Cô Gái Điên
Tg: Ngọc Trâm
Màn đêm nhanh chóng trôi qua nhường chỗ cho ánh bình minh yên bình. Khi đàn cò trắng chưa kịp thức giấc đi kiếm ăn vào hừng sáng, thì khung cảnh yên bình ấy bị đánh thức bởi tiếng khóc xé lòng của chị Lụa. Ở trong căn nhà nhỏ, ông Hai Chài đã ra đi tự bao giờ. Hàng xóm nghe tiếng khóc, biết có chuyện không hay liền chạy qua xem. Ai cũng bàng hoàng, đôi mắt lưng tròng đến bên cạnh thân xác ấy vuốt mắt cho ông. Huy không nghĩ là ông ngoại đã mất, trong suy nghĩ non nớt ấy chỉ khắc ghi câu nói của ông ngoại đêm hôm qua. Chỉ là ông mệt, nên ngủ mà thôi.
Mấy người từng gửi con nhờ binh gia của ông Hai trông giữ, nghe tin ông chết ai cũng sắp xếp thời gian đi đến. Quê nghèo, người ta đi đến cũng chỉ mang theo cái tình. Giúp Lụa bày cúng trước lúc khâm liệm. Xung quanh nơi ông nằm, người ta đốt bốn cây đèn cầy ở bốn góc…. Khi tất cả bước đầu coi như tạm ổn, người ta quay lại nhìn ông Hai, ai cũng cảm thấy lạ, chẳng ai biết được vì sao, da ở vùng trán của ông Hai ửng hồng nổi bật. Da ở vùng mặt khác cũng vẫn hồng hào. Huy ngồi kế bên ông ngoại, muốn ông thức dậy chơi cùng, muốn nằm trong lòng của ông người lớn không cho cậu bé làm thế. Sợ xê dịch tư thế thì không tốt. Lụa lau đi hàng nước mắt, kéo chồng ra sau nhà, ngước đôi mắt ướt đẫm, đỏ hoe nhìn chồng :
_ Anh ơi, nhà không có tiền để dành nhiều… tiền mua đồ không đủ đâu anh…anh cho em cầm đôi bông tai lo tiền đám cho cha, rồi xong em gắng mần, chuộc đeo lại để má anh không có buồn, được không anh !
Anh Hiếu, chồng chị Lụa ôm vợ vào lòng :
_ Em khờ quá à, buồn gì mà buồn. Giờ quan trọng là lo cho cha. Vàng má anh đem qua hỏi cưới đã là của em rồi. Đừng lo, má không rầy đâu !
_ Em, em cảm ơn anh nhiều lắm !
Nước mắt hai hàng trực trào tuôn rơi. Chị Lụa lột nhanh đôi bông tai, đưa cho chồng đi tiệm vàng cầm đỡ. Bên cạnh ông Hai, Huy ngồi mãi cũng không thấy ông ngoại tỉnh dậy, nhớ lời dặn của ông, đứa trẻ sờ đôi chân gầy, khác với những người khác, chân của ông Hai còn rất ấm. Bóng dáng nhỏ xíu tuột xuống, chạy ra nhìn bầu trời ban ngày, hướng về phía núi Cấm, đôi mắt nhỏ bé nhìn thấy trên trời có một vệt màu hồng đỏ. Rồi cũng nhớ lời ông ngoại nói, nghĩ đơn giản là ông đã lên núi tu rồi.
Lễ nhập quan cũng nhanh chóng được diễn ra. Khung cảnh buồn bã bao trùm lấy căn nhà nhỏ, chốc chốc, tiếng đàn cò của bác Sáu, bạn uống trà của ông Hai vang lên nghe càng thêm não nề. Thay phiên tiếng đàn buồn bã, là tiếng đọc Kinh cầu siêu của sư thầy, từng dòng văn Kinh được đọc ra như thấu tận tâm can.
Giờ này, đàn cò trắng cũng đã kiếm ăn xong từ lâu, trên mấy bờ ruộng lúa chỉ còn vài ba con vẫn còn đang đứng tìm mấy con cá đồng. Tiếng đàn cò buồn não nề vang rất xa, mấy ngày liền. Hàng xóm ai cũng qua nhà đốt cho ông Hai một nén nhang, bà Lý cũng qua đốt cho phải nghĩa tình làng xóm. Chứ chuyện người chết có linh hồn, hoặc chuyện ma cỏ, bùa ngải… xưa giờ bà ấy không tin.
Xác ông Hai được đặt vào quan tài hơn 1 ngày. Bấy giờ Huy mới lại gần, xà vào người của mẹ, hỏi chị Lụa :
_ Mẹ ơi, sao người ta nhốt ông ngoại trong cái kia lâu quá dị mẹ? ông ngoại có bị nghẹt thở không mẹ? Rồi chừng nào ông ngoại mới thức dậy vậy mẹ? Ông ngoại ngủ lâu lắm rồi ớ !
Nghe những câu hỏi ngây thơ của con trai, mà chị đau như ai chạm vào vết thương đang rỉ máu vậy. Lụa cố kìm nén lại nỗi đau :
_ Con ngoan, ông ngoại đi rồi. Sau này mẹ sẽ chơi cùng con !
Vẫn câu hỏi ngây thơ :
_ Ông ngoại ngủ có lâu không vậy mẹ ? Sao trên trán của con với mẹ đeo cái khăn trắng này vậy ?
Không kìm nén được nữa, hai hàng nước mắt của chị Lụa chảy ra :
_ Ông ngoại ngủ lâu lắm. Không thức giấc nữa !
Trong cơn đau lòng, chị Lụa nói ra sự thật. Huy cảm nhận được mình mất đi người ông yêu quý. Liền mếu máo chạy ra, bên cạnh quan tài của ông ngoại. Đập vào thân quan tài :
_ Ông ngoại ơi, ông ngoại thức dậy đi. Ở trong đó tối lắm á, bộ ông ngoại không sợ tối hả? Con sợ ông ngoại bỏ con lắm !
Thằng bé gào khóc, chỉ muốn đánh thức ông Hai Chài dậy. Người lớn sốc nách thằng bé bồng ra ngoài. Bị người lớn kéo xa chiếc quan tài, Huy càng gào khóc to hơn. Nước mắt nước mũi tèm lem hết. Cả chị Lụa và anh Hiếu không thể dỗ con thôi khóc. Huy khóc rất lâu, đến độ mệt quá rồi ngủ thiếp đi. Chứ không ai dỗ cậu bé nín được. Bình thường Huy rất ngoan, người lớn nói gì cũng nghe, nhưng cái ngày thằng nhỏ nhận ra mình mất đi một người ông, một người bạn thân từ trước đến giờ thì thằng nhỏ trở nên ngang bướng, khó bảo.
Lúc Huy say giấc cũng là lúc hai ông cháu gặp nhau. Trong mơ, ông Hai Chài mặc trên người bộ áo choàng, kiểu vẫn giống như áo choàng lam đi chùa, nhưng khác có một cái là chiếc áo màu trắng. Đang dang rộng hai tay ôm Huy vào lòng :
_ Cháu của ngoại ngoan, lớn rồi, không khóc nhè nữa. Ông ngoại nghe con khóc, ông ngoại xót lắm, không yên tâm đi được. Huy ngoan, đừng khóc nữa để ông ngoại đi tu. Sau này nhớ ông ngoại cứ lên núi ông Cấm. Tuy không thấy nhau nữa, nhưng ông ngoại luôn dõi theo Huy. Ở nhà phải ngoan có biết chưa ?
Huy ôm ông ngoại thật chặt, bấu víu vào áo của ông :
_ Con biết rồi, sau này sẽ nghe lời cha mẹ, nhưng ông ngoại ở lại với con một chút nữa có được không ?
