Bạn đang đọc: Ầu Ơ Ví Dầu

Chương 16

25/12/2023
 
 

Ngay khi Như Ý vừa mới mơ màng, cô đã gặp vong ngải, giọng của Bạch Ngải cứ vang vang bên tai :

_ Cô cứ thử ra ngoài võng ầu ơ xem !

_ Để làm gì? Ầu ơ gì ?

_ Chẳng phải cô đang mông lung chuyện đó hay sao, ta chỉ muốn giúp cô tự tìm câu trả lời cho bản thân thôi ! ( Vong ngải khẽ nở một nụ cười nham hiểm )

Như Ý nhìn Bạch Ngải :

_ Phải ầu ơ như thế nào ?

_ Giống với điệu ru mà cô đã nghe trong rừng, lúc trên đường đến đây !

Dù chỉ nghe qua điệu ru ấy đôi lần, nhưng Như Ý lại có thể thuộc nó giống như bài ru ấy cô đã rất quen thuộc. Như Ý lờ mờ nhẩm lại lời bài hát rồi ngờ ngợ đi ra võng nằm xuống. Đung đưa võng để muỗi không cắn, Như Ý bắt đầu hát, ngân nga :

_ Ầu ơ…ví dầu, cầu dán đóng đinh… cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi… khó đi mẹ dắt con đi … !

Hát đến đây tự nhiên trái tim của cô gái nhỏ quặn thắt. Yến và Đức nghe tiếng ru quen thuộc kia liền nổi da gà. Cơ thể của hai kẻ phụ bạc ấy lại còn bị trúng ngải từ hôm trước, một vong hồn như Bạch Ngải thừa khả năng điều khiển tâm trí sợ sệt kia. Ở bên ngoài, Như Ý càng hát thì bên trong, hai người càng đổ mồ hôi hột. Cả hai đồng loạt thấy khó thở vô cùng. Nhưng Yến được phần tỉnh táo hơn, bà tự hỏi mình :

_ Không lẽ… bùa của ông thầy khi xưa hết tác dụng rồi ?

Đức và Yến cầm cái đèn dầu theo hướng âm thanh mà đi ra, đôi chân run rẩy đi chầm chậm, giống như giờ đây, hai người đang ở một nơi xa lạ, không phải ở nhà mình nữa.
Đoạn nhìn ra cái võng đang có người đung đưa giữa đêm, cả hai như chết đứng. Bạch Ngải lợi dụng thời cơ làm tuột dây cột tóc của Như Ý, mái tóc đen dài và suôn quẹt xuống đất. Trong màn tối càng tô thêm kinh dị . Đức lấy hết can đảm, lắp bắp hỏi :

_ Như…Như Ý… phải không con ?

Như Ý nghe Đức gọi tên mình liền ngẩng đầu dậy. Trong nhà, đôi mắt của cô như lấy hết nguồn sáng của cái đèn dầu. Đập vào trong mắt của Yến và Đức là đôi mắt đỏ . Cả hai giật thót tim, ngay lập tức quỳ xuống cúi lạy Như Ý nhanh và liên tục như bửa củi.

_ Lụa à, em sống khôn thác thiêng, tha cho anh, anh xin lỗi, xin lỗi, đừng ám anh !

_ Chế ơi, em với Đức thương nhau mới làm chuyện có lỗi với chế, em xin lỗi. Chế đừng về đây, đi đi !

