Kể đến đây thì Trần Dương dừng lại, cả cơ thể cậu khẽ run lên theo mạch câu chuyện. Ông Hai chăm chú nghe từ đầu không bỏ sót một tình tiết nào, đoạn ông lại hỏi:
“Sau đó thì sao nữa? Đêm hôm sau bọn trẻ có đến tìm ông lão đó nữa không?”
Trần Dương lắc đầu đáp:
“Không! Nói đúng hơn là chúng không có cơ hội để tìm nữa, vì sau cái đêm kinh hoàng ấy ông lão đã ngay lập tức rời khỏi trấn và không thấy quay lại đây thêm một lần nào nữa. Trước khi đi ông ta đã kể lại toàn bộ những chuyện xảy ra trước đó cho những người ông ta gặp. Lúc này mọi người cũng chỉ bán tín bán nghi thôi, vì đây là lần đầu tiên câu chuyện về lũ trẻ xuất hiện ở trong trấn. Có nhiều người còn cho rằng ông cụ vì uống rượu say mà gặp ảo giác cũng nên. Nhưng sau đó lại xảy ra hàng loạt những sự việc kì quái khác khiến chúng tôi tin rằng những đứa trẻ ma này thực sự có tồn tại.”
“Vậy sau đó chuyện gì đã xảy ra tiếp theo?” Ông Hai sốt ruột hỏi tiếp.
Trần Dương lại tiếp tục kể câu chuyện kì lạ xảy ra tại trấn Rừng Thông vào năm năm trước.
“Sau cái đêm ấy thì ông cụ đã bỏ đi khỏi trấn không quay lại nữa, câu chuyện theo đó cũng nhanh chóng bị quên đi không còn ai nhớ đến. Bởi dù sao thì ông cụ cũng chỉ là một người ăn mày vô danh, không ai để ý đến câu chuyện của ông ta mà làm gì. Cho đến vài ngày sau thì lại tiếp tục xảy ra chuyện lạ.
Người lần này gặp chúng là bà Ái, người đàn bà vẫn thường hay bán chuối ở trong chợ. Nhà bà Ái ở ngôi làng phía sau dãy phố này, trồng rất nhiều chuối. Ngày nào bà cũng gánh chuối từ trong làng ra đây để bán. Hôm đó có người hẹn để làm lễ nên trời còn chưa sáng rõ bà đã gánh gánh hàng ra chợ để giao khách cho sớm, định bụng vẫn kịp giờ để vòng về gánh thêm gánh nữa bán chợ sáng. Vì bà đi sớm nên ngoài đường lúc này vẫn chưa có người qua lại, chỉ một mình bà nặng nhọc gánh gánh hàng bước đi trong bóng tối. Ra đến đầu dãy phố thì bà bắt nghe thấy tiếng cười khúc khích của trẻ con từ đâu đó vọng lại. Ban đầu bà bấm bụng nghĩ mình nghe nhầm, nhưng càng về sau tiếng cười ấy càng rõ, kì lạ ở chỗ, bà chỉ nghe tiếng cười chứ tuyệt nhiên không nhìn thấy ai cả. Mà như âm thanh bà nghe được có rất nhiều đứa trẻ chứ không phải chỉ 1 hay hai đứa. Bà tặc lưỡi cho rằng trẻ con ở những nhà gần đó dậy sớm cười đùa trong nhà cũng là chuyện dễ hiểu. Nghĩ vậy nên bà vẫn cứ gánh gánh hàng mà đi tiếp. Nhưng bà càng đi thì gánh hàng trên vai càng nặng. Lúc đầu bà còn dảo bước đi nhanh được, nhưng lại sau đôi quang gánh của bà nặng trĩu xuống, bà khó nhọc bước đi từng bước một. Bà thầm nhủ trong bụng không hiểu mình bị làm sao mà gánh hàng mọi ngày bà vẫn gánh bình thường hôm nay lại thấy khó nhọc đến vậy. Mệt quá bà phải đặt xuống giữa đường nghỉ ngơi lấy sức một lúc rồi lại mới bước tiếp. Thi thoảng tiếng cười khúc khích vẫn vang lên bên tai nhưng bà không để ý đến nữa. Một lúc sau bà lại quảy gánh lên vai đi tiếp. Thì lần này kì lạ làm sao cái gánh của bà bỗng trở nên nhẹ bẫng đi cứ như trong cái thúng kia hoàn toàn trống rỗng không có gì vậy. Đến khi bà ra được đến đầu cổng trấn gặp người mua hàng thì trời cũng đã tảng sáng có thể trông rõ mờ mờ mọi thứ. Người kia cầm theo cái đèn bão soi vào gánh hàng để kiểm tra thì lúc này mới phát hiện ra, tất cả chuối của bà đều đã thối đen hết cả. Bà Ái như không tin vào mắt mình, rõ ràng lúc ở nhà bà đã chọn kĩ những nải chuối vừa chín tới màu vàng tươi đẹp nhất để mang đi, không hiểu sao ra tới đây lại thành như vậy. Soi rõ đèn vào từng nải chuối thì còn thấy được cả những vết răng nhọn hoắt của ai đó cắn vào. Tất cả chuối của bà đều đã chuyển sang thối rữa còn bốc lên mùi chua lòm. Vừa xót của vừa sợ mất khách, bà Ái khóc bù lu bù loa lên giữa chợ. Những người chủ tiệm ở hai bên đường đang rục rịch chuẩn bị mở cửa hiếu kì vây quanh lại xem. Ai cũng nhìn gánh hàng của bà đầy ái ngại. Dĩ nhiên đều là chỗ buôn bán nên họ hiểu, chẳng có ai dại gì lại gánh theo gánh hàng hỏng đi một quãng đường xa như vậy. Khách hàng họ cũng đâu có ngu, nhìn vào là phát hiện ra ngay chứ mong gì lừa gạt được ai? Cái khó hiểu ở đây là tại sao trong một quãng thời gian chỉ bằng một nén hương mà chỗ chuối của bà lại thối nhanh đến như vậy?
