Một người con gái, chèo thuyền với điệu bộ hối hả, đến khi thuyền cập bờ, tay luốn cuốn bỏ nhanh mái chèo xuống thuyền, lao nhanh lên bờ cất tiếng gọi vào trong căn nhà ba gian :
_ Anh Đức ơi, có nhà không anh?
Cô ngó vào nhà được tầm vài phút,Đức khó chịu mở cửa bước ra, quần áo xộc xệch. Người con gái đứng hình vài giây khi trông thấy bộ dạng của Đức.
_ Cô Thương đến tìm tôi có chuyện gì ?
Thương ấp úng :
_ Ờ thì chế Lụa khó sanh, bác sĩ đề nghị mổ, mà cái đó cần thêm tiền đóng viện phí đó anh, em trả cho bác sĩ để họ mổ lấy bé rồi, bé gái dễ thương lắm. Mà chế đi sanh như vậy, anh đành lòng để chế vượt cạn một mình sao mà được anh !
_ Chuyện nhà tôi cô lo làm gì? Tôi còn phải kiếm cá kiếm cua mới có tiền cho Lụa sanh đẻ, hai vợ chồng trong đó hết thì nhà ai lo. Cô về đi, chút xíu nữa tôi nói với em vợ, kêu nó vào với chế nó, vậy đi !
Đức trả lời vội vã, thái độ như thể Thương đang rất phiền phức vậy. Thương lắc đầu ngán ngẩm quay đi mà không từ dã. Ngồi trên thuyền, cô nghĩ về số phận của Lụa mà thở dài thương thay.
Lụa sanh con, đặt tên cho con là Như Ý, mong cho cuộc đời của đứa nhỏ sau này mọi chuyện sẽ được như cái tên. Hai mẹ con ở trong bệnh viện không một người thân kề bên. Ở nhà, sau khi Đức bước vào, ngồi xuống cạnh một người con gái, giọng nhẹ nhàng :
_ Em vô bệnh viện xem coi chế em ra sao rồi, chừng nào ổn, bác sĩ cho về thì anh ra đón hai chị em !
Yến nhìn anh rể, gật đầu rồi quay đi chuẩn bị đi bệnh viện. Thấy em gái bước vào phòng, Lụa mừng rỡ :
_ Đi đường có mệt không Yến, lại đây xem cháu em nè !
_ Em không mệt !
Yến tiến tới nhìn cháu gái, mỉm cười :
_ Trèn ơi, con bé dễ thương thật, về thì cha nó cưng chắc chết !
_ Hihi, anh nhà khoái con trai, nhưng mà con cái là duyên trời ban, có là vui lắm rồi ! Mà sao chế không thấy chồng chế tới ?
Lụa lóng ngóng ra cửa, cô đang rất mong chồng vào viện, Yến thấy chế mình như vậy, chỉ nở một nụ cười nhạt rồi nói :
_ Anh Đức phải đi kiếm thêm vài con cá con cua để có tiền lo cho hai mẹ con, nên không có thời gian tới đây !
Trên đôi mắt của Giàu hiện lên nét buồn sâu thẳm nhưng cô cũng vẽ lên một nụ cười gượng gạo ;
_ Ờ, chế quên, giờ thì chi phí nặng hơn trước rồi !
_ Em cũng không thể ở đây suốt cả ngày đêm được !
_ Ừ chế hiểu mà, chế tự lo liệu được, em yên tâm !
Kể từ ngày hôm mổ bé Ý trôi qua đã bảy ngày, hôm nay bác sĩ cho cô về. Suốt bảy ngày qua cô chỉ nhận được sự hỏi thăm chăm sóc từ tay em gái, còn chồng thì đến tận bây giờ vẫn chưa thấy mặt mũi đâu. Đến trưa Đức mới vào bệnh viện, dọn đồ đi về :
_ Sao bây giờ anh mới tới thăm em với con ?
Đức thở dài :
_ Kinh tế trong nhà bây giờ một mình anh gánh vác, có thêm con nữa, em cũng phải hiểu cho anh chứ !
