Bạn đang đọc: MƯỢN TAY NUÔI NGẢI

Chương 5 – Hoạ ở trấn Rừng Thông

25/12/2023
 
 

Chương 5: Hoạ ở trấn Rừng Thông

“Cu Tũn! Cu Tũn! Đứng lại chờ bố với! Tũn ơi!”

Ông Hai bật dậy giữa giường, mồ hôi vã ra như tắm. Ông lại nằm mơ giấc mơ kinh hoàng vẫn luôn ám ảnh ông suốt thời gian qua. Trong mơ, là một cậu thanh niên chạc tuổi cu Tũn, ông cũng không dám chắc đó có phải là cu Tũn con mình hay không vì ông rời đi khi cậu mới chỉ vừa 3 tuổi, lúc này đã hơn hai mươi năm trôi qua. Nhưng linh cảm của một người cha luôn mách bảo với ông rằng, cậu thanh niên xuất hiện trong giấc mơ mỗi đêm chính là con trai của ông.

Đêm nay ông lại mơ thấy người thanh niên ấy. Trong một không gian tối thui như mực, duy chỉ có cậu thanh niên mặc đồ ngủ bằng lụa màu trắng là nổi bật lên trên tất cả. Cậu ngồi trong góc nhà, trên tay đang khẽ ve vuốt một chú chó nhỏ có bộ lông tơ màu vàng óng. Chú chó đôi mắt lim dim tận hưởng sự ve vuốt từ người chủ của mình mang lại. Bất chợt đôi mắt của cậu thanh niên kia dần biến đổi thành một màu đỏ tươi như máu, cả khuôn mặt cậu ta mờ mờ ảo ảo ông không thể hình dung được, duy chỉ có đôi mắt là rực đỏ vằn vện những tia máu. Đôi tay ve vuốt con chó kia bỗng chốc run lên bần bật, từng mạch máu nổi lên như những con rắn chạy rần rần trên bàn tay gân guốc. Cả cơ thể cậu phút chốc cũng rùng mình chao đảo, cậu khó chịu liên tục lắc đầu nguầy nguậy như đang muốn chống đối lại thứ gì đó kinh khủng lắm xuất phát từ chính trong đầu mình.

Trong vô thức, đôi bàn tay rắn chắc của cậu cứ thế siết chặt lại để kẹt ở giữa là cái cổ của con chó nhỏ tội nghiệp. Bị siết mạnh, con chó cố sức quẫy mạnh tứ chi của mình hòng thoát ra ngoài nhưng vô ích. Sức lực yếu đuối của nó làm sao chống lại được với đôi bàn tay cứng như gọng kìm kia. Thậm chí nó còn chẳng kịp kêu lên tiếng nào, yếu ớt vùng vẫy một hồi rồi ngưng hẳn. Lực siết ở cổ nó mạnh đến mức vắt cho máu từ miệng, từ mũi, từ mắt nó chảy ra ướt đẫm cả bộ lông vàng óng. Nó chết mà không biết lý do tại sao mình lại chết. Mới chỉ vừa phút trước nó còn nằm ngoan ngoãn trong vòng tay của chủ nhân, mà chỉ phút sau cũng chính đôi bàn tay mới vừa vuốt ve ấy lại kết liễu nó một cách thô bạo nhất.

Đến khi chú chó nhỏ tội nghiệp đã nằm im trong tay không còn cử động nữa thì ánh mắt của cậu thiếu niên cũng dần trở lại bình thường. Cậu ngơ ngác nhìn vào cái xác đẫm máu của chú chó trên tay mình thét lên một tiếng kinh hoàng cứ như ban nãy là một ai khác đã giết chú chó nhỏ của cậu ta vậy. Cậu ôm đầu bật khóc nức nở. Rồi cậu bật dậy vùng ra khỏi bóng tối bỏ chạy ra ngoài. Ông Hai chỉ kịp nhìn thấy bóng lưng của cậu khuất sau bức tường đá. Ông chạy theo cố gắng gọi thật to tên cu Tũn nhưng không có ai đáp lại lời của ông cả. Đúng lúc ấy thì ông tỉnh dậy.

Lúc này bên ngoài trời đã sáng tự lúc nào. Tiếng ồn ào của những người dân đi chợ dưới lòng đường làm ông tỉnh hẳn. Ngồi dậy tiến tới cạnh cửa sổ đứng từ trên nhìn xuống, các cửa hiệu xung quanh đã mở cửa tấp nập mua bán. Dưới đường cũng có nhiều người đi lại. Trái ngược với khung cảnh hồi đêm, lúc này ông Hai mới thấy trấn này có chút sinh khí. Chợt ông khẽ nhíu mày khó hiểu khi phát hiện ra, cánh cửa ra vào của tiệm vải Hoa Gấm vẫn đang đóng, các cửa tiệm xung quanh đều đã dọn hàng ra cả riêng cửa hiệu nhà Trần Dương vẫn chưa có động tĩnh gì. Ông tự nhủ trong đầu, “lẽ nào vợ chồng Trần Dương ngủ quên hay sao?” Nghĩ vậy ông lại lật đật chạy xuống nhà.

