Bạn đang đọc: Ma Chó

Chương 3

25/12/2023
 
 

HỒI 3

– Ông ơi, ông ơi!

– Sao thế? Tôi đang chỉnh cái đài

– Ông, ông ra ngoài này nhanh đi… Có chuyện này lạ lắm!

Ông tôi ngoảnh mặt nhìn bà đang đứng sau song cửa sổ, vẻ mặt lộ rõ hoảng sợ xen lẫn nóng vội, đành bỏ cái đài đang sửa dở xuống rồi đi ra, định nói bà mấy câu thì bị bà giơ ngón tay lên che miệng, ra dấu giữ yên lặng. Khi ông ra đến giếng, đã thấy con Vàng ngồi phục trên mái chuồng gà, miệng gầm gừ cảnh giác. Bà tôi kéo ông ngồi thụp xuống sau bờ giếng, ló đầu ra nhìn, ngón tay trỏ nhằm hướng ngôi nhà hàng xóm mà chỉ. Ông tôi cau mày tỏ vẻ không hiểu chuyện gì rồi cũng nhìn theo hướng ấy. Những gì ông thấy cũng giống như điều bà tôi thấy lúc rửa bát.

Ánh đèn trong ngôi nhà vẫn chớp tắt liên tục.

Hai người đột nhiên im bặt. Lúc này trời đã tối hẳn, ngoài thứ ánh sáng vàng nhạt hắt ra từ mấy khe cửa của ngôi nhà thì đều không trông thấy gì nữa. Chợt từ mái nhà ngói, một vật đen thui nhảy xuống đúng khoảng sân được ánh đèn chiếu xuống, lộ ra hình dáng một con mèo đen to lớn.

Toàn thân nó bao phủ bởi một màu đen tuyền, càng làm nổi bật lên hai con mắt xanh lè như đốm dạ quang. Con mèo ngồi trước sân, cái đuôi dài ngoe nguẩy, để lại đằng sau một vùng tối dị hợm là cái bóng của nó. Nó ngồi im, đưa mắt nhìn sang phía nhà ông bà tôi, con Vàng nhe răng ra như muốn nhảy xổ vào cấu xé. Con mèo nhìn thấy liền lùi lại, khè ra một tiếng, lông trên người nó dựng đứng cả lên. Bỗng một tiếng kêu khác ở đâu vọng lại, con mèo nghiêng đầu qua, liếc đôi mắt xanh lè nhìn về phía phát ra tiếng kêu ấy. Rồi nó đứng dậy rảo bước về phía mấy cây dừa ở góc vườn rồi mất hút vào bóng tối. Khi cái bóng của con mèo đen kia biến mất, cũng là lúc ánh đèn trong ngôi nhà vắng người cũng đột nhiên tắt lịm, cả không gian trở lại vẻ im lìm và cô quạnh.

Tất cả sự việc đều được hai người và một chó ở bên này nhìn thấy, tuy không nhìn được rõ nét nhưng cũng đủ để ông bà tôi phải lạnh gáy. Chẳng phải gia đình bên ấy đã đi vắng từ buổi chiều rồi hay sao?

Ngôi nhà không người sao có thể tự động bật tắt đèn như vậy?

– Hay là chỉ có mỗi chú Lân đi thôi?
Ông tôi cau mày cố tìm ra một lý do tự thuyết phục.

– Không! Cả nhà có hai ông bà, chú Lân lưng sưng to thế làm gì được, vợ phải đi cùng chứ.

– Thôi đi vào nhà đã!

Ông đẩy bà ra hiệu, cả hai nhẹ nhàng đi vào nhà, không quên đóng cửa nẻo cẩn thận rồi tắt đèn.

Nằm trên giường giây lát, ông tôi nói:

– Gần cuối tháng rồi, mai bà dậy sớm chuẩn bị đồ đoàn rồi tôi chở ra đón xe xuống thăm mấy đứa.

– Đi lúc này sao được, tôi không yên tâm.

– Có gì mà không yên tâm. Bà ở nhà cũng có giải quyết được gì đâu. Xuống đem cho tụi nó ít gạo, ít bánh trái, tiện thể ghé vào nhà chú Duyên mà chơi vài hôm cho khuây khoả, biếu vợ chồng chú ấy con gà.

– Nhưng…

Bà tôi không đành lòng rời khỏi nhà lúc này, định lên tiếng từ chối nhưng ông đã chặn trước:

– Không đôi co nữa, tôi tính rồi thì cứ thế mà làm. Ngủ đi kẻo mai lên xe lại say xe.

Nói xong, ông xoay lưng lại rồi nhắm mắt ngủ. Một đêm lặng lẽ và mờ mịt cứ thế trôi đi trong tiếng thở dài của bà.

Sáng ngày hôm sau, ông bà tôi dậy từ rất sớm chuẩn bị đồ đoàn để bà đem xuống tỉnh thăm các con. Ông không quên xuống vườn hái nốt ba quả bưởi còn lại để bà đem đi cùng. Xong xuôi, ông chở bà ra con đường lớn đón xe. Một lúc sau thì chiếc xe khách chạy đến, mùi xăng xe khó chịu xộc hẳn ra ngoài. Bà tôi lật đật bước lên, không quên ngoái đầu dặn dò ông ở nhà ăn uống và cẩn thận mọi thứ, có gì thì ra bưu điện gọi điện thoại xuống nhà ông chú Duyên cho bà. Ông cũng gật đầu cho bà xuôi lòng, hai ông bà nói đôi câu cũng là lúc cánh cửa xe khép lại. Chiếc xe nhanh chóng lao đi, để lại đằng sau một lớp bụi mù mịt. Ông nội tôi cứ đứng nhìn chiếc xe cho đến khi bóng nó khuất hẳn sau khúc quanh.

Về đến nhà, ông tôi loay hoay làm lặt vặt một lúc rồi chuẩn bị nấu cơm. Con Vàng dường như cũng biết bà chủ của nó đã đi vắng nên càng cảnh giác để bảo vệ ông hơn, giờ cả nhà chỉ có một người một chó nương tựa lẫn nhau. Ông tôi đang đun ấm nước để pha chè trong bếp thì có tiếng gọi vọng vào:

– chú Thanh ơi! Chú có nhà không?

Sau màn khói xám đang bốc lên ngồn ngộn từ cái bếp củi, ông tôi nghiêng đầu ra nheo mắt nhìn. Ngoài phía cổng, một thanh niên trẻ dáng dấp cao ráo đang nghiêng ngó nhìn vào trong sân. Cậu chàng mặc áo sơ mi trắng tinh tươm. Thấy ông tôi sau màn khói bếp thì cậu ta mở miệng cười tươi nói:

– Chú Thanh đang làm gì đấy?

