Ở một xã nhỏ thuộc tỉnh miền Tây. Người dân ở đây đa số sống bằng nghề trồng lúa, bắt cá. Cuộc sống ở quê này tuy không khá giả nhưng cũng no đủ. Mấy năm đó công an xã bắt đầu việc tiêu trừ nạn mê tín dị đoan ở khắp nơi. Bắt phạt không ít người buôn thần bán thánh giả tạo. Rồi bà con trong xóm nghe rung rinh là bắt đầu họp mặt bàn chuyện thiên hạ :
_ Ê, hởm rài mấy bà có biết vụ công an xã bắt đầu đi bắt mấy ông, bà thầy không ?
_ Có, bị tóm mấy người rồi. Mà không biết ông Hai Chài có bị bắt không? Ổng cũng làm bùa đó, nhưng ít thôi !
_ Mà ai làm thầy, nhà cửa khá giả. Có một mình ông Hai Chài làm thầy mấy chục năm mà nhà cửa sập xệ. Con cái cũng đi làm cực thấy mồ. Ổng già rồi mà vẫn còn đi chài lưới làm vuông đó, chứ có hưởng thụ cái gì đâu !
_ Ui, nhà giàu, còn có tiền lo đút lót công an để xin tha. Chứ nghèo như ông Hai chuyến này coi bộ ở tù rồi !
_ Tội nghiệp ổng, cũng có tuổi rồi chứ còn trẻ đâu. Lỡ mà bị bắt á hả thì tội nghiệp thằng Huy, cháu ngoại ổng. Thằng bé quấn quýt ông ngoại nhiều lắm. Ngủ cũng ngủ với ông ngoại nữa mà !
_ Ờ, công nhận thằng Huy đeo dính tay ông ngoại miết vậy à. Với lại… chắc có mỗi mình nó là cháu nên ông hai ổng cưng !
_ Trước giờ ai tới làm bùa của ông Hai cũng chỉ cúng có ba chục ngàn là nhiều lắm rồi. Không biết bùa có thật không nhưng lấy có nhiêu đó mà cũng bị bắt thì oan quá !
_ Thôi thôi, oan sai cái gì? Cái tội làm bùa cũng có khác gì cái tội lừa gạt đâu. Mà ông Hai ổng đánh cá về rồi kìa. Giải tán mấy bà ơi !
_ Ừ, thôi thôi đi lẹ !
Rồi mấy người đàn bà giải tán, ai về nhà nấy hết. Từ đằng xa, dáng gầy nhom, nhỏ con của ông Hai Chài đang thấp thoáng ở hàng Bạch Đằng, khoát trên vai cái tay lưới đầy cá phi đi vào nhà bằng đường sau. Căn nhà lá nhỏ, đủ để gia đình ba thế hệ che nắng, che mưa. Nếu nói ở trong nhà của ông Hai cái gì là khang trang nhất chỉ có bàn thờ người vợ quá cố và một góc được ông lập riêng. Ông Hai Chài gọi nó là Tĩnh, ông ấy nói chỗ ấy là nơi Binh Sĩ ở. Chẳng có thứ gì quý giá nữa. Ông Hai tuổi cũng gần sáu mươi, ngày trước do hai vợ chồng ông khó có con, nên mãi bà Hai mới sanh được Lụa. Ông Hai không giống như bao người đàn ông gia trưởng thời bấy giờ. Có được mụn con là mừng rơi nước mắt, chẳng cần biết đó là con gái hay trai. Từ lúc còn thời con trai, ông Hai tìm thầy học thuật, cái môn này, người đủ duyên mới học được chứ đâu phải ai muốn học là sẽ học được đâu. Mãi mới tìm được một người dạy cho mình, cái ngày mà ông chuẩn bị trở thành một người ở trong giới tâm linh. Thầy của ông Hai ngồi với ông :
_ Để trở thành một người có thể thay đổi trật tự cuộc sống của người khác phải đánh đổi, đi trên con đường mà người khác không thể đi được. Có ba thứ mà người chấp nhận học thuật phải đánh đổi. 1 là mất cha mất mẹ,2 là không được kết hôn,3 là nghèo suốt đời, nhưng thay đổi không có nghĩa là loại bỏ được nhân quả. Người gieo nhân nào, hái quả đó, chỉ là thời gian dài hay ngắn mà thôi !
Ông Hai Chài ngồi suy nghĩ hồi lâu, mới chọn cái thứ 3. Ngày ông được nhập môn trình Tổ, ông lại phải đứng trước Tổ bùa mà thề nguyện rằng :
_ Nếu sau này con trở thành thầy, sẽ không dùng bùa làm bệnh đau cho người, không dùng bùa yêu làm ly tán người đã có gia đình, nếu con phạm phải lỗi lầm trên, nguyện bị quả báo chết không toàn thây !
Từ sau ngày hôm ấy, ông Hai Chài trở thành một người có thể giao tiếp với thế giới tâm linh, ông được dạy cho đọc chú, vẽ phù, triệu binh… tất cả những điều cần thiết để trở thành một người thầy. Cho đến thời điểm hiện tại, ông Hai chưa từng làm điều gì sai phạm với lời thề xưa. Và cuộc đời đúng như thứ mà ông đánh đổi, cha mẹ của ông chết theo lẽ vô thường. Ông có vợ, có con. Nhưng cái kiếp làm thầy chỉ đủ ăn, cố mãi vẫn không giàu nổi. Nhưng ông lại được che chở, chưa bao giờ chịu cảnh đói. Hôm nào không có đồ ăn, hàng xóm lại thương tình chia sớt với nhau, có qua có lại. Điều mà ông Hai luôn khắc cốt ghi tâm là những điều đã thề nguyện với Tổ. Có những ngày, người từ phương xa nào đó, tìm đến ông nhờ giúp chuyện bùa yêu. Ông Hai hỏi chuyện mới biết người ta đã có gia đình thì một mực từ chối, dù cho người tìm đến nhà ông dúi vào tay nhiều tiền ông cũng không nhận. Nhiều lần lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Mỗi lần như thế, người đi về với vẻ hậm hực. Còn ông Hai lại thở phào, chờ cho khách đi khuất mới đứng lên đốt nhang :
_ Con không biết là vô tình, hay là Tổ muốn thử lòng con. Nhưng những gì con đã thề, suốt cuộc đời này con không bao giờ phạm phải !
Trong cuộc đời, khó tránh khỏi chuyện đụng độ. Thân là một thầy bùa, ông cũng chỉ dám trả lại những tổn thương mà người khác gây ra cho ông, chứ cũng không dám làm hơn. Một người có thể khiển được âm binh như ông, muốn làm chuyện ném đá giấu tay là rất dễ dàng. Nhưng chưa bao giờ ông kiếm chuyện với người một cách vô cớ. Trừ những người đã làm tổn thương ông và gia đình của ông. Vì ông là một trong số ít thầy bùa nghĩ được rằng, chuyện ông kiềm chế được cái tôi, đặt nó ở mức vừa phải, chỉ trả lại thứ những gì người đã gây ra cũng giống như việc ông khắc chế nghìn binh sĩ trong tay, nếu như để cái tôi quá cao, sát hại người vô cớ, thì binh sĩ một ngày nào đó ông cũng sẽ không khắc chế được nữa. Cái tôi trong người thầy bùa là phản ánh chính xác nhất thái độ của binh sĩ.
Cho đến hiện tại, khi Lụa lập gia đình sinh con, sinh cho ông Hai một đứa cháu trai kháu khỉnh. Ông đã nghĩ việc truyền lại đạo thuật cho đứa cháu này từ lâu.
