Phần 5

25/12/2023
 

Thấy đồng bọn của mình bị thương, gã kia quăng vội bao gà xuống đất, lật đật chạy đến gỡ từng dây thép gai ra khỏi người bạn mình.

Hắn lo lắng hỏi.

– Mày có sao không?

Gã kia thều thào.

– Cứu.. cứu.. tao.. với..

Dưới ánh trăng nhìn mặt bạn mình nát bét đầy máu làm hắn hoảng sợ. Tay run run mãi mới gỡ hết những sợi dây trên người gã đồng bọn ra. Cô ấy đứng ngay bên cạnh, quay lại nhìn tôi bằng hai hốc mắt đen láy sâu thăm thẳm mỉm cười ma mị.

Đột nhiên, cô ấy quay quắt người lại, nhìn hai gã kia giận dữ. Một tên vừa lôi bạn mình ra khói mớ thép gai xong định bước qua chạy trốn khỏi nơi này thì bất ngờ bị cô ấy gọi giật lại, một giộng nói ma quái vang vọng.

– Đứng lại, định thoát sao? Kẻ nào dám mạo phạm trên phần đất ta cai giữ, thì kẻ đó sống không yên thân.

Hắn giật mình quay lại, tưởng người nhà tôi bắt gặp. Cả cơ thể run như cầy sấy nhìn cô gái trước mắt kinh hồn mạt vía không thốt lên lời.

Trước mắt hắn là một cô gái rất đẹp. Mặc trên người bộ đồ lụa màu trắng tinh khôi, mái tóc dài chấm lưng quần trắng như cước, làn da trắng bệch thiếu sức sống, đặc biệt đôi mắt sâu hoắm, không lòng tử, đang nhìn mình cười ma mị.

Làn gió lạnh thổi hắt vào người khiến gã so vai rùng mình ớn lạnh. Miệng lắp bắp: “ Ma.. ma..”
Són cả đái ra quần, ướt sũng dưới đáy.

Cô ấy nắm tóc gã dí mạnh xuống mấy sợ thép gai trước mặt, một vòng thép gai quấn vào cổ tay làm cho máu của hắn chảy tong tong như nước. Càng vùng vẫy hắn càng bị những dây thép kia cào, hắn gào hét, bên trong nhà tôi đã bắt đầu có ánh điện được mở sáng. Một lúc sau cậu tôi và chú chạy ra, trên tay họ là một cây gậy và một cây đèn pin. Biết bên kia có người cậu và chú chạy lai.

Nhìn hai gã kia quát.” Đứng lại, thì ra là ăn trộm thật sao?”

Bóng cô ấy biến mất.

Người tôi bắt đầu cử động được, cô ấy không giữ tôi nữa, để tôi tự do đi lại. Cậu và chú thấy hai gã ăn trộm bị thương khá nặng đành hô hoán người tới báo công an xã. Một lúc sau họ được đưa đi bệnh viện cấp cứu với thương tích đầy mình, khá nặng. Chắc chắn họ phải tiêm ngừa uốn ván vì những sợi thép gai kia đã han gỉ.

Một đêm đầy biến động qua đi.

Sáng hôm sau tôi chạy ra miếu trả lại chiếc khăn tay, tôi không dám nhìn sâu bên trong chỉ sợ mắt gặp đôi mắt không tròng của cô ấy. Tôi chạy vào nhà, kể lại cho cả nhà vụ đêm qua hai người ăn trộm là do bà thần giữ của trừng phạt. Bà ấy còn che mắt hai tên trộm để họ không nhìn thấy tôi. Có lẽ, nếu là trước đây sẽ không ai tin, nhưng sau khi ông ngoại mất thì cả nhà tin là đất nhà tôi đang ở có vong bà thần giữ của thật. Bởi đâu phải ai cũng thấy. Từ đó đất nhà tôi người ta đặt cho là mảnh đất thiêng. Có muốn bán đi cũng khó, chẳng ai dại gì đem tiền mua một mảnh đất nặng, nhiều âm khí, có vong về ở bao giờ.

Bẵng đi một thời gian khá êm đềm.

12 năm sau.

Tôi ra trường. Tìm được một công việc phù hợp trên thành phố. Tôi ít về quê vì bận làm việc. Hôm nay cuối tuần tôi kết hợp xin nghỉ phép 2 ngày để về quê chơi. Cuộc sống người dân quê tôi trong xã hội đổi mới bớt cơ cực hẳn. Nhà lầu mọc như lấm san sát nhau, những viên ngói cũ giờ đây được thay bằng những viên ngói đỏ, làng tôi như một bức tranh mới, nhiều màu sắc. Gia đình tôi cũng vậy, tuy không giàu có nhưng cũng không phải lo cái ăn từng bữa. Hôm ấy tôi gọi điện về cho mẹ, báo ngày mai sẽ về nhà mẹ tôi mừng quýnh, nhốt hẳn một cặp gà vào bu chờ tôi về làm thịt tẩm bổ cho con gái. Bố tôi sau bao năm làm ăn nơi đất khách quê người, ông cũng đã trở về quê cùng mẹ buôn bán từ mấy năm trước.