Như Ý thấy hành động và lời nói của hai người kia. Muốn phủ nhận cách sống lỗi lầm của hai người họ cũng không thể nữa. Lòng bàn tay nắm chặt dằn lại cơn giận dữ. Như Ý bỏ đi ra ngoài giữa đêm. Cô đi chân trần, băng băng ra giữa rừng, mặc cho dưới chân gai cỏ đâm và xé da lòng bàn chân. Đến đoạn Như Ý ngước lên trời nhìn thấy ánh trăng vàng. Cô hét lên thật to, như muốn trút bỏ những thứ hỗn độn gửi đến vầng trăng ấy. Sau khi hét thật to, Như Ý cảm thấy chóng mặt, đầu óc quay cuồng, những hình ảnh trước mắt dần mờ ảo. Cô gái nhỏ ngất xỉu ngay giữa rừng. Ở trong nhà, sau một tràn van lạy linh hồn Lụa, đến khi cả hai được một chút bình tĩnh ngước lên nhìn thì không còn thấy ai nằm trên võng nữa. Yến giật mình té ngửa ra sau, run sợ đến mức không còn sức đứng nữa, cố lết càng xa càng tốt cái võng quái dị. Đức lồm cồm bò dậy bật đèn điện, căn nhà chưa được một giây sau đã sáng bưng. Cả hai ngồi với nhau, ôm lấy nhau mà vẫn run lên cầm cập, ngó nhìn khắp nhà, sợ Lụa sẽ trở lại một lần nữa. Gần đến hai giờ sáng thì cả hai đồng loạt gục xuống ngủ. Ở rừng, Ý vẫn bất tỉnh nhân sự, ba giờ mười bảy phút, hoa ngải bắt đầu phát sáng, cái đầu gà trong chậu ngải sau mấy ngày giờ đây cũng bắt đầu thối rữa, lúc nhúc những con dòi trắng nhỏ li ti.
Bụng của Như Ý lúc này lại lạnh, cơn lạnh toát ra âm ỉ từ trong bụng khiến cô cồn cào, từ ngày cô thỉnh Bạch Ngải về đêm nào cũng trải qua cảm giác khó chịu này. Cùng lúc ấy, cả Yến và Đức đều gặp ác mộng, trong mơ Yến lại thấy mình tỉnh giấc, đầu bà đang tựa vào vai của Đức, gương mặt của Đức từ bình thường lại trở nên đỏ bất thường, dần dần những đường gân tím đen từ dưới da nổi rõ lên. Cùng lúc này, Đức cũng mơ thấy mình lạc vào khoảng không vô định, ông cứ bước đi mà không tìm được lối thoát, dưới chân cảm thấy trơn trượt, Đức ngó xuống nhìn, giữa khoảng không âm u nhưng hình ảnh những con dòi bò đầy dưới chân lại đập rõ vào mắt của Đức, kinh hoảng tột độ ông hét lên trong mơ. Bàng hoàng tỉnh giấc mới phát hiện cả ông và Yến đều đang hét lên cùng một lúc. Cả hai nhìn nhau, sắc mặt mệt mỏi thấy rõ, trên người ai cũng đổ mồ hôi nhiều như tắm.

Trời vẫn chưa sáng, đêm nay như bị kéo dài hơn mọi khi vậy. Khi nào màn đêm còn bao trùm không gian thì khi đó cả hai vẫn không thể rời khỏi trạng thái nơm nớp lo sợ.

_ Em nghĩ là Lụa làm, chắc chắn là cô ta đã về sau hơn mười năm bị bùa nhốt !

Đức vẫn không muốn tin nhưng sự việc vừa diễn ra, ông cũng chứng kiến, nếu không phải là ma thì còn gì nữa. Ông vẫn giữ im lặng cho đến khi trời dần sáng. Cả hai mới nhẹ đi sợ hãi. Ý sau khi tỉnh lại liền xuống chợ, tìm mua một con gà trống nhưng lần này cô không còn đủ tiền trả nữa nên người bán không bán cho cô. Đang ở trong chợ hỏi tìm xin việc phụ làm để có tiền thì cô bị một bàn tay nắm lấy cánh tay mình, Ý quay người lại thì mới biết đó là dì Thương. Chưa kịp để Ý phản ứng thì bà Thương đã luôn miệng :

_ Trèn ơi, tới bữa nay mới gặp con, hổm giờ dì cố tình tới đây hai lần rồi, lần nào cũng nán lại một đêm mà có được gặp con đâu !

