Bạn đang đọc: Ma Chó

Chương 4

25/12/2023
 
 

HỒI 4

– Ấy, ấy, chắc không được đâu. Tôi còn con chó với đàn gà ở nhà nữa. Đi thế này thì chúng nó chết đói mất, thôi để hôm khác đi chú!

Ông tôi xua tay từ chối lời mời cơm của ông Vương. Ông Vương khệnh khạnh hít mắt nói:

⁃ Hôm khác thì có mà tết tây. Nhà có phải gần gũi gì đâu mà bước cái là gọi anh sang được, với lại hôm khác không tiện bằng hôm nay…

Ông Vương nói tới đây, hai mắt đảo quanh, mày mỏng nhướng lên, cái miệng dẻo quẹo làm hai gò má núng nính thịt hơi ửng đỏ cũng như chuyển động theo cơ miệng:

⁃ Mụ vợ em không có nhà! Ngày thường làm gì được xoã hở bác! Tính khí vợ em thì bác còn lạ gì!

⁃ Thế cô nhà đi đâu chú?

Ông em cười xòa hỏi lại.

⁃ Bà ấy đi sang xóm dưới từ chiều qua rồi, bên xóm ấy có nhà bà bạn, ngày xưa làm cùng quầy bách hóa với vợ nhà em. Nhà ấy đang có đám. Đứa con gái không biết làm sao đi chăn trâu bị trâu húc cho lòi ruột ra. Rõ tội!

Ông Vương chép miệng mấy cái, vừa kể, vừa cắm cúi đan cái lồng gà đang dở. Ông tôi thì yên lặng hóng chuyện, cũng ngồi xổm xuống bên cạnh:

⁃ Xóm nông nghiệp phải không? Bên ấy thì tôi không quen biết ai, thi thoảng có công chuyện mới đi ngang qua thôi, không rõ nhà ai đấy?

⁃ Nhà cô Loan, có thằng con trai mới đi lính đợt sau tết, chắc bác không biết, em cũng không quen lối đằng ấy mấy. Có vợ em là hay đi ngồi lê đôi mách suốt ngày, việc nhà thì nhác mà việc chú bác thì siêng lắm! Số em nó khổ vậy, vớ phải mụ vợ như sư tử hà đông! Việc buôn bán chả lo toàn đẩy cho chồng! Nghe tin nhà bà kia có chuyện là đi ngay, bỏ em ở nhà với đống rổ, rá thế này đấy bác!

Ông Vương không ngừng than thở. Phút trước phút sau đã híp mắt cười hề hề:

⁃ Vậy cũng hay! Đi cho em thảnh thơi, thích làm gì thì làm, ăn gì thì ăn mà uống mấy thì uống. Nhất là tối mò ra đồng soi ếch, bắt cua bắt cá không ai rầy la.

⁃ Nhất chú!

Ông tôi cười cười, toan định đứng dậy đội mũ xin cáo từ thì ông Vương chừng như đã đoán được, bèn lấy tay giữ lại, miệng thuyết phục:

⁃ Ấy, bác vội gì. Em trình bày đến nước này rồi mà bác vẫn bỏ em về được thì em giận đấy! Từ qua đến giờ em uống rượu một mình nhạt thếch, tính rủ mấy lão bên này sang nhưng toàn mấy lão công chức kiểu cách, kiêng này kiêng nọ, tiểu đường hay tim mạch đủ cả. Nay bác đã đến đây rồi thì ở lại ăn cơm với em cho vui, em có món này đãi bác, ngon phải biết!

Ông Vương vừa nói vừa chóp chép miệng phụ hoạ cho thêm phần thuyết phục. Ông tôi ậm ừ nghĩ bụng, đằng nào nhà cũng gần hết thức ăn mà chưa kịp đi chợ, ăn một mình thì buồn, thôi thì ở lại, hai ông già nhân tiện vợ đi vắng nhâm nhi bữa cơm rượu cho ấm cúng, chốc nữa đem ít cơm thừa về cho con chó cũng được.

⁃ Vậy cũng được. Mà hôm nay có món gì cứ rủ tôi mãi thế?

⁃ Chân giò luộc cuộn nem, bác bá thử món này chưa? Chả là bữa rồi nhà chú Tính, em vợ em vừa thịt con lợn, để cho cái bắp giò với ít lòng tươi lắm.

Ông Vương vừa nói vừa cười ha hả, hàm răng giả cái nào cái nấy trắng đều. Bụng phệ tròn lủm phình ra căng cả lớp áo thun đang mặc, in hẳn cái rốn lồi lên thấy rõ. Ông tôi chỉ chỉ rồi nói:

⁃ Nhìn cái bụng của chú tôi thấy ái ngại đấy. Rượu chè ít thôi, mình có còn trẻ nữa đâu, ở cái tuổi này rồi, không gì quan trọng bằng sức khoẻ đâu chú ạ, một khi mang bệnh vào thì khốn khổ lắm chứ không chơi!

⁃ Em biết chứ. Ấy thế mà mụ vợ em mới gắt gao, nhưng cái tính nghiện rượu của em còn chẳng đỡ được phần nào. Có điều mình cũng bớt bớt đi cho vợ con mừng. Dạo này em chuyển qua bia anh ạ! Hề hề.