Cuộc sống dễ thở hẳn.

Hôm về tới nhà nghe đâu nhà dì tôi sắp xây nhà mới. Cả nhà sau bữa cơm tối lại ngồi bên nhau bàn chuyện.

Dì tôi nói: “ Nếu làm nhà thì nhà em sẽ phải rời miếu bà cô đi, nếu không miếu sẽ ở trong nhà.

Mẹ tôi ý kiến: “ Chị e là không ổn đâu, dì cũng biết nó thiêng đến mức nào mà?”

Bà ngoại bảo: “ chị bay nói đúng đấy, xây thì xây lùi lại, đừng đụng chạm quấy quả đến người âm, kẻo lại sống không yên thân.”

Chú Phú, chồng của dì chen vào: “ Không sao đâu chị, em trai em là thầy cúng, nó rất giỏi việc rời miếu hay xây cất nhà theo phong thuỷ. Em tin với khả năng của chú ấy thì sẽ không sao, hơn nữa, bao năm nay cả nhà vẫn yên ổn còn gì. Có khi bà ấy không còn ở đây nữa.”

Mẹ tôi tiếp lời.

– Chị khuyên dì chú vậy thôi, muốn tốt cho hai đứa. Làm lùi lại một chút cũng tốt, miếu sát hiên cũng không sao, còn hơn phá đi đụng chạm đến người khuất mặt là không nên đâu.

Bàn thì bàn vậy thôi, chú và dì thống nhất với nhau là đưa bà cô xuống chùa, phá ngôi miếu đi làm nhà.

Một tháng sau.

Chú Phú gọi em trai của mình lên nhà xem đất. Chú ấy là một thầy pháp trẻ, xem xong bảo dì tôi sắm cho một mâm lễ, dâng lên bà cô cúng bái rất trịnh trọng, cúng xong trục hồn bà cô lên đưa xuống chùa gởi. Xem như đã giải quyết xong phần vong hồn bà ấy.

Hôm động thổ, chiếc xe máy xúc không dám bốc ngôi miếu đi vì họ bảo kiêng kị. Không phá đền chùa, đình miếu. Chú tôi bực mình cầm búa với xà beng một mình đập phá ngôi miếu cho đến khi nó chỉ còn lại mặt đất bằng phẳng. Chú ấy tự mãn” Toàn thằng nhát thối sợ chết. Nếu vậy để tao, tao xem bà ta còn tồn tại nữa không, làm cứ làm, sợ sệt thì biết khi nào có nhà mà ở.”

Bốn tháng sau.

Nhà xây xong.

Căn nhà nụp xụp nay đã được thay bằng căn nhà khang trang hai lầu, 1 trệt. Gia đình nhà dì không có biến cố, ngoài việc thằng em con dì bị tai nạn gẫy tay ra thì tất cả đều ổn.

Một năm sau:

Buổi tối hôm ấy.

Dì tôi đang nằm ngủ trên ghế sofa ngoài phòng khách, bỗng nghe tiếng bước chân lẹt xẹt đi lên đi xuống cầu thang nghe rất rõ. Từ lầu đi xuống, từ dưới nhà đi lên. Dì tưởng chồng mình bèn đánh tiếng” Mấy giờ rồi anh? Thằng Tú về chưa?” Không ai trả lời, dì cố gượng đôi mắt trong cơn ngái ngủ ra nhìn. Sững người khi thấy bà thần giữ của đang đứng trên cầu thang nhìn mình mình chằm chằm bằng đôi mắt tức giận, gương mặt trắng bệch cùng mái tóc trắng. Hai hóp mắt đen xì sâu hoắm. Đây là lần đầu tiên dì tôi thấy vong nà thần giữ của nên có chút sợ hãi giật mình. Bà ấy không nói một câu gì biến mất ngay dưới bậc cầu thang cuối cùng.

Dì tôi bừng tỉnh.

Nhìn lại không thấy bà ấy đâu nữa. Từ hôm đó chú dì ốm đau niên miên, cuối cùng chú tôi ho ra máu, phải đưa đi bệnh viện K chuẩn đoán, các bác sĩ kết luận chú tôi bị ung thư phổi giai đoạn cuối.

Ba tháng sau chú tôi mất.