Đến nơi thì thấy vợ chồng Trần Dương đã dậy từ lúc nào, cả hai người đang tất bật bày một mâm cúng với đủ thứ đồ lễ hoa quả bánh kẹo ở ngay trước cửa ra vào của cửa tiệm. Thấy lạ ông Hai liền cất tiếng hỏi:

“Hôm nay cô cậu không mở cửa tiệm sao? Nhà có giỗ hay sao mới sáng ra đã bày biện lễ như thế này rồi?”

Lúc này ông mới để ý thấy mặt mũi tay chân của vợ Trần Dương có nhiều vết bầm tím, ông nhớ không nhầm thì hồi tối lúc ngồi ăn cơm vẫn chưa có những vết này xuất hiện. Còn chưa kịp đợi hai vợ chồng Trần Dương trả lời câu hỏi của mình, ông đã vội tiến tới túm vội lấy cánh tay của người vợ giữ chặt lại. Giọng ông lắp bắp hỏi tiếp:

“Tay chân cô bị làm sao thế này? Ai đã làm gì cô vậy hả?”

Hỏi rồi ông đưa mắt nhìn sang Trần Dương chờ đợi một câu trả lời. Vợ cậu đôi mắt ầng ậng nước vội rụt tay mình lại rồi nói:

“Ấy bác đừng hiểu nhầm, những vết thương này không phải do chồng em đánh đâu.”

Ông Hai vội đáp lại ngay:

“Chuyện này thì tôi biết. Bởi vừa nhìn qua thôi tôi đã biết những vết thương trên người cô không phải do con người gây ra rồi. Rốt cuộc đêm qua đã xảy ra chuyện gì?”

Trần Dương tròn xoe đôi mắt nhìn ông Hai thảng thốt hỏi:

“Chuyện này… chuyện này làm sao ông biết?”

Ông Hai đưa tay vuốt bộ râu của mình, ông trầm ngâm đáp:

“Chuyện kể ra thì dài lắm. Nhưng suốt hơn 20 năm qua tôi đã có cơ duyên với cửa phật, học được một chút đạo pháp nên có thể thấy những điều mà mắt người thường không thể thấy. Rốt cuộc thì ở đây đã xảy ra chuyện gì cô cậu cứ nói ra biết đâu tôi lại giúp được thì sao?”

Trong lúc Trần Dương còn đang lưỡng lự chưa biết nên làm gì thì người vợ đã khóc lớn rồi nói:

“Đến nước này rồi mình còn giấu làm gì nữa. Chúng đã tìm đến tận nhà này rồi, em sợ là chúng ta sẽ không thể sống ở đây nữa đâu. Biết đâu bác ấy có thể giúp chúng ta thì sao?”

Trần Dương đáp:

“Thực ra không phải tôi muốn giấu bác làm gì. Nhưng vì bác cũng là chỗ thân thiết với ông cụ trước đây, lại là người từ xa đến chỉ ở đây vài ngày nên tôi mới không muốn kể ra sợ làm ảnh hưởng đến bác. Nay bác đã muốn biết thì mời bác ngồi xuống đây tôi sẽ kể rõ sự tình cho bác nghe.”

Nói rồi cả ba người kéo nhau lại phía bàn uống nước rồi ngồi xuống. Vợ Trần Dương đi pha một ấm trà mới trong khi cậu bắt đầu kể lại những chuyện vừa xảy ra hồi đêm. Nghe xong ông Hai nghi hoặc hỏi lại:

“Cậu nói là những đứa trẻ ấy bảo đến đây để tìm mẹ chúng sao?”

Vợ Trần Dương gật đầu lia lịa đáp:

“Vâng đích thị là bọn chúng đến đây để tìm mẹ. Khi mà tôi nói trong nhà này ngoài tôi ra không còn ai là phụ nữ nữa chúng liền nổi giận mà xông vào cắn xé tôi. Đây bác xem khắp người tôi còn đầy vết thương đây này. Mà sở dĩ chuyện đêm qua nó chỉ như một giấc mơ thôi chứ tôi nào có biết gì đâu. Sáng nay khi tỉnh dậy mới thấy trên người toàn vết bầm tím, nhớ lại chuyện hồi đêm tôi mới chạy ra ngoài xem thử thì trước cửa hẵng còn đầy dấu chân của chúng để lại. Chưa hết đâu, ngay cả trên cánh cửa cũng còn dính đầy những dấu tay bé xíu ướt mưa ở trên đó, bác không tin thì ra mà xem.”

Ông Hai nhấp một ngụm trà rồi lại bình tĩnh đáp:

“Không phải tôi không tin lời của cô cậu nói, bởi vừa nhìn qua tôi đã biết những vết bầm tím này không phải do con người mà là ma quỷ gây nên rồi. Chỉ là tôi đang thắc mắc xem tại sao chúng lại tìm đến đúng nhà này để tìm mẹ thôi. Hay cô có liên quan gì đến đứa trẻ nào trong số đó không?”

