Bạn đang đọc: NGƯỜI GIỮ CỦA

CHƯƠNG 18

25/12/2023
 
 

Trước khi đặt chân đến ngôi làng này, đối với tôi cái chết trôn sống để trở thành thần giữ của là ghê rợn và kinh khủng nhất trên đời này. Giờ tôi mới thấy cái phép tu tiên ma quái kia mới chính là độc nhất vô nhị không gì có thể dã man hơn. Mười hai mạng trẻ con, mười hai quả tim, tôi thật sự không muốn nghĩ đến nữa.
Sắc mặt tôi lúc này đây có lẽ đã xanh như tàu lá chuối, dịch mật trong lục phủ ngũ tạng lại tiếp tục trào ngược ra. Bác hai thở dài, sau đó thì tiến lại gần vỗ lưng cho tôi.
Bác nói: “Những chuyện này mày nên làm quen dần, khi đã bước một chân xuống điện Diêm Vương rồi thì còn gì mà đáng sợ nữa. Giống như tao đây, bởi cũng là một người từ cõi chết trở về nên tao giờ đây khá bình thản với mọi thứ.”
Lời nói của bác hai khá có lý, tôi hiện tại cũng chả khác nào người bán sống bán chết, án tử đã sớm được đặt lên đầu tôi rồi.
“Nhắc lại chuyện cũ cháu cũng rất muốn hỏi bác, rõ ràng chính cháu là người hạ huyệt cho bác nhưng tại sao…” Tôi định nói tại sao bác lại không chết, nhưng thấy có chút bất hiếu nên đành thôi. Bác hai như hiểu ý, bác trả lời tôi:
“Tao vốn dĩ định giải thích cho mày rồi, nhưng giờ chưa phải lúc!”
Nói xong người bác nhiều bí mật của tôi xé mảnh giấy lau rồi lau miệng cho tôi, lúc này đây cái dịch mật trong bụng của tôi mới yên ổn hơn một chút.
Tôi nói: “Vết xăm trên trán của cháu xuất hiện chính là khi hạ huyệt cho bác mà không cẩn thận bổ nhào xuống lỗ huyệt. Bác có thấy không, trên bức trướng của bà chủ trọ lúc nãy cũng chính là thêu hình chiếc trâm hoa này.” Tôi vén mái tóc của mình lên, đồng thời quay thái dương bên trái về phía bác hai.”
Bác hai quay trở lại giường của mình, sau đó bác nói: “Tao biết, tao còn biết chiếc trâm hoa đó chính là pháp bảo của Trần Văn Tích. Có câu chuyện kể rằng, Trần Văn Tích đã dùng chiếc trâm đó diệt âm binh.”
“Bà chủ trọ với Trần Văn Tích nhất định có quan hệ không hề đơn giản!” Tôi khẳng định, bác hai cũng gật đầu.
Bác với tay lấy chiếc bút và tờ giấy trên bàn rồi bắt đầu phác họa lại hình chiếc trâm, vừa phác họa bác vừa nói: “Trần Văn Tích là người Vân Nam, chiếc trâm hoa hay là thuật tu tiên tao cho rằng đều do Trần Văn Tích mang đến nơi này. Nếu đúng thật như vậy thì cái lão già này cũng chẳng phải người tốt đẹp gì.”Bác hai quay sang nhìn thái dương trái của tôi, sau đó lại tiếp tục di di chiếc bút. “Sắp tới nếu gặp được lão ta, mày nhất định phải cẩn thận.”
Tôi gật đầu, trong lòng vừa rối tung vừa nặng trĩu, ban đầu vốn tưởng chỉ cần tìm được Trần Văn Tích thì số mệnh của tôi sẽ được khởi sắc, nhưng giờ đây khi nghĩ đến phép tu tiên ghê rợn mà ông ta mang đến cho bà chủ trọ kia thì nỗi sợ hãi trong tôi lại được nhân lên gấp đôi.
Bác hai đưa mắt quan sát hình xăm trên trán tôi một lần nữa, sau đó lại nhìn hình chiếc trâm hoa trên bản vẽ của mình. Lúc này đây, đôi lông mày đen rậm của bác đột nhiên cong lên, hai mắt của bác nheo lại giống như là bác đã phát hiện ra một điều gì đó vô cùng kinh khủng. Tôi rời khỏi chiếc giường của mình, rồi tiến lại ngồi bên cạnh bác hai.
Tôi hỏi: “Bác phát hiện ra gì rồi sao?”
