Bạn đang đọc: Ma Chó

Chương 2

25/12/2023
 
 

HỒI 2

Hồi ấy ở quê ăn cơm sớm lắm, độ một tiếng sau, trong nhà bà nội tôi đã dọn cơm xong, định bụng gọi ông lên rửa chân tay còn ăn cơm chiều. Ngó ra sân thì thấy ông đã đi lên từ lúc nào, cái võng vải vắt trên vai. Bà nói với ra:

-Ông quên mũ kìa!

Ông tôi liếc mắt lên ý chừng nghe thấy nhưng không nói gì. Rửa chân tay mặt mũi xong, hai ông bà ngồi ăn bữa cơm chiều dung dị, ít thịt kho, miếng đậu rán, canh rau muống với cà pháo. Con Vàng nằm ghếch mõm lên bậu cửa gian nhà giữa, mắt lim dim. Đây có lẽ là quãng thời gian thư giãn nhất của nó trong ngày.

Bữa cơm hôm nay nom có điều gì đó lạ lùng hơn mọi khi.

Không biết tự bao giờ, bầu không khí căng thẳng đã len lỏi vào ngôi nhà nhỏ bé này, bao trùm lên cả khu vườn rộng lớn, khoác lên nó một sắc màu kì bí mà trước nay chưa hề có. Bình thường, các con đều đi học ở trường tỉnh xa nhà, rồi đứa đi bộ đội, ở nhà chỉ có hai ông bà già với nhau, người ta sẽ nghĩ là neo và buồn lắm. Nhưng ông bà tôi thì khác, tuy nhà neo người nhưng ông bà vẫn lạc quan và tìm thú vui lúc nhàn rỗi. Ông nội tôi thường đọc sách báo, nghe đài. Bà tôi ban ngày ngoài những việc lặt vặt, nội trợ, thì hay đi chợ phiên mua dăm ba thứ cần thiết, chăm mấy con gà để dành khi nào bố và cô chú về thì thịt cho các con ăn. Hôm nay, mỗi người một bát cơm lưng, mạnh ai người nấy ăn, chẳng nói với nhau câu nào. Ông, bà mỗi người đều có suy nghĩ riêng. Ông tôi thì cảm thấy khó nghĩ với những chuyện mới vừa chứng kiến, kể cho bà nghe ư?

Từ trước đến nay, ông nội tôi đã đặt ra lề lối cho gia đình, một gia đình văn hoá với tư tưởng cải cách tiến bộ. Chính ông đã nói dối rằng mình chưa từng nhìn thấy ma quỷ, chưa từng tin vào chuyện ma quái, dị thường. Giờ nói ra, chẳng phải tự ông đang tát vào mặt mình?

Còn nếu lại giấu nhẹm đi, ai biết mấy chuyện khó hiểu kia còn xảy ra nữa hay không. Đến lúc ấy phải giải quyết thế nào?

Bà tôi để ý ông suốt bữa ăn. Không nhịn được bà mới lên tiếng:

-Ông à, hồi trưa tôi thấy ông đội mũ xuống dưới vườn, sao lúc nãy không cầm lên?

Ông tôi giả vờ đang nhai miếng cơm không trả lời. Bà lại tiếp:

-Mà có thấy ai chăn trâu gần bờ rào nhà ta nữa không ông? Nói thật, không hiểu sao, người tôi hai, ba hôm nay cứ nóng ran cả lên, đứng ngồi không yên. Trời đã nóng thì chớ!

Bà chép miệng than thở. Lúc này ông mới buông đũa, trầm giọng:

-Chốc nữa nói chuyện sau, bà dọn cơm đi, tôi cho con Vàng ăn.

Nói xong ông đứng dậy. Bà nhìn theo bóng ông đi ra khỏi cửa, không hiểu chuyện gì, nhưng cảm giác là nghiêm trọng lắm mới khiến ông trở nên như vậy.

Cơm nước dọn dẹp các thứ xong xuôi, trời mùa hè ngày dài đêm ngắn, tầm bảy giờ tối nhưng vẫn chưa tối hẳn, còn chạng vạng sáng. Cả khu vườn rộng lớn vào thời điểm này đều nhập nhặng một màu u ám và chìm lắng. Tiếng chim cuốc kêu ngoài cánh đồng xa vọng vào càng làm tăng thêm sự buồn tẻ và tịch mịch, vô thức khiến người ta có cảm giác thê lương. Người xưa thường nói, buổi chiều, nhất là lúc chập tối, thường là quãng thời gian dễ gây cho tâm trí con người những cảm xúc phiền não hoặc buồn bã. Ông tôi đi ra khoá cổng xong trở vào chốt mấy cửa chính vào cho cẩn thận rồi lên giường nằm.

Lúc đi ngang qua sân, ông tôi cắm cúi đi thẳng một mạch, không ngoái đầu nhìn ra phía vườn cây lấy một lần, dường như muốn tránh nhìn thấy những thứ không hay. Bà tôi tắt đèn đi ngủ, không trải chiếu ra hiên nhà nằm nữa. Bà vốn cũng yếu bóng vía, mà từ độ rằm đến nay cũng gần một tuần rồi, trăng không còn tỏ nữa. Đêm lại tối đen như mực.

Hồi ấy đã làm gì có điện đường ngõ xóm. Trong nhà còn đang dùng bóng đèn sợi đốt là chủ yếu, cho ánh sáng vàng vọt. Trong nhà, ông bà tôi lúc này đã nằm trên giường, bà phe phẩy cái quạt nan cho đỡ nóng. Trời mùa hè mà không có quạt máy nóng nực khó mà ngủ ngon được. Hôm nay ông nằm mãi vẫn chưa thấy ngáy, đang nằm ngửa vắt tay lên trán, dường như đang suy tư. Bỗng nhiên ông nói khẽ:

– Mai tôi đem cái quạt điện đi sửa.