Nhớ lại những chuyện kì lạ hồi nãy, bà Ái liền kể cho mọi người nghe. Xong đâu đấy trời cũng đã dần sáng rõ, ai nấy đều vội tản ra để chuẩn bị cho một ngày buôn bán bận rộn. Mặc dù không ai nói ra nhưng qua hai chuyện này mọi người đã dần có linh cảm về những chuyện không hay đang dần xuất hiện ở trong trấn.
Sau lần đó những chuyện kì lạ vẫn thường xuyên xảy ra, mà chỉ xuất hiện vào buổi tối. Những người có việc phải ra ngoài giữa đêm thường gặp một đoàn trẻ con nô đùa ở ngay ngã ba giữa trấn. Không biết bằng cách nào tất cả những người ấy đều bị chúng dụ chơi trò chơi cùng đến khi mệt lả cả người, sáng ra thì phát hiện mình đang nằm trong ngôi nhà trò bị bỏ hoang trước đó. Lại có người bị chúng dẫn đi diễu hành dọc con phố, đến khi gà gáy cũng thấy mình đang đứng ở trước cửa nhà trò. Những cửa hàng bán đồ ăn uống có bày cả ra ngoài đường, ban ngày thì không sao nhưng hễ trời tối thì chỉ quay đi quay lại tất cả đồ ăn đều đã bị thiu thối cả. Càng ngày những chuyện kì dị xảy ra càng nhiều, lúc này tất cả cư dân trong trấn mới tin rằng câu chuyện mà ông cụ hành khất kể là thật. Sau đó người ta bàn với nhau mời thầy về để trừ tà. Nhưng tất cả thầy pháp ở trong trấn được mời tới đều phải bỏ của chạy lấy người, có người còn bị chúng đánh đến thân tàn ma dại. Kể từ đó người ta bảo với nhau không ra ngoài trước khi trời sáng, và có đi đâu làm gì cũng trở về nhà trước khi trời tối. Quả nhiên điều này có tác dụng. Từ đó không ai còn bị những đứa trẻ ma này trêu đùa nữa. Nhưng cũng từ đó trong trấn không có người phụ nữ nào mang bầu. Dần dần trấn đã trở nên tiêu điều như hiện tại, rất nhiều người đã bỏ trấn mà đi. Chỉ những người không biết phải đi đâu mới cố cắn răng mà ở lại cho đến giờ.”
Nghe rõ đầu đuôi câu chuyện năm năm trước nhưng cho đến lúc này ông Hai vẫn chưa có thêm chút manh mối nào về lũ tiểu quỷ đang tác oai tác quái ở trong trấn. Chúng đến từ đâu? Và tại sao lại nguyền rủa trấn này độc địa đến như vậy? Xâu chuỗi mọi lời kể của Trần Dương lại, những câu chuyện kì dị này đều có liên quan đến khu nhà trò bị bỏ hoang từ trước đó. Thêm vào đó nữa, mới hồi đêm lũ trẻ bị hấp dẫn bởi tiếng hát của Ái Liên mà đến để tìm mẹ. Vậy rất có khả năng mọi chuyện đều xuất phát từ nhà trò này mà ra cả. Nghĩ đến đây ông Hai lại hỏi:
“Trong câu chuyện mà cậu vừa kể đều có liên quan đến nhà trò bị bỏ hoang. Đó có phải là nhà trò mà có cô Xuân Nương ở đó không? Tại sao khu nhà trò trước đây việc kinh doanh rất tốt lại bị bỏ hoang phí như vậy?”