Bác tôi đặt bản vẽ xuống dưới mặt bàn, tôi nhìn hành động của bác có chút căng thẳng. Lúc trước, nếu như mỗi lần cả lớp chỉ có một mình tôi giải được bài toán khó thì tôi sẽ có tâm trạng căng thẳng như vậy. Bác hai cầm đầu bút và chỉ chỉ vào hình chiếc trâm hoa được phác họa lại trên giấy và nói.
“Mày quan sát kỹ những chấm tròn tao tô đậm này.” Bác bắt đầu chỉ vào phần đầu to nhất của cây trâm, đó là phần được trang trí và thêu hoa. “Mỗi chấm tròn này chính là một bông hoa thêu nhỏ trên chiếc trâm. Nếu đầu chiếc trâm này được chia thành bốn góc, thì mỗi góc vừa tròn có bảy chấm. Tao quy nó về bốn hướng đông tây nam bắc thì vừa khớp với chòm sao Nhị Thập Bát Tú.”
Khi nhắc đến phong thủy và thuật ngũ hành trong đầu tôi cũng bắt đầu nhảy số vô cùng nhanh. Tôi đã đừng đọc trên mạng về chòm sao nổi tiếng này. Thập Nhị Bát Tú là tinh tượng men theo phụ cận đường hoàng đạo và xích đạo chia ra thành 28 bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận sẽ được gọi là một tú. Tú chính là tượng trưng cho bốn hướng đông tây nam bắc và bốn màu sắc xanh, đỏ, trắng, đen và hình tượng của mấy loài động vật rồng, chim, hổ, rùa, và rắn để phối hợp gọi là tứ tượng.
“Nó mang ý nghĩa gì?” Xét về mặt này thì tôi thật sự không có chút kiến thức nào, giống như bác hai nói bát quái ngũ hành thì cần dựa vào kinh nghiệm để đúc kết thực hành chứ không phải dựa vào sách vở để ghi nhớ.
Bác chưa trả lời tôi ngay, bác dùng bút tô tám điểm chấm trên bốn góc của hình cây trâm. Điều đó tượng trưng có trong Thập Nhị Bát Tú, mỗi hướng đông tây nam bắc bác chọn lấy hai chấm có khoảng cách xa nhau nhất mà nối lại. Khi nét bút cuối cùng của bác dừng lại, tôi sững người, tám nét chấm kia vừa khít tạo thành hình bát quái.
“Mẹ kiếp, rõ ràng là một thứ tà ma không hay ho gì.” Tôi nhìn tờ giấy mà chửi thề, trong lòng vô cùng khó chịu.
Bác hai lúc này mới chịu lên tiếng: “Hiện tại tao cũng chưa biết được ý nghĩa của hình vẽ này là gì, cho nên tao không kết luận nó là một thứ tà ma như mày được. Đôi khi những thứ mày thấy rõ như ban ngày chưa chắc đã phải là sự thật. Cũng giống như trong bát quái, quẻ Khảm cũng chưa chắc đã phải là quẻ hung. Quẻ Càn chưa chắc đã phải quẻ cát.”
Nói xong bác thu dọn lại tờ giấy trên mặt bàn, sau đó đặt lưng xuống giường.
“Nghỉ đi, mai ra bờ sông xem rốt cuộc Trần Bình Xuyên vì sao mà chết?”
Tôi cũng không hỏi bác hai gì thêm đành lặng lẽ trở về chiếc giường của mình. Nằm xuống giường, trong đầu tôi hiện lên toàn là hình ảnh của Thập Nhị Bát Tú và những quả tim của trẻ con.
—-
Sáng hôm sau tôi với bác hai ra bờ sông từ sáu giờ sáng. Bác hai nói bác muốn tìm lại chàng trai chèo thuyền đã phát hiện ra xác của Trần Bình Xuyên để hỏi thăm một chút thông tin.
Tuy nhiên, muốn tìm anh ta cũng không phải đến nhà gõ cửa là có thể gặp được. Hai bác cháu tôi đã mất hơn một tiếng đi bộ ven bờ sông mà vẫn chưa tìm thấy anh chàng thanh niên trẻ đó. Cuối cùng hai tiếng đồng hồ trôi qua, chúng tôi cuối cùng cũng nhìn thấy anh ta đang chèo thuyền ở phía bên kia bờ sông tiến đến. Thuyền chàng trai trẻ vừa dạt vào bờ tôi đã vội vàng vẫy tay chào anh ta.
“Anh còn nhớ chúng tôi không?” Một câu hỏi xã giao thay cho lời chào.
