Sau CMT8 thành công, gia đình mẹ tôi di tản từ Gò Công xuống Kiên Giang để sinh sống. Nghe mẹ kể, nơi bà định cư là một vùng đất hoang vu có tên là làng Vọng Thê. Tại đây. không chỉ riêng gia đình mẹ tôi mà còn có rất nhiều người tứ xứ kéo đến để tìm cho mình một phần đất để xây nhà. Đến năm 1971, khi tôi vừa chào đời không bao lâu thì một lần nữa gia đình tôi lại dời qua đảo Phú Quốc ở luôn cho đến thời điểm hiện tại.
Có lần tôi nghe mẹ kể, từ khi bà còn nhỏ cho đến lúc bà 16,17 tuổi chưa bao giờ gặp những chuyện tâm linh, ma quỷ, ý nghĩ đó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của bà rồi. Cho đến khi bà đặt chân vào cái làng này thì một thời gian sau đã xảy ra sự việc kinh hoàng làm rúng động người dân và cả chính quyền xã lúc bấy giờ và tôi xin phép được kể lại câu chuyện ấy như sau.
Vào những cuối năm 1953 đầu năm 1954 tại xã Vọng Thê thuộc tỉnh Long Châu Hà, Kiên Giang.
Buổi chiều hôm ấy, trời mưa phùn rả rít, kéo dài mãi chẳng ngưng. Trên con đường đất dẫn vào làng Vọng Thê, có hai người đàn ông dầm mưa chạy hối hả băng qua hàng rào gỗ mục nát đứng trước sân. Bất chợt, tiếng của một anh thanh niên gọi lớn tiếng vào trong.
—- “Ông Thới ơi, ông Thới. Có chuyện lớn rồi ông ơi.”
Từ trong căn nhà lá lụp xụp xây bằng lá dừa khô, một người đàn ông tuổi ngoài 35 xuất hiện đứng trước cửa nhìn ra ngạc nhiên hỏi.
—- “Ủa Hai, Phụng, trời mưa tụi bây chạy qua tìm tao có gì hông?”
Anh Thới vội chụp lấy tấm ván kết lại bằng những lá dừa khô chạy ra mở cửa. Nhưng vừa đến giữa sân thì anh Phụng hãi hùng nói luôn.
—- “Anh ơi, chị Đào té xuống sông rồi, ngay con kênh đầu làng đó, anh chạy ra nhanh đi.”
—- “Quỷ thần ơi, vợ của tui..”
Sau câu cảm thán ấy, anh Thới mặt cắt không còn hột máu, liền vứt tấm ván vội vã phóng qua hàng rào gỗ chạy một mạch về phía con kênh mà quên mất đứa con trai mới 10 tuổi của mình vừa mới ngủ trong phòng.
Lúc anh đến nơi thì thấy bà con trong làng đội mưa nép sát vào nhau bu xem đông lắm. Ở giữa khúc sông, có 3,4 người đàn ông thay phiên nhau bất chấp gió mưa lạnh buốt ra sức tìm kiếm thi thể của người phụ nữ xấu số. Thấy anh la hét định nhảy xuống, vài người lo lắng đứng chắn ngang giữ lấy vai anh, ông Bảy Luận, hàng xóm thân thiết với gia đình anh lo lắng trấn an.
—- “Thới nè, bây bình tĩnh lại đi. Người ta đang cố sức tìm kiếm vợ bây rồi. Cứ chờ ở đây đi. Bây hông biết bơi nhảy xuống đó nguy hiểm lắm. Nghe tao đi mà.”
—- “Mấy người buông tui ra, vợ tui ở dưới đó, tui phải xuống tìm nó. Buông tui raaaa.”
—- “Nè nè, tụi bây, cứ giữ chặt nó lại, đừng có cho nó nhảy xuống, hông là thấy bà lun đó.”
Mặc cho anh ra sức vùng vẫy, cố thoát khỏi những bàn tay hộ pháp đang ghì chặt lấy mình nhưng rồi một mình anh không sao chống trả lại được đành cắn chặt môi đến bật máu nhìn con sông lạnh lẽo giá rét dần nuốt chửng vợ của mình.
Càng ngày thời gian trôi qua nhanh hơn, trời tối mịt mà thi thể cô Đào vẫn chưa được tìm thấy, ai nấy đều nghĩ rằng có thể cái xác đã bị dòng chảy cuốn trôi mất rồi. Anh Thới khi này gào khóc thảm thiết, xung quanh bà con đứng ngồi vây quanh thương cảm. Bà Tám Phước, vốn là bạn hàng buôn trái cây với cô Đào ngoài chợ huyện, nghe tin cô mất, bà lật đật dọn hàng chạy ra xem mình có giúp gì được không nhưng khi đến nơi thì mọi thứ đã quá muộn rồi.