——————–

Nhác thấy bóng áo trắng đang ngó nghiêng trước cổng, con Vàng đang nằm khuất sau bậu cửa ngóc đầu dậy nhìn. Kỳ lạ là không thấy nó sủa người lạ, cứ lấm lét nhìn người thanh niên đang cười tươi đằng kia. Nó hếch mũi lên ngửi ngửi rồi lại nằm bệt xuống nhưng đôi mắt vẫn không ngừng dò xét. Ông tôi bị lớp khói mờ mịt che mắt nên không nhìn ra là ai, đành đứng dậy đi ra. Gần đến nơi mới nhận ra người, ông cười nói:

-Thì ra là cậu Khanh!

Ông tôi mở then chốt cổng, người thanh niên bước vào sân, thái độ thoải mái, nói:

– Lâu lâu mới ghé nhà chú Thanh, dạo này cô chú vẫn mạnh khoẻ chứ ạ?

– Vâng, cũng may trời thương, tôi và bà nó vẫn khoẻ cả.

– Cô đâu rồi chú, giờ này chắc đang nấu cơm nhỉ?

– Bà nhà tôi mới xuống tỉnh thăm mấy đứa sáng nay rồi.

– Vậy ạ, lâu lắm rồi cũng gặp thằng Quân, thằng Mạnh, bọn nó có hay về thăm nhà không chú?

– Cái sự học hành phải để lên đầu chứ cậu, tụi nó cũng ít về lắm, hai ông bà già tôi vẫn còn tự lo thân được. À mà bố cậu dạo nay sao rồi?

– Bố cháu xuất viện được nửa tháng rồi, giờ sức khoẻ cũng hồi phục một hai phần rồi chú!

– Vậy là mừng rồi, từ hồi sang thăm bá ấy đến giờ nhà tôi cũng bận nên chẳng mấy khi đi đâu.

– Cháu hiểu mà.

Người thanh niên khoát tay cười xòa.

– Cháu cũng thế mà, có đi đến đâu được đâu, cả thanh xuân chỉ để đi bốc thuốc thôi chú ạ!

Cậu ta vừa nói vừa giơ hai bàn tay ra trước mặt minh họa, ưu phiền nói.

– Nói thật, là vì tâm nguyện của bố cháu nên cháu phải theo, ông cụ gần đất xa trời rồi, trả nghĩa được ngày nào hay ngày nấy!

Ông tôi đứng nghe chàng trai tâm sự, thỉnh thoảng lại khẽ gật đầu vẻ cảm thông:

– Cậu nghĩ thế là phải, cha truyền con nối mà, cố gắng mà phát triển cái nghề gia truyền của dòng họ, trách nhiệm của “đích tôn” nặng nề lắm chứ chẳng đùa đâu!

Ông đưa tay vỗ vỗ vai cậu ta.

– Ấy thế mà cháu lại thích ông truyền cháu nối hơn! Ha ha!

Chàng thanh niên cười xòa rồi nói một cách hóm hỉnh.

Ông tôi khẽ cười khan một tiếng, hình như là hiểu ý cậu ta muốn nói gì.

– Sinh nghề tử nghiệp, thôi thì chọn cái nghề nào nhẹ nhàng thì ta làm cậu ạ. Còn cả dòng họ nữa đâu phải chuyện đơn giản. Thôi cậu vào nhà ngồi đi, tôi đang đun dở ấm nước, sắp sôi tới nơi rồi, có cái pha ấm chè rồi làm ván cờ chứ nhỉ!

– À, thôi để dịp khác chú ạ! Hôm nào rảnh cháu lại sang, có thì giờ, so tài mới hứng khởi chú ạ. Nay cháu sang là định xin chú mấy cây tre để về làm cái giàn phơi thuốc. Dạo này khách nhiều, chỗ giàn phơi kia không đủ mà phơi thuốc..

– Hỏi gì thì khó chứ dăm ba cây tre thì nhà này thiếu gì, cậu xuống nhắm cây nào thì chặt cây đó!

Ông tôi vừa nói vừa đẩy vai cậu ta, không quên chạy vào bếp lấy thêm con dao rựa cho cậu chàng cầm theo.

Khanh vừa cầm dao vừa nhắm hướng vườn dưới nhà ông nội mà đi, bất chợt, cậu ta quay đầu lại nhìn vào phía trong nhà, sau đó mới bước tiếp.

Vì đang đun dở ấm nước nên ông tôi không đi cùng cậu Khanh. Lúc này, cậu Khanh đã xuống đến khu vườn rộng lớn của nhà tôi. Cả khu vườn mênh mông bao trùm lên bóng áo trắng thanh nhã của cậu. Cậu Khanh chưa vội ra chọn tre ngay, còn thong thả rảo bước thăm thú khu vườn um tùm cây cối. Chợt ánh mắt cậu Khanh dừng lại ở cây dừa mà ông tôi dựng hàng rào. Những vết cào xé ở gốc cây nay đã khô và thâm lại. Cậu Khanh tiến lại gần để quan sát kỹ hơn, đưa ngón trỏ ra sờ vào một vết rạch ngang khá sâu ở gốc cây rồi đưa lại gần mũi ngửi. Trên đầu ngón tay trỏ của cậu ánh lên một sắc đỏ nhàn nhạt dưới ánh nắng. Cậu Khanh khẽ nhíu mày, ngẩng đầu nhìn lên phía ngọn dừa. Lát sau, cậu mới đứng dậy phủi phủi bàn tay, vẻ mặt có phần đăm chiêu.

Cậu bước chầm chậm đi dọc theo bìa vườn, gần cái hàng rào ngăn cách hai khu vườn, một lớn, một nhỏ của hai nhà. Gương mặt cậu vẫn giữ nét bình thản, duy chỉ có đôi mắt sáng là đang âm thầm quan sát phía dưới đôi chân mày rậm. Cậu đứng sát bờ rào, hướng ánh nhìn về phía nhà ông Lân. Chợt tiếng lá cây xào xạc, một luồng gió khô dị hợm từ bên kia vườn thốc tới, mang theo một mùi tanh tưởi. Cậu Khanh khẽ chau mày, mắt sắc nheo lại, khẽ “hừ” một tiếng. Lúc này sực nhớ ra việc chính, cậu chàng mới nhặt con dao rựa đi về phía bờ tre. Cậu Khanh biết, rất xa ở một xó tối lạnh lẽo và im lìm trong ngôi nhà của ông bà Lân, có hai bóng đen đang chằm chằm quan sát cậu.

Ở trên nhà, ông tôi đã đun xong ấm nước, đang ngồi ở bàn uống nước lau chùi lại cốc chén ngồi đợi cậu Khanh lên. Một lát sau thì thấy bóng áo trắng thấp thoáng ngoài mé vườn, trên vai cậu Khanh vác hai cây tre khá dài, trán rịn mồ hôi. Dáng dấp thư sinh là thế nhưng cậu chàng không vì thế mà tỏ ra “chân yếu tay mềm”, tay chân đều toát lên vẻ săn chắc do luyện tập, tu dưỡng đều đặn. Có lẽ đây là một phần mà ông nội của cậu để lại cho đứa cháu đích tôn nhà họ Hứa.

—————————–

– Chú Thanh ơi, tre nhà chú đúng là tre tốt!

