lập đàn hoá giải còn tạo ra pháp chú kia để đề phòng rủi ro. Có nghĩa là thứ tồn tại ở mảnh đất này xưa kia không phải dạng dễ đối phó. Cháu đoán rằng, đàn hoá giải năm xưa đã không được như ý, vậy nên đến giờ nó vẫn còn lẩn khuất ở đây.
– Nhưng tại sao gia đình tôi ở mấy chục năm rồi mà không xảy ra chuyện gì? Nhà ông Trân cũng vậy.
– Tạm thời cháu chưa nghĩ ra nguyên nhân, chỉ có thể phỏng đoán, quỷ linh ở đây năm xưa bị hai cao nhân kia lập đàn hoá giải nhưng bất thành đành phải chuyển sang tiến hành trấn yểm, đồng thời lập chú bảo vệ cho ngôi nhà. Suốt thời gian qua, chúng bị nhốt bởi sự trấn yểm nên mảnh đất không xảy ra chuyện gì.
– Vậy thứ gì đã phá vỡ vòng trấn yểm khiến chúng thoát ra ngoài?
– Việc này cần có thời gian tìm hiểu chú ạ. Việc trước mắt thì chú nhớ những gì cháu dặn. Nãy cháu tính quẻ thấy đêm nay khả năng bọn chúng lại xuất hiện phá quấy, chỉ cần chú ở yên trong nhà thì sẽ bình an vô sự. Giờ cháu về để còn tìm hiểu lai lịch con chó và chuẩn bị một số thứ nữa nên không thể ở lại được.
– Tôi hiểu rồi, cậu cứ về đi.
– Vâng, vậy cháu về đây. Chú cẩn thận nhé!
Cậu Khanh chào ông tôi một câu rồi ra về, giờ chỉ còn mình ông đứng trầm ngâm suy nghĩ giữa sân. Trong gian nhà tối om, con Vàng lại lững thững đi ra. Ông tôi cũng không để tâm đến nó, thở dài đi vào nhà đóng cửa lại.
————————
Cậu Khanh về đến nhà, liền gác lại công việc bào chế thuốc, đi luôn lên tầng. Cậu nhớ ra, trong những tài liệu cổ ông nội ghi chép về những bí thuật, hiện tượng quái dị của cổ nhân, có một quyển đề cập đến “một loại chó” dị, hiếm có vô cùng. Cậu đã có lần đọc qua nó hồi lên mười tám, rất nhiều năm về trước. Điều này khiến sự hiếu kỳ và phấn khích trong cậu trỗi dậy, bước nhanh vào phòng, bật sáng đèn rồi vội vã bắt tay vào tìm kiếm trên kệ sách.
Kệ sách lớn của Khanh chật kín những quyển sách đã cũ mèm xếp bên cạnh những quyển sách hiện đại dày cộp. Trên ngăn ba và ngăn hai đều không thấy quyển sách cổ ấy, chỉ toàn tài liệu về đông y, nam dược hoặc nghiên cứu về hệ thống kinh mạch trên cơ thể con người. Kệ cuối cùng của cái tủ, là nơi đặt những hộp lớn, nhỏ chứa những “pháp khí” mà ông nội để lại cho cậu. Thực ra, bao năm nay cậu không dám lôi ra dùng, hay nói đúng hơn là không có cơ hội để dụng chúng. Dạo gần đây vì bận rộn việc kinh doanh và bố lâm bệnh nặng, cậu hầu như không ngó ngàng tới kệ sách nữa, càng quên bẵng đi mấy hộp đồ hoài niệm này.