Lụa im lặng, cúi đầu ấm ức, trên đôi mắt ứ đọng nước trực trào, chỉ cần nghe thêm một lời đau lòng nào nữa là sẽ rơi. Mọi người ở đây ai cũng có người thân, chồng ra vào chăm sóc, còn cô suốt bảy ngày nằm viện thì không, cô cảm thấy tủi thân lắm. Lụa chùm khăn kỹ lưỡng rồi bế con về nhà cùng chồng. Về đến nhà thì cũng sống trong cảnh ghẻ lạnh của chồng, anh luôn bận việc từ sáng sớm cho đến khi trời tối muộn. Em gái tuy sống cùng với mình nhưng cũng bận rộn, cô em chỉ kịp làm chút đồ ăn để lại cho chị gái tự lo liệu. Hai chị em mất cha mẹ từ nhỏ, có bao nhiêu tâm sự, Lụa đều kể cho Yến nghe, em gái cũng chịu khó ngồi nghe rồi gật đầu. Đối với em gái, Lụa hoàn toàn tin tưởng, cô cũng yêu chồng, nhưng chuyện phụ nữ thì nhiều khi cũng khó lòng kể cho đàn ông nghe, huống hồ, từ lúc mang thai, chồng bắt đầu lạnh nhạt với cô.
Cuộc sống trong căn nhà nhỏ tuy thiếu vắng tình thương của chồng, nhưng Lụa vẫn còn có con gái, trong xóm làng, một vài người vì thương chị, thấy chị ở nhà nuôi con, lo cơm nước, lại còn đang mới sanh con chưa được bao lâu nên điều mà họ thấy, điều mà làm họ nghi ngờ, họ cũng giấu nhẹm đi, xem như không thấy gì. Nhưng cũng có một số người, mỗi lần qua thăm hai mẹ con hoặc thấy chị bồng con ra ngoài một lúc liền tranh thủ kể lại những gì họ đã nghi ngờ :
_ Lụa nè, chị thương mày nên chị mới nói. Thằng chồng mày với con em mày nó cứ sao sao á, người ta mà không biết cứ tưởng hai đứa nó mới là vợ chồng á nghen !
_ Chị nghĩ sao chớ con Yến với chồng em không có gì đâu !
_ Nghĩ gì là nghĩ gì, không phải một mình tao nghĩ vậy đâu, hàng xóm cũng thấy y chang tao thôi hà, mà thôi, con Ý giờ càng nhìn càng thấy cưng quá he, hai cái má sữa thấy ghét gì đâu, càng nhìn càng thấy đẹp gái giống mẹ !
_ Hihi, em cảm ơn chị !
_ Thôi tao về, tranh thủ cơm nước cho ông chồng, mày nấu cơm chiều chưa ?
_ Dạ em nấu rồi, để tối hai anh em về rồi hâm nóng lại ăn thôi à !
_ Ừ, thằng Đức nó có phước lắm mới lấy được mày, thôi chị về, ở đây nhiều chuyện một hồi không có cơm ăn !
_ Dạ !
Lụa nhìn theo bóng lưng của người hàng xóm đi xa khuất sau hàng dừa nước rồi lẳng lặng bồng con vào nhà, nhìn con nằm chơi ngoan ngoãn, tay cầm cái lục lạc, đôi mắt nhỏ long lanh nhìn chằm chằm vào món đồ chơi bởi vì màu sắc của nó. Lụa thấy con gái rất đáng yêu. Cho dù nghĩ cái gì đi nữa thì cô cũng không dám tin giữa chồng mình và em gái có chuyện gì đó đi xa quá giới hạn. Họ đều là người thân của cô. Lụa thở dài :
_ Có khi đồn qua đồn lại chuyện nó sai sự thật cũng không chừng !
Cho dù Lụa có cố chối bỏ như thế nào đi nữa thì lời hàng xóm nói về chồng và em gái cứ quanh đi quẩn lại trong đầu chẳng chịu buông tha cho cô. Cho đến khi trời đã về chiều muộn, thấy Yến với Đức đang đi về từ xa, Lụa bắt đầu hâm nóng đồ ăn.