Khanh đặt hai cây tre nước vỏ xanh biếc xuống sân, đưa tay áo quệt mồ hôi. Thấy vậy, ông tôi cười khà khà vẫy cậu ta vào nhà ngồi nghỉ. Hai người, một già một trẻ ngồi bên bàn nước, trên bàn chỉ có ấm nước chè khô, ấy vậy mà trông thi vị vô cùng. Cậu Khanh ngồi dựa lưng vào thành ghế, nhìn thấy bộ ấm chén, bèn với tay nhấc lên xem. Cậu ta vừa quan sát vừa nói:

– Ái chà, chú Thanh có bộ trà đẹp quá!

– À, cái này là của ông cụ thân sinh ra bà nhà tôi để lại. Tôi cũng không rõ lắm, thấy bà nó kể là đồ của thầy, thầy dặn là để dùng trong nhà, giữ gìn cẩn thận. Còn một cái bình cắm hoa nữa, kia kìa.

Ông tôi chỉ về phía kệ tủ gỗ ở góc tường. Một cái bình củ tỏi cỡ vừa màu trắng được đặt trên đó.

Cậu Khanh nhìn theo, càng tỏ ra hứng thú, bèn đứng dậy ra tận chỗ nhấc lên xem. Cái bình bề ngoài khá đơn giản. Dáng củ tỏi, thân phình to, thắt dần lại về phía miệng. Nước men của nó không quá bóng, không quá mịn và trơn. Lại ko phải một màu trắng ngà mà là trắng hơi xám, điểm li ti những đốm đen. Trên thân bình vẽ màu một vị cổ nhân Trung Hoa. Cậu Khanh xoay ngang xoay dọc cái bình rồi nói:

– Ông nội cháu khoái mấy món đồ cổ này lắm. Hình như hình vẽ vị cổ nhân này cháu có xem qua trong sách của ông nội rồi. Để xem nào, là Hán Chung Ly! Đúng rồi, Hán Chung Ly trong sách của cụ Vương Hồng Sển. Còn gọi là Chung Ly Quyền, một trong Bát tiên. Tay cầm phất chủ là bảo bối, khi vượt biển thả xuống nước sẽ đi thoăn thoắt. Nét vẽ thanh thoát, bay bổng quá. Đúng là đồ quý!

Nghe cậu Khanh giải thích, ông tôi thì lắc đầu cười phào:

– Tôi không sành mấy lĩnh vực này lắm. Tiện cái là, có cái bình cắm hoa ngày rằm, ngày lễ cho nó tươm tất cậu ạ.

Cậu Khanh quay lại bàn uống nước, ngồi xuống nhấp một ngụm chè. Bỗng nhiên cậu im lặng, ánh mắt sâu kín, quay ra nhìn về phía vườn cây, sau đó mới nhỏ giọng nói:

– Chú Thanh này, nhà chú Lân đi đâu sao nãy cháu ngó qua, thấy cửa nẻo khoá im lìm thế chú nhỉ?

– À, hai người nhà bên ấy mới đi xuống tỉnh khám bệnh chiều qua rồi. Nghe bà nhà tôi nói chú Lân bị đau lưng.

– Vậy ạ? Thế cô Phùng thì sao chú? Có đau ốm gì không?

– Tôi cũng không rõ, dạo này không thấy hai cô chú ấy ra ngõ chơi, nhà tôi thì cũng bận, “gần nhà xa ngõ” là thế đấy.

Ông tôi vừa phân trần vừa rót thêm nước chè vào chén của cậu Khanh. Cũng không hiểu vì sao cậu chàng lại hỏi như vậy.

Trước thông tin này, cậu Khanh không nói gì chỉ khẽ gật đầu. Chừng như suy tư vài giây rồi mới lên tiếng:

– Chú Thanh này, hơi đường đột nhưng cho cháu hỏi là dạo gần đây, trong nhà chú có xảy ra việc gì lạ lùng không?

Cậu nhỏ giọng thăm dò. Ông tôi ngớ ra hỏi:

– Sao tự nhiên cậu lại hỏi vậy?

Dù đã biết chàng thanh niên này có khả năng cảm nhận được chuyện tâm linh nhưng ông tôi vẫn không khỏi có phần ngạc nhiên.

Cậu Khanh hơi cúi đầu, mỉm cười đáp:

– “Điêu trùng tiểu kỹ”, cháu đây không có tài cán gì, linh tính chẳng biết có chính xác hay không. Cháu chỉ lo nhà cô chú neo người, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì không hay. Thôi thì, nếu có chuyện gì khó khăn cháu có thể giúp, chú cứ qua gặp cháu. Giờ cũng muộn rồi, cháu xin phép về trước.
Cậu Khanh nói xong liền đứng dậy bước ra sân, vác hai cây tre lên vai. Ông tôi ra mở cửa cho cậu chàng rồi trở vào nhà. Cậu Khanh vừa ra khỏi cổng thì nghiêm mặt, nhìn vào trong sân, trước khi rời đi, cậu khẽ lắc đầu, miệng thì thầm:

-Sao phải trốn?

Cậu Khanh về hồi lâu, ông tôi ngồi một mình ở bàn trà, trầm ngâm suy nghĩ. Cậu thanh niên tên Khanh ấy, ông còn lạ gì. Ông biết cậu chàng từ khi cậu ta còn nhỏ. Về lai lịch nhà họ Hứa ông không được rõ lắm, chỉ biết, Hứa Yên – ông nội của cậu Khanh, đã định cư ở vùng quê này từ rất lâu rồi. Hồi trẻ, ông cụ Yên hành nghề khám bệnh và bốc thuốc, kiêm cả cúng bái, ma chay, lễ lạt cho người dân trong vùng. Ông cụ là người nho nhã, tính cách khiêm nhường, khảng khái. Những nhà nào khó khăn về kinh tế, cụ thường khám bệnh, cho thuốc miễn phí, hoặc làm lễ lạt không lấy công, coi như làm công tích đức cho con cháu. Hơn nữa, cái nghề của ông cụ không được phép tham lam, lợi dụng để mưu cầu danh lợi, ắt hoạ tại thân. Cụ Yên hay nói câu ấy mỗi khi muốn từ chối nhận tiền bạc từ mọi người.