Vợ Trần Dương lại lắc đầu nguầy nguậy:

“Không! Không! Tôi không có liên quan gì đến chúng cả. Vợ chồng tôi lấy nhau cũng đã hơn mười năm nay, ban đầu là nghĩ còn trẻ lo tập chung vào sự nghiệp chuyện con cái sẽ tính sau. Nhưng sau đó lúc muốn sinh con thì ở trấn này không ai mang bầu được. Những đứa trẻ đó lạ lắm, chúng không phải người trong trấn này đâu, tôi chưa từng gặp qua chúng bao giờ cả.”

“Đây cũng là lần đầu chuyện này xảy ra ở trong trấn sao?”

“Những đứa trẻ này đã xuất hiện từ hơn năm năm trước rồi. Nhưng người ta chỉ gặp chúng và bị trêu ghẹo ở ngoài đường thôi, còn chuyện tìm đến tận nhà gõ cửa thế này thì đây là lần đầu tiên đó.”

Nói rồi thị lại rơm rớm nước mắt, gương mặt lo âu quay qua phía chồng mình nức nở:

“Bọn chúng bảo muốn đi tìm mẹ, có khi nào chúng là những đứa trẻ không có nơi nương tựa nay muốn tìm đến em để bắt đi làm mẹ chúng không hả mình? Chúng ta không thể tiếp tục sống ở đây được nữa rồi. Trời ơi, chúng tôi đã làm gì sao lại khổ như thế này!”

Ông Hai đợi thị qua cơn xúc động mới chậm rãi nói:

“Cô cậu cứ bình tĩnh đã chuyện đâu còn có đó đừng vội cuống lên mà sinh ra hỏng chuyện. Trước hết thì những suy đoán của cô không được đúng cho lắm. Vì theo như lời cậu Trần Dương đây kể lại thì lũ trẻ đó bảo đến đây để tìm mẹ, tìm không được nên mới tức giận mà lao vào đánh cô còn gì? Tức là chúng đến để tìm một người khác chứ không phải là tìm cô. Còn nguyên do tại sao lại gõ cửa nhà cô thì lại là một ẩn số chúng ta không giải đáp được. Nhưng chắc chắn trong nhà này phải có thứ gì đó thu hút chúng đến.”

Lúc này như sực nhớ ra điều gì, vợ Trần Dương khẽ reo lên:

“A nhắc mới nhớ, phải rồi! Chúng bảo nghe thấy tiếng mẹ chúng hát phát ra từ ngôi nhà này nên tìm đến. Nhưng vậy thì cũng không đúng, rõ ràng đêm qua tôi đi ngủ từ đầu tối, trong nhà này làm gì có ai hát đâu?”

Hai đôi mắt của ông Hai bỗng trở nên long lanh sau câu nói ấy. Giọng hát đang được nhắc đến ở đây nhẽ nào là của Ái Liên mẹ ông sao? Phải rồi! Nếu đúng như vậy thì mọi tình tiết đều trở nên hợp lý. Những đứa trẻ ấy tìm đến đây vì Ái Liên mới chỉ xuất hiện ở ngôi nhà này từ chiều tối hôm trước. Chúng bị hấp dẫn bởi tiếng hát, vậy có lẽ nào…

Nghĩ đến đây ông Hai lại quay qua phía vợ chồng Trần Dương mà hỏi:

“Trước đây trong trấn có từng xảy ra vụ án mạng nào liên quan đến nhiều trẻ em như vậy không? Ví dụ như mất tích, dịch bệnh hay bị sát hại chẳng hạn?”

Suy nghĩ một lúc lâu rồi vợ chồng Trần Dương quả quyết lắc đầu:

“Không, trong trấn này chưa từng có vụ án mạng nào liên quan đến nhiều trẻ em như vậy cả. Nhà chúng tôi là tiệm vải lớn, phần lớn người dân trong trấn đều là khách hàng của cửa tiệm nhà chúng tôi, những đứa trẻ ít nhiều cũng được bố mẹ chúng dẫn đến đây để lựa vải. Những đứa trẻ đêm qua tôi chưa từng thấy chúng bao giờ.”

“Vậy ban nãy hai người nói những đứa trẻ này xuất hiện ở đây từ hơn năm năm trước là sao? Tức là mọi người vẫn biết về sự tồn tại của chúng mà không thể làm gì? Có điều này không biết có ai từng nghĩ tới hay chưa, khi mà khoảng thời gian lũ tiểu yêu này xuất hiện lại trùng khớp với thời gian mà ở trấn này không ai có thể mang bầu. Khi vừa đặt chân đến đây tôi đã thấy oán khí ở đây rất nặng, cả trấn này đã bị nguyền rủa khiến không đứa trẻ nào có thể ra đời. Vậy rốt cuộc thì ai là người đã nguyền rủa trấn này, và oán hận sâu đậm đến mức nào mới có thể đưa ra lời nguyền độc ác đến như vậy? Năm năm trước ở đây đã xảy ra chuyện gì cô cậu hãy kể lại cho tôi biết, biết đâu tôi lại có thể giúp mọi người giải lời nguyền này thì sao?”

Vợ chồng Trần Dương nghe xong lại nhìn nhau, sau cùng Trần Dương đáp:

“Đúng là từ năm năm trước những đứa trẻ ma này đã xuất hiện ở trong trấn, nhưng quả thực không ai biết chúng là con cái nhà ai và vì sao lại có mặt ở đây cả.”

