Chương 4
Mặt trời vừa lấp ló sau dãy núi,khắp bốn bề bóng tối mờ ảo vẫn bao phủ. Tiếng gà gáy sáng từ khắp nơi thi nhau cất lên. Ai nấy còn đều đang mơ màng trong giấc ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng ồn từ nhà bà Bảy. Nói đúng hơn là tiếng chửi chua ngoa của bà:
“Tiên sư bố đứa nào mày bắt trộm gà nhà bà. Bớ bà con làng xóm láng giềng ra đây mà coi. Quân ăn trộm ăn cắp bất nhân bất nghĩa nhà bà còn có con gà mày cũng không tha. Ở nhà bà nó là gà yêu gà quý, bắt về nhà mày nó là ma là quỷ, mày ăn vào mày chết nghẹn, rồi cả lò cả tổng nhà mày gánh hết bệnh tình tai ương cho nhà bà mày nhớ… bố tổ sư đứa nào bắt gà nhà bà thì vểnh tai lên mà nghe bà chửi nhớ… “
Tiếng bà cứ oang oang vang vọng từ đầu xóm đến cuối ngõ. Mấy nhà xung quanh rục rịch thức dậy. Bấy giờ trời vẫn chưa sáng hẳn. Mọi người hiếu kì đổ dồn ra cổng nhà bà Bảy. Một người cất tiếng hỏi:
“Mới sáng ra có gì mà to tiếng thế bà Bảy không định cho ai ngủ nữa à?”
Từ trong nhà bà Bảy lại tru tréo lên:
“Các ông các bà ra đây cả mà xem. Cả nhà cả cửa còn mỗi một con gà tính hôm nay phiên chợ mang đi bán lấy tiền mua thóc giống mà đứa nào nó bắt trộm mất rồi còn đâu. Giời ơi là giời sao lại khổ thân tôi thế này..”
Bà nói rồi lại nhảy đổng lên, hai tay cứ hất lên trời, hai chân quýnh quáng chạy đi chạy lại không chịu đứng yên một chỗ, miệng không ngừng kêu trời than đất. Đám đông hiếu kì bắt đầu xì xào bàn tán.
“Chắc có con cầy từ trên núi đói ăn nó mò vào làng trộm gà chứ ở xóm này xưa nay làm gì có nhà ai mất trộm cái gì bao giờ.” Một người từ trong đám đông đưa ra ý kiến.
Bà Bảy nghe thấy thế lại càng giãy nảy lên:
“Không! Chắc chắn là có quân ăn cắp bí quá làm liều nó bắt con gà của tôi. Tối hôm qua tôi định bụng nay mang nó ra chợ phiên để bán nên nhốt trong cái lồng tre, còn cẩn thận đè cái thớt nghiến lên trên. Mà cái lồng tôi để ngay cửa ra vào đây này. Đấy các ông bà xem cái thớt nặng thế này thì con gì nó đẩy được. Mà có đẩy rơi cái thớt thì cũng phải có tiếng động tôi tỉnh ngay. Quân bất nhân nó bắt mất gà nhà tôi rồi, bây giờ tôi biết lấy gì mà đổi thóc giống đây hả trời, sao số tôi lại khổ thế này… “
nói một mạch rồi bà lại ngồi phịch ra đất mà khóc.
Đám người hiếu kì kéo đến ngày một đông, mỗi người một ý kiến. Người thì bán tín bán nghi trong xóm có kẻ gian nhân lúc bà Bảy ngủ say lẻn vào trộm con gà đi, người thì vẫn quả quyết cho rằng có con thú hoang trên núi xuống mò ăn mà bắt mất con gà của bà. Ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm tỏ ý thương xót cho hoàn cảnh của bà Bảy. Cả căn nhà trống hươ trống hoác không có thứ gì giá trị, cả hai vợ chồng già và thằng cu Tý nhỏ chỉ trông chờ vào hai sào ruộng làm kế sinh nhai. Vậy mà giờ tiền mua lúa giống cũng không có.
Ở thôn quê này mọi người vẫn luôn rất yêu thương đùm bọc nhau, mọi người an ủi bà Bảy rồi kêu gọi nhau mỗi nhà bớt từ chỗ thóc giống nhà mình ra cho bà một nắm . Cả xóm trên dưới 40 nóc nhà vậy là bà cũng đủ cho vụ mùa rồi.