Khi gia đình ông tôi mua mảnh đất này rồi dựng nhà sinh sống, đã thấy nhà họ Hứa be bé nằm ở mặt đường to, dẫn vào ngõ nhà tôi, thường hay có người lui tới. Cậu chàng Khanh lúc ấy mới là một đứa nhóc độ dăm mười tuổi, thường hay chạy ra đường chơi. Bà tôi hồi trẻ cũng có mấy lần ghé nhà nhờ cụ Yên khám bệnh bốc thuốc rồi làm vài ba cái lễ lạt. Sau này, khi lớn hơn, đám trẻ cũng thường hay qua lại, chơi đùa với nhau. Dần dần vì tuổi cao sức yếu, cụ Yên để ông Đồng là người thân sinh ra Khanh tiếp tục hành nghề chữa bệnh bốc thuốc, còn cái nghề thầy pháp kia thì ông Đồng nhất quyết không chịu học, và cũng cấm luôn cậu con trai. Nào ngờ, nó lại yêu thích cái nghề kỳ lạ ấy của ông nội. Hồi bé mỗi khi cụ Yên thi lễ hay làm phép, cậu bé thường bám theo xem và học trộm. Lớn thêm chút nữa thì xin cụ dạy và chỉ bảo qua sách vở. Chính bản thân Khanh cũng từng không ít lần đối mặt với ma quỷ từ khi còn nhỏ. Cậu bé gọi đó là những cuộc phiêu lưu kỳ thú, rất đáng để trải nghiệm. Cũng từ những cuộc phiêu lưu kỳ thú ấy, mà trên khắp người Khanh, đầy những vết sẹo to, nhỏ như minh chứng về tuổi thơ dữ dội của cậu chàng. Điều này làm người cha như ông Đồng lo lắng, ông chỉ có mỗi đứa con trai này, cũng là đích tôn của cả dòng họ. Ông Đồng kiên quyết ngăn cản con trai dấn thân vào cái nghiệp trừ ma diệt quỷ của ông nội. Ấy vậy mà cậu chàng vẫn lén lút giấu người lớn tham gia ít nhiều về mấy vụ tâm linh trong vùng, đến giờ vẫn vậy.

Đang ngồi suy nghĩ lan man về gia đình nhà hàng xóm, một cái bóng lù lù từ trong gian buồng đi ra khiến ông tôi giật thót mình.

-Mày đi đâu nãy giờ đấy?

Con Vàng nghe tiếng ông quát, nó cụp tai xuống, lững thững đứng ở mép cửa, nghếch mõm nhìn ra cổng, chừng đã yên tâm, nó mới khẽ khàng nhảy qua bậu cửa đi ra sân. Ông tôi nhìn theo hành vi kỳ lạ của nó, chẳng hiểu chuyện gì.

Bẵng cái đã tới xế chiều. Ông tôi lúc này đã lại cơm nước xong xuôi, nhà có mỗi một mình, không có việc gì làm, mấy hôm nay toàn gặp chuyện đau đầu nên ông cũng chẳng còn tâm trí nào mà đi ra làng ra ngõ, cứ quanh quẩn ở trong nhà. Đến cái vườn quen thuộc ngày thường vẫn hay xuống dọn dẹp, làm lặt vặt bây giờ lại chẳng buồn bước chân xuống nữa. Giờ đây, mỗi khi nhớ đến nó là trong đầu ông tôi lại hiện lên cái gốc cây nham nhở, cái võng đong đưa và cái miệng trắng đang ngoác ra cười bí hiểm. Ông muốn bà đi khỏi nhà mấy hôm là vì lo cho bà, sức khoẻ vốn đã yếu, lại bị “chúng nó” trêu chọc mấy hôm nay, nếu còn tiếp tục, e là tự đổ bệnh mà nằm liệt giường. Thôi thì đẩy bà đi chơi mấy hôm rồi ở nhà từ từ ông sẽ tính. Cùng lắm là tìm người giúp đỡ. Bằng cách nào đó phải đuổi “chúng nó” ra khỏi mảnh đất của gia đình.

Ông ngồi trên bậc hè dưới mái hiên trầm ngâm suy nghĩ, nhìn lên bầu trời lúc này đã chuyển từ màu xanh thăm thẳm sang một màu vàng ửng hồng. Mặt trời đã lặn hẳn chỉ còn vương lại chút vầng hào quang nhợt nhạt. Đêm tối lại sắp sửa kéo về bao trùm lên vạn vật, người ta thường hay quan niệm rằng, âm thịnh thì dương suy. Những điều ma quái, dị thường như những cái rễ cây gai góc xương xẩu cứ theo cái đà ấy mà sinh sôi nảy nở, lây lan phát triển không ngừng, quấn lấy và nuốt chửng tâm trí người sống đi vào hoang mang, lo sợ cùng bế tắc.

Chợt từ trên trời vọng xuống những tiếng quác, quác, ngửa mặt lên nhìn thì không trông thấy gì. Ấy là tiếng con chim lợn, còn nghe bảo rằng, mỗi khi có tiếng chim lợn kêu mà nó đậu lên nóc nhà ai thì nay mai trong nhà ấy sẽ có người chết. Bà tôi mà ở nhà giờ này thể nào cũng đứng dưới hiên ngửa mặt lên mà quát:

-Phỉ phui cái mồm mày đi!

Con Vàng đang nằm trên bờ tường hoa, nghe tiếng ấy thì nghếch mõm lên, hai tay nhọn dựng đứng. Lúc này ông tôi mới chống tay đứng dậy trở vào nhà, chuẩn bị ra khoá cổng rồi đóng cửa nẻo vào nằm nghe đài một lát rồi ngủ. Chỉ mong có thể được ngủ ngon trọn vẹn một đêm, không bị thứ gì quấy phá.

———————

Đêm nay là một đêm cuối tháng. Trời nồm oi ả.

Nghe đài báo đang chuẩn bị có đợt gió lào ập về. Thời tiết sẽ còn bức bối hơn nhiều. Nằm trên giường có quạt máy mà vẫn không sao xua hết được cái nóng dữ dội của mùa hè. Trằn trọc mãi vẫn không ngủ được, ông tôi đành trở dậy mở hé một cánh cửa sổ ra cho thoáng khí. Gian buồng thấp và nhỏ đóng kín mít, ngột ngạt thì khó ngủ là phải.

Ngoài trời tối đen như mực.

Ngó qua song cửa, cũng không thấy con Vàng đâu. Đêm nay khá yên tĩnh, chốc chốc chỉ nghe thấy tiếng dế kêu râm ran. Ông tôi lại quay trở vào màn ngả lưng nằm xuống. Có thêm ít khí trời từ bên ngoài tràn vào nên cảm giác dễ chịu hơn, khiến ông từ từ chìm vào giấc ngủ.

Chẳng biết qua bao lâu, đang nằm nghiêng mình xoay lưng về phía cửa sổ, ông tôi bỗng mở choàng mắt, bên ngoài vừa có tiếng động lớn. Tiếng này nom như tiếng vật gì đó vừa cứng vừa nặng đập vào cánh cửa sổ gian buồng.

Ông tôi tỉnh hẳn, nằm im lắng tai nghe. Cảm giác sống lưng cứ lạnh toát. Ông muốn quay đầu xem thử nhưng chợt nhận ra toàn thân không sao cử động được. Một cơn gió ma quái từ phía cánh cửa sổ đang mở thốc thẳng vào buồng kéo theo một thứ mùi tanh tưởi. Cánh cửa bằng gỗ cũ kĩ nhiều chỗ đã bị mọt ăn rỗng gặp gió là bắt đầu lung lay, bản lề rỉ sét phát ra những tiếng “kẽo kẹt” khô khan càng khiến tinh thần ông tôi trở nên căng thẳng gấp bội.