Gia đình bên chồng của Lụa cũng nghèo, Lụa quen Thành, hai người thương nhau, lấy nhau rồi cùng nhau cố gắng lao động kiếm tiền lo cho cuộc sống.
Do Huy từ nhỏ đã quấn ông ngoại nên được ông ngoại chăm coi thường xuyên. Huy còn được ông ngoại cho ngồi lên bộ đi văng, nhiều khi vẽ đỏ hết tờ giấy vàng, mà ông Hai chỉ cười vui vẻ rồi thôi. Lụa cũng từng ở tuổi phá phách vô tư như Huy, nhưng hồi đó chỉ được cha cho phá đạo bùa vài ba lần. Còn với Huy, ông Hai cho thằng cháu phá vô tư. Lên năm tuổi, Huy đã có hết ba năm vẽ phá đạo bùa của ông ngoại nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Năm ấy ông Hai dạy cho Huy cách xé lá bùa. Một tấm giấy vàng cỡ lớn được ông bày ra. Huy nhanh tay chộp lấy cây bút đỏ, cười tít mắt. Gương mặt lộ rõ vẻ thích thú :
_ Vẽ giấy của ông ngoại là vui nhất !
Tuy giấy ấy, bút ấy là đạo bùa của ông, nhưng chưa bao giờ ông Hai dạy đó là giấy vẽ bùa nên Huy không biết. Thằng bé chỉ đơn giản gọi đạo bùa của ông là tờ giấy vàng, cây viết đỏ mà thôi. Huy chuẩn bị vẽ lên tờ giấy, bị ông ngoại cầm tay ngăn lại :
_ Con chơi cái trò này suốt mấy năm rồi không chán sao ?
_ Không, chán thì nhổ tóc bạc cho ông ngoại, chọt lét ông ngoại… còn nhiều cái để chơi mà !
_ Còn một tháng nữa là Tết rồi, cháu của ông được năm tuổi. Lớn thêm một tuổi rồi đúng không ?
Huy ngước lên suy nghĩ :
_ Tết… mùng 3… sắp đến tết thầy !
_ Đúng rồi, giờ nhìn ông làm cái này, rồi làm phụ ông nghe !
Ông Hai ngồi xếp tờ giấy vàng lớn, đến cái kích thước vừa phải thì dùng cây bút đỏ đưa vào giữa, xé giấy ra. Tiếng tờ giấy bị xé ngọt xớt, khi buông ra rồi. Tờ giấy vàng to khi nảy trở thành mười tấm giấy chữ nhật nhỏ, đều tăm tắp, đường bị xé hoàn hảo như dùng kéo cắt. Huy nhìn ông ngoại làm xong, vỗ tay lia lịa. Ông Hai nhìn đứa cháu, mỉm cười :
_ Còn nữa, con nhìn nè !
Ông lại gấp một tờ giấy vàng cỡ lớn khác, đường gấp cũng giống như ban đầu, nhưng lần này ông dùng ngón tay đưa vào cạnh chỗ cần xé. Tiếng giấy kêu tẹt tẹt ba cái. Buông ra thì lại trở thành những hình chữ nhật đều như nhau.
_ Hoan hô, ông ngoại siêu quá trời siêu !
Thấy đứa cháu vui, ông cũng vui. Cầm thêm một tấm giấy lớn, cũng gấp lại như vậy. Ông dùng một tấm giấy đã xé nhỏ kia gấp lại thành một miếng nhỏ, to hơn móng tay cái một chút. Đưa vào cạnh tờ giấy lớn rồi ma sát ở góc, tờ giấy bị xé ra ngọt như người ta dùng cây kéo bén cắt. Đứa nhỏ trầm trồ, rút một mảnh giấy vàng lớn khác, đứng lên ngồi xuống, cộng thêm sự trợ giúp của ông ngoại mới có thể gấp nhỏ mảnh giấy vàng lớn thành hình chữ nhật vừa phải. Cái bàn tay nhỏ xíu cầm miếng giấy kia, để sát vào góc. Hành động y chang như ông ngoại. Đẩy miếng giấy nhỏ vào góc rồi đẩy lên. Cái thân nhỏ xíu nằm dài trên bộ đi văng :
_ Tèn tén ten !
Mặt đứa trẻ tự tin, ngồi dậy banh tờ giấy ra. Ông Hai Chài nhịn không nổi mà bật cười, cười đến độ chảy cả nước mắt. Huy đứng dậy, vạch tờ giấy vàng ra. Tờ giấy còn y nguyên, không rách miếng nào. Gương mặt tự tin chưa đầy mười giây trước tắt hẳn :
_ Ủa, sao kì dị ông ngoại ?
Ông Hai ôm đứa cháu trai ngồi vào giữa :
_ Cách này lớn lên con mới làm được !
Ông đưa cây viết cho cháu cầm, rồi cầm tay của cháu hướng dẫn. Cây bút được đưa vào cạnh tờ giấy, ma sát đủ mạnh để tờ giấy bị xé ra. Huy như có một trò chơi mới vậy. Nhưng lúc biết một thú vui mới cũng là lúc trên bộ đi văng hết giấy vàng. Huy tuột xuống, chạy đến ngăn tủ kéo ra. Bên trong có một chiếc áo tràng màu nâu. Có một cây bút đỏ khác và một số tờ giấy vàng nhỏ, mấy cây đèn cầy ngoài ra không còn gì nữa, Huy quay lại nhìn ông Hai :
_ Ngoại ơi, hết giấy rồi !
Ông Hai đi ra sau nhà, lấy giấy báo cũ cho đứa cháu :
_ Con xé giấy này nha !
_ Nó không đẹp bằng giấy của ông ngoại. Giấy ông ngoại màu vàng. Giấy này màu không đẹp !
_ Huy của ngoại ngoan, giấy vàng hết rồi. Chơi giấy này nghe !
Đứa trẻ cầm lấy tờ giấy báo, tập xé giấy mà gương mặt không vui, bởi vì đây vốn không phải là tờ giấy thằng bé thích.
_ Thôi, mình chơi trò khác, ra sau nhà ông ngoại bẻ lá dừa làm con cào cào cho Huy nghe ?
Đứa nhỏ buông cây viết, ngồi dậy nhào tới ôm ông ngoại. Ông Hai cũng dang rộng hai tay đón đứa cháu cưng, bồng ra sau nhà. Đi qua cái mảng đất trồng rau nhỏ mới tới cây dừa lùn. Một tay bế cháu, một tay tuốt vài chiếc lá dừa rồi trở vào nhà làm con cào cào dừa cho Huy. Ngày nào ông Hai cũng bày đủ trò cho cháu chơi. Thoáng cái cũng tới Tết, Tết ở quê nghèo đơn sơ nhưng vui lắm. Huy cùng mấy đứa nhỏ xấp xỉ tuổi với nhau chạy đi chơi, đùa giỡn cả ngày. Trên người đứa nào đứa nấy mồ hôi ướt hết áo mà hỏi thì đứa nào cũng nói không mệt. Người lớn ở nhà này sang nhà kia chơi, tụ họp cắt mấy đòn bánh tét, bày mứt dừa, chuối chiên giòn… ăn vui ngày tết. Người lớn ăn uống chỉ vui miệng, nói chuyện, thăm nhau là chính. Còn mấy đứa nhỏ cứ lựa kẹo, hạt dưa ăn suốt mấy ngày Tết. Tết năm nào qua, cũng bị tắt tiếng khàn giọng mà nói không có đứa nào chịu để tâm. Bọn con nít lại biết Tết nên người lớn không la trẻ nhiều nên cứ thế mà ăn thả ga. Rồi cũng đến mùng Ba, mấy người gửi con cho ông Hai Chài nuôi, mùng 3 này thường tập trung ở nhà thầy sên bùa, đổi bùa mới.