Nghe nhắc đến Xuân Nương vẻ mặt Trần Dương lại khẽ cau lại lộ ra vẻ khó chịu. Tuy nhiên cậu vẫn gật đầu xác nhận rồi nói:
“Đúng là khu nhà trò đó. Mà nhắc đến mới nhớ cũng có rất nhiều chuyện kì lạ xảy ra ở đấy trước khi bị đóng cửa. Sau khi Xuân Nương được gả đi không lâu thì ông chủ ở đó đột nhiên lăn đùng ra chết. Mà cái chết xem chừng cũng kinh dị lắm. Buổi tối ông ta vẫn đương ngủ ngon lành, sáng ngày ra thì thấy đã chết ở trên giường, gương mặt lộ rõ vẻ khiếp đảm, hạ thân đầy máu. Hơn nữa… chỗ đó của ông ta nghe đồn là… là đã bị cắt lìa ra khỏi cơ thể. Sau khi ông ta chết, việc làm ăn của nhà trò dưới sự chỉ đạo của bà vợ ngày càng sa sút. Khách chỉ đến một lần rồi không hiểu lý do gì mà không đến nữa. Sau đó không lâu thì đến lượt mụ vợ treo cổ tự vẫn mà chết. Nói ra bác lại bảo ác mồm ác miệng chứ cái ngữ vợ chồng nhà đấy chết thảm những người khác chỉ thấy hả hê chứ chả ai thương tiếc gì. Khéo được cả vợ cả chồng cái thói hách dịch cậy có đồng tiền trong tay là không xem ai ra gì. Mà cái giống làm ăn trên thân xác của đàn bà phụ nữ thì lấy đâu ra phúc đức. Tuy bề ngoài đó chỉ là nhà trò chỗ để khách đến nghe hát, chứ thực chất bên trong họ buôn hoa bán nguyệt cả trấn này nào có ai lạ gì.
Sau khi hai vợ chồng nhà ấy chết thì khu nhà trò được đứa con trai bán rẻ lại cho chủ mới. Có người thấy giá hời vẫn đồng ý mua lại nhưng chả làm ăn được gì. Thấy bảo đồ ăn trong nhà cứ tự nhiên bị thối rữa hết không hiểu lý do. Mà khách đến ở trong phòng đang đêm cứ nghe tiếng gõ cửa sầm sầm bên ngoài. Nhưng ra bên ngoài thì lại không có ai cả. Cứ thế lời đồn truyền ra bên ngoài, lại sau cả nhà chủ mới phải bỏ của chạy lấy người ngay trong đêm, từ đấy khu nhà trò bị bỏ hoang có cho những người ăn mày cũng không dám bén mảng vào.”
Ông Hai ngồi trầm ngâm trên ghế suy nghĩ. Ông xâu chuỗi lại toàn bộ dữ liệu mà ông thu thập được qua lời kể của Trần Dương. Giờ đây những điều ông thắc mắc vào đêm hôm trước về trấn Rừng Thông này đã có câu trả lời. Tuy nhiên căn nguyên dẫn đến mọi chuyện thì vẫn còn là một ẩn số. Và ông sẽ là người vén ra bức màn cuối cùng sự thật phía sau những câu chuyện kì lạ bao quanh trấn Rừng Thông suốt năm năm qua.
Những gì cần hỏi cũng đã hỏi hết, lúc này ông lại nhìn vào bàn đồ cúng mà vợ chồng Trần Dương chuẩn bị đương được đặt ở trước cửa ngôi nhà rồi hỏi:
“Cô cậu tính làm gì với chỗ này?”
Vợ Trần Dương lúng túng đáp:
“Hồi đêm tôi bị doạ cho sợ quá, cứ nghĩ lũ trẻ ấy muốn đến để bắt mình đi làm mẹ chúng nên sáng nay hai vợ chồng mới bàn nhau bày lễ cúng để mong chúng tha cho. Nói thật những chuyện cúng bái này tôi cũng không rành lắm đâu, nhưng hết đường rồi giờ không biết bấu víu vào đâu nữa cả…”
Lời thị vừa dứt, ông Hai đã vuốt râu cười khà khà rồi nói:
“Cô cậu nghĩ làm vậy là có thể thoát khỏi chúng hay sao? Đúng là ngây thơ. Ta nói cho cô cậu biết, việc cúng bái tuỳ tiện như vậy nhiều khi không những không được việc mà còn tạo điều kiện rước ma quỷ ở ngoài vào nhà lộng hành đó. Bây giờ nghe ta dẹp hết chỗ đồ cúng này đi rồi mở cửa tiệm buôn bán bình thường. Ta cá là bọn chúng sẽ không quay lại đây nữa đâu. Những chuyện còn lại cứ để ta lo. Nhưng trước hết chắc phải ở lại làm phiền vợ chồng cô cậu mấy hôm, khi nào giải quyết xong mọi chuyện ta sẽ đi.”
Vợ chồng Trần Dương nghe vậy thì mừng lắm. Mặc dù chưa biết ông Hai đạo pháp cao tay đến đâu, nhưng vào tình cảnh như lúc này có người đồng ý giúp, còn nước còn tát được đến đâu hay đến đấy. Trần Dương nhìn những vết thương trên người vợ mình rồi hỏi:
“Vậy những vết thương này của vợ tôi bác biết phải làm gì không? Nó hoàn toàn không đau gì cả, chỉ tự dưng tím bầm lại vậy thôi.”
Ông Hai đáp:
“Những vết này không đáng ngại. Bây giờ nghe ta chị nhà đi hái một nắm lá bưởi về nấu nước tắm gội sạch sẽ toàn thân để tẩy trừ uế khí đã nhiễm vào người. Sau đó đốt hương trầm trong nhà suốt ba ngày ba đêm, hương trầm sẽ giúp thanh tẩy hết những phần tà khí còn vướng lại trong nhà này. Mỗi ngày 2 lần sáng tối chị luộc trứng gà, bóc vỏ nhân lúc hẵng còn nóng lăn đều lên trên những vết bầm này đến khi nào trứng nguội thì dừng lại. Những quả trứng đã dùng rồi nhớ đem bỏ ở nơi kín đáo tránh con chó con mèo nào ăn phải sẽ bị ảnh hưởng đến dương khí của chúng. Làm đúng lời ta dặn chỉ vài hôm là khỏi hẳn.”
Nói rồi ông nhanh tay lột luôn cái vòng bằng gỗ trầm vẫn đeo trên tay mình xuống, đặt vào tay vợ Trần Dương rồi nói:
“Để cảm ơn tấm thịnh tình của vợ chồng hai người, cô hãy nhận lấy cái này. Xem như đây là một món quà chúc phúc của ta đến hai người. Cô hãy nhận lấy và nhớ phải luôn đeo nó bên người, sẽ có một bất ngờ lớn dành cho hai vợ chồng cô cậu đó.”
Ông Hai nói rồi lại vuốt chòm râu của mình rồi cười khà khà. Mặc dù không hiểu hết những ẩn ý sau câu nói của ông, nhưng vợ Trần Dương cũng cung kính nhận lấy cái vòng rồi tiện tay đeo luôn vào tay mình, cô còn không quên cúi đầu cảm kích đối với ông. Sau đó theo lời ông Hai đã dặn, hai người dọn dẹp hết chỗ đồ cúng trên bàn rồi mở cửa bán hàng như chưa có chuyện gì xảy ra.
Bên ngoài mặt trời đã lên cao, cánh cửa gỗ vừa được mở ra ánh nắng đã theo đó mà tràn vào trong nhà mang theo cái ấm áp xua tan đi bầu không khí ảm đạm ban nãy. Ngoài đường tiếng mua bán trò chuyện huyên náo cả dọc dãy phố. Ông Hai bước ra ngoài tiệm, hoà lẫn vào đám đông đang tấp nập mua mua bán bán.
Ra khỏi cửa tiệm Hoa Gấm, ông Hai nhằm hướng cuối dãy phố mà bước tới. Ông muốn tận mắt xem xét tình hình của trấn hiện tại. Khác với vẻ ảm đạm u uất lúc chập tối ngày hôm qua khi mà ông mới đặt chân tới đây, lúc này dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, toàn bộ ám khí đã bị đẩy lùi đi đâu mất, mọi sinh hoạt của trấn vẫn diễn ra bình thường hệt như chưa từng có chuyện gì xảy ra ở đây. Chả trách mà sau nhiều biến cố như vậy, nhiều người vẫn bám trụ lại trấn này để tiếp tục mưu sinh.
Càng đi sâu vào trong ông Hai thấy càng có nhiều cửa tiệm lớn bị đóng cửa. Đặc biệt là ở phía cuối dãy phố, những tiệm ở cạnh khu nhà trò đều đã bỏ không, biển hiệu bị mạng nhện và lớp bụi thời gian che kín hết cả. Dừng chân trước khu nhà trò rộng lớn nay đã bị bỏ hoang, ông Hai đứng cách xa một đoạn nheo mắt quan sát tỉ mỉ một hồi nhưng tuyệt nhiên không bước chân lại gần. Được một lúc thì ông quay lưng trở về tiệm vải Hoa Gấm. Từ đó cho đến đêm ông chỉ ở trong nhà không bước chân ra ngoài nữa.
Buổi tối sau khi ăn cơm xong ông liền căn dặn vợ chồng Trần Dương:
“Cô cậu ăn cơm xong thì cứ đi ngủ như bình thường, nửa đêm thấy tiếng mở cửa cũng đừng ngạc nhiên mà làm gì. Là tôi có việc cần phải đi ra ngoài đó.”
Vợ Trần Dương nghe ông Hai nói nửa đêm muốn đi ra ngoài liền tái mét mặt mày, thị lo lắng hỏi lại:
“Ban đêm ở ngoài nguy hiểm lắm, bác ra đấy mà làm gì? Những đứa trẻ ma ấy chỉ chờ có người ra ngoài là trêu ghẹo thôi, mới đêm qua chúng còn đánh tôi bầm tím hết cả người đây này.”