Ánh mắt Khanh dừng lại ở một cái hộp bằng kim loại màu đen, có khóa chốt ngoài. Cái hộp này là cái đặc biệt nhất trong số hộp đựng ở đây. Nó được làm dành riêng cho cậu. Trong sinh nhật năm lên mười tuổi, ông nội đã tặng cậu chiếc hộp ấy cùng với một chiếc vòng cổ, mặt dây là móng vuốt của một con hổ đực, được đục đẽo và tạc khéo léo thành chìa khoá để mở hộp. Bao năm qua cậu vẫn luôn đeo nó trên người. Khanh đưa tay lên sờ soạng quanh cổ, móc trong áo ra một sợi dây chuyền, thân dây được bện từ hai sợi vải màu vàng và đỏ, mặt dây là chiếc móng vuốt hổ đực hơi sẫm màu, cứng rắn. Khanh tháo nó xuống, đưa cái móng vuốt hình chìa khóa kì lạ vào ổ khoá xoay theo chiều kim đồng hồ chín mươi độ, một tiếng “cạch” vang lên, nắp hộp liền bật ra. Cái hộp không to lắm, đủ để đựng một số đồ nhỏ linh tinh hoặc bằng kích thước một quyển vở. Bên trong hộp, có vài lá linh phù đặc biệt của ông nội, một cái nhẫn bằng đồng đen quý giá, trên mặt chạm chìm hình ba vị đại bồ tát hộ vệ cạnh Phật Tổ Như Lai là Bồ Tát Kim Cang Thủ, Bồ Tát Quán Thế m và Bồ Tát Địa Tạng. Nằm ở đáy hộp là một quyển sách cũ. Khanh nhấc quyển sách lên, phủi phủi vết bụi mờ bám bên trên, lật giở bên trong ra xem.
Quyển sách bìa màu xám tro, trên bìa là hàng chữ Hán đã phai mờ đi quá nửa, được đóng tay bằng chỉ dày, chất giấy cổ mỏng, trơn láng màu vàng xỉn. Nội dung bên trong đa số là cách thức vẽ những loại linh phù, cách kiết ấn và những kiểu toạ thiền trong Mật tông nói chung. Một số ghi chép về huyền thuật cổ xưa, thất truyền ít ai biết đến mà ông cậu đang nghiên cứu dở dang. Gần cuối sách viết về những cổ trùng, cổ dược ở khắp nơi trên đất nước. Khanh giở mãi, cuối cùng tìm thấy một ghi chép có hình minh hoạ là một con chó dáng vẻ lạ kỳ với cái tên, ” m Dương Hỏa Khuyển”.
Ánh mắt Khanh sáng lên, vội đem quyển sách lên bàn, soi dưới ánh đèn chăm chú đọc.
…
Sang ngày hôm sau, vừa khéo là mồng một đầu tháng, ông tôi dậy sớm, xách xe ra chợ hôm mua ít hoa quả về thắp hương. Bình thường việc này do bà nội tôi lo hết, nay bà đi vắng ông đành xắn tay vào làm vậy. Trên đường đi ra chợ, ông mông lung nhớ lại vụ “ghé thăm” của đám mèo đen đêm qua. Y như lời cậu Khanh nói, quá nửa đêm là bọn chúng lại mò đến, dụ ông ra ngoài, thôi thì giở đủ trò nhưng chúng nó tuyệt nhiên không thể xâm phạm vào căn nhà gỗ cổ của ông được. Dường như có một nguồn năng lượng vô hình chặn bọn chúng lại. Lại vướng con Vàng canh giữ bên ngoài nên độ canh ba chúng kéo nhau bỏ đi, liên tục rít lên những tràng âm thanh ghê rợn như tiếng trẻ em khóc réo rắt trong đêm. Ông tôi thì cứ giả mù giả điếc, y lời cậu Khanh dặn dò, nằm im cố gắng nhắm mắt lại, dù khó chịu cỡ nào cũng tuyệt đối không chạy ra ngoài nửa bước.