Nói là nuôi nhưng hàm ý ở đây là chỉ những đứa trẻ lúc nhỏ khó nuôi, đêm hay khóc quấy, đi chơi không coi không ngó là ưa gặp chuyện không hay, nhiều lần xém chết hụt nên người lớn mới gửi cho ông Hai, nhờ ông sai âm binh giữ con hộ. Chẳng biết ông Hai có tài tình gì không, chứ đứa nào gửi ông rồi không còn khóc quấy, cũng ít xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Mỗi khi có chuyện gì không hay, thì bụng dạ cha mẹ đứa nhỏ đứng ngồi không yên. Thuận theo cái bụng mà tìm đến chỗ con bị té mà bế lên. Tuy không có gì để chứng minh rằng ông Hai đang giúp ,nhưng họ cảm nhận được chuyện từ sau khi gửi con. Họ có phần an tâm hơn.
Ở miền Tây sông nước này, chuyện ma da, mấy vong nhi chết đuối cứ được người dân đinh ninh là có. Nào là chuyện đi văng cá đêm gặp ma dưới sông. Đi chộp ếch bán kiếm vài đồng mà đi về thấy toàn cục đất, tới cả chuyện hù con nít chơi chọi lon vào ban đêm cũng có ma lon, chơi sang trò trốn tìm thì nói bị ma giấu, tất cả điều trở thành giai thoại. Người lớn nói một, con nít nó còn suy diễn ra thêm, nào là ma cây tre, cây trúc, ma cây đu đủ, còn đứa nào suy nghĩ xa hơn nữa thì lên đến ma đu dây điện, bay vèo vèo … nói cho đã miệng xong buông ra đứa nào cũng sợ cái con mà chưa bao giờ được thấy, mang tên là con ma.
Người nào sợ bị ma bắt cứ tìm đến thầy nhờ chở che. Cũng từ cái sợ này mà không ít bà thầy, ông thầy vốn không có một ngày học đạo mà xưng thần xưng thánh.
Rồi cái Tết nữa lại trôi qua, bắt đầu một năm mới có những khát khao mới mong được hoàn thiện. Cái tin ông Hai Chài làm thầy bùa không biết ai đồn, sau tết là có mấy người mặc bộ đồ xanh công an, đến nhà :
_ Chào ông, chúng tôi ở ủy ban. Chúng tôi nghi ngờ ông về việc truyền bá mê tín dị đoan. Mời ông theo chúng tôi làm việc !
Ông Hai điềm tĩnh, đứng ở trong nhà, nhìn mấy chú công an xã :
_ Mấy chú đi về đi, tôi có làm cái gì bậy bạ đâu mà đến đây làm gì ?
Một người trong số họ rút cái dùi cui ra :
_ Nè, chúng tôi mời đàn hoàn ông cứ đi theo đi !
Bên trong nhà ông Hai điềm tĩnh bao nhiêu thì ở bên ngoài mấy bà hàng xóm xì xào bấy nhiêu. Ông Hai cầm tay người ở giữa, ngụ ý mời họ về nhưng chưa kịp mở lời, tên kế bên đã dùng gậy đánh vào cánh tay ông Hai một cái. Người bên ngoài ai cũng hết hồn, người nào về nhà nấy hết. Riêng ông Hai sắc mặt không thay đổi, quay vào trong vẽ gấp một lá bùa. Mặc kệ những cặp mắt khó chịu ở ngoài cửa. Ông Hai đốt lá bùa vừa mới vẽ, đặt lá bùa đang cháy ở trong lòng bàn tay mà gương mặt không chút nhăn nhó. Đợi lá bùa cháy thành tro, ông dùng ít tro ấy xoa lên chỗ vừa mới bị tên công an dùng gậy đánh. Mấy tên ở ngoài, chứng kiến hành động dị thường của ông ai cũng biến sắc. Đến khi ông quay ra, gương mặt vẫn điềm tĩnh, cầm lấy tay của tên mới đánh mình :
_ Chú em mới từ nơi khác nhận chức à? Nóng tính dữ vậy chú em ?
Nói vừa dứt câu, ông bóp chặt bàn tay của tên kia. Khẽ mỉm cười rồi buông ra. Ngay lập tức cơn đau mà ông chịu đựng từ nãy đến giờ, không biết vì đâu lại chuyển sang cho tên công an ấy. Mặt hắn nhăn nhó,đau đớn gào lên :
_ Ông làm gì tôi vậy ?
Ba tên còn lại ngơ ngác, chỉ là cái bắt tay có cần đau đến mức thế đâu. Ông Hai mặt vẫn điềm tĩnh, mỉm cười trả lời :
_ Tôi chỉ trả lại những thứ chú em gây ra cho tôi !
Trên cánh tay của ông vẫn còn vết đỏ do bị đánh nhưng cơn đau đã sớm chuyển qua cho tên kia rồi. Tên công an vẫn còn cầm tay, nhăn nhó trông thật mất mặt. Ông Hai Chài quay sang nói với người ở giữa :
_ Tôi nói rồi, tôi không có dạy ai phải mê tính. Nếu không tồn tại thế giới tâm linh thì làm sao có hồn ma, làm sao có chuyện người bị ma giấu ?
_ Chuyện ma giấu đã trở thành một giai thoại ở đây. Không ai là chưa từng nghe đến, chỉ có người chứng kiến và chưa chứng kiến mà thôi. Tên công an xã nhìn ông Hai :
_ Chúng tôi chưa từng thấy người bị ma giấu, cũng không tin !
Ông Hai mỉm cười :
_ Giấu người là chuyện phi pháp, trừ ma ra thì có mấy ai sẽ làm chuyện đó đâu. Tôi không giấu người, nhưng tôi sẽ chứng minh rằng tôi có thể che mắt chú em này !
Cả bốn người công an nhìn nhau, vốn không tin nên nói luôn :
_ Nếu ông chứng minh được ông là thầy bùa, chúng tôi không làm phiền ông !
Ông Hai mỉm cười :
_ Mời !
Bốn người công an vô nhà, ông Hai hỏi người mới bị mình trả đũa :
_ Ngày tháng năm sinh, họ tên của chú là gì ?
Tên ấy ấp úng không dám trả lời. Tuy không ai nói với ai câu gì nhưng cả bốn người công an ấy điều cảm nhận được sự lạnh gáy khó tả từ khi bước qua cửa. Cả bốn người cũng trở nên khó thở hơn. Không phải vì ông Hai đã làm gì họ. Chỉ vì họ hồi hộp nên thở không đều mà thôi. Một người trong số họ lên tiếng nói :
_ ngày 22 tháng 9 năm 1976. 26 tuổi ! Tên Trần Mạnh Ninh !
Tên vừa mới bị đồng nghiệp khai tên chính là kẻ đã đánh ông Hai, hắn nuốt nước bọt lo lắng. Ông Hai lên tiếng :
_ Bây giờ thì chú em nhắm mắt lại một chút đi !
Ba người đứng ở đó nhìn hắn, gật đầu tạo niềm tin. Tên Mạnh Ninh cũng an tâm phần nào nhắm mắt. Dù sao bốn thanh niên cũng dư sức khống chế một ông già .
