– Thầy ơi, con đây…
– Hường đấy à con? Con đi đâu mà mãi không về thế? Thầy đi tìm con mãi đấy.
– Con chết rồi thầy ơi… con chết thảm lắm… con xin lỗi thầy vì không mang được gạo về cho thầy và các em…
– Con nói sao cơ? Ông Sinh sững sờ hỏi lại. Con nói con đã chết sao?
Nghe câu hỏi của ông Sinh, Hường không đáp lại mà chỉ lặng lẽ quay lưng bỏ đi trong đêm tối. Ông Sinh thấy con gái bỏ đi thì hốt hoảng chạy theo gọi con lại nhưng dưới ánh trăng màu bạc chiếu xuống khoảng sân trước gian nhà ngói thô sơ, ông Sinh kinh ngạc khi không thấy bóng của Hường. Nhưng Hường cứ vậy bước đi không để ý tới người bố đang khổ sở đi theo mình. Chỉ cho đến khi ông Sinh bị vấp ngã bởi một cái xác người chết đói nằm chỏng chơ ngoài đường thì Hường mới dừng lại, quay lại nói với bố lần cuối:
– Thầy về đi, đừng đi theo con nữa. Con chết rồi còn đâu. Thầy hãy đưa các em đi khỏi làng, nếu còn ở đây thì không sống nổi đâu.
Nói rồi, Hường bước đi nhanh trong đêm tối, lướt qua cả những con người gầy đét như những bộ xương di động đang chờ chết. Ông Sinh như bị một ma lực nào đó giữ lại mà không thể đi theo con gái, cứ bất lực đứng một chỗ gọi tên con. Ông Sinh cứ ú ớ cho đến lúc bị thằng Hoà- đứa con trai 5 tuổi đánh thức ông mới choàng tỉnh. Giấc mơ vừa nãy thật đáng sợ. Hường trở về và báo cho ông biết rằng nó đã chết. Tuy trong thâm tâm ông đã nghĩ đến chuyện này nhưng ông không muốn tin vào sự thật tàn khốc đó bởi ông đã đi khắp nơi tìm xác con nhưng không thấy. Thằng Hoà thấy bố ngồi thẫn thờ thì hỏi:
– Thầy ơi, thầy sao thế?
– Thầy không sao. Sao con không đi ngủ mà ra đây làm gì?
– Con đói quá nên không ngủ được. Thầy ơi, bao giờ chị Hường về? Chúng con chờ chị mang gạo về.
Nghe câu hỏi của con trai, ông Sinh không trả lời. Ông biết nói sao với nó bây giờ? Hường đã chết, nhưng ông không biết nguyên nhân tại sao. Không thể có chuyện nó chết vì đói. Chẳng lẽ nó đã bị giết? Phải rồi, quân Nhật nổi tiếng là độc ác, dã man, chúng giết người không ghê tay. Một giọt nước mắt rơi xuống gò má của ông Sinh. Thằng Hoà lại hỏi:
– Thầy sao thế? Sao thầy lại khóc?
– Thầy không sao con ạ. Con vào trong buồng thu dọn quần áo của con và của các em nhé, sáng mai thầy đưa đi khỏi đây.
– Nhưng sao lại phải đi hả thầy? Không đợi chị Hường về ạ?
– Đi nơi khác thầy kiếm gạo cho các con nhé. Chị Hường đi trước rồi, ông Sinh nói dối con, không dám nhìn thẳng vào mắt nó.