Bầu không khí rõ ràng đang oi ả, đến gió từ quạt máy đặt phía chân giường thổi ra còn khó chịu, nhưng cơn gió vừa rồi lại khiến ông tôi chẳng rét mà run. Chớp mắt trôi qua, tất thảy lại biến mất như chưa từng xảy ra chuyện gì. Không gian yên ắng, cánh cửa cũ thôi kẽo kẹt. Trong buồng chỉ còn lại tiếng vù vù của chiếc quạt phát ra, át đi tiếng thở nặng nề của ông nội tôi.

Bấy giờ ông tôi vẫn chưa kịp hoàn hồn. Những gì mới xảy ra khiến thần kinh ông căng như dây đàn. Sự lì lợm của một cựu chiến binh chính là vũ khí duy nhất để đấu lại với những điều ma quỷ vào thời khắc này. Cơn gió lạnh lại lần nữa thổi đến, mang theo một tràng âm thanh ma quái.

U….u…u…
Chiếc màn bị thổi tung. Mồ hôi trên trán ông tôi bắt đầu vã ra. Ông mắng thầm trong bụng, nghiến răng cố gắng vùng vẫy. Đúng là bị bóng đè thật rồi.

Đúng lúc này, một tiếng hét chói tai từ ngoài kia vọng vào lảnh lót:

-Á…á…á!

Tiếng hét rùng rợn ấy nghe tinh nghịch lại xen lẫn cả chút hờn trách của một đứa trẻ con. Nó như muốn bẻ gãy những song cửa gỗ để chui vào nhưng hình như vô ích bởi có thứ gì đó đã chặn lại. Ông tôi cứ thế chịu trận phải đến nửa phút trôi qua, lưng áo rịn mồ hôi lạnh ngắt. Bỗng bên tai nghe thấy có âm thanh khác xen vào. Đó là những tiếng gầm gừ cảnh giác và hung dữ. Là tiếng của con Vàng!

Sau khi nghe thấy tiếng gầm gừ của con chó thì lạ lùng thay, ông tôi khẽ rùng mình rồi toàn thân bắt đầu có cảm giác trở lại, tay chân không còn cứng nhắc nữa. Ông quay đầu liếc nhìn phía cửa sổ chỉ toàn một màu đen đặc của màn đêm. Đêm tối mờ mịt vô tình trở thành kẻ đồng lõa với thứ ma quỷ kia, giúp nó ẩn náu và hại người.

Ông tôi ngồi hẳn dậy ngồi ở mé giường căng mắt nhìn ra. Chỉ nghe tiếng con Vàng tru lên một hồi ghê rợn, rồi lại sủa không ngừng, móng chân cào xuống nền gạch vang lên loẹt xoẹt. Dần dần mắt ông tôi cũng đã quen với bóng tối, bèn nhẹ nhàng lần mò đi ra nép mình sau song cửa quan sát. Chỉ ngay sau đó, những gì chứng kiến được khiến ông tôi kinh ngạc tột độ. Ngoài sân, cách đó không xa, hình dáng một con chó hiện lên mờ nhạt giữa màn đêm đen đặc.

Nó đứng phủ phục dũng mãnh. Phía chót đuôi phát ra một thứ ánh sáng nhàn nhạt như dạ quang màu cam đỏ, lông đuôi xoè ra hơi rung động. Thứ ánh sáng ấy cứ lập lờ lúc tỏ lúc mờ, nom như ngọn lửa nung âm ỉ chỉ chực được bùng lên một cách dữ dội, có thể thiêu cháy bất cứ kẻ nào to gan dám tiến lại gần thành tro bụi. Có tiếng xào xạc, sột soạt xen lẫn giữa những lùm cây, xa dần về phía khu vườn, tựa hồ có thứ gì đó đang di chuyển rất vội vã.

Ông tôi vội quét tia mắt đuổi theo. Giữa một không gian tối om, không rõ đâu là cây đâu là bóng tối, có bốn đốm sáng xanh biếc như ánh ma trơi đang di chuyển giữa lưng chừng mặt đất. Sực nhớ đến con mèo đen ma quái từng xuất hiện bên sân nhà hàng xóm, ông tôi không khỏi rùng mình. Liệu nó có liên quan gì đến những sự việc li kỳ vừa mới xảy ra hay không?

Ngay lúc ông tôi đang hoang mang trong lòng, dường như phát giác ra điều gì, ông khẽ chau mày lại. Tối hôm qua, ông và bà tôi chỉ nhìn thấy có một con mèo, nhưng đêm nay tới tận bốn con mắt, nghĩa là không chỉ có một, mà là có đến hai con.

Phía trong sân, hai mắt con Vàng lúc này cũng hắt ra một sắc đỏ tựa hồ như đốm lửa lập loè, sau đó dịu dần rồi biến mất. Con Vàng còn giữ tư thế tự vệ ấy chốc lát, sau đó nó mới quay đầu nhìn vào ô cửa buồng. Ông tôi giật mình vội vàng thụp đầu xuống, cũng chẳng hiểu tại sao lại phải làm như vậy. Một cảm giác chạy qua rất nhanh. Chính là cảm giác lén lút của một kẻ đang đứng rình mò người khác.

Con Vàng chẳng biết có nhìn thấy ông tôi hay không, nó khẽ khịt khịt mũi, cái mõm dài và đen hếch lên, hai mắt lại như lần trước ánh lên một màu xanh nhạt như lục bảo rồi tắt ngấm. Vàng ngồi chồm hổm giữa sân, đưa bàn chân lem nhem thứ bùn đất nâu đỏ đặc quánh đang bốc mùi ngai ngái lên lấy lưỡi liếm láp. Chốc chốc nó dừng lại, nghển đầu lên chăm chú nhìn ra vườn cây tối om bên dưới, hai tai dựng đứng lên nghe ngóng. Bất chợt, nó đứng dậy nhảy phắt lên bậu tường hoa, chĩa mõm về hướng vườn cây nhe răng gầm gừ. Hai con mắt nâu thẫm lại bắt đầu lóe lên ánh đỏ kì ảo. Hành động này khiến ông tôi một phen nữa thất kinh, nhấp nhổm nhìn ngó không yên. Con Vàng ngửa cổ sủa một tràng dữ dội rồi phóng vọt xuống, rẽ những bờ cây bụi cỏ thấp lao xuống cánh vườn bên dưới. Hai chấm đỏ sáng lập loè, xa dần rồi mất hút vào bóng tối. Phía khu vườn rộng, màn đêm rì rào, thâm u, chẳng biết còn che giấu bao nhiêu thứ nguy hiểm khó lường đang chực chờ phía trước.