Ông Hai rút cây dùi cui của hắn, đưa cho một trong ba người cảnh sát :
_ Giờ thì mấy chú có thể đặt thứ này ở bất kỳ đâu trong cái nhà này, chỗ nào cũng được, dưới đất cũng được !
Một tên cầm lấy đầu gậy, quăn đại xuống đất. Một âm thanh đồ vật rớt xuống, nghe là có thể phần nào đó biết được hướng cây gậy rơi. Ông Hai bắt đầu nhắm mắt :
_ Mấy chú lên ghế ngồi xem cậu ta tìm gậy của mình đi !
Ba tên công an ngồi xuống, chỉ xem như ông Hai đang làm màu, câu giờ để khỏi bị đưa đi làm việc chứ họ không hề tin, họ nhìn ông hai bằng con mắt chế giễu, nhìn nhau bằng con mắt sẵn sàng cười cợt. Ông Hai bắt đầu cầm cây bút lông đỏ lên, đọc thầm câu chú :
_ Thiên Viên Địa Phương Sắc Lịnh Cửu Chương – Ngô Kim Hạ Bút Vạn Quỷ Phục Tùng – Cấp Cấp Như Luật Lịnh !
Sau câu đọc thầm ấy, ông Hai bắt đầu vẽ phù. Bên dưới ba người công an nhìn nhau :
_ Ông ta đang làm trò hề cho mình coi sao ? Haha !
Rất nhanh văn bùa được ông vẽ xong. Ông Hai bước xuống dán lá bùa ở trên cánh cửa đọc tên :
_ Trần Mạnh Ninh !
Tiếng hô to của ông Hai làm Ninh giật mình mở mắt ra. Rất nhanh sau đó cả bốn người công an cảm nhận được luồn không khí lạnh kì dị ở trong nhà của ông Hai. Trước mắt của ông, những âm binh từ trong Tĩnh đi ra đứng trước mặt người công an vừa mới được đọc tên, bằng một sức mạnh ma quái nào đó, những binh sĩ đang che mắt, khiến hắn tìm mãi không ra cây dùi cui. Ông Hai chỉ mỉm cười nhẹ rồi ngồi xếp bằng :
_ Bây giờ chú có thể tự đi tìm gậy của mình rồi !
Tên Mạnh Ninh hùng hổ trèo xuống nhìn ba người đồng nghiệp trước rồi giáo giác nhìn xung quanh nhà của ông Hai. Ba cặp mắt chờ đợi Mạnh Ninh lụm cây dùi cui dưới đất lên. Còn ông Hai ngồi ung dung xem những binh sĩ của mình đứng trước mặt tên công an kia. Miễn là hắn tiến tới một bước hay đi đâu cũng bị binh sĩ chắn trước mặt. Mạnh Ninh nhìn khắp căn nhà, đi tới đi lui không nhặt được cây dùi cui của mình lên. Gương mặt của ba công an ngồi xem có chút biến sắc, không còn cười được nữa.
_ Gì vậy ? Ông cố tình không thấy à Ninh ? Chơ chơ trước mặt mà !
Hắn nhìn khắp nơi không thấy đâu, bèn dựa vào lời nói của đồng nghiệp, đi thẳng về phía vách nhà. Luồn tay móc vào khe hỡ của cột với lá tìm cây dùi cui, sợ mình bị hoa mắt, hắn còn dụi dụi lại mắt mấy lần.
_ Nó nằm ở dưới đất kìa cha ơi !
Hắn xoay qua hỏi :
_ Chỗ nào ?
Ba cặp mắt của đồng nghiệp đồng loạt nhìn dưới đất. Hắn theo hướng mắt mà đi tới đi lui, cắm đầu nhìn xuống nền nhà của ông Hai mà tuyệt nhiên không thấy được cây dùi cui. Ba người công an bấy giờ mới nhìn nhau :
_ Mấy ông thấy cây dùi cui không ?
_ Có, nhưng nó không thấy kìa !
_ Chơ chơ ra đó, không lẽ ông này biết làm bùa thật ?
Cảm thấy đùa giỡn đã đủ. Ông Hai trèo xuống đi văng, tháo bỏ lá bùa xuống. Không cần ai nói, tên Mạnh Ninh liền thấy cây dùi cui của mình ở dưới đất. Nhặt lên rồi hỏi :
_ Nãy giờ ai giấu ở đâu mới đem ra à?
_ Không, nãy giờ vẫn nằm duy nhất chỗ đó !
Chợt công an quay sang ông Huy :
_ chúng tôi vẫn chưa tin tưởng lắm việc ông biết làm bùa !
Ông Hai bật cười khà khà :
_ Trường phái Duy Tâm và Duy Vật vốn dĩ luôn đối đầu với nhau như âm dương trong Thái Cực. Nếu các cậu không tin, tôi cũng không thể ép các cậu tin. Điểm xuất phát khác nhau thấy được những cảnh khác nhau. Các cậu có thể nhìn lại cánh tay của cậu kia !
Ông Hai chỉ vào Mạnh Ninh, cả ba công an đứng lên, nhìn chằm chằm vào tay của tên còn lại. Thấy rõ mồn một vết bầm trên tay như bị thứ gì đó đập phải.
_ Tôi đã trả lại vết thương mà chú ấy gây ra cho tôi, bằng chứng đã lưu trên cánh tay đó. Mấy chú còn thắc mắc gì nữa không ?
Người không tin những chuyện tâm linh như họ, vẫn không tin những chuyện hoang đường như thế này. Nhưng hôm nay lại chứng kiến tận mắt như thế nói không đúng thì lấy cái gì để giải thích đây. Họ nhìn lên tay của ông Hai :
_ Ông nói ông trả rồi, sao tay ông vẫn bầm?
Ông Hai mỉm cười, trả lời công an :
_ Tôi theo tâm linh, không theo mê tính. Tôi bị người khác cố tình làm tổn thương ,đương nhiên sẽ bầm. Tâm linh cũng giống như gió vậy, vô hình nhưng con người có thể cảm nhận được. Gió có thể làm tổn thương đến con người, nhưng con người không làm gì được gió. Linh hồn cũng như thế thôi !
Chẳng có sự so sánh nào có thể ngang bằng giữa linh hồn bằng gió. Bốn người công an đành tạm biệt rời đi. Tên Mạnh Ninh mang cái vẻ mặt nhăn nhó cùng với cánh tay bị một vết bầm y chang như vết bầm của ông Hai ra về, mà không thể lí giải tại sao cái tay lại bị một vết bầm dù không bị va chạm. Trong cái xóm nghèo, bàn quài không hết chuyện. Ông Hai vừa tiễn được công an về, mọi người tụm ba tụm bốn chưa bàn được lâu thì ở bên phía dưới. Tiếng la hét, tiếng khóc thét van xin của người con gái tên Hiền vang lên. Mỗi tiếng thét của cô gái tội nghiệp là mỗi lần người ta có thể mường tượng được những lần roi vút vào da thịt.