– Tôi đang định bảo ông đây, mà ban nãy ông bảo có chuyện muốn nói, là chuyện gì vậy ông? Có phải ông nhìn thấy cái gì rồi không?

Bà nội tôi tiện đà bắt chuyện. Ông tôi im lặng mấy giây, chưa vội trả lời ngay. Lát sau mới nói:

– Gì thì gì, tôi vẫn không tin là trên đời có sự lạ như vậy. Bệnh già đấy! Thần kinh yếu rồi mắt mũi cũng kém, khéo là mơ ngủ lẫn quáng gà.

Bà tôi nghe ông nói đến đây, trong bụng đoán chắc ông đã nhìn thấy gì rồi, có điều ông vẫn bảo thủ cố gắng bào chữa mà thôi. Tính khí con người là vậy, khó thay đổi lắm. Bà nghiêng người hẳn về bên ông, vẻ nóng vội nói:

– Giả như chỉ mỗi tôi quáng gà, nay ông cũng quáng gà, sao khéo thế được! Lúc tôi nhìn thấy tôi vẫn còn tỉnh mà, mơ ngủ là cớ làm sao?

Dứt câu, bà ngóc hẳn đầu dậy nhìn thẳng vào ông, linh tính bảo bà, ông chắc chắn gặp phải chuyền gì lạ rồi. Ông tôi vẫn giữ nguyên tư thế, lồng ngực nhấp nhô.

– Hồi trưa nằm dưới ấy, hình như tôi nằm mơ…

– Có chuyện gì ông mau kể tôi nghe, hèn gì từ chiều đến giờ tôi thấy ông lạ lắm.

Thở hắt một tiếng nặng nề, cuối cùng ông tôi cũng quyết định kể cho bà tôi nghe.

Trở về lúc đầu chiều khi ông nội tôi lững thững cắp chiếc võng xuống vườn nằm canh. Vì nằm trên võng nên mặt hướng lên trời, đối diện thẳng với ánh nắng. Dẫu có tán cây xoan che chắn nhưng những tia nắng gay gắt buổi trưa hè vẫn xuyên qua chiếu xuống bên dưới. Ông tôi vì thế mới lấy cái mũ cối úp lên mặt tránh nắng cho dễ ngủ. Đang mơ mơ màng màng, thì ông nghe như có tiếng động rất nhẹ. Nó phát ra gần chỗ ông nằm, cảm giác như ngay trên đầu vậy.

Tiếng sột soạt ấy, là khi cành cây bị thứ gì tác động làm cho rung rinh và lá cây cũng xào xạc theo Những tưởng âm thanh này sẽ khiến ông tôi tỉnh giấc, nhưng ngược lại, tiếng xào xạc khe khẽ ấy vô tình như bài hát ru êm đềm càng khiến ông đi vào giấc ngủ sâu hơn, một chân chống xuống đất để đưa võng đã dừng lại, dần dần, hầu như chiếc võng đã dừng lại từ lâu.

Thế nhưng bất chợt, nó từ từ đưa sang phải, rồi lại đưa sang trái.

Cứ thế đều đều, y như có bàn tay vô hình nào đó đang đưa võng cho ông tôi vậy.

Thời gian dường như đóng băng trong khu vườn ngập tràn sự kỳ bí vào thời khắc ấy. Sau khi bắt đầu chìm vào giấc ngủ hồi lâu, ông tôi mơ màng chợt thấy khung cảnh chói loà. Đồng thời văng văng trong đầu ông tôi một tiếng cười khúc khích xa xăm. Điệu cười mang theo chút lém lỉnh, tinh nghịch lại có phần lén lút.

Sau đó, ông tôi cảm thấy chiếc mũ cối đang che trên mặt nhẹ nhàng bị một bàn tay nào đó lấy đi, khung cảnh bắt đầu trắng lên, dần lộ ra một bóng hình nhỏ đen thui không mắt, không mũi, chỉ độc có một cái miệng.

Cái miệng ấy rất kì dị, nó ngoác ra tận mang tai, với hàm răng trắng hếu. Cái bóng gỡ mũ ông tôi ra rồi cứ đứng ngó ông cười. Nó đứng hơi xiên xiên, tầm quan sát có hạn do đang nằm nên ông tôi không thấy hết được toàn bộ người nó. Có vẻ như nó đang đứng bên cạnh võng ngó vào. Lúc này ông mới thấy lạ, cứ thế nằm yên “nhìn” nó với vẻ khó hiểu, đến nỗi không nhận thấy một sự lạ khác, đó là có kẻ khác đang đưa võng cho mình.

Không biết qua bao lâu thì ông tôi bắt đầu thấy mỏi, phần vì ánh nắng chiếu xuống, phần vì võng đong đưa dễ bị chóng mặt. Ánh sáng chói loà từ mặt trời trên cao rọi thẳng xuống cùng với sức nóng vô cùng khó chịu rốt cuộc là thứ kéo ông tôi trở về từ cõi “mơ”. Ông giật mình đánh thót, đưa tay lên xoa mặt, nhưng vẫn nằm chứ chưa ngồi dậy được. Phải mất chừng một phút hoặc hơn để ông định thần lại tất cả, lúc này mới nhận ra cái võng còn đang đong đưa đều đều ngày một chậm lại.

Lạ quá!