———————–

Tiếng kêu tích tắc từ chiếc đồng hồ ngoài nhà điểm từng giây trôi qua một cách nặng nề. Cứ tưởng sẽ được ngủ một giấc ngon lành nhưng đâu ngờ những điều ma quái dị thường lại diễn ra ngay trước mắt, ngay trên mảnh đất của hai ông bà. Ông tôi trở lại giường, ngồi phịch xuống bên ngoài chiếc màn ban nãy vừa bị cơn gió ma thổi tung. Khi con Vàng lao xuống khu vườn dưới, ông tôi sửng sốt đứng căng mắt nhìn theo nhưng không thấy gì đành từ bỏ. Tâm trí ông nội tôi trở nên hoang mang. Phần vì đám mèo đen, phần là bởi chính con chó trung thành của gia đình. Những biểu hiện quái dị chẳng thể nào giải thích được khiến ông càng lúc càng thêm căng thẳng. Đêm còn dài quá.

Đang ngồi bần thần suy nghĩ, linh tính mách bảo ông tôi rằng “chúng nó” sẽ chưa dừng lại. Qủa nhiên, sự yên bình chỉ kéo dài trong chốc lát ngắn ngủi, trước cơn bão thì thường lặng gió.

Từ trong không gian yên ắng, ông tôi nghe thấy những âm thanh ngày một rõ dần. Chuỗi âm thanh văng vẳng, lặp đi lặp lại và vang vọng:

-Hi hi hi ha ha…

Ông tôi thất kinh nhận ra, đó chính là điệu cười tinh quái của “chúng nó”.

Tràng cười rùng rợn không ngừng rót vào tai ông, khiến đầu óc ông tôi như muốn nổ tung. Bỗng:

– Phạch….phạch.., quác….quác…

Nối tiếp sự ồn ào là một chuỗi âm thanh hỗn loạn khác, dường như phát ra từ phía chuồng gà, bởi tiếng đập cánh loạn xạ và tiếng kêu hoảng loạn của chúng. Ông tôi tỉnh táo lại, đưa tay lần nơi đầu giường tìm cây đèn pin, đi nhanh ra ngoài.

Mở cửa bước ra sân, một cảm giác lành lạnh từ không gian mênh mông ập tới khiến ông tôi chưa kịp thích ứng, ngay lập tức cảm thấy lạnh toát người. Chẳng ngờ không khí ngoài này lại âm u, lạnh lẽo đến thế. Mặc kệ những điều dị thường này, ông tôi lặng lẽ nhằm hướng giếng nước đi tới. Màn đêm vô tận bao trùm, ánh sáng hạn hẹp từ chiếc đèn pin không đủ soi rõ mọi thứ xung quanh. Ở ngọn ánh đèn hiện lên một khối ghi nhạt là bờ giếng lớn, đằng sau là chuồng gà tối thui thui.

Một vài cọng lông gà vẫn còn chao đảo trong không trung.

Tuy không còn nghe tiếng con gà nào kêu nữa, chỉ có tiếng phạch phạch đứt quãng ở bên trong. Một cảm giác căng thẳng bao trùm lên ông tôi khi dần tiến lại cái chuồng gà. Lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi, mặc dù cả người lại đang lạnh toát.

-Dù mày có là cái giống gì, tao cũng quyết liều với mày một phen, để xem ai sợ ai!

Ông tôi bực bội quyết tâm trong bụng, tay nắm chắc cây đèn pin. Chỉ còn cách chuồng gà mấy bước chân, thì từ trong ô chuồng tối thui đột ngột bay ra một thứ, phóng về phía ông tôi đang đứng. Ông tôi giật mình vội vàng tránh sang một bên. Chưa kịp định hình ra là gì, lại một cái nữa bay ra, phóng ngay qua mặt ông rồi đáp xuống đất, nghe ra một tiếng vỡ nát.

Ông tôi nhanh chóng lia đèn ra xem xét, không ngờ lại nhìn thấy hai quả trứng gà vỡ nát, lòng đỏ lẫn với lòng trắng nằm be bét một đám nhầy nhụa. Ông tôi bặm miệng, cơ hàm bạnh ra tức giận. Mấy quả trứng ấy, là bà tôi đã lọc ra kỹ càng để cho mấy con gà mái ấp, hy vọng sẽ nhanh chóng nở ra đàn gà con để dành cho dịp tết. Kẻ nào ngang ngược dám giở những trò này?

Tức giận nhất thời khiến ông tôi quên hết sợ hãi, quắc mắt định xông tới mở tung cánh cửa chuồng tạm bợ xem thực hư ra sao thì lại tiếp một quả trứng khác bay ra.

Trứng gà trong ổ cứ như được ai nhặt lên rồi ném ra ngoài như chọi đá. Ông tôi vươn tay mở tung cánh cửa chuồng gà bên trái, đồng thời chiếu đèn pin vào trong. Ngay lập tức bên trong vọt ra một vật thể xù xì, to tướng, nó ré lên ghê rợn rồi nhảy bổ vào người ông tôi, khiến ông loạng choạng ngã ngửa ra sau. Hai tay ông bắt lấy người nó nên đánh rơi cây đèn pin xuống đất.

Trên nền gạch lạnh ngắt, ông nội tôi đang vật lộn với thứ không rõ lai lịch vừa phóng ra, trong lúc này kề cận, ông tôi mới nhận ra nó chính là con mèo đen dị hợm kia. Toàn thân nó đen xì tỏa ra một mùi hôi khó ngửi. Bộ lông dày và thô bết lại từng đám xù xĩnh. Đuôi nó không ngừng quất qua quất lại theo những tiếng khè khè phát ra từ cái miệng đầy răng nhọn.

Con mèo chĩa móng đen nhọn hoắt cào vào áo ông tôi, hai con mắt xanh lè phả ra ánh sáng lạnh lẽo nhìn chằm chằm vào ông, con ngươi đen hung ác co rút lại. Cái lưỡi đỏ lòm sặc mùi tanh tưởi của nó bắt đầu thè ra, trên mặt lưỡi chi chít những cái tưa nhỏ nhọn như gai, chực chờ liếm vào mặt ông tôi.

Hai tay ông tôi giữ chặt thân nó, cố gắng nghiêng người tránh né. Giằng co một hồi, rốt cuộc ông tôi dồn hết sức lực, gồng mình bóp chặt lấy cổ nó. Con vật đáng sợ giãy giụa, giơ hai chân trước lên cào loạn xạ, cào cả vào cánh tay của ông nội tôi. Đột nhiên lông mao toàn thân nó dựng đứng, toả ra một luồng khí nhạt màu đen vần vũ như khói thuốc bay lên cao. Hai tròng mắt nó giãn căng mở trừng trừng.

Ông tôi hoàn hồn quăng nó xa ra, con vật giãy giụa rồi đứng dậy, xù lông ré lên một tiếng lạnh người rồi vọt nhanh vào phía bụi rậm mất dạng. Lúc bấy giờ ông tôi mới lảo đảo đứng dậy, bám vào thành giếng thở hổn hển, mồ hôi thi nhau lăn xuống từ trên trán. Tỉnh táo chừng mấy giây sau, ông tôi mới nhặt cây đèn pin đang nằm lăn lóc trên đất rọi vào trong chuồng gà. Bên trong có hai tầng, tầng trên đặt ba cái giành bé lót đầy rơm vàng làm ổ cho mấy con gà mái đẻ và ấp trứng, tầng bên dưới, hai con gà mái đang nằm xơ xác trên mặt đất, vỗ cánh tán loạn.