Ở cái xóm này, không ai còn lạ cái chuyện người đàn ông tên Duy, tuổi ngoài ba mươi. Con trai độc nhất của bà Lý, mỗi lần nhậu xỉn về là đánh chị Hiền. Mang mác là vợ của Duy nhưng nào đâu có được một cái đám cưới nào. Người dân ở đây cũng không biết chị là người ở đâu, từ khi phát hiện ra chị có mặt ở vùng này thì người ta chỉ biết chị là người mắc bệnh thần kinh. Hỏi nhà ở đâu cũng không nhớ, đến cả cái tên của mình cũng không nhớ luôn. Bà con thấy chị ngồi suốt ở cây me, bị cây mắc cỡ đâm hay bị kiến cắn gì cũng không khóc. Chỉ phủi tay bỏ mấy con kiến, người ta thấy chị tội, cho chị đồ ăn, chị cũng không quên nhận bằng hai tay, gật đầu rồi mới bỏ vào miệng ăn vội. Thấy chị mắc bệnh nhưng tính tình hiền lành nên gọi chị là Hiền thôi. Mấy đứa con nít ngày nào cũng ra ngoài cây me trêu chọc chị Hiền, dần dần thành bạn với tụi nhỏ. Chiều nào người ta cũng thấy chị trèo lên cây me hái trái thả xuống cho tụi con nít. Nhiều hôm kiến cắn đỏ hết tay, chỉ ngồi thút thít gãi chứ không biết làm sao, mấy đứa nhỏ lại lấy chai dầu chiết ra một ít vô chai nhỏ rồi đem ra cho chị sức. Hình ảnh ấy quen thuộc chừng nửa tháng. Hôm ấy, bà Lý đem ra hai củ khoai lang, nói bằng giọng dỗ ngọt :
_ Cô có ít khoai cho con ăn nè !
Vẫn là cách nhận lấy bằng hai tay, gật lia lịa rồi bỏ vào miệng ăn vội. Bà Lý thấy vậy liền bĩu môi khinh thường. Nhưng cũng rất nhanh dỗ dành :
_ Nhà cô có khoai, có cơm, có cá. Con về làm con gái của cô đi, ngày nào cũng được ăn uống, không lo đói nữa !
Hiền nghe vậy, đôi mắt sáng lên, muốn theo về nhưng điệu bộ vẫn còn sợ sệt, lưỡng lự lắm. Bà Lý thấy vậy cầm tay chị Lý kéo về :
_ Đi, đi về nhà cô cho ăn cho ngủ !
Chị Hiền đi theo bà Lý về nhà, bà cho chị vài bộ đồ cũ, dạy cho chị tự tắm, tự gội đầu. Xong xuôi đâu đó, bà Lý dắt Hiền vào buồng của Duy. Giọng dỗ dành :
_ Ngồi ở đây đợi chồng con về nghe chưa ?
Hiền nghe không hiểu, ngơ mặt nhìn bà, bà Lý chỉ thở dài rồi đập tay xuống chiếu manh vài cái :
_ Nằm ở đây, ngủ ở đây !
Chị Hiền gật gật đầu, nằm xuống. Trước khi ra ngoài, bà Lý dặn :
_ Không được đi ra ngoài nghe chưa, ra ngoài là bị đói, không có đồ mặc !
Hiền gật đầu lia lịa, cười khì khì. Bà Lý bỏ ra ngoài, kéo cái màn lại. Nhà bà Lý ở cuối xóm, gia cảnh không khá giả gì mấy, có thằng con duy nhất đã ngoại hình không ưa nhìn mà còn chăm ăn biếng làm nên không có cô nào ưng. Bà Lý tuổi xế chiều mong con mong cháu nên bất đắc dĩ đưa chị về nhà, với hi vọng chị sanh được cho bà một đứa cháu để bế để bòng. Cũng là buổi chiều hôm ấy, khi ông Hai Chài đem ít cơm với con cá nướng ra cho chị ăn thì không thấy chị đâu nữa. Mỗi ngày đem cơm ra cho chị, ông Hai thương lắm, mà chỉ thở dài, đặt chén cơm, chén cháo xuống rồi lắc đầu ra về mà thôi. Nhìn chị Hiền, ông như nhìn thấy được điều gì đó khó nói. Thương thì cho miếng cơm miếng nước chứ thật tình ông Hai không dám làm gì hơn. Từ ngày chị thôi ngồi ở góc me, ông cũng thôi đem đồ cho ăn. Ông cũng biết được cái tin bà Lý đem chị về nuôi, dù biết được bà Lý đang toan tính lợi dụng Hiền, sanh cháu cho bà nhưng ông không nói. Vì dù sao Hiền có chỗ nương náu vẫn hơn ở ngoài gốc cây me chịu nắng chịu gió.
Nhưng không hiểu sao Duy có được người chung chăn gối, lại ngày nào cũng đánh đập. Mặc dù chị khờ khạo thật, nhưng cũng đâu đến nỗi làm chuyện gì sai quấy đâu. Tên bợm rượu ấy tuần nào cũng cho chị Hiền ăn roi hết tuần. Chính quyền can ngăn được vài hôm lại trở về với thói bạo hành cũ. Phụ nữ trong xóm thương chị lắm, nhưng nghĩ đến đèn nhà ai nấy sáng, chuyện nhà ai nấy tỏ nên họ cũng không để tâm làm gì. Nhiều người nhìn vào ai ai cũng thương xót, mà không lấy được một người dang tay giúp chị thoát khỏi hoàn cảnh ấy. Chẳng biết chị đã làm lỗi gì với đời, mà cuộc đời bất công với chị đến như vậy.
Đoạn ông Hai trở vào nhà, Huy chạy nhanh ra ôm ông ngoại sụt sùi cầm cánh tay của ông Hai lên, hôn nhẹ một cái :
_ Thương ông ngoại, ông ngoại bị đánh có đau không ?
Ông Hai xoa đầu đứa cháu :
_ Ông ngoại không sao, tí nữa ông đi neo lưới dưới sông, kiếm ít cá mai ăn. Huy theo ông ngoại không ?
_ Đi chứ ngoại, ngoại bắt cá cho con chơi nha !
