Bạn đang đọc: MƯỢN TAY NUÔI NGẢI

Chương 10 – Trở về cố hương

25/12/2023
 

Ông Hai nhìn đám đông mỉm cười hài lòng rồi lại tiếp tục câu chuyện còn dang dở với Xuân Nương. Ông kể cho cho cô nghe toàn bộ sự việc đã xảy ra ở trấn Rừng Thông từ ngày mà cô rời đi đến nay. Qua lời ông kể, mọi chuyện được tái hiện lại chân thực hệt như một thước phim quay chậm. Những người dân trong trấn nghe đến đâu thì trầm trồ ngạc nhiên tới đó. Ông Hai mới chỉ đến trấn chưa đầy ba tuần, ấy vậy mà có những chuyện đã xảy ra từ sáu năm trước ông vẫn thuộc và kể ra vanh vách hệt như ông được chứng kiến tận mắt vậy. Những chuyện đó chính họ là người sống trong trấn cũng còn không hay biết. Càng nghe những gì ông Hai kể, họ càng cảm phục hơn trước sự am tường về bùa chú và đạo pháp của ông.

Xuân Nương nghe ông kể đến đâu thì bật khóc đến đấy. Cô không thể ngờ rằng con gái mình lại phải chịu nhiều tổn thương đến như vậy. Sau khi lời kể của ông Hai dứt, cô liền quỳ xuống vái lạy những người dân trong trấn mà nói:

“Tôi xin thay mặt con gái tôi quỳ lạy để chuộc lỗi với bà con trong trấn. Những gì mà con tôi và những đứa trẻ đáng thương kia đã gây ra là quá lớn, có dùng cái chết này cũng không thể chuộc lại được. Bản thân tôi là mẹ mà để con mình phải chịu nhiều oan khuất như vậy cũng một phần lỗi do tôi. Giờ đây ngoài cúi đầu xin lỗi bà con ra tôi thực không biết mình nên làm gì cả. Xin bà con hãy lạy của tôi một lạy.”

Nói rồi cô cúi rạp người xuống mà lạy. Những người phụ nữ cạnh đó thấy vậy liền đỡ cô dậy, họ nói:

“Đúng là trước đây chúng tôi vừa sợ vừa hận những đứa trẻ ma này rất nhiều. Nhưng sau khi biết được câu chuyện của chúng, lại thấy chúng cũng thật đáng thương. Chung quy lại mọi chuyện cũng đều từ lỗi lầm của người lớn chúng ta mà ra cả, chỉ tội lũ trẻ phải chịu một kiếp bạc mệnh như vậy. Khi mà đã nhận lời làm lễ cầu siêu cho chúng nó là chúng tôi cũng đã buông bỏ hết mọi thù hận trong lòng mình rồi, chỉ mong chúng sớm ngày được siêu thoát đi đầu thai chuyển kiếp mà làm người. Biết đâu một trong số chúng lại đầu thai vào làm con làm cháu trong nhà chúng tôi thì sao, phải vậy không mọi người?”

Lập tức những người xung quanh liền lên tiếng xác nhận. Một người lại hỏi ông Hai:

“Vậy bây giờ những tiểu quách này xử lý thế nào hả ông Hai?”

Ông Hai lặng yên suy nghĩ một hồi lâu rồi mới đáp:

“Thực ra vẫn còn một chuyện này nữa làm ta vẫn còn canh cánh ở trong lòng. Ngày mai khi giải quyết xong mọi chuyện ở đây ta lập tức phải lên đường về quê, vẫn còn có chuyện cần ta giải quyết, thời gian ta ở đây cũng quá lâu rồi. Bây giờ nói để linh hồn những đứa trẻ này có thể đầu thai chuyển kiếp cũng không phải là chuyện ngày một ngày hai mà giải quyết được. Linh hồn chúng đã vất vưởng suốt một thời gian dài không được chôn cất tử tế, lại không được thờ phụng hương khói đàng hoàng nên rất khó để siêu thoát. Giờ đây chúng ta cần chôn cất chúng cho mồ yên mả đẹp, lại cần phải lập bàn thờ mà thờ phụng mỗi ngày. Khi đủ phúc khí chúng lập tức có thể đi đầu thai chuyển kiếp. Cái khó ở đây là ai sẽ là người đứng ra lo chuyện hương khói thờ phụng cho lũ trẻ này?”