Cảm giác rợn người bắt đầu xuất hiện, len lỏi trong từng gốc cây, tán lá, bao trùm lấy ông tôi, ông ngồi bật dậy, vẻ mặt thất thần. Đầu óc trống rỗng, ông tôi đứng dậy xỏ dép lật đật đi thẳng một mạch lên nhà, không ngoái đầu lại nhìn về vườn cây lấy một lần.

—————–

Không gian tĩnh mịch bao trùm lên màn đêm u tối.

Thỉnh thoảng có tiếng chó sủa ma xen lẫn với tiếng ếch nhái văng vẳng ngoài đồng. Tiếng kêu tích tắc từ cái đồng hồ cũ dường như trùng với tiếng thở nhè nhẹ của hai người đang nằm suy tư trong gian buồng. Đêm nay là một đêm khó ngủ với hai ông bà.

Ông nội tôi đã kể xong câu chuyện được một lát, không ai nói câu nào, có lẽ do những gì xảy ra quá quái dị khiến họ phải chau mày suy nghĩ. Đêm như dài lê thê. Trên ngọn dừa đứng im trong khoảng trời lặng gió hoà lẫn vào bóng đêm đen đặc, chợt hiện lên hai cái miệng hình bán nguyệt trắng hếu, sau đó là những tiếng cười khúc khích tan trong tiếng ếch nhái ộp oạp ngoài cánh đồng mênh mông.

Trong buồng, sau khi ngừng nói chuyện hồi lâu như để cố gắng dỗ dành giấc ngủ, nhưng ông bà tôi vẫn trằn trọc, bà cựa mình hết lần này đến lần khác. Ông đã quay lưng ra phía ngoài, lên tiếng gắt nhẹ:

– Bà cựa gì lắm thế!

– Tôi không ngủ được, trong lòng cứ phấp phỏng không yên! Có nên biên thư cho mấy đứa không mình?

– Không! Để yên cho chúng nó học, chưa gì đã nhặng cả lên!

– Thế ông định tính sao?

– Tính gì? Mới được một ngày, để xem tình hình thế nào rồi hẵng hay, đã rõ nó là giống gì đâu mà tính với toán!

Tự nhiên lại bị gắt oan, bà tôi đâm ra ấm ức, trở mình nằm đối lưng với ông, cự lại:

-Thế ông nghĩ nó là người phỏng?

Cả hai không nói thêm gì nữa. Trên tường, chiếc đồng hồ chỉ ba giờ sáng. Hai người già trong buồng đang nhắm mắt để cố tìm giấc ngủ. Đêm nay có vẻ con Vàng im ắng quá nhỉ?

Chợt có tiếng động phát ra ngoài gian giữa. Bà tôi giật mình mở mắt, chăm chú lắng nghe. Ông tôi cũng đã nghe thấy, hơi ngóc đầu nhìn ra.

Loẹt xoẹt… Loẹt xoẹt..!

Ông bà tôi ngồi bật cả dậy, trống ngực bà đánh liên hồi, vẻ mặt bắt đầu hoảng hốt. Ông tôi ngồi yên lặng nghe ngóng.

Loẹt…xoẹt… Bịch!

– Cái, cái gì thế hở ông?

– Làm sao tôi biết được!

Tính bà tôi nhát gan nên run rẩy hỏi. Từ bé tạng người bà đã yếu, cũng hay ốm đau vặt. Tiếng loẹt xoẹt nom như tiếng móng tay cào vào vách cửa liên miên, nối tiếp là tiếng bịch bịch như có ai đó đang dùng chân đá mạnh vào cửa. Ông tôi bực mình, vơ lấy đèn pin rồi xỏ dép đi ra. Bà tôi cũng lật đật theo sau. Tiếng mấu cài cửa bị bật ra, sau đó là tiếng kẽo kẹt khô khan của bản lề lâu ngày không được tra dầu mỡ. Hai cánh cửa dần mở ra, để lộ phía sau màn đêm đặc quánh, không nhìn thấy gì.

Ông tôi đảo mắt ngó quanh, chỉ nghe thấy màn đồng ca liên miên của dế và ếch nhái vọng vào từ ngoài đồng. Bà đứng đằng sau ông, lo lắng hỏi:

– Có thấy gì không mình?

– Có thấy gì đâu! Nhà nghèo không có gì đâu mà trộm!

Ông tôi cố ý nói to để giả như có thằng trộm nào đang trốn đâu đây nghe được mà chán nản bỏ đi. Ông lia đèn pin xuống thấp, vùng ánh sáng hạn hẹp chợt lia trúng một cặp mắt đang mở không chớp, gặp ánh đèn bỗng sáng choang lên như đèn neon. Bà tôi khẽ giật mình. Hoá ra là Vàng.

Nó đang ngồi trước hiên nhà, miệng thè ra thở khè khè, chân trước chợt khều khều một thứ gì đó, bộ dạng như thể muốn nói gì đó với hai người. Ông tôi chiếu đèn pin theo, hiện ra một vật tròn nằm chỏng chơ.

Chiếc mũ cối!

Hai ông bà ngơ ngác nhìn nhau. Cái mũ mà lúc chiều không rõ đã biến đi đâu mất nay nằm im lìm dưới nền gạch tối. Con Vàng đã đem nó về từ đâu?

Và chính nó còn biết đập cửa để báo cho hai người.

Gạt mọi nghi vấn đang không ngừng xuất hiện trong đầu, ông tôi bình tĩnh cúi xuống xoa nhẹ vào đầu con chó, bảo nó quay trở lại chuồng gà nằm ngủ. Nó vẫy đuôi, quay đít lững thững rời đi. Ông tôi rọi đèn theo bóng nó một lúc. Nó làm gì mà bốn chân bê bết bùn đất, lông còn vương mấy cọng lá tre khô?