———————–

Tiếng gà gáy sáng khiến ông tôi đang nằm ngủ gật cạnh bàn uống nước giật mình tỉnh dậy. Cả đêm qua ông đã thức trắng, giống như vừa trải qua một cơn ác mộng…

Sau khi đem hai con gà còn sống đặt lại vào ổ rơm, ông tôi trở vào nhà, bật đèn gian giữa lên rồi ra ban thờ thắp mấy nén hương, mong tổ tiên dòng họ phù hộ độ trì, bảo vệ cho ông và gia đình thoát khỏi những thứ tà ma vất vưởng đang quấy phá. Thắp hương xong ông ngồi luôn ở bàn uống nước, con Vàng mãi vẫn chưa thấy về khiến ông có phần nóng ruột, có lẽ vì mệt quá, ông tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào.

Chỉ một đêm trôi qua mà sắc mặt ông tôi tệ đi hẳn. Đi ra mở cửa gian nhà chính, bầu không khí dịu nhẹ lúc sớm mai trong trẻo và dễ chịu ùa vào giúp tinh thần của ông thoải mái hơn chút ít. Ông chắp tay sau lưng đi ra sân, đứng gần bờ tường hoa nhìn xuống khu vườn mênh mông, ánh mắt xa xăm. Có lẽ, chỉ còn một cách duy nhất để sớm đưa gia đình ông thoát khỏi sự quấy phá của “chúng nó”. Nghĩ như vậy, ông tôi khẽ thở dài rồi cất bước trở vào nhà.

Mãi đến khi trời sáng rõ, con Vàng mới từ dưới vườn chạy lên, cả người bê bết bùn đất và lá tre. Trông thấy thế, ông tôi chỉ lẳng lặng quan sát, trong bụng thầm đoán đêm qua con chó đã đuổi theo một trong hai con mèo kia. Ông đưa tay vẫy con Vàng lại:

– Vàng, lại đây!

Vàng nghển mặt lên nhìn rồi quẫy đuôi lững thững chạy lại chỗ ông tôi. Ông cúi xuống xoa xoa đầu nó, sau đó dẫn nó đến gần chuồng gà, lấy xích sắt đã máng trên cột chuồng đeo vào cổ nó.

– Giờ tao đi vắng, nằm đây trông nhà nhé!

Con chó ngồi đấy, vẫy đuôi nhìn theo bóng ông đi vào nhà, miệng khẽ ư ử mấy tiếng. Sau khi sửa soạn xong xuôi, lấy cái mũ cối đội lên đầu, ông tôi đóng cửa nẻo cẩn thận rồi đi ra ngõ. Từ cổng nhà đi ra rồi rẽ trái mấy trăm mét là đến đường lớn, nơi có nhà cậu Khanh nằm ở ngay khúc quẹo bên phải.

Ngôi nhà hai tầng kiểu cũ nằm nép mình sau cây hoa phượng cao lớn, trổ bông đỏ rực cả một góc đường. Sát cây cột điện dây dợ chằng chịt dựng mấy chiếc xe đạp, xe honda. Mặt tiền tầng một ngôi nhà treo một tấm bảng hiệu lớn. Ông tôi ngó đầu nhìn vào thì thấy người đứng người ngồi, kẻ khám bệnh, người bốc thuốc. Cậu Khanh mặc áo sơ mi xanh nhạt đang ngồi bên một cái bàn gỗ, bắt mạch khám bệnh cho một phụ nữ tuổi trung niên. Ông tôi yên lặng đi vào, ngồi ở một cái ghế băng sát cửa chờ.

Cậu Khanh đang nói gì đó với người phụ nữ kia, ánh mắt vô tình nhìn ra cưat thì trông thấy ông tôi:

-Chú Thanh đến chơi, chú chờ cháu một lát!

Ông tôi gật đầu đáp lại rồi tiếp tục ngồi đợi cho vãn khách. Nhưng vì khách hơi đông nên độ nửa tiếng sau, cậu Khanh mới rảnh tay vẫy ông ra phía buồng trong rồi bảo:

– Chú chờ cháu có lâu không? Nãy cháu khám nốt cho mấy người kia để còn tiếp chú.

– Vậy giờ cậu có rảnh không, tôi thấy còn mấy người đang chờ mà.

– À, mấy người họ đã khám từ trước rồi, lần này đến tái khám và lấy thuốc tiếp thôi, việc này cháu giao cho người làm là được rồi. Chú lên lầu đi, rồi mình nói chuyện.

Cậu Khanh cười nói, chỉ lên phía cầu thang. Cậu dẫn ông đi lên tầng hai, vừa đi vừa kể:

– Dạo này mở rộng hiệu thuốc, dành nguyên tầng một để kinh doanh. Giờ cháu chuyển lên tầng hai, cạnh phòng thờ của gia tiên và ông nội, tiện thể trông coi luôn.

Quả thật cũng lâu rồi ông tôi chưa ghé thăm nhà họ Hứa. Cũng vì bận việc nhà, mà nhà cậu Khanh thì lúc nào cũng có người ra người vào, muốn gặp cũng không có mấy khi.

Tầng hai nhà cậu Khanh có hai phòng. Phòng thứ nhất đóng cửa. Cậu Khanh dừng lại ở căn phòng thứ hai, mở cửa ra mời ông tôi vào. Căn phòng vuông vắn, ngăn nắp. Cậu Khanh đi đến bàn uống nước là một cái sập nhỏ bằng tre xanh biếc, hai bên để hai cái nệm vuông màu vàng tơ. Cậu chàng khoanh chân ngồi, lấy phích pha trà bằng bộ ấm chén cỡ nhỏ màu ngọc bích. Ông tôi cũng ngồi xuống phía đối diện, ngắm nhìn khắp một lượt. Trên bức tường sơn trắng treo vài bức bích hoạ sơn thuỷ, đôi câu đối bằng chữ Nho và mấy tờ giấy màu vàng vẽ uốn lượn hình gì đó, nom chẳng hiểu. Bên phải căn phòng đặt một kệ tủ lớn, chứa toàn sách, một vài cái hộp vuông vắn, hai bình sứ cũ và một số đồ vật lạ mắt. Cậu Khanh đẩy chén trà, cắt ngang sự quan sát của ông tôi:

– Phải lâu lắm rồi chú Thanh mới ghé thăm đấy nhỉ?

– Nhà cậu bây giờ bận rộn, tôi chỉ sợ đến nhiều quá có người không thể tiếp được thôi, ha ha.

– Cháu chỉ e là có việc gì chú mới đến, chứ phía cháu thì lúc nào cũng hoan hỉ.