Như Ý không biết trả lời người phụ nữ trước mặt mình làm sao thì bà ấy đã hỏi dồn :

_ Con đang sống ở đâu? Ăn cơm chưa ? Con đi với dì về thăm mộ của mẹ con không ?

Ý nghe đến hai chữ “thăm mộ” liền muốn đi nhưng cô cũng chợt nhận ra :

_ Con không có tiền đi xe !

_ Không sao, không sao ! Dì trả cho bây, trèn ơi nhìn bây dì nhớ mẹ bây quá !

Ý gác lại chuyện mua gà, e ngại hỏi người phụ nữ :

_ Nhà dì có mộ mẹ con hả ?

_ Có, gần nhà có mộ, còn bàn thờ của mẹ con dì cũng thờ ! Về thăm mẹ không con ? Con đang sống với cha hả, cuộc sống có ổn không? Con có mơ thấy mẹ con không ? Dì khấn mẹ con quá trời nhưng không gặp !

Ý hỏi thì hỏi vậy thôi chứ từ trước cô đã theo dõi dì Thương từ ngải, thông qua quán tưởng cũng biết bà là người lập bàn thờ cho mẹ. Ý bình thản đáp :

_ Con không có cha, từ nhỏ đã sống với một ông cụ tốt bụng !

_ Vậy ông cụ đó đâu, dẫn dì đến gặp, dì thay mặt mẹ con cám ơn ông ấy !

Thương bao năm qua vẫn vậy, vẫn thương Như Ý, không ngừng mong gặp cô, trên bàn thờ của Lụa cũng chưa một ngày thiếu hơi ấm nhang đèn. Trời cũng thương cho người phụ nữ tốt bụng ấy mà ban cho họ một đứa con, dù nó đến muộn nhưng gia đình rất hạnh phúc vui vẻ. Nhìn gương mặt đôn hậu của dì Thương, Như Ý hoàn toàn không có một chút nghi ngại, cô khẽ lắc đầu :

_ Dạ ông ấy mất rồi !

Câu trả lời khiến cho Thương phút chốc sững sờ nhưng cũng rất nhanh chuyển sang hỏi câu khác :

_ Con về thăm mộ của mẹ không ?

Ý nhìn dì Thương :

_ Dạ đi ! Dì đến đây làm gì ?

Dì Thương cười trả lời Ý :

_ Trước là đi chùa, xin Phật Tổ cho gặp lại con, sau là đi lại cái khúc mà thấy con đứng bán thốt nốt coi thử con còn bán không !

Như Ý cảm thấy quen thuộc với tình thương này, là cảm giác thiếu vắng quá lâu.

_ Con cảm ơn dì !

_ Giờ mình vô bến xe về quê luôn không hay con còn bận việc gì không ?

_ Dạ, đi liền !

Thương và Ý dắt tay nhau đi ra bến xe, chờ có xe chạy sẽ về quê. Đức và Yến sau khi bình tĩnh lại được lại phát hiện Như Ý bỏ đi không nói tiếng nào. Nhưng giờ đây, hai còn người vốn dĩ sống ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân. Lặn lội đi tìm thầy hỏi chuyện nhưng không tìm được thầy nào cả. Đất An Giang này chưa bao giờ vắng thầy phép đến vậy.
Đến khi họ dừng chân ngồi uống bên một quán ven đường, một người phụ nữ tóc bạc trắng, gió sương cuộc đời đã làm già nua gương mặt ấy. Bà cầm cọc vé số tiến lại gần hai người họ nhưng không phải để mời mua, mà chỉ lắc đầu, nói những từ không đầu không đuôi :

_ Nghiệp chướng, đúng là nghiệp chướng, gây nghiệp ác giờ là thời để nhận lại cái ác, là Bạch ngải, khó thoát rồi, khó thoát rồi, không ai cứu nổi nữa ! Mô Phật !

Bà bỏ đi, mặc kệ hai gương mặt ngơ ngác nhìn bà. Cả Đức và Yến tự nhiên nghe vậy trong lòng càng lo lắng.

_ Em biết một ông thầy Khmer chuyên trị bùa ngải, nhưng ổng đi rồi, còn một tuần sau mới về. Giờ phải làm sao đây anh ?

_ Em đừng lo lắng, sẽ không sao đâu !

Cả một ngày tìm khắp An Giang, xuống cả Kiêng Giang đi tìm thầy hỏi chuyện nhưng tuyệt nhiên không gặp một người nào. Một ngày trời công cốc, trời càng dần chuyển sang tối, lòng của hai người càng nơm nớp lo sợ. Yến và Đức cùng nhau về nhà vẫn không thấy Ý đâu. Đoán rằng cô lại về nhà thầy ba Huy.
Như Ý về nhà của dì Thương, nhìn di ảnh của mẹ, cô không khỏi buồn bã, thắp cho bà nén nhang mặc dù biết linh hồn của mẹ vốn dĩ không ở đây. Đó cũng chính là điều mà Ý thấy thất vọng nhất. Trong nhà còn có Duy, chồng của dì Thương, và đứa con trai mười một tuổi. So với độ tuổi của dì Thương thì hai vợ chồng dì hiếm muộn. Thương lấy cái lục lạc ngày nhỏ Ý thường chơi cho cô xem, còn có một bộ quần áo dễ thương, Như Ý thông qua hai vật này, biết gần như hết những chuyện trong quá khứ mà bản thân đã quên nhờ tâm linh. Càng tìm sâu về quá khứ, Như Ý càng hận người đáng lẽ là cha ruột, là dì ruột ấy. Như Ý ở lại nhà dì Thương ba ngày hai đêm, tình cảm xưa cũng dần được gợi lại. Nhưng cho dù Thương có nói thế nào con bé cũng không chịu ở lại, điều kiện ở đây vốn tốt hơn nhiều so với ở An Giang, nhưng cô còn thù chưa trả làm sao có thể ở lại đây được. Cũng ba ngày hai đêm qua, cả hai Yến và Đức đều trải qua những ác mộng được lập đi lập lại.

Tiễn Ý ra bến xe, Thương còn nhét vào tay Như Ý một ít tiền. Cùng lời căn dặn :

_ Giữ tiền kỹ nghen con, đi xe nhớ ăn uống nhiều vô, rảnh thì về đây thăm dì với em !

_ Sao dì cho con nhiều dữ vậy, tiền xe đâu có cỡ này, dì cũng đâu có giàu !

_ Thì dì cho con ăn để dành, dì không giàu nhưng dì có thu nhập ổn định !

_ Con cảm ơn dì !

Hai dì cháu ôm nhau tạm biệt. Như Ý lên xe về An Giang.
Khi về đến An Giang, Như Ý liền mua một con gà trống. Hít thật sâu không khí quen thuộc, cầm trên tay con gà trống, Như Ý bị thù hận che lấp đi những khoảng thời gian cô và ông ba Huy ở cùng nhau. Về đến nhà, cả Đức và Yến không có ở đây, thông qua bạch ngải cô cũng biết hai người họ đi đâu. Như Ý chỉ nhoẻn miệng cười, khẽ ngước nhìn vong ngải, nụ cười vừa ngây thơ vừa thâm độc khiến cho Bạch Ngải thích thú.

_ Có trốn đằng trời !