——————-

Sau khi nhặt cái mũ đem vào nhà, ông bà tôi bật đèn lên ngồi ở bàn uống nước, tâm trạng rối bời. Bóng đèn sợi đốt tỏa ánh sáng vàng vọt phản chiếu chiếc bóng lọm khọm của hai người già lên vách tường xanh lục đã loang lổ sơn cũ. Nhìn cái mũ đang nằm trên bàn, hai ông bà tôi đều thấy nẫu hết cả ruột gan. Chiếc mũ lấm lem thứ bùn đất đã khô. Ông tôi chau mày lẩm bẩm:

– Không lẽ nó rơi ngoài ruộng?

– Chắc vậy rồi, khắp người con Vàng cũng dính đầy bùn đất và lá tre. Chắc cu cậu chui qua bụi tre ra đó lấy về.

Bà tôi phụ họa theo.

Ông tôi định đưa tay rót ít nước chè uống thì ấm trống trơn, miệng hơi khô khốc, đành nói tiếp:

– Tôi chỉ lạ là làm sao nó biết được mà ra ngoài đấy tha về?

Nghe ông nói đến đây, chợt bà đảo mắt như sợ có ai nghe thấy những lời mà mình sắp sửa nói ra, ghé sát vào tai ông thì thào:

– Ông à, sao tôi cứ thấy con chó nhà mình có gì đó lạ lắm.

– Lạ thế nào?

– Tôi….cũng không biết, nhưng tôi thấy nó không giống chó bình thường… Thú thật, nhiều khi nhìn nó tôi còn thấy sợ nữa.

– Lại bắt đầu thần hồn nát thần tính. Tự bà doạ bà thôi, đến lúc đau ốm nằm ra đấy chả nhẽ kêu mấy đứa về chăm mới hả dạ?

Ông bực bội trách bà. Không phải ông không để ý thấy những điều kỳ lạ ở con chó, mà càng lái suy nghĩ theo hướng thần bí thì sự việc cảm tưởng lại càng khó hiểu thêm. Chẳng thà cứ khoa học nó theo cách đơn giản nhất, biết đâu tất cả chỉ là do ông bà phức tạp hoá lên mà thôi. Nói xong, ông tôi đứng dậy khoát tay:

– Thôi đi ngủ đi, gần ba rưỡi sáng rồi kia kìa. Mai tôi còn đem quạt ra phố sửa.

Tiếng tắt công tắc đèn vang lên, ánh đèn vàng trong nhà vụt tắt, trả lại một màu tối om cho không gian yên tĩnh. Tiếng dép lẹp xẹp rồi tiếng trở mình nhè nhẹ của hai người già trong buồng cũng đã dừng lại. Ngoài khung cửa sổ bằng gỗ cũ kỹ, ngay phía bên dưới, con Vàng đang ngồi yên lặng, tai nó vểnh lên, có vẻ như đã thu hết mấy lời nói của hai ông bà trước đó vào trong tai rồi. Sau đó nó hếch hếch mũi đứng dậy, lặng lẽ quay lưng đi về phía chuồng gà, cặp mắt chợt lóe lên một màu sáng xanh nhàn nhạt như lân tinh rồi lại tắt ngay.

Ngả lưng mới được một chặp mà trời đã sáng tinh mơ. Hai ông bà mệt mỏi cựa mình sau giấc ngủ ngắn ngủi, vẻ mặt pha lẫn mỏi mệt. Ngoài chuồng gà, mấy con gà đã nháo nhác chờ người ra mở cửa chuồng để vọt xuống vườn kiếm ăn. Con Vàng cũng lim dim mắt nằm trên nóc chuồng. Một ngày dài trải qua biết bao nhiêu là chuyện cuối cùng cũng kết thúc và ngày mới lại bắt đầu. Thế nhưng, hai ông bà nội của tôi không biết rằng, ngày hôm nay, có lẽ sẽ còn dài hơn ngày hôm qua nhiều hơn thế…

Trời đã sáng rõ, trong gian bếp lụp xụp, bà nội tôi đang rang ít cơm nguội với muối vừng để ăn sáng, nhanh nhanh cho ông đem cây quạt máy ra phố sửa, tiện thể ghé chợ hôm mua ít thức ăn. Trời mùa hè mới tám, chín giờ sáng là đã nắng to rồi. Ăn xong, ông nội tôi xách chiếc xe đạp Thống Nhất ra sân, cột cây quạt máy sau yên xe rồi cẩn thận chằng dây chun lên cho chắc chắn. Đội tạm cái mũ tai bèo rồi đi ra cổng. Trước khi đi, ông dặn bà đừng đi đâu cả, cứ ngồi trên nhà mà nghỉ ngơi, vườn tược thì đã có cậu Vàng lo, chờ ông về. Bà tôi gật đầu vâng, dạ tiễn ông ra cổng. Trở vào nhà, bà pha ấm nước chè mới rồi đem mớ cà pháo ra vừa cắt vừa ngồi nghe đài. Ngồi chừng được nửa tiếng thì nghe có tiếng gọi í ới từ ngoài vọng vào:

– ông Thanh ơi, bà Hường ơi! Có ai ở nhà không?

Bà tôi nhổm dậy ngó đầu ra nhìn, phía cổng thì không có ai. Rảo mắt ra phía vườn thì hỡi ôi, bà giật thót cả mình!