Mặt trời đã dần nhô lên cao, trời đã bắt đầu sáng hẳn. Mọi người thống nhất với nhau rồi tản vội ra về còn kịp chuẩn bị cho một ngày ra đồng. Bà Bảy cũng đã thôi không còn khóc nữa. Bà đứng dậy xếp lại cái lồng gà và khệ nệ mang cái thớt vào bếp. Ông Hai chồng bà từ đầu đến giờ chỉ ngồi yên ở mép cửa ra vào, hai tay ôm thằng cu Tý ở trong lòng. Mất gà ông cũng tiếc lắm, nhưng đàn ông mà không dễ thể hiện cảm xúc ra bên ngoài như đàn bà được, nên thành thử từ đầu đến cuối chỉ nghe thấy tiếng của bà Bảy vợ ông.
Hai ông bà đã ngoài 40 tuổi, gia cảnh nghèo khó đã đành lại neo con. Chạy vạy thuốc thang khắp nơi gần 40 tuổi bà Bảy mới đẻ được cu Tý. Thành thử gia đình đã nghèo lại còn nghèo hơn. Cả nhà chỉ trông chờ vào hai sào ruộng. Những ngày rảnh rỗi ông bà theo người ta lên rừng chặt củi mang ra chợ bán, hoặc đi ra chợ huyện xem ai có việc gì thuê thì làm.
Trong đám đông hiếu kì ở nhà bà Bảy cũng có mặt anh cu Chàng nhà ở ngay phía đối diện cổng nhà bà. Khi đám đông tản ra, anh cũng thất thần lê bước về phía nhà mình. Ngày hôm qua thực sự là một ngày rất dài và mệt mỏi đối với anh. Buổi sáng anh mang chỗ củi đốn được từ chiều hôm trước ra chợ huyện định bụng đổi lấy ít thịt về tẩm bổ cho bà nội đang ốm nặng ở nhà. Nhưng may mắn thay anh gặp một món hời nên vừa ra chợ đã đổi hết tất cả chỗ củi rồi vội vàng quay về vẫn kịp lên rừng đốn thêm một gánh củi nữa. Mãi đến tận khuya anh mới trở về nhà. Bước chân vào nhà việc đầu tiên anh làm cất tiếng gọi bà nội của mình.
“Nội ơi, nội đã ngủ chưa? Con về rồi này.”
Không có tiếng ai trả lời. Chỉ thấy con vàng cột trước cửa nhà thấy chủ về vẫy đuôi chào xoắn xít rồi miệng kêu lên những tiếng ư ử ra chiều vui mừng lắm. Trong nhà tối thui như mực không có tý đèn đóm nào.
Chàng liền đặt gánh củi nặng trên vai xuống trước hiên nhà, đẩy cánh cửa tạm bợ được đan bằng thân cây nứa sang một bên bước vào trong nhà gọi lớn:
“Nội ơi, con về rồi”.
Vẫn không có tiếng bà Hảo trả lời, Chàng một mình mò mẫm trong bóng tối châm lửa vào chiếc đèn dầu, ngọn lửa làm bừng sáng cả căn phòng. Chàng dò dẫm từng bước tiến vào phía trong buồng, ánh sáng từ ngọn đèn chiếu hắt bóng của Chàng lên vách tường, chiếc bóng đổ xuống đổ ập lên hình bóng nhỏ bé đang nằm bất động trên giường.
Chàng run run khẽ đặt tay mình lên vai bà nội mà lay nhẹ. Thật may vì cậu vẫn cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể gầy gộc kia truyền vào cánh tay mình. Bà lão nằm trên giường khẽ cựa người quay đầu ra bên ngoài nhìn Chàng một cách yếu ớt. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, Chàng kinh hãi khi phát hiện ra trên trán bà nội có một vết rách kéo dài lên đến đầu, máu chảy ra thấm đỏ cả một bên mặt đến giờ đã khô hết lại.
Chàng đặt chiếc đèn lên cái bàn nhỏ, đỡ bà nội quay ra rồi ríu rít hỏi:
“Trời ơi bà bị làm sao thế này? Để cháu xem bà còn đau chỗ nào nữa không”.
