Sau khi uống đến chục ngụm nước sông tôi mới có thể trẫn an lại cả linh hồn và thể xác của mình. Cách tôi vài sải tay bác hai cũng đang vuốt mặt ra sức điều hòa lại hô hấp. Tôi đưa mắt nhìn lên phía sườn đồi, chiếc tàu đã mất bóng từ lúc nào không hay. Chiều cao từ sườn đồi đến mặt nước chừng ba mươi mét, ông trời phù hộ vì mực nước khá sâu cho nên hai bác cháu tôi không mệnh hệ gì. Đám người kia có lẽ chẳng thể ngờ được rằng chúng tôi đã nhảy xuống sườn đồi và vẫn còn sống. Nghĩ tới đây tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm. Cho đến thời điểm này tính mạng hai bác cháu tôi coi như được an toàn.
Dòng hạ lưu nước chảy vô cùng xiết, tôi thiếu chút nữa là bị cuốn trôi theo dòng nước may sao có bác hai kéo lại. Sau đó bác ra hiệu cho tôi bơi vào bờ sông. Kỹ năng bơi của tôi cũng không phải là quá tồi, lúc còn nhỏ tôi sống ở quê nên thường xuyên tắm sống, trồng cây chuối với lũ trẻ con trong làng.
Sau vài sải tay, tôi và bác hai dễ dàng tiến đến bờ sông trước mặt. Chúng tôi nằm dài trên bãi, ngước nhìn bầu trời trong xanh trên đầu, miệng thở hổn hển.
“Coi như thoát được lần này…” Bác hai cởi chiếc áo kaki ướt sũng trên người, sau đó vẩy đi vẩy lại cho dóc nước. “Tạm thời ngồi đây hong khô quần áo rồi nghỉ chút đã.” Bác hai nói tiếp.
Sau một cuộc chiến giữa sự sống và cái chết, chúng tôi cần nghỉ ngơi và lấy lại sức.
——
Hai bác cháu tôi nhặt những cành cây khô xung quanh sau đó đốt lửa lên để hong khô quần áo. May thay tôi và bác hai đều dùng ba lô không thấm nước cho nên những vật dụng bên trong vẫn còn nguyên vẹn không dính chút nước nào. Chúng tôi chia nhau ăn những mẩu bánh mì còn sót lại. Bác hai nhìn đồng hồ, hiện tại là bốn giờ chiều, cho nên trước khi trời tối chúng tôi phải rời khỏi đây để tìm một nơi trú chân.
Hai mươi phút sau, lượng nước trên quần áo cũng bốc hơi tương đối, thể lực cũng hồi phục khá nhiều, tôi và bác hai thu dọn đồ đạc dọc theo dòng nước chảy để tìm lối đi.
“Bọn chúng rốt cuộc là ai, tại sao chúng lại đuổi theo chúng ta?” Vừa đi tôi vừa hỏi bác hai. Cho đến giờ phút này tôi vẫn không hiểu vì sao đám người đó lại muốn giết chúng tôi.
“Bọn chúng là người tàu, có lẽ Hùng Dũng phát hiện mày bỏ trốn cho nên đã báo với bọn người tàu đó.”
Tôi thở dài một hơi, lòng nặng trĩu.
“Không biết chúng có làm gì ông nội và bố mẹ cháu không nữa.”
“Chúng sẽ không để yên đâu, cho nên dù có tìm được Trần Văn Tích hay không thì trước thời hạn rằm tháng bảy mày vẫn phải trở về.”
Đúng vậy, nếu phải chết thì tôi sẽ chết một cách thật sảng khoái. Nếu có trở thành thần giữ của thật, tôi nhất định sẽ ám những người đó cho đến chết. Nghĩ đến đây tôi thấy bản thân mình có chút ghê tởm tà niệm.
“Vừa rồi nếu không nhảy xuống dòng nước kia có khi bác cháu mình đã bị bọn chúng chém sống rồi.”
“Chúng sẽ không giết mày đâu, chúng chém tao trước sau đó thì lôi cổ mày về.”
“Trước cháu chỉ thấy bác chơi đồ cổ và đi công trình, không ngờ bác đánh võ giỏi thế, còn giải được cả mật mã của ông nội.”
“Mày cần học thêm chục năm nữa may ra mới bằng bác con ạ.”