Như Ý cột chân con gà vào một sợi dây gần với chậu ngải. Quay lưng tìm đường vào nhà, cũng rất may, cửa sau ở nhà chỉ là một cái khoá đơn giản, biết cách kéo sẽ mở được cửa. Trong không gian yên tĩnh của rừng, mặt nước dưới kênh còn lười gợn sóng, vang xa tiếng gà bị giết chói tai. Lần này vong ngải ăn luôn cả đầu con gà, chỉ thấy trên hoa trắng lấm lem máu đỏ, xung quanh chậu ngải là xương gà nằm ngổn ngang nham nhở, máu của con gà thứ hai còn bắn phủ lên đầu con gà hôm trước, tạo ra một mùi vừa thúi vừa tanh tưởi, những con dòi trắng bây giờ như hoạt động mạnh mẽ, lúc nhúc từ trong cái đầu gà bò ra càng lúc càng nhiều nhiều con còn dính máu, cảnh tượng hiện tại khiến cho người ta phải tởm lợm. Bạch Ngải cười lên điên dại, điệu cười ấy làm cho những vong ngải khác phải rùng mình nhận ra điều mà Bạch Ngải muốn, chỉ cần qua đêm nay sẽ hoàn thành được một phần ba chặng đường. Chốn rừng thiêng, các vong ngải tụ khắp Thất Sơn khoảnh khắc này đều thu mình vào thân ngải. Duy nhất ở Liên Hoa Sơn, trên một núi cao sừng sững, có một loại cây mọc từ trong đá, vẫn xanh tốt với điều kiện khắc nghiệt, loài cây ấy tỏa ra một mùi hương rất lạ, thơm ngào ngạt nhưng không nồng, chốc lát, một con rắn to đang ngóc đầu trườn rất nhanh từ nơi ẩm thấp đến cây ấy, đôi mắt đỏ ngọc, thở phì phò nhìn về hướng nhà có Minh Ty Ngải đang cư ngụ. Từ bên trong cây ấy, thoát ra một linh hồn to lớn, tu vi cao cường cũng nhìn về một hướng với con rắn :

_ Qua đêm nay thôi, hắn đã đạt một phần ba chặng đường rồi !

Con rắn chỉ phì phò chín lần thở rồi rất nhanh bò đi. Mai Hoa Xà Vương Ngải cũng trở về thân ngải, tĩnh lặng như chưa biết chuyện gì. Con rắn ấy chính là nhân vật luôn được nhắc đến khi kể về An Giang. Thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng Thất Sơn nâng cao tu vi, rất ít khi để người bắt gặp vì bản thân rắn chính là một phần của loại ngải cổ đại, mỗi chuyện về ” ông rắn” nơi này đa phần chỉ qua truyền miệng, nhưng hàng chục năm qua, mọi người vẫn rất tin về sự tồn tại của “ông rắn”. Những đạo sĩ ẩn cư gặp được Mai Hoa Xà Vương, sẽ đem theo những huyền thoại ấy về chân mây, những người du lịch có cơ duyên gặp ông nghỉ ngơi, cũng chỉ gặp được một lần, không tới lần thứ hai. Sự xuất hiện thưa thớt, ngắn ngủi như lá rụng về cội, cũng đủ khẳng định vị trí của mình về nơi rừng núi linh thiêng này.

Máu gà từng lúc một được thấm xuống đất, những con dòi cũng thôi không nhộn nhịp nữa. Đến tận tối, cả Yến và Đức mới về nhà, cả hai trong tình trạng mệt mỏi, họ thấy Như Ý về liền giật mình run sợ, chỉ đến khi cô cất tiếng thì hai người họ mới bỡ ngỡ ra. Tuy Ý có ngoại hình giống mẹ nhưng giọng của cô rất trầm, khác với giọng thanh thoát như gái miền Tây.

_ Hai người đi đâu cả ngày hôm nay vậy ?

Yến chỉ ậm ừ, Đức cũng chỉ trả lời cho qua :

_ Cha với mẹ đi thăm nhà người bạn ! Bữa giờ con đi đâu vậy ?

_ Con về nhà thầy Huy !

Ý chỉ đáp gọn, cả ba vào nhà, Đức bật công tắc điện lên :

_ Con đã ăn gì chưa?

Nhìn vào sắc mặt nhợt nhạt như người bệnh lâu ngày của Đức, trong lòng Ý vui thầm. Từng mảng tối ký ức lại hiện về, Ý càng căm phẫn khi đối mặt với người cùng huyết thống kia.

_ Người cần bồi bổ sức khỏe có lẽ là hai người chứ không phải con !