Bà cụ khẽ lắc đầu rồi mấp máy miệng:
“Nước… nước…”
nói rồi bà đưa tay chỉ vào bức tường bên cạnh, theo hướng bà chỉ Chàng hiểu ngay là bà khát nước nên tự ra giếng uống. Chàng tự trách mình vì hôm nay đã đi cả ngày không để ý đến bà để bà phải khổ như vậy. Thực ra lúc trưa anh có trở về, biết là tối khuya mới quay lại nhà nữa nên đã cẩn thận để hai củ khoai và một tô cháo loãng trên bàn để đói bà nội sẽ tự lấy ăn. Nghĩ rồi Chàng đảo mắt nhìn lại chiếc bàn bên cạnh, tô cháo và củ khoai vẫn còn nằm nguyên vẹn ở đó chưa có ai đụng đến.
Chàng lật đật đi múc chậu nước sạch vào giặt khăn rồi rửa vết máu trên trán bà cụ. Cũng may vết thương không sâu lắm, nếu không rất có thể bà cụ đã chết vì mất máu rồi. Xong xuôi Chàng toan cầm bát cháo bên cạnh đi đun lại cho ấm thì bà Hảo khẽ dơ tay ra hiệu bà không muốn ăn, ý bảo Chàng đừng đi. Rồi bà quay mặt vào trong tường giả vờ ngủ muốn đuổi Chàng ra ngoài. Mặc dù rất lo cho sức khoẻ của bà nhưng nghĩ lúc này cũng đã quá khuya, để bà nghỉ ngơi vẫn là tốt nhất nên anh cố dặn bà thêm mấy câu rồi cầm đèn bước ra ngoài nhà.
Một mình nằm trên chiếc chõng tre đặt ở góc nhà, Chàng vẫn luôn không ngừng tự trách mình đã quên không lấy nước gián tiếp làm bà nội bị ngã đau như vậy. Vốn không có cú ngã ngày hôm nay thì bà cũng đã yếu lắm rồi chỉ như một ngọn đèn trước gió mà thôi. Tính ra năm nay bà cũng đã gần 80 tuổi, lâu nay lại ốm đau liên tục nên gần như chỉ nằm một chỗ. Chàng lo cho bà lắm nên cố gắng làm việc quần quật từ sáng đến tối khuya để kiếm tiền mua thuốc cho bà, vừa phải lo dành dụm một khoản để phòng trừ bà có bỏ cậu đi thì cũng có tiền lo tang lễ. Có lẽ cũng vì mải mê kiếm tiền mà Năm nay Chàng đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa thấy vợ con gì.
Cứ mải mê suy nghĩ rồi Chàng chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Đến khi nghe tiếng huyên náo bên nhà bà Bảy thì anh giật mình tỉnh giấc tất tả chạy ra xem có chuyện gì.
Từ nhà bà Bảy trở về, Chàng đi thẳng về phía cái giếng ở trước nhà. Căn nhà hai bà cháu ở là một căn nhà tranh bé , có tường được trát bằng bùn và vỏ trấu. Đằng trước nhà là một cái giếng nhỏ, bên cạnh giếng là gian bếp. Ngôi nhà có 1 phòng lớn được xem là phòng khách, trong góc kê một chiếc chõng tre làm chỗ ngủ cho Chàng, một bộ bàn ghế đã cũ kĩ. Gian phía bên trong là buồng ngủ của bà Hảo.
Phía trước nhà có một mái hiên rộng làm đường đi cho bà Hảo xuống bếp nhỡ trời mưa thì cũng không phải ướt người.
Lúc này trời đã sáng hẳn Chàng mới nhìn thấy rõ, ở sân giếng vẫn còn dính đầy vết máu của bà Hảo từ hôm qua. Chàng lấy chiếc gầu đã được thòng dây sẵn gác ở thành giếng múc nước từ giếng lên rửa qua mặt mũi rồi cẩn thận rửa sạch hết vết máu còn dính loang lổ trên sân. Xong đâu đó anh vội vào bếp nấu cháo cho bà nội rồi còn nhanh chóng vác cuốc ra đồng.
