Bạn đang đọc: U Minh Lộ

Chương 2

25/12/2023
 
 

U Minh Lộ
________
Chương 2
________
Ngày tết thường ở đây, người ta mua dừa chất đầy trước thôn. Mỗi nhà góp một ít, đến khi xe chở dừa đến đổ về thì chia nhau ra. Dừa già thì lấy nước, cạo cơm nấu nồi thịt kho tàu, dừa non thì để lên mâm ngũ quả cầu sung túc. Vậy nên nhà nào cũng đặt ít thì hai trái, nhiều thì bốn, năm trái là thường. Riêng nhà tôi thì chỉ đặt một trái để bày mâm cúng, vì nhà tôi có gốc ở miền Bắc, tết đến thì có nồi thịt đông, giò thủ, cũng chẳng mấy khi nấu thịt kho tàu.

Hầu như nhà tôi lúc nào cũng làm dư ra, để đến đêm 29 cùng người trong làng nấu bánh chưng thì mang biếu. Mọi người cũng biếu lại thịt kho, dây bánh tét, có người còn cho cả gà. Riêng chúng tôi thì đi xin giấy báo khắp nơi, lén lấy hộp diêm, đến chỗ trại lính năn nỉ cho vài viên đạn hỏng về làm pháo. Diêm với thuốc súng gom lại trộn vào nhau, cuốn với giấy báo thành từng đoạn nhỏ xíu, đứa thì gọi là pháo tép, đứa thì gọi là pháo chuột. Nghe tên thì nhỏ, mà nổ thì rộn rã cả làng.

Ông Út như đã nói có ba người con, nhưng chú út của tôi thì chỉ lớn hơn tôi ba tuổi, nên lúc chú lớn và cô đi lính thì chú út mới học lớp nhất, còn tôi là lớp tứ tiểu học. Vì thế nên khi chú đi xin, thì người ta còn rút sẵn thuốc súng cho mang về, lần nào cũng một bọc to bằng nắm tay. Người lớn thấy bọn nhỏ chơi mấy thứ nguy hiểm thì cũng lo lắm, nhưng năm nào chúng nó cũng chơi vậy chẳng việc gì, nên cứ sau ba bốn câu mắng thì lại thôi.

Năm ấy chú út xin được nhiều thuốc súng, làm tận mấy chục dây pháo vẫn còn hơn một ngón tay thuốc súng. Chú định làm thêm nhưng cái Mén, là con nhỏ tôi không ưa mấy lại xúi cả bọn đóng thành một cục pháo lớn, treo ra ngoài sông nổ cho cá ngoi lên. Bọn tôi cũng nhao nhao lên hỏi làm vậy để chi, nó bảo rằng đem bán mua hoa mai về trưng trong làng, vì nó lên tỉnh thấy nhà nào cũng mua mai vàng cả, đẹp lắm. Vậy là quyết ý nó, chúng tôi hì hục làm pháo, bọc ngoài lớp đất sét cho khô rồi bện nùi rơm làm dây đốt mang ra sông.

Con Mén chọn chỗ có cái hang, trong đó cá lóc cá trê đang nằm dưới. Nó cắm cục pháo xuống, cho trồi mỗi đầu ngọn lên, còn chú út thì đứng từ xa, cầm nùi rơm bén lửa đã châm vào. Được một chốc, tiếng nổ vang lên điếc tai, cái hang bị đánh tung ra, nước văng tung tóe, còn lũ cá thì lật ngửa trồi lên kín một góc, phơi bụng dưới ánh trăng sáng rực trên bầu trời. Chú út trông thấy vậy liền chạy ra bắt, cả đám cũng ùa theo hốt về.

Đang rôm rả thì chợt con Mén tái xanh mặt mày, nó lắp bắp chỉ vào chỗ chú út đang đứng mà run run nói.

“Cái… cái tay… cái tay…”

Nó nói chưa hết câu thì nước mắt nước mũi đã tèm nhem, nó ngất luôn tại chỗ. Bọn tôi đứa đỡ nó, đứa nhìn chỗ nó chỉ, lần này thì cả bọn ù té chạy. Chỗ chân chú út tôi chìm trong nước, có cái tay trắng bệch, sáng loang loáng dưới nước đang khua khua tìm thứ gì đó.