Vừa nói thị vừa đưa tay sờ lên những vết bầm tím trên khắp cơ thể mình. Ông Hai vẫn bình tĩnh khẽ mỉm cười mà đáp:
“Có vào hang thì mới bắt được cọp con chứ. Ta muốn tận mắt nhìn thấy những đứa trẻ ấy để xem rốt cuộc chúng là ai mà lại dám tác oai tác quái ở đây lâu như vậy. Cô cậu cứ yên tâm, ta tự đã có dự liệu cả rồi.”
Thấy thái độ dứt khoát đó của ông Hai, vợ chồng Trần Dương cũng không dám gàn nữa. Đành dặn ông hết sức cẩn thận rồi về phòng đi ngủ. Ông Hai cũng về phòng tranh thủ ngủ sớm một giấc, đêm nay hẳn là sẽ phải tổn hao nhiều sức lực.
Đúng đầu giờ tý ông Hai trở dậy, chỉ khoác thêm cái áo ngoài rồi cứ thế một mình tay không bước ra ngoài đường. Tầm này trời mới bắt đầu vào thu, thời tiết ban đêm se se lạnh rất dễ chịu. Ngoài đường lúc này im phăng phắc không một bóng người. Ông Hai rảo bước trên đường nhằm hướng ngã 3 mà bước tới, vừa đi vừa ngó nghiêng như muốn tìm kiếm một thứ gì đó.
Đến ngã 3 giữa chợ nơi mà theo Trần Dương kể, ông cụ hành khất lần đầu tiên gặp lũ trẻ ma thì ông dừng lại. Một cơn gió mạnh thốc tới làm ông cảm thấy hơi rùng mình ớn lạnh. Không để ông phải đợi lâu, thoảng trong cơn gió lạnh buốt ấy đã có tiếng cười khúc khích của trẻ con thoảng lại. Biết là chúng đang tới, ông Hai đưa tay bắt ấn trước mặt rồi đọc khẩu quyết:
“Thiên địa hợp ngã, sức mạnh thần thông, ẩn trì năng lực, cấp cấp như luật lệnh, ẩn!”
Đọc xong câu chú, ông lại giả bộ như chưa có chuyện gì xảy ra, ngồi xuống một góc đường co ro run rẩy. Chưa đầy mươi phút sau, lũ trẻ đã rồng rắn nối đuôi nhau từ cuối dãy phố tiến về phía ông. Vừa đi chúng vừa hát vang bài đồng dao quen thuộc:
“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cổng nhà trò
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho lê đi học
Cho sóc ở nhà
Cho hà bới bếp …”
Đến ngã 3, nhận thấy có người ngồi bên lề đường, lũ trẻ dừng lại hích vào người nhau rồi cười lên thích thú. Đứa bé gái dẫn đầu nhìn ông Hai đầy dò xét rồi hỏi:
“Ông là ai, sao lại ở đây giờ này?”
Ông Hai thấy lũ trẻ giả bộ vui mừng chạy tới trước mặt chúng rồi hỏi:
“Chào các cháu. Ta từ xa mới lưu lạc tới đây. Đến nơi thì đã quá nửa đêm rồi không tìm được chỗ trọ. Các cháu có biết ở đây nhà nào cho thuê trọ không chỉ giùm ta, ta cho tiền mua kẹo chịu không?”
Đứa bé dẫn đầu lại đáp:
“Ở đây không có chỗ nào cho thuê trọ đâu. Nếu ông muốn chúng cháu có thể dẫn ông về nhà ở tạm một đêm. Nhưng mà… có điều kiện đã.”
Nói rồi cả bọn lại cùng cười lên khành khạch. Ông Hai giả bộ ngơ ngác hỏi:
“Điều… điều kiện gì cơ?”
“Ông phải chơi cùng chúng cháu đã. Nếu ông thắng thì cháu sẽ dẫn ông về nhà.”
Biết là bọn trẻ không phát hiện ra mình là thầy pháp và đã cắn câu, ông Hai không chần chừ liền gật đầu đáp:
“Được. Các cháu muốn chơi trò gì? Nhớ giữ lời hứa đấy nhé.”
Lũ trẻ lại tụm đầu với nhau rồi hỏi:
“Trò gì nhỉ?Hôm nay chơi trò gì được nhỉ?”
“Lâu lắm rồi không có ai chơi với chúng ta.”
“Hay là trơi trò trốn tìm đi!”
“Đúng rồi chơi trò trốn tìm đi!”
Sau khi thống nhất trò chơi, đứa bé gái đứng ra thương lượng:
“Hôm nay chúng cháu muốn chơi trò trốn tìm. Nếu ông thắng bọn cháu sẽ dẫn ông về nhà đêm nay. Nhưng nếu ông thua sẽ bị phạt đấy nhé!”
“Được thôi. Các cháu muốn phạt gì ta nào?”