Bác hai nói giọng vừa châm biếm vừa chế giễu. Mười năm nữa tôi hai mươi tám tuổi, lúc đó tôi đã giỏi như bác thì tính đến tuổi bác bây giờ tôi có khi lại trở thành một cao thủ giang hồ. Tuy nhiên, sự thật vẫn là tôi chưa chắc đã sống được đến lúc đó.
“Nếu cháu qua được đại nạn này, bác nhất định phải dạy cháu mấy cái thuật tính bát quái của bác đấy nhé.”
“Cái đó mày có học cả đời cũng không hết, hơn nữa bát quái không phải dựa vào sách vở rồi ghi nhớ lại mà là dựa vào kinh nghiệm.”
Tôi nghe bác hai nói cũng có lý, công việc chính của bác là tu sửa hồi phục những công trình cổ. Ngoài việc vận dụng đầu óc sáng tạo và kỹ năng đo đạc tính toán chuẩn đến từng milimet ra thì am hiểu về phong thủy và bát quái ngũ hành chính là bí kíp khiến bác được xã hội gọi bằng hai từ thiên tài. Tôi còn nhớ cái ngày làm đám tang cho bác, đến cả bộ trưởng của bộ bảo tồn di tích quốc gia đích thân đến phúng viếng. Lúc đó tôi còn nghe ông ta nói rằng, không biết phải bao nhiêu năm sau họ mới tìm được một người tài giỏi như bác tôi. Nhìn bác hai với cái miệng nhồm nhoàng đang nhai mẩu bánh mì đi cạnh mình lúc này, tôi thấy buồn cho họ. Họ không thở ngờ rằng bác tôi vẫn còn sống. Cả cái bộ bảo tồn di tích quốc gia kia đã bị bác tôi đánh úp một cách vô cùng ngoạn mục.
Bác Hai cốc nhẹ vào đầu tôi một cái: “ Nghĩ linh tinh cái gì thế, lo mà tìm Trần Văn Tích đi.”
Đúng vậy, Trần Văn Tích ông thần sống của tôi, ông rốt cuộc ở chân trời nào…
Hai bác cháu tôi vừa đi dọc theo dòng hạ lưu vừa nói chuyện phiếm, cho đến khoảng sáu giờ tối thì chúng tôi may mắn tìm được một ngôi làng nhỏ. Nơi đây dân số không quá đông, nhưng ít ra cũng có dịch vụ cho thuê nhà trọ. Đêm nay gạt bỏ mọi thứ, đôi chân tê cứng của tôi cần được nghỉ ngơi và bảo dưỡng.
—-
Hai bác cháu tôi thuê một căn trọ ở trong làng với giá hai triệu đồng một đêm. Mẹ kiếp, căn phòng trọ cũ kỹ đến cả nóng lạnh cũng không có mà giá thì cắt cổ. Đám người ở đây cũng thật biết cách làm ăn.
Bà chủ quán là một bà cô béo ngoài năm mươi tuổi, tóc búi cao mặc bộ trang phục của dân tộc Thái. Bà ta có một đứa con trai nhìn tướng mạo chừng hai mươi sáu hai bảy tuổi. Anh ta để râu quai nón nhìn vô cùng dữ tợn. Dù chúng tôi là khách, tuy niên anh ta chẳng hề chào hỏi hai bác cháu tôi một câu, ngược lại còn không ngừng đặt ánh nhìn dò xét lên người chúng tôi.
“Nó là thế, hai người đừng để ý. Mỗi ngày nó sẽ đến đây thay nước và dọn dẹp, đừng quan tâm đến nó cứ coi nó như không khí là được.” Bà chủ trọ nói, đồng thời một tay đưa chìa khóa phòng cho bác hai, một tay nhận lấy tiền phòng.
“Quy định ở đây là thế, vẫn là đặt cọc tiền trước thì tốt hơn.” Bà ta nói thêm.
Bác hai tổng cộng đưa cho bà ta năm triệu. Theo như kế hoạch thì chúng tôi sẽ ở lại đây hai ngày, vừa nghỉ ngơi vừa nghe ngóng tin tức về Trần Văn Tích.
“Con trai bà làm nghề gì thế?” Bác hai hỏi. Tôi lấy làm lạ, không biết từ bao giờ người bác vô cảm với xã hội như ông bác của tôi lại quan tâm đến một người lạ.