Chàng cẩn thận bưng tô cháo nóng hổi trên tay tiến vào trong buồng. Lúc này bà Hảo đã trở dậy, bà ngồi thu mình trong một góc giường. Mặc dù bên ngoài trời đã sáng nhưng trong phòng của bà Hảo vẫn còn lờ mờ tối. Chiếc cửa sổ đặt ngay bên cạnh giường vẫn được đóng chặt, chỉ có một vài tia nắng len qua những kẽ hở của mái tranh chiếu rọi vào trong phòng, nhìn từ ngoài vào giống như những tia laze sắc lạnh sẵn sàng cắt ngang những gì chạm vào nó.
Thấy bà nội đã tự ngồi dậy thần sắc có vẻ khoẻ hơn đêm qua Chàng mới thở phào một cái. Anh đặt tô cháo xuống bên cạnh bàn rồi hỏi bà bằng giọng niềm nở:
“Sao hôm nay bà dậy sớm thế ạ? Bà có thấy đỡ mệt hơn chút nào không? Mà sao trong phòng lại tối thui thế này, cháu nấu cháo xong rồi để cháu đẩy cửa sổ lên cho sáng rồi bà ăn cháo nhé”.
Vừa nói Chàng vừa nhanh chân tiến lại phía chiếc cửa sổ toan lấy cái que tre cạnh đó chống đứng nó lên thì bà Hảo ra hiệu ngăn lại. Căn nhà của hai bà cháu vốn dĩ chỉ được dựng sơ sài nên mọi vật dụng cũng đều rất đơn sơ. Cái cửa sổ cũng chỉ là thân cây nứa được đập dập ra thành những thanh dài rộng bằng 2 đến 3 ngón tay, được cố định với nhau bằng dây dù tạo thành một mảnh hình vuông có kích thước vừa bằng chiếc cửa sổ. Rồi Chàng cố định hai góc bên trên vào bờ tường,lúc bình thường thì cứ để yên vậy là kín, khi cần chỉ cần lấy que tre chống lên là đã có thể xem như là mở cửa sổ rồi.
Bà Hảo vẫn thu mình trong góc giường, ra hiệu cho Chàng hiểu là mắt của bà không tốt đừng mở cửa sổ ra rồi lại im lặng. Chàng thấy vậy liền dừng lại, dục bà nhanh ăn cháo rồi căn dặn bà mấy điều sau đó vác quốc ra đồng. Trước khi đi anh không quên đổ đầy nước vào chiếc ấm trong phòng bà nội.
Lúc này làng Thanh Bình đang vào mùa gieo hạt nên ngoài đường đâu đâu cũng thấy người tất tả vác cày vác quốc dắt trâu ra đồng. Lúc bấy giờ ở vùng quê này vẫn còn nghèo lắm. Cả làng có hơn 40 hộ dân đều sống chủ yếu dựa vào cày cấy và lên rừng. Làng Thanh Bình giống hệt như cái tên của nó vậy, ngôi làng trước giờ luôn yên bình thanh tĩnh, người dân sống đơn thuần chất phác đùm bọc lẫn nhau. Trong làng chưa bao giờ xảy ra xích mích hay trộm cắp bao giờ. Chính vì thế mà vụ việc nhà bà Bảy mất con gà khiến mọi người hoang mang lắm. Ngoài đồng người ta vẫn bàn tán xôn xao vụ việc này, lúc này đa số người dân đều thống nhất cho rằng có con cầy hoặc con cáo nào từ trên núi mò xuống lẻn vào làng kiếm ăn.
Sở dĩ người ta đoán như vậy vì nhà bà Bảy ở cuối làng, đi thêm một đoạn ngắn nữa là đến mương chứa nước của làng, bên kia cái mương là đã đến khu rừng rậm rạp. Tầm này mới chỉ bắt đầu gieo hạt giống, tầm nửa tháng nữa người ta mới dẫn nước từ sông vào để lấy nước cho đồng ruộng thì cái mương mới có nước, bây giờ nó chỉ là một cái rãnh lớn như một con rắn khổng hồ uốn lượn ôm lấy ngôi làng. Đến lúc đó thì động vật trên núi trong rừng không thể vào làng được nữa. Nói rồi mọi người đều dặn nhau thời gian này phải cẩn thận nhốt gia súc gia cầm nhà mình trong chuồng không được để bừa ở ngoài.
