Bà Ngạc nghe xong chỉ biết cúi gằm mặt mà bỏ ra căn nhà gỗ của mình, ấy mà mụ nào có buông tha cho cái thân cò sắp gần đất xa trời ấy
Mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm vào một buổi trưa nọ.
– Đồ bàn hàn, bà thương mày không có tiền mà lo cho mẹ già chữa bệnh. Bà cho mày vay ba đồng bạc trắng. Lại làm giấy giao hẹn rằng nếu ba tuần trăng trôi qua mà mày không trả nổi thì mảnh ruộng nhà mày thuộc về bà. Giờ đến hẹn rồi thì cứ y như văn tự mà làm. Còn khóc lóc cái gì?
Tiếng mụ Hoa cất lên the thé làm người đàn bà quỳ rạp ở nền nhà càng ra sức lạy lục. Lát sau, người đàn bà mới ngẩng đầu lên mà run giọng:
– Con xin bà! Con lạy bà! Bà thư thư cho con ít bữa. Con vay bà ba đồng bạc, con đã gửi lại năm đồng rồi. Còn số lãi bà thư thả cho con. Nhà con chỉ có mảnh ruộng đó, giờ mà bà lấy mất thì mẹ con con chết mất!
Mụ Hoa điên tiết đập tay xuống sập quát lớn:
– Tiên sư con đĩ già mồm, thế lúc vay tiền mày có thư thư cho bà không? Giờ mày lại đổ tiếng ác cho bà à? Chúng mày đâu? Đánh cho nó một trận rồi tống cổ nó ra ngoài nhanh!
Đám gia nhân lôi người đàn bà ra ngoài rồi cắn răng làm theo lời chủ dù trong lòng không ai muốn. Xong xuôi, cả đám kéo người đàn bà đang nhũn ra như cái xác không hồn mà bỏ ngay đường làng. Bà Ngạc chứng kiến cảnh đó nên thương tình móc cho năm đồng bạc để người đàn bà đó mua mảnh ruộng khác mà kiếm kế sinh nhai. Xui rủi làm sao, đúng lúc đó con hầu của mụ Hoa bắt gặp. Ả đem chuyện đó mách với bà chủ mình. Mụ Hoa điên lắm lao sang nhà bà Ngạc mà túm tóc đánh cho bà một trận chảy cả máu răng. Bà Ngạc già cả làm gì có sức mà chống lại, thành thử bà ăn ngay trận đòn thừa sống thiếu chết!
Tối hôm đó, nhân cuộc rượu ngà ngà say. Ả đem chuyện đó ra kể hết lại cho chồng mình:
– Đấy! Giờ ông làm sao thì làm! Tống cổ mụ ta đi đi! Nhà này không có thứ ăn cây táo rào cây sung đâu!
Hoàn vẫn còn chút nhân tính nên lên tiếng cản:
– Có năm đồng bạc! bà làm gì mà cứ ầm ầm lên thế hả? Để tôi qua nói chuyện với bà ta xem sao!
Ả lên giọng giận dỗi:
– Ông cứ liệu liệu mà làm! Để bà ta trong nhà có ngày bà ta làm nội ứng dắt cướp vào nhà chứ chẳng chơi!
Hoàn gật đầu rồi trở nhanh qua nhà mẹ mình. Đang tính gõ cửa thì gã nghe tiếng rẹt rẹt rất nhẹ, hệt như tiếng bút lông ngỗng đang viết trên giấy. Hoàn nhẹ nhàng đẩy cửa rồi rón rén tiến lại. Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu, bà Ngạc mẹ gã đang chăm chú viết một bức thư. Gã len lén tiến lại giật mảnh giấy dầu làm bà hoảng hồn suýt ngã lăn ra đất. Mấy giây sau hai mắt gã lạc thần, máu nóng dồn lên não rồi rít lên:
– Bà làm cái gì thế này? Bà có biết là thế này là bà đẩy tôi vào chỗ chết không?
Bà Ngạc đanh mặt, dùng chút hơi tàn mà gắt lên:
– Chết tao cũng phải làm, tao phải kể hết cho quan trên biết việc làm bạc ác của vợ chồng mày! Chúng mày cho vay nặng lãi, hà hiếp cướp đất của dân làng. Tao kể hết! Dòng họ nhà tao không có đứa con ác nhân, thất đức như chúng mày!
Hoàn sôi máu giơ tay tát thẳng mặt mẹ mình rồi gầm lên:
– Hoá ra lâu nay tôi nuôi ong tay áo? Bà gần chết đến nơi còn cố lôi tôi chết theo à? Bà có coi tôi là con bà không?