Nói rồi Ý quay đi trở vào phòng, Đức đứng lại hồi lâu chìm vào câu nói lạ lẫm của con gái. Ông cũng không biết từ bao giờ những nghĩ suy lại trở nên mơ hồ không xác định được ý nghĩa của chúng. Và ông cũng càng không biết được những biểu hiện này cũng chỉ là những biểu hiện ban đầu của những người bị trúng ngải.

Một đêm nữa lại bao trùm lên không gian bao la, hôm nay khác những hôm trước. Ý ngủ rất ngon và không còn lạnh bụng nữa. Trong mơ, cô nhìn thấy bản thân mình ôm trong tay một đứa bé trai, cô còn ầu ơ cho đứa bé ấy như thể nó là con của cô vậy. Cái cảm giác trong mơ là một cảm giác thiết tha ôm trọn đứa bé lạ mặt, chẳng muốn rời. Cũng là trong mơ, nhưng Yến và Đức lại gặp ác mộng, cơn ác mộng được lặp lại, nhưng càng ngày càng kinh dị hơn. Hôm nay, Yến nhìn thấy dưới lớp da mặt của Đức lòi lên bên trong thứ gì đó đang chuyển động, rồi một con, hai con, càng lúc càng xuất hiện nhiều khiến cô sợ hãi mà giật mình. Đức lại thấy bản thân lạc vào khoảng không, dưới chân vẫn là những con dòi bò càng lúc càng nhiều lên cơ thể, Đức càng giãy dụa, càng lấy tay phủi chúng ra thì chúng càng được nước bám vào thân thể nhiều hơn. Càng lúc Đức càng điên cuồng phủi chúng ra khỏi cơ thể, một con dòi bám chặt lấy da tay, nó cắn ông rất đau, Đức tuy tóm được nó nhưng không thể kéo nó ra, càng có tiếng bò lúc nhúc ẩm ướt là càng làm cho ông hoảng loạng. Con dòi ấy chốc lát đã chui được vào bên trong cơ thể, ông đau đớn tột độ rồi hét lên trong mơ. Sự đau đớn khi bị xé da ấy kéo ông về thực tại. Miệng ông không ngừng hít thở như muốn chớp lấy từng ngụm oxi nhiều nhất có thể. Cả người từ đầu xuống cổ đổ mồ hôi lạnh liên tục chảy xuống. Cả đời ông chưa bao giờ trải qua giấc mơ như thế. Nó liên tục lập lại trong nhiều đêm và càng lúc ông càng cảm nhận được thân xác của mình đã bị một thứ gì đó đè nặng. Hai đôi mắt nhìn nhau, không ai nói với ai nhưng cũng hiểu được đối phương đã gặp ác mộng.

Năm giờ sáng, vong ngải hỏi Như Ý :

_ Cô muốn ta giết họ không ?

_ Thế thì nhẹ nhàng quá, phải làm cho hai kẻ ấy ăn không được, ngủ cũng không xong !

_ Chuyện nhỏ thôi !

Ý ngồi dậy, vuốt lại mặt đi ra ngoài vệ sinh cá nhân mới phát hiện nơi vùng ngực bị sưng và đau. Cô mới phát giác ra rằng mình trễ kinh nguyệt một khoảng thời gian rồi. Nhưng điều đó cũng không làm cho Ý quá bận tâm. Ở trước nhà Đức gọi con gái :

_ Ý ơi, cha có mua bún cá lóc, chỗ này còn bỏ ngải bún vô nữa, thơm lắm nè con, ra ăn đi con !

Ý chỉ ‘dạ’ một tiếng rồi từ sau bước lên, tô, đũa, muỗng được dọn sẵn cả. Đức mở bọc bún ra cho vào tô :

_ Ăn đi con, chỗ này bán ngon lắm !