Lúc còn sống, bà có nghe về hoàn cảnh khó khăn của gia đình cô khi anh Thới vốn là thương binh. Sau khi được phép trở về đoàn tụ với vợ con, do ảnh hưởng vết thương ngoài chiến trận nên sức khỏe anh dần yếu đi, hầu như không làm được nặng nữa mà kinh tế trong ngoài đều phụ thuộc hết vào cô. Ngoài việc giữ con, lo ruộng vườn nhỏ sau nhà ra thì anh không còn làm gì nữa.
Thỉnh thoảng, bà Tám Phước có đến nhà thăm hỏi hai vợ chồng và có cho thằng ku Mạnh bịch trứng cá, thứ trái cây mà nó thích ăn nhất mỗi khi được mẹ cho đi chơi cùng đám nhóc trong xóm ở ngoài gốc cây trứng cá cạnh nhà ông Luận.
Thế rồi mấy ngày đau buồn trôi qua mà thi thể cô Đào vẫn chưa được tìm thấy mặc dù anh Thới cùng với bà con thân thuộc có báo với chính quyền để trợ giúp. Khi biết chắc mọi thứ vô vọng, anh Thới dần trở nên suy sụp và quyết định xây tạm ở sau nhà mình một cái mộ gió bằng đất, trên tấm bia bằng gỗ còn được khắc gõ đầy đủ thông tin của người vợ quá cố.
Thấm thoát gần hai tháng trôi qua kể từ cái ngày vợ anh chết mất xác đến nay. Cứ lâu lâu bà con chòm xóm đi làm về ngang qua ngước nhìn vào nhà, họ đều để ý thấy anh Thới có lúc ngồi thẫn thờ trước sân, có lúc thì lại ngồi dưới bờ ruộng sau nhà trò chuyện một mình nhưng tuyệt nhiên chẳng có ai bên cạnh anh cả ngoại trừ tiếng thằng ku Mạnh kêu khóc vì đói thôi.
Tuy vậy, cuộc sống sinh hoạt của anh vẫn diễn ra bình thường, giao tiếp với bà con một cách rất tự nhiên. Bẵng một hôm, bà Tám Phước từ xã Vĩnh Trạch do có việc gấp nên khi đi ngang qua xã của anh Thới, vô tình bắt gặp thằng ku Mạnh đang ngồi khóc lóc trước cửa nhà. Sẵn trong túi xách có trái cây, bà ngẫm nghĩ một lúc thì mới quyết định ghé vào nhà thăm hỏi hai cha con tiện thể thắp cho cô Đào một nén nhang gọi là lòng thành kính.
Ngay khi tiếp cận thằng ku Mạnh, lúc này nó không khóc nữa mà sụt sùi nước mắt nước mũi nhìn bà dửng dưng lắm. Thấy vậy, bà chậm rãi ngồi bên cạnh lấy khăn tay lau mặt cho nó rồi thắc mắc hỏi.
—- “Ủa Mạnh, sao con lại ngồi đây vậy? Tía con đâu rồi?”
Nghe bà hỏi về cha mình, nó liền thay đổi sắc mặt tỏ vẻ sợ hãi, đầu cứ lắc lia lịa.
—- “Con sợ lắm, sợ lắm…”
Thấy hành động kỳ quặc của nó, bà Tám Phước chau mày nhìn vào trong nhà rồi lại quay sang hỏi tiếp.
—- “Sợ, con sợ cái gì? Ủa? Tay con bị sao vậy nè? Mèn đéc ơi, cổ con sao bị trầy dữ vậy nè?”
Kiểm tra thân thể nó một lúc, thấy có vài chỗ bị đánh đến bầm tím, bà lúc này hoang mang lắm, vội đưa hai tay lên xoa đôi gò má nó rồi nói.
—- “Con bị người ta uýnh phải hông? Nói thiệt cho bà nghe đi.”
—- “Dạ..con..con.”
Chưa nói dứt câu thì từ sau lưng, tiếng của anh Thới chợt vang lên cắt ngang cuộc trò chuyện giữa hai bà cháu.
—- “Chị Tám, chị đến nhà hồi nào tui hông biết vậy? Ai mở cửa cho chị vào đó?”