Ông Hai khẽ cau mày:

“Thật vô lý! Nếu như chúng không phải người ở đây tại sao lại hận những người dân trong trấn này đến như vậy? Phải rồi, chuyện gì đã xảy ra khiến trấn lại tiêu điều như lúc này?”

Vợ chồng Trần Dương lúc này gương mặt đã tái mét cả lại khi nhắc đến chuyện cũ. Đưa mắt nhìn ra cửa để thăm dò như sợ có ai đó đang nghe lén mặc dù cánh cửa vẫn được đóng kín chốt ở trong. Phía bên ngoài tiếng người dân đi chợ tấp nập qua lại vẫn vang lên inh ỏi. Đoạn cậu đưa tay vuốt mặt mình như để tập trung hồi tưởng lại những chuyện xảy ra vào năm năm trước. Cậu bắt đầu bằng giọng thì thào rất khẽ chỉ đủ cho ba người trong nhà nghe thấy.

“Giống như ông đã biết, trước đây trấn Rừng Thông vốn là một nơi sầm uất, từng được mệnh danh là kinh thành thu nhỏ. Hoạt động của dãy phố này diễn ra tấp nập từ sáng sớm cho đến tận đêm tối thì mới dừng. Cho đến một ngày trong trấn bắt đầu xảy ra những sự việc lạ lùng được cho là do ma quỷ gây nên.

Đầu tiên phải kể đến người đàn ông làm nghề hành khất ở trong chợ. Ông ta vốn là người vô gia cư không có nhà cửa người thân, suốt ngày lê la ở khắp con phố này để xin ăn, tối đến thì cắp theo manh chiếu rách ngủ nhờ trước hiên nhà người khác. Một buổi sáng sớm khi mà trời vẫn còn lờ mờ tối, các cửa tiệm bắt đầu rục rịch mở cửa chuẩn bị đón khách thì ai nấy đều thất kinh bởi tiếng thét phát ra từ cuối dãy phố. Nó đúng hơn là một tiếng rú đầy kinh dị, cứ như thể ai đó vừa trải qua sự việc gì kinh khủng lắm. Tò mò mọi người đều đổ dồn về phía có tiếng thét ấy, thì thấy ông cụ ăn xin tung cửa từ khu nhà trò bỏ hoang thất kinh bỏ chạy ra ngoài. Vừa chạy ông vừa rú lên đầy kinh hãi, gương mặt cắt không còn một giọt máu. Ra đến ngoài thấy đông người ông ta mới hoàn hồn mà dừng lại không chạy nữa. Đợi khi đã hoàn hồn trở lại ông cụ mới kể lại những chuyện xảy ra hồi đêm.

Số là như mọi ngày, khi con phố ngừng hoạt động, ngoài đường không còn ai qua lại cũng đã là gần nửa đêm. Ông ôm theo cái chiếu rách của mình tìm đến phản thịt của bà béo ở ngay ngã ba giữa chợ mà tá túc. Vừa đặt lưng xuống còn chưa kịp chợp mắt ông đã bị đánh thức bởi tiếng cười nói khúc khích nô đùa của những đứa trẻ con. Ông thắc mắc giờ này đã là nửa đêm không biết trẻ con nhà nào còn ra đường vào giờ này chơi đùa vậy không biết? Ông liền ngồi dậy xem với ý định khuyên bảo chúng về nhà đi ngủ. Lúc này trước mắt ông phải có đến khoảng hai chục đứa trẻ, đứa lớn nhất mới chỉ tầm năm tuổi. Bọn chúng đang nối đuôi nhau thành một hàng dài chơi trò rồng rắn lên mây ở ngay ngã ba giữa chợ. Đứa nào đứa nấy gầy gò đen nhẻm mà ăn mặc rách rưới không giống với con cái những nhà ở dọc dãy phố này chút nào. Ông lão ăn xin chưa từng nhìn thấy đông trẻ con như vậy bao giờ. Chắc lũ trẻ này đến từ những ngôi làng ở phía sâu bên trong trấn. Không biết giờ này sao chúng còn tập trung ở đây chơi mà chưa chịu về nhà?

Ông lão thất thểu bước ra giữa ngã ba tiến gần đến lũ trẻ, ông khẽ hắng giọng để đánh động đến chúng. Quả nhiên bọn trẻ đã nhìn thấy ông, chúng không cười nữa mà khựng hẳn lại, sau đó vẫn giữ nguyên hàng mà vòng thành một vòng tròn vây lấy ông ở giữa. Đứa trẻ lớn nhất là một đứa bé gái mới chỉ tầm năm tuổi đứng đối mặt với ông, vẻ mặt thách thức nhìn chằm chằm vào ông không chớp mắt. Ban đầu ông cụ còn chưa biết chúng là ai, chỉ nghĩ là những đứa trẻ ham chơi bình thường nên cất tiếng hỏi:

“Này các cháu, các cháu là con cái nhà ai sao giờ này còn chưa chịu về nhà? Nửa đêm còn ra đường chơi thế này không sợ bố mẹ ở nhà lo lắng hay sao?”

Lũ trẻ cười lên khúc khích rồi nói:

“Nhưng mà chúng cháu không có nhà, cũng không có bố mẹ. Hay là ông ở đây chơi với bọn cháu đi.”

Ông cụ liền lắc đầu rồi nói:

“Không được, bây giờ đã là nửa đêm rồi các cháu phải về nhà đi ngủ. Nếu muốn chơi thì sáng mai hãy ra đây ông sẽ chơi cùng các cháu được không nào? Nhà các cháu ở đâu để ông dẫn về.”

Lũ trẻ nghe vậy lại cười lên thích thú. Nửa đêm tiếng cười của chúng lanh lảnh vang lên khắp bốn bề khiến ông cụ cũng có cảm giác rùng mình. Tuy nhiên lúc đó trong trấn chưa ai biết về sự tồn tại của những đứa trẻ ma này nên ông cụ cũng không lấy làm sợ hãi. Đứa bé gái dẫn đầu lúc này mới nói:

“Hay là bây giờ như vậy đi, ông chơi với chúng cháu, nếu ông thắng thì chúng cháu sẽ để ông dẫn về nhà được không?”

Ông cụ nhìn lũ trẻ khẽ mỉm cười, chỉ là một đám trẻ con lít nhít lên ba, chơi với chúng thì quá dễ dàng. Nghĩ vậy ông liền gật đầu đồng ý. Tuy nhiên đây có lẽ là sai lầm lớn nhất cuộc đời của ông, khiến ông sau đêm đó đã chẳng còn dám ở lại trấn Rừng Thông này thêm một ngày nào nữa.

Thấy ông gật đầu đồng ý chơi cùng, đứa bé gái lại mỉm cười xảo quyệt rồi nói:

“Khoan đã! Nếu ông thắng thì bọn cháu sẽ chỉ nhà để ông đưa về, còn nếu như ông thua thì sao? Phải có hình phạt chứ?”

Ông cụ liền hỏi:

“Vậy các cháu muốn hình phạt gì? Chẳng phải việc ta đưa các cháu về nhà cũng là chỉ muốn tốt cho các cháu thôi sao?”

Lũ trẻ lúc này lại tụm đầu lại với nhau khẽ xì xào bàn tán, ông cụ không nghe thấy chúng nói gì, chỉ biết thi thoảng lại có đứa bụm miệng cười lên đầy thích thú. Sau cùng lại là đứa bé gái lớn nhất lên tiếng:

“Vậy thôi được rồi. Chỉ cần ông chơi cùng bọn cháu thôi, khi nào ông thắng thì bọn cháu sẽ theo ông về nhà.”

“Các cháu muốn chơi trò gì nào? Nhớ là chỉ cần ta thắng các cháu phải về nhà ngay đấy.”

Lũ trẻ lại bắt đầu nhao nhao lên:

“Chơi gì nhỉ? Chơi trò gì bây giờ nhỉ? Hay chơi trò rồng rắn lên mây đi? Đúng rồi chơi trò rồng rắn lên mây đi!”

Sau khi thống nhất, lũ trẻ quyết định chơi trò rồng rắn lên mây. Ông lão ăn xin sẽ vào vai thầy thuốc, còn lũ trẻ nối đuôi nhau làm mẹ con nhà rắn với sự dẫn đầu của đứa bé gái. Hai bên thoả thuận trò chơi chỉ dừng lại khi ông lão bắt được đứa bé nhỏ nhất đứng ở cuối hàng.

Bắt đầu vào chơi, lũ trẻ nối đuôi nhau thành một hàng dài lượn vòng vèo trước mặt ông cụ, vừa đi chúng vừa hát vang bài vè quen thuộc:

“Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Có thầy hiển vinh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?”

Kết thúc bài hát, chúng dừng lại trước mặt ông lão, đứa bé gái lặp lại câu hỏi:

“Thầy thuốc có nhà hay không?”

Giống như trò chơi thường thấy, ban đầu ông cụ lắc đầu bảo thầy thuốc không có nhà, lũ trẻ lại kéo nhau đi rồi hát vang bài hát ban nãy. Lần này khi câu hỏi được lặp lại, ông cụ khẽ gật đầu đáp:

“Thầy thuốc có nhà, mẹ con rắn đi đâu?”

Đứa bé gái đáp: “đi xin thuốc cho con.”

Hai bên đối đáp qua lại một hồi rồi bước vào màn đuổi bắt vui nhộn nhất của trò chơi rồng rắn lên mây. Sau khi đứa bé gái dẫn đầu nói câu “tha hồ mà đuổi”, tức thì cả lũ trẻ cười ré lên bắt đầu màn rượt đuổi với ông cụ. Ban đầu ông cụ nghĩ lũ trẻ này đứa lớn nhất mới chỉ có năm tuổi, những đứa ở phía sau chỉ mới chập chững tập đi, chơi trò này thì ông nắm chắc phần thắng trong tay. Ấy vậy mà vào chơi rồi ông mới biết ông đã đánh giá sai lũ trẻ này. Nhìn bên ngoài chúng chỉ là những đứa trẻ lên ba, nhưng vào trò chơi chúng lại nhanh nhẹn và phản xạ nhanh một cách khó tin.

