Bạn đang đọc: U Minh Lộ

Chương 1

25/12/2023
 

U Minh Lộ
________
Chương 1
________
Nhà tôi dựng ở gò đất cao nhất trong làng, từ trên nhìn xuống, cảm tưởng như ai cũng nhỏ đi vài phần. Lúc đầu khi ông tôi nhờ người đến cắm cọc, đã có thầy nói rằng nơi này âm khí vất vưởng, gieo quẻ thí họa thì có tro cốt người chết, tốt nhất nên kiếm nơi nào để ở. Ông tôi cũng nghe theo thầy, đi kiếm quanh làng có vài mảnh đất ở ven sông, dự định đến đấy an cư lập nghiệp. Trước khi ông tôi đến, đã có vài nhà được dựng lên, nhưng ngày ấy nước lũ kéo về, nhà còn phước thì bị ngập trôi sạch gia sản, nhà tận phúc thì người vật bị cuốn theo nước lũ không tìm thấy xác. Nhìn đi nhìn lại, không có nơi nào để ở, ông tôi đành trái ý thầy, dựng nhà lên đấy mà ở.

Trên gò đất kia, ông tôi dựng bốn căn nhà, vì sau ông còn tới ba anh chị em nữa. Mỗi người chia ra một góc mà ở, về sau thấy cách xa không thân thiết, liền dựng thêm đường có mái lợp tranh dẫn qua nhau, giữa đường chung có căn chòi đặt bàn nước, từ trên nhìn xuống, bốn nhà tạo thành chữ “Vạn”, cốt là để tạo Phật ký, từ đó tránh ma quỷ nhiễu nhương. Nhưng người ta cho rằng Phật ký thì phải nên để nơi thờ tự cúng kiếng, vì ở đó có hộ thần pháp bảo linh thiêng trấn giữ, ma quỷ bị thu hút muốn siêu sinh đến đấy, tốt thì được hộ thần dẫn đi, xấu thì bị đánh cho hồn bay phách lạc. Còn nơi đây không có hương hỏa, lại càng tạo cớ cho ma quỷ hoành hành. Từ đó nhà tôi được gọi là “Vạn Gia”, còn mấy đứa trẻ con thì nghĩ rằng nơi này có ma, nên gọi là “U Tộc”.

Nhà dựng được bốn năm thì ông tôi mất, lúc ấy tôi còn chưa được sinh ra. Chuyện ông tôi mất cũng là chuyện kỳ dị được nhiều người bàn tán. Nghe mấy cụ nói chuyện kể lại rằng, hôm ấy ông tôi như thường lệ ra đồng chăm lúa, cứ quần quật như thế qua trưa, đến đêm vẫn chưa thấy về nhà. Bà tôi sốt ruột đi hỏi thì ai cũng bảo thấy ông ở ngoài đồng, ai nói về cũng chẳng đáp lời. Nghĩ rằng ông tiếc việc, bà ra đồng gọi ông về ăn cơm, vì ai cũng đang chờ cả. Khi đến đồng, vẫn thấy ông đang đứng giữa đồng, tay cầm cuốc, dáng người khom khom như đang cày bừa, bà lên tiếng gọi nhưng ông chẳng đáp.

Gọi một lần, hai lần, đến cả chục lần mà ông vẫn dửng dưng, bà tức giận đi đến bên ông định mắng. Nhưng khi bà đến thì đã thất kinh chạy về nhà báo tin dữ. Mọi người ra xem, ai cũng tái mặt khi thấy ông đã chết đứng tự bao giờ, chết khi còn đang làm việc. Trông ông chẳng khác người thường là bao, duy có điều mắt ông trố to như vừa trông thấy thứ gì kinh hãi lắm.

Đám tang ông tôi tổ chức không quá lâu. Lệ thường là ba ngày, chọn ngày tốt thì có khi năm ngày, có lúc nhà điều kiện thì cả tuần, nhưng ông tôi chỉ làm đám đúng một hôm, vì lúc ấy mây đen kéo đến ngùn ngụt, bấm quẻ lại đúng ngày tốt hôm sau, sợ rằng mưa to lại nhỡ việc, nên chỉ làm đám thật nhanh cho kịp giờ.

Người ta bảo ông tôi linh lắm, nên lúc mất vẫn nghĩ mình còn sống, thương vợ con mà nhất quyết không đi. Lúc di quan, lần đầu tám người đến trình, ông cho tắt nến cả tám lần. Gọi lần hai, ông không đả động gì, nhưng đến lúc di quan, cả tám người này không cách nào khiêng quan tài lên nổi. Người ta chạy vạy thêm tám người nữa, mới nhấc được quan tài lên, nhưng lúc đi thì nghiêng ngả không trụ vững. Rốt cuộc chỉ đến lúc bà tôi đến trước linh cữu quỳ lạy, xin ông đi thì ông mới chịu, người ta mới khiêng ông ra nghĩa địa được.

Lúc đến huyệt mộ, người ta lại cảm thấy điều không lành, vì tuy không có mưa nhưng huyệt mộ lại ngập nước, đến cả thủy huyệt không bị tắc gì vẫn không rút nước đi được. Bà tôi lại xin, lúc này nghe tiếng rồn rột rõ to, trong phút chốc cả huyệt mộ sạch trơn không còn tí nước nào. Nghĩ rằng việc gì cũng phải để bà xin trước, lúc đem quần áo của ông đi đốt, người ta cũng nói bà làm giúp. Vài người trong họ không tin, liền đến giúp bà, nhưng lửa châm lên bốc đỏ hực, cứ cho quần áo vào là tắt hẳn, chỉ có khói um lên mờ mịt. Bà tôi lại phải ra làm, tro tàn chỉ còn đốm than, thế mà lại bốc cháy dữ dội.

Việc ở nghĩa địa đã xong, người ta về nhà, còn bà thì làm mâm cơm chay cúng ông. Nhang chỉ thắp ba cây, thế mà vừa cắm vào bát hương đã cháy ngùn ngụt, kéo đến chân nhang cũ hóa thành tro. Bà bảo ông đang khóc, vì ông còn muốn ở với vợ con. Lúc cúng cơm xong, mọi người lên phía trên ngồi, còn bà và mấy người phụ nữ đem chén bát xuống dưới nhà rửa cho sạch. Được một chốc, đã nghe tiếng mấy người này kêu la thất thanh, người ta chạy xuống đã thấy mấy người đang giữ bà tôi lại, còn bà thì cứ gào khóc đòi chạy ra. Vùng vằng mãi không được, bà chỉ tay về phía trước mà mếu máo.

“Cho… cho tôi ra gặp ông nhà tôi…”

Người ta nhìn theo hướng bà chỉ, ai nấy đều lạnh sống lưng, chắp tay vái lạy lia lịa. Từ phía sân vườn, ông tôi khuôn mặt buồn bã, với tay đội cái nón rơm rồi đi ra ngoài cổng không ngoái lại lần nào. Vài người chạy theo, khi ra đến cổng thì không thấy ông tôi đâu nữa.
___________
Cạnh nhà tôi, hướng tay trái là nhà bà Tư là nữ, hai người là nam, hướng tay phải là nhà ông Hai, đối diện là nhà ông Út. Mỗi nhà có chừng năm, sáu người; riêng nhà tôi lúc trước là bốn, sau ông mất chỉ còn ba. Nhà bà Tư lúc ấy có hai vợ chồng cùng ba đứa con gái, cả nhà ráng thêm lần nữa để có con trai hương hỏa. Lúc chuẩn bị đợi ngày để tạo thai thì ông tôi mất, nên bà Tư chờ đến hai năm sau mới mang bầu lần bốn. Đứa trẻ trong bụng quậy phá ầm ĩ, lại thích ăn chua nên ai cũng nói rằng lần này chắc mẩm là con trai. Vậy nên lúc mừng, ông Tư chăm vợ kỹ càng lắm, đến nỗi lúc đứng bếp chỉ đứt một chút ở tay, ông đã chạy lên tỉnh xin thuốc về, từ đó cấm bà nấu ăn, mọi việc cứ để cho ông làm tất. Ở nhà buồn chán không có việc làm, nên bà Tư ngày nào cũng đi dạo quanh thôn, cho đến ngày chuẩn bị nằm ổ thì chỉ ở trong phòng nhìn ra từ cửa sổ.

Nhưng trước ngày sinh chỉ một hôm, ông Tư về sớm để chăm vợ thì không thấy bà Tư đâu, nghĩ rằng bà đến giờ sinh mà không có ai nên đã đi đến nhà bà mụ đỡ đẻ, ông Tư chạy khắp làng hỏi dò, nhưng ai cũng lắc đầu không biết. Thế là mọi người liền cùng ông Tư đi tìm bà, mãi đến khuya mới thấy bà đang đứng ở ngoài đồng, phía trước là con kênh đang chảy ì ạch. Mọi người đến, nhưng ai cũng lo rằng bà như anh mình nên dừng lại, chỉ có ông Tư là không cần suy nghĩ gì, đến nắm tay bà định hỏi. Nhưng quái lại là bà Tư trông vẫn như bình thường, cứ thế đi theo ông về nhà mà không chịu nói năng gì cả. Mọi người nói đừng làm kinh động người mang bầu, nên ông Tư cũng chỉ ậm ừ cho qua, rồi cả đêm đến sáng không rời khỏi vợ nửa bước.