Bà giật mình quay lại thì thấy anh Thới đứng giữa lối đi ra sau nhà, trên tay còn cầm theo con dao bầu sắc bén. Bất giác, bà Tám Phước có chút lạnh sống lưng nhưng chỉ sau vài giây định thần lại thì bà mới ung dung đáp.
—- “Ờ thì mới nãy ngang qua nhà bây, thấy cửa nhà đang mở, còn thằng này nó ngồi thu lu ở đây. Cái sau đó tao mới đi vô hỏi thăm nó, tiện thể thắp nhang cho con vợ bây lun mà.”
—- “Vậy hả? Ừ, vậy thì chị đốt nhang cho nó lẹ lẹ lên đi. Tui có việc phải ra ngoài bây giờ rồi.”
Nghe xong, bà lật đật đứng lên, tiến nhanh lại gian thờ dựng bằng thân cây tre, trước tấm di ảnh kỳ dị của cô Đào được anh vẽ bằng bút chì than. Bà Tám Phước không dám nhìn tấm hình lâu, liền khấn vái lâm râm, cắm nén nhang vào chậu đất nhỏ sau đó vội vã chào từ biệt hai cha con ra về.
Thấy bà Tám Phước khuất xa rồi, tức thì anh đột nhiên nổi nóng liếc nhìn đứa con trai bằng cặp mắt căm hờn.
—- “Tao nói với mày rồi, ai cho mày ra đây ngồi hả? Có muốn tao bẻ lọi giò mày hay không? Đi vô trong liền. Nhanh lên.”
Giật mình, thằng ku Mạnh nháo nhào quên cả cơn đau chạy thẳng vào nhà phòng. Ở bên ngoài, anh Thới hậm hực đóng hết cửa nẻo không để chút ánh sáng lọt qua khe hở rồi lững thững quay vô nhà.
Những ngày tiếp theo trôi qua, bà con xung quanh thường xuyên nghe thấy tiếng khóc thét của thằng ku Mạnh phát ra từ trong nhà. Một số người lo lắng chạy sang kêu cửa thì mất một lúc lâu mới thấy anh Thới mình trần, đi chân không xuất hiện.
Thế nhưng, hình ảnh trước mắt họ không phải người đàn ông thân hình đầy đặn nữa, mà nhìn anh rất tiều tụy, đôi mắt quầng thâm như người mất ngủ lâu ngày. Từ trong con ngươi trắng dã ấy, có người thấy rõ những tia gân máu hoặc những con trùng quỷ dị lúc ẩn lúc hiện. Tuy nhiên, có người lo lắng cho thằng ku Mạnh liền lên tiếng trách cứ.
—- “Anh Thới, thằng Mạnh đâu rồi? Anh làm gì mà nó khóc la um sùm dữ vậy?”
Nghe câu hỏi ấy, anh khẽ nhếch miệng cười khúc khích, đôi mắt liếc nhìn từng người đầy vẻ bí ẩn rồi đáp.
—- “Tui có làm gì nó đâu? Nó đang chơi với má nó trong phòng thôi mà.”
Nghe đến đây, ai cũng nhìn nhau thắc mắc không biết “Má” mà anh Thới nói đến là ai? Mỗi người đều theo đuổi suy nghĩ cho riêng mình nhưng không ai có thể phủ nhận rằng cô Đào, má ruột của thằng ku Mạnh đã không còn tồn tại trên đời này nữa. Bất giác, ông Luận từ sau lưng đám người chen lên nghiêng đầu nhìn vô nhà rồi nói.
—- “Bây nói thằng Mạnh đang giỡn với má nó. Vậy người đó là ai? Bộ bây định đi thêm bước nữa hả?”
—- “Ờ, thì đã sao? Bộ mấy người thấy lạ lắm hả? Thui thui, chuyện này của gia đình tui, mấy người nhiều chuyện quá, làm ơn đi về hết dùm tui cái đi.”
Lập tức, anh nhanh tay đóng chặt cửa lại, bỏ qua những lời xì xầm bàn tán của bà con xung quanh. Và rồi cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua ở trong cái làng Vọng Thê này cho đến một đêm nọ. Khi mà người dân trong làng còn đang yên giấc ngủ, bỗng từ đâu vang lên những tiếng hét thất thanh. Mọi người giật mình tỉnh giấc, nhốn nháo đốt đèn kéo nhau lũ lượt ra ngoài như chạy giặc. Khi định thần lại thì họ nhận ra âm thanh ấy phát ra từ trong nhà của hai cha con anh Thới…