“Phạt ông đêm nào cũng phải tới đây chơi cùng bọn cháu! Hihihihi…”
Lũ trẻ đồng thanh đáp rồi cười lên khúc khích. Ông Hai cũng cười khà khà đồng ý với giao kèo của bọn nhỏ. Bước vào trò chơi, ông Hai sẽ là người đi tìm, những đứa trẻ ma chia nhau đi trốn. Ông Hai vừa nhắm mắt lại, chúng đã túm đầu vào với nhau thì thào điều gì đó rồi cười lên đầy bí hiểm, sau đó tất thảy chúng đều tan ra thành một làn khói mỏng tản đi mỗi đứa một nơi.
“Năm
Mười
Mười lăm
….
Chín lăm
Một trăm
Hết giờ ông bắt đầu đi tìm đây, trốn cho kĩ đấy nhé!”
Sau khi đếm đến một trăm thì ông Hai bỏ hai tay đang che mắt mình xuống, quay lưng lại rồi bắt đầu đi tìm. Lúc này phía sau lưng ông im phăng phắc, tiếng cười nói huyên náo của lũ trẻ đã biến đi đâu mất. Đảo mắt quét một vòng xung quanh, ông không nhìn thấy bất kì đứa nào cả, cứ như thể chúng đã tàng hình đi vậy. Ông Hai khẽ mỉm cười tự nhủ trong đầu: “là các cháu chơi ăn gian trước đấy nhé!” Nghĩ rồi ông khẽ nhắm mắt lại, lầm rầm đọc câu chú khai nhãn trong miệng. Lần này khi ông mở mắt ra, dưới đôi mắt của ông mọi vật hiện lên rõ mồm một như giữa ban ngày. Và ẩn nấp sau những đồ vật ở dọc hai bên đường mà những người bán hàng ban ngày để lại như cái phản của bà bán thịt, sạp của người bán cá, bộ bàn ghế của bà bán xôi… lấp lánh những đôi mắt màu vàng khè như hai đốm lửa. Có đứa còn trốn cả trong những tán lá cây lộc vừng um tùm. Những đứa trẻ đang ngoác miệng ra cười, chúng đưa tay để cố bụm miệng lại ngăn cho âm thanh không phát ra. Trông chúng háo hức ngây thơ hệt như những đứa trẻ bình thường. Chỉ có điều… ông Hai khựng người lại như không tin vào mắt mình. Ông khẽ nhắm mắt của mình lại một hồi lâu rồi mới mở ra, cẩn thận quan sát lại một lần nữa như để xác nhận lại những gì mà mình vừa thấy. Đúng là ông không nhầm. Những đứa trẻ trước mắt ông, thân xác của chúng chỉ là một vỏ bọc ảo giác tự thân chúng tạo thành. Thực ra cốt lõi linh hồn của chúng chỉ là những bào thai còn chưa hình thành. Tất cả những đứa trẻ ở đây đều chỉ là một bào thai bé xíu, phải sử dụng đến đôi mắt âm dương của mình ông mới nhìn thấy được nguyên hình của chúng. Ông khẽ quét mắt một lượt để đếm lại, tất thảy có 17 đứa. Duy có đứa bé gái lớn nhất là ông không thấy nó trốn ở đâu?
Sau khi lấy lại bình tĩnh, ông bắt đầu hắng giọng rồi nói lớn:
“Nào! Nào! Trốn cho kĩ ông bắt đầu đi tìm đấy nhé.”
Nghe vậy những đứa trẻ lại khẽ núp mình sâu hơn vào chỗ trốn. Mỗi lần ông Hai giả bộ đi qua chỗ chúng nhưng không nhìn thấy gì, linh hồn chúng lại khẽ rung lên vì vui sướng. Đợi ông Hai đi xa chỗ nấp của mình, chúng bắt đầu nháy nhau cười lên khúc khích. Nghe tiếng cười, ông Hai lập tức quay người lại ngó nghiêng tìm kiếm. Lũ trẻ cũng lập tức im thin thít. Ông Hai giả bộ không nhìn thấy toan quay đi tìm chỗ khác. Thì phía sau lưng ông tiếng cười lại cất lên. Cứ thế ông Hai trêu đùa với bọn nhỏ đến khi thấm mệt, trời đã dần chuyển về sáng thì ông bắt đầu đổi chiến thuật. Ông lần lượt lôi từng đứa ra khỏi chỗ nấp của mình. Mỗi lần bị ông Hai chỉ điểm, chúng tiu nghỉu vẻ mặt đầy tiếc nuối vì phải rời trò chơi quá sớm. Nhưng rồi tâm lý trẻ con cũng nhanh chóng qua đi, những đứa bị bắt sớm đứng tụm lại một chỗ hô vang tên những đứa tiếp theo bị bắt rồi cùng nhau cười khoái chí. Nhìn vẻ mặt hồn nhiên vui vẻ của chúng, đã nhiều lúc ông Hai quên luôn là mình đang chơi cùng những đứa trẻ ma nguy hiểm. Và chính lũ trẻ này đã nguyền rủa trấn Rừng Thông suốt nửa thập kỉ qua. Trông chúng hồn nhiên đúng tuổi hệt như những đứa trẻ con nhà dân bình thường khác.