Sáng nay dậy ra sân, cánh cửa sổ cũ kĩ bị mọt ăn rỗng quá nửa chi chít những vết cào cấu nham nhở. Sực nhớ ra lũ gà, ông tôi giật mình vội vàng chạy ra chuồng kiểm tra, đập vào mắt là một cảnh tượng hãi hùng khiến ông sững ra giây lát. Hai con gà mái đang kỳ ấp trứng nằm cứng đơ dưới nền đất, cổ bị gặm nham nhở rách nát gần như đứt lìa, ổ bụng bị cào cấu toang hoác, bộ lòng đã biến mất sạch trơn. Trên nền cũng không có lấy một giọt máu nào vương ra. Con gà như một cái xác khô nằm duỗi chân thẳng đuột, thân cứng ngắc bên cạnh những cái lông rơi xuống lả tả. Trên ổ rơm, mấy quả trứng bị dày xéo quả nứt nẻ, quả vỡ nát một đống nhầy nhụa lẫn lộn. Mùi máu gà hoà với mùi tanh của trứng trộn lẫn vào nhau tạo thành một thứ mùi vô cùng khó ngửi. Ông tôi bặm chặt môi, quai hàm cơ hồ lại bạnh ra, xô cái cửa chuồng đánh “rầm” một cái, không kìm được thốt lên:
-Tiên sư mày!
Đợi cơn tức giận nguôi đi, ông tôi lẳng lặng nhặt xác hai con gà gói vào tờ giấy báo lớn, xách xuống vườn chôn. Đống trứng vỡ ông nhặt ra, đổ vào bát cho con Vàng ăn, xong xuôi thì xách xe ra chợ.
Mua đồ về thắp hương rồi dọn dẹp nhà cửa, lọ mọ nấu nướng, loáng cái đã quá trưa, đợi khi ông tôi đang chuẩn bị đóng cửa lên giường nghỉ trưa thì nghe tiếng cậu Khanh gọi vọng vào. Con Vàng đang nằm trên nóc chuồng tránh nắng, nhác thấy bóng áo sơmi, nó nhảy tót xuống cánh vườn bên dưới, chạy mất dạng. Ông tôi lật đật ra mở cửa cổng, cậu Khanh đứng bên ngoài vẻ mặt háo hức nói vọng vào:
– Chú Thanh, có kết quả rồi đây!
————————
Còn nhớ tối ngày hôm trước, sau khi tìm thấy nguồn thông tin ghi chép về loài chó kì lạ trong sách cổ, Khanh đem lên bàn đọc ngấu nghiến. Quá nửa đêm mới dừng lại, vì cậu còn tranh thủ nghiên cứu cả một số cách kiết ấn, bài chú mới, định bụng sẽ dùng trong trường hợp cấp bách. Sau đó, lại chiếc hộp, lấy cái nhẫn tạc hình Phật bằng đồng đen lên đeo vào ngón tay trỏ, ngắm nghía hồi lâu rồi mới lên giường.
Lúc này, ông tôi đã dẫn cậu Khanh vào nhà, ngồi bên bàn nước, lại mời cậu dùng chè bằng bộ ấm nhỏ màu xanh nhàn nhạt. Khanh tiện mắt quan sát bèn nói.
– À, hôm trước sang mải ngắm mấy món này, cháu quên không dặn chú, mấy món đồ cổ này chỉ nên để trưng thôi, chớ đặt lên bàn thờ cắm hoa hay rót rượu mời các cụ trong ấy.
– Ồ, sao lại thế hở cậu?
– Nói chung, đồ cổ không nên dùng làm đồ thờ cúng cho gia tiên chú ạ. Đồ càng cổ càng có “linh”. Để trên bàn thờ gia tiên là một điều cấm kỵ, trái phong thuỷ.
– Ra vậy, lát tôi đem cái bình kia xuống. Sáng nay mồng một nên đem ra cắm ít hoa vào bày thắp hương cho các cụ. Mà ban nãy cậu bảo “đã có kết quả”, là đã có cái gì?
– Là về con chó của nhà chú đây!
Ông tôi nghe thấy cậu Khanh nói đã tìm ra gốc gác của con Vàng thì trong lòng khẩn trương, con chó nhà ông vốn mập mờ về lai lịch, nay xem như có cơ hội được tỏ tường rồi.
– Thật sao, vậy thì tốt quá! Rốt cuộc nó là giống gì vậy cậu?
Cậu Khanh không trả lời câu hỏi ngay, vầng trán rộng hơi chau lại, cơ hồ có chút băn khoăn về những điều sắp sửa nói ra. Cậu chống tay lên đùi đằng hắng đáp:
– Thế này chú Thanh ạ, đêm qua cháu về lục tìm những kỷ vật mà ông nội để lại, nhìn thấy trong một quyển sách cổ có ghi chép về một loại chó dị, rất hiếm gặp tên là ” m Dương Hỏa Khuyển”. Con chó của chú chính là loại đó!