Yến vào nhà, rửa tay rồi dọn chén, bữa cơm hôm nay có cá kèo kho với canh bầu. Lụa gắp con cá kèo đưa vào chén của em gái :
_ Nè, em ăn đi, con này bự nhất luôn đó !
Yến nhìn con cá kèo trong chén, rồi thấy một khúc hành ngắn dính trên con cá :
_ Trời ơi, em có ăn được hành đâu mà chế bỏ hành !
Thấy Yến cau mày, khó chịu vì cọng hành, Lụa vội vã gắp bỏ :
_ Ờ chế xin lỗi, dạo này chế không hiểu sao hay quên quá !
_ Có cái chuyện con Yến không ăn được hành mà em cũng quên là sao? Ăn rồi ở không, có cái chuyện bỏ hành bỏ sả cũng quên !
Lụa cúi đầu, nuốt cục nước bọt nặng chịt :
_ Ờ, ừm, em … !
Yến vẫn điệu bộ khó chịu :
_ Ăn hết vô luôn rồi !
Yến đập mạnh đôi đũa xuống bàn chuẩn bị đứng lên thì Đức nắm tay kéo lại :
_ Thôi, lỡ rồi bỏ cọng hành ra ăn cũng được có sao đâu, đi làm cả ngày về không ăn sức đâu chịu nổi !
Lụa ngậm ngùi, lặng nhìn hai người họ, một đũa cơm đưa vào miệng mà sao khó nuốt quá.
_ Thôi, em đi nướng vài con khô, hành hôi chết đi được !
Đức xoay qua nhìn Lụa :
_ Đi nướng vài con khô cho con Yến ăn kìa, đi làm về nuôi cô chứ nuôi ai mà có cái chuyện cơm nước thôi cũng không xong !
_ Tại bữa nay con khóc quấy quá, em dỗ con nên lu bu rồi quên, lỡ bỏ hành … !
_ Tại cô tệ chứ đổi thừa đứa nhỏ cái gì, cô tưởng thế giới này mình cô làm mẹ chắc, đi nướng khô nhanh đi !
_ Dạ !
Lụa đứng lên đi ra bếp lấy mấy con khô phi, ngồi xuống bếp củi còn chút than đỏ vừa nướng vừa chực khóc, giọt nước mắt chưa kịp rơi cô đã vội quẹt đi nhanh. Vừa cầm đũa trở mặt cá vừa nhìn lên bàn ăn, thấy chồng gắp cá cho em gái mà tay của Lụa run đến nỗi rớt luôn vào lò củi. Cô mím môi, nhắm chặt mắt :
_ Không có gì đâu, chỉ là chuyện bình thường thôi, bình thường mà thôi !
Dù cô đã cố ngăn hai dòng lệ chảy xuống nhưng không thành. Cái cảm giác được chồng quan tâm như thế đã mất từ bao giờ. Cô chợt nhận ra chồng của mình quan tâm em vợ hơn cả vợ. Đoạn cô đem dĩa khô nhỏ lên bàn, rõ ràng là khi nãy em gái nói không ăn được hành, đòi đi nướng khô để ăn cơm, vậy mà sau khi cô nướng khô xong quay lại thì Yến đã ăn được nửa chén, cái màu đỏ nâu dính trên cơm trắng nói cho cô biết Yến đã ăn cá kho. Lụa còn chưa kịp ngồi xuống, Đức đã đưa tay lấy dĩa khô để trước mặt Yến :
_ Nè, có khô rồi nè, ráng ăn đi rồi mai còn đi làm nữa !
Lời nói của người hàng xóm lại luẩn quẩn trong đầu của Lụa, cô bắt đầu nghi ngờ chồng và em gái có gian tình, nhưng rất nhanh một luồng suy nghĩ khác đối lập với suy nghĩ ấy hiện lên trấn an trái tim nhỏ bé :
_ Không đúng đâu, mình mới là vợ của Đức, mình với Đức mới thật sự là tình cảm, anh ấy chỉ là quan tâm em gái của mình một chút thôi !
