Phần 1 – “Quán ăn đó tên là “YUI”.
Nó nằm ở cuối đường Kamimuzaka – là nơi các khu dân cư đang dần thay thế những con phố nhộn nhịp, sự yên tĩnh dần thay thế sự ồn ào của con đường chính. Những ngôi nhà xung quanh quán ăn đó là những ngôi nhà gỗ ba tầng kiểu phương Tây với nhiều phong cách khác nhau.
Trên cột cổng bằng đá có gắn một cái đèn hình bán cầu ở trên cùng là một bảng trắng nhỏ có thể được coi như bảng hiệu. Dưới cái tên “YUI” ngay ngắn là một dòng chữ được viết ngay ngắn cẩn thận hơn nữa: “MÓN ĂN ĐẶC BIỆT”.
Từ bên ngoài nhìn vào có thể thấy đây là một quán ăn rất giản dị không màu mè nhưng thực ra nó là một quán ăn rất nổi tiếng, thậm chí có thể nói, ở khắp Nhật Bản không tìm được quán ăn nào có món ăn phong phú như ở đó” – Sakitani, người giới thiệu YUI với tôi nói.
Tôi và Sakitani quen nhau vào tháng 4 năm nay.
Nơi tôi làm việc, Phòng nghiên cứu, Học viện Văn học thuộc đại học R vào tháng 4 vừa tổ chức một buổi liên hoan chào đón sinh viên mới. Sau buổi chào đón, chúng tôi đi đến một bia club gần trường chơi. Tại đây chúng tôi đã ăn những con hà, một loại sinh vật biển thường hay sống bám vào gành đá hoặc đáy tàu thuyền.
Có lẽ do những con hà này quấn quýt đính dính lấy nhau thành một cục nhìn như những tảng đá xù xì, được đặt trong một cái chậu mang đến chỗ chúng tôi, nhìn có vẻ kì lạ và hơi dị dạng nên cho dù là sinh viên đại học hay nghiên cứu sinh, nói chung những người ngồi cùng với tôi đều tránh xa loại thực phẩm này. Chỉ có một mình tôi, vui vẻ nhấc đũa lên ăn ngon lành.
Nói thật không sợ bị chê cười, trước đây tôi chưa từng ăn con hà này. Lần đầu tiên tôi nếm thử món này, nó thơm nhẹ nhẹ mùi hương của biển, mùi vị giống như thịt cua, theo cảm nhận của tôi thì đây cũng được coi như một loại thức ăn ngon.
Sakitani ở bàn bên cạnh nhìn thấy bộ dạng thưởng thức của tôi thì lập tức nhận ra mình gặp được tri kỷ.
“Xem ra cậu cũng là người thích thưởng thức những loại món ăn kì quái.”
Anh ta đột nhiên buông một câu. Anh ta khoảng 50 tuổi, là một người đàn ông có thân hình to lớn. Tuy bây giờ đã là mùa xuân nhưng trên tay anh ta vẫn mang một cặp găng tay đen.
“Cậu có biết nhà hàng YUI ở Kamashi không? Dù thế nào cậu cũng phải đến đó một lần, chắc cậu sẽ hài lòng. Nhà hàng thường không chấp nhận khách hàng mới đâu, nhưng chỉ cần nói do tôi giới thiệu thì không thành vấn đề. Cho cậu một tấm danh thiếp của tôi, để tôi vẽ cho cậu một cái bản đồ chỉ đường tới đó nhé.”
Liếc nhìn tấm danh thiếp anh ta đưa, tôi thấy ngoài tên Sakitani ra, ở góc bên phải chỉ đơn giản in mấy chữ Tiến sĩ y khoa.
Nghe anh ta nói tôi cảm thấy rất đáng ngờ, nhưng vừa nhìn nụ cười hòa nhã trên gương mặt phúc hậu của anh ta tôi lại thấy anh ta hình như không phải nói đùa. Nói thế nào đi nữa, không hẹn mà gặp được người có cùng sở thích ở nơi như thế này cũng coi như có duyên.
Một tháng sau buổi gặp ngày hôm đó, vào một ngày tháng 5, tôi và Kana – vợ tôi có việc đi đến khu Shinmusaka, tôi vô tình nhìn thấy một bảng quán ăn có tên YUI. Tôi không ngăn được ngạc nhiên kêu lên: “A, hóa ra là ở đây.”