Lúc mới nhập cuộc, ông cụ vẫn còn hào hứng khi nghe tiếng cười vui vẻ của bọn nhỏ, nhưng càng về sau ông càng mệt, mặc dù trời lạnh nhưng mồ hôi đã vã ra như tắm. Ông chỉ muốn nhanh chóng kết thúc trò chơi để quay về manh chiếu rách của mình mà nằm xuống. Nhưng ban nãy đã thống nhất với bọn trẻ trò chơi chỉ kết thúc khi nào ông bắt được đứa bé ở cuối hàng, bây giờ tự ý ngưng giữa chừng thì khác gì ông lão già đầu còn đi nói dối trẻ con? Dù chỉ là một ông lão hành khất không nhà không cửa, nhưng cũng không thể để mất mặt trước mấy đứa bé lên ba như vậy được. Nghĩ vậy nên ông lại gắng sức mà rượt đuổi với mong muốn kết thúc trò chơi càng sớm càng tốt. Tuy nhiên càng về sau ông càng đuối dần đi, còn lũ trẻ thì dường như không biết mệt mỏi là gì. Tiếng chúng cười đùa hò hét vang vọng cả con đường, nhưng tuyệt nhiên những nhà xung quanh không thấy ai có động tĩnh gì cả.

Lúc này thời gian trôi qua đã rất lâu, ông lão không nhớ trò chơi đã kéo dài được bao lâu, chỉ biết hai chân ông đã mỏi nhừ, áo quần ướt đẫm mồ hôi. Đã vài lần ông ra hiệu cho lũ trẻ dừng lại, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu từ chối. Ông cũng không hiểu tại sao, mỗi lần chúng lắc đầu là ông lại tiếp tục chơi tiếp mặc dù cơ thể đã mỏi nhừ không còn muốn đứng vững nữa. Sau cùng ông đã kiệt sức mà ngồi bệt xuống đất ôm ngực thở dốc thì trò chơi mới dừng lại. Lũ trẻ vây quanh lấy ông cười lên đắc chí. Nhìn một lượt khắp lũ trẻ, ông lắc đầu rồi nói:

“Được rồi, được rồi ông chịu thua các cháu được chưa? Ông mệt quá rồi không thể chơi tiếp nữa đâu, trời cũng đã gần sáng rồi chúng ta chia tay nhau ở đây đi.”

Đứa bé gái lúc này lại nói:

“Không phải ban nãy ông bảo chơi xong sẽ dẫn chúng cháu về nhà sao ạ? Ông phải dẫn bọn cháu về chứ.”

Mặc dù đang vừa mệt vừa buồn ngủ, ngay lúc này ông chỉ muốn nằm luôn ra manh chiếu của mình mà ngủ không quan tâm trời đất gì nữa, nhưng nghe lời đề nghị của đứa bé ông lại động lòng trắc ẩn của mình. Giờ này mà để lũ trẻ tự về nhà liệu có chuyện gì xảy ra với chúng ông cũng không yên ở trong lòng. Nghĩ vậy nên ông lại hỏi:

“Vậy nhà các cháu ở đâu để ông đưa về?”

Tất cả đều hướng ánh mắt về phía cuối dãy phố rồi đồng loạt chỉ tay về hướng đó. Ông cụ miễn cưỡng đứng dậy rồi nói:

“Đi thôi, ta đưa các cháu về nhà.”

Bọn trẻ lại nối đuôi nhau thành một hàng dài, vừa bước bên cạnh ông cụ vừa nghêu ngao hát:

“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cổng nhà trò
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho lê đi học
Cho sóc ở nhà
Cho hà bới bếp
…”

Lúc này ông cụ đã mệt quá rồi cũng không còn để tâm được đến chuyện chúng đã hát sai lời bài hát khá nhiều. Ông đi cùng chúng đến cuối dãy phố thì đứa bé gái chỉ vào một ngôi nhà gỗ đã cũ trước mặt rồi nói:

“Đến nhà bọn cháu rồi.”

Ông cụ ngước nhìn ngôi nhà trước mặt, trời hẵng còn tối nên ông không nhìn rõ được xem ngôi nhà trông như thế nào, nhưng ông cố nhớ lại trong trí nhớ của ông xem ở vị trí này là nhà nào. Ông đã lê la khắp dãy phố này suốt mấy năm nay nên vị trí các cửa tiệm ông đều thuộc như lòng bàn tay. Trấn Rừng Thông nói lớn thì cũng không phải là lớn, nhưng chắc chắn là không nhỏ. Từ cổng trấn vào là đến ngay con phố buôn bán sầm uất nhất. Dọc dãy phố phải dài đến vài chục trượng, hai bên đường là san sát những cửa tiệm nối đuôi nhau. Ban ngày nơi đây còn là nơi họp chợ chính của cả trấn, những người dân ở trong có hàng nông sản muốn bán cũng đều mang ra đây để họp chợ ngay giữa lòng đường. Nơi đây là nơi tập trung đông người nhất, hoạt động buôn bán thương mại diễn ra tấp nập suốt cả ngày.