Cậu Khanh nói như thể đoán trước được lý do vì sao hôm nay ông tôi ghé thăm. Ông tôi cười gượng, đưa tay nhấp một ngụm trà rồi trầm giọng nói:

– Hoạ vô đơn chí, cả đời tôi xưa nay chưa làm điều gì thất đức, vậy mà…

Ông tôi nói xong liền ngán ngẩm thở dài. Cậu Khanh trầm ngâm nghe ông tôi tâm sự, dường như cảm nhận được sự nặng nề đằng sau câu nói của ông tôi, cậu nghiêm túc nói:

– Chú đừng nói thế, chuyện gì cũng có cách giải quyết. Thực ra hôm nọ qua nhà chú, cháu cũng đoán được phần nào. Có điều chú chưa mở lòng nói, cháu sao tiện tham gia.

Chuyện đã đến mức này, trong lòng đã rõ, mặt ngoài còn e là vậy, ông tôi thở dài nói:

– Đến nước này thì tôi cũng hết cách cậu ạ. Ở mấy chục năm trời yên lành, nay tự nhiên lại có biến. Không biết có thất lễ gì với gia tiên tiền tổ hay phạm vào ai không. May mà gần nhà có cậu, kẻo không nhà chúng tôi lại phải lặn lội một quãng xa để tìm người giúp. Mà cũng chẳng biết tìm ai cho tin cậy.

Nói xong, như trút được phiền não trong lòng mấy hôm nay, ông tôi thở dài, nhấp một ngụm trà nóng. Mùi thảo mộc dịu nhẹ thoang thoảng lan toả, khiến thần kinh, khứu giác khoan khoái và thư giãn lên nhiều. Cậu Khanh yên lặng nghe ông tôi tâm sự, có vẻ đang trầm ngâm suy nghĩ, giây lát sau mới lên tiếng:

– Cháu hiểu. Nhìn thần sắc chú không tốt, ấn đường tối đen, cháu đoán là bên nhà đang bị thứ gì không sạch sẽ ám vào. Theo nhận định của cháu, đây mới chỉ là bắt đầu thôi, nếu để kéo dài thì sẽ nghiêm trọng, e là nó diệt hết dương khí của cả hai nhà, chú và nhà chú Lân.

Cậu Khanh nói rành mạch từng chữ, dường như mức độ nghiêm trọng của sự việc đã tăng lên. Ông tôi hoang mang hỏi lại:

– Cậu nhìn thấy được chúng nó sao?

– Cứ cho là vậy ạ.

Cậu Khanh thừa nhận. Sau đó, ông tôi đem toàn bộ sự việc xảy ra tại nhà mấy hôm nay kể cho cậu nghe. Gồm cả vụ quấy phá của hai con mèo đêm qua nữa. Duy có con Vàng thì ông chỉ kể qua loa. Cậu Khanh nghe ông thuật lại đầu đuôi câu chuyện xong thì lên tiếng:

– Cái quan trọng nhất là phải tìm ra căn nguyên sự việc, hay nói cách khác chính là nguồn gốc của hai vong hồn trẻ con kia. Như vậy sẽ giải đáp được câu hỏi, tại sao nhà chú sinh sống bao nhiêu lâu nay không có vấn đề gì mà hiện tại chúng mới xuất hiện quấy phá, từ đó ta sẽ tìm cách giải quyết.

– Cậu nói đúng. Nhưng làm bằng cách nào?

– Cái này cháu chưa nói chính xác ngay được. Cần phải sang nhà chú xem xét lại cẩn thận đã.

Cậu Khanh xoay xoay chén trà trong tay, nghe cậu ta nói thế ông tôi cũng không tiện hỏi thêm nữa. Vài giây sau, như nhớ ra điều gì, cậu Khanh lên tiếng:

– À phải rồi, nhà chú hiện đang nuôi một con chó phải không?

– Đúng rồi, nãy tôi mới kể đấy. Con chó ấy là của thằng cả đem về độ hơn một tháng rồi. Đang tuổi lớn.

– Vậy ạ. Nó giống chó gì chú?

– Chó ta bình thường thôi. Được cái khoẻ mạnh, lớn nhanh mà khôn phải biết!

Cậu Khanh tiếp lời:

– Có điều, cháu định bảo với chú là….

– Cậu Khanh ơi!!! Có khách mới đến khám đang chờ!

Tiếng gọi từ dưới lầu vọng lên cắt ngang lời nói của cậu Khanh, đành phải dừng lại, cậu đáp vọng xuống:

– Cháu biết rồi, giờ cháu xuống ngay đây!

Xong đó, cậu quay sang nói vội với ông:

– Thế này vậy, giờ chú cứ về đi. Tình hình thì cháu tạm rõ rồi. Chiều nay cháu phải sang bên kia sông thu mua ít thảo dược, tiện thể qua thăm bố cháu luôn. Nếu về sớm thì tối cháu sang nhà chú, muộn thì tầm trưa mai cháu lại sang.

Ông tôi gật gật đầu, tiện thể hỏi thăm:

– Bác bá dạo này chuyển sang bên kia ở rồi hở cậu?

– Vâng, bố cháu chuyển về căn nhà cũ của ông nội ở cho thoải mái. Mẹ cháu còn chăm nom, nhà bên này người ra người vào, không tiện.

– Biết vậy. Thôi tôi về đây, cậu còn làm việc.

– Vâng. Chú cháu mình đi.

Xong xuôi, hai người đứng dậy đi nhanh xuống dưới nhà. Ông tôi xuống đến nơi, từ biệt cậu Khanh một câu rồi về luôn.

Bước ra khỏi nhà họ Hứa, ngửa mặt lên nhìn, trời đã sắp đứng bóng rồi. Cái nắng gay gắt chiếu xuống đỉnh đầu, ông tôi chắp tay sau lưng, đội mũ lên đầu, bước chầm chậm rẽ vào con ngõ nhỏ. Chợt từ bên kia đường có tiếng gọi giật lại:

– Anh Thanh, đi đâu đấy!!!

Ông tôi vội quay người lại, sau đó nheo mắt cười nói vọng sang:

– À vâng, chào chú!

Bên kia đường, một người đàn ông dáng người hơi thấp, đầu hói bóng loáng, bụng tròn phình ra, đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế nhựa trông mấy cái giỏ tre, lồng tre bày ngổn ngang trước hiên nhà. Đó là ông Vương, nhà ở mặt đường đối diện, thỉnh thoảng hay vào nhà ông tôi xin ít tre về đan lát. Ông Vương thấy ông tôi quay lại thì cười tươi rói khiến hai mắt hít lại, giơ tay vẫy vẫy ông cho bằng được:

– Anh Thanh, vào, vào đây đã!!!

Ông tôi chẳng rõ ông ta gọi vào có chuyện gì, nhân tiện đang rảnh rỗi nên đi thăm nom hàng xóm láng giềng luôn một lượt cũng tốt. Nghĩ thế, ông tôi ngó quanh nom xe cộ rồi rảo bước nhanh sang bên kia đường, nơi có ông Vương béo đang ngồi cười tươi khoe hàm răng giả trắng đều.

 
 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...