Ông Hai bật cười, gật đầu đồng ý. Chiều hôm ấy, ông dắt cháu ra bờ sông như thường lệ, vớt mấy con cá lòng tong lên bỏ vào chai thủy tinh cho đứa cháu cưng ngồi chơi. Tính đến thời điểm hiện tại, Huy là đứa cháu trai duy nhất của ông, cũng luôn luôn theo sát ông Hai nên dòng máu huyền thuật kế thừa từ ông ngoại đã từ lâu chảy trong người của Huy. Chuyện Huy nhìn thấy được người âm cũng không có gì là lạ. Với những người khác, khi biết con cháu mình thấy được ma, tâm lý họ rất lo lắng và đi tìm thầy để giúp không còn nhìn thấy ma nữa. Còn với ông Hai Chài, biết cháu mình thấy được người âm cũng không hề lo lắng, còn dạy cho Huy biết thế nào là vong dữ, vong hiền. Ông Hai không dạy cháu sợ ma nên Huy dù biết đó là ma cũng không sợ hãi. Đối với đứa trẻ khác, đi chơi gần sông rất dễ bị ma da kéo chân, giấu xác. Nhưng đối với Huy, những vong hồn chết đuối từ lâu dù có thèm muốn cách mấy cũng không dám lấy mạng của Huy thế chỗ cho mình. Họ biết rõ Huy là cháu của thầy luyện âm binh, với lại lượng binh sĩ mà ông Hai nắm giữ lên đến hai nghìn binh. Có gan cũng chỉ dám từ đằng xa nhìn mà thôi. Chuyện đâu phải tự dưng những ma da thèm khát được đầu thai lại dè chừng một đứa bé mới lên năm như Huy được. Vừa đúng một năm trước, Huy do chưa ý thức được những người luôn luôn sống ở dưới sông kia luôn chực chờ lấy mạng của mình. Không ngại lon ton ra mép sông hái bông Ô Rô. Chuẩn bị trở vào nhà thì bị một vong chết đuối ở đâu canh sẵn, chộp lấy cái chân nhỏ bé mà lôi xuống dưới sông. Bà nội ngồi ở trong nhà lo bó chổi, cũng không biết chuyện đang xảy ra. Huy vùng vẫy chưa đến hai phút, hơn hai mươi binh sĩ từ trong Tĩnh của ông Hai lao đến kéo Huy lên bờ. Nhà của ông Hai với nhà bà nội của Huy cách nhau hơn bốn cây số. Mà lúc xảy ra chuyện ông là người hay đầu tiên. Lúc những binh sĩ kéo Huy lên được cũng là lúc trong nhà nghe tiếng khóc của đứa nhỏ mà hốt hoảng chạy ra. Lâu lâu mới về nội chơi vài hôm mà đã có chuyện rồi. Ở trong nhà, bà nội đang dỗ dành, thay đồ cho thằng cháu. Cũng là lúc ông Hai Chài ngồi ở nhà, đứng bên Tĩnh đốt nhang, đọc sắc lệnh triệu binh. Hàng hàng, lớp lớp binh sĩ theo lệnh đi đến khúc sông ấy, tìm đúng thủ phạm mà đập cho một trận. Ông Hai Chài chỉ đánh cảnh cáo rồi tha chứ không làm gì hơn. Cũng sau lần ấy, ông đến khúc sông, gọi hồn lên. Con cái của nhà nào trước đây bị chết đuối ông đưa về cho đúng nhà thờ cúng. Chỉ có duy nhất một vong linh của một người lính trẻ, lúc xưa chết do bị đạn bắn vẫn còn lại ở khúc sông. Do anh ta chết đã lâu, xương cốt đã tan rã. Chưa từng được nhập quan và cũng không được gia đình thờ cúng. Nhà thì không biết đường về, do không được khâm liệm nên âm giới liệt vào vong hồn oan khuất đặc biệt, cửa âm giới không mở ra, bất đắc dĩ mới trở thành vong hồn vất vưởng. Chỉ có thể bắt người khác thế mạng, bằng cách là sau khi có một người chết, cửa âm giới mở ra cho linh hồn vừa mới bị bắt vào lúc 12 giờ trưa và đêm,6 giờ chiều. Qua đó có thể tranh thủ thế vai mà đi vào cõi âm ti. Do ông Hai Chài thấy được nguyên nhân như thế, cũng chẳng muốn dồn linh hồn ấy vào đường cùng, chỉ đánh cảnh cáo mà thôi. Ông nói với người trong xóm, lập cho anh lính một cái miếu, lâu lâu cúng cho anh một ít để anh phù hộ cho bà con. Cũng là giúp anh có một chỗ ở, sau chuyện đó, khúc sông ấy không còn đứa trẻ nào bị mất mạng nữa. Té nước thì vẫn có nhưng mỗi lần như vậy thay vì bắt đi anh lính trẻ lại đưa đứa nhỏ vào bờ. Người khác cũng trả lại anh bằng những mâm cúng. Tuy không thịnh soạn nhưng cũng làm ấm lòng vong linh không may mắn ấy.
Sức người có giới hạn, quyền hạn con người cũng không thể chuyển đổi càn khôn. Từ lúc ông giải quyết xong khúc xong ấy cũng thôi không giúp nữa. Trừ những người tìm đến ông cầu tìm con, ông mới giúp. Nơi ông ở cũng chẳng có vong hồn nào quấy phá nhiều. Chỉ có những vong hồn ma da chết đuối theo ghe mài dao trên sông từ nơi khác đến phá rối mà thôi. Hồi ấy, người ta thấy ghe mài dao, bán dao là cứ cấm tuyệt con nít ra mé sông chơi. Tuy họ không nhìn thấy, nhưng biết chắc chắn chiếc ghe mài nào cũng có ma da ở nhờ. Ít thì một, nhiều thì ba bốn. Suốt khoảng thời gian có ông Hai Chài ở, người dân ở đây ít gặp chuyện ma quỷ lộng hành lắm. Tuy không nói ra bằng lời, nhưng trong lòng ai cũng thầm cảm ơn. Hàng xóm mến, nên bữa nào ông không có gì để ăn, họ cũng đem vài con khô qua chia sớt.
Cái xóm, trừ chuyện chị Hiền bị chồng đánh như cơm bữa ra thì mọi việc vẫn diễn ra bình thường tiếp một năm sau. Bây giờ chị Hiền đang mang thai tháng thứ bảy, và chẳng bao lâu nữa sẽ hạ sanh cho bà Lý một đứa cháu. Cũng từ ngày có thai, chị ít bị đánh hơn. Không phải là vì tên Duy kia sửa đổi tâm tính mà là vì mỗi lần hắn định đánh chị đều có bà Lý can ngăn. Khoảng thời gian này, ông Hai Chài dường như không ăn.
_ Sao ông ngoại mấy bữa nay không thấy ăn gì hết vậy ?
Giọng trong trẻo, ngây thơ của Huy quan tâm ông ngoại của mình. Huy cũng sáu tuổi rồi nhưng ngày nào cũng ngồi trong lòng ông Hai như lúc ba, bốn tuổi. Chị Lụa, con gái của ông cũng xen vào :
_ Đúng rồi đó cha, mấy hôm nay con không thấy cha đụng đũa luôn. Cha có thèm gì thì nói để con kêu chồng mua về nấu cho. Chứ cha không ăn hai hôm nay rồi !
Ông Hai cười hiền lành :
_ Tại cha bây không ăn chứ cha có thèm khát gì đâu. Để dành tiền sau này lo cho thằng Huy,lo cho cuộc sống, cha già rồi, ăn gì mà không được !
Chiều hôm ấy, ông Hai lại đi ra ngoài kiếm mấy con cá đồng về ăn qua bữa. Không quên dắt theo đứa cháu trai. Bình thường, ông chỉ ẵm Huy đi một đoạn, còn một đoạn sẽ để Huy tự đi. Nhưng hôm nay ông lại bồng đứa cháu đi qua hàng Bạch Đằng đang thả bóng xuống dòng nước, đi tiếp luôn đường ruộng dài ,nhuốm màu đỏ của mặt trời xuống núi.
_ Ông ngoại thả con xuống đi, con đi được mà !
Ông Hai hít một hơi thật sâu rồi thở ra nhẹ nhàng, ngước lên nhìn bầu trời cao ảm đạm yên bình :
_ Ông ngoại thương Huy lắm, cho ông ngoại ẵm con đi !
_ Con biết ông thương con mà, con sợ ông ngoại mỏi tay !
Vừa nói, vừa choàng đôi tay nhỏ xíu, đấm nhẹ vào vai của ông Hai. Hai ông cháu thương nhau, bước đi giữa khoảng trời lặng gió. Đoạn ông lội xuống dưới nước, thu lưới cá rồi lại leo lên bờ. Mang theo một thân hình ướt sũng, hai ông cháu nắm tay nhau, cất bước nhanh đi về cho kịp buổi cơm chiều muộn.
Đêm nơi vùng quê đến rất nhanh, như thường lệ, Huy ngủ với ông. Nằm trên giường tre, xả xuống một cái mùng cũ có nhiều vết khâu vá. Hai ông cháu nằm với nhau nói chuyện. Ông Hai Chài nhìn đứa cháu bằng đôi mắt âu yếm, tràn đầy yêu thương, đôi tay gầy, nhăn nheo theo năm tháng xoa đầu cậu bé, ông nói với đứa cháu cưng rất nhiều, rất rất nhiều. Không bận tâm là đứa trẻ có hiểu những gì ông nói hay không :
_ Nếu như một ngày, con thấy ông ngủ mà không thức, đừng gọi ông dậy con nhé, vì ông mệt nên sẽ ngủ rất lâu. Nếu như con vẫn kế bên lúc ông ngủ, lúc ấy hãy sờ vào chân của ông, nếu như bàn chân của ông lạnh, ông sẽ về với ông bà. Nếu như bàn chân của ông ấm, con hãy nhìn vào giữa trán của ông, nếu giữa trán da ửng hồng, con hãy chạy ra ngoài trời, ngước nhìn về phía núi Thất Sơn. Thấy một vệt màu đỏ hồng trên bầu trời, ông sẽ về với Tổ bùa tu đạo. Rất khó để về đây thăm con lắm. Nhưng có một chuyện ông ngoại muốn con phải nhớ, làm người nhất định không được làm chuyện trái đạo đức, với bất kỳ mối quan hệ nào cũng giữ khoảng cách, không sanh tâm để ý một người nào khác. Chỉ có thế bùa ngải mới không có con đường chiếm lấy được con, sống ở đất An Giang này, ông lo cho con lắm. Sau này, thỉnh thoảng hãy đi lên chùa lạy Phật, chỉ xin cho lòng bớt phiền đau chứ đừng xin gì khác nghe không. Ông dù có đi bao xa, vẫn sẽ chở che cho Huy !
Huy nằm im lặng nghe hết lời ông nói. Với lứa tuổi trẻ con mới lên sáu. Huy chỉ nhớ được những gì ông ngoại nói chứ làm sao hiểu được những tâm ý sâu xa. Một đêm yên bình, Huy ngủ ngoan trong lòng ông ngoại, ngủ thì ngủ chứ vẫn ôm ông chứ không buông.
Ông Hai Chài thân là một lão thầy bùa, chuyện biết được ‘Tri Thiên Mệnh’ cũng không phải là điều hiếm hoi.
Trời còn chưa sáng, ông Hai mang theo cái lưới, đi ra chỗ thường ngày dăng cá. Xong xuôi lại đi ra tiệm bán gạo mua một ít gạo về. Hai ngày nay, trời không hề nổi một cơn gió. Không gian xung quanh tĩnh lặng vô thường. Ông Hai quay về căn nhà nhỏ, cha mẹ của Huy vì mưu sinh nên phải đi làm, đến chiều tối mới về, trong nhà chỉ có mỗi hai ông cháu thủ thỉ. Đến chiều ngày hôm ấy, ông Hai vẫn còn rất vui, bày đủ trò chơi cùng đứa cháu. Đến độ năm giờ chiều, ông đang ngồi dậy Huy xé những tấm giấy vàng :
_ Con ngồi ở đây chơi, ông ngoại đi làm chút chuyện nghen !
_ Dạ !
Vừa lúc này cũng là lúc phát ra tiếng kêu oai oái của chị Hiền, chắc lại bị chồng đánh. Chị bây giờ đang mang cái bầu khá to rồi, mà gã Duy chưa bao giờ động lòng nghĩ cho đứa con trong bụng của chị tha cho chị một ngày. Hôm nay bà Lý đi đâu rồi, chỉ thấy chị bị chồng đánh lúc bà ấy không có nhà. Hàng xóm nghe tiếng khóc thảm thiết của chị Hiền, kiềm lòng không nổi, xúm nhau đi ra can ngăn cái gã đang say rượu kia. Vừa bước ra ngoài, ai ai cũng thấy chị Hiền ôm cái bụng to lớn chạy nhanh đến mức có thể, phía sau chị là gã chồng vũ phu cầm trên tay nguyên cây chổi, loạng choạng đuổi theo.
_ Con đĩ ! Mày đứng lại cho tao, con đĩ cái !
Vừa đuổi đánh, vừa nói những lời văng tục khó nghe. Hàng xóm không ai ưa nổi cái tên mới hơn ba mươi mà hách dịch kia. Người ta sợ chị chạy, lỡ té thì nguy hiểm cho đứa con nên ùa ra, đàn ông thì giữ chân gã Duy, đàn bà phụ nữ chạy lại dìu chị Hiền vào nhà ngồi. Nhiều người chịu không nổi, buông câu mắng rủa gã Duy té tát. Cả xóm xôn xao, ồn ào hết cả lên thì bấy giờ bà Lý mới cầm cái cần câu với cô cá nhỏ bàng hoàng chạy lên nhìn. Thấy diễn cảnh hiện tại, bà Lý không khó nhận ra rằng con trai bà lại gây chuyện. Bà lại gần Hiền, cô đang ngồi co người bên chị Loan :
_ Hiền! Mày có sao không con, để má dắt bây về !
Cô gái tội nghiệp run rẩy, nép sát vào người chị Loan. Hàng xóm thấy chị như thế liền bất mãn :
_ Thôi thôi, dắt nó về để thằng con bà đánh chết con người ta hả?
Năm sáu người khác đồng thanh :
_ Ờ, dắt về để thằng Duy đánh hay gì ?
Bà Lý nghe ông trong xóm nói vậy, vẻ mặt có chút ái ngại. Chị Loan nhìn bà, nói nhỏ nhẹ :
_ Thôi giờ thím để em Hiền ở đây, con coi cho một lúc. Khi nào thằng Duy tỉnh rượu hả dắt em nó về. Chứ nó khờ, không biết khán cự. Bị đánh tội nghiệp, với lại đang bụng mang dạ chửa nữa mà !
_ Ờ… vậy… thím gửi bây coi … nó giùm thím một chút… thằng Duy tỉnh rồi … thím dắt về !
Chị Loan gật đầu nhẹ. Bên ngoài vẫn là tiếng nói tục sang sảng, vang hết xóm. Bà Lý nhanh chân đi ra, nắm áo con kéo về :
_ Thôi thôi, mẹ lạy mày. Mày về nhà đi cho mẹ nhờ, mày làm loạn cái xóm này lên hết rồi con !
Duy theo mẹ về nhưng vẫn còn góng cổ lên chửi :
_ Con đĩ, mày về đây mày chết với tao !
Bà Lý thấy những con mắt khó chịu của mọi người, xấu hổ vô cùng :
_ Thôi, tao nói mày theo tao về nhà !
Bà Lý kéo con đi về, hàng xóm cũng thôi gây gắt, một ít đi về nhà, một ít qua hỏi thăm chị Hiền.
Buổi chiều hàng xóm xôn xao là thế, mà ông Hai cũng chẳng buồn ra xem chuyện. Đúng là lòng buồn, cảnh vật xung quanh cũng trở nên vô vị. Ông ở trong nhà nấu nồi cháo trắng lớn, bày ra cúng binh sĩ. Ông dọn sạch sẽ cái Tĩnh đã phai màu do nắng mưa. Ông thắp nhang, lẩm bẩm trong miệng cái gì đó rồi lại đứng lên, quay vào nhà xếp gọn những sách thuật, đựng cẩn thận vào cái bọc nilon, đặt vào ngăn tủ. Ông Hai lại quét dọn bàn thờ của vợ. Cùng lúc Huy cũng xé xong mấy giấy vàng, cậu bé tuột xuống bộ đi văng :
_ Con xé xong rồi nè ngoại !
_ Ngoại cảm ơn con, đi ra sau ngoại cho con cái này !