Ông tôi cũng phải bật cười, lắc đầu:

⁃ Tôi cũng chịu chú!

Ông Vương đưa tay gãi bụng cười trừ, như sực nhớ ra điều gì bèn ngẩng mặt hỏi:

⁃ Thế chị nhà dạo này khỏe không anh?

⁃ Bà nhà tôi vẫn bình thường, nay cũng không có nhà.

⁃ Chị đi đâu thế anh?

⁃ Bà nhà tôi xuống tỉnh thăm mấy đứa ấy mà.

⁃ À, nhanh thật! Mới hôm nào còn lăng xăng ra xin giỏ tre chú Vương béo về chấm điểm môn kĩ thuật mà giờ đứa nào đứa nấy đi đại học cả rồi. Thôi bác vào nhà đi, ngồi ngoài này nắng nôi chết. Đồ em làm hôm qua vẫn còn nhiều lắm. Mụ vợ em cũng tạng bép rồi nên bày đặt giảm cân, nhà có hai vợ chồng mỗi em ăn là chính. Giờ em cắm nồi cơm nữa là lâm trận được. Hà hà.

Ông Vương đẩy ông tôi vào nhà trong, dẹp mấy cái lồng tre sang một bên hiên rồi cũng nhanh nhảu quay vào.

Nghe tôi kể, lối trên mặt đường thì nhà tôi thân với nhà cậu Khanh và nhà ông bà Vương hơn một chút. Nhà cậu Khanh thì vì cậu ấy hay vào trong ngõ chơi với bố và cô chú từ hồi bé vì trên đó ít trẻ con. Còn nhà ông Vương thì hay vào nhà tôi xin tre, có khi mua cả số lượng lớn vì nhà ông ấy chuyên đan lát đồ tre, nứa, cũng được gần mười năm rồi. Ông Vương béo trông thế mà đảm việc nhà ra phết. Hai ông bà hiếm muộn, ngoài bốn mươi mới có được đứa con gái, nay nó lớn thì lại theo chồng sớm đã độ nửa năm nay. Vợ ông Vương thì tính tình có phần lấn át chồng, nghỉ hưu xong thì về phụ chồng buôn bán nhưng chủ yếu đi thong dong là chính, việc nhà cửa ông Vương lo hết. Mỗi khi sinh hoạt phụ nữ trong khu, bà tôi vẫn hay ngồi cạnh bà ấy, chăm văn nghệ văn gừng lắm.

Lúc này, hai ông cụ đã chuẩn bị các thứ xong xuôi, chiếu, nồi niêu, bát đũa đầy đủ cả, chuẩn bị ngồi lai rai được rồi. Bình rượu to tướng được ông Vương ì ạch bê ra, đặt giữa chiếc chiếu. Ông ta cười khà khà nhanh nhảu giới thiệu.

⁃ Ông anh biết rượu gì đây không?

⁃ Tôi chịu, cũng chỉ biết rượu trắng, rượu nếp cẩm, ngâm rắn, cá ngựa các thứ. Bình thường tôi cũng ít uống rượu mà, có sành như chú đâu. Loại rượu này lạ nhỉ, màu nước xanh quá.

⁃ Giới thiệu với ông anh, đây là rượu Bàu Đá. Ngoài bắc mình không chuyên loại này đâu. Đây là của thằng cháu họ sống trong Bình Dương gửi về cho em đấy. Nó biết tính em mà lại.

⁃ Nhất chú! Thử chén xem nào!

Ông tôi cười to rồi giơ chén ra trước mâm, ông Vương cũng hứng chí mở nắp dùng cái gáo gỗ con con múc rượu vào chén. Hai ông cụ bắt đầu nhâm nhi bữa cơm trưa. Vừa ăn vừa nhắm rượu, kể vài chuyện vặt vãnh, linh tinh, ăn gần hết đĩa thịt luộc thì hai ông ngồi đã chừng gần một tiếng. Ông Vương lúc này đã bắt đầu ngà ngà say, ngồi xếp bằng cầm cái chén mà điệu bộ ngất nga ngất ngưởng, hai má đỏ hồng như Trương Phi, líu lưỡi nói:

⁃ A Thanh, đã chán thịt lợn chưa? Ăn mãi thịt cũng chán nhỉ. Hay là đêm nay anh em ta xách đèn pin ra cầu Ba Hai soi ếch đi. Mai lại làm bữa hương đồng gió nội.

Ông Vương vừa nói vừa tít mắt lại, mặt mũi đã đỏ bừng cả lên, đủ biết loại rượu này nặng cỡ nào. Ông tôi thì chỉ uống cầm chừng, dù bị ông Vương ép nhưng chỉ nhấp môi cho có lệ, rượu này uống ko quen:

⁃ Để xem sao đã, tôi chưa chắc đã đi được. Nhà cửa bỏ không cả đấy không tiện.

⁃ Ôi dào, ông anh cứ khéo lo. Cứ khoá cửa nẻo cẩn thận vào là được, mà nhà anh có nuôi chó, nhà bác bá ở gần đồng, nó kêu lên cả khu nghe thấy ấy chứ gì ngoài chỗ đồng cách có mấy bước chân.

⁃ Nói như chú chạy về đến nơi nhà còn cái móng không.

Ông tôi lắc đầu cười khan.

– Mấy khi, tối nay ông anh cứ đi với em. Đảm bảo mai ông anh có một bữa cơm ngon hết ý. Ta phải tận dụng triệt để quãng thời gian khi mấy bà lớn vắng nhà mà giải phóng chứ. Cứ quyết định vậy đi!

Ông Vương quả quyết, gật gù giơ chén rượu lên, ông tôi cũng giơ chén ra cụng, ông ta ngửa cổ nốc một hơi hết sạch, rồi khà một tiếng thỏa mãn, bỏ tọt miếng lòng vào miệng nhai nhồm nhoàm. Độ nửa tiếng sau thì vãn bữa, ông Vương lúc này đã say lắm rồi, ngồi nói linh tinh, ông tôi đầu óc cũng hơi chếnh choáng, nhưng vẫn còn tỉnh táo, đành một mình thu dọn các thứ, rửa bát đĩa cho ông ta. Sau đó, ông tôi ra về, không quên cầm theo ít cơm thừa cho con chó.

Ông tôi về đến nhà, mở cửa nẻo xong xuôi rồi ra chỗ con Vàng. Mọi thứ vẫn ổn cả, không có dấu hiệu gì bất thường. Con chó thấy chủ về thì mừng rỡ nhảy chồm lên sủa vang, sợi xích vẫn đeo trên cổ. Nó có vẻ khá đói, cứ ngửi lấy ngửi để bàn tay ông đang dính mùi cơm thịt. Ông tôi đổ chỗ thức ăn ra đĩa cho nó, tháo xích rồi rửa tay đi vào nhà. Ông tôi lên giường chợp mắt một lúc vì hơi men nặng quá khiến đầu óc nặng trĩu. Ngủ một mạch mãi đến khi miệng cảm thấy đắng, cổ họng khô khan tôi mới tỉnh dậy vì khát nước. Ra bàn ngồi cho tỉnh ngủ, nhìn đồng hồ thế mà đã sáu giờ chiều rồi.

Ông tôi nhìn ra sân, thầm nghĩ không biết cậu Khanh tối nay có về kịp không. Cứ nghĩ đến việc đêm nay rất có thể sẽ không được ngủ yên giấc nếu có thứ gì mò đến quấy rối, là ông tôi lại thấy chán nản. Cũng vì thế nhớ đến câu nói của cậu Khanh, rằng nhà ông đang bị quấy phá bởi những thứ không sạch sẽ. Ngồi hồi lâu, ông tôi đành đứng dậy, ra giếng rửa mặt mũi cho tỉnh táo, tranh thủ kêu đàn gà lên vãi thóc cho chúng ăn rồi lùa vào chuồng. Con Vàng thì ông không xích nữa cho nó đi đâu thì đi. Sau khi khoá cửa nẻo cẩn thận, ông tôi lại lững thững đi lên nhà ông Vương béo.

Ra đến đầu đường cái, ông tôi tranh thủ nghiêng đầu nhìn vào nhà cậu Khanh. Tầng một vẫn mở cửa bán thuốc nhưng chỉ thấy người làm bận rộn, cậu Khanh không có ở đó. Giờ này chắc đã sang nhà bên thăm ông bố rồi. Lại nhìn sang nhà ông Vương thì thấy cửa chính vẫn đóng im ỉm, khéo là lão béo này vẫn chưa tỉnh rượu. Nghĩ thế, ông tôi rảo bước sang bên kia đường, đi vào nhà ông ta. Cửa đóng nhưng thật ra không chốt trong, do lúc trưa ông Vương say bí tỉ, có biết trời trăng đất dày gì, lúc về là ông tôi tiện tay khép vào. Đẩy cửa ra, ông tôi gọi ông Vương mấy tiếng nhưng không có ai lên tiếng. Qủa nhiên, bước vào nhà thì đúng là ông Vương còn chưa tỉnh, đang nằm ngáy như trâu trên chiếc chiếu trải dưới nền gạch. Có lẽ bà vợ cũng không về qua nhà nên mới giữ được nguyên hiện trạng như vậy. Ông tôi đánh thức ông Vương béo dậy, ông ta lồm cồm ngồi dậy, mắt nhắm mắt mở kêu khát nước. Mãi lúc sau, ông Vương nghe chừng đã tỉnh hơn, đưa tay xoa xoa bụng kêu đói. Thế là hai ông cụ lại loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều, công nhận là uống rượu vào bụng dạ cứ cồn cào cả lên.

Còn ít lòng, dồi, ông Vương đem nấu một nồi cháo lòng, cắm thêm nồi cơm ăn cho chắc bụng rồi ra hiên nhà ngoài, chỗ bày bán ít đồ tạp hoá, lấy ra mấy cái bánh đa đem vào, miệng vẫn không ngừng rủ rê ông tôi đêm nay nhất định phải đi bắt ếch với mình. Ông tôi hãy còn do dự, phần thì muốn về trông nhà nhưng cũng khá ngại ” gặp gỡ ” mấy con mèo quái dị, đâm ra cứ ậm ừ mãi. Ông Vương đương nhiên không bỏ cuộc, lại thuyết phục một hồi, cuối cùng ông tôi tặc lưỡi, dứt khoát cong ăn cong thẳng ăn thẳng.