Gần trưa thì bà Tư trở dạ, kêu la làm ông cũng lúng túng, đành để vợ đấy mà chạy sang nhà bà mụ, gọi bà ấy sang gấp. Cả hai chạy về nhà ông nhưng không nghe thấy tiếng bà Tư kêu than, cũng chột dạ vào xem. Trong phòng mới lúc trước bà còn ở, vẫn còn hơi ấm đọng lại, nhưng người thì không thấy đâu. Cả hai tìm xung quanh vẫn không thấy, lại phải gọi cả làng đi tìm. Người ta tìm khắp nơi cũng không thấy, có người còn trộm vía nhảy xuống sông tìm nhưng cũng chẳng thấy, chợt họ nghĩ đến một nơi chưa ai đi tìm, là khu nghĩa địa cuối làng. Mọi người tìm đến chỗ ấy thì thấy bà thật, nhưng chỗ thấy bà cũng lại kỳ dị, vì đó là huyệt mộ của ông tôi. Bà Tư khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, vừa trông thấy chồng thì bế chú tôi đưa cho ông rồi gục xuống. Ngày bà mất cũng đúng đám giỗ ông tôi.
____________
Chú tôi khi sinh ra thì mẹ mất, ông Tư cũng vì thương vợ nên không đi thêm bước nữa, nhìn thấy chú như thấy vợ, cho nên đặt tên cho chú là Báu. Chú Báu lên một giáp thì tôi được sinh ra, lúc ấy chú đang đi học, nhưng cứ nằng nặc đòi về thăm tôi. Khi chú vừa vào nhà thì thấy bà mụ đang tắm rửa cho tôi, chú ngồi bệt xuống khóc mà bảo.

“Em gái ơi, mình gặp lại nhau rồi…”

Mọi người thấy lạ, vì tôi là phận cháu chứ không thể vai vế là phận em được. Gặng hỏi nhưng chú không trả lời, cứ gọi tôi là em mãi. Cho đến lúc tôi được bảy tuần tuổi thì chú mới gọi tôi là cháu, còn nói là bây giờ mới được gặp tôi.

Hai chú cháu ở với nhau hòa thuận lắm, vì dù sao cũng không quá chênh tuổi nhau. Đến lúc tôi lên 7 tuổi, cả hai chú cháu được dẫn ra thăm mộ ông tôi và mẹ chú. Lúc ra đến nghĩa trang, bất chợt cả tôi và chú đều nói rằng thấy người nhẹ bẫng cả đi. Mọi người hỏi nhẹ là sao, thì cả hai nói rằng không còn cảm giác có gì đeo trên lưng nữa. Tôi nhớ lại lúc ấy, mẹ tôi và cả bà đều tái mặt khi mở áo nhìn lưng của tôi, những vết rạn trên ấy không biết xuất hiện từ lúc nào, cứ mờ dần đi trông thấy.
_____________
Năm sau thì chú tôi thi đỗ Viện Đại học Sài Gòn, được lên tỉnh học. Tính ra thì chú cũng chật vật 3 năm mới được lên trên ấy, vì lần đầu thì chú bị sốt cao tưởng như không qua khỏi, bà tôi chạy thuốc khắp nơi, đến lúc cảm thấy không còn cách gì thì ra mộ ông xin, lại khấn cả mộ em chồng, rồi mang vàng mã cúng về hóa tro sắc lấy nước, đưa cho chú tôi uống thì hai hôm đã khỏi.

Lần thứ hai thì chú lên tỉnh thi, lúc đi thì đường đã bị cày xới bởi pháo cối, ì ạch mãi đến lúc qua được thì chú lại ngất xỉu. Đến lúc tỉnh lại thì đã qua giờ chiều, chú thất thểu chờ xe để về lại quê, nhưng đến tối thì biết tin đoàn xe kẹt giữa hai làn đạn, người trên xe bỏ chạy vào rừng thì bị máy bay càn qua bắn chết cả. Người duy nhất trong chuyến đi ấy còn sống là chú tôi.