Rất nhanh sau đó, ông Hai đã chỉ điểm ra chỗ nấp của tất thảy 17 đứa bé, duy chỉ còn đứa bé gái dẫn đầu là không thấy đâu. Nghĩ cũng lạ, không biết nó đã trốn ở đâu mà từ đầu đến giờ ông chưa từng nhìn thấy nó. Không có gì có thể lọt qua đôi mắt âm dương của ông, trừ khi đứa bé ấy không có ở đây. Ông soi kĩ từng ngóc ngách ở xung quanh mình vẫn không thấy tăm hơi nó đâu. Những đứa trẻ khác thì vẫn nhìn ông mà bụm miệng cười khanh khách. Nhìn điệu bộ của chúng, ông Hai thấy có gì đó không đúng thì phải. Ông khựng người lại không tìm kiếm nữa, nhìn lũ trẻ dò xét. Lúc này ông mới để ý đến cái cảm giác nằng nặng ở trên vai mình. Giờ thì ông đã hiểu lý do tại sao bọn trẻ cứ nhìn ông cười như vậy. Thì ra ngay từ khi ông nhắm mắt bắt đầu đếm thì đứa bé gái ấy đã lợi dụng cơ hội trèo lên đầu ông ngồi vắt vẻo trên đấy. Ông cũng mải nhập tâm vào trò chơi nên không phát hiện ra.
Ông cười khà khà rồi bất ngờ đưa tay chộp lên trên đầu mình lôi cổ đứa bé gái ấy xuống. Bàn tay ông chạm vào cơ thể nó lạnh buốt như nước đá. Bị bất ngờ nó không kịp chống cự, ngoan ngoãn đứng vào hàng cùng những đứa trẻ khác. Lúc này ông Hai nhìn khắp lượt bọn trẻ cười lớn rồi nói:
“Vậy là ông thắng, các cháu đã thua, trò chơi kết thúc rồi nhé. Bây giờ giữ đúng thoả thuận chúng ta về nhà thôi, ông đi đường xa đến đây mệt lắm rồi.”
Đang buồn vì lần đầu tiên chơi trò chơi mà bị thua cuộc trước khi trời sáng, nghe ông Hai nhắc đến về nhà đứa bé gái liền thay đổi sắc mặt, nó cười bí hiểm rồi đáp lại:
“Được thôi. Chúng ta đi về nhà.”
Lũ trẻ dường như đã quen với ông Hai, chúng không giữ khoảng cách như trước nữa mà xúm lại vây tròn lấy ông, đứa thì kéo tay, đứa ôm chân như thể thân thiết từ lâu lắm rồi. Đây là lần đầu tiên có người chơi thắng nên bọn chúng mới cảm thấy phấn khích như vậy. Quả thật nếu lúc nào cũng thắng thì trò chơi đâu còn gì là thú vị nữa?
Lúc này nếu có ai trông thấy, thì cảnh tượng trước mắt cực kì kinh dị. Một ông lão đã ngoài ngũ tuần, xung quanh là rất nhiều vong hồn trẻ con có đôi mắt sáng quắc như mắt mèo sáng bừng trong đêm tối. Tuy nhiên ông Hai lại không có chút nào dè chừng hay sợ hãi cả. Tiếp xúc với chúng từ đầu ông đã nhận thấy lũ trẻ chỉ là những vong hồn rất đáng thương, không có tâm niệm xấu. Duy chỉ có đứa bé gái lớn nhất là vẫn dè chừng với ông, nó quyết giữ khoảng cách và giữ nguyên khuôn mặt lạnh băng không cảm xúc. Có chăng, đằng sau mọi chuyện còn có ẩn khúc gì chăng?
Giữ đúng lời hứa, lũ trẻ dẫn ông đến trước nhà trò thì dừng lại. Chỉ bằng một cái phẩy tay, đứa bé gái khiến cánh cửa gỗ nặng nề tự động mở ra, tiếng bản lề kêu lên ken két vì bị hoen rỉ lâu ngày. Bên trong cảnh vật im lặng như tờ, mùi ẩm mốc sộc ngay vào mũi. Ông Hai đưa mắt quét nhanh một lượt khắp căn nhà, chỗ nào cũng thấy đồ đạc ngổn ngang vương vãi. Trong nhà âm khí nặng nề bao phủ, không khí lạnh lẽo hơn bên ngoài gấp nhiều lần. Đúng là đã rất lâu rồi không có người sống lưu lại nơi này.
Khi cánh cửa phía sau lưng nặng nề khép lại, ông Hai quay qua bắt chuyện với những đứa trẻ hẵng còn đang vây lấy mình:
“Các cháu ở đây một mình sao? Cha mẹ của các cháu đâu?”
Những đứa trẻ nghe hỏi đến cha mẹ mình thì ánh mắt cụp xuống, vẻ mặt buồn rầu đáp:
“Họ đã bỏ đi hết rồi. Chúng cháu chỉ ở đây có một mình thôi.”
