Quê tôi ở Hải Dương. Giống như bao làng quê khác của đất nước Việt Nam này. Nó cũng là một nơi vô cùng bình yên và đáng sống. Quê tôi có truyền thống hiếu học xưa nay, tấm bia tiến sĩ được đặt ở phía trước đình thần thành hoàng làng là một minh chứng. Nhưng hình như tôi đã không phát huy được truyền thống của làng, bởi vì tôi học dốt quá. Cuộc sống của người dân trong làng thì vô cùng đơn giản, trẻ con buổi sớm đến trường, còn người lớn thì lại dắt trâu ra đồng làm ruộng. Ấy cứ tưởng cuộc sống yên bình, bình yên đến đơn điệu như vậy sẽ như một vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại mãi. Nhưng ai ngờ đâu nó lại bị phá hủy bởi một sự kiện, sự kiện đó làm phá vỡ đi thường thức của mọi người, khiến mọi sinh hoạt của toàn bộ người dân nơi đây bị đảo lộn. Ban ngày người ta không dám đi một mình trên đường vắng, ban đêm, chẳng ai sang nhà hàng xóm uống nước chè, tám chuyện như mọi khi. Đám trẻ con thì cứ đến sẩm tối, là bị người lớn lùa hết vào nhà, đóng cửa cài then, chốt chặt cửa. Và đình làng, luôn là tổng hành dinh của những đứa trẻ trong làng, thì giờ vắng vẻ tiêu điều, thiếu đi hơi người vốn có. Tôi vẫn còn nhớ như in khi ngày đó, khi mà tấm bia ma quái đó được đào lên, thì cơn ác mộng được bắt đầu. Để nói rõ về chuyện này, phải kể đến ngôi đình linh thiêng làng tôi.Đình làng có một cái ao, bọn tôi gọi nó là ao Nghè, vì sao nó có tên như vậy, vì từ xưa làng tôi đã có rất nhiều các cụ đã đỗ tiến sĩ, và một từ khác để gọi tiến sĩ, thì người ta sẽ gọi là cụ Nghè, ông Nghè. Chính vì như vậy, cho nên các cụ bô lão đã quyết định đặt tên cho cái ao là ao Nghè, mong ước những đứa trẻ con trong làng sau này, sẽ giữ vững được truyền thống của thế hệ đi trước, truyền thống đầy tự hào của làng. Ao làng mới đầu thì chỉ có tác dụng là một cảnh quan cho đẹp, người ta trồng hoa Sen ở đó, nhằm tô điểm thêm cho nét đẹp của đình thần. Nhưng về sau các cụ quản lý đình cảm thấy cứ bỏ cái ao không như vậy thì phí quá. Do vậy nên các cụ quyết định thả cá trong ao, hàng năm bắt lên, bán đi lấy tiền. Dùng số tiền đó để làm kinh phí tu bổ, sửa chữa đình thần, nếu còn dư thì xây thêm một ít kiến trúc. Cũng như mọi năm, là thời điểm tát ao, người dân đợi ao được tát cạn, thì sẽ xuống dưới bắt cá. Nhưng lần này, trong quá trình bắt cá, có vài người phát hiện được ra, dưới vùng bùn lầy của ao, có một vật hình chữ nhật rất lớn, làm bằng đá. Thấy vậy, mọi người đều xúm lại, mang nó lên sân đình, rồi tiến hành rửa nước cho sạch. Lúc này thì mọi người mới nhìn rõ, đó là một tấm bia đá, dài chừng 1m2, rộng khoảng 80cm, ở góc dưới cùng bên phải thì đã bị mất đi một miếng. Trên đó khắc đủ thứ văn tự kì lạ, loằng ngoằng như giun. Có một cụ biết chữ Nôm, ra xem thử, thì khẳng định đó không phải chữ Nôm, một số cụ khác thì lật sách tra chữ Hán, nhưng chỉ nhận ra được 1 chữ, đó là chữ TRẤN rất lớn, nằm ở giữa bia, thảo luận một hồi, thì các cụ đều lắc đầu, chẳng ai đoán ra được gì ngoài chữ TRẤN to lớn đó. Cuối cùng các cụ đều thống nhất và đưa ra một quyết định, đó là những thứ còn được khắc trên tấm bia, không phải là chữ viết, có thể nó là hình vẽ, nhưng không rõ ý nghĩa của nó là gì. Nhưng dù gì cũng là vật được đào ra ở ao của đình làng, rất có thể nó sẽ có mối liên quan mật thiết với làng. Thế là các cụ lớn tuổi quyết định đặt tấm bia này, gần tấm bia tiến sĩ trước cổng đình. Sau sự kiện đó thì tất cả mọi thứ lại trở về như bình thường. Người dân lại tiếp tục cuộc sống vốn có của mình. Nhưng, ngoại lệ lại có một người khác, đó là bác Mộc. Tôi gọi bác Mộc là bác vì do dòng họ tôi có quan hệ dây mơ rễ má với nhà bác. Bác gọi bà tôi bằng cô. Bác Mộc đã ngót nghét gần 70 tuổi, là một người vô cùng đẹp lão, râu tóc bạc phơ, nhìn mặt vô cùng nhân hậu.