Ông lại bế đứa cháu lên, đi ra sau nhà. Rồi lấy trên mái nhà một mảnh gỗ mỏng. Trên mảnh gỗ là những con vật, nhà cửa, ấm pha trà, ly… những thứ được ông Hai nặn bằng đất sét tự bao giờ đem xuống cho Huy :
_ Trời, bữa nay ông ngoại sao nặn nhiều cái quá dị ?
_ Con chơi đi, tí cha mẹ về rồi ăn cơm. Ông ngoại còn công việc !
_ Dạ !
Huy hí hửng bưng tấm gỗ mỏng có những thứ được nặn khéo léo bằng đất vào tự chơi. Ông Hai Chài lại đi ra Tĩnh, nhang cũng đã cháy gần hết. Dọn hết đồ cúng, ông Hai vẽ năm lá bùa từ giấy của Huy vừa xé. Bỏ cẩn thận năm lá vào năm cái bọc. Chôn xuống năm góc quanh cái Tĩnh.
Để gia đình bình yên, ông Hai Chài trấn những binh sĩ của mình ở lại trong Tĩnh, sau này nếu có một thầy luyện binh khác đủ khả năng, có thể lấy những binh sĩ ấy trở thành binh sĩ cho mình. Có những thầy luyện binh, vì một lý do nào đó không trấn yểm binh sĩ trước lúc chết. Con cháu ba đời cứ sống trong nghèo khó bệnh đau. Cứ đến tuổi nhất định phải vong một mạng , thường sẽ chết rất trẻ. Làm thầy không nghĩ về cái đức, con cháu ba đời hứng chịu hết tai ương. Đau lòng hơn, người thầy ấy sẽ không được chuyển kiếp đầu thai, phải đứng nhìn con cháu gánh lấy nghiệp quả suốt nhiều năm mà không thể làm gì. Kết quả của người luyện binh, một là được Tổ thu nhận hướng cho đi tu, hai là phải chịu làm đầy tớ cho đám âm binh mình đã từng luyện. Ranh giới thành đạo thành ma nó mỏng manh lắm.
Trời chiều muộn yên bình như cõi lòng của ông. Khi con gái và con rể đi làm về. Tất cả thành viên trong căn nhà nhỏ quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Vui vẻ hỏi thăm nhau những chuyện trong ngày một lúc rồi cũng đến giờ buồn ngủ. Ông Hai bế Huy lên giường, cha mẹ của Huy ngủ ở một chiếc giường tre riêng. Nói chuyện một lúc, ông Hai mới nói với đứa cháu :
_ Ông ngoại mệt rồi, ông ngoại ngủ nghen, nếu ngày mai không thấy ông ngoại tỉnh dậy, hãy sờ vào chân ông ngoại, nếu bàn chân ấm, con hãy nhìn lên trán xem có ửng hồng hay không, rồi chạy ra ngoài trời nhìn về núi ông Cấm. Nếu như trên trời hiện ra vệt đỏ hồng. Tức là ông ngoại đã về trời tu. Đừng lo cho ngoại con nghen !
Huy ôm ông ngoại, hôn lên má của ông một cái rồi cũng ngoan ngoãn nhắm mắt.
Cái tuổi vô lo vô nghĩ thì chỉ biết nhớ những gì ông nói, chứ làm sao Huy nhận ra được đó là điềm báo trước khi ông nhắm mắt ra đi.
Khi đứa cháu bắt đầu vào giấc mộng, ông Hai đi ra khỏi mùn, mở trong túi Đãi màu nâu, có thêu hình hoa sen ra chiếc áo sơ mi trắng. Đặt trên góc nằm của Huy, ông lặng lẽ mở khẽ ngăn kéo, lấy áo choàng lam mặc lên người, trở về giường và nhắm mắt. Cậu bé tên Huy, sẽ không nghĩ rằng từ nay, ông ngoại mà mình yêu mến sẽ ngủ mãi mãi.
Trong màn đêm tĩnh mịch, đột nhiên bị phá vỡ bởi tiếng cãi vã phát ra từ hướng nhà của bà Lý :
_ Con đĩ, giờ này mày mới chịu về à? Khôn hồn ra ngoài ngủ cho tao, biến khỏi mắt tao !
Bà Lý lên tiếng :
_ Nè! Nó là vợ mày chứ mày cứ gọi nó bằng đĩ này đĩ kia hàng xóm cười thúi mặt. Rồi mặt mũi tao để đâu, với lại giờ cũng nửa đêm rồi, mày để hàng xóm ngủ với !
Giọng Duy nạt nộ :
_ Ngủ ngủ cái gì, mấy loại nhiều chuyện đó sớm muộn gì xe cũng cán chết thôi à !
_ Ý trời ơi cái miệng mày, mẹ lạy mày, mày nhỏ nhỏ tiếng thôi. Cũng tại mày tệ quá không có con nào ưng. Mẹ mới dắt nó về ở với mày. Nó cũng đẹp, cũng sạch sẽ chứ có phải …
Bà Lý nói chưa hết câu, Duy đã lên giọng quát :
_ Sạch sẽ? Sạch sẽ cái gì, khi không bà dắt một con điên về, còn con gái thì không nói, bà dắt một đứa mất trinh về ngủ với tôi rồi kêu tôi phải gọi nó là vợ hả ?
_ Trời ơi, thì nó… nó dù sao cũng mang thai con của mày. Với lại lúc kêu nó về nhà mẹ đâu nghĩ là nó không còn con gái đâu. Mà không lẽ có như vậy thôi mà bây không thương nó được hay sao ?
_ Không được, tôi kinh tởm những đứa con gái như nó. Những đứa như nó chỉ đáng làm đĩ mà thôi. Mẹ đừng có nói nữa, tôi đi ngủ á, mẹ thương nó thì cho nó ngủ chung đi !
Bà Lý lúc này xót xa, nắm tay chị Hiền trở về buồng của mình. Chị Hiền có bầu nên rất dễ ngủ, nằm một tí đã say giấc. Chỉ có bà Lý, bà nghĩ về câu nói của con rồi một mình rớt nước mắt trong màn đêm lạnh giá. Lúc bà còn con gái, tuổi mười bảy, cũng chỉ vì trao thân cho một thằng khốn nạn. Kết quả sau những lần yêu nhau vượt rào cản ấy bà mang thai Duy. Nhưng từ khi biết tin bà mang thai, hắn ta thì trói bỏ trách nhiệm, bà bị cha mẹ từ mặt, bà bỏ đi biệt xứ. Một mình tự sức sanh con và nuôi nấng Duy suốt mấy mươi năm qua, chưa một lần bà về quê nhà.
Hai chữ ‘Kinh Tởm’ ấy, hơn ba mươi năm trước bà đã từng nghe những người bà tin yêu nói thẳng vào mặt. Nếu như gã Duy kia biết được sự thật, rằng cha của hắn vì sĩ diện mà bỏ mẹ hắn lúc bụng mang dạ chửa chứ không phải là lời bịa đặt suốt hàng chục năm qua, vì ông ta đi đánh trận bị mất mạng nên không còn tồn tại trên đời. Thì hắn có cảm thấy tủi nhục với bản thân hay không.
Suốt mấy mươi năm, vừa làm mẹ vừa làm cha, bù đắp gấp đôi yêu thương cho Duy, và đến tận bây giờ, khi Duy lớn lên, trở thành kẻ hống hách. Mà bà Lý vẫn chưa nhận ra sự yêu thương, bao dung của bà đã làm hư con người của hắn. Suy nghĩ rất lâu, mệt quá bà ngủ thiếp đi.
Còn nữa