⁃ Nếu vậy thì tối nay không rượu chè nữa, đêm mới tỉnh mà lội ruộng được. Tôi sợ, ếch đâu chẳng có mà ăn lại phải khênh chú từ dưới ruộng lên thì thôi ở nhà ngủ cho khoẻ.

⁃ Ấy, ông anh đúng thật nói đùa. Tửu lượng em đâu phải hạng xoàng. Nhưng nếu anh thích thì em chiều, chả mấy khi, rượu thì uống lúc nào chẳng được. Em chỉ xin làm đôi chén cho nóng cái người lên thôi, có hơi men nó khí thế hơn hẳn. Ha ha.

Ông Vương vỗ đùi, híp mắt cười khoái trí. Ông tôi chỉ biết lắc đầu cười xòa, múc ra hai tô cháo lòng nghi ngút khói, đợi ông Vương đi lấy rượu ra. Ông tôi không uống, ông Vương cũng chỉ uống đôi chén con con rồi xì xụp ăn tô cháo nóng hổi.

Rất nhanh đã gần chín giờ tối. Hai ông cụ đã dọn dẹp các thứ xong xuôi, đang ngồi uống nước chè nói chuyện vụn vặt cho xuôi bụng, thống nhất tầm một tiếng nữa thì bắt đầu đi ra đồng. Tầm ấy đi là vừa, tiết trời dịu và mát mẻ hơn. Nhưng ông tôi bảo đi sớm một chút để tạt qua nhà cho con chó ăn kẻo nó đói. Vậy là chưa đến mười giờ đêm, hai ông cụ đã lục đục xách giỏ, nơm, đèn pin các thứ chuẩn bị lên đường. Lúc băng qua đường lớn, ông tôi không quên ngó sang nhà cậu Khanh lần nữa, giờ này cửa nẻo đã đóng cả rồi. Ông Vương đi cùng ông tôi tạt qua nhà, may mắn là mọi thứ vẫn ổn, con Vàng đang nằm trên nóc chuồng gà nghếch mõm nghỉ ngơi. Ông tôi đổ cơm ra đĩa cho nó rồi vào bếp xách chiếc xe đạp ra, lấy thêm cây đèn pin và một cái gậy tre tầm hơn một mét, xong xuôi thì khóa cửa nẻo lại, cùng ông Vương đi ra cầu Ba Hai.

Muốn đi ra đồng thì phải đi từ chân cầu men theo bờ cỏ mà xuống, mà từ khu nhà tôi đi vòng ra cầu cũng tầm sáu, bảy trăm mét nên hai ông thống nhất đạp xe ra cho nhanh, tí về mệt đi bộ sẽ ngại. Ông tôi định ngồi lên chở ông Vương béo thì ông ta đã giành đòi lái, nói ai lại để thằng gầy chở thằng béo bao giờ, thế là ông tô cũngi tặc lưỡi xuôi theo. Lên xe, ông Vương vừa ì ạch đạp, vừa huyên thuyên kể vài chuyện linh tinh, phút chốc đã ra đến đường lớn.

Lúc này cả con đường rộng mà vắng hoe, không thấy bóng dáng xe cộ qua lại nữa. Hai bên đường, những ngôi nhà mọc san sát đều đã tắt đèn, nằm im lìm ẩn sau những tán cây và cột điện dây dợ chằng chịt, mọi thứ đều chìm sâu vào giấc ngủ. Hồi ấy đèn đường lớn thì cũng có rồi, nhưng không lắp nhiều và đại trà như bây giờ. Có khi phải đến cả cây số mới có một cột đèn như thế. Nơi ông nội sống là thị trấn của huyện, có phần nhỉnh hơn đôi chút. Đi từ hướng khu nhà ông đâm ra cầu Ba Hai thì đầu cầu có một trạm xăng dầu, chẳng biết xây lên từ bao giờ, mọi người hay gọi là cây xăng Bình Hanh, nghe nói là tên gia đình đóng ở cây xăng ấy. Trên nóc cổng cao của cây xăng có một bóng đèn soi xuống, may mà có nó, không thì đoạn đường hướng ra cầu tối sẽ thui, trông dài hun hút như đi vào cửa địa ngục.

Hai ông cụ phải bật cả hai cây đèn pin lên mới thấy rõ đường đi Lúc này ông Vương béo đã đạp gần đến trạm xăng ấy rồi. Ông tôi ngồi sau yên xe đang vểnh tai nghe mấy chuyện vặt vãnh giữa vợ chồng nhà ông Vương, thì chợt ông ta phanh khựng lại. Ông tôi bất ngờ bị lực phanh xe đột ngột làm cho ngã dụi phía trước, đầu đập vào cái lưng êm ái đầy thịt của ông Vương. Ông tôi không hiểu chuyện gì, bèn vỗ vai ông Vương hỏi, nhưng ông Vương không đáp lại. Nghi là có chuyện gì, ông tôi đành nghiêng người lên nhìn thử. Phía trước áng chừng độ chục mét, chỉ thấy một vùng ánh sáng vàng mờ nhạt từ chiếc đèn gắn trên nóc cổng trạm xăng hắt xuống mặt đường vắng tanh. Vùng sáng ấy chỉ chiếu sáng được một khoảng từ trạm xăng ra phía cây cầu tầm năm mét, sau đó, tất cả lại chìm nghỉm vào bóng đêm đen đặc. Lúc này, ông tôi mới khẽ lay vai ông Vương mấy cái, khó hiểu hỏi.