Đến lần thứ ba thì chú tôi bình yên vô sự đi thi, đến lúc nhận tin trúng tuyển thì lên tỉnh. Được vài tháng sau thì chú lại về nhà trong đêm tối, lúc tỉnh lại thì nói rằng không hiểu sao lại về. Sáng ra chú đi xe lên tỉnh thì mới biết tin một phần ba sinh viên lúc ấy được huy động để cổ vũ tinh thần cho binh lính ra trận, nhưng lúc về thì đoàn xe lửa bị lật, chết cũng quá nửa. Tên chú tôi khi ấy được báo là đi trên chuyến tàu đã chết, vì bạn chú do không thấy chú đâu, sợ rằng bị phạt nên đi giúp cho chú.

Lúc chú về kể lại chuyện ấy, nhà tôi đến nơi người kia ở, xin được tạ ơn, còn bà tôi thì ra nghĩa trang lạy tạ hai người đã khuất. Nhưng bà nói rằng sau đó còn phải ra thêm nhiều lần nữa, vì lúc ấy nhà ông Út xảy ra chuyện.
____________
Nhà ông Út như đã nói lúc đầu, nằm đối diện nhà tôi. Nhà ông có năm người, ông và bà Út, thêm 2 người chú và 1 người cô của tôi. Cô tôi học hết trung học thì không đi thi nữa vì biết sức học của mình có hạn. Sau này nhờ người quen giới thiệu, cô tôi vào Vùng 1 ở binh lực Thiết kỵ binh, lo việc hậu cần. Được một năm thì cử đi học tại trường hạ sỹ quan lục quân Đà Lạt, sau 3 năm thì đưa đi huấn luyện quân y do người Mỹ tổ chức tại Xiêm. Khi về làm quân y thì được cử về Vùng 3, nhưng do thân quen nên xin được biệt phái về huyện làm y sĩ, vì anh của cô đi lính hải quân, khi đang ra biển thì gặp sóng lừng nhấn chìm, lúc ấy chú được 1 tháng nhập ngũ.

Ở huyện thì người dân có hai nơi để khám, một là bệnh viện của huyện, hai là bệnh viện dã chiến của miền Bắc nằm sâu trong rừng. Nói là khác nhau, nhưng cả hai đều cứu chữa mọi người, bất chấp người được cứu chữa đang có cảm tình với bên nào. Do vị trí khác biệt, nên cả hai bên quy ước nếu người dân vào rừng gặp nạn, hoặc là nơi nào gần hơn thì cứu chữa cho người bị nạn ấy trước, nếu nặng hơn thì sơ cứu tạm thời, bên dã chiến bắn 2 phát lên trời, ngừng một lúc rồi bắn 1 phát thì bên kia sẽ hiểu mà tìm đến, đi theo dấu băng trắng buộc trên cành làm chỉ đường. Ngược lại thì hàng tháng thuốc men hai bên có dư dả chút thì chia sẻ cho nhau. Cô nói rằng khoác áo trắng thì không phân biệt, tất cả đều là đồng nghiệp mà thôi.

Nhưng lính ở đây thì khác, họ thấy có nhiều loại thuốc của miền Bắc trong kho nên âm thầm đi theo do thám. Lúc biết được cái dấu hiệu băng trắng thì tổ chức vây bắt bệnh viện dã chiến kia. Cô tôi cùng mấy người trong bệnh viện nghe tin liền đến cản, riêng cô thì chạy trước mũi súng để ngăn họ bắn vào phía bên kia.

Sau này cô mới được gặp lại một người lính bên ấy, anh ta nói rằng lúc ấy có lệnh là bắn, vì nghĩ cô cũng là hai mang. Nhưng tất cả đều nghe có giọng đàn ông quát nạt, bảo rằng nếu bắn thì chết hết, giọng ấy lớn mà lại kinh khiếp lắm, nên họ đểu buông súng xuống cả. Lúc về doanh trại kiểm tra, toàn bộ ổ đạn đều bị dính cứng vào nhau, nòng súng thì bị bịt kín bằng bùn đất khô cứng lại. Nếu lúc ấy mà bắn, thì kiểu gì cũng bị thương tích, nặng hơn thì bị toác súng mà chết ngay tại trận.

Nhưng chuyện ấy chưa khiến bà tôi phải đi xin ông và em chồng, vì sau này bà mới biết. Chuyện bà phải đi xin, liên quan đến người con trai cuối cùng của ông Út.
_____________
Hết chương 1

 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...