Phút chốc, Lụa không nuốt nổi cơm. Con bé ở trong mùn lúc này lại khóc lớn, Lụa buông vội chén cơm chạy vào với con. Hai người ngồi ở lại vẫn bình thản ngồi ăn. Sau một lúc Lụa bế Như Ý ra ngoài :
_ Không biết mần sao mà hôm nay con nhỏ khó chịu quá, em bồng đi sang nhà con Thương chơi một chút rồi về !
Rồi cô quay sang em gái :
_ Tí ăn xong rửa chén giùm chế nghen !
_ Được rồi, tí ăn xong rồi rửa !
Lụa bồng con rời đi, đi qua một mảnh ruộng lớn mới tới được nhà của Thương. Bóng dáng của Lụa nhỏ dần, mờ ảo rồi khuất sau hàng dừa nước, con đường đất quen thuộc đã in dấu chân của cô nhiều năm. Trời đêm ở vùng quê không có gì sôi động, chỉ có tiếng gió xào xạc ở hàng dừa nước và ánh trăng vàng chảy dài dưới mặt nước đang lăn tăn gợn sóng. Đoạn đến nhà của Thương, thấy Lụa đi vào, Thương không khỏi ngạc nhiên :
_ Sao chế bồng con bé sang em giờ này vậy ?
_ Nó không chịu ngủ em ơi, không biết trong người nó có khó chịu chổ nào không nữa !
_ Ủa vậy hả, bé Ý sang đây dì bồng một chút coi !
Lụa mỉm cười, đưa con cho Thương.
_ Trèn ơi, giống y chang mẹ vậy nè, nữa mà lớn đầy người theo đuổi à !
Lụa cười gượng, ấp úng một lúc lâu mới hỏi Thương :
_ Thương nè, em có thương chế không ?
_ Tui coi bà như chị em trong nhà của tui dị á, sao hỏi gì kì vậy bà nội ?
_ Ờ… ừm vậy chế hỏi em, em phải trả lời thật lòng nha !
_ Chỗ chị em có gì thì chế nói thẳng ra đi, vòng vo làm gì ?
_ Chuyện… chuyện mà chồng chế với con Yến …em thấy nó sao ?
Lụa hỏi một cách ngập ngừng chậm rãi vừa đưa đôi mắt lên nhìn như thể đang muốn dò xét Thương vậy. Thương nghe Lụa hỏi vậy, có chút giật mình, cô đưa đôi mắt xuống nhìn bé Ý :
” Nếu mình nói ra sự thật thì con bé chắc phải thiếu cha hoặc thiếu mẹ, còn nhỏ quá mà chịu cảnh như vậy làm sao đành ”
Nghĩ rồi cô trả lời Lụa :
_ Ý trời ơi, chế nghe mấy bà hàng xóm đồn ra đồn vô phải không? Em thấy chuyện không phải vậy đâu, chế đừng bận tâm mấy lời đó làm gì, lo dưỡng sức nuôi con Như Ý thì tốt hơn !
Lụa gật gật :
_ Ừ, chế tin em, chế cũng không dám nghĩ giữa con Yến với anh Đức có cái gì, vì họ đều là người trong nhà !
Thương nhìn Lụa đang cúi đầu lo sợ cái chuyện người ta hay đồn, cô đặt tay mình lên tay Lụa an ủi :
_ Chế đừng suy nghĩ nhiều, giờ chăm sóc tốt cho con Ý, em tin là mai mốt nó lớn, nó sẽ thương chế, báo hiếu cho chế mà, còn về chuyện hài người đó thật tình thì mấy người kia đồn ác thế thôi !
_ Ừ, chế tin em, thôi con nhỏ nín khóc thì chế bồng về cho nó ngủ, có gì thì mai chế lại qua !
_ Dạ !