Thẳng sâu bên trong dãy phố là làng xóm và đồng ruộng. Bên trong vẫn còn rất đông những người dân sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Do trấn cách biệt hẳn so với bên ngoài nên những thứ đồ thiết yếu như lúa gạo, thịt thà rau củ đều là tự cung tự cấp của những người dân trong trấn. Chỉ có những món đồ không tự làm được như vải vóc, đồ trang sức hay những vật trang trí phong thuỷ đồ xa xỉ là phải nhập từ nơi khác về.

Ông cụ cố hình dung lại xem ngôi nhà trước mặt là cửa tiệm nào, nhưng lúc này đầu óc ông ong ong quay cuồng không thể nhớ được gì, mọi thứ hoàn toàn trống rỗng. Ông nhìn đứa bé gái nghi hoặc hỏi:

“Tất cả các cháu đều sống ở đây sao?”

Đứa bé lớn gật đầu xác nhận. Ông cụ như không tin vào tai mình, ông chưa từng nghe nói ở trong trấn này có nhà nào nuôi nhiều trẻ con như vậy. Đứng tần ngần một vài giây rồi ông lão lại nói:

“Vậy các cháu vào trong nhà đi, ta về đây đêm khuya quá rồi.”

Tức thì lũ trẻ lại vây lấy ông không cho đi, chúng bám chặt tay vào hai chân ông khiến ông không tài nào nhấc chân lên được. Chúng nói bằng giọng nũng nịu:

“Ông không muốn vào thăm nhà của bọn cháu sao? Ban nãy chơi cũng đã mệt rồi vào đây nghỉ ngơi chút rồi về.”

Ông cụ liền lắc đầu từ chối:

“Thôi đã muộn quá rồi các cháu tự vào đi có thêm ông lại làm ảnh hưởng đến người lớn trong nhà.”

“Trong nhà không có ai đâu mà ông lo, chỉ có chúng cháu thôi. Đi ông vào trong chơi với chúng cháu tiếp đi, không đêm mai chúng cháu lại ra chơi với ông tiếp đấy.”

Ông cụ nghe chúng nói vậy thì khẽ giật mình, đêm nay với ông đã quá dài và mệt mỏi rồi. Ngày mai nếu vẫn phải chơi cùng lũ trẻ này chắc ông cũng đến mệt mà chết mất. Dù sao ông cũng không có nhà cửa gì chỉ lấy đất làm chiếu lấy trời làm chăn, đặt lưng ở đâu cũng ngủ được. Chi bằng theo lũ trẻ vào nhà tá túc một đêm lại có nơi dung thân ấm áp. Nghĩ vậy ông lại đồng ý theo lũ trẻ vào trong nhà.

Đứa bé lớn đẩy cửa bước vào trước, ông cụ cũng vội bước vào theo sau. Vừa vào trong mùi ẩm mốc đã xộc ngay vào mũi khiến ông phải hắt xì hơi mấy cái. Trong nhà cũng giống như ngoài trời tối thui như mực không có một ánh đèn. Đúng như lũ trẻ nói, nhà này không có người, ngoài chúng ra không còn ai cả. Được một lúc đôi mắt đã quen dần với bóng tối, ông lão ăn mày có thể nhìn thấy lờ mờ những thứ xung quanh. Đồ vật ngổn ngang dưới đất cứ như ngôi nhà đã bị bỏ hoang từ lâu rồi vậy. Lúc này ông lão mới nhận ra, những đứa trẻ đã biến đi đâu mất, những tiếng cười đùa khúc khích lúc này cũng chẳng còn, chỉ có mình ông đứng đó giữa ngôi nhà hoang vắng lặng.

Nghĩ là lũ trẻ lại trêu mình nên ông lão bắc tay lên miệng làm loa mà gọi lớn:

“Này, các cháu đâu rồi, mau ra đây đi!”

Xung quanh vẫn vắng lặng như tờ không có ai đáp lại tiếng gọi của ông. Ông cố gọi một lần nữa to hơn:

“Các cháu đâu hết rồi? Không ra là ta đi về đấy nhé?”

Lần này quả nhiên có tác dụng. Lời của ông vừa dứt, tức thì đã có tiếng cười khúc khích văng vẳng vang lại. Tiếng cười phát ra ở rất gần nhưng ông tuyệt nhiên không nhìn thấy đứa bé nào cả. Giọng của đứa bé lớn lại cất lên:

“Chúng ta lại chơi tiếp nhé! Đố ông tìm thấy bọn cháu trốn ở đâuuuuu…”

Trong khoảng không gian kín ở trong nhà, tiếng của nó lanh lảnh âm vang như bị dội ngược vào vách đá, vừa nghe ông cụ đã lạnh hết cả sống lưng. Thêm vào đó tiếng cười khúc khích của những đứa trẻ khác lại tiếp tục vang lên, khắp bốn bề tứ phía xung quanh ông đều bị bủa vây bởi tiếng cười đó. Đưa mắt nhìn khắp căn nhà vẫn không thấy bóng dáng đứa nào, lúc này ông cụ mới bắt đầu chột dạ. Cả một đàn phải đến hai chục đứa trẻ, không thể nói trốn là trốn không để lại chút tung tích nào như vậy được. Huống gì tiếng cười của chúng vẫn đang còn văng vẳng bên tai ông đây, vậy còn cơ thể của chúng ở đâu? Không lẽ chúng biết tàng hình hay sao?