Ấy thế mà ngay trong buổi tối ngày hôm ấy, một vụ việc nữa lại sảy ra cướp đi sự bình yên vốn có của ngôi làng.
Tờ mờ sáng ngày hôm sau, một lần nữa bà con trong xóm lại bị đánh thức bởi tiếng kêu khóc của nhà bà Thảo. Nhà bà Thảo chỉ cách nhà bà Bảy một bức tường rào. Khi mọi người đổ dồn sang đến nơi thì thấy bà Thảo đang ngồi bệt dưới đất nước mắt dàn dụa mà than khóc:
“Các bác ơi khổ tội thân em, mất rồi, mất hết thật rồi. Cả đàn gà nhà em vậy là nó ăn sạch không còn con nào nữa rồi. Trời cao đất dày ơi sao tôi lại khổ thế này…”
Theo hướng bà Thảo chỉ, mọi người đổ dồn ánh mắt về phía chiếc chuồng gà đang mở cửa rộng hết cỡ. Bên trong ngổn ngang nào là lông gà, nào là máu. Vẫn còn xác vài con gà nằm bất bật trong vũng máu. Một vài người đàn ông tiến vào phía trong quan sát không nhịn được mà kêu lên:
“Trời ơi sao lại thế này! Chỉ trong một buổi tối mà nó giết hết cả đàn gà. Mà các bác lại đây mà xem, nó chỉ cắn cổ hút máu rồi moi ruột gan để ăn chứ xác con gà vẫn còn nguyên đây này. Cái giống gì mà ác độc giữ vậy trời”.
Tiếng xì xào trong đám đông lại bắt đầu vang lên. Mỗi người lại đưa ra một ý kiến một nhận định nhưng đa phần đều vẫn cho rằng có thú dữ vào làng. Chỉ trong một đêm mà đàn gà hơn 10 con bị hút máu sạch thì đây không phải chuyện bình thường nữa rồi. Từ đám đông một người nói lớn:
“Mấy đứa thanh niên nhanh chân chạy đi gọi bác trưởng làng đến đây. Chuyện này đã trở nên nghiêm trọng rồi, chúng ta phải kiểm tra cẩn thận rồi tìm ra phương án giải quyết nhanh chóng chứ cứ thế này thì gia súc trong làng sớm muộn gì cũng bị giết hết thôi”.
Ông Năm trưởng làng nhanh chóng được mời tới. Thời bấy giờ chưa có công an hay tự vệ gì cả, phép vua còn thua lệ làng nên trong làng ông trưởng làng là người uy tín nhất được bà con trong làng tin tưởng nghe theo.
Ông Năm đi một vòng quanh chuồng gà quan sát tỉ mỉ mọi thứ. Ông nhìn kĩ xác từng con gà một nằm la liệt trên đất. Tất cả chúng đều chết vì bị hút máu và không còn nội tạng. Trên cổ chúng còn để lại hai dấu răng sâu hoắm.
Một lần nữa tiếng xì xào lại cất lên. Mọi người cùng đưa ra phỏng đoán xem là con gì, loài vật nào lại có vết răng kì lạ như vậy. Người thì đưa ra ý kiến là con mãng xà, nhưng thường vết rắn cắn thì chỉ để lại hai vết răng nanh. Hơn nữa những con rắn lớn sẽ nuốt chửng con mồi chứ không hút máu rồi ăn nội tạng như vậy. Người thì vẫn giữ nguyên quan điểm từ hôm qua ở nhà bà Bảy là con cầy lang. Mỗi người một ý kiến không ai nhường ai. Nhưng chung quy lại câu hỏi quan trọng nhất thì không ai có thể giải thích được. Tại sao cả đàn gà bị hút máu đến chết mà cả gia đình hai vợ chồng bốn đứa con nhà bà Thảo ngủ ở trong nhà lại không hay biết gì?