– Cái gì mà m Dương… Cậu này, tôi nghe mà chưa hiểu gì cả, cậu giải thích thêm đi.
– Chú đừng vội, cháu còn chưa nói hết. Chuyện này cũng khá dài dòng.
Đưa tay nhấp một ngụm chè nóng, cậu Khanh chậm rãi nói.
– Về thời gian xuất hiện trường hợp đầu tiên thì đã không còn chính xác nữa. Ông nội cháu hồi trẻ hay lang thang ở những vùng núi hoang sơ. Đó là những nơi địa hình hiểm trở, bốn bề đều là núi non, rừng rú, sông lớn uốn khúc chảy qua. Trong một lần đi vào một bản nhỏ tìm cây thuốc và qua đêm tại đó, ông nội cháu được dịp chuyện trò với một vị trưởng lão mà dân trong bản gọi là già làng. Bên bếp lửa bập bùng của căn nhà sàn, vị trưởng lão kể cho ông nội nghe rất nhiều giai thoại ly kỳ về những con ma rừng, ma núi. Trong đó có nhắc tới một loại chó kì lạ, chỉ xuất hiện ở những nơi núi non trùng điệp, rừng rậm bao phủ và chỉ những người già cả trong làng mới biết, thường gọi nó với cái tên: “chó lửa” hay “chó cầm đuốc”, do phía chót đuôi của nó có một nguồn năng lượng bí ẩn có thể phát ra ánh sáng cam đỏ như ngọn đuốc. Về sự giải thích của loại chó này, người già làng kể, trước kia, vị thầy Mo của làng cho rằng, “chó lửa” là một con chó giống đực khi sinh ra không có nhịp tim nên bị chó mẹ bỏ rơi trên một vùng đất chí âm, ví dụ như nghĩa địa, nơi có mồ mả… Chính vì ở nơi vượng âm như thế, con vật có thể phát triển bình thường bởi nó hút âm khí mà lớn. Cơ bản có thể xem con chó đó như một loại cương thi. Cơ thể nó giống như một vật chứa, có thể hấp thụ bất kỳ nguồn khí nào. Sau bảy ngày bảy đêm, con chó lại được một con hổ cái đem về thu nạp, nuôi dưỡng dòng rã bảy bảy bốn chín ngày. Hổ là một loài thuần dương, vía của loài hổ rất mạnh, con chó lại là vật thu hút nguồn khí, lập tức hấp thụ khí dương từ con hổ mẹ. Vậy là trong cơ thể nó hình thành một dòng chảy âm dương tuần lặp, có thể điều hoà hai dòng khí đối nghịch trong cùng một chỉnh thể đồng nhất. m, dương bình sinh vốn được xem như đối lập nhau, thế nhưng khi được con chó hấp thụ, nó liền dung hoà hai thái cực ấy lại, cuối cùng kết tinh chính là ngọn lửa âm dương nơi chót đuôi dài của nó. Loại lửa này, bản chất tuy chưa sánh được với “tam muội chân hoả” của Thái Thượng Lão Quân trong truyền thuyết, hoặc “Lửa Bát Nhã”, nhưng cũng có thể thiêu đốt nhiều thứ linh dị. Riêng với ma quỷ, đây giống như khắc tinh của chúng vậy.
Cậu Khanh nói một chặp, đến đây thì dừng lại, ánh mắt đang trầm ngâm nhìn ra khu vườn ngoài kia. Phía đối diện, ông tôi chăm chú lắng nghe, dường như vẫn còn mơ màng chìm trong câu chuyện như liêu trai chí dị mà chàng thanh niên vừa kể. Chẳng biết nói gì, có lẽ do quá kinh ngạc về nguồn gốc đầy cổ quái của con chó mà ông nuôi bấy lâu nay, ông tôi chỉ thở dài một tiếng, mặt hơi cúi xuống, buồn bã đáp:
– Vậy cậu bảo, tôi nên làm sao? Nói như cậu, Vàng nhà tôi đích thực là loài yêu quái?