Chàng thanh niên đáp bằng cái giọng dân tộc ngọng líu ngọng lo: “Có chứ, người ở thành phố đến nhìn khác xa so với chúng tôi ở nơi này, làm sao mà tôi không nhớ được.” Anh ta vừa trả lời vừa bê một thúng cá tươi bước xuống thuyền, nét mặt chàng thanh niên vô cùng rạng rỡ có vẻ như hôm nay anh ta đã thu hoạch được một mẻ lớn.
“Chàng trai, cậu có thể cho chúng tôi hỏi thăm một chút được không?” Bác hai lên tiếng.
“Được chứ, hai người cứ hỏi tôi biết sẽ chỉ cho.”
“Ngày nào anh cũng đánh cá ở đây sao?”
“Đúng vậy, cả nhà tôi mấy đời chỉ sống dựa vào dòng sông này!” Chàng thanh niên nở nụ cười rạng rỡ, nhìn anh ta dường như chẳng có chút phiền muội nào.
Bác hai tiếp túc nối kết vấn đề: “Nghe nói Trần Bình Xuyên trước khi chết cũng làm nghề chài lưới, như vậy thì hàng ngày có lẽ cậu đều gặp thấy cậu ta ở đây?”
“Đúng vậy, hàng ngày tôi đều nhìn thấy cậu ta bên bờ kia sông. Hơn một năm trước cậu ta đúng là rất chăm chỉ ra sống bắt cá, nhưng một năm trở lại đây cái tên đó trở nên kì dị không tiếp xúc với ai, cá cũng chẳng buồn bắt. Hàng ngày ra sông cậu ta cứ ngồi lù lù một đống trên tảng đá ở bờ sông bên kia kìa.” Vừa nói chàng thanh niên vừa chỉ hướng cho chúng tôi.
“Cậu có biết cậu ta ngồi đó làm gì không?”
“Tôi thèm vào cần biết cậu ta làm gì, một tên vừa hung dữ vừa lập dị nên chúng tôi đều hạn chế tiếp xúc gần.”
“Là một năm trở lại đây Trần Bình Xuyên mới trở nên như vậy đúng không?” Bác hai vẫn tiếp tục hỏi thêm.
“Đúng thế!” Chàng thanh niên đáp. “Trước kia đâu có đến nỗi như vậy… haizz… dù sao giờ cậu ta cũng chết rồi, nhắc lại chuyện cũ cũng chẳng vui vẻ gì…”
“Hay là thế này, anh chở giúp chúng tôi qua bên bờ kia sông, tôi sẽ trả anh một ngày công.” Bác hai đề xuất kiến nghị. Chàng thanh niên vừa nghe thấy tiền mắt đã sáng lên, liền vui vẻ gật đầu đáp: “Chuyện này khó gì, hai người lên thuyền đi!” Nói xong anh ta bê thúng cá trở lại thuyền niềm nở chào đón chúng tôi.
Nhân lúc ngồi trên thuyền của chàng trai đánh cá để qua bờ sông bên kia bác hai nhân cơ hội này lại lân la câu chuyện về Trần Bình Xuyên với chàng trai trẻ.
“Cậu có thể kể cho tôi nghe trước kia Trần Bình Xuyên là người như thế nào không?”
Chàng trai trẻ vui vẻ kể lại: “Ngày trước, Trần Bình Xuyên vốn là một người ít nói, trầm tính, hiền lành, tốt bụng. Tôi cũng thường xuyên đi đánh cá cùng cậu ta. Quãng thời gian đó tôi thấy là quãng thời gian vui vẻ nhất của Trần Bình Xuyên. Tuy nhiên, kể từ cái ngày mà…” Nói đến đây chàng trai trẻ bỗng nhiên dừng lại, nét mặt của cậu ta biểu lộ rõ sự khó nói.
“Trần Bình Xuyên thay đổi sao?” Tôi hỏi.
Chàng trai trẻ gật đầu: “Cậu ta không còn đi đánh cá chung với chúng tôi nữa. Hàng ngày Trần Bình Xuyên vẫn ra sông nhưng là ngồi một mình ở bãi đá bên kia. Tính khí của cậu ta cũng trở nên nóng nảy, lâu ngày khiến ai cũng dè chừng mà không dám đến gần.”
“Cậu có thể nói cho chúng tôi biết đã có chuyện gì xảy ra với cậu ta không?”
Nét mặt của chàng thanh niên càng lúc càng trở nên khó coi hơn, bắt đầu hiện ra sự lo lắng và sợ hãi.