Lụa bồng con đi về, nghe lời của Thương mà cô cũng cảm thấy bớt bất an. Dù sao vẫn còn một người có cùng suy nghĩ với cô. Còn Thương, cô nhìn bóng lưng của Lụa đi dần ra ngoài, cô nhắm mắt thở dài ” Hi vọng lời nói này có thể cứu vãn được thứ tình cảm trái ngang ấy “.
Nhờ chơi thân với nhau, nên Lụa tin tưởng Thương rất nhiều, hai người thường xuyên quan tâm nhau như thể hai chị em trong nhà vậy. Chính vì thế, mặc cho bao nhiêu người đồn đoán những lời không tốt giữa chồng và em gái thì chỉ cần Thương nói ngược lại thì cô hoàn toàn để những lời ấy ngoài tai. Cứ vậy mà Lụa sống trong sự giả tạo suốt bốn năm. Như Ý bây giờ đã bốn tuổi, càng lớn Như Ý càng có nét giống với mẹ. Đức vốn dĩ thích con trai mà Lụa lại sanh con gái, thêm phần đứa nhỏ không có chỗ nào giống anh, nên Đức không mấy dành thời gian nhiều cho con gái, hôm ấy sau khi thấy cha đi từ ruộng về vác thêm cái lưới cá, Như Ý chạy ra đón cha :
_ Cha về, cha về !
_ Coi chừng té đó, vô nhà đi con !
Đứa nhỏ lăn tăn chạy sau cha, Đức đặt cái lưới cá xuống :
_ Em coi mần cá nghe Lụa, anh đi tắm rồi đi nhậu với anh em một chút !
Lụa ở trong hàng khoai mì nói vọng vào :
_ Dạ, anh để đó đi, em vô liền nè !
Tiếng bé Ý ngây thơ :
_ Cha ơi !
Vừa gọi, đứa nhỏ vừa chạy tới muốn ôm cha.
_ Đi ra, người cha nước mặn không à, dơ lắm !
Đứa nhỏ đứng sững lại, ngước đôi mắt long lanh nhìn cha nó nhưng mà Đức chẳng mấy để tâm. Anh với lấy vội cái quần sọt phơi trên sào đi vào cầu tắm. Lụa bê rổ khoai mì mới đào vào nhà, đặt một góc rồi gỡ cá khỏi lưới chuẩn bị mần cá. Ý thấy mẹ ngồi làm cũng ngồi kế bên nhìn.
Tiếng dao đánh vào vảy rồi lại chặt bụp bụp xuống cái tấm thớt, càng chặt thì đứa nhỏ lùi càng xa. Lụa nhìn con như vậy, không nhịn nổi cười :
_ Lên võng nằm đi con, mẹ làm cá ở đây tanh lắm !
Như Ý nhìn ra ngoài trời :
_ Chưa tới giờ ngủ mà mẹ !
_ Thì mẹ kêu con đưa võng chứ có kêu con ngủ đâu ! Đi đi con !
_ Dạ !
Nhìn theo bước chân của con leo lên võng nằm rồi Lụa mới tiếp tục mần cá. Đức tắm xong đi ra ngoài, đếm lấy một ít tiền đặt vào túi rồi rời đi.
_ Cha !
Đức quay đầu lại nhìn con gái :
_ Kêu cha cái gì con?
_ Con thèm tôm lắm rồi, mai mốt cha rảnh bắt cho con ăn đi !
Lụa nghe con nói vậy, nhanh miệng nói :
_ Ý, đừng có đòi cha con, cha phải bán tôm mới có tiền mua gạo về ăn cơm chứ !
Đức đặt tay lên đầu con gái :
_ Được rồi, hôm nào cha bắt cho, tự chơi đi, cha đi công chuyện !
_ Hihi, dạ, cha hứa rồi đó nghe !
_ Ừ !