⁃ Sao thế chú?

⁃ Lạ lắm bác ơi. Rõ ràng, em mới nhìn thấy đây mà… đi lại gần thì không thấy đâu nữa.

Ông Vương vừa chau mày nói, vừa đưa mắt tìm kiếm.

⁃ Thấy cái gì mới được?

Ông tôi chẳng hiểu ra làm sao.

⁃ À ban nãy đang đạp xe, em trông thấy có bóng người thấp thoáng đi bộ từ hướng cầu vào, chỗ có ánh sáng đèn chiếu ra kia kìa.

Ông Vương vừa nói vừa giơ tay chỉ về phía trước.

– Nhưng giờ đạp lại gần thì không thấy đâu nữa.

Ông tôi nhất thời cũng không nhận định được là chuyện gì, nên đoán bừa.

– Hay rẽ vào ngõ kia rồi.

Nơi ông tôi chỉ là một cái ngách nhỏ nằm kế bên cây xăng, các khu ở đây đều có nhiều ngõ ngách nhỏ từ đường lớn đổ vào thông với nhau. Lúc này, phía bên trong ngách ấy tối thui và sâu hút. Ông Vương im lặng giây lát rồi nghi hoặc lên tiếng.

– Lý nào lại vậy.

Rồi lại đẩy xe tiếp tục đạp đi. Không biết vì sao, lúc đạp qua cái ngách và trạm xăng heo hút, hai ông cụ đều cảm thấy hơi rờn rợn, bầu không khí như hạ nhiệt độ đột ngột, đi qua rồi mà vẫn thấy lạnh lẽo sau gáy, như thể có con mắt nào đó đang lặng lẽ theo dõi cử động của hai ông cùng ánh đèn pin lọt thỏm dần trong vùng tối mênh mông.

Phía đầu con ngách nhỏ cạnh cây xăng dầu, nơi có gốc cây cột điện, chợt ẩn hiện một bóng hình mờ nhạt đứng lặng lẽ, sau đó, cái bóng di chuyển, đi lướt về phía cây cầu, toàn thân bao phủ một lớp khí trắng lạnh lẽo, âm u.

———————-

– Nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy lạ anh ạ!

– Chú thấy lạ ở đâu?

– Là chuyện vừa rồi. Em uống có hai chén như mắt muỗi chứ nào phải hai chai!

– Tôi có nói gì đâu. Chắc trời tối chú nhìn nhầm thôi.

– Ài, không lẽ hoa mắt thật?

– Chắc người ta đi vào ngách rồi, chú mải nói chuyện nên không để ý đó thôi.

– Vâng. Đường tối quá anh ạ. Mấy tay cán bộ không xem mà lắp thêm đèn đường vào, mang tiếng thị trấn mà có khác gì vùng sâu vùng xa đâu cơ chứ!

Nói xong thì hai ông đã đi đến đầu cầu Ba Hai, xuống xe, dựng vào một mô đất khuất dẫn xuống phía dưới cây dại rậm rạp xong xuôi, hai người vác đồ nghề cuốc bộ đi xuống đồng men theo con dốc thoai thoải. Phía dưới cây cầu là con sông nhỏ, vốn là một nhánh của sông lớn chạy qua, dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Tầm mười giờ đêm, trời đất tối thui, không soi đèn thì chẳng biết đâu là sông đâu là bờ đất. Hai bên cầu đều là cánh đồng trải dài bất tận. Đêm xuống bốn bề hầu như không có một ánh đèn nào, chỉ có tiếng côn trùng, bò sát kêu liên miên.

Ông tôi soi đèn trông lối đi. Ông Vương đi bên cạnh, tay cầm cây gậy tre rà nhẹ từng bụi cỏ, từng rãnh nước nông đọng rải rác khắp nơi, tay kia cầm đèn pin lia qua lia lại hai bên bờ ruộng. Vì đường đồng nên khá khó đi, đầy những mô đất nhấp nhô, trập trũng, lối đi lại bé tí. Chiếc đèn pin nhỏ trên tay tầm chiếu không rộng để soi rõ mọi thứ, có mấy lần ông tôi vấp phải đá hay gò đất mà suýt ngã. Soi được một chặp mà mới tóm được vài ba con ếch. Cũng bởi vì mấy hôm nay chẳng có trận mưa nào, ếch nhái cũng rủ nhau đi tránh nóng hết. Ông Vương lắc đầu than.

– Hôm nay chắc không được nhiều bá ơi! Chờ đợt mưa đến thì tha hồ! Lại đúng mùa sinh sản của nó nữa, cả cái đồng này rôm phải biết!

Ông nội tôi gật gù.

– Ừ, thôi thì mai đủ bữa cơm là ngon rồi!

