Mấy ngày sau đó trôi qua như hàng thế kỷ. Ông bà Ba Tùng cứ đi ra đi vào lo cho cháu mà không thiết làm gì nữa. Có lần họ nghĩ hay là đi đến nhà Hai Sinh coi sao, nhưng lại nhớ đến lời dặn của bà ta nên thôi. Không khí trong nhà cũng trùng xuống không ít, đi ra đi vào chỉ cảm nhận được sự lạnh lẽo bất tận.
“Tui tính rồi, đợi con Thảo qua cơn này thì cho nó về lại thành phố.”
Đang ngồi nhìn ra ngoài, bất giác ông Ba Tùng lại nói với vợ như thế. Bên ngoài trời đang đổ một màu ráng đỏ báo hiệu một ngày sắp kết thúc. Từng đợt gió hiu hiu len qua những phiến lá con, khiến chúng rung lên những âm thanh ngân nga vui tai. Thế nhưng qua câu nói của ông, cái đẹp và sinh động của thế giới thoáng chốc ngưng đọng lại. Bà Ba Tùng nghe chồng nói thế thì muốn góp lời, nhưng cuối cùng lại thôi.
Cứ ngỡ rằng lần này Thảo về đây chơi sẽ được thảnh thơi với ông bà, nào ngờ lại rước phải tai hoạ vào người. Mà hai người nghĩ hoài nghĩ mãi, không biết được căn do vì sao mà chuyện này lại xảy đến với cô. Dù cho bình thường cô đanh đá lại khó gần, nhưng tuyệt nhiên không gây thù chuốc oán với ai cả. Hay là cô giấu ông bà gì đó?
Cả hai vợ chồng cứ ngồi suy nghĩ mãi, đến mức quên cả ăn uống. Lúc này thì đột nhiên tiếng điện thoại vang lên “Reng! Reng! Reng!” – đã kéo ông bà trở về thực tại. Nhấc máy lên, hai người mới biết là ba má của Thảo gọi đến. Chắc hẳn là họ muốn hỏi thăm về cô như nào, nhưng cô đâu có ở đây. Nghĩ rằng nếu nói cho họ biết thì sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung cho công việc nên ông Ba Tùng đánh bạo nghe máy.
“Alo ba hả? Con Thảo có ở nhà không ba?’
“À… nó đi chơi với mấy đứa con gái trong xóm, chiều nó về!”
“Vậy chiều ba kêu nó gọi lại cho con. Điện thoại của nó mấy nay con gọi không được.”
“Ờ để chiều tao kêu cho.”
“Dạ, con còn chút việc, nào rảnh con nói chuyện với ba má.”
Dứt lời, đầu dây bên kia đã lập tức mất đi tín hiệu và chỉ vang lên mấy tiếng kêu tút tút. Ông bà Ba Tùng buông điện thoại xuống, nhìn nhau thở dài đầy ngán ngẩm. Mong rằng chuyện của Thảo sẽ thuận lợi giải quyết, ông bà sẽ đỡ lo hơn khi cô rời khỏi nơi này. Mấy người kia, bao gồm cả Tư Rạ đều chỉ chăm chăm làm, tuyệt nhiên không bàn đến chuyện vừa xảy ra. Dường như họ không hề muốn dính dáng đến chuyện ma quỷ này, sợ rằng sẽ thiệt mình hại thân.
Hôm sau là ngày đón Thảo về nhà, ông bà Ba Tùng đi ra đi vào cả ngày không yên. Đúng vào nửa đêm, hai người mang theo một cây dù màu đen rồi cùng nhau đi đến nhà của Hai Sinh. Cảnh đêm hiu hắt bao trùm cả căn nhà, cộng thêm không khí quỷ dị nơi đây khiến họ càng lạnh sống lưng. Nhìn thấy cánh cửa gỗ đóng kín, ông Ba Tùng lấy hết can đảm bước lên gửi.
“Cộc! Cộc! Cộc!”
“Kẹttttttt!”
Một chuỗi âm thanh vang lên nối tiếp nhau, hai cánh cửa gỗ nặng nề mở ra. Thứ ánh sáng màu đỏ từ bên trong hắt ra, thêm cả hai bóng người trải dài trên mặt đất. Thảo được Hai Sinh dẫn ra, trên người cô mặc một bộ bà ba màu đỏ như máu. Nhìn thấy cháu gái mình toàn vẹn đi ra, hai người mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Bà Ba Tùng tiến lên định kéo cô lại gần xem cho kĩ thì bị Hai Sinh quát:
“Kéo nó ra như vậy cho nó chết à? Bung cái dù ra!”