Tôi không hiểu sao đứng lại, móc ví tiền trong túi áo ra, tấm danh thiếp một tháng trước Sakitani đưa cho tôi chắc là vẫn còn bên trong.
Tôi đối chiếu với bản đồ được vẽ đơn giản trên tấm danh thiếp, không sai, đây chính là quán ăn anh ta nhắc đến.
“Chúng ta vào xem sao đi.”
Tôi không giấu được kích động nói với Kana: “Đây là một nhà hàng rất nổi tiếng đấy, anh đã muốn đến đây từ lâu rồi.”
Tôi kết hôn với Kana đến mùa hè năm nay là được hai năm. Kana hai mươi sáu tuổi, nhỏ hơn tôi 6 tuổi.
Tôi là trợ lý trong phòng nghiên cứu Khoa Triết học thuộc Học viện Văn học của Đại học R. Nói khó nghe một chút, công việc này có thể gọi là “trợ lý cứu trợ” – một vị trí tạm thời dành cho những vị “tiến sĩ rảnh rỗi” không tìm được công việc khác. Tôi đã cố gắng tìm một chiếc ghế giảng viên toàn thời gian, nhưng tiếc là đến bây giờ vẫn không thấy có hy vọng gì.
May mắn Kana là con gái của một gia đình khá giả, bố mẹ cô ấy bỏ tiền mở cho cô ấy một salon tóc. Chút tiền lương ít ỏi từ công việc trợ lý trong trường đại học không đủ dùng, bởi vậy kinh tế gia đình đều phải dựa vào vợ tôi. Bây giờ chúng tôi chưa có con, trước mắt cũng chưa có dự định sinh em bé.
“YUI?”
Kana đọc cái tên trên biển hiệu, hơi lo lắng nghiêng đầu suy nghĩ.
“Là nhà hàng gì vậy? Bên dưới còn viết “MÓN ĂN ĐẶC BIỆT”, là sao? Ở đây bán món Pháp hay món Ý?”
“Nghe nói là chuyên bán những thực phẩm kì lạ, cái gọi là “món ăn đặc biệt” là ý này đó.”
“Thực phẩm kì lạ? Ví dụ như thứ gì?”
“Anh cũng là lần đầu đến mà, cũng không biết rõ nữa, có điều nếu phải lấy ví dụ à… Ừ, chắc là như món ăn của người Trung Quốc, kiểu những thực phẩm kì lạ như thịt rắn hay đông trùng hạ thảo gì đó.”
Kana ngạc nhiên đến trợn tròn cả mắt.
“Cho dù là món ăn Pháp chẳng phải cũng có món súp não, món Úc có thịt chuột túi đó sao?”
“Súp não? Thịt chuột túi?”
Kana lắc đầu nguầy nguậy.
“Trời ạ, những thứ đó cũng có thể ăn vào bụng sao?”
“Không thể nói như vậy mà.”
“Ăn những thứ đó thì không phải là “ăn uống lập dị” thì là gì?” Kana lộ rõ vẻ kinh tởm.
Điều này là đương nhiên, từ ngày quen biết cô ấy đến giờ, tôi chưa bao giờ cho cô ấy biết mình có sở thích ăn những món ăn kì lạ.
“Nếu như anh nói anh thích ăn những món ăn cổ quái kỳ lạ, em có ngạc nhiên không?” Tôi nhìn thẳng vào mắt Kana, dùng giọng điệu vừa dịu dàng vừa khẩn thiết nói với cô ấy. Xem ra, đây chính là thời cơ thích hợp để dẫn dụ cô ấy.
“Để đánh giá bất cứ việc gì vật gì trước tiên cần bỏ qua những định kiến nhàm chán trước đây. Lấy “thức ăn” làm ví dụ, em đang có cái nhìn rất phiến diện và thiếu tính khách quan, việc này rất không ổn.”
“Anh hỏi em, có phải em không hề phản đối việc ăn bạch tuộc và mực sao? Em cũng thích ăn hải sâm với nghêu nữa. Không chỉ vậy, em còn thường ăn cá sống với đậu tương lên men natto. Thói quen ăn uống này của em, dưới con mắt của nông dân người Mỹ người Đức thì họ không thể tưởng tượng nổi, họ gọi đó là thói quen ăn uống kì lạ đó.”
“Ừm, anh nói không phải không có lý… Nhưng mà em ghét thịt rắn, ghét súp não, còn món chim sẻ nướng nữa chữ, nhìn chúng thật kinh dị, em không sao cầm đũa được.”