Ông tôi đi lên một đoạn, lia đèn pin nhìn thử, cuối ngọn đèn chiếu tới là một dãy tre cao dày đặc trải dài một phía cánh đồng. Đó chính là hướng đất đồng giáp với vườn nhà tôi và một số nhà khác. Ông tôi nhận ra khu vực vườn gia đình vì có mấy cây dừa cao đánh dấu. Vậy là đã lang thang ra tận đây rồi, xa cầu phải biết. Bình thường, nếu đứng từ trên bậc tường hoa nhà tôi, nhìn chếch về phía tây nam là thấy được cầu Ba Hai và cánh đồng thấp thoáng ở xa xa.

Ông Vương lúc này vẫn đang chăm chú tập trung vào chuyên môn, cứ nghĩ tới món ếch xào măng hay ếch om chuối đậu là bụng ông ta lại rạo rực hẳn lên. Ông Vương béo đưa gậy gạt từng bụi cỏ dại mọc um tùm trên lối đi và lớp bùn hơi âm ẩm dưới mé ruộng, không bỏ sót ngóc ngách nào, biết đâu lại vớ thêm được món gì hay ho. Đang chăm chú rà soát thì ông Vương nghe một tiếng “ tủm “ nho nhỏ từ đâu vọng lại, mới nhanh tay lia đèn ra xung quanh xem xét nhưng ko thấy gì, bốn bề vẫn yên ắng.

Lúc lia đèn trở lại thì đúng phía rặng tre.

Ông Vương chợt khựng lại, mắt chăm chú nhìn về hướng ấy không chớp, cứ thế chầm chậm bước đi.

Ông tôi vốn đi trước ông Vương một đoạn, lúc này đang mải mê nghĩ ngợi lan man, hồi lâu mới quay đầu định nhìn ông Vương thế nào thì đằng sau hoàn toàn tối om, không thấy ánh đèn pin, cũng chẳng trông thấy bóng dáng ông Vương đâu cả. Ông tôi giật mình, vội bước trở lại. Tứ phía đều tối om như hũ nút, ánh đèn thì hạn hẹp. Trong tình thế này rất khó để xác định phương hướng. Ông tôi đành cất tiếng gọi nhưng không có ai trả lời. Không gian tĩnh mịch một cách bất thường, thi thoảng mới nghe tiếng ộp oạp của ếch nhái vọng lại.

Trải qua mấy vụ ở nhà khiến ông tôi dần hình thành một linh cảm đặc biệt theo trực giác. Và trực giác lúc này nói với ông tôi rằng: Xảy ra chuyện rồi!

Nhưng ông tôi vẫn cố giữ cho mình bình tĩnh, soi đèn đi trở về hướng cây cầu, không quên hô to gọi tên ông Vương béo. Ông tôi đoán, có thể ông Vương chẳng may xảy chân trượt xuống một cái hố trũng bị cỏ dại che khuất. Ông tôi lại không có gậy, cứ thế một mình dò dẫm. Rõ ràng mới đây xong, ngoảnh đi ngoảnh lại người đã biến mất không dấu vết.

Đi được một đoạn, chợt phía trước một quãng tầm ba, bốn mét xuất hiện rạch nước nhỏ dẫn vào một ruộng lúa, mấy hôm nay trời nắng chang chang, không đổ mưa nên cạn khô. Ông tôi bước lại gần ngó đầu xuống nhìn thử thì thấy sau bờ cỏ rậm rạp lấp ló một cái nón trắng. Có bóng một người hiện ra.

Dáng vẻ phỏng chừng người này đang ngồi khom lưng, xoay lưng về phía ông tôi, cái nón rách cũ kĩ che kín phần đầu và vai. Có điều, dáng vóc người này nhỏ thó, lớp quần áo lại rộng lùng nhùng, không ăn nhập gì. Tối quá ông tôi không nhìn ra màu sắc của quần áo, nhờ ánh đèn pin rọi vào chỉ thấy một khối xám xịt, sáng hơn nền trời tối thui chút đỉnh. Theo nhận định, ông tôi nghĩ không phải là ông Vương béo. Ông tôi nghĩ trong bụng, đoán chừng người này cũng đi đồng bắt ếch đêm, vì nhìn thấy có một cái bị cũ vứt bên cạnh, ông tôi định tiến lại hỏi. Nào ngờ, cái bị rách ấy bất chợt nhúc nhích, phát ra những tiếng sột soạt.

Ông tôi định thần quan sát kỹ hơn, mới thấy cái bị lồi lên một ụ, như thể có vật gì bên trong, chính thứ ấy đang động đậy. Dù nghĩ chỉ là mấy con ếch, nhưng ông tôi vẫn hơi hoảng nên dừng khựng lại, nhẹ nhàng lùi lại, định ngồi thụp xuống một bụi cây dại bên cạnh đường đi để quan sát động tĩnh của người kia. Nhưng đã không còn kịp nữa, từ trong chiếc bị rách ngang ra một vệt dài, lộ ra hai đốm sáng xanh lét mà quỷ dị. Nó lao ra khỏi cái bị, lao vụt ra đám cỏ bên trên, mặt chằm chằm nhìn về phía ông tôi. Ánh đèn pin từ tay ông chiếu thẳng vào mắt con vật cũng không khiến nó loá mắt mà né đi. Nó nhe nanh giơ vuốt khè ra những tiếng rợn người.