Sáu tháng sau tới lượt ông thầy pháp em trai chú ấy cũng đột nhiên đang khoẻ mạnh, tự dưng lăn đùng ra chết. Tôi nghe mẹ kể lại hôm mẹ đi đám ma chú ấy về. Người ta kháo nhau do chú nuôi âm binh gì đấy mà bị chúng quật lại. Tôi còn nghe bà ngoại nói với mẹ, không phải là do âm binh quật, vì thường những ông thầy pháp nuôi âm bình chúng chờ cho mấy ông đó suy yếu bệnh tật mới nhân cơ hội mà quật lại. Đằng này chú ấy vẫn khoẻ mạnh như thường, vẫn đi làm đi cúng cho người ta. Ấy vậy mà lại lăn ra chết một cách kỳ lạ như vậy, thì chỉ có một khả năng là bà thần giữ của kia vật chết mà thôi. Tội dám xâm phạm miếu và gửi bà vô chùa.

Dì tôi sợ lắm, đi xem mấy chỗ mà không ra.nay bệnh này, mai bệnh kia, đi chữa đi khám khắp nơi mà chẳng biết bệnh gì. Mỗi lần đi là một bọc thuốc mang về, toàn hoá đơn 3-4 triệu chứ chẳng ít. Tiền bạc còn lại cứ thế đội nón ra đi, chẳng mấy chốc vơi cạn tới đáy. Mẹ con bất hoà, hở ra tí là cãi vã giận hờn nhau. Thằng em tôi nó yêu ai cũng không thành, vài ba tháng lại chia tay, công việc bấp bênh chẳng đủ nuôi thân thì ai dám lấy.

Một hôm, người ta mách dì ông thầy này giỏi lắm, còn nói chuyện được với người cõi âm, xem quẻ rất đúng. Thế là dì một hai bắt con trai chở mình đi cho bằng được. Vừa xuống đến nơi ông thầy đã bảo.

– Đất đấy là đất của ta, đừng tưởng gởi ta vào chùa là ta chịu. Ta nói cho mà biết nhé. Là ta không đi đấy, mấy người đừng tưởng đưa vong ta xuống chùa là xong. Còn lâu nhé, đây là đất của ta là nhà của ta. Ta cho mấy người ở thì mấy người được ở, nếu ta đuổi đi thì mấy người đừng hòng ở. Bằng không ta vật cho ốm đau bệnh tật. Đến chết…

Dì tôi nghe xong mặt tái xanh, luôn miệng tạ tội xin lỗi bà thần giữ của. Dì năn nỉ ông thầy khuyên bà ấy buông tha cho gia đình dì, muốn dì ấy làm gì cũng được. Sau khi ông thầy nói chuyện với bà ấy xong thì bà ấy nói.

– Muôn ta bỏ qua cho cũng được, nhưng phải đem kiệu rước ta về. Xây cho ta cái nhà mới, nếu không, cứ ban thờ gia tiên nhà các người ta ngồi trên đấy, đè đầu cưỡi cổ.

Dì tôi đồng ý, vong bà ấy xuất ra khỏi người của thư đồng. Ông thầy dặn phải xây cây hương lên đúng chỗ mình chỉ. Không được lệch đi dù chỉ là một chút.

Về nhà, dì tôi mua gạch bắt tay ngay vào việc. Chẳng biết hai mẹ con nhắm hướng kiểu gì mà lại xây lệch theo chỗ ông thầy dặn. Hai mẹ con giận nhau đến mấy tháng. Dì lại nằm bẹp do đau bệnh. Thấy trong lòng không yên dì lại sai con trai chở mình qua nhà ông thầy hôm trước, rước ông ấy lên tận nơi xem cho mình xây cây hương như vậy đã đúng chưa. Ông thầy nhìn cây hương lắc đầu.

– Lệch rồi. Bà ấy không chịu, còn nữa, hôm rước bà ấy về thì rước bằng gì?

Dì tôi đáp.

– Dạ, bằng xe máy ạ ( xe máy hàng mã )

Ông thầy cau mày, nói.

– Bà ấy bảo phải rước kiệu cơ mà. Nhưng mà thôi, lỡ rồi thì thôi. Chỉ được lần này thôi đấy, lần sau phải dùng kiệu, bà ấy thích ngồi kiệu.

Ông thầy chỉ đúng hướng và đúng chỗ cần xây cây hương mới. Dì tôi lại phải thuê thợ xây cho đẹp, không dám làm mất lòng bà ấy nữa.

Mọi chuyện xem như ổn hơn một chút. Nói thật mỗi khi vào nhà dì tôi cảm thấy nó lạnh, không gian ấm cúng của gia đình không có. Bán đi không đành, ở thì phần âm lấn át, bệnh tật ít lại nhưng làm ăn cứ bị kìm hãm, mãi chẳng bao giờ giàu.

Đến bây giờ dì tôi vẫn sống quặt quẹo trong căn nhà ấy. Có thời gian dì vô Miền Nam tính lập nghiệp và định cư trong ấy luôn nhưng có điều gì đó thôi thúc dì tôi lại trở về.

Gắn liền với mảnh đất của thần giữ của.

– Hết –

 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...