Bà Ngạc rấm rức khóc:
– Tao không có đứa con bạc ác như mày! Tao có lỗi với bố mày, với tiền nhân khi không dạy bảo được mày!
Đoạn bà tiến lại bàn thờ, nơi có tấm di ảnh chồng và đứa con trai lớn mà thắp lên tuần nhang, đoạn nức nở gào lên:
– Ông ơi! Ông tha tội cho tôi với! Tôi không biết dạy con. Để cho chúng nó sống thất đức làm nhục gia phong nhà này. Làng trên xóm dưới ai cũng sỉ vả. Ông cho tôi theo với ông ơi!!
Gã xé nát mảnh giấy tính tiến lại đánh mẹ mình nhưng dường như tấm di ảnh trên bàn thờ của ông Sửu cha gã vừa trợn trừng mắt lên. Luồng âm phong xộc vào toàn thân làm gã á khẩu, khựng lại. Gã lẩm bẩm điều gì đó trong cổ họng rồi bực dọc trở về nhà không quên ném lại một câu đe nẹt
Gã đem hết chuyện đó kể lại cho vợ mình. Mụ Hoa nghe xong thì tái mặt kéo gã lại thì thầm:
– Sao mà ông dại thế? Mụ ta đã nói thế thì chắc hẳn sẽ báo quan vụ chúng ta đánh chết lão người hầu vì ăn trộm ba đấu gạo. Vụ ấy mụ chả biết rõ là gì? Giết người là đền mạng đó ông ơi!
Gã bực dọc rít lên:
– Thế bà bảo tôi phải làm gì giờ?
Như chuẩn bị từ trước, ả móc trong ống tay áo ra một lọ thuốc nhỏ có nắp bằng đồng rồi thủ thỉ:
– Đây là lọ thuốc độc, tôi mua khi lên tỉnh. Cứ thuốc chết mụ đi, có vậy bí mật mới theo mụ xuống mồ. Chúng ta mới kê cao gối ngủ được!
Thấy gã có phần lưỡng lự. Mụ bồi thêm mấy câu:
– Hổ dữ không ăn thịt con, thế mà mụ nỡ đẩy ông vào chỗ chết đấy! Ông còn đắn đo thì tôi với ông chết!
Gã nắm chặt lọ thuốc độc trong tay rồi gằn giọng. Ánh mắt toát lên vẻ hung ác tột cùng:
– Bây giờ muộn rồi! Sớm mai nấu đồ ăn ngon vào. Tôi giả bộ sai người mang sang cho mụ. Cứ y thế mà hành sự!
Hai vợ chồng gã lầm rầm bàn bạc mà không biết chị Xoàn người ở đã đứng ở sau cánh cửa nghe hết. Chị Xoàn vốn chịu ơn bà Ngạc, lại thương cho số phận của bà chủ nhân hậu nên lẻn sang nhà báo tin luôn. Bà Ngạc nghe thấy vậy thì rụng rời chân tay, theo lời chị Xoàn, ngay trong đêm mưa gió trốn đi để tránh tai kiếp.
Bà Ngạc bụng đói cật rét thất thểu trên con đường đê cạnh con sông Cả dẫn ra đầu làng. Tâm can bà bị xé nát, lòng đau đớn khi cả đời tu nhân tích đức lại bị hai đứa nghiệt súc là con mình bày mưu hãm hại. Bà co ro trong manh áo mỏng, thân cò gầy guộc rúm ró, lết mình lao vào màn đêm. Hai hàng nước mắt đã mấy chục năm không chảy, nay rơi đầy trên khuôn mặt sạm gầy. Bà cứ đi thất thểu từng bước nặng nhọc. Cho tới khi cái lạnh ngấm dần vào da thịt
Cơn giông bão ở đâu ầm ầm kéo đến, mưa như tháng 7 trút xuống làm thân cò lảo đảo. Bà quên cả cái lạnh cắt da cắt thịt mà gào lên một tràng thảm não. Đoạn đâm đầu xuống con sông mà giải thoát kiếp người. Bà chết mà bụng không miếng cơm, bà chết mà nỗi tuyệt vọng dâng lên đến đỉnh điểm, bà cụ chết nhằm đúng ngày 23 nhằm tháng 12 âm lịch.
Sáng hôm sau, vợ chồng thằng Hoàn đang lục tục chuẩn bị cơm nước. Gã cẩn thận kiểm tra lọ thuốc độc chuẩn bị thuốc chết mẹ mình thì nghe tiếng gọi thất thanh vọng vào từ cổng:
– Ối ông ơi! Bà ơi! Cụ … cụ chết nổi ở con sông đầu làng rồi!