Phía sau mấy tàu lá chuối xen lẫn lá đu đủ, một khuôn mặt trắng phau phau tròn trịa đang lấp ló, cứ như mặt người chết trôi.

Định thần nhìn kỹ lại bà tôi mới nhận ra đó là bà Phùng hàng xóm, nhà có đội dừa quả ngon hết sẩy. Bà tôi lật đật vội chạy ra, con Vàng cũng từ trong chuồng gà phóng theo đằng sau, miệng nó khẽ gầm gừ một cách khó hiểu.

Bà Phùng hàng xóm có dáng người hơi béo, da trắng, khuôn mặt tròn, mái tóc ngắn hơi xoăn tự nhiên. Bình thường bà ấy là người xuề xoà, hay nói hay cười. Bà tôi nheo mắt bước lại gần, trông bà Phùng hôm nay nom khang khác. Da bà Phùng đã trắng nay lại càng nhợt hơn dưới ánh nắng, một sắc trắng xanh xao. Khuôn mặt tròn trịa không chút cảm xúc đơ ra, không hiểu sao khiến người nhìn liên tưởng rằng ẩn dưới lớp da trắng nhợt bủng beo ấy là các thớ thịt đang trương lên.

Đôi mắt bà ấy đờ đẫn như người ngái ngủ, không được linh hoạt như mọi khi. Đặc biệt là hai hốc mắt lõm sâu, treo bên dưới là bọng mắt nặng trĩu. Đôi môi bà Phùng có chút nhợt nhạt, càng làm tăng thêm sự quái dị trên gương mặt bà hàng xóm quen thuộc. Bà tôi tiến lại hỏi:

– Có chuyện gì thế cô Phùng? Nhà tôi nay đi công chuyện chưa về, có mình tôi ở nhà thôi.

Bà tôi nói xong mất mấy giây sau bà Phùng mới đáp lại, giọng khàn khàn đứt quãng, bình thường bà Phùng sở hữu giọng nói oang oang, nói bên này đầu bên kia cũng có thể nghe thấy.

– Chiều nay… Em đưa nhà em… xuống tỉnh khám bệnh… Nhờ hai bá… thi thoảng…ngó sang trông hộ em cái vườn. Em đi chắc phải… mất ít hôm… mới về.

Nghe bà Phùng nói mà bà tôi hơi ngẩn ra, dường như có một điều khác kéo sự chú ý của bà đi. Chốc lát sau bà tôi mới ậm ừ gật đầu:

– Được rồi, cô chú cứ yên tâm mà đi, hàng xóm láng giềng việc khó thì chớ chứ việc cỏn con này nhà tôi giúp được! Cứ yên tâm mà lo chữa bệnh. Mà, chú bị làm sao thế hở cô?

Chợt nhớ ra ông Lân, tiện thể bà tôi hỏi thăm luôn, bà Phùng đáp:

– Bị….đau lưng… Lưng mỏi quá… Nặng lắm…

Bà Phùng nói mà gương mặt cứng nhắc, đôi mắt hốc hác vô hồn. Bà tôi nhìn mà lại vô thức rùng mình. Lúc nói chuyện, bà tôi đứng đối diện với bà Phùng, hai người ngăn cách bởi hàng rào do ông tôi tự dựng nên, đằng sau lưng bà ấy, cách một khoảng vườn nhỏ, chếch về phía bên phải là gian nhà ngói của hai ông bà. Bà tôi vô tình nghiêng người nhìn vào gian giữa của ngôi nhà.

Dưới ô cửa thấp lè tè, một bóng người cao lêu nghêu đang lom khom đi ngang qua, bất chợt người ấy quay ngoắt ra ánh mắt đụng trúng bà tôi đang ngó vào, rồi lại lom khom bước tiếp. Cái lưng gầy và dài nhô lên như cái gò, trông như đang cõng một cái mai nặng nề trên lưng. Bà tôi giật thót mình, chưa kịp hồi thần mà ngẩn ra mất vài giây, sau đó sực tỉnh lại, bà vội vàng nói:

– Vậy, vậy hả cô? Thế phải đem chú ấy đi khám xem có mắc bệnh gì nguy hiểm không còn biết đường chạy chữa, nhà cửa vườn tược cứ để đấy bọn tôi trông cho. Thôi, tôi thấy cô có vẻ cũng lo lắng, nhớ giữ gìn sức khoẻ còn chăm cho chồng đấy!

Bà nội tôi nói một hơi như thể muốn xua đi cảm giác rờn rợn ban nãy, tiện thể quay lưng cúi xuống định ngắt mấy quả ớt chỉ thiên tí làm bát nước chấm, nhưng thật ra muốn lấy cớ để đi vào nhà. Ngoài ý muốn lại đụng ngay mặt con Vàng đang phục đằng sau từ bao giờ. Hai mắt nó lừ lừ nhìn thẳng vào bà Phùng đang đứng ở bên kia hàng rào. Lúc bà tôi lom khom cúi xuống thì vô tình ghé sát mặt con chó, cũng vô tình nhìn thẳng vào trong đôi mắt nâu thẫm bong bóng của nó.

Nhìn thật kỹ, dưới ánh nắng sáng sủa, phản chiếu trong đáy mắt con Vàng là mặt bà tôi, sau đó là mặt Phùng bé hơn ở đằng sau. Nhưng lạ hơn là, hình như có thứ gì nhô ra trên vai bà ấy, đen thui, còn khuôn mặt bà Phùng thì chỉ có mũi và miệng, hai mắt giờ chỉ toàn một màu đen xì như khi người ta đeo kính râm. Nhưng điều khiến bà tôi còn sợ hãi hơn thế chính là, mỗi mặt của cái kính đen ấy không tròn, mà có hình dáng của năm ngón tay bé tí đang bám chặt vào hai mắt của bà Phùng.