“Thật đáng buồn, em vẫn bị mắc kẹt trong định kiến thường thấy của mọi người.”
Tôi cố ý hạ giọng thở dài, sau đó nói: “Hành vi “ăn” này, vốn dĩ là bản năng của động vật để sinh tồn. Nhưng quá trình phát triển lâu dài của lịch sử đã đề cao hành vi này thành một loại văn hóa. Văn hóa ăn uống này dần dần trở thành “khuôn thước” của xã hội, sau đó biến thành quy tắc cứng ngắc. Mỗi người chúng ta lúc nào cũng bị bó hẹp trong những quy tắc vô hình này. Nhưng em biết đấy, những sáng tạo nghệ thuật vĩ đại nổi tiếng thế giới đều là do vượt qua được những quy tắc đó. Ăn uống cũng như thế.”
“Điều này, điều này…”
Nhìn vẻ mặt cứng ngắc của Kana dần dịu xuống, tôi hài lòng gật gật đầu.
Kana là một đại mỹ nữ, salon tóc cô ấy điều hành cũng rất nổi tiếng. Nhưng nói thật, năng lực phân tích của cô ấy hơi kém, đặc biệt là đối với triết học, văn hóa, nghệ thuật này nọ thì gần như là không hiểu gì, còn về mặt này thì tôi là vô địch rồi. Bởi vậy cho dù là ở trong trường hợp đặc biệt thế này, chỉ cần tôi giở trò “học thuật” ra giải thích, cô ấy liền nửa hiểu nửa không mà chấp nhận.
“Bởi vậy…”
Tôi lại càng làm bộ làm tịch nói: “Bởi vậy, cái gọi là “ăn uống lập dị” thực ra là một hình thức nghệ thuật thực sự mà chúng ta có thể đạt được dưới áp lực của xã hội này. Em có hiểu không Kana?”
“Ưm… ừm…”
“Một đất nước hiện đại như Nhật Bản, giàu có và đầy ắp thức ăn ở khắp mọi nơi. Do đó, không giống như tình trạng người dân ở các nước nghèo bị ép ăn những thứ mà người bình thường không ăn vì đói và lạnh, chúng ta đang theo đuổi bản chất thực sự của nghệ thuật, chúng ta cố ý ăn những thứ không phù hợp với lẽ thường và thể chế.”
“Ừm… vì nghệ thuật”
“Đúng vậy đó. Họa sĩ và nhà điêu khắc nói về thị giác, nhạc sĩ nói về thính giác, và mỗi nghệ thuật đều có những nghệ sĩ tiên phong đi đầu. Cùng đạo lý đó, trong lĩnh vực vị giác, chúng ta không phải nên đi đầu sao? Thế giới của mùi vị đang ở trước mắt, thời gian không chờ đợi ai, chúng ta phải chiếm lĩnh đỉnh cao của lĩnh vực hương vị này càng sớm càng tốt…”
Tôi ba hoa chích chòe một hồi, không ngờ Kana lại cẩn thận lắng nghe và nhìn thẳng vào tôi một cách cẩn thận như thế.
Bởi vậy, Kana, anh nghĩ em nên thử thưởng thức một chút về nghệ thuật “ăn uống kì dị” chính thống. Sao nào? Đương nhiên, nếu em thực sự cảm thấy ghê tởm thì không cần phải miễn cưỡng.”
Cô ấy gật gật đầu, nắm lấy cánh tay tôi, không do dự nói: “Anh nói đúng, chúng ta nên làm những người tiên phong trong lĩnh vực vị giác. Chúng ta mau vào thôi.”
Vậy là, chúng tôi hiên ngang bước vào cửa nhà hàng “YUI”.
2.
Tôi nói với Kana một tràng những lý do nên trở thành một người có thói quen ăn uống kì dị vậy thôi, thực ra, nói cho cùng đây chỉ là một mong muốn hết sức thông thường.
Một câu: Tôi muốn ăn.
Đương nhiên, mọi việc đều có nguyên do.
Mọi chuyện bắt đầu từ hồi tôi còn là sinh viên.
Khi đó tôi thuê một căn phòng sống một mình trong khu chung cư giá rẻ cho sinh viên. Do gia đình gửi phí sinh hoạt rất ít, điều kiện kinh tế quá kém nên tôi đành tự nấu ăn. Tôi phải hạn chế hết mức số tiền tiêu vào mặt ăn uống, số tiền tiết kiệm được còn phải để mua giáo trình. Lúc đó, tôi là một trong số những sinh viên nghèo hiếm thấy trong lớp.
