TRẢ NGHIỆP
Chap 1
” Reng Reng Reng ”
” Reng Reng Reng”..
Chiếc điện thoại 1280 cũ mèm kêu lên từng hồi. Vinh đang ngủ trong chăn lèo nhèo :
– Ai lại gọi giờ này không biết !
Bực bội lắm nhưng Vinh vẫn với lấy, áp lên tai, giọng khó chịu :
– Alo! Ai thế?
Một giọng nói từ đầu dây bên kia run rẩy vang lên :
– Vinh à, ông mày mất rồi, về đi.
Vinh dường như vẫn còn ngái ngủ, hỏi lại :
– Ai nói linh tinh cái gì thế? Hơn 2 giờ sáng mất mất gì?
– Ông nội mày mất rồi Vinh ơi !
Nghe hết câu, Vinh giật mình choàng tỉnh, mặt ngơ ngác nhìn lại điện thoại. Hoá ra là giọng ông Vương – bố Vinh gọi. Cái gì cơ? Ông mất? Ông vẫn khoẻ thế sao nói mất là mất ngay được. Vừa tuần trước Vinh vẫn gọi cho ông cơ mà. Trống ngực đập thình thịch, từng dòng suy nghĩ ngổn ngang trong đầu Vinh. Bố anh dường như không còn kiên nhẫn, gắt gỏng :
– Về nhà đi, ông nội bị ngã xuống ao, chết rồi.
Vinh lặng người đi, từ từ cúp máy. Kí ức về ông dần dần ùa về. Hồi còn bé, bố mẹ Vinh đi làm ăn xa, phần lớn thời gian Vinh ở với ông bà nội. Ông Vang – ông nội của Vinh dùng hết thời gian của mình để chăm chút đứa cháu nhỏ tội nghiệp thiếu tình thương của bố mẹ. Đến năm Vinh học lớp 6 thì bố mẹ về, nhưng không biết vì lý do gì mà bố trở nên nóng tính và vô lý. Hai ba ngày Vinh lại phải chứng kiến những trận đòn roi mà bố trút lên mẹ. Mẹ chỉ biết im lặng chịu đựng, lén lau nước mắt mỗi khi đêm về. Ông Vương càng ngày càng trái tính, ông nội khuyên ngăn thế nào cũng không được, đành để mặc. Đến khi Vinh lớn, hiểu hết mọi chuyện, anh nhiều lần khuyên mẹ buông bỏ tất cả. Nhưng mỗi lần vậy, mẹ chỉ lắc đầu rồi quay đi. Đã từng nhiều lần Vinh hỏi, nhưng chưa một lần nào bố mẹ giải đáp thắc mắc của anh. Cho đến một ngày, Vinh không thể chịu nhịn được cảnh tượng gia đình xung đột ấy nữa, Vinh bỏ lên thành phố. Đã năm năm rồi, anh chỉ liên lạc với ông và mẹ qua điện thoại.
Bỏ hết lại dòng suy nghĩ, Vinh vùng dậy, chỉ kịp đánh răng qua loa rồi khoác áo, lục tìm mấy bộ nhét vào balo, xách xe trở về. Chiếc xe wave lao đi vù vù. Lúc này, Vinh chỉ muốn trở về nhà thật nhanh. Ngoài trời, cơn mưa càng ngày càng nặng hạt, hắt vào gương mặt vốn gầy gò của Vinh rát đỏ. Dưới màn đêm đen tối, ánh sáng hiu hắt của chiếc xe máy chiếu sáng cả một khoảng. Chẳng có lấy một bóng người nào cả.
Phòng trọ của Vinh cách nhà 120km, ấy vậy mà giờ này, Vinh cảm tưởng đoạn đường như dài vô tận. Cái gió lạnh của tiết trời tháng 11 khiến Vinh run cầm cập. Không biết bao lâu sau, cái cổng làng ” Phượng Trì ” hiện lên trước mắt Vinh. Trời lúc này đã hửng sáng. Vinh vội vã đi vào con đường quen thuộc trở về nhà.
Mới tới trước cổng nhà, Vinh đã thấy trong nhà bao người lố nhố. Chú Vượng – chú ruột của Vinh nhìn thấy, gọi to :
– Thằng Vinh chịu về rồi đấy hả con.
Vinh nhanh chóng đỗ chiếc xe, tiến về phía chú. Đảo mắt ra sau, Vinh thấy hình bóng quen thuộc của mẹ, gật nhẹ đầu. Vinh cất tiếng hỏi :
– Chú sang lâu chưa ạ? Tại sao ông lại mất thế?
Chú Vượng không giấu được giọt nước mắt, khẽ run run đáp :
– Cũng chẳng biết con ạ. Tối qua mẹ mày bảo vẫn ăn cơm bình thường, đến tầm 7 giờ thì không thấy ông đâu. Cả nhà chỉ nghĩ ông đi đâu đánh cờ quạt gì thôi. 11 giờ vẫn chưa thấy về nên chúng tao nóng ruột đi tìm. Đến hơn 1 giờ đêm thì phát hiện ra ông ngã chết dưới cái ao cạn cạnh đình. Đêm hôm ra đấy làm gì, khổ thế không biết !
Nói xong chú Vượng lại khóc. Lúc này thím Hồng, vợ chú Vượng cũng bước ra. Giọng thím lanh lảnh :
– Thằng Vinh vào rồi thì vào vuốt mắt cho ông xem. Chứ ai vuốt ông cũng không nhắm mắt. Có khi ông đợi cháu đích tôn về mới yên lòng đấy.