Bị hình ảnh quỷ dị làm cho kinh hãi, bà tôi không giữ nổi bình tĩnh, chân tay đột nhiên bủn rủn, vội vàng đưa tay vặt đại vài trái ớt rồi tất tả quay trở vào nhà, vừa đi vừa liếc lại đằng sau. Còn phía bên kia hàng rào tạm bợ, bà Phùng vẫn còn đứng đó, mắt đờ đẫn nhìn theo bóng lưng bà tôi hồi lâu rồi mới rời đi, đi được vài bước, bà Phùng đưa tay lên day day mắt, miệng khẽ rên mấy tiếng khó chịu:

-Hai mắt dạo này ngứa ngáy thế không biết, móc quách đi cho rồi!

———————–

Đã gần hai tiếng trôi qua kể từ lúc cuộc nói chuyện giữa bà nội tôi và bà Phùng hàng xóm kết thúc. Bà mới nấu xong bữa cơm trưa, đang ngồi chờ ở bàn uống nước vẻ nóng ruột, thỉnh thoảng lại ngó ra cổng trông ông về. Con Vàng giờ cũng đang ngồi nghe ngóng ở trước hiên, mặt hướng ra cổng.

Giờ ngồi trong nhà quan sát, bà tôi mới để ý tới một điểm đặc biệt trên người con chó. Toàn bộ lông mao bao phủ trên người nó đều một màu vàng sẫm, đến phần đuôi dài, to và hơi cong lên thì sắc vàng ấy càng sậm màu hơn. Đi đến phần chót đuôi thì hầu như đã chuyển sang màu cam đỏ hoàn toàn, làm người ta liên tưởng đến hình ảnh một ngọn lửa đỏ đang âm ỉ, chừng một lúc nào đó sẽ bùng lên dữ dội. Mải ngắm nghía vẻ đẹp đặc biệt của cậu Vàng, ngoài sân có tiếng leng keng mở cổng sắt. Ông nội tôi đã về. Con Vàng sủa lên mấy tiếng mừng rỡ rồi phóng ngay ra quấn lấy.

Ông tôi dựng xe vào sát bậc thềm hiên nhà giữa, tháo mũ tai bèo giờ đã lấm tấm mồ hôi ra khỏi đầu rồi quạt mấy cái cho đỡ nóng. Bà tôi chạy ra đỡ cái quạt sau yên xe xuống đất rồi nói:

– May quá, sửa luôn được hả ông?

– Ừ, họ bảo sửa nhanh thôi nên tôi ngồi chờ để lấy luôn, trưa còn có cái mà quạt. Trời càng ngày càng bức rồi, hôm nay khéo phải ba chín, bốn mươi độ như chơi.

Đợi ông tôi đi ra giếng rửa chân tay mặt mũi cho mát, hai ông bà mới bắt đầu bữa cơm trưa bên tiếng quạt máy vù vù. Con Vàng cũng khá là biết tận hưởng, nó chui thẳng vào trong nhà nằm ệp bụng dưới nền gạch mát lạnh, hưởng ké nguồn gió mát rượi. Ông tôi nhìn nó, khóe mắt nhăn nheo híp lại, nom có tia cười, như cái nhìn trìu mến của một người ông dành cho đứa cháu tinh nghịch. Dường như ông đã quên hết những chuyện nặng nề đã xảy ra. Đột nhiên bà ở một bên đằng hắng lên tiếng:

– Ông này, nãy tôi mới gặp cô Phùng, cô ấy bảo chiều nay vợ chồng đi xuống tỉnh khám bệnh, nhờ mình trông hộ nhà cửa, vườn tược.

– Vậy à, bệnh gì, lâu rồi ko thấy vợ chồng nhà ấy. Hoá ra là đau ốm à?

– Chắc vậy, chú Lân bị đau lưng, nghe nói đau lắm không chịu nổi nữa nên cô Phùng phải đem xuống tỉnh gấp.

– Đau lưng gì mà ghê thế! Thôi xuống đó cho nhanh, chứ khám ở bệnh viện huyện này biết bao giờ cho khỏi.

Ông vừa gắp đũa rau muống chấm vào bát nước tương vừa đáp chuyện bà. Ngược lại bà tôi thì vẫn cứ ngập ngừng, đắn đo không biết có nên nói ra những gì mình đã thấy lúc gặp bà Phùng cho ông biết hay thôi. Vì muốn nói rõ cũng rất khó, huống chi thoạt nghe nó có vẻ phi lí. Nếu ông tôi mà nghe được, nhìn mặt cô Phùng như người chết trôi, thế nào cũng trợn mắt nói bà một chập. Đã thế còn hình ảnh đáng sợ hiện ra trong mắt con Vàng nữa. Trong lòng chất chứa nhiều điều nặng nề, bà tôi khẽ thở dài im lặng. Thấy bà không để tâm ăn, chỉ lấy đũa khẩy khẩy miếng cơm trong bát, ông tôi nhướng mắt nhắc:

– Kìa, bà làm sao thế?

– À không, tôi thấy hơi nhức đầu thôi.

– Ăn nhanh đi rồi nghỉ, chiều tôi còn xuống vườn lượm ít củi khô. Hết củi đun nước rồi.