Nghe bố nói vậy, thằng Hoà đi vào buồng, cố nén cơn đói thu xếp quần áo của mình và hai đứa em. Sau đó, nó lại nằm xuống bên cạnh ông Sinh rồi ngủ thiếp đi. Tờ mờ sáng, khi tiếng gáy đầu tiên của một con gà trống hiếm hoi còn sót lại từ đâu vọng đến, ông Sinh đã đánh thức đàn con rồi gồng gánh đưa chúng đi khỏi ngôi lành chôn nhau cắt rốn. Nghĩ đến Hường, nghĩ đến người vợ mất vì nạn đói, ông Sinh vừa đi vừa nghẹn ngào. Trên đường đi, ông và 3 đứa con vẫn thấy những cái xác người chết vì đói, gầy giơ xương nằm bên vệ đường. Ông cũng cố tìm xác Hường nhưng không thấy. Con gái ông có thể bị chôn ở đâu? Dù rất muốn tìm con nhưng vì ba đứa con nhỏ đang kêu khóc vì đói, ông không thể nấn ná mãi được. Đi mấy ngày mấy đêm, may sao có người tốt bụng cho bố con ông mấy củ khoai để cầm cự, cuối cùng bố con ông đã lên tới Hà Nội. Cảnh sinh hoạt nơi thành thị khác hẳn với ngôi làng nghèo. Hàng quán đường phố cũng tấp nập hơn, người qua người lại đông đúc. Mùi thơm của phở từ một gian hàng toả ra ngào ngạt khiến bố con ông Sinh không kiềm chế được. Ba đứa con kêu khóc vì đói, cứ đòi bố cho vào ăn. Dù gì cũng là bậc tri thức, ông Sinh không thể liều mạng ăn cắp được. Nhưng dường như Hường đang phù hộ cho bố và các em, bà chủ quán thấy mấy bố con đói rách bèn động lòng thương gọi vào cho ăn. Bà chủ quán là một người phụ nữ trung tuổi tốt bụng, không may chồng mất trong khi đi nhập ngũ, lại chưa có con. Nhận thấy ông Sinh là người tốt, bà có ý quý mến. Sau một thời gian, ông Sinh kết duyên với bà chủ quán hàng phở, các con ông cũng được ăn học tử tế. Nhưng ông không thể quên được người vợ đầu tiên và Hường nên sau Cách mạng, ông đã trở về quê, dù không tìm được xác nhưng vẫn xây cất mộ phần cho họ và đưa về thờ cúng cẩn thận. Các con ông cũng dần lớn khôn và quên đi câu chuyện về người chị tội nghiệp. Nhưng nhân quả báo oán, kẻ thật sự sát hại Hường tuy thoát khỏi nạn đói nhưng cũng không thoát được sự báo oán của cô gái tội nghiệp năm nào. Sau cách mạng, khi những tay địa chủ ở làng quê bị đưa ra đấu tố, thân là một cai lệ, không còn chỗ bám víu, hắn cũng lên Hà Nội, lấy vợ sinh con, cố quên đi quá khứ đen tối. Khi Vinh- con trai lớn của hắn trưởng thành và có sự nghiệp, đó là lúc hắn và người thân phải gánh chịu quả báo do tội ác và dục vọng của hắn gây ra.
70 năm sau, tại làng Đầm (địa danh dựa trên một xóm ở Thái Bình), ông Vinh- tổng giám đốc một công ty cỡ vừa trên Hà Nội đang đi đi lại lại trên nền đất trước một ngôi nhà hoang, tay chỉ chỏ ra lệnh cho một người thợ chính:
– Tôi đã mua căn nhà này từ một người dân làng. Ông phá nó đi rồi xây một căn nhà mới, đừng dùng gạch cũ nhé. Tôi muốn ngôi nhà của tôi phải thật chắc chắn.
– Vâng, nếu ông không cần gạch cũ thì ông cho tôi nhé. À với lại trước nhà có cây cổ thụ cũng đốn hạ luôn sao ông?
– Ừ tôi trông cái cây đó chướng mắt lắm. Để cũng không được gì.
– Vâng nhưng tôi xin phép có ý kiến. Cây này cũng đã lớn tuổi rồi, dân gian vẫn hay nói trong cây hay có những tà tinh trú ngụ. Bây giờ ông muốn đốn hạ thì nên làm một lễ cúng rồi hãy đốn, nếu không thì tôi sợ là không đốn được đâu.
– Ôi giời, tôi năm nay gần 50 tuổi rồi, đã làm nhiều công việc rồi, chưa bao giờ tôi tin có ma quỷ trên đời. Không phải cúng lễ gì hết, ông cứ cho người chặt cây đi.
