—- “Hềhề, bà Mai, giờ này đi đâu vậy? Ghé vô nói chuyện xíu coi”
—- “Haiz, tui chạy qua nhà con Tư lấy xấp vải về may mấy bộ quần áo cho ông nhà tui, tuần sau tui với ổng đi ăn đầy tháng con thằng Sáu ở xóm dưới nè. Nó có gửi thiệp cho bà hông?”
—- “Ừ, có, có, bà hông nhắc suýt chút nữa tui quên mất rồi. À bà chờ tui một lát”
Nói đoạn bà lấy một ít chôm chôm cho vào bịch, buộc miệng rồi đưa lên nói.
—- “Nè, tui nghe nói ngày mốt là đám giỗ ông Trành phải hông? Có gì bà qua đó đưa cho vợ chồng nó giúp tui nghen. Tui với thằng Kiến hông có hợp tính nhau, nghe nó nói một hồi mắc công cãi lộn nữa. Bà giúp tui nghen”
Bà Mai nghe vậy thì ngẫm nghĩ giây lát rồi gật đầu đồng ý, bà ngồi trò chuyện vài ba câu nữa thì cũng đứng lên chào tạm biệt bà bạn rồi đi qua nhà cô Tư. Lúc này trời cũng đã về chiều rồi, bà đi được một lúc thì thấy có thứ gì đó bay qua trước mặt mình, bà bit mũi xoay đầu nhìn khắp lượt thì biết đó là những giấy tiền vàng mã đang cháy dở bị ngọn gió thổi bay đi, ở phía trước bà thấy có vài người đang ngồi xổm dưới đống lửa, tay liên tục cho giấy tiền vàng để đốt, có người còn bày biện một mâm đồ ăn thức uống đặt bên hông, khói nhang từ mấy cái lon sữa bò toả ra nghi ngút xung quanh nhìn thật mờ ảo, đang chăm chú theo dõi những người đang cúng thì bà sực nhớ ra hôm nay là tháng cô hồn, thảo nào mà nhiều người lại cúng kiếng như vậy. Khi bà đi đến gần bụi tre, vô tình bắt gặp Kiến, hai tay bỏ vô túi quần, đầu tóc lếch thếch, dáng người như que củi, vừa đi gã vừa ngẩng đầu huýt sáo trông có vẻ yêu đời lắm. Khi gã bước gần tới chỗ bà, bất chợt gã nhận ra bà rồi lên tiếng hỏi.
—- “Ủa? Dì Mai, khỏe hông? dì đi đâu đây?”
—- “Thằng mắc dịch, mày hỏi tao kiểu đó vậy à? Tao qua nhà vợ chồng mày chứ đâu. Con Tư nó có nhà hông Kiến?”
—- “Xuỳ. Dì khỏi qua đi, nó đang ngoài chợ làm cái giống gì đó chưa có về. Chừng nào nó về rồi dì qua. Giờ hông ai ở nhà đâu. Tui đi nhậu rồi”
Bà Mai nghe vậy thì lưỡng lự giây lát, chốc chốc bà mới lên tiếng.
—- “Ờ, vậy thôi, để bữa sau tao ghé. Còn bịch chôm chôm này nè, mày đem về để mốt cúng cho tía mày nghen. Cái này là của dì Mơ trái cây gửi tặng cho vợ chồng mày đó. Thôi, tao về”
Gã đỡ lấy bịch chôm chôm từ tay của bà Mai, chờ cho bà đi khuất rồi, gã mới cầm cái bịch lên nghía vô bên trong, thấy trái nào trái nấy to tròn, đẹp mắt. Đoạn gã vô tư bốc 1 trái ra ăn, thấy ngọt lịm chắc thịt vô cùng, gã bốc thêm trái nữa nhai một cách sung sướng. Cứ vậy Kiến vừa đi vừa ăn hết trái này tới trái khác, bỗng dưng gã bị đám nhang khói từ đâu phà thẳng lên mặt khiến cho gã nhiu mày khó chịu, mùi nhang, mùi tàn tro cháy xém cứ xộc lên mũi càng làm cho gã bực bội hơn, bất ngờ đôi chân Kiến vô tình đạp trúng mâm đồ cúng, mấy chén cháo cũng do tác động của gã mà đổ hết ra ngoài, nước cháo bắn trúng vào chiếc dép lào. Trong cơn bực tức sẵn có gã tiện chân hất luôn cái mâm cúng dưới đất làm xáo trộn mọi thứ, lúc này gã buộc miệng chửi thầm.
—- “Tổ cha nó, ướt mẹ chiếc dép hết rồi.”