Chú út tôi cũng thấy nên vọt chạy, nhưng cái tay ấy nắm được chân chú, nó kéo chú lại làm chú la cứu inh ỏi.

“Cứu tao!!! Cứu tao!!! Bé Quắn! Cứu tao!!!”

Nhưng tôi không dám chạy đến, cứ đứng nhìn chú bị lôi lại xuống sông mà thét lên kinh sợ. Chú út bị lôi xuống dưới, thấy bọt khí nổi lên, nghe mấy tiếng ộc ộc như sắp chết. Lúc đó có mấy người chạy đến, thì ra trong đám còn có đứa tỉnh táo, nó chạy ù về chỗ mọi người nấu bánh chưng kêu cứu, người lớn liền chạy tới ngay. Họ nhảy xuống sông, tìm một lúc thì trông thấy chú nên kéo lên. May sao chú vẫn còn thở, người ta khiêng chú trên vai, dốc ngược đầu mà chạy. Chú nôn hết nước sông ra ngoài, đỡ mệt liền khóc dữ dội.

Người lớn mắng bọn tôi ra sông chơi để suýt chút nữa bị chết đuối, bọn tôi kể lại cho họ nghe. Ban đầu thì chẳng ai tin, cứ nghĩ bọn tôi nói láo, cho đến khi phía sông có tiếng ì oạp như ai đó đang bơi, mọi người nhìn ra thì đều nín thở như sợ thứ đó nghe thấy.

Giữa con sông lúc ấy, dưới ánh trăng sáng rực là một cái đầu rùa cùng mai to khủng khiếp đang trồi lên hụp xuống. Cái miệng nó mở ra, để lộ cái lưỡi như cánh tay người, đang khua khua tức giận. Họ nhìn vào chân chú tôi, rõ ràng lúc đầu còn chưa thấy gì, bây giờ đã hiện đỏ 5 vết như tay người bấu chặt.

Ngày ấy chuyện kì lạ của bác Ba Phi được mọi người truyền tai nhau mà trở nên nổi tiếng. Không ai biết chắc Ba Phi là người thật hay không, nhưng những câu chuyện về loài vật kỳ dị sống nơi ấy, hầu như là từ rừng U Minh. Vậy mà ở ngay vùng thôn quê, núi có sông có đấy, nhưng lại gần tỉnh, đông đúc người qua lại, những thứ ấy chẳng ai dám tin là có thật.

Bà tôi lúc nghe chuyện chú út liền qua nhà thăm. Vừa vào nhà bà đã khóc mà chạy ra ngoài, ai hỏi thì cũng bảo chú út phen này khó qua khỏi, vì yêu vật nó đã nắm được hồn, cứ vậy dần dần nó hút hết dương khí, người bị nó bắt cứ vậy ốm dần mà chết không cách nào cứu được. Mọi người cho là bà nói gở, tìm cách nói khéo đưa bà về nhà. Nhưng bà nhất quyết không về nhà, mà lại đến mộ hai người kia ngày đêm khấn vái, chỉ nghỉ một lúc để ăn uống và ngủ, còn lại thì không lúc nào rời cái nghĩa trang kia.

Còn về phần chú út thì đúng như bà nói, vài hôm sau chú út lên cơn sốt cao, người cứ suy kiệt dần, uống bao nhiêu thuốc không khỏi được. Đến cả lên bệnh viện Saint Paul có bác sĩ Tây cũng chịu không chữa trị được, nói người nhà mang chú về lo hậu sự. Chú tôi lúc ấy nói không ra hơi, đến thở cũng thoi thóp đến nỗi người ta phải đặt tấm gương trước mũi, chờ lúc không còn thấy hơi đọng lại thì biết là mất. Tội nghiệp nhất lúc ấy là ông Út, vì chú là hy vọng của cả đời ông, nhà hai con trai nay đã mất một, mất người nữa thì không nơi hương hỏa. Ông cứ thẫn thờ đi ra đi vào như người mất hồn, còn bà Út thì cứ ngồi bên giường con mà gào khóc.