Vì quá bất ngờ, ông tôi không kịp phản ứng, đứng sững tại chỗ chưa biết làm gì, thì lại được chứng kiến tiếp một màn ma quái khác. Cái người phía sau con mèo đen to lớn kia cũng vừa thoáng rùng mình. Cái nón đội trên đầu lắc lư rồi đột ngột bị hất tung ra. Nhưng chẳng hề có cái đầu nào cả. Thay vào đó, hiện ra một thứ đen xì đang ngoằn ngoèo thò ra từ cổ áo. Thân người đó nhúc nhích khiến lớp quần áo rung động rồi cũng rũ xuống, lộ ra một thân thể đen xì, nhảy lại phía con mèo ban nãy. Lại thêm con mèo thứ hai.

Ông tôi đứng cách hai con mèo chỉ mấy mé, hai mắt mở to vì kinh ngạc. Không thể ngờ là chúng theo ám ông đến tận đây. Ông tôi đổ mồ hôi ướt đẫm lưng áo, toan quay lưng chạy đi. Hai con mèo kia cũng bắt đầu hành động. Chúng rướn người nhe nanh khò khè, toàn thân đen xì toát ra lớp khói xám đầy vẻ tà khí, ánh mắt sắc lẻm phát ra những tia nhìn lạnh lẽo, chết chóc. Ông tôi quay lưng chạy, vì quá cuống, trượt chân vào lớp bùn đất sát mé ruộng. Ông tôi thở gấp, đưa tay lên vuốt trán vì mồ hôi túa ra rơi vào mắt cay xè, đột nhiên từ lòng bàn tay xộc đến mũi một mùi thoang thoảng cay nồng. Ông tôi đưa lên mũi hít ngửi lần nữa rồi soi đèn vào lòng bàn tay thì thấy dính đầy lá cỏ, lúc ấy cũng không còn tâm trí đâu mà nhận định nó là cây gì, đã nghe một tiếng “ méo “ rít lên ghê rợn.

Ông tôi giật mình ngoái đầu nhìn, thì thật kỳ lạ, đã không còn thấy bóng dáng chúng đâu nữa. Tất cả lại mất hút như trò ảo thuật của một tay bịp nào đó. Ông tôi lồm cồm bò dậy, thì thầm khấn vái trong miệng.

– Cầu xin tổ tiên, thánh thần trên cao linh thiêng cứu giúp! Soi đường, dẫn lối cho con thoát khỏi cảnh ma trách quỷ hờn. A di đà phật!

Thật ra ông tôi không biết cầu thần khấn phật thế nào cho đúng bài đúng bản, tâm phát nguyện thế nào thì khấn như vậy. Vừa dứt lời, bò lên trên bờ cỏ khô ráo, ngóc đầu dậy nhìn, thì đập ngay vào mắt ông ở phía gần bờ tre tối thui là thứ ánh sáng leo lét của đèn pin.

Ông tôi kinh ngạc, trong đầu đang tự hỏi có khi nào lần này là ông Vương không.

Không còn thì giờ để phân tích mọi thứ, ông tôi lật đật soi đèn nhằm hướng có ánh sáng chạy tới.

———————-

Nói thì lâu nhưng mọi chuyện xảy ra rất nhanh. Từ lúc thoát khỏi sự hù dọa của hai con mèo ma quái và nhìn thấy ánh sáng, ông tôi đi áng chừng đã năm phút. Chạy một hồi cộng thêm bờ ruộng mấp mô, hai chân ông nội tôi lúc này đã có dấu hiệu đau mỏi. Cả người đã thấm mệt, giữa bốn bề đêm tối tự nhiên ông lại cảm thấy lạnh lẽo, cô quạnh.

Sau khi dừng lại chống tay thở dốc cho đỡ mệt, ông tôi rọi đèn pin quan sát chung quanh, miệng lẩm bẩm tỏ ra khoa hiểu.

-Sao đi mãi vẫn chưa tới nhỉ?

Lúc này ông tôi mới chợt nhận ra là có gì không đúng. Từ vị trí ông gặp hai con mèo đen đến nơi có bụi tre là tầm hai, ba trăm mét, đi tắt đường đồng lại thì giờ phải ra đến nơi rồi mới đúng, huống hồ, ông tôi còn vừa đi vừa chạy. Ấy vậy mà mỗi khi ông rọi đèn pin về hướng có ánh sáng phát ra để định vị phương hướng mà đến, thì lúc nào cũng là một quãng khoảng hai, ba trăm mét như vậy. Không gần cũng không xa. Nghĩ đến điểm này ông tôi có phần bối rối, cố rà soát xem mình đã đi như thế nào. Rõ ràng, ông tôi đã cố chọn con đường thẳng nhất dẫn đến phía bụi tre, vậy mà giờ ngẫm lại, cứ như thể, ông chưa hề di chuyển một mét nào vậy!

Chưa biết lý giải sao cho đúng, ông tôi đành chiếu đèn ra xung quanh xem xét. Rọi về phía rặng tre, vẫn thấy có ánh sáng thấp thoáng ở một quãng xa như vậy. Lúc này ông tôi bụng bảo dạ là lại bị ma che mắt, quỷ đưa đường nữa rồi. Nhưng quan trọng, đâu là thực đâu là ảo?

Ánh sáng kia hay là quãng đường ông đang đi?

Có khi nào, tất cả đều là ảo giác của ông tôi hết cả hay không?