Gã vừa dứt lời thì từ trong nhà có một người đàn bà tuổi ngoài 40 cầm theo bộ quần áo giấy đi ra, trông thấy cảnh tượng trước mặt bà hoảng hốt la lên, khi nhận thấy ngoài Kiến ra thì xung quanh đây không có bóng người nào qua lại cả, chốc chốc bà chỉ tay vô mặt gã rồi cất giọng chua chát.
—- “Quỷ sứ thiên lôi cái thằng cô hồn, mâm đồ ăn tao cúng mà mày hất đổ hết là sao? Mày coi chừng người ta quật chết à nghen. Sống làm sao mà coi cho được đi”
—- “Hừ, bà mới tào lao đó, đám cô hồn cát đảng tụi nó có ăn được đâu mà bà đem đi cúng cho mệt xác. Để dành hơi mà ăn với ngủ đi. Còn cái này tui chỉ lỡ chân đá đổ nó thôi mà. Có gì đâu mà bà làm dữ như gà bị cắt tiết vậy”
—- “Mày biến, biến khỏi nhà của tao ngay. Tao hông nói lý với cái thằng cô hồn như mày. Mới đầu tháng gặp ba cái thứ gì đâu hông à”
Chửi xong bà cắm cúi ngồi dọn dẹp lại mâm đồ cúng, trong miệng bà vẫn còn lầu bầu chửi cho bỏ ghét. Kiến đứng yên tại chỗ nhìn bà quét dọn mà trong lòng có chút hả hê lắm, vài phút sau gã mới chịu nhấc chân lên mà đi tiếp.
Theo truyền thuyết dân gian kể rằng, hàng năm, cứ đến ngày 2/7, Diêm Vương lại cho phép mở Quỷ Môn Quan để quỷ đói có thể trở lại trần gian rồi đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì phải quay về địa ngục. Như vậy, là tính từ 2 – 14/7 m lịch, các cô hồn được xá tội, quay trở lại dân gian và làm phiền, quấy phá người dân. Chính vì thế mà dân gian có tục lệ sắm cổ cúng các cô hồn đói khát, không nhà không cửa để ma quỷ không quấy phá. Ngoài ra, việc cúng cô hồn cũng nhằm mục đích giúp những linh hồn lang thang được một ngày no nê và bớt tủi thân khi quay trở lại địa ngục. Cúng cô hồn không hẳn là mê tín dị đoan mà nó mang tính nhân văn cao đẹp, giống như tư tưởng chung của ngày xá tội vong nhân đó là: Dù ai có tội ác gì, phải chịu trừng phạt ra sao thì cũng nên có 1 ngày xá tội để họ vơi bớt phần đau đớn, tủi cực.
Gã Kiến năm nay cũng ngót 37 rồi, vài năm trước cha mẹ gã vì lâm bạo bệnh mà qua đời, để lại cho gã một căn nhà cấp 4 cũng khá khang trang, hai năm sau gã quen biết và cưới cô Tư Mận làm vợ, cả hai chung sống có với nhau 1 đứa con trai, năm nay đã gần 10 tuổi, vợ chồng gã buôn bán tạm bợ nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc và lo cho đứa con trai được ăn học đàng hoàng. Thế nhưng Kiến lại rất thích uống rượu, nhất là rượu đế Gò Đen, được xem là “Đệ nhất tửu” của miền Tây Nam Bộ từ xưa đến nay, một loại rượu có huong vị độc đáo chế biến hoàn toàn từ nếp, ủ lên men bằng rễ thảo mộc, khi uống vào không cồn, vị thơm ngon, để càng lâu rượu càng trong, rất được nhiều người ưa chuộng cho đến bây giờ.
Khi này trời cũng chập choạng tối, Kiến bước vào nhà của ông Lực, ở ngay trước tấm chiếu trải dài đặt giữa sân, gã thấy có 4,5 người đang cười nói rôm rả, lẫn trong những giọng nói ấy, gã nhận ra tiếng của 3 người quen trong xóm, bất giác ông Lực tay cầm chai rượu đi ra nhìn thấy Kiến rồi hồ hởi gọi.
—- “Hềhề, Kiến, bây đi đâu mà giờ này mới tới, tao cứ tưởng bây có kèo khác rồi chứ. Vô nhập tiệc nhanh nè”
Gã mỉm cười bước lại ngồi xuống một cách thoải mái, sẵn trên tay còn một ít chôm chôm, gã đổ cho vào cái dĩa rồi mời mọc từng người.