Đám đông đang ồn ào liền lập tức im bặt. Chuyện chôn cất cho lũ trẻ họ có thể lo liệu được, còn chuyện thờ cúng nhang khói mỗi ngày lại không phải dễ. Mặc dù ông Hai nói những đứa trẻ giờ đã không còn nguy hiểm như trước, nhưng vẫn chưa ai quên được những chuyện dị thường đã xảy ra trong trấn suốt những năm qua và cái chết kinh hoàng của vợ chồng chủ nhà trò. Vậy nên không ai dám đứng ra nhận trọng trách này cả. Mãi một lúc sau Trần Dương đứng dậy nói:

“Nếu không ai nhận vậy chuyện này hãy để vợ chồng tôi lo liệu. Dù sao vợ chồng tôi cũng chỉ có một thân một mình, nhà lại cách khu nhà trò này không xa cũng tiện đi lại. Ông Hai đã đến ở nhà tôi cũng xem như một mối nhân duyên, chuyện này hãy để chúng tôi lo liệu.”

Những người khác thấy Trần Dương đứng ra nhận thì lén thở phào một cái như vừa trút được một gánh nặng. Ông Hai nhìn Trần Dương khẽ gật đầu, ông nói:

“Ta quả là đã không nhìn nhầm vợ chồng cô cậu. Thú thực chuyện này ta cũng thấy để vợ chồng cô cậu làm là rất hợp lý. Cậu không chỉ có duyên với ta, mà còn có duyên với cả những đứa trẻ ở trong nhà trò này nữa. Đúng là ý trời… hahaa…”

Trước câu nói đầy ẩn ý của ông Hai, Trần Dương mơ hồ hỏi lại:

“Ông nói tôi có duyên với lũ trẻ ma này nghĩa là sao?”

Ông Hai vuốt vuốt chòm râu đưa ánh nhìn về phía mẹ con Xuân Nương. Ông để ý từ đầu đến giờ cô vẫn luôn tránh mặt vợ chồng Trần Dương không dám nhìn trực diện. Đoạn ông lại nói:

“Con bé Sún là con gái của Trần Lực có phải không?”

Chỉ một câu hỏi của ông Hai khiến cả Xuân Nương lẫn vợ chồng Trần Dương như chết điếng cả người. Xuân Nương hoảng hốt ngồi bệt xuống đất, vẻ mặt lộ rõ vẻ kinh ngạc. Cô lắp bắp hỏi:

“Sao… sao ông biết?”

Câu hỏi của cô cũng chính là lời đáp cho câu hỏi của ông Hai. Trần Dương bàng hoàng như không tin vào tai mình, cậu lắc mạnh tay ông Hai mà hỏi:

“Chuyện này là sao? Ông nói con gái của Xuân Nương chính là con của Trần Lực em trai tôi sao? Không thể nào… chuyện này là không thể…”

Ông Hai vỗ nhẹ vào vai Trần Dương để trấn an cậu bình tĩnh lại. Ông nói:

“Ta biết chuyện này là khó tin đối với cậu, ngay cả ta khi mà phát hiện ra cũng đã rất kinh ngạc. Đến ngay cả Trần Lực cậu ấy cũng không hề biết mình và Xuân Nương đã có con với nhau. Lần đầu gặp linh hồn con bé Sún ta cứ thấy con bé có gương mặt rất quen, giống như một người ta đã gặp từ trước đó nhưng không thể nhớ ra là ai. Sau đó khi dùng bùa tương thông để nhìn thấy kí ức của con bé Sún lúc còn sống ta đã thấy Xuân Nương, nhưng con bé lại không có nét nào giống mẹ cả. Sau đó khi về lại tiệm vải nhà cậu, kể câu chuyện ra ta có thêm thông tin mẹ của bé Sún chính là Xuân Nương, ý trung nhân của Trần Lực. Lúc đó ta mới ngớ người ra, thì ra gương mặt con bé rất giống với Trần Lực. Xâu chuỗi khoảng thời gian mà cậu đã kể với ta trước đó, Trần Lực bỏ đi chưa được bao lâu thì Xuân Nương đã có bầu ta càng thêm chắc chắn với nhận định của mình. Vì thế nên ta mới đánh liều một phen dùng tấm khăn tay mà Trần Lực cất giấu trong phòng làm bùa để gọi Xuân Nương về đây. Thật may là cô ấy đã về kịp lúc. Trần Dương, giờ thì không còn gì nhầm lẫn nữa, con bé Sún chính là con gái của Trần Lực, là cháu ruột gọi cậu là bác đó. Thời gian qua cậu đã trách nhầm cho Xuân Nương rồi.”

Trần Dương ôm lấy ngực mình mà thở dốc. Chuyện này nằm ngoài sự tưởng tượng của cậu. Chưa bao giờ cậu có mảy may một chút suy nghĩ rằng con gái của Xuân Nương lại chính là cháu của mình. Giờ nghe ông Hai xâu chuỗi lại mọi chuyện, cậu thấy quãng thời gian Xuân Nương mang bầu cũng trùng khớp với thời gian mà Trần Lực bỏ đi. Chỉ có điều trong đầu cậu luôn có sẵn mặc định ác cảm với xuất thân của Xuân Nương nên luôn nghĩ cô là hạng con gái không đàng hoàng, Trần Lực vừa đi chưa được bao lâu đã có con với người khác chứ lại không nghĩ đó chính là cháu của mình. Như sực nhớ ra điều gì, cậu quay ngoắt qua ông Hai rồi hỏi:

“Khoan đã, ông vừa bảo là ông thấy con bé Sún giống với Trần Lực sao? Nói vậy là ông đã gặp chú ấy có phải không? Ông biết hiện giờ chú ấy đang ở đâu có phải không?”

Trước câu hỏi của Trần Dương, ông Hai bỗng trở nên lúng túng. Ông vẫn chưa biết nên lựa lời chuyển tin của Trần Lực thế nào cho hợp lý, vì ngày mai xong việc ở đây ông sẽ phải rời đi để về Vân Điền ngay. Biết lúc này cũng không thể giấu thêm được nữa, ông khẽ gật đầu rồi đáp:

“Xin lỗi Trần Dương, có chuyện này ta vẫn luôn giấu cậu. Chỉ là thấy vợ chồng cậu hi vọng quá nhiều ta chưa biết phải lựa lời nói sao cho phải. Thực ra trước khi đến đây ta đã gặp Trần Lực. Nói đúng hơn là linh hồn của Trần Lực, cậu ấy đã chết rồi. Việc ta tìm đến trấn Rừng Thông này cũng là để giúp cậu ấy chuyển lời đến vợ chồng cậu và Xuân Nương. Nhưng đến đây thấy trấn đang gặp chuyện quỷ quái nên ta mới chờ giải quyết mọi chuyện xong lựa lúc thích hợp sẽ thông báo với cậu sau.”

Trần Dương như không còn tin được vào những gì mình vừa nghe thấy. Cả vợ cậu cũng vậy, thị gục đầu vào vai chồng mà khóc lên nức nở. Đêm nay họ đã nhận được quá nhiều sự đả kích, vượt qua sức giới hạn chịu đựng của một con người bình thường. Trần Lực ôm đầu rồi gào lên trong đau đớn:

“Không thể nào… không thể nào… Trần Lực chú ấy không thể chết như vậy được… ông nói dối… ông đang đùa chúng tôi có phải không?”

Đợi một lúc khi cơn xúc động qua đi, cậu lại hỏi:

“Ông đã gặp linh hồn Trần Lực ở đâu? Tại sao nó chết rồi mà không về báo mộng cho tôi biết? Ông biết nó được chôn cất ở đâu không, tôi phải đến đó để đón nó về… tôi phải đón em tôi về…”

Ông Hai nhìn vẻ mặt đau khổ của Trần Dương bằng đôi mắt đầy sự cảm thông. Ông vỗ vai để chia sẻ niềm đau này với cậu rồi chậm rãi kể về lần gặp gỡ Trần Lực ở trong khu rừng già cạnh rừng thông dẫn vào trấn. Xong xuôi ông lại nói:

“Hiện nay linh hồn Trần Lực vẫn đang bị lời nguyền giam giữ ở trong rừng tạm thời chưa thể thoát ra ngoài được. Đợi khi trả xong nghiệp mà mình đã gây ra cậu ấy tự khắc sẽ tìm đường trở về. Cậu ấy muốn tôi nhắn lại với vợ chồng cậu rằng, cậu ấy không oán trách gì hai người cả, hi vọng hai người sẽ không vì sự ra đi của cậu ấy mà suy sụp. Trách nhiệm nối dõi dòng họ xin giao lại cho cậu. Và nếu có thể, hãy đối xử tốt với Xuân Nương.”

Ông Hai nói đến đây thì Xuân Nương và vợ Trần Dương đã khóc nghẹn cả đi. Trần Dương quay qua Xuân Nương cúi đầu nói:

“Xuân Nương, tôi biết là bây giờ nói những lời này cũng đã muộn. Nhưng tôi thực lòng xin lỗi cô, cũng chỉ vì sự ngăn cản của tôi là đã đẩy cô và cả Trần Lực đến bước đường này. Tôi hối hận lắm, chỉ ước gì thời gian có thể quay trở lại, tôi sẽ bớt lí trí đi một chút, thấu hiểu cho tình cảm của hai người thì có lẽ mọi chuyện đã khác.”

Xuân Nương sụt sùi đáp lại:

“Chuyện đến bước đường này cũng là điều mà không ai mong muốn. Em cũng không dám trách gì anh chị cả, em biết em xuất thân không trong sạch bị cấm cản cũng là chuyện dễ hiểu mà thôi. Chỉ cúi xin anh chị cho bé Sún được mang họ của cha nó, để cháu có thể yên tâm mà đi đầu thai chuyển kiếp.”

Trần Dương gật đầu lia lịa rồi đáp:

“Được! Được! Phải như thế chứ. Dù sao con bé cũng là máu mủ của họ Trần chúng tôi. Lúc sống không thể nhận nhau, khi chết đi rồi hãy để chúng tôi thay cô nhang khói cho cháu để cháu khỏi tủi thân.”

Ông Hai thấy mọi ân oán đã giải quyết xong liền cười xoà rồi nói:

“Tốt rồi, tốt rồi. chúng ta lo nốt chuyện còn lại rồi đi về nghỉ ngơi thôi. Bây giờ tôi tính như thế này mọi người xem có hợp lý không nhé. Trần Lực có để lại một số tiền lớn để chuộc thân cho Xuân Nương, những bây giờ xem ra không còn cần đến nữa. Ta bỏ số tiền ấy ra mua lại khu nhà trò bỏ hoang này, dùng chính mảnh đất chúng ta đang đứng đây để làm chỗ chôn cất cho những đứa trẻ xấu số. Sau đó lập một ngôi miếu nhỏ, ngày ngày vợ chồng Trần Dương sẽ lui tới để lo chuyện hương khói. Bà con nếu có tâm ngày rằm và mùng một hàng tháng lui tới thắp cho bọn nhỏ nén hương, cần gì cứ xin cứ cầu chúng sẽ giúp ích được nhiều, bà con thấy tính như vậy có ổn không?”