Cơm nước xong xuôi, ông bà tôi lên giường ngả lưng một lát. Hôm nay nom dễ ngủ hơn vì đã có quạt máy chạy vù vù. Một tiếng sau, ông tôi đang nằm ngủ thì nghe bà tôi ú ớ nói mê man gì đó trong miệng, tay giơ lên xua loạn xạ. Ông tôi vội lay vai bà dậy, gọi tên đến mấy lần, mới thấy bà dịu lại rồi mở mắt ra. Bà tôi khẽ rên mấy tiếng mệt nhọc, nằm yên nhìn lên trần nhà, ánh mắt mệt mỏi. Hồi sau bà mới run run nói:

– Tôi… nằm mơ ông ạ.

– Làm sao, nói tôi nghe xem nào!

– Tôi…. Tôi mơ, nhìn thấy cô Phùng…

– Chắc tại sáng nay bà mới gặp người ta đấy!

– Không biết tại sao…. Nhưng tôi thấy hãi quá!

Bà tôi chống tay ngồi dậy, run run kể.

Từ lúc hai ông bà bắt đầu đi nghỉ trưa, bà tôi lim dim được tầm mấy phút thì ngủ hẳn, sau đó lạc vào giấc mơ kia. Trong mơ, bà thấy mình đang ngồi ở bàn uống nước, uống nhiều nước lắm. Bà cứ rót hết chén này lại đến chén khác, Sau đó thì mắc tiểu. Bà đi ra rãnh nước ở mé vườn trái đầu cổng, chỗ gần với hàng rào ngăn cách nhà hàng xóm để ngồi tiểu. Mới ngồi thụp xuống thì bà tôi thấy có bóng người lờ mờ ở cuối hàng rào. Lạ cái là cái bóng ấy cao lêu nghêu, trắng toát, thân phình ra, bà tôi không rõ đang bận đồ gì trên người. Nhìn không rõ mặt mũi, hình như trên vai nó đang cõng một cái bóng khác.

Cái bóng nhỏ này ngược lại đen thui, đang đưa tay ra với một quả dừa, dường như có cả tiếng cười khúc khích, nom thích thú lắm. Vì sợ hãi, bà tôi nín hẳn tiểu, cứ ngồi trơ ra mà nhìn. Càng xui xẻo hơn khi hai cái bóng kỳ dị kia dường như đã phát giác ra sự xuất hiện của bà, chúng từ từ lắc cái đầu nghiêng lại đây. Cảnh tượng sau đó quá đỗi kinh hãi, đến nỗi quả tim cũng muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, bà tôi la lên thất thanh quay lưng chạy thẳng. Theo sau là tràng cười khúc khích nhưng đầy ám ảnh của cái bóng đen, nối tiếp là một tiếng cười khác xuất hiện:

-Khặc… Khặc… Khặc…

————————

Bà tôi chạy một mạch vào trong nhà mà dường như vẫn còn cảm thấy những tiếng cười quái đản kia vẫn còn đuổi theo. Trong đầu bà còn hiện rõ mồn một hình ảnh kì quái ấy.

Ngay khi hai cái đầu của hai cái bóng gớm ghiếc kia nhìn thấy bà thì chúng bắt đầu di chuyển. Cái bóng trắng toát cao lớn vươn hai cánh tay dài thòng ra hươ hươ trong không trung, năm đầu ngón tay đều thâm tím lại. Có lẽ nó không nhìn thấy đường đi, vì hai mắt đang bị cái bóng đen thui cưỡi trên vai bịt lấy. Lúc này bà tôi định thần mới nhìn rõ mặt của bóng trắng, nó tròn xoe, lại trắng bạch, hai cánh mũi phập phồng, phía dưới là cái miệng lớn đang khép hờ, vành môi như căng ra, nứt toác, hằn lên những rãnh thịt bầm máu, che lấy hốc miệng tối om. Trên đầu cái bóng cũng có tóc. Những lọn tóc như không còn sức sống, khô và quăn lại như râu ngô, chúng đang thi nhau rụng xuống, rụng một loáng thì trên đầu cai bóng chỉ còn lơ thơ vài sợi. Bà tôi thấy dáng vẻ cái bóng này rất quen nhưng nhất thời chưa nhớ ra. Còn cái bóng nhỏ đen thui kia, không hiểu sao nhưng nó khiến bà tôi cảm thấy rất sợ, sợ cái thái độ tinh ranh, ma mãnh của nó. Phần đầu nó tròn tròn, khuôn mặt chỉ độc có cái miệng đang ngoác ra đến tận mang tai, hai hàm răng trắng hếu đang nghiến chặt lấy, rỉ ra từ kẽ lợi những vệt máu đỏ thẫm. Miệng nó rít lên những tiếng cười lúc tinh nghịch lảnh lót, lúc lại là những tiếng hét thình lình đến chói tai. Hai chân bé tí của nó không ngừng đong đưa trên đôi vai của bóng trắng. Lúc này từ miệng cái bóng cao lớn bắt đầu phát ra một điệu cười kì quặc:

-Khặc… Khặc… Khặc…

Như thể cổ họng bị nghẽn lại, cơ miệng và lưỡi không cử động trơn tru nên chỉ có thể phát ra những tiếng trầm đục đứt quãng như vậy mà thôi.

Ông tôi bình tĩnh nghe bà thuật lại đầu đuôi câu chuyện, rồi cũng ngồi trầm mặc nghĩ ngợi. Nếu bình thường có lẽ không đến nỗi nặng nề như vậy, ông sẽ gạt đi và bình phẩm là một giấc mơ vớ vẩn mà thôi. Nhưng cố tình là, trong giấc mơ của bà, chi tiết về bóng ma đen thui với cái miệng hình bán nguyệt trắng hếu đã khiến ông khó xử. Vì cả hai ông bà đều mơ thấy giống như nhau. Dường như nó cố tình để cho hai người nhận thấy sự tồn tại của nó. Vậy thì mục đích của nó là gì? Nó là ai? Nó từ đâu đến? Tại sao nó một mực quấy phá nhà ông bà?