Nghe thấy thế, hai vợ chồng họ liền vội vội vàng vàng mở dù ra. Cánh dù màu đen che đi ánh trăng chiếu rọi xuống mặt đất, vừa đủ cho một người. Bấy giờ Thảo mới lẳng lặng bước vào, tránh sự soi chiếu của ánh trăng. Hai Sinh hài lòng gật gật đầu, sau đó liền căn dặn ông bà Ba Tùng rằng:
“Ba ngày sau đừng có cho nó tắm, tao mới dùng bùa đẩy hết tà khí trong người nó ra nên còn yếu lắm.”
“Dạ tụi con sẽ kiêng cử cho cháu ạ.”
Ông Ba Tùng vâng dạ đáp lởi Hai Sinh, sau đó liền tạm biệt bà ta mà dẫn Thảo về. Suốt dọc đường đi, hai vợ chồng họ liên tục hỏi chuyện cô nhưng đổi lại chỉ là sự im lặng kì quái. Cô giống như một con búp bê vô hồn, cứ lững thững đi về phía trước. Vài lần bà Ba Tùng vô ý lơi tay làm cây dù lệch đi bóng che, cô liền co người lại. Quả nhiên đúng như lời của Hai Sinh, ánh trăng kia có hại với cô.
Đi về đến nhà, Thảo không thèm để ý đến ông bà ngoại của mình mà lập tức đi vào trong phòng ngủ của mình đóng chặt cửa lại. Bởi vì quá lo cho cháu gái, bà Ba Tùng đứng ở ngoài cửa mà hỏi vọng vào mấy câu. Thế nhưng thứ đáp lại bà chỉ là sự im lặng của cô. Hết cách, ông bà chỉ đành đi nghỉ ngơi rồi để mai xem cô có ổn hơn không.
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng theo tiếng gà gáy ngoài sân thì dân làng cũng nô nức rủ nhau ra đồng. Vừa đi họ vừa trò chuyện rôm rả, khiến cả con đường làng trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Thế nhưng khi đi ngang qua nhà ông bà Ba Tùng thì tự nhiên họ lại vô thức ngậm chặt miệng lại, đôi mắt cứ len lén nhìn vào trong.
Không hiểu trời xui đất khiến thế nào họ lại nhìn về phía cửa sổ phòng của Thảo. Cánh cửa gỗ nặng nề được mở ra dần dần, để lộ cảnh tượng bên trong. Thảo đang ngồi trên ghế gần cửa sổ, tay thì mải miết chải mái tóc dài óng ả. Dù đó chỉ là một cảnh tượng bình thường, nhưng lại khiến người nhìn thấy sởn cả tóc gáy. Dường như từ bên trong cô gái này toả ra cảm giác đáng sợ đến tận cùng vậy.
“Thảo! Con dậy chưa?”
Giọng của bà Ba Tùng khiến động tác chải tóc của Thảo khựng lại đôi chút rồi lại tiếp tục. Cô không đáp lại bà, giống như xem bà ngoại của mình không hề tồn tại trước mắt. Từ đầu chí cuối, cô chỉ lặng lẽ ngồi chải cái mái tóc kia cho thật đẹp và óng ả. Vì cô muốn cho một người được nhìn thấy cô xinh đẹp đến mức nào.
Không nhận được sự hồi đáp khiến ông bà Ba Tùng nghĩ rằng Thảo vẫn còn ngủ nên đành cùng nhau ra ruộng làm việc. Sợ rằng ở nhà cô đi lung tung nên họ đã khoá cửa trước lại, chỉ để cổng mở cho mấy người đến làm như mọi ngày. Nào ngờ chỉ chờ hai người đó đi thì cháu gái họ cũng bắt đầu có những hành động kì lạ.
Thảo bỏ cây lược xuống, định mở cửa bước ra ngoài thì phát hiện nó bị khoá chặt. Cả gương mặt cô lúc ấy đỏ gay đỏ gắt, hơi thở cũng dồn dập liên tục hệt như đang tức giận. Hai tay cô nắm chặt lấy tay nắm cửa muốn giật nó ra, nhưng sức yếu nên ngoài việc làm nó rung lên từng hồi thì không làm gì được nữa. Cơn tức giận lên đến đỉnh điểm, cô như phát điên lên mà nhào đến tông vào cửa, sau đó là đạp, cào, giựt liên hồi.
“Cạch! Cạch! Cạch!”
“Thả ra! Mau thả tao ra!”