– Nếu thế thì tôi không dám sai người của tôi chặt cây đâu. Hay là ông thuê người khác chặt sau đó tôi sẽ tiến hành phá nhà và bắt đầu xây dựng?
Nghe ông thợ chính nói vậy, ông Vinh tỏ ra bực bội. Cái lão già này sao nhát gan quá vậy? Ông Vinh không nói gì thêm, lạnh lùng quay mặt đi sau khi buông ra một câu:
– Thôi được rồi, ông chưa cần làm gì đâu. Khi nào đốn cây xong tôi sẽ gọi ông tới.
Sau khi chiếc xe hơi bóng lộn của ông Vinh đi khuất, ông thợ chính mới nói chuyện với những người dân làng từ nãy vẫn đứng bu quanh chiếc xe hơi bóng lộn của ông Vinh. Ông thợ chính tuy nhỏ người nhưng rất linh hoạt và hiểu chuyện, ông ta nói với những người dân:
– Ông nhà giàu vừa rồi từ Hà Nội xuống. Ông ta muốn xây một ngôi nhà mới cho gia đình và đặc biệt là để cho ông bố của ông ta về đây sống. Bố của ông ta bây giờ 80 tuổi rồi, nghe nói trước đây cũng từng sống ở làng này.
– Thế à? Nếu thế thì có khi bố ông ta bỏ làng đi do nạn đói đấy.
– Tôi cũng không rõ, nhưng qua câu chuyện ông ta chia sẻ thì bố ông ta đã từng là một người có chức tước trong làng đấy. Nhưng do bỏ làng đi khi còn quá trẻ nên không được làng chia đất cho, bố mẹ và ông bà lại mất hết nên xem như mất quê. Bố ông ta tên là Lục thì phải.
– Ôi trời thế thì cũng đâu phải là người tốt. Tôi nhớ ông tôi kể thời đó dân ta chết đói nhiều vì quân Nhật và quân Pháp đã ép các lý trưởng chánh tổng nộp hết thóc gạo, nhổ hết lúa để trồng đay. Người dân đen chết nhiều vô kể, còn những tay cường hào ác bá thì vẫn cứ no đủ vì được giặc che chở. Mà cái tên Lục nghe lạ thế? Để tôi về hỏi lại ông nhà tôi xem ông ý có biết không.
– Nhưng cuối cùng chúng cũng bị đấu tố hết đấy thôi. Haiz, nhưng dẫu sao cả tỉnh ta nói riêng và mấy tỉnh miền Bắc chết nhiều quá. Làng này lúc đó có hơn 1000 người mà sau nạn đói còn lại có chưa đến 100 người, chưa kể những người phải bỏ làng đi tránh đói.
Về đến khách sạn trên thành phố, ông Vinh thấy Hồng, 17 tuổi và Diệp, 15 tuổi, hai cô con gái của mình đang đứng ngoài sảnh khách sạn hóng gió. Thấy bố về, hai cô chạy lại đón. Bà Xuyến- vợ ông cũng đi tới đón chồng và hỏi ông về chuyện xây nhà dưới làng. Ông Vinh kể cho vợ con nghe và tỏ ý bực bội vì sự mê tín của ông thợ chính. Tuy nhiên, bà Xuyến cũng đồng ý với ông thợ chính vì bà luôn có niềm tin về tâm linh. Ông Vinh thấy vợ không đứng về phía mình thì phật ý và bỏ xuống quầy bar của khách sạn. Diệp lưỡng thững đi theo bố. Cô rất ngưỡng mộ người bố tài giỏi của mình. Cô nũng nịu:
– Mai nếu bố đi về làng thì cho con đi với nhé. Con cũng muốn xem mảnh đất bố đã mua.
Trong lúc ấy, Hồng đang nằm ngủ thiu thiu ngủ do không quen với nhịp sống đơn điệu ở đây. Cô đã nằm mơ thấy một cơn ác mộng khủng khiếp, một bi kịch xảy ra trong gia đình mình.