Lần đầu tiên cảm nhận được sự quan tâm của cha, làm Như Ý đơ người, không biết phản ứng sao mới phải. Cô ngồi xuống bàn ăn, nhìn Đức dọn đồ ăn cho mình, cái cảm giác này làm cô cảm động biết bao. Phút này cô lại cảm thấy mình tự tiện bỏ ngải cha thật là hành động nông nổi. Nhưng cô cũng không lo, vì cô là người thả ngải, cũng sẽ biết gỡ ngải. Nhưng cuộc đời nào đâu đơn giản như suy nghĩ của một cô gái tuổi mười sáu. Ngay sau khi ba tô bún được dọn ra, chỉ có Ý là ăn được gần nửa tô, còn Yến và Đức lại ngửi thấy mùi tanh của máu phát ra ở trong tô bún, cái mùi quái dị khiến họ không nuốt trôi được dù chỉ là một đũa. Ý nhìn thấy biểu hiện của họ, thừa biết điều này là do trúng ngải mà ra nhưng cô chỉ biết cúi đầu, ăn xong sẽ giải quyết vấn đề ấy trong âm thầm. Nhìn hai người bỏ ra ngoài ói lấy ói để, Như Ý rất nhanh cũng buồn nôn, cô chạy ra ngoài bờ kênh, ói ra số bún cá vừa ăn, lẫn trong mớ bún ấy có một chút máu đỏ. Như Ý nhìn thấy vậy liền nghi ngờ, một người bước chân vào Huyền Thuật như cô, không khó để nhận ra bản thân đã bị ‘chơi’. Chưa dứt khỏi sự nghi ngờ ấy, trước mắt Như Ý là một vong ma không mặt mũi tiến tới. Rất nhanh, Bạch Ngải rú lên một tiếng, vong ma ấy như xác thịt bị xé nát ra. Nhưng rất nhanh nó cũng hợp lại rồi chạy đi. Vong ngải tiễn nó bằng điệu cười man rợ cảnh cáo.
Ở một nơi vắng, có một người ngồi trong nhà toát cả mồ hôi. Gương mặt không giấu được sự bất ngờ :

_ Rốt cuộc vong ngải ấy là ai mà ta chưa từng gặp qua ?

Phía bên Ý, cô bất ngờ trước những gì vừa mới diễn ra.

_ Tại sao ông không cảnh báo tôi trước ?

_ Hahaha, ta thừa sức bảo vệ cô thì cần gì phải cảnh báo trước? Ta chỉ muốn cô trải nghiệm được sự giả tạo của người mà cô gọi là cha. Chỉ vì muốn chơi cô mới quan tâm cô một chút, vậy mà cô lại tin và động lòng trước sự quan tâm bỉ ổi ấy !

Như Ý như người vừa được lên thiên đàng phút trước, phút sau té xuống địa ngục. Hóa ra họ quan tâm cô cũng chỉ là để chuốc ngải cô mà thôi. Hai người họ sau khi ói xong cũng nhanh chóng lái xe rời khỏi nhà, chiếc xe cà tàng phát ra tiếng máy không êm làm cho Ý chú ý, cô cũng chỉ đưa đôi mắt vô cảm nhìn họ đi khuất rồi hỏi vong ngải :

_ Họ đi đâu ?

_ Đi tìm thầy trừ ngải !

Như Ý ngước lên nhìn vong ngải, trong đôi mắt vừa hé lên tia hoảng sợ đã bị vong ngải dập tắt :

_ Tên thầy đó còn lâu mới đấu được với ta, cô lo gì, ta chỉ cần thêm máu thôi !

Như Ý thở phào nhẹ nhõm, chỉ là máu thôi, cô có thể hiến, nó không phải là vấn đề, với cô, mất ngải ngay lúc này mới là vấn đề. Bạch Ngải đọc thấu lo sợ đó của cô, cũng chỉ mỉm cười nham hiểm, bản thân Như Ý cũng đâu biết rằng, Minh Ty Ngải sẽ không buông tha cho ai nếu như chưa đạt được mục đích.