Tiếng hai cánh cửa rung lên từng hồi cùng tiếng kêu gào của Thảo khiến những người đi ngang càng sợ hãi hơn. Họ lầm lũi cúi đầu, chân đi nhanh nhất có thể và tai thì giả vờ không nghe thấy. Chỉ đến khi cô mệt lả người thì mọi thứ mới yên ổn trở lại thôi chứ họ không muốn dính dáng vào.
Quả nhiên hồi lâu sau, có lẽ vì đã thấm mệt hay chán rồi mà Thảo đã ngừng việc tra tấm cánh cửa nhà lại. Thay vào đó, cô bắt đầu đập phá đồ đạc bên trong nhà. Hết món này đến món khác, cô quơ tất cả vứt mạnh xuống đất. Những tiếng rơi rụng, đổ vỡ vang lên liên hồi từ bên trong nhà, tựa như đang có một trận chiến một sống một còn vậy.
Đập phá chán, Thảo ngồi phịch xuống sàn nhà rồi nhìn đống đổ nát xung quanh. Đôi mắt xinh đẹp ngày nào trở nên trống rỗng vô hồn, tựa như cô chỉ là một cái xác biết đi. Rồi cô bật cười như điên dại. Giọng cười của cô khanh khách và man rợ, khiến ai nghe thấy đều lạnh tóc gáy.
“Thả tao ra!!!! Hahahaha!!!! Tao phải đi kiếm anh ấy! Thả tao ra!!!”
“Lũ chó má! Lũ khốn nạn! Bọn mày giết tao rồi!!! Bọn mày giết tao rồi, bọn mày là quân giết người!!!”
Cứ sau mỗi câu chửi, gương mặt của Thảo lại càng méo mó đến kinh dị. Hai con mắt cô trợn ngược ra ngoài, da mặt đỏ như gấc và cái miệng thì cứ gào lên không ngừng. Ở bên ngoài, mấy người làm đã đến đủ nhưng do sợ hãi mà không dám vào. Duy chỉ có Tư Rạ là nghênh ngang bước vào, còn mạnh miệng nói:
“Úi giời, chỉ là một con đàn bà mà sợ gì. Xem ông đây này!”
Dứt lời, gã bước xồng xộc đến gõ cửa. Mấy người kia toan ngăn lại, sợ rằng Thảo nổi điên lên sẽ giết cả gã mà không kịp. Chỉ thấy Tư Rạ gõ cửa xong thì hai tay chống nạnh quát lớn:
“Mệt thì đi mà ngủ đi, hay để ông vào đánh cho mấy phát!”
Mọi người ở đó đều bị gã làm cho sợ hãi, chỉ biết nín thở theo dõi mọi chuyện diễn ra như nào. Một khoảng thời gian lâu trôi qua trong sự im ắng lạ thường, tất cả đều trộm nghĩ hay là Thảo xỉu ở trong nhà luôn rồi. Đến lúc họ hoảng lên định chạy vào thì nghe cô đáp lại từ bên trong nhà rằng:
“Dạ, em biết mình sai rồi.”
Cái giọng của Thảo vừa dẹo như kẹo kéo, lại ra chiều nũng nịu như con nít khiến người ta sởn cả da gà. Họ không tin nổi đây chính là đứa con gái mấy ngày trước còn đanh đá, chanh chua với mọi thứ. Thông thường ai dám nói như kiểu Tư Rạ vừa nói là sẽ bị chửi như tát nước rồi. Huống hồ Thảo ghét cay ghét đắng gã, chỉ hận không thể đuổi gã đi cho khuất mắt.
“Ờ! Biết thế thì im lặng cho người ta làm việc.”
Tư Rạ nghênh mặt, cao giọng ra lệnh cho cô. Quả nhiên sau đó thì mọi người không nghe thấy cô làm ồn hay quấy phá nữa. Có người len lén nhìn vào trong nhà qua cửa sổ thì thấy một cảnh tượng kì quái. Thảo mặc bộ bà ba màu đỏ ngồi xếp bằng ở ngay cánh cửa giữa đống đồ vỡ nát,mặt hướng về phía cửa còn miệng thì nở nụ cười rộng đến mang tai. Trên cổ cô lúc đó xuất hiện một hình vẽ màu đỏ sáng lấp loá, khiến ai nhìn vào đều có cảm giác kỳ quái. Cả ngày cô chỉ ngồi như vậy, thi thoảng cô sẽ rung rung hoặc xoay vòng người, miệng ngân nga những câu không rõ lời.