Ông Hai ở lại, ôm đứa cháu một lúc rất lâu. Ôm đến khi cậu bé thức dậy. Cũng sau giấc mơ đó, Huy không khóc nữa. Rồi ngày hạ huyệt cũng đến, đám tang của ông Hai Chài cũng dần kết thúc. Bầu trời miền Tây vẫn vậy, vẫn trong xanh, cò trắng vẫn bay, lúa vẫn xanh mơn mởn. Chỉ có một thay đổi rằng từ nay, nơi này thiếu đi một người thầy bùa. Cả đời sống vẹn chữ đạo. Sau ngày gặp ông ngoại, Huy đã nhận ra người ông mà mình yêu mến đã đi xa rồi, về với nơi mà ông cần về, chẳng còn ở bên mình chơi đùa nửa. Huy cũng đã được gửi ở một trường tiểu học. Bập bẹ đọc từng chữ cái một, mỗi ngày đến trường, thích nhất là được mặc chiếc áo của ông ngoại để lại. Trong lớp, Huy là một trong bảy học sinh nhỏ tuổi nhất, có những đứa trẻ lên bảy, cũng có những đứa trẻ lên tám, cha mẹ mới cho đi học. Đâu ai muốn con mình học muộn, nhưng hoàn cảnh quê nghèo khó khăn. Hằng ngày còn vất vả kiếm tiền mưu sinh. Thời đó, chẳng khá giả gì nhưng gia đình nào cũng cách một, hai năm là sanh một đứa. Thành ra, đứa lớn trông chừng đứa nhỏ cho cha mẹ đi làm. Chủ yếu là cho con đi học cho biết mặt chữ, biết tính toán cơ bản, chứ chẳng mấy gia đình đủ khả năng lo cho con học hết lớp chín. Từ khi đi học, Huy được tập cho viết chữ, đánh vần. Khi tay bắt đầu quen với việc cầm viết chì, viết bài cô giáo giao về nhà xong là cầm cây viết chì, kéo trong ngăn tủ ra, mở cái bọc nilon chứa sách thuật của ông Hai mà vẽ đi vẽ lại các đường văn phù. Vẽ xong lại lấy cục gôm bôi đi rồi lại vẽ.
_ Huy ! Con làm cái gì vậy, sách này của ông ngoại, đừng có phá !
Lụa giật mình khi thấy con trai vẽ nghệch ngoạc trong những cuốn sách của cha. Huy ngước lên nhìn mẹ, thấy gương mặt của mẹ có vẻ nghiêm khắc, thằng bé vừa sợ vừa trả lời :
_ Con nhớ ông ngoại quá à, không có cách nào gặp ông ngoại hết á. Mà hồi đó ông ngoại đâu có la con đâu, mẹ nhỏ hơn ông ngoại sao mẹ la con ? Bộ mẹ không thương con hả ?
Không nhắc thì thôi, nhắc tới thì Lụa cũng nhớ cha. Giọng cô có phần dịu lại, ngồi xuống sờ lên mặt của đứa con trai :
_ Không phải là mẹ không thương con, nhưng sách này là sách ông ngoại để lại khi ông còn sống. Mẹ chỉ muốn giữ gìn làm kỉ niệm thôi à !
_ Con vẽ rồi con bôi mà, không để nguyên đâu !
Nhìn đôi mắt long lanh của con trai, rồi lại nhớ những kí ức về người cha hết mực thương yêu con cháu ấy. Lụa không la con trai nữa, biết đâu được rằng con trai làm vậy, chỉ là để bớt nhớ ông ngoại mà thôi. Lụa hôn má Huy một cái :
_ Chơi được nhưng không làm rách sổ nghe, mẹ ra sau làm công việc một chút !
Từ ngày ông Hai Chài mất, Lụa thôi đi làm mướn, ở nhà lo cho con trai, lo cơm nước. Phần đi làm kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong chờ vào anh Hiếu.