“Mà hai người là ai? Tại sao lại quan tâm đến Trần Bình Xuyên như vậy? Hai người có ý đồ gì?”
“Chúng tôi là họ hàng của cậu ta! Hơn chục năm trời rồi mới quay lại làng, không ngờ vừa về đến cửa đã nghe được tin giữ.” Đây là một lời nói dối đầy sơ hở của bác hai cáo già của tôi, ấy vậy mà chàng thanh niên đang chèo thuyền này cũng tin. Anh ta gật gù rồi tiếp tục chèo.
“Chuyện xảy ra với Trần Bình Xuyên tôi nghĩ hai người đã là họ hàng với nhau thì nên hỏi mẹ cậu ta. Tôi thật sự không tiện nói.”
Bác hai giả bộ gật đầu: “Mọi chuyện tôi đã nghe bà chị già của tôi kể qua. Tuy nhiên bà chị tôi tính khí hơi nóng, bình thường hai mẹ con lại xung khắc nên chưa quan tâm được nhiều đứa con tội nghiệp của mình. Vì vậy tôi cho rằng hỏi thăm những người hay tiếp xúc với thằng cháu thì tốt hơn.”
Chàng trai trẻ nghe có vẻ cũng có lý nên gật gật cái đầu, nét mặt cũng dãn ra. Đúng lúc đó thì chiếc thuyền vừa cập bờ sông. Tảng đá nơi Trần Bình Xuyên thường lui tới chỉ chỉ cách chúng tôi tầm một trăm mét.
“Tôi dẫn hai người đến đây, còn lại hai người tự đi đến đó. Dân chài lưới như chúng tôi kị người chết đuối. Yên tâm tôi sẽ ngồi đây đợi hai người.”
Bác hai gật đầu, sau đó đưa cho chàng trai trẻ chút tiền cọc rồi hai bác cháu tôi bước xuống thuyền hướng về tảng đá trước mặt mà đi.
“Người dân ở đây thật thà quá, bác nói như vậy mà anh chàng kia cũng tin.” Tôi thành thật nhận xét.
Bác hai đưa tay ra định búng vào trán tôi nhưng nhờ nhanh trí tôi đã né được, bác nói: “Là do lý luận của tao thu phục được lòng người.”
Tôi nghe xong suýt phát ói, cái lý luận của bác chỉ lừa được những người dân thật thà thôi.
Đi dọc trên bờ sông chưa đầy vài phút, tảng đá đã hiện ra rõ ràng trước mặt chúng tôi. Đó là tảng đá lớn có chu vi khoảng mười mét vuông và cao đến gần hai mét. Mặt đá khá là nhẵn, bên trên tảng đá phủ còn phủ một màu xanh rêu đậm, mặt tiếp xúc giữa tảng đá và mặt đất còn có vô số những loài thực vật mọc lên tạo thành những bụi rậm cao đến một mét. Vừa nhìn, không chỉ bác hai mà đến cả tôi cũng phát hiện ra điều khác lạ. Hai bên bờ sông chủ yếu chỉ là sỏi và cát, nếu có thực vật sinh sống thì chỉ là những khóm rêu mọc trên đá hay những bụi cỏ nhỏ. Duy nhất chỉ có tại phiến đá này, thực vật như được tiếp thêm một loại sức mạnh vô hình nào đó mà phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Chúng tôi bước thêm vài bước chân nữa tiến sát lại gần bụi cây, nơi đây có một loại mùi vô cùng khó chịu. Thứ mùi này vừa giống như mùi xác hữu cơ phân hủy lại vừa giống như mùi mắm ăn đã quá hạn sử dụng. Vì bụi cây rậm cho nên đứng ở bên dưới hai bác cháu tôi chẳng thể quan sát được gì ngoài hít cái mùi khó chịu kia, cho nên bác hai quyết định trèo lên trên đỉnh tảng đá đó.
Phải loay hoay mất năm phút hai bác cháu tôi mới yên vị đứng trên đỉnh đảng đá. Vị trí này hoàn toàn có thể ngắm trọn dòng hạ lưu với tầm nhìn khá xa. Quan trọng hơn, vị trí này giúp chúng tôi nhìn rõ những hình thù, những vật kì dị quái lạ nằm trong những bụi cây ngay dưới chân tảng đá.
Tôi và bác hai đều không khỏi giật mình, trong những bụi cây chất đầy những miếng thịt và những khúc xương người đang dần phân hủy.
Bác hai nói: “Mười hai xác trẻ con vô tội đều nằm ở đây!”

 
 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...