Yến và Đức đến tìm gặp thầy Oum, cả hai vào nhà, chắp tay với người thầy trẻ tuổi :

_ Thưa thầy, con thấy nó ói ra rồi, vậy… mình thả ngải có được không thầy ?

Thầy Oum lắc đầu :

_ Không được, pháp của nhỏ này không cao, nhưng tại sao lại đồng hành được cùng Bạch Ngải. Chính ta cũng chưa hiểu lí do !

_ Vậy… mình thư nó thêm một lần nữa !

Thầy Oum nhìn bà Yến, nghiêm túc nói :

_ Một cách chơi không thể chơi hai lần !

_ Vậy hết cách rồi hả thầy, tôi nghe nói thầy giỏi lắm… ai dè… !

Oum nhìn Yến, cảm thấy không hài lòng trước lời nói của bà ta, nhưng quả thật đây là lần đầu tiên vong ngải mà Oum nuôi hoảng sợ chạy về. Lần đầu tiên nếm mùi thất bại khiến gã cay cú. Oum quay nhanh lên bàn thờ, bắt ấn rồi niệm trong miệng cái gì đó khó hiểu. Móc mớ tro nhanh trên bàn thờ để vào một túi đỏ. Ánh mắt kiên quyết vô cùng :

_ “Trùng ngải sao? Để tao coi mày mạnh đến đâu” !

Oum nghĩ trong lòng như thế, đưa túi tro cho Yến và dặn hai người :

_ Về nhà, tìm bên trái nhà, gần nơi cái cây bên trái, chỗ đó có một cái hoa nhìn như không lá mọc sát đất, màu trắng, có ba cánh. Rải hết số tro này vào nó, tự khắc nó không thể ám hại ai được nữa. Nhanh lên đi, hai người dính ngải trùng rồi !

Hai người bàng hoàng nhìn nhau rồi nhìn ông thầy trẻ tuổi :

_ Ngải… ngải trùng là… là sao thầy ?

_ Là loại ngải có tu vi cao, chiêu mộ cùng trùng để thư yểm. Nếu không nhanh, các người sẽ bị trùng ăn hết lục phủ ngũ tạng !

_ Trùng nó như thế nào thầy? Thầy nói rõ cho con biết được không ?

_ Đa dạng, ta cũng không biết thứ trùng mà cô gái đó luyện. Nhưng ngải kia cũng chỉ là Bạch ngải, nếu có chiêu mộ trùng cũng không phải là loại độc trùng, hay nhân gian thường gọi là cổ. Nhưng thực sự cả những năm đi giải ngải giải bùa, ta không thấy được loại ngải nào lạ đến như vậy ! Tôi hỏi hai người, ác mộng mà hai người gặp là gì ?

Hai người mỗi người kể một giấc mơ khác nhau, nhưng có điểm chung là điều nhìn thấy con dòi. Rõ nhất là giấc mơ của Đức. Ông luôn bị những con dòi bu quanh. Oum chỉ lắc đầu :

_ Nhanh đi, thời gian của các người không còn nhiều nữa !

Cầm túi tro của thầy Oum mà tay bà Yến run lẩy bẩy. Bà trước giờ vẫn thế, vẫn là người sợ chết. Trả một ít tiền cho thầy Oum, hai người cúi đầu chào tạm biệt rồi đi về. Cái đầu gà hôm nay bị những con dòi ăn gần hết, trơ trọi xương trắng, con nào con nấy cũng lớn lên hơn một chút.
Hai người, một người là cha ruột, một người là dì ruột, từ nhỏ đã không dành cho Ý được tình thương, giờ khi cô lớn lên vẫn muốn hãm hại cô một lần nữa. m thầm gặp thầy Oum, hỏi cách bỏ ngải, giờ lại tìm cách trừ ngải. Cũng không thể trách hai kẻ tham sống sợ chết ấy được, ai trong tình cảnh biết mình bị thư ngải cũng sẽ cầu tìm cách gỡ mà thôi.

 
 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...