Chú Vượng cũng gật gật phụ hoạ. Vinh bước vào trong nhà. Căn nhà vẫn như xưa, chẳng thay đổi chút nào. Tường vôi xuất hiện nhiều vết nứt, nước thấm vào tận bên trong. Ban thờ tổ ở giữa phòng khói bay nghi ngút. Mùi hương trầm cùng mùi nhang khiến người ta hít thở không thông. Giường của ông nội đặt ở góc gian nhà. Chiếc màn tuyn xanh phủ kín bốn góc giường. Trước giường ông kê một cái bàn nhỏ, trên bàn là khoanh thân cây chuối con, cắm vài nén nhang. Cạnh bên là bát cơm cúng cắm chiếc đũa tre được tỉa bông cùng một quả trứng gà. Khói từ mấy nén nhang lập lờ quanh màn, mờ mờ ảo ảo.
Vinh từ từ bước vào cạnh giường, vén màn lên. Ông nằm đó, chăn phủ kín mặt. Cái lạnh lẽo toả ra thấm tận tâm can Vinh, cái lạnh sâu trong tâm hồn. Vinh nén những giọt nước mắt, vén chăn ra. Đập vào mắt Vinh là đôi mắt trợn cứng của ông. Ông chết thảm quá, mồm há hốc thế kia.
“Thịch … Thịch … Thịch …”
Vinh nghe rõ tim mình đập mạnh. Vinh đưa tay lên vuốt mắt ông. Một lần… hai lần… đều không được. Vinh đau đớn lầm rầm trong miệng :
– Ông ơi, con Vinh đây. Cháu nội của ông về rồi đây. Có gì không yên lòng thì ông báo cho con biết rồi ra đi thanh thản ông ơi … Con về, về rồi !
Nói tới đây, Vinh nấc lên nghẹn ngào. Đưa tay lên vuốt mắt cho ông. Trên gương mặt già nua tái nhợt ấy, đôi mắt dần dần nhắm lại. Vinh thở phào. Đắp lại chăn cho ông, Vinh bước ra cửa. Trời đã sáng hẳn rồi. Mọi người đến mỗi lúc một đông hơn, mỗi người một việc. Gia đình tất tả chuẩn bị đợi giờ, rồi khâm liệm cho ông. Mọi việc xong hết thì trời cũng đã sẩm tối. Anh em hàng xóm láng giềng sang phúng viếng đông lắm. Bởi lẽ trước kia, ông sống luôn được mọi người yêu quý. Ông mất đi, ai ai cũng tiếc thương. Hầu hết mọi người đều cho rằng, cái chết của ông là tai nạn ngoài ý muốn.
Hơn 10 giờ tối, mọi người đều đã về gần hết. Ông Vương cắt cử người ở lại trông quan. Áo quan đặt chính giữa gian nhà, phủ bên trên một lớp vải xô trắng. Thằng Long – con út chú Vương, năm nay mới 5 tuổi, nó bẽn lẽn theo chú Vương đến cạnh áo quan, khẽ nói :
– Thôi ông ngủ đi nhé, Long về ngủ đây.
Sự ngây thơ của nó khiến tất cả mọi người đều không cầm lòng được. Sau câu nói của thằng Long, cái bát hương trên linh toạ của xuất hiện vài đốm lửa cháy từ chân nhang cháy lên. Chú Vượng thấy thế, sợ hãi kêu lên :
– Ôi ! Sao tự nhiên lại cháy bát hương thế này? Phải chăng điềm gì
– Chú cứ khéo nghĩ bậy, tàn hương nó rụng thì bắt lửa thôi. Chú thím đưa thằng Long về nghỉ ngơi đi tôi trông cho, mai mà sang sớm.
Mặc dù cũng canh cánh trong lòng nhưng ông Vương vẫn trấn an mọi người trong nhà. Đúng lúc ấy, thằng Long níu chặt áo bố, miệng ú ớ chỉ về phía cổng :
– Ông nội kìa ! Bố ơi ông nội đứng kia với ai ấy, mặt mũi trông sợ lắm.
Nói xong nó nấp tiệt ra đằng sau chú Vương, k dám hé mắt nhìn. Trong nhà khi ấy còn có ông Vương, chú thím Vượng, thằng Long, cô Vân chú Huy – con gái, con rể út của ông Vang và Vinh. Vinh đang thiu thiu chợp mắt trên chiếc ghế dài trong buồng, nghe tiếng thằng Long, anh bật dậy chạy ra. Chú Vượng nghe con nói xong, mặt tái mét. Tất cả không hẹn mà cùng nhìn về phía cửa, nhưng chẳng ai thấy gì. Người ta vẫn hay bảo, trẻ con yếu vía, có khi nào … Ai ai cũng đều có suy nghĩ riêng của mình. Vinh kéo thằng Long vào lòng, khẽ nói :
– Đừng sợ, em nhìn lại xem ông còn đứng đó không?
Thằng Long len lén ti hí quay đầu nhìn lại. Một giây sau, nó lập tức vùi mặt vào lòng của Vinh, lí nhí nói :
– Ông vẫn đứng đó anh ạ, cái người đứng cạnh ông còn trói ông vào cơ. Ông ấy lườm em, sợ lắm.
Câu nói của thằng Long nhen nhóm lên sự sợ hãi của tất cả thành viên trong nhà. Vinh chỉ ôm chặt Long vào lòng, quay đầu nhìn về phía cổng, mặt đăm chiêu như đang suy nghĩ điều gì đó.