Mèo Dao với nhà Hán xưa nay ở thế không
đội trời chung, chia nhau ra mà sống, rất khắt khe với huyết thống và sự riêng tư của mình, đặc biệt là khu vực phía Nam, vốn là nơi xảy ra
nhiều xung đột giữa các dân tộc thiểu số nhất từ xưa đến nay. Thời cổ
đại có cuộc chiến loạn Tam Miêu(*), hồi trước Giải Phóng vẫn còn cổng
thôn của người Hẹ. Hồi đó chỉ vì một cái giếng nước, một con kênh con
rạch ở giữa hai tộc Hán Mèo, thậm chí giữa hai bản làng người Dao, đều
có thể biến thành một trận giết chóc thảm liệt vô cùng, trực tiếp thúc
đẩy cho sự ra đời của cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc.
(*) Thời vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, bộ lạc Hoa Hạ cùng liên minh bộ lạc Mèo Man
tranh đoạt vùng Trung Nguyên, chiến tranh liên tục hơn mười năm, cuối
cùng Hoa Hạ chiếm ưu thế, từ đó dung hợp Mèo Man cả về văn hóa lẫn huyết thống. Mèo Man là một thuật ngữ, nghĩa rộng để chỉ liên minh bộ lạc Mèo Man – một cộng đồng người rất thịnh vượng phát triển vào thời đó, nghĩa hẹp để chỉ một nhánh nhỏ của cộng đồng người này đã xảy ra chiến tranh
với Nghiêu Thuấn Vũ. Khu vực sinh sống của họ ở khoảng giữa hồ Động Đình và hồ Phàn Dương, ranh giới phía Bắc ở chân núi phía nam của Phục Ngưu
sơn, bao gồm toàn bộ khu vực bồn địa Nam Dương.
Có thể nói, trong quá khứ, giữa các dân
tộc tồn tại những mối hiềm nghi và ngăn cách, xung đột như nước với lửa, cho nên Hán Dao ở cùng nhau hoàn toàn là chuyện không thể xảy ra. Dù
người Dao có chịu cho người Hán định cư trong bản làng của mình đi nữa,
người Hán cũng chỉ được phép ở trong nhà người Dao thôi, chắc chắn không lý nào Vua Dao lại cho phép người Hán xây dựng thứ lầu gác to lớn diễu
võ giương oai cỡ này ở trong làng của người Dao.
Tôi hoàn toàn không tài nào hiểu được, đây quả thực cứ như thể phát hiện một trái dưa hấu trong ruộng cao lương vậy!
Từ từ lặn xuống, lẳng lặng nhìn tòa lầu
cổ này, lại phát hiện thêm nhiều điểm kỳ quặc hơn nữa: tòa lầu cổ kiểu
Hán này hoàn toàn bị bao bọc bên trong những ngôi nhà sàn xếp chồng chất lên nhau, hơn nữa, màu sắc mái ngóc trên đỉnh lầu cũng giống nhau y
đúc, cứ như thể những ngôi nhà sàn này cố ý bảo vệ tòa lầu gác bên trong vậy. Thoạt nhìn từ bên ngoài thì không thể phát hiện được tòa lầu cổ ở
bên trong.
Xem quy mô tòa lầu tháp kiểu Hán thì quái lạ cực kỳ, cấu trúc tòa nhà có dạng hình chữ “khẩu” (口), ở trung tâm
chữ “khẩu” này là giếng trời, bốn phía là ba tầng lầu gác có mái hiên,
bệ đỡ và tường bao toàn bộ đều tu tạc từ đá tảng, ai học kiến trúc liếc
mắt một cái là nhìn ra, đây chính là phong cách của những tòa đại trạch
của danh gia vọng tộc tọa lạc dọc các con phố ở phương Nam thời Minh
Thanh. Thông thường, danh gia vọng tộc địa phương xây dựng sân viện của
dòng họ, thường khá sâu, phía sau còn có nhiều tòa nhà và sân vườn hơn
nữa, còn tường bao đá tảng thật lớn là dùng để phòng chống bọn giặc
cướp, loại công trình kiến trúc chắc chắn như thế này có thể bảo vệ cho
cuộc sống tự bế của hàng trăm con người ở bên trong.
Nói cách khác, tòa lầu cổ này có lẽ chỉ
là mặt tiền của một tòa đại trạch tĩnh mịch nào đó, cổng đối diện với
chính giữa con đường, bên ngoài có tường cao bao quanh toàn bộ khu nhà,
bốn phía có cửa lớn, cửa nhỏ, tường bình phong, lại có một số cửa con để hạ nhân ra vào, lại có một số cửa mở ra mặt đường có lẽ để làm cửa hàng cửa hiệu. Bước vào cổng chính, thấy đường hành lang gấp khúc thông ra
phía sau tòa nhà. Ví dụ điển hình là “hồ thanh ngư thảng”(**) ở Hàng
Châu.
(**) chả hiểu sao… không thấy ở Hàng Châu có cái địa danh nào như thế…
Nhưng mà ở đây chỉ có duy nhất một tòa
lầu như vậy, hình như toàn bộ bộ phận phía sau bị đứt gay mất, toàn bộ
đại trạch cổ chỉ còn một cái đầu.
Tôi chậm rãi bơi vòng quanh một vòng, quả thực là thế, phía sau là con đường lát đá xanh, bốn phía là nhà sàn của người Dao, không còn bất kỳ toàn kiến trúc nào kiểu Hán nữa, thật không thể tưởng tượng nổi.
Cảnh tượng tương tự không phải chưa từng
gặp qua. Sau Giải Phóng, một số tòa đại trạch được phân cho người nghèo, một tòa lầu ở được đến mười hộ gia đình, con đường thông ra sân sau bị
bịt kín, vốn cùng thuộc một tòa trạch viện, cuối cùng lại biến thành
nhiều căn nhà nhỏ độc lập như vậy. Nhưng tình huống ở đây lại hoàn toàn
khác.
Tôi đọc nhiều sách đến thế, có ấn tượng
rất sâu với kiến trúc cổ điển Trung Hoa, trong đầu liền hiện lên vô số
khái niệm, nhưng vẫn không tìm được cái gì có khả năng giải thích được
cảnh tượng trước mắt tôi đây. Người ngoài nghề có thể sẽ nghĩ đúng là
chuyện bé xé ra to, nhưng với tôi mà nói, lại như cục nghẹn ở cổ họng,
mẹ kiếp cái nhà này rốt cục là ai xây? Vì sao lại xây thành cái dạng
này?
Ánh đèn xanh âm u đến từ bên trong tòa
lầu cổ kiểu Hán này, khi tôi vừa tới nơi thì tắt phụt, chẳng lẽ “người”
bên trong tòa nhà này phát hiện ra vị khách không mời là tôi đây? Hay kẻ đó muốn nói cho tôi biết, đây chính là đích đến của tôi? Thậm chí tôi
còn nghĩ, đây là một tòa nhà kiểu Hán, hồn ma trong đó chắc cũng là
người Hán, biết đâu người ta còn nể tình đồng bào mà tha cho tôi một
mạng.
Bất kể thế nào, tôi vẫn phải vào trong
tòa lầu cổ này tìm hiểu đến tận cùng, mối nghi hoặc vô tận thậm chí còn
khiến tôi bớt sợ hãi nữa.
Nổi lên phía trên giếng trời, phía dưới
cứ như một miệng giếng khổng lồ sâu hoắm tối thui, bật đèn pin sáng tối
đa, chiếu xuống xem thử, lại không nhìn thấy thứ gì có thể phát sáng,
cũng không có đồ đạc linh tinh gì.