“Haizz… nó ngoài việc ở nhà phụ tôi cấp nước ra thì suốt ngày chạy ra bờ sông bắt cá. Con nhà người ta đi tây đi tàu mang về cả núi tiền. Còn nó thì thật vô tích sự.”
Bác hai nhún vai tỏ vẻ cảm thông. Sau đó thì hai bác cháu chúng tôi bước lên cầu thang, tiến đến căn phòng trọ.
—
Tôi tháo chiếc ba lô ném sang một bên, xong xuôi liền vội vàng đặt lưng xuống giường. Ở chiếc giường đối diện bên cạnh, bác hai cũng bắt đầu tháo bỏ hành lý.
Mẹ kiếp, cuối cùng thì cái thân thể đau nhức ê ẩm của tôi cũng được thư giãn. Dù cho trời sập xuống thì đêm nay tôi cũng sẽ ngủ một giấc thật say. Tôi và bác hai sau khi thu dọn đồ đạc và tắm rửa xong thì cũng tám giờ tối. Mấy mẩu bánh mì vụn lúc này đã tiêu hóa triệt để, chúng tôi cần phải nạp thêm năng lượng ngay lập tức. Cho nên không chần chừ một giây nào hai bác cháu rủ nhau xuống tầng dưới gọi đồ ăn. Chúng tôi gọi một xuất cơm thường có thịt có cá và có rau. Ngay lúc này đây như vậy là quá đủ rồi.
“Bác có nghĩ đám người đó sẽ đuổi theo chúng ta đến đây không?” Vừa cho miếng thịt nướng vào miệng nhai tôi vừa hỏi.
“Tao nghĩ trước mắt thì chưa, nhưng nơi này cũng không thể ở lâu được. Nếu trong ngày mai không nghe ngóng được chút tin tức nào của Trần Văn Tích thì chúng ta cũng phải rời khỏi đây.”
Tôi khẽ gật đầu, tất cả đều nghe sự chỉ đạo của bác hai.
Đúng lúc đó ngay sau lưng tôi vang lên một tiếng choảng… vô cùng lớn, đó là tiếng đổ vỡ của đồ vật. Tôi và bác hai đồng loạt nhìn về phía phát ra âm thanh đổ vỡ kia thì nhìn thấy cậu con trai của bà chủ trọ. Những mảnh sành của chiếc phích nước nằm ngổn ngang dưới chân cậu ta.
Bà mẹ từ trong bếp tức giận chạy ra không ngừng mắng chửi vào mặt đứa con trai.
“Trời ơi, cái phích nước từ thời cha sinh mẹ đẻ của tôi! Suốt ngày ngẩn ngẩn ngơ ngơ đến cầm cái phích nước cũng không thành, đúng là vô tích sự.”
Cậu con trai đưa mắt nhìn những người xung quanh đang nhìn mình, sau đó không nói một lời nào lẳng lặng nhặt những mảnh sành trên nền nhà.
“Mày thấy thằng con bà chủ nhà thế nào?” Bác hai hếch cằm về phía sau lưng tôi.
“Nhìn mặt anh ta vô cùng hung dữ. Mà bác từ khi nào quan tâm đến chuyện người khác thế?”
“Với kinh nghiệm ba mươi tám năm cuộc đời của mình tao dám khẳng định thằng kia có vấn đề. Trên người nó có một loại mùi rất nồng…”
Tôi bắt đầu dùng ánh mắt nghi ngờ nhìn bác hai.
“Bác đa nghi quá! Ở đây là vùng nông thôn dân tộc, trên người họ có mùi cây cỏ hay mùi gì quái lạ thì cũng rất bình thường thôi.”
“Tạm thời tao chưa nghĩ ra mùi gì, nhưng tao dám cá thằng cu kia không sớm muộn gì thì cũng gây ra họa.”
Tôi không quan tâm đến việc anh ta gây ra họa gì vì dù sao chúng tôi cũng chỉ ở lại đây hai ngày. Trong hai ngày này tôi chỉ muốn giữ sức và nghe ngóng tin tức về Trần Văn Tích, ngoài ra những thứ khác tôi không muốn để tâm thêm.
The comment box
Theo dõi
Đăng nhập
0 Góp ý