Bà Thảo quả quyết là không nghe tiếng động gì, bình thường bà ngủ tỉnh lắm. Mãi đến tận lúc trời gần sáng bà dậy trước luộc khoai để tý bố con nhà cò dậy ăn còn kịp ra đồng. Hôm qua thấy nhà bà Bảy mất gà bà là hàng xóm ngay cạnh bà cũng sợ lắm nên mới sẩm tối đã lùa hết cả đàn gà vào chuồng. Ban ngày chồng bà đã bịt kín hết tất cả những lỗ hổng xung quanh chuồng gà lại. Bà còn đóng cửa và chèn lại rất cẩn thận chắc chắc không con vật nào có thể lẻn vào được. Nếu cố tình phá cửa thì phát ra tiếng động bà nằm ở trong nhà gian phòng chỉ cách chuồng gà cái bức vách nhất định sẽ nghe thấy.
Nói đến đây bà lại nước mắt ngắn nước mắt dài than thở:
“Ấy vậy mà sáng nay nó giết sạch sẽ cả đàn gà nhà em rồi. Xem như số nhà em đen nhà em phải chịu, chỉ mong bác trưởng làng và mọi người tìm ra sớm bắt được nó cho những nhà khác yên tâm ạ”.
Ông trưởng làng nghe vậy liền đỡ lời bà Thảo:
“Được rồi bà và bà con cứ yên tâm, ta đã có cách giải quyết đây rồi.”
Mọi người ồ lên tán thưởng, đúng là gừng càng già càng cay, thật không uổng công mọi người dành hết sự tin tưởng tín nhiệm cho ông Năm, nhanh như vậy đã tìm ra cách giải quyết. Mọi người nhao nhao lên dục ông nhanh đưa ra cách giải quyết cho bà con yên tâm.
Nói rồi ông Năm đưa tay lên vuốt vuốt chòm râu trắng bạc phơ trên cằm mình gật gù rồi nói tiếp:
“Theo tất cả ý kiến của mọi người ở đây đều thấy chuyện này do một loài động vật bí ẩn gây ra. Nơi sảy ra lại đều là ở cuối làng này, vậy có thể đưa ra dự đoán rằng ban đêm con vật bí ẩn kia đã từ trong rừng lẻn vào làng giết gà hút máu rồi sau đó lại quay trở lại rừng trước khi trời sáng. Vì thế mà không một ai đụng mặt được nó có đúng không nào.
Vậy bây giờ cách giải quyết tạm thời trước mắt là ngăn không cho nó vào được làng. Chỉ còn hơn 10 ngày nữa thôi là vào vụ cấy rồi, chúng ta sẽ dùng nước ở con mương đằng kia để ngăn chặn nó”.
Mọi người nghe đến đây đều à lên một tiếng rồi ai nấy đều hết sức tán thưởng ý kiến của bác trưởng làng. Bây giờ chỉ cần dẫn nước về đồng để nước tràn vào con mương rộng đến hơn 3 mét kia thì động vật trên núi sẽ không thể tiến vào làng được nữa. Trong quãng thời gian này mọi người có thể yên tâm lo cày cấy, mọi người cũng sẽ phân công cắt cử nhau đi tìm dấu vết của con vật kia để diệt tận gốc vấn đề.
Nghe đến đây thì ai nấy đều yên tâm ra về, chỉ còn lại ông Năm và đám thanh niên trai tráng ở lại phân chia công việc để ngày mai bắt tay đi dẫn nước về đồng.
Buổi chiều ngày hôm ấy làng Thanh Bình có ba vị khách ghé thăm. Một ông già đã ngoài bảy mươi tuổi, vẻ mặt quắc thước râu trắng bạc phơ, dáng người nhỏ con nhưng nom vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Một người đàn ông tầm ngoài năm mươi tuổi và một chàng trai tuổi chừng ba mươi cao to đẹp trai tướng tá xem chừng như sang trọng lắm. Ba người dẫn nhau đi bộ về phía đầu làng. Đến đây thì trời đã về sẩm chiều, ba người ghé vào hàng nước ở gốc đa đầu làng gọi ba cốc nước trà xanh giải nhiệt.
Đỡ lấy chén nước từ tay bà chủ quán, người đàn ông trung niên khẽ mỉm cười rồi bắt đầu bắt chuyện:
“Bà cho hỏi thăm, đây là địa phận của làng nào được không ạ.”