Đức về nhà được một lúc lại rời đi. Từ ngày em gái ra ngoài ở cũng đã hai năm, tình cảm gia đình dần êm ấm, số người đồn thổi về chuyện giữa cô và chồng cũng ít đi. Một mình Lụa làm cả lưới cá đến tận tối mới xong. Một số ướp muối sả để mai chiên, số còn lại cô xẻ thịt róc xương ra làm khô, để phòng những lúc tôm tép thất thường, kinh tế không đủ để chi tiêu. Lụa rửa nốt rổ khoai mì, một phần cho khoai sạch đất, một phần để bớt mùi tanh của cá. Xong cô mới quay vào với con gái :
_ Ủa, nãy giờ nằm im re, mẹ tưởng ngủ rồi chớ !
_ Mẹ chưa hát làm sao con ngủ được !
_ Ờ, nhắm mắt lại đi !
__ Ầu ơ ví dầu, cầu dán đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi …__
Tiếng ru của Lụa đưa con gái vào giấc ngủ suốt bốn năm liền, hát mỗi đêm đến nỗi bé Ý thuộc lòng luôn lời, còn bắt chước ngân nga y chang mẹ. Ấy vậy mà con bé không biết chán, mỗi lần bận tiếp đám trong xóm. Ý ngủ mà không có Lụa ru, thường đứa nhỏ sẽ thức rất khuya, rồi cho tới khi mòn mỏi mới ngủ.
Khi con say giấc rồi, Lụa lại bồng con lên giường. Đức nhậu rất khuya mới về, hoặc có khi đến tận tờ mờ sáng. Nhưng Lụa cũng không ý kiến, vì sợ mất hòa khí gia đình. Tình cảm vợ chồng hiện tại đang tốt nên cô không muốn xảy ra mâu thuẫn, hai vợ chồng còn tính sang năm kiếm thêm đứa nữa, Đức vẫn mong Lụa sẽ sinh cho anh một đứa con trai.
Một đêm yên tĩnh trôi qua lặng lẽ, hơn ba giờ sáng Lụa thức giấc vì tiếng động, nhóm đầu dậy, cô thấy chồng chuẩn bị đi đổ lú, tay cầm theo cái xô đi ra ngoài. Thấy trời còn chưa sáng, Lụa ngủ thêm một lần nữa. Sáng hôm ấy, cô đón ghe hàng mua bịch bột năng, bịch bột gạo và trứng cút. Khi con gái thức dậy đã thấy mẹ ngồi xoe bột :
_ Cho con chơi dí !
_ Thức rồi hả, đi rửa mặt đi con, rồi lại đây !
Lụa vừa phải xoe bột vừa canh nồi cua với mấy con tôm luộc.
_ Mẹ nấu bánh canh cua phải không mẹ ?
_ Giỏi ta, biết mẹ nấu bánh canh luôn !
_ Con cái gì mà không biết, con còn biết thương mẹ nữa !
_ Nịnh quá đi cô, bây giờ tui nuôi là mai mốt phải nuôi lại tui nghen !
_ Dạ !
Hai mẹ con ngồi xoe bột cùng nhau.
_ Cua chín chưa để anh lột cho !
_ Anh coi giùm em đi, nãy giờ cũng lâu rồi á !
Đức đem nồi cua xuống, tách thịt cua :
_ Nè, thèm đúng không, hôm nay ăn đã luôn !
Đức đưa cái càng cua đã bóc vỏ cho con gái.
_ Cảm ơn cha !
Đoạn nấu xong nồi canh cua, Lụa múc ra một tô nóng hổi :
_ Hai cha con ăn trước đi, em qua nhà con Thương cho nó miếng canh !
_ Ừ, đi đi, anh đợi !
Hôm đó gia đình nhỏ ăn canh cua, vừa ăn xong được một lúc thì Đức lại đi. Hai mẹ con sang nhà dì Thương chơi.
_ Cấp này con Yến làm gì rồi chế ?
_ Nó đi làm công nhân ở công ty á, nghe đâu mới đổi công ty. Không biết sao nữa, nhỏ không chịu ở yên một chỗ, cứ lâu lâu là đổi công ty à, mà chế hỏi thì nó trả lời cho xong thì thôi ! Nhắc nó mới nhớ, để mai chế lên thăm nó, cũng lâu rồi không đi !