“Con ơi con hỡi. Chín tháng mười ngày mẹ mang nặng đẻ đau. Cha cho con máu, mẹ cho con thịt, mà sao con nỡ bỏ cha mẹ con ơi…”

Bà cứ khóc suốt, cho đến lúc người ta thấy trên mặt gương không còn hơi nước thì kéo bà ra, mang chăn vào cuốn người chú. Họ nói lúc ấy bà Út gãy cả bốn ngón tay vì nhất quyết không buông giường chú ra, đến mức khi ngón tay gãy thì họ mới tách hai mẹ con ra được. Lúc người ta cuốn chú út vào trong chăn, chuẩn bị cuốn đầu thì bà tôi từ đâu chạy vào, trên người quần áo rách tả tơi vì ở nghĩa trang lâu ngày không về. Trên tay bà cầm theo nhánh cây dâu đã khô, nhưng lá thì còn tươi mới. Bà chạy vào chỗ chú, bất thần dùng roi dâu ấy quất thật mạnh vào người chú đến mức máu tuôn ra. Bà cứ quất liên hồi như trút giận làm người ta bất nhẫn, đến cả ông Út cũng lao vào định gây gổ với chị dâu thì bất ngờ, chú út ho lên một tiếng.

Người ta thấy chú tỉnh lại, định chạy vào đỡ thì bà tôi gạt tất cả ra, dùng roi dâu tiếp tục đánh vào người. Lần này thì không ai cản, vì ông Út dường như hiểu bà tôi đang muốn cứu chú, xua tay cho mọi người lui ra. Bà tôi quất roi một lúc thì chú ngồi dậy, nôn ra cục gì đó đen thui như búi tóc. Từ trong búi tóc ấy mọc ra bốn cái tay người, nó quờ quạng một lúc rồi chạy biến ra ngoài, không ai nhìn thấy nữa.

Còn bà tôi thì bẻ đoạn roi dâu, nói mọi người nấu nồi nước sôi. Nước chuẩn bị xong, bà cứ để nồi nước đang sôi ùng ục trên bếp, thả đoạn roi dâu kia vào cùng với một quả trứng gà còn sống. Người ta nghe thấy trong nồi có tiếng thét thất thanh như ai đó giãy giụa, được một lúc thì im bặt. Mọi người đến xem, thấy trong nồi đoạn roi dâu đã hóa thành màu trắng, còn quả trứng gà bên ngoài trông bình thường, lúc bóc ra lại xen lẫn màu đỏ như máu và màu đen như than. Bà tôi chẳng nói chẳng rằng ăn luôn quả trứng ấy rồi ra về. Mấy ngày sau, chú út tôi khỏi bệnh, lại khỏe mạnh như trước đây mà không ai hiểu nổi lý do là gì.
___________
Thời ấy, cái thú tò mò nhất của lũ con nít là được xem phim. Thỉnh thoảng từ trên tỉnh, có mấy đội thiện tâm đến thôn quê, mang theo cát-xét máy chiếu, phát miễn phí cho mọi người. Điện thì chỗ có chỗ không, nên hầu như những buổi chiếu phim ấy đều được chiếu ở nhà công vụ ấp, nơi điện đóm ít khi chập chờn. Phông chiếu thì dùng luôn tường nhà công vụ, vì vậy thường thì cả nhà màu vàng, lại có mảng tường lớn màu trắng là vì thế. Tôi nhớ thi thoảng ngoài bìa rừng có tiếng súng nổ, quân lực quốc gia vào càn bên trong, việc ấy diễn ra thường xuyên đến mức dân làng quen dần. Nhưng cứ đúng buổi chiếu phim, dân làng tụ tập đông đủ thì chẳng có người lính nào, thậm chí dù có thì cũng chẳng cầm súng kè kè bên mình. Trong rừng cũng im ắng như vậy, có lẽ nghệ thuật là thứ gì đó vượt qua cả khoảng cách tư tưởng. Lúc này chỉ có tinh thần đê mê, khối óc tận hưởng, chuyện chiến trận cứ xa vời như chưa từng có.

Bộ phim lúc ấy được chiếu nhiều nhất là Cuốn theo chiều gió, hồi nhỏ tôi cũng chẳng nhớ nổi nhân vật, thuyết minh thì quá nhanh không nghe kịp, chỉ đoán bừa là cô nọ cưới ông kia rồi đi ngoại tình, xen lẫn là những khung cảnh thanh bình đẹp như tranh vẽ. Thế mà cũng nói chuyện với nhau rôm rả, vì cũng có đứa nào hiểu chuyện gì đâu, cứ thấy phim là thích cái đã. Nhưng tôi vẫn nhớ rõ, người hiểu phim ấy nhất là con gái của ông Hai, cô Xẩm Tới.

