Bạn đang đọc: Liêu Trai Dị Truyện

Phần 2

25/12/2023
 
 

Sáng hôm sau, dân thành lục tục đi qua đi lại, mới phát hiện trong một con hẻm cụt đâu đó trong hoàng thành, có người chết.

Tuy dân thành Thăng Long nhờ hưởng phúc của nhà vua trẻ, đời sống được chăm lo, không khó khăn, nghèo đói như buổi loạn lạc, nhưng xã hội có người này người kia, tầng lớp này tầng lớp kia, đại gia có thì khất cái cũng có, mà trong hoàng thành, nhiều là đằng khác. Cái xác vô danh người dân mới phát hiện được này, người ta đóan là chúng khất cái tứ cố vô thân. Gã không hiểu sao lại chết dưới vành ô trắng, như vậy là không bình thường.

Tại sao không bình thường?.

Phải biết rằng, thời điểm này trong năm là Qủy Nguyệt, chính là tháng cô hồn, trên đường phố người thì không nhiều, do ai cũng kiêng kị tránh ở trong nhà cả, ngược lại đa số là đám quỷ hồn từ âm ti thoát lên. ‘Qủy mua đường” ý nghĩa chính là như vậy. Vì cô hồn dã quỷ ào lên quá nhiều, chúng không có nơi để về, nơi để ăn, lang thang khắp đầu đường xó chợ, không khỏi khiến cho dân chúng lo sợ, theo bám mình về nhà. Vì vậy, dân thành Thăng Long không biết từ bao giờ, từ đời nào, do ai khởi xướng ra, đã bắt đầu làm nên những chiếc ô giấy trắng, đặt rải rác khắp đường phố trong kinh thành. Những chiếc ô này chính là nơi trú chân cho đám cô hồn dã quỷ ở nhân gian trong thời gian đại xá. Đại khái có thể xem chiếc ô như lữ điếm của chúng quỷ. Tiết Xử Thử, mưa liên miên, nếu không có nơi trú, lạnh lