Chương 3: ngôi làng bị nguyền rủa
Đi xuống dưới nhà, ông Hai vẫn ngoái đầu nhìn lại căn nhà một lần nữa rồi mới rời đi. Vừa đi ra khỏi căn nhà một đoạn, ông Hai liền bắt chuyện:
“Này chàng trai trẻ, có chuyện này tôi hỏi cậu nhớ trả lời thật lòng nhé, có phải vợ cậu…”
Đang nói giữa chừng thì ông Hai dừng lại bỏ lửng câu nói, đưa ánh mắt thăm dò thái độ của người thợ săn. Khác với suy nghĩ của ông Hai, người thợ săn khẽ cụp mắt xuống rồi gật đầu xác nhận:
“Có phải ông cũng nhận ra rồi phải không? Đúng là vợ tôi… cô ấy chết rồi. Hôm qua lúc trở vào cô ấy cũng nói với tôi, ông không phải một người bình thường, ông là thầy pháp phải không?”
“Tôi có từng học qua chút ít đạo pháp, nhưng không dám nhận mình là thầy. Vợ con cậu đã chết tại sao lại không đi đầu thai chuyển kiếp mà lại ở đây sống trái tự nhiên như vậy? Cậu có biết sống cùng vong hồn như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sống như cậu hay không?”
Người thợ săn cười buồn rồi khẽ đáp:
“Tôi biết chứ, tôi cảm nhận được sức khoẻ của mình đang dần yếu đi. Nhưng tôi chỉ có cô ấy là người thân duy nhất, vợ con tôi mất rồi mình tôi sống trên đời này cũng đâu còn ý nghĩa gì nữa. Vì vậy được sống cùng cô ấy thêm ngày nào tôi trân trọng ngày ấy, sau này cô ấy đi rồi chắc tôi cũng không thiết sống nữa. Xin ông đừng làm gì tổn hại đến vợ con tôi, cô ấy không làm hại gì ai cả.”
Ông Hai khẽ lắc đầu rồi nói:
“Ông trời đã phụ người có tình rồi. Mà tại sao thị trấn phồn hoa thì không ở lại kéo nhau vào rừng làm nhà trên cây ở làm gì để rồi vợ con lại bỏ mạng oan uổng như vậy? Vợ cậu cô ấy không còn nhiều thời gian nữa đâu.”
Nén một tiếng thở dài, người thợ săn vừa bước đi bên cạnh ông Hai vừa hồi tưởng lại câu chuyện buồn của gia đình mình:
“Vợ tôi trước đây cô ấy sống ở trấn Rừng Thông, còn tôi ở trong này săn thú rừng, khi săn được con mồi tôi sẽ mang về trấn để bán. Chúng tôi lấy nhau đã lâu mà không có tin vui, ban đầu cứ nghĩ là do tôi hoặc cô ấy bị hiếm muộn, nhưng dần sau đó mới phát hiện ra là không phải. Đã gần 5 năm rồi ở trấn Rừng Thông này không có một đứa trẻ nào được sinh ra cả, kể cả có bầu cũng không. Phụ nữ ở trong trấn tìm đủ mọi cách mà không thể có thai được. Một lần tôi đón vợ mình vào trong này ở cùng tôi vài ngày vì ở nhà một mình sợ cô ấy buồn. Ấy vậy mà sau đó cô ấy lại phát hiện ra mình có bầu. Khỏi phải nói biết tin vợ chồng tôi vui lắm, cô ấy đã ở lại đây cho đến khi bụng to, mọi thứ ở đây không thể đáp ứng tốt cho mẹ con cô ấy nữa thì tôi mới đưa cô ấy trở về trấn chuẩn bị chào đón đứa bé ra đời. Ngày tôi dẫn vợ tôi với cái bụng bầu vào trấn, người dân trong trấn ai nấy đều tỏ ra rất vui mừng và ngạc nhiên. Cậu biết đó, đã năm năm rồi ở đây không ai có bầu cả, nên ai cũng trông đợi đứa con của chúng tôi chào đời, có thể đứa bé sẽ là một khởi đầu tốt để chờ đón những đứa trẻ tiếp theo ra đời. Sau khi ổn định lại chỗ ở cho vợ mình, tôi lại quay trở vào rừng tiếp tục công việc, định bụng kiếm thêm chút tiền bao giờ vợ sinh thì tôi sẽ ở nhà chăm cô ấy. Nhưng nào có ngờ đâu, buổi sáng hôm ấy lại là lần cuối cùng tôi được nhìn vợ con mình bằng da bằng thịt…”
Kể đến đây thì không giấu được sự xúc động trong lòng, giọng của người thợ săn bỗng chốc trở nên nghẹn lại, từ khoé mắt đỏ hoe có hai dòng nước mắt khẽ lăn xuống. Đợi cho anh ta bình ổn trong lòng, ông Hai mới tiếp tục câu chuyện còn đang dở:
“Vậy sau đó chuyện gì đã xảy ra với cô ấy cậu có biết không? Chẳng nhẽ chuyện này liên quan đến việc 5 năm ở trấn Rừng Thông không có đứa trẻ nào ra đời hay sao?”
Quệt đi dòng nước mắt còn đang lăn dài trên má, người thợ săn lại tiếp tục kể:
“Đến giờ tất cả người dân ở trấn Rừng Thông chúng tôi vẫn không thể lý giải được tại sao suốt năm năm qua không có người phụ nữ nào ở đó mang bầu, nhưng vợ tôi ra khỏi trấn thì đã ngay lập tức có thai. Còn vợ tôi, cô ấy là bị người ta hại chết. Mà nói như vậy cũng có phần không phải, vì không biết cái thứ kì dị đã làm hại cô ấy có phải là người hay không.”
“Không phải là người vậy thì là cái gì? Nào cậu hãy bình tĩnh kể lại chi tiết từ đầu để ta thử xem có thể lý giải được gì hay không.” Ông Hai sốt sắng đáp lại.
“Lần đó, tôi rời khỏi nhà sáng hôm nay thì trưa ngày mai có người vào rừng tìm gặp để báo tin dữ, hàng xóm đã phát hiện ra vợ tôi đã chết ở trong nhà từ tối hôm trước, đứa bé cũng không còn. Nhận được tin tôi liền tức tốc trở về nhà, lúc đó vợ con tôi chỉ còn lại là một cái xác cứng đờ bê bết máu mà thôi. Sau này tôi được linh hồn vợ mình kể lại thì mới biết được những gì đã xảy ra vào đêm hôm trước. Theo như cô ấy kể lại, cả ngày mọi thứ vẫn hoàn toàn bình thường cho đến khi đêm xuống cô ấy lên giường đi ngủ. Cha mẹ tôi mất sớm lại không còn ai thân thích nên tôi đi vắng cô ấy ở nhà chỉ có một mình trong căn nhà vắng. Đang thiu thiu ngủ thì cô ấy nghe có tiếng trẻ con cười nói ở trong nhà. Ban đầu cô ấy chỉ nghĩ là ảo giác, vì ở trong trấn làm gì có trẻ con? Nhưng càng lúc tiếng cười đó càng rõ ràng hơn. Không phải tiếng của một đứa, mà có rất nhiều đứa trẻ. Chúng nô đùa rồi cười khúc khích với nhau, tiếng cười giòn tan vang vọng khắp cả nhà. Lúc này bụng bầu đã lớn lại ở trong nhà có một mình, cô ấy đã sợ lắm nhưng vẫn phải cố nén lại sự sợ hãi mà lên tiếng hỏi: “là ai đang cười ở đó?” Nhưng đáp lại cô ấy vẫn chỉ có những tiếng cười khúc khích ngày một lớn. Vì chỉ ở nhà một mình nên tối đi ngủ cô ấy vẫn không tắt đèn, lúc này trên bức tường trước mặt đang phản chiếu lại cái bóng của một đứa trẻ. Nó chỉ có bóng in hằn lên trên bức tường chứ nhìn quanh quất quanh nhà không hề thấy có ai xuất hiện. Quá sợ hãi, vợ tôi ôm bụng ngồi dậy bò vào góc giường thu mình lại, miệng liên tục hỏi: “ai đó? Làm ơn đừng doạ tôi, tôi đang có bầu.”
Lúc này tiếng cười lại cất lên ma quái, nó là tiếng trẻ con giữa đêm cứ phát ra lanh lảnh nghe thôi đã rợn hết cả người. Rồi bất ngờ từ trong góc nhà xuất hiện một đứa trẻ. Là một bé gái tầm 5-6 tuổi, đầu tóc rũ rượi khắp người nó toàn vết bầm tím vì bị đánh đập, quần áo rách tơi tả. Đứa bé bất thình lình xuất hiện, rồi nó bước vô hồn như một con rối tiến gần đến phía giường nơi vợ tôi đang trốn, lại gần rồi nó rít lên trong miệng:
“Tại sao cô lại có bầu? Ai cho phép cô có bầu hả?”
Vợ tôi thấy hành động kì lạ của con bé thì vội chắp tay lại mà van lạy:
“Cháu là ai, tại sao lại vào được trong nhà? Xin đừng làm hại tôi, tôi đang có bầu, xin đừng làm hại con tôi.”
Đứa bé lúc này vẫn không ngừng tiến về phía vợ tôi, miệng nó rít lên:
“Đồ đàn bà độc ác, ai cho phép các người có bầu. Rồi các người sẽ đối xử với đứa bé giống như cách mà đã đối xử với chúng tôi thôi. Ở mảnh đất này không có đứa trẻ nào nên ra đời cả… hãy đi chết đi đồ đàn bà độc ác, hãy trả tự do cho đứa trẻ này…”
Con bé nói xong thì cũng là lúc nó tiến đến chạm vào chiếc giường nơi vợ tôi đang ngồi co ro một góc. Nó bò lên giường, từng bước, từng bước tiến về phía cô ấy. Lúc này vợ tôi mới để ý thấy, đằng sau nó là cả một đàn phải đến cả chục đứa trẻ con khác, lớn có bé có, có đứa trẻ sơ sinh còn đang đỏ hỏn. Tất cả bọn chúng khuôn mặt hằn lên vẻ dữ tợn, đôi mắt đỏ rực như máu đang tiến dồn về phía vợ tôi. Miệng chúng đồng thanh thét lên:
“Hãy thả đứa bé ra đồ đàn bà độc ác, hãy trả tự do cho chúng tôi đồ đàn bà độc ác…”
Lúc này, vợ tôi vẫn không ngừng van xin nhưng chúng đã bỏ phớt lờ ngoài tai tất cả, con bé dẫn đầu đã chạm được vào chân của cô ấy. Nó túm bàn tay gầy trơ xương nhơ nhớp của mình vào chân vợ tôi rồi bò dần lên trên. Cả cơ thể vợ tôi cứng đờ lại không thể cử động được. Đằng sau nó những đứa trẻ khác cũng bắt đầu bò lên cơ thể cô ấy. Chúng dừng lại ở cái bụng bầu đã gần đến ngày sinh của vợ tôi, vuốt ve lên đó. Hơi lạnh bắt đầu lan toả khắp cơ thể, rồi vợ tôi cứ thế lịm dần, lịm dần không còn biết gì nữa. Sau đó thì cô ấy phát hiện ra mình đã chết cùng với đứa con còn chưa kịp chào đời.”
Ông Hai nãy giờ lắng nghe câu chuyện của người thợ săn không bỏ sót một từ nào, sắc mặt ông thay đổi theo từng diễn biến của câu chuyện. Người thợ săn đã ngừng kể nhưng ông vẫn còn trầm ngâm suy nghĩ. Rồi bất chợt ông quay qua người thợ săn mà hỏi:
“Vậy những đứa trẻ đó là con cái nhà ai vợ cậu có biết không? Tại sao chúng lại làm hại cô ấy?”
Người thợ săn lắc đầu mà đáp:
“Vợ tôi không biết chúng là ai cả, chúng tôi không phải người gốc ở trấn Rừng Thông, chúng tôi mới về đây ở được khoảng 3 năm nay thôi, mà đã 5 năm rồi ở thị trấn này không có đứa trẻ nào được ra đời cả.”
Ông Hai cau mày rồi nói:
“Quái lạ thật, vậy tại sao chúng lại làm hại vợ cậu. Trong khoảng thời gian 5 năm trước đó ở đây có xảy ra biến cố gì không?”
“Cái này thì thực sự tôi không biết. Phần lớn thời gian tôi ở trong rừng săn bắn bẫy thú, chỉ ghé về nhà mang đồ cho vợ tôi đem bán rồi lại trở đi ngay trong ngày hôm sau. Nhưng có vẻ như là không có chuyện gì lớn cả, vì vợ tôi ở đó nếu có chuyện gì cô ấy sẽ biết. Chỉ có điều gần đây trong trấn thi thoảng người ta vẫn đồn là có ma, có người ra ngoài vào buổi tối còn bị trêu đùa. Nhưng đó chỉ là lời đồn không có căn cứ gì cả.”
Kể đến đây thì hai người cũng đã đi một đoạn khá xa căn nhà trên cây, người thợ săn dừng lại không muốn bước tiếp nữa. Hiểu ý, ông Hai cũng dừng lại hỏi nốt điều còn thắc mắc trong lòng:
“Vậy bây giờ cậu tính làm sao? Vợ con cậu không còn nhiều thời gian nữa đâu. Nếu cứ ở cạnh cậu như vậy thì càng về sau sức khoẻ của cậu càng bị ảnh hưởng nhiều hơn, lâu dần sẽ bị cạn kiệt dương khí mà chết đó.”
Người thợ săn cười buồn đáp trả:
“Vợ tôi cô ấy theo tôi về đây chịu khổ, chưa chăm lo cho cô ấy được ngày nào. Nay xảy ra chia cắt âm dương cách biệt như vậy, không có vợ con tôi cũng nào thiết sống làm gì nữa. Chỉ cần được ở cạnh vợ con mình, thì dù chỉ được sống thêm một ngày tôi cũng đã lấy làm hạnh phúc lắm rồi. Ông đừng lo cho tôi, tôi đã tự có dự liệu của mình rồi. Chỉ xin ông ra khỏi rừng đừng kể với ai về sự xuất hiện của vợ con tôi ở đây để tránh có người muốn làm hại cô ấy, vậy là tôi đã mang ơn ông nhiều lắm rồi.”
Nén một tiếng thở dài, ông Hai khẽ đặt tay mình lên vai người thợ săn vỗ nhẹ như muốn chia sẻ sự an ủi với người đàn ông khốn khổ trước mặt. Hai mươi năm trước, ông đã từng rơi vào hoàn cảnh như anh ta, mất đi người vợ mà mình yêu thương nhất. chỉ có điều may mắn là ông còn lại gia đình và cu Tũn, nếu không ông cũng đã muốn chết theo vợ mình mà không còn tha thiết gì cuộc sống này nữa rồi.
“Nếu như đó là quyết định của cậu thì ta tôn trọng nó. Cảm ơn hai người đã cho ta ở nhờ ngày hôm qua, bây giờ ta phải lên đường rồi. Xin bảo trọng.”
Ông Hai nói rồi quay lưng rời đi. Người thợ săn đứng đó nhìn đến khi bóng lưng ông Hai khuất dần sau những thân cây thông gai góc rồi mới yên tâm quay về. Còn lại một mình bước trong khu rừng vắng, ông Hai khẽ cất tiếng nói:
“Được rồi đó hai người còn tính trốn đến bao giờ?”
Ông Hai vừa dứt lời thì từ trong tay nải của ông có một làn khói trắng bay ra, chúng nhanh chóng tụ lại thành hình hài của hai người thanh niên trẻ. Lại là Anh Hào và Trần Lực. Vừa xuất hiện hai người đã ngay lập tức làm bầu không khí vắng lặng trở nên ồn ào. Anh Hào vẻ mặt tinh quái hỏi:
“Ông Hai, ông tính để yên cho con ma nữ đó thật hả?”
Không đợi ông Hai trả lời, Trần Lực đã lăng xăng đáp lại:
“Thế cô ta ăn mất cái gì của mày hay sao mà phải làm gì mới được hả? Đi mà lo cho thân mình trước đi đồ nhiều chuyện.”
Anh Hào trợn mắt phùng mang rồi nói lớn:
“Á à thằng này láo, mày lại ngứa thịt gợi đòn rồi phỏng. Tao hỏi thế thì sút mất cân thịt nào của mày hay sao mà lại nhảy dựng lên thế hả? Nghề của thầy pháp học đạo chẳng phải là để bắt ma diệt quỷ trừ tà hay sao? Gặp con ma nữ mà ông Hai không làm gì nó thì tao thắc mắc tao hỏi đã làm sao nào? Hả đã làm sao nào?”
Vừa nói hắn vừa hếch hếch cái cằm mình về phía Trần Lực với vẻ mặt thách thức. Trần Lực cũng không chịu lép vế, chống nạnh vào hông rồi cong cớn đáp lại:
“Thế sao mày không nhìn lại bản mặt mình xem là cái giống gì đi đã, nói thế thì ông Hai cũng cho mày một chưởng để xuống âm ti địa phủ luôn mới vừa lòng phỏng?”
“Ô mẹ thằng ranh này, con ma nữ kia nó cho mày ăn gì mà cứ bênh người ta chằm chặp thế hả? À hay là mày lại động lòng với nó rồi phải không?”
“Mày có im đi không thì bảo, cả đời này tao chỉ có mình Xuân Nương thôi.”
Nói đến đây thì Trần Lực bỗng rơm rớm nước mắt, gương mặt sụ xuống, ánh mắt đượm buồn. Anh Hào cũng thôi không cãi nhau với hắn nữa, nói giọng hoà giải:
“Đúng thằng đàn bà cứ đụng đến cái là khóc, được rồi được rồi bố mày thua, được chưa. Nãy tao hỏi ông Hai chứ ai nói gì đến mày mà cứ sồn sồn lên thế, xong người ta trêu lại dở cái vẻ mặt ấy ra, từ chối hiểu.”
Ông Hai lên tiếng cắt ngang cuộc cãi vã của hai người:
“Ta vẫn luôn có một thắc mắc thế này, ngày nào hai cậu cũng cãi nhau như thế sao?”
Anh Hào cười khoái chí:
“Ấy ông Hai đừng hiểu nhầm, đây là chúng tôi đang nói chuyện thân mật với nhau đó chứ có phải cãi nhau đâu. Chúng tôi thương nhau còn không hết, phải không Trần Lực.”
Nói rồi hắn hếch mặt nhìn Trần Lực đang lẽo đẽo đi theo phía sau, Trần Lực thấy vậy thì nguýt mắt lườm hắn một cái rõ dài rồi nói:
“Có những người chơi với nhau đơn giản chỉ vì không chơi được với ai khác đó ông Hai.”
Ông Hai cũng lắc đầu rồi cười lớn:
“Khà khà khà
Hai cậu đúng là tuổi trẻ, chết rồi mà vẫn thật nhiều năng lượng. Các cụ nói cấm có sai bao giờ, chết trẻ thì khoẻ ma. Mà thôi không đùa nữa, hình như phía trước mặt đã là bìa rừng rồi, hai cậu tiễn ta đến đây thôi.”
Trần Lực vội bước nhanh hơn để đuổi kịp ông Hai, gã níu cánh tay của ông rồi khẽ lắc nhẹ:
“Ông Hai, ông nhớ đừng quên những điều tôi đã nhờ ông hôm qua đấy nhé. Tôi nhờ cậy cả vào ông.”
Ông Hai khẽ gật đầu rồi quay qua hỏi Anh Hào:
“Cậu không có gì muốn nhắn nhủ với ta sao?”
Anh Hào lắc đầu nguầy nguậy:
“Tôi chỉ có một thân một mình lang bạt khắp các đầu đường xó chợ, chết dẫm cũng chả ai hay. Chỉ mong ông Hai giúp Trần Lực có thể hoàn thành tâm nguyện của hắn để chúng tôi có thể yên lòng.”
“Được! Vậy ta hứa với các ngươi, nhất định ta sẽ chuyển lời.”
Nói đoạn ông Hai quay người toan bước tiếp thì Trần Lực đã lại níu lấy cánh tay ông mà kéo lại. Gã khẽ bặm môi mếu máo rồi bật lên khóc nức nở:
“Ông Hai! Hay là ông có thể đưa tôi theo cùng được không? Thực sự tôi rất nhớ nhà, tôi rất nhớ anh cả của mình. Nếu như thời gian quay trở lại, tôi nhất định sẽ là một đứa trẻ ngoan biết nghe lời, nếu vậy có lẽ bây giờ tôi đã là có một tương lai tươi sáng rồi, hức hức…xin ông hãy dẫn tôi ra khỏi khu rừng này…”
Ông Hai đưa tay nắm lấy bàn tay của Trần Lực khẽ bóp nhẹ như muốn trấn tĩnh gã lại, rồi mới từ tốn nói:
“Ta rất tiếc, ta không thể dẫn hai cậu ra khỏi đây được. Việc hai cậu phải ở lại trong rừng này đều có lý do của nó cả. Khi còn sống hai cậu đã tạo nghiệp chọn chốn hoang vu như này để cướp bóc của người vô tội, thì khi chết đi các cậu đã bị phong ấn linh hồn của mình ở chốn này, xem như là quả báo. Trong vũ trụ này, vạn vật tương thông, gieo nhân nào sẽ gặt quả đấy chắc chắn không thể trốn thoát được. Hoạ bằng có cố dùng tiền hoặc quyền phép mà lách, thì gia đình con cái mình sau này cũng sẽ phải gánh chịu cái nghiệp do mình gây ra. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát. Chơi được thì chịu được, có vay có trả. Các cậu vẫn còn may là đã được thổ địa ở đây giải cứu khỏi phong ấn của lão nhân kia để tránh phải đời đời kiếp kiếp làm ma ở chốn này. Các cậu hãy nghe ta, cứ ở đây tu luyện, làm phúc cứu người, rồi ngày linh hồn các cậu được thả tự do sẽ tới sớm thôi.”
Nói đến đây ông lại quay qua phía Anh Hào đưa mắt nhìn hắn rồi nói tiếp:
“Có phải ban nãy cậu hỏi ta tại sao lại bỏ qua linh hồn của con ma nữ vợ người thợ săn phải không? Bởi đó chính là mối nghiệt duyên của họ, đó là điều mà cả hai người bọn họ đều muốn. Người chồng đó đã biết vợ mình chỉ là một hồn ma nhưng vẫn trân trọng những giờ phút cuối cùng được ở bên cạnh cô ấy, bất chấp cả việc ảnh hưởng đến tính mạng. Ban nãy cậu cũng nghe anh ta nói rồi phải không? Chỉ cần được ở bên cạnh vợ con mình, thì dù chỉ được sống thêm một ngày anh ta cũng trân trọng. Vậy còn lý do gì để ta phải làm khó gia đình bọn họ?”
Nghe đến đây thì Anh Hào và Trần Lực như đã vỡ lẽ ra được nhiều điều, Trần Lực cũng đã nín không còn khóc nữa. Gã gật đầu với ông Hai rồi nói:
“Ông Hai! Tôi đã hiểu rồi. Thôi cũng không còn sớm nữa, ông Hai hãy nhanh chóng lên đường đi. Chúc ông lên đường bình an. Sau khi đoàn tụ với gia đình nhớ chuyển lời giúp tôi nhé.”
Ông Hai khẽ gật đầu rồi quay bước rời đi. Khi đã bước ra khỏi rừng ông quay đầu nhìn lại vẫn thấy Trần Lực và Anh Hào đang đứng đó nhìn theo bóng mình. Ông Hai mỉm cười đưa tay vẫy chào bọn họ, sau đó thì hai bóng hình từ từ tan ra.
*****
Ra khỏi rừng, ông Hai men theo con đường nhỏ cứ thế bước thẳng về phía trước. Lúc này mặt trời đã lên cao, ánh nắng gay gắt đổ xuống bóng hình đơn độc xiêu vẹo trên mặt đường. Bụng đói cồn cào vì đã gần một ngày rồi chưa có gì bỏ bụng, ông nhìn con đường dài không có điểm dừng trước mặt mà khẽ thở dài thườn thượt.
Cứ đi mãi như thế, đến khi trước mặt bị chắn ngang bởi một ngã rẽ thì ông dừng lại. Suốt hai bên dọc đường không hề có bóng dáng của một ngôi nhà nào cả, chỉ có những hàng cây thông khẳng khiu nối nhau kéo dài vô tận. Trước mặt ông lúc này là một ngã 4 đường, nơi có một ngã là con đường mòn nhỏ kéo dài từ rừng rậm mà ông vừa bước ra, một ngã là con đường lớn xuyên rừng dành cho xe ngựa thồ hàng, một ngã dẫn về trấn Rừng Thông, và ngã còn lại là đường trở về Vân Điền nơi mà ông luôn mong nhớ suốt 20 năm qua. Lúc này Vân Điền đã ở ngay trước mắt, chỉ cần ông bước về phía con đường đó thì chỉ đêm mai thôi rất có thể ông sẽ được đoàn tụ với gia đình mình và gặp lại cu Tũn, đứa con trai bé bỏng mà chưa một giây phút nào ông ngừng mong ngóng.
Nhưng đến lúc này bước chân của ông đã khựng lại. Một lần nữa ông đứng trước sự lựa chọn sẽ phải bước về hướng nào? Về trấn Rừng Thông để hoàn thành tâm niệm cuối cùng của Trần Lực, để tìm hiểu xem tại sao 5 năm rồi ở đây lại không có một đứa trẻ nào được ra đời, để tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết đầy tức tưởi của vợ con người thợ săn. Hay là một lần duy nhất suốt hai mươi năm qua vì bản thân mình, về Vân Điền để thoả nỗi nhớ nhung vẫn luôn giằng xé tâm can mỗi đêm?