Ông Hai xoa đầu chúng rồi bảo:
“Đừng buồn. Nếu các cháu muốn thì ta sẽ ở đây làm bạn cùng các cháu, chịu không?”
Đúng là trẻ con, vừa buồn đấy nhưng nghe câu nói của ông Hai chúng liền lập tức trở nên vui vẻ ngay được. Chúng nhảy cẫng lên rồi nói:
“Hay quá! Ông hứa nhé? Ông hứa sẽ đến đây chơi với bọn cháu thật nhé? Ở đây không ai muốn chơi cùng bọn cháu cả.”
Ông Hai nhìn lũ trẻ mà trong lòng chợt dấy lên một niềm thương cảm. Khi đã bước chân vào trong khu nhà trò bỏ hoang này, lại nhìn thấy nguyên hình của đám trẻ trước mắt bằng đôi mắt âm dương của mình, ông đã đoán ngay ra xuất thân của chúng. Rất có thể, chúng chính là những bào thai xấu số bị những cô gái làng chơi ở nhà trò này phá bỏ. Số lượng quá nhiều dẫn đến âm khí tích tụ bị dồn nén mới khiến oán khí ở đây nhiều đến như vậy. Duy chỉ có đứa bé gái cầm đầu lũ quỷ nhi này là dùng nguyên hình thật của nó, nó chết lúc chỉ tầm năm tuổi. Và nó là đứa duy nhất trong đám trẻ vẫn luôn giữ đề phòng với ông Hai. Không hiểu sao vừa trông thấy nó ông đã có cảm giác gì đó rất quen thuộc, cứ như ông đã gặp nó hoặc ai đó giống nó ở đâu rồi thì phải.
Thấy những đứa khác cứ quấn quít lấy ông Hai, gương mặt nó cau lại đằng đằng sát khí. Lúc này ông Hai đã làm quen được gần hết với lũ trẻ, chúng cũng có tên gọi riêng của mình. Đứa thì là tên mà lúc còn trong bụng mẹ chúng đã gọi, đứa thì do con bé cầm đầu tên Sún đặt cho. Đúng lúc ấy tiếng gà gáy sáng trong làng cất lên. Con bé Sún như chỉ chờ có thế, nó nguýt dài những đứa khác một cái, rồi quay qua ông Hai nói:
“Trời sáng rồi, ông đi về đi.”
Ông Hai nhìn nó nghi hoặc hỏi lại:
“Không phải đã thoả thuận nếu ông thắng các cháu sẽ cho ông ở lại đây sao?”
Nó cười bí hiểm rồi đáp:
“Đúng vậy. Nhưng ông chỉ được ở đây đến hết đêm thôi, bây giờ trời sáng rồi thì xem như xí xoá. Ông đi về đi bọn cháu còn phải đi ngủ.”
Những đứa trẻ nhìn ông Hai với vẻ mặt đầy tiếc nuối rồi lại quay qua con bé Sún với ánh mắt van lơn. Có vẻ chúng cũng không muốn ông Hai phải ra về vào lúc này. Đây là lần đầu tiên trong đời chúng cảm nhận được có người quan tâm đến mình như vậy. Nhưng con bé Sún vẫn dứt khoát phẩy tay một cái, cánh cửa gỗ lại kẽo kẹt mở ra. Ông Hai biết bây giờ có ở lại cũng không khai thác thêm được gì, vì sau khi trời sáng linh hồn những đứa trẻ không thể xuất hiện được nữa. Hơn nữa nếu cố ở thêm một lúc nữa, khi mà trời sáng hẳn người dân họp chợ ở đây phát hiện ra ông lẻn vào ngôi nhà bị bỏ hoang sẽ nảy sinh nghi ngờ. Lúc này ông đã có dự liệu riêng chưa muốn mọi chuyện bị làm rùm beng lên mà hỏng chuyện. Nghĩ vậy ông đành đứng dậy ra về. Trước khi đi không quên hẹn lũ trẻ tối mai lại gặp và chơi trò chơi ở ngã ba giữa trấn. Bọn trẻ nghe vậy thì mừng lắm ríu rít cả lên. Con bé Sún đợi ông vừa bước ra khỏi liền lạnh lùng đóng cửa lại đánh sầm một cái.
Ông Hai lại lầm lũi bước trở về tiệm vải Hoa Gấm. Bên ngoài trời đã bắt đầu tảng sáng nhưng vẫn chưa có ai dám bén mảng ra đường. Một đêm thật dài đã trôi qua, lúc này ông Hai đã thấm mệt nhưng trong lòng lại khấp khởi vui mừng. Bởi lẽ tuy chưa khai thác được thông tin từ lũ tiểu yêu về lí do tại sao suốt năm năm qua trong trấn này lại không có đứa trẻ nào được ra đời, nhưng ông cũng đã bước đầu tiếp cận được với chúng và có những dự liệu của riêng mình. Mọi chuyện có vẻ như sẽ không khó khăn như ông vẫn nghĩ.