Trước sự sắp xếp ổn thoả của ông Hai, tất cả đều tán thành đồng ý. Sau đó mỗi người một tay chia nhau ra đi đào huyệt mộ để chôn cất những tiểu quách bên ngoài xuống. Do số lượng người đông, đất lại tơi xốp dễ đào nên không mất quá nhiều thời gian mọi thứ đã xong xuôi đâu vào đấy. Khi lần lượt từng người cắm những que hương cháy đỏ lên những nấm mộ nhỏ mới đắp ở khuôn viên hoa viên cũ của nhà trò, cũng là lúc trời vừa kịp sáng. Vậy là đã tròn một ngày một đêm họ ở trong khu nhà trò này. Tuy mệt mỏi nhưng ai nếu đều lấy làm vui mừng vì đã qua cơn đại hoạ. Mọi người uể oải chia tay nhau ra về. Trước khi ra khỏi cửa, ông Hai quay đầu nhìn vào trong rồi gật đầu với một ai đó. Đoạn ông nói rất khẽ:

“Tạm thời mẹ cứ ở lại đây để chăm sóc cho linh hồn của lũ trẻ một thời gian, khi nào mọi chuyện thực sự ổn hãy về Vân Điền tìm con. Con không thể đợi thêm được nữa phải trở về sớm nhất có thể. Hẹn ngày mẹ con mình gặp lại nhau.”

Sau đó ông được vợ chồng Trần Dương dìu về tiệm vải Hoa Gấm. Mặc dù rất muốn lên đường về Vân Điền ngay lúc này nhưng cơ thể ông đã quá suy kiệt không cho phép ông làm điều đó. Ông đành nghe theo lời mọi người miễn cưỡng lên giường nghỉ ngơi một chút. Định bụng chỉ ngủ một lúc cho lại sức rồi sẽ dậy để lên đường ngay, nhưng do quá mệt mỏi nên khi ông mở mắt ra thì trời đã dần chuyển về chiều. Lúc này trong nhà Trần Dương đã có rất đông người tập trung ở đó. Thấy ông tỉnh dậy, mọi người vui mừng vồn vã hỏi thăm. Vợ Trần Dương từ dưới bếp khệ nên bưng lên một cái khay bên trên có tô canh thuốc bắc còn đương nghi ngút khói. Trần Dương đỡ ông Hai ngồi dậy rồi nói:

“Biết là ông còn phải lên đường nhưng thấy ông ngủ ngon quá chúng tôi không nỡ đánh thức ông dậy. Mấy ngày nay ông cũng vất vả quá rồi. Vợ tôi có hầm tô canh thuốc bắc để ông tẩm bổ đây, ông tranh thủ uống khi còn nóng cho lại sức. Bà con cũng tập trung ở đây đợi ông từ lâu, nếu được xin ông nán lại trấn của chúng tôi thêm vài ngày nữa để chúng tôi còn có cơ hội được cảm tạ ông vì đã giúp đỡ trấn đến quên cả bản thân như vậy.”

Ông Hai liền đáp:

“Xin cảm ơn tấm lòng của bà con, nhưng tôi có việc gấp cần phải rời đi ngay không thể nán lại thêm được nữa. Tấm lòng của bà con với tôi quý như vậy tôi xin nhận.”

Nói rồi ông đỡ lấy tô canh từ tay vợ Trần Dương. Ông vừa cầm lấy thị đã vội vàng rụt tay lại vội vàng bỏ chạy ra ngoài. Thấy hành động lạ của vợ, Trần Dương liền lập tức đuổi theo xem có chuyện gì xảy ra. Một lúc sau cậu quay lại phòng, vẻ mặt lộ rõ vẻ lo lắng. Ông Hai thấy vậy liền hỏi:

“Có chuyện gì xảy ra với vợ cậu sao?”