Câu nói của thầy Lãm lại vang lên trong đầu ông: “Hãy nhớ, cứu người cũng chính là đang cứu mình. Dục tốc thì bất đạt. Tất cả mọi chuyện xảy đến đều có lý do của nó cả, không được nóng vội, chỉ cần bình tâm thì mọi chuyện đều sẽ có cách giải quyết. Ác nghiệp của gia đình con có trả hết ở kiếp này được hay không, đều ở con quyết định cả.”
Hơn 5 năm qua trên suốt hành trình từ ngôi chùa mà ông tu luyện đến đây, ông chưa từng vì một khó khăn nào mà nản lòng. Có những lúc, vì giúp cho người khác mà ông đã quên đi cả bản thân mình suýt chút nữa phải bỏ mạng. Tất cả cũng chỉ mong muốn có thể một phần nào đó trả bớt ác nghiệp mà mẹ mình gây nên, để cu Tũn và con cháu đời sau của ông có cuộc sống bình yên trọn vẹn. Vậy mà giờ đây, chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa thôi bất giác tâm ông lại xao động. Ông nửa muốn bước tiếp con đường trả nghiệp cùng mẹ mình, nửa lại muốn về gặp lại cu Tũn càng sớm càng tốt. Chuyện này có lẽ cũng bắt nguồn một phần từ những giấc mơ kì lạ vẫn luôn ám ảnh ông suốt cả một quãng thời gian dài.
Ông cứ đứng tần ngần như thế giữa ngã 4 đường không một bóng người, bất chấp ánh nắng đang thiêu đốt bóng hình nhỏ bé của ông, bất chấp cả cơn đói đang cuộn trào trong bụng. Cái vòng trầm trên tay ông khẽ loé sáng, thoảng bên tai ông có giọng một người phụ nữ vọng lại:
“Hai Thiêm, có điều gì làm con khó nghĩ chăng? Sao con không bước tiếp?”
Ông Hai đáp:
“Mẹ ơi con biết phải làm sao bây giờ, khi mà con đường trước mặt đã dẫn về Vân Điền nơi có cu Tũn đang chờ con ở đó. Nhưng mà người dân ở trấn Rừng Thông cũng cần con đến. Tại sao bao nhiêu năm xa nhà con không hề nao núng, đến giờ phút này bỗng trở nên xao động. Con nên chọn con đường nào bây giờ hả mẹ?”
“Bây giờ con hãy nhắm mắt lại, và nghe theo lựa chọn của trái tim mình. Và con hãy nhớ rằng, dù con có đi về hướng nào đi chăng nữa, thì mẹ vẫn luôn ở cạnh dõi bước theo con.”
Ông Hai làm theo lời mẹ mình, ông khẽ nhắm mắt lại giữ cho tâm mình hoàn toàn tĩnh lặng. Một lúc sau ông mở mắt ra, dứt khoát bước về con đường dẫn đến trấn Rừng Thông. Phải, thầy Lãm đã từng dặn ông rằng, “cứu người cũng chính là đang cứu mình.” Con đường trả nghiệp này là do ông chọn từ đầu không có ai ép buộc ông cả. Ông đã chọn dành cả phần đời còn lại của mình để trả nợ đời cho mẹ, thì xá gì vào lúc này lại bỏ mặc những người cần ông giúp đỡ vì mục đích cá nhân của riêng mình? Hai mươi năm qua là cả một quãng thời gian dài đằng đẵng ông đã có thể trải qua, thì thêm một thời gian ngắn nữa cũng có là gì? Đã có nhiều lúc trong hành trình trả nghiệp, ông lựa chọn hi sinh bản thân mình vì đại cục. Nhưng giống như thầy Lãm đã nói, nợ đời còn chưa trả hết thì có muốn chết cũng không được. Chính vì vậy mà năm lần bảy lượt ông đều vượt ra khỏi khó khăn một cách ngoạn mục. Vân Điền đã ở trước mặt, chỉ cần giải quyết xong chuyện ở trấn Rừng Thông ông sẽ quay lại. Sẽ sớm thôi, ngày mà ông có thể đoàn tụ với bố mẹ và con trai mình.