_ Xa không chế, lấy cái xe đạp của em đi kìa !
_ Ừ, chế cảm ơn, nó ở chỗ cũ, mai chắc gửi con Ý cho em coi nó một bữa quá !
_ Kệ, đi đi, đâu phải lần đầu gửi nó cho em đâu !
Chiều mát hai mẹ con đi về, Lụa để con gái tự chơi. Ra sau đào ít khoai mì rồi rửa sạch. Như đã dự tính, sau khi lo buổi cơm sáng, Đức đi ra ngoài, Lụa gửi con cho Thương trông, mượn chiếc xe đạp của cô rồi đem khoai và khô đến thăm em gái. Đoạn đến cái nhà mà em gái thuê, thấy cửa nhà đóng nên Lụa nghĩ em gái đã đi làm. Cô định quay xe về thì nhìn xuống cái rổ xe có đựng bọc khoai và khô ở trong đó.
_ Thôi, lỡ đem tới rồi giờ mang về nữa mắc công !
Lụa đi vào, ngồi ở cái ghế trước nhà, cô định ngồi đợi đến chiều, em gái đi làm về rồi hỏi thăm nó ít câu. Ngồi suốt hai tiếng, cứ tưởng căn nhà không người im lặng mà giờ từ trong đó lại vọng ra một giọng nói khá quen thuộc :
_ Anh về nghe cục cưng, mai mốt rảnh anh lại ghé !
_ Anh về sớm vậy ?
_ Về còn công việc ruộng láng em ơi !
_ Dạ, vậy anh về đi !
_ Cua anh để ở xô đó, làm ăn hết đi, vài bữa anh lại bắt đem qua, thôi anh về !
Tay chân Lụa run rẩy, quay sang nhìn chăm chăm vào cánh cửa kia. Nó được mở ra và người bước ra ngoài lại chính là chồng cô và em gái. Phút chốc cô đứng hình không nói được gì. Yến vẫn không hay biết có sự xuất hiện của chế, khi Đức ra cửa vẫn còn bịnh rịnh :
_ Sắp xếp tới với em nữa á, ngủ một mình cô đơn lắm !
Đức nhéo má của Yến :
_ Ừ, anh biết rồi !
_ y da đau… CHẾ ?
Phút chốc mặt của Yến tái xanh vì nhìn thấy người đang nhìn mình. Đức rất nhanh cũng thế. Lụa buông bọc khoai xuống, đi tới nhìn em gái, tát cho Yến một cái trời giáng :
_ Đồ vô liêm sỉ !
Rất nhanh, Đức cũng tát cho Lụa một cái :
_ Cô làm cái trò gì vậy ?
Lụa ăn cái tát từ chồng, tay ôm má :
_ Anh còn hỏi tôi làm cái trò gì ? Tôi mới là người hỏi anh, anh với nó đang làm cái trò gì mới đúng !
_ Phải, giống như mày nghĩ đó, tao với Yến thật ra đã yêu nhau từ lúc mày sanh con Ý kia kìa. Đồ đàn bà không biết đẻ con !
_ Mày là thằng khốn nạn. Cả mày với nó, đứa khốn nạn, đứa đê tiện !
_ Nếu bà đã biết vậy rồi thì bà li dị anh Đức đi, cho tôi với anh đến với nhau. Trong tình cảm, ai được thương nhiều hơn thì người đó thắng, hiểu không ?
_ Tạo không nghĩ mày lại đối xử với tao như vậy, đồ trơ trẽn !
_ Sao ? Trơ trẽn hả? Ừ, tui vậy đó rồi sao? Bà làm gì được tui, chỉ trách bà không sanh được cho anh ấy con trai, lại còn không biết cách chiều chuộng, nên tui phải làm vợ thay !
_ Được rồi, hai người cứ ở đó mà làm trò hèn hạ ấy đi, tôi với con đi !
_ Được vậy thì tốt !