Nghĩ đến đây toàn thân ông bắt đầu run giẩy, ông lấy hết sức bình sinh mà nói lớn:

“Ta phải về đây không chơi với các cháu nữa.”

Lời ông vừa dứt tiếng cười xung quanh lại càng lớn hơn, tất cả những đứa trẻ cùng đồng loạt cười một lúc, cái âm thanh lanh lảnh ấy rọi thẳng vào đầu ông lão khiến ông choáng váng. Ông sợ hãi nhằm thẳng hướng cánh cửa lúc nãy ông vừa bước vào mà nhào tới, nhưng cửa đã đóng lại từ bao giờ. Ông cầm vào hai tay nắm cố sức kéo mạnh nó ra nhưng không được, ông có kéo đến mức nào cánh cửa vẫn trơ trơ không nhúc nhích.

Một làn gió lạnh thổi thốc vào sau gáy khiến ông giật mình quay lại, lúc này sau lưng ông những đứa trẻ ban nãy lại đang đứng lù lù ngay trước mặt. Khác với hình ảnh ban nãy, bây giờ đứa nào đứa nấy đôi mắt vàng khè như mắt mèo phát sáng giữa đêm tối. Chúng nhìn chằm chằm vào vẻ mặt sợ hãi của ông mà cười lên đầy thích thú. Bấy giờ ông lão mới kinh hãi phát hiện ra, chúng không phải là con người bình thường nhưng đã quá muộn. Cánh cửa sau lưng ông là lối thoát duy nhất để ra ngoài đã đóng chặt. Giờ đây trong nhà là ông và một đám gần hai chục đứa trẻ ma.

Quá sợ hãi ông tè cả ra quần, toàn thân run lẩy bẩy đứng không còn vững nữa ngã thụp xuống đất. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa bao giờ ông gặp chuyện kì dị đến như vậy. Ông lắp bắp hỏi:

“Các… các cháu là ai? Đừng làm hại ta…đừng làm hại ta…”

Những đứa trẻ nhìn điệu bộ sợ hãi của ông mà ôm bụng cười lên thích thú. Vẫn là đứa bé gái ấy nói:

“Xem kìa, người lớn các người mà cũng có lúc phải sợ những đứa trẻ như chúng tôi đến vậy sao? Chỉ cần ông chơi cùng chúng tôi thì sẽ không ai làm hại ông cả.”

Ông lão vẫn run lên cầm cập, ông lắc đầu nguầy nguậy đáp:

“Không, hãy tha cho tôi. Tôi sợ lắm không chơi được nữa đâu. Hãy thả tôi ra ngoài.”

Những đứa bé ở phía sau lúc này không còn đứng ở trên mặt đất nữa, chúng lơ lửng vắt mình trên không trung để nhìn rõ hơn những gì đang diễn ra trước mắt. Thấy ông lão từ chối chơi tiếp, ánh mắt chúng lập tức chuyển sang màu đỏ như lửa, chúng rít lên trong cổ họng mình từng âm thanh the thé:

“Không chơi nữa vậy để chúng tôi cho ông biết thế nào là lễ độ. Anh em đâu, lên!”

Lời của nó vừa dứt tức thời những đứa trẻ khác cũng bay vút lên trên không trung, đôi mắt của chúng đều đã chuyển sang màu đỏ, chúng gầm gừ để lộ ra hai hàm răng nhọn hoắt như răng sói. Chúng quây thành một vòng tròn lớn nối đuôi nhau rồi nhằm thẳng hướng của ông lão mà nhào tới. Quá sợ hãi ông cụ thét lên một tiếng kêu đầy khiếp đảm, lấy hết sức bình sinh mà quay lại phía cánh cửa tìm cách thoát ra ngoài. Đúng lúc này thì tiếng gà gáy sáng từ ngôi làng phía xa vang lên. Những đứa trẻ ngay lập tức khựng lại, chúng hậm hực nhìn ông lão thêm một lần nữa rồi tan biến ra như một làn khói mỏng. Trời lúc này đã tảng sáng, ông cụ định hình lại thì phát hiện ra mình đang đứng ở ngay gian chính của khu nhà trò đã bị bỏ hoang mấy tháng nay. Ông lại thét lên một tiếng đầy kinh hãi rồi nhanh tay kéo mạnh cánh cửa ra thêm một lần nữa. Lần này cánh cửa đã ngay lập tức bung ra. Như tìm được đường sống, ông cụ cứ thế nhào ra bên ngoài. Lúc này ở ngoài đường đã có khá đông người qua lại, một vài người gần đó nghe thấy tiếng thét của ông đang hiếu kì đứng từ xa nhìn lại chứ không dám tiến lại gần ngôi nhà hoang ấy.”

 
 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...