Bà chủ quán đon đả:
“Các bác chắc từ xa đến hả. Ở đây được gọi là làng Thanh Bình, cách phố Huyện chừng 3 tiếng đi bộ thôi. Các bác từ xa đến chắc là đi tìm nhà người quen. Cần tìm nhà ai cứ hỏi tôi đây, ở làng này tôi không lạ gì nhà ai hết…”
Người đàn ông đáp lại: “chúng tôi có việc đi ngang qua đây tiện ghé vào uống cốc nước rồi lại đi tiếp thôi. Cảm ơn bà chủ nhiệt tình quá”.
Ba người uống chưa cạn chén nước thì có thêm nhóm bốn năm người đàn bà kéo nhau ngồi vào chiếc bàn bên cạnh. Ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại tất tả đi từ phía con đường lớn trước mặt rẽ vào làng. Họ gọi một bình nước vối rồi thi nhau uống ừng ực. Bà chủ quán liền bắt chuyện:
“Đang ngày mùa mà các bà không ra đồng lại kéo nhau đi đâu về nom nhếch nhác thế này?”
Một người trong số họ đáp lại:
“Chả dấu gì bác, sáng nay đi xem vụ gà chết nhà bà Thảo mà chúng em hãi quá. Nuôi mãi được mấy con gà chả dám thịt ăn mà hở ra cái nó ăn sạch cả đàn chỉ trong một đêm. Để cẩn thận nên bọn em bàn với nhau mang hết lên chợ huyện bán lấy tiền cho yên tâm bác ạ. Khiếp nữa, đường nó xa mà mệt đi từ sáng giờ mới về đến nhà đây ạ”.
Nói rồi bà quay sang dục mấy bà bên cạnh:
“Thôi các bà ơi uống nhanh ta về nhà còn lo cho sắp nhỏ ở nhà nữa. Bố bọn nó đi dẫn nước với bác trưởng làng không biết đã về chưa”.
Ba vị khách ngồi từ đầu đến giờ chỉ yên lặng lắng nghe không nói thêm gì. Đợi cho mấy người đàn bà đó đi khỏi, vẫn là người đàn ông trung niên cất tiếng hỏi trước:
“Hình như trong làng này đang có chuyện gì xảy ra hả bà. Trông các bà ấy có vẻ lo lắng quá nhỉ.”
Vốn tính dễ gần lại thêm nghề hàng nước rảnh rỗi thích buôn chuyện, bà Năm liền một mạch kể lại câu chuyện mất gà của nhà bà Bảy và cái chết kì lạ chỉ trong một đêm của đàn gà nhà bà Thảo cho những vị khách lạ nghe. Nghe đến đây, ông lão có bộ râu trắng từ đầu đến cuối chỉ ngồi lắng nghe hơi khẽ nhíu mày. Ông đưa mắt nhìn về phía trong ngôi làng rồi đưa tay lên bấm độn nhanh mấy cái. Ông liền tiếp lời bà lão:
“Tôi hỏi cái này bà bỏ quá cho, khoảng vài ngày gần đây trong làng mình có ai chết không vậy?”
Không cần suy nghĩ bà Năm quả quyết trả lời:
“Không có ai chết cả. Người gần đây nhất cũng đã từ vài tháng trước rồi. Mà sao ông lại hỏi chuyện đó?”
Ông lão cười xoà giải thích:
“À, thực ra cũng không có gì. Ở quê tôi có loài động vật chuyên đi mò ăn xác chết. Nãy nghe bà kể về việc cả đàn gà bị giết nên tôi lại liên tưởng đến loài vật đó thôi”.
Ông hắng giọng ho lên mấy tiếng, rồi nói với hai người bên cạnh:
“Cha mệt quá rồi không có sức đi nổi nữa đâu. Hay ta vào làng tìm xem có nhà ai cho thuê trọ ta ở lại đêm nay rồi mai lại lên đường”.
Hai người đàn ông bên cạnh nhìn nhau vẻ mặt lúng túng toan cất tiếng hỏi gì đó xong lại thôi. Chàng chai trẻ hỏi bà cụ:
“Bà là người ở đây bà có biết chỗ nào cho thuê trọ qua đêm phiền bà chỉ dùm cho với ạ”.
Bà cụ cười xoà rồi bảo:
“Đấy các bác xem, cái làng nghèo thế này kiếm ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra có nhà trọ”.