Trần Dương đáp:

“Không biết vợ tôi bị làm sao mà mấy hôm nay biểu hiện của cô ấy lạ lắm. Cơ thể xanh xao gầy rộc cả đi, lúc nào cũng thấy mệt mỏi chán chường. Suốt từ sáng đến giờ cứ kêu ngửi thấy mùi lạ là lại chóng mặt buồn nôn. Có khi nào… cô ấy bị nhiễm tà khí rồi không hả ông?”

Ông Hai nghe vậy Hai mắt liền sáng long lanh, ông ngồi bật hẳn dậy bước chân xuống khỏi giường rồi nói:

“Cậu nói là vợ cậu ngửi thấy mùi lạ liền cảm thấy buồn nôn sao? Mau, mau gọi cô ấy vào trong này để tôi kiểm tra xem..”

Vợ Trần Dương vào ngồi ngay ngắn ở trên bàn uống trà để ông Hai bắt mạch. Lúc này những người dân trong trấn lại thêm một sự ngạc nhiên nữa về ông Hai. Ngoài việc giỏi làm bùa chú bắt ma trừ quỷ ra ông còn biết cả xem mạch chữa bệnh. Ông lắng mạch của thị một hồi rồi bỗng chốc cười lên hào sảng. Trần Dương đứng cạnh còn đương lo lắng không biết vợ mình bị bệnh gì lại thấy ông Hai cười vậy thì lấy làm lạ lắm. Ông vẫn giữ nguyên vẻ mặt vui mừng bắt tay Trần Dương rồi nói lớn:

“Là hỉ mạch. Chúc mừng cậu, cậu được làm cha rồi.”

Trần Dương dường như không dám tin vào tai mình, cậu đưa tay lên nhéo thử má mình như để xác minh là cậu không nằm mơ. Bởi suốt nhiều năm qua, cậu vẫn luôn mơ điều này mỗi đêm. Mặc kệ xung quanh vẫn đang có rất nhiều người, cậu ôm chầm lấy vợ mà hét lên sung sướng:

“Là hỉ mạch… là hỉ mạch… tôi được làm cha rồi… tôi được làm cha rồi… lời nguyền trong trấn đã được phá bỏ rồi… hahaa…”

Vợ Trần Dương thì vui mừng đến bật khóc. Những người khác nghe tin vui từ vợ chồng Trần Dương cũng lấy làm mừng lắm. Đã năm năm rồi trong trấn lại mới có một người phụ nữ có bầu. Như vậy chứng tỏ lời nguyền đã thực sự được phá bỏ, từ nay trong trấn mọi chuyện đã yên bình trở lại. Những vẫn có người hoài nghi mà hỏi ông Hai:

“Chẳng phải lời nguyền mới chỉ được phá bỏ từ tối hôm qua thôi sao? Ông cũng đã nói phải một thời gian nữa mọi chuyện mới quay trở lại bình thường, vậy tại sao cô ấy lại có bầu nhanh như vậy được?”

Ông Hai liền chỉ vào cái vòng bằng gỗ trầm trên tay vợ Trần Dương rồi đáp:

“Chính là do cái vòng này đây. Đây là bảo vật đã theo sư phụ của ta suốt nhiều năm qua. Trước khi mất thầy đã tặng nó lại cho ta. Món bảo vật này có linh khí rất tốt, có nó trong tay những loại tà ma thông thường khó mà lại gần được. Hơn nữa cái vòng này còn là nơi trú thân tạm thời của linh hồn người mẹ đã mất của ta. Có bà ở bên cạnh che chở cô ấy đã không còn phải chịu sự tác động của lời nguyền ma quỷ kia nữa. Ta đã đưa chiếc vòng này cho cô ấy vào buổi sáng đầu tiên ta tới đây khi mà thấy cô ấy bị lũ trẻ ma tấn công. Thật không ngờ trước khi rời khỏi đây ta vẫn kịp nhận được tin vui như vậy. Chúc mừng cô cậu, chúc mừng trấn Rừng Thông đã hồi sinh trở lại.”

 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...