Cứ vài ngày một lần tôi lại đến “Tổ chức tương trợ sinh hoạt”của trường đại học mua thức ăn, sau đó về nấu nướng. Bây giờ nghĩ lại, đó thực sự là cuộc sống ăn uống vô cùng thiếu thốn.
Có một ngày, tôi còn nhớ là vào mùa hè năm thứ hai, tôi nấu cơm cà ri để ăn tối. Nói là “nấu” chứ thực ra đã nấu xong mấy ngày trước rồi. Tôi thường nấu một nồi cơm cà ri to rồi chia ra làm mấy lần ăn, mỗi lần trước khi ăn chỉ cần lấy phần ăn đã phân sẵn ra hâm lại là được.
Trong căn phòng tranh tối tranh sáng, tôi vừa đọc sách vừa ăn cơm cà ri. Mục đích của việc ăn chỉ là để lấp cho no bụng, tôi máy móc xúc từng muỗng cơm to cho vô miệng, nhưng khi ăn được vài miếng…
Rột rột! Đột nhiên phát hiện ra vừa nhai phải thứ gì hơi lạ, lập tức, một thứ mùi vị thơm ngon truyền trong miệng. Tôi không hề để ý, tiếp tục nhau nuốt.
Đến khi tầm mắt dời khỏi trang sách di chuyển xuống chén cơm đang ăn dở tôi mới phát hiện trong chén cơm cà ri của tôi có cái gì đó bất thương. Nhìn kỹ lại, có vài cái râu đen đen dính vào thứ gì đó màu đen sẫm. Ồ, là chân và nửa thân mình của một con gián.
Tôi cuối cùng cũng hiểu ra nguyên nhân của tiếng rột rột trong miệng mình.
Hóa ra, có một con gián bò vài trong nồi cơm cà ri. Từ hình dáng, trạng thái mà màu sắc có thể thấy, đây là một con gián đen đã trưởng thành. Lúc nãy không chú ý, tôi đã lấy thìa xúc một nửa thân con gián bỏ vô miệng rồi.
Không thể tin được, tôi không giống như những người bình thường khác nếu phát hiện ăn phải thứ gì ghê tởm thì sẽ tìm cách móc họng hoặc uống nhiều nước cho ói ra. Tuy không thể nói là tôi không hề sốc, nhưng não tôi đã nhận định rất khách quan rằng: Tôi vừa ăn GIÁN.
Hơn nữa, sau khi bắt đầu tiếp nhận việc này, tôi đã rất nhanh từ bất ngờ chuyển sang trạng thái “cảm kích”.
Tôi cẩn thận cầm muỗng lên, múc nửa còn lại của con gián và cơm cà ri, rồi đưa vào miệng. Tôi nhắm mắt và nhai thật chậm.
Lại rột rột một tiếng, tôi biết thân thể con gián đang bị tôi nhai trúng, một thứ vị hơi hơi đắng trộn lẫn với vị cơm cà ri, tôi vội vàng nuốt xuống bụng. Cảm giác ghê ghê không phải không có, nhưng nếu so ra, tôi lại cảm thấy mãn nguyện nhiều hơn. Món ăn mình tự làm từ trước đến nay chưa bao giờ “ngon” như lần này.
Từ đó về sau…
Cuộc sống ăn uống đơn điệu và nhàm chán đã thay đổi.
Tôi không chỉ ăn gián mà còn dần dần thưởng thức tất cả các thứ mà người bình thường không dám ăn: Từ ốc sên, châu chấu, chuồn chuồn, cóc, nòng nọc đến nhện, giun đất, chuột… Suy nghĩ về ăn uống của tôi cũng thay đổi, tôi thử món mới không phải đơn thuần chỉ vì “ngon” nữa. Tôi thậm chí còn ăn kèm chúng với đủ loại kem đánh răng.
Đến khi mùa hè năm đó kết thúc, đối với tôi mà nói, lỗ hổng giữa “ngon” và “dở” dường như đã được san bằng.
Ví dụ, tôi bắt gặp một con tắc kè trong hành lang chung cư, tôi đã nấu nó với nước tương để ăn. Ở giai đoạn đó, điều quan trọng không còn là hương vị, mà là “Tôi vừa ăn con tắc kè”.
Cảm giác sống trọn vẹn đó lấp đầy trái tim đói khát của tôi.
— Còn tiếp —