Bà yên lặng một chút rồi lại tiếp lời.
“Nếu các bác không chê thì mời về nhà tôi. Chả dấu gì các bác chồng tôi là trưởng làng này, nhà chỉ có hai ông bà già ở với nhau. Thi thoảng có quan trên huyện về thu tiền sưu thuế vẫn ở lại chỗ nhà tôi cả”.
Ba người nghe thấy vậy thì ánh mắt rực sáng lên gật đầu lia lịa. “Vâng, được vậy thì tốt quá. Phiền ông bà cho cha con chúng tôi ở nhờ một đêm vậy”.
Bà Năm chỉ tay về phía trước mặt. Đi men theo con đường đất vào sâu trong giữa làng sẽ có một ngôi nhà gỗ lớn nằm phía bên tay phải, đó chính là nhà bà cũng là nhà ông Năm trưởng làng. Rồi bà không quên dặn thêm ba người nhớ nhắc là bà Năm bảo tìm đến.
Ba người cảm ơn bà Năm rồi cùng nhau đi thẳng vào trong làng. Khi chỉ còn ba người đi với nhau người trẻ tuổi nhất mới cất tiếng hỏi:
“Thưa thầy, sao tự dưng lại đổi ý ở lại đây vậy ạ?”
Ông cụ đưa tay vuốt chòm râu bạc rồi nói khẽ như sợ có ai nghe thấy:
“Có lẽ chúng ta đã đến đúng nơi cần tìm rồi. Trong làng này có quỷ”.
Ba người đàn ông này chính là thầy Lãm, thầy Hãn và Hai Thiêm trên đường đi tìm linh hồn đã hoá quỷ của Ái Liên. Sau khi cứu được cu Tũn, lần theo lời tên gia nhân trong nhà kể lại, sau khi Hạ Lam sống lại theo lời ông Vương sai mang chiếc quan tài đó đốt đi. Hắn ta tiếc của sẵn tiện có việc lên chợ huyện nên cho cả cỗ quan tài lên xe ngựa mà chở đi. Vừa ra đến nơi thì đã gạ đổi được cho một người đàn ông lạ mặt tầm 30 tuổi lấy một xe đầy củi. Chợ huyện là nơi tập trung đông đúc người xa gần đến mua bán nên anh ta không biết người đàn ông đó là ai, cũng không rõ sau khi tan chợ anh ta đi về hướng nào.
Suốt một tuần vừa rồi ba người dắt tay nhau đi khắp các ngôi làng xung quanh để tìm kiếm tin tức nhưng không có manh mối gì. Hôm nay đi qua làng Thanh Bình thì nghe được sự lạ. Hai Thiêm lại tiếp lời phá tan sự yên tĩnh:
“Nhưng ban nãy bà hàng nước có nói là trong làng gần đây không có người chết. Vậy làm sao mà có quỷ nhập tràng được thưa thầy?”
“Đây cũng chính là điều ta đang quan tâm. Cậu không phải người luyện pháp nên không nhìn ra được, Hãn có phải con cũng nhìn ra trướng khí đang bao trùm lên ngôi làng này phải không?”
Thầy Lãm trả lời Hai Thiêm rồi quay qua phía thầy Hãn hỏi nhỏ.
Thầy Hãn vội gật đầu hoạ vào:
“Đúng rồi thưa thầy, càng vào sâu trong làng thì quỷ khí càng rõ. Chỉ e là ngôi làng này sắp gặp tai hoạ rồi”.
Thầy Lãm tiếp lời:
“Linh hồn của Ái Liên đã hoá quỷ mang trong mình tà niệm và sự thù hận rất lớn nên có thể biến hoá khôn lường. Chắc chắn trong làng này vài ngày trở lại đây đã có người chết. Hiện tại con quỷ đã đội lốt con người trà trộn vào dân làng thật khó để xác định được, chúng ta phải hết sức cẩn thận. Bây giờ chúng ta phải thế này… thế này… hai người đã rõ chưa?”
Cả hai người cùng gật đầu rồi cả ba lại yên lặng bước tiếp tiến sâu vào trong làng.
The comment box
Theo dõi
Đăng nhập
0 Góp ý