Nhà ông Hai tôi có 6 người, hai vợ chồng và 4 người con, 3 trai 1 gái. Cô Xẩm là con gái thứ nhì, sau có 2 người em, trước có anh đầu là bác Hên. Nghe nói do lúc đầu nhà còn nghèo khó, ông Hai chỉ muốn nuôi bác Hên cho chững chững rồi mới kiếm đứa thứ hai. Vậy mà bác Hên mới được 6 tháng thì bà Hai đã mang bầu, vì cả hai lỡ thích nghe xẩm, lúc có đoàn về bồng luôn bác Hên ra xem, lúc về chộn rộn lại rúc rích rồi mang bầu. Lúc đẻ cô Xẩm ra, ông Hai thấy con gái xinh xắn thì cười khà khà, đặt luôn cái tên gọi ở nhà là Xẩm để kỷ niệm, còn gán thêm cái tên Tới để ngầm nói rằng nghe xẩm thì tới bến luôn. Chỉ có bà Hai là mỗi khi ai hỏi vì sao đặt tên con gái là vậy thì bà lại đỏ mặt không trả lời.

Cô Xẩm càng lớn thì càng đẹp, nhưng thể trạng yếu ớt nên bác Hai không cho ra đồng, cứ đi học xong thì về nhà nấu cơm chăm em, do vậy khác với thôn nữ nơi đây đen cục mịch, cô Xẩm lại trắng như trứng gà bóc. Lúc lớn cô có đi thi nhưng không đậu, cô tiếc lắm vì ham học, nhưng sức học có hạn nên đành về nhà học nghề may vá, dự định thành nghề thì lên Sài Gòn kiếm việc.

Mà cô Xẩm học may không phải là áo bà ba hay khăn đóng, mà cô học may kiểu thiết kế thời trang. Ở nhà cô lúc nào cũng có mấy thời báo La Mode của Pháp, hay là cuốn Catalog của Mỹ. Cô cũng khéo tay lắm, nhìn vào mường tượng là thử may, lúc xong không giống thì cũng suýt soát một chín một mười. Cô thử gửi vài bản thiết kế lên tỉnh cho mấy nhà mốt xem, họ gửi thơ phúc đáp rất thích tài năng của cô, nhưng đường may của cô chưa tới, nên luyện thêm rồi họ sẽ nhận. Tuy là bị từ chối, nhưng lời thơ cho thấy họ cũng có phần tiếc, nên cô Xẩm lại chăm học may vá hơn lúc trước.

Tôi nhớ lúc ấy là độ vào đông, thời tiết ở đây sáng thì man mát, đôi lúc nóng bức khó chịu. Nhưng đêm đến thì rét cắt da cắt thịt, chăn độn thêm bông, nhét cả lá khô vào vẫn không chịu nổi. Vì vậy cô Xẩm mua len từ tỉnh về để đan cho cả nhà mấy khăn quàng. Người đầu tiên có là ông Hai, ngày nào ông cũng quấn khăn mà khoe khắp thôn. Bà Hai thì có cái khăn thứ hai, làm ai cũng mê mẩn. Tất nhiên là họ tôi thấy vậy cũng đến xin cô đan cho, nên cô ngày nào cũng quấn len rồi đan đan móc móc chẳng khi nào ngơi tay. Tôi là đứa cháu gái được cô thương nhất, nên tôi là người thứ ba có khăn. Đến bác Hên có khăn xong thì móc gỗ của cô Xẩm bị gãy, phải nhờ người ta lúc đi lên tỉnh mua hộ cho một cặp. Người này bận bịu nên lúc về mới nhớ ra, cô Xẩm thấy thời gian trôi nhanh nên ngày nọ đi vào rừng để nhặt mấy cành thuôn đem về làm móc cho kịp. Bà tôi sau này khi kể lại chuyện xưa, có nói cũng có khi nhờ cô Xẩm vào rừng ngày ấy mà nhà tôi có phước phần hơn mấy nhà khác.

 
 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...