—- “Hàha, mấy ông ăn đi, chôm chôm ngọt lắm đó.”
—- “Ồ, thằng này bữa nay coi được nè, chả bù mấy đợt trước toàn phá rượu hông à”
Gã mặt mày ngượng ngùng khi nghe một ông chú bình phẩm mình như vậy, thế rồi tiếng nói của ông Lực cất lên đưa bầu không khí vui nhộn trở lại quỹ đạo vốn có của nó. Thế là cả đêm hôm ấy Kiến cùng với mọi người chén chú chén anh cho đến tận khuya rồi mới nghỉ. Trong lúc gã đang nhậu say sưa thì ở nhà cô Tư Mận và đứa con trai cũng ăn cơm chiều xong, biết hôm nay là ngày rằm cô liền ra sau bếp chuẩn bị đâu đó một mâm cúng đơn giản rồi bưng ra ngoài đặt ở giữa sân, đối với cô chuyện này đã quá quen thuộc rồi, không có năm nào mà cô không cúng kiếng cả, mặc dù ở trong nhà gã Kiến lại không thích điều đó, bởi vì gã xem cái phong tục này dùng để mê hoặc tâm trí những người nhẹ dạ cả tin mà thôi. Chứ bản thân gã sống đến từng tuổi này chưa hề thấy một vong hồn nào hiện ra xin ăn hoặc hưởng những mâm đồ cúng đó cả. Như thường lệ, cô Tư đem mâm cứng ra xá xá vài cái rồi đi vào trong nhà lấy ba nén nhang ra châm lửa đốt, trong lúc cô đang lâm râm khấn vái tứ phương thì đứa con trai tên Vũ, nó đứng cạnh cô láo liên nhìn xung quanh như thể muốn biết mẹ mình đang làm cái gì. Đến khi cô cắm ba cây nhang vô lon sữa bò rồi cắm cúi đốt giấy tiền, được một hồi bất chợt nó nhìn ra phía trước cái mâm cúng, miệng nó bật cười lên khe khẽ, càng lúc càng cười lớn hơn. Lúc này Tư mới thấy lạ liền nhìn thằng con lắc cánh tay nó rồi hỏi.
—- “Nè con, làm cái gì cười một mình vậy. Đi vô nhà học bài cho má nhanh lên”
Thấy nó cứ đứng nhìn vào khoảng không vô định cười một cách hồn nhiên, lần này cô bực mình lay vai nó khẽ gắt.
—- “Vũ, má nói mà con hông chịu nghe à? Đi vô nhà học bài nhanh lên. Hông má đánh đòn bây giờ.”
Lúc này thì Vũ nghe lời, nó sợ cô đánh thật liền chạy nhanh vào nhà lấy tập sách ra ngồi lên bàn học bài, cô nhìn thằng con mà không khỏi buồn cười bởi cái tính ương bướng nhưng biết nghe lời. Thấy nó ngồi yên trên bàn, cô mới yên tâm mà ngồi xuống tiếp tục đốt giấy, chốc chốc cô cảm giác có một luồng hơi lạnh thổi hắt qua người mình, cô không bận tâm gì mấy vì cho đó chỉ là cơn gió thông thường từ ngoài đồng thổi vào mà thôi. Cứ vậy cô vừa đốt vừa khấn vái trong miệng, đốt xong, cô rải gạo muối xung quanh, đi dạo lòng vòng trước nhà chờ cho nhang tàn hết rồi mới dọn dẹp đồ cúng đem vào trong. Cô bước đi mà trong lòng nặng trĩu những nỗi lo toan về cuộc sống, về gia đình. Cô năm nay cũng 32 rồi, từ ngày lấy Kiến, cô theo gã về Bến Tre sinh sống, cũng gần 3 năm rồi cô chưa một lần về quê An Giang thăm cha mẹ mình vì mãi bận lo làm ăn buôn bán ở trên này. Mấy lần cô đã thu xếp công việc xong đâu đó rồi định quay về thăm cha mẹ ít hôm nhưng ngặt nỗi lần nào chuẩn bị về là đứa con trai đột nhiên đổ bệnh, vì thương con cô mới huỷ bỏ chuyến đi ở lại chăm sóc cho nó. Tuy vậy cô cũng có thư tử gửi về xin lỗi ông bà và hẹn hai người đến dịp nào đó sẽ quay về. Mãi cho đến hôm nay khi thấy đứa con trai mỗi lúc một lớn và khỏe mạnh hơn, cô mới yên tâm được phần nào và dự tính thời gian sắp tới cô sẽ dẫn chồng con cùng nhau quay về để thăm hai ông bà…