Ý nghĩ ấy nảy sinh khiến ông tôi loạn thấy rõ, ngồi phệt xuống đám cỏ ven bờ ruộng. Sau lưng thi thoảng thổi tới một cơn gió heo hút và lạnh lẽo. Một mình giữa chốn đồng không mông quạnh lúc nửa đêm nửa hôm, cho dù là người cứng rắn nhất, cũng e là không tránh khỏi cảm giác lạc lõng và bị cô lập. Ông tôi nhớ đến những ngày tháng chiến tranh gian khổ, cái chết luôn thường trực như hơi thở, phải giành giật và chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Tình cảnh ông đang lâm vào lúc này, chẳng khác nào một người lính đơn phương chiến đấu với bọn địch đang vây bủa tứ phía. Nhưng tình huống ấy lại cho người ta cảm giác quả cảm và bi hùng. Còn lúc này, ông nội tôi lại thấy bản thân như đang rơi vào sự bỡn cợt, trêu đùa của một thế lực kì bí nào đó, mà nguồn cơn của nó là gì thì ông không tài nào đoán được.

Ngồi ngẫm nghĩ giây lát, cơ thể cũng đã hồi phục mấy phần, ông tôi tặc lưỡi chống tay đứng dậy, quyết định đi thử lần nữa, biết đâu do ông đi sai đường, tưởng đường thẳng nhưng trời quá tối nên đi lộn thành đường vòng. Đường đồng cũng như những đường ngang dọc trên một bàn cờ, đều cắt và nối với nhau, đôi khi cũng có lối cụt là bờ tre, con sông hay rạch nước chắn ngang. Nên cũng không loại trừ khả năng ông tôi đi nhầm đường. Lúc này, nơi ông tôi đang đứng là trong một ruộng lúa vàng ươm, đương mùa thu hoạch, nhà người ta đã gặt được một phần ba. Trên mép bờ chất đầy xác lúa, ở gần giữa ruộng có cắm một con bù nhìn đứng xiêu xiêu vẹo vẹo.

Nó được hoá trang sơ sài, một chiếc cọc gỗ bọc rơm rồi chùm lên cái áo phông trắng rộng thùng thình, trên đầu đội cái nón rách. Con bù nhìn này chắc đã được cắm ở đây từ đầu mùa vụ. Mới đầu đèn pin soi đến, ông tôi còn suýt giật mình, tưởng hồn ma nào đang bay phất phơ trên ruộng lúa. Tính toán xong xuôi, ông tôi bèn quan sát khung cảnh xung quanh thêm lần nữa, cố gắng ghi nhớ vào trong đầu. Lấy con bù nhìn làm dấu rồi tiếp tục cắm cúi bước đi, hy vọng phen này sẽ không bị lạc nữa.

Nghĩ rằng đã tính toán cẩn thận nên tinh thần ông cũng phấn chấn hơn đôi chút, đi cũng vì thế mà nhanh hơn. Lại đi được một quãng, ông tôi chiếu đèn về phía bờ tre vừa trông lối đi, khi thu đèn về rọi dưới chân thì ngọn đèn quét qua một vật gì trăng trắng, là là phía trên ngọn lúa. Lại là con bù nhìn ban nãy!

Ông tôi sững người kinh ngạc, cảm thấy bất lực hoàn toàn. Trong đầu, những con đường nhỏ ngoằn ngoèo hiện lên chằng chịt rối rắm như mê cung, khiến ông bất thần cảm thấy rối loạn. Cùng lúc ấy, một tiếng cười khanh khách khoái trá vọng đến, văng vẳng bên tai. Ông nội tôi xoay người nhìn khắp tứ phía, nhưng không thể xác định được vị trí mình đang đứng cũng như nơi phát ra tiếng cười quỷ dị kia. Bốn bề chỉ đặc một màn đêm sâu thẳm hoà trộn cùng tiếng cười quỷ mị như thách thức. Sự lạnh lẽo bủa vây từ bên ngoài xâm chiếm vào cũng không thể lấn át được sự hoang mang, căng thẳng trong lòng ông tôi lúc bấy giờ. Ông bực bội đưa tay lên vuốt mặt, bất giác lại ngửi thấy một mùi quen quen…

Chính là cái mùi cay nồng ban nãy. Chúng sộc vào mũi, sau đó nhanh chóng khuyếch tán vào khắp khoang miệng và đầu, len lỏi vào từng sợi dây thần kinh. Không hiểu sao, sau khi ngửi thứ mùi ấy, đầu óc ông tôi lại hơi chếnh choáng rồi tỉnh táo lên không ít. Toàn thân dễ chịu, sự mệt nhọc cũng bay biến đi đâu mất. Đứng săm soi bàn tay lem luốc dính đầy vụn cỏ chốc lát, lúc này ông tôi mới ngẩng mặt nhìn lên. Vẫn khu ruộng ấy, con bù nhìn ấy, nhưng thấp thoáng phía sau nó một quãng không xa, một khối màu ghi tối nhờ nhờ hiện ra, chính là rặng tre dài, còn có tia sáng mờ nhạt hắt ra. Ông tôi mở to mắt, không chút chần chừ, lật đật bước nhanh về phía trước, không để ý rằng, tiếng cười ranh mãnh cũng đã im bặt tự bao giờ

 
 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...