Những câu hỏi rối rắm xuất hiện cùng một lúc nhưng tuyệt nhiên không có lời giải đáp, khiến tinh thần hai người già càng lúc càng trầm trọng hơn.

Bà tôi đã định thần lại được một lúc, ngả lưng dựa vào vách tường lạnh, khẽ nói:

– Tôi nhận ra, cái bóng trắng ấy rất giống cô Phùng.

– Bà đừng ăn nói lung tung!

– Tôi không nói lung tung, tôi còn lạ gì cô ấy.
– Đừng nhận định điều gì khi chưa rõ thực hư mười mươi, phải tội cả đấy! Bà nằm xuống nghỉ đi. Chuyện đâu còn có đó, từ từ rồi tìm cách giải quyết, nó cũng chưa động gì tới mình nghiêm trọng. Tôi chuẩn bị xuống vườn đây.

Nói rồi ông tôi tụt xuống giường, xỏ dép đi ra giếng.

Trong nhà, sau khi mơ một giấc mơ đầy ám ảnh, phần vì mệt mỏi, phần vì suy nghĩ nhiều mà vô thức ngủ quên, bà tôi ngủ được một giấc khá sâu. Lúc tỉnh dậy đã nghe loáng thoáng tiếng tích tắc đều đều vọng ra từ chiếc đồng hồ treo tường. Ngẩng đầu lên nhìn bà mới giật mình, vội quấn lại đầu tóc rồi đi xuống bếp chuẩn bị cho gà ăn. Đang vẫy thóc cho đám gà ăn ngoài chuồng, thì ông tôi từ dưới vườn đi lên. Một nách ông ôm một bó củi to, tay còn lại xách mấy quả bưởi. Bà hốt hoảng nói to:

– Ôi, mấy quả bưởi bị sao thế kia?

– Chắc là bị ong đốt với lại nắng quá nên héo đấy mà.

Bà tôi chạy vội ra đỡ ôm củi xuống rồi nhìn mấy quả bưởi vừa được ông thả cái phịch xuống đất, mặt bà nom xót của lắm:

– Ong đốt sao khiếp thế này, mọi năm nắng cũng gắt mà bưởi có làm sao đâu! Ông nhìn đi, quả nào quả nấy to tướng mà giờ quắt quéo còn một nhúm bằng cái nắm tay thế này!

Ông tôi khó nghĩ nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện:

-Năm ngoái khác, năm nay khác. Thời tiết thất thường lắm bà biết được à!

Dứt lời, ông xách đon củi đi vào bếp, để lại bà tôi cứ ngồi nhìn mấy quả bưởi giữa sân. Đưa mắt nhìn ra khu vườn xa xa, lấp ló sau những tán cây, chỉ còn ba quả bưởi vàng ươm tròn xoe, đang khẽ rung trên cành.

Tiếng chim cuốc kêu ngoài cánh đồng báo hiệu trời đã bắt đầu chập choạng tối. Con Vàng không rõ đã đi đâu từ nửa chiều, không thấy nó trong sân. Chắc nóng quá lại chạy ra con rạch ngoài đồng đẫm mình cho mát. Ông bà tôi dọn cơm lên ăn, ăn được nửa buổi thì thấy con chó chạy từ dưới vườn lên, toàn thân nhớp nháp dính nước. Bà tôi vừa nhai miếng rau muống vừa nói:

-Cu cậu lại chạy ra con rạch ngoài kia rồi.

Loáng cái đã xong bữa cơm đơn giản, ông tôi thì đi cho chó ăn còn bà bê mâm cơm ra giếng rửa bát. Hồi ấy nhà nhà đang còn dùng nước giếng, giếng nước nhà tôi nằm ở góc sân bên phải, phía trước chuồng gà. Đối diện với hướng giếng nhìn chếch sang trái là mé vườn gần cổng vào, có thể nhìn được qua hàng rào sang khu nhà ông Lân hàng xóm.

Ông bà bên ấy đã đi xuống tỉnh từ đầu chiều. Nhà bên ấy cũng giống ông bà tôi bên này, có mỗi hai người già nương tựa lẫn nhau, con cái đều đi làm ăn xa cả. Nhà vắng người một cái là trông rờn rợn lên ngay, huống chi lại vào lúc nhập nhoạng tối thế này. Đang thong thả rửa bát, bà tôi cảm thấy có điều gì đó không đúng.

Là vì trong ngôi nhà của ông bà hàng xóm bên kia vườn tự nhiên có ánh đèn.

Ánh đèn vàng vọt bên trong lọt qua khe hở của các cánh cửa, chiếu xuống nền gạch bên ngoài một khoảng nhàn nhạt. Ngôi nhà thấp lè tè với ánh đèn ẩn mình đằng sau những tán lá rậm rạp của khu vườn cứ thế hiện lên trước sự ngỡ ngàng của bà tôi một cách đầy ma quái. Càng lạ lùng hơn khi nó bắt đầu chớp tắt. Ánh sáng chập chờn, nhấp nháy liên tục như thể có điều bất thường, hoặc là biết đâu, có một bàn tay của kẻ nào đó, đang không ngừng bật tắt công tắc đèn, khiến nó kêu lên “tạch, tạch”.

 
 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...