Lụa quay đi, không một lần nhìn lại, bọc khoai và khô bỏ lại ngổn ngang, cô đạp xe thật nhanh, phía sau cô là đôi gian tình vốn dĩ không xem cô là người thân từ lâu.
Đoạn đạp xe về tới nhà của Thương :
_ Cho chế trả xe, chế cảm ơn em nghe !
Như Ý thấy mẹ, liền gọi :
_ Mẹ !!!
_ Sao về sớm vậy chế, bộ không ở lại nói chuyện với con Yến sao ?
_ Không, nó bận rồi, thôi chế về ! Về thôi Ý !
Lấy trên xe cái bọc đen rồi nắm tay con gái đi về. Nhìn theo dáng đi của Lụa, Thương cau mày :
_ Cái bà này, sao hôm nay lạ vậy cà ?
Đoạn Lụa về đến nhà, mở trong bọc đen ra, nhìn thứ đựng trong bọc, Lụa nuốt nước bọt nhìn con gái :
_ Như Ý, con thương mẹ không ?
Đứa nhỏ bốn tuổi hồn nhiên trả lời :
_ Dạ có, thương mẹ nhất trên đời !
_ Mẹ đi đâu con cũng sẽ đi theo đúng không ?
_ Dạ, mẹ tính đi đâu vậy ?
_ Cuộc đời mẹ khổ quá rồi, mẹ muốn giải thoát, con đi cùng mẹ có được không ?
_ Dạ đi !
Lụa quay sang lấy một ly nước lớn, đổ trong bọc màu đen ra một thứ bột màu trắng xám. Nước tiếp xúc với chất ấy nổi bọt giống như nước mới vừa sôi. Lụa cầm uống gần hết một ly rồi nhìn con gái :
_ Mẹ uống nước gì vậy ?
Lụa run rẩy đưa ly nước cho con gái, Như Ý hồn nhiên nhận lấy ly nước mẹ nó đưa. Đoạn con bé sắp uống thứ nước ấy vào bụng, lý trí làm mẹ buộc cô phải giật lại ly nước ấy. Ly nước đổ xuống đất, bốc khói lên. Rất nhanh Lụa cũng cảm thấy nóng hết ruột gan. Cô gượng xé một miếng giấy lịch. Trên lịch là ngày hôm nay. Đôi tay run rẩy cầm cây bút bi viết những dòng trên giấy :
” Mẹ xin lỗi con vì hành động sai lầm của mẹ, mong con lớn lên hãy cảm thông cho mẹ. Cuộc đời của bé Ý chế xin gửi lại cho em, xuống suối vàng chế ngàn lần đội ơn em, kiếp sau chị sẽ trả, chị không đủ can đảm để con bé đi cùng ”
Ruột gan trong bụng nóng như thiêu đốt, Lụa chớp lấy tờ lịch rồi quỵ xuống. Con gái chạy lại bên cô :
_ Mẹ bị đau chỗ nào hả mẹ ?
Lụa thở gấp nhìn con, cố gắng nói câu không trọn vẹn :
_ Đưa cho dì Thương…!
Hình ảnh con gái trước mặt bỗng mờ ảo. Lụa ngã xuống, thân thể giật lên liên hồi. Cô biết được giờ này hối hận thì cũng đã muộn rồi. Hai dòng nước mắt chảy xuống lạnh lẽo.
Rất nhanh bọt trắng từ trong họng trào ra. Bé Ý ngồi xuống đặt tay lên mặt mẹ, gương mặt của cô vừa đỏ lại vừa nóng :
_ Mẹ, mẹ ơi, mẹ, mẹ ơi !
Sau một lúc gọi mẹ không hồi đáp, Ý vô thức cầm lấy tờ giấy lịch, men theo bờ ruộng, bước chân nhỏ đi trên con đường quen thuộc nhưng lần này không còn đi cùng mẹ nữa. Đôi chân ấy hồn nhiên, định hướng nhà dì Thương của nó, đi qua mảnh ruộng rộng ba mươi công lớn, đưa cho dì Thương tờ giấy lịch.