Thời gian này, chị Hiền cũng đã sanh cho bà Lý được đứa cháu gái, được bà Lý đặt tên là Vy, mới hôm trước là ngày đầy tháng của bé Vy. Từ lúc sanh con, bà Lý cũng chẳng còn dỗ ngọt Hiền nữa, bây giờ chỉ là lo cho cô bữa ăn qua ngày để tránh sự đàm tiếu của làng xóm chứ trong đầu cũng đã nhen nhóm ý định đuổi chị đi từ lâu.
Chị Hiền tuy khờ khờ dại dại, nhưng từ lúc sanh ra bé Vy, vẫn ý thức được rằng mình là mẹ của con bé. Suốt ngày ngồi chơi với bé Vy. Mỗi lần con bé khóc quấy, người mẹ điên vụng về dỗ dành đứa trẻ.
Bà Lý nghe cháu khóc, không tiếc tay đẩy mạnh chị Hiền ra :
_ Mày tránh ra, để tao dỗ cháu tao !
Bà Lý ẩm đứa nhỏ lên dỗ dành :
_ Ngoan, ngoan… nội cưng Vy nghen, Vy ngoan nghen !
Chị Hiền đưa hai tay lên vẫy vẫy như muốn ẩm :
_ Con ẩm…con…ẩm Vy… !
_ Thôi, mày có dỗ được đâu mà đòi ẩm con nhỏ ?
_ Vy bú… sữa…bú sữa !
_ Tao nói thôi, mày bệnh điên bệnh khùng. Cháu tao uống sữa mày để bị điên giống mày hả gì ?
Bà Lý lớn tiếng với Hiền, chị cũng chỉ biết rụt tay lại, ngồi bó chân không ngừng nói xin lỗi, đôi mắt không ngừng nhìn về đứa nhỏ, muốn ẩm con lắm nhưng không biết nói rành mạch cho bà Lý nghe. Bà Lý quay sang đứa cháu, vẻ mặt vui vẻ :
_ Chút nữa bà nội đi ra chợ, xem có sữa gì khác rồi bà nội mua, bà nội pha cho cháu nội uống. Không cần uống sữa của đứa điên đó he con. Vàng bà nội để dành còn đầy, dư sức lo cho con đến ăn học luôn !
Hai cái chữ ‘Đứa Điên’ nghe sao chua cay quá. Dù sao chị cũng là do bà dụ dỗ đem về, dù sao chị cũng là mẹ đẻ bé Vy ra. Dù sao cũng là người sanh cho bà một đứa cháu, tuy không chính thức được làm đám cưới với Duy, nhưng cô cũng ngủ với hắn mới có mang Vy. Vậy mà chỉ vì hơi ngờ ngệch, bà Lý đành lòng đay nghiến người con dâu ấy. Ba lần dù sao hay ngàn lần dù sao đi nữa thì cũng không thể phủ nhận một điều, sự tình vẫn cứ hiển nhiên, cũng đã xảy ra rồi.
Bé Vy từ lúc lọt lòng đến giờ, trừ uống sữa của chị Hiền ra, sữa lon ở ngoài hoặc sữa của người phụ nữ khác bà Lý đem cho bú, con bé vẫn không uống được, cố ép uống thì cũng độ mười phút sau, ói ra hết.
Hết sữa này rồi đến sữa khác, vẫn không thể thay thế sữa của người mẹ. Sự thật đã vậy rồi mà bà Lý vẫn không ngừng tìm những người phụ nữ vừa mới sanh con, xin bú nhờ, hoặc là đi mua sữa bên ngoài. Nhiều lúc con bé vì quá đói, khóc nghe đến đứt ruột, bà Lý mới chịu cho bé Vy bú sữa mẹ.
Cái chuyện chị Hiền bị chồng quánh là cái chuyện xót xa, gây nhức nhối trong xóm nhất. Nhưng nó lại là chuyện xảy ra thường xuyên và dạo gần đây, khi chị sanh con rồi. Người ta mới thắc mắc nhiều hơn về quê quán của chị, ông bà ngoại của bé Vy là ai…