– Không hẳn thế!
Khanh lắc đầu.
– Thằng cả nhà chú nhặt con chó ở đâu vậy?
– Nó nhìn thấy con chó trong lần về nghỉ phép đợt trước cậu ạ! Trên đường đi xe về, gần doanh trại nó đóng quân.
– Ồ, vùng đó xa xôi, hẻo lánh lắm, toàn rừng núi rộng lớn, vậy là phải rồi. Có khả năng, con chó này được tạo ra như lời vị thầy Mo kia nói.
Cậu Khanh cau mày phỏng đoán.
– Vâng, vùng ấy toàn người miền núi. Có lần, doanh trại của thằng con tôi còn phải cử lính xuống gác đêm cho dân ngủ vì sợ cọp, hùm mò đến bắt trộm gia súc, phá hoại hoa màu mà.
Ngày xưa, ở những miền cao xa xôi, hẻo lánh, trong rừng thời ấy còn bắt gặp hổ, báo trú ngụ chứ không như bây giờ. Lúc này, cả hai người ánh mắt đều hướng ra ngoài sân, nhìn xa xăm một khoảng mênh mông vô định, theo đuổi suy nghĩ riêng của mình. Không gian lúc này thật yên tĩnh, bầu trời cũng rất trong và xanh. Chẳng ai biết được sắp tới sẽ phải đối mặt với quỷ dữ.
Ngồi uống nước hồi lâu, cậu Khanh lên tiếng phá ngang sự yên tĩnh, hỏi ông nội tôi.
-Mà con chó đâu rồi chú, bao lần cháu đến đều không thấy nó. Có vẻ như nó trốn cháu thì phải.
-Tôi cũng không biết. Đúng là mỗi khi cậu đến là nó lủi đi đâu mất. Có khi nào…
-Chắc cu cậu ngửi thấy mùi “chết chóc” trên người cháu. Tưởng rằng kẻ xấu xa này đến bắt đi. Ha ha.
-Lẽ nào nó ý thức được nguồn gốc của bản thân?
Ông tôi kinh ngạc.
-Loại này vốn đã không phải con vật bình thường rồi thì cháu nghĩ, có thể nó biết nhiều thứ. Chú gọi nó ra đây đi, cháu muốn hoá giải khúc mắc với nó. Sau này, để tiêu diệt hai quỷ nhi kia, phải nhờ đến sự trợ giúp của cu cậu. Chứ một mình sức lức của cháu, vốn không tu tập đến nơi đến chốn lại non yếu e rằng muốn trấn yểm bọn chúng còn khó chứ nói gì đến chuyện tiêu diệt!
-Vậy được, cậu ngồi đây để tôi đi tìm. Ban nãy còn nằm dài trên nóc chuồng mà.
Nói dứt câu, ông tôi đứng dậy, nhanh chóng bước ra sân đi ra bờ giếng, cất tiếng gọi:
– Vàng, Vàng ơi! Chạy đâu rồi!
Ông tôi gọi mấy hồi, mãi mới thấy con Vàng lừ lừ đi lên từ dưới mé vườn, ánh mắt lấm lét. Ông tôi lại gọi.
– Vàng, lên đây!
Nó vẫy đuôi nhưng vẫn không dám chạy đến chỗ ông, vừa liếc nhìn vào nhà vừa rón rén cảnh giác. Nó chạy đến chỗ ông đang đứng, ông tôi cúi xuống vuốt nhẹ lên đầu nó:
-Ơ hay cái con này, người nhà cả mà làm gì lấm la lấm lét thế?
Ông tôi ôm nó vào lòng chẳng câu nệ như ôm đứa cháu nhỏ đi vào hiên nhà. Con chó hơi cụp tai lại, vẻ bé nhỏ lắm. Vô tình lúc ôm nó, ông đưa tay sờ lên lồng ngực bên trái của nó, quả nhiên yên ắng, không cảm nhận được chút nhịp đập nào của quả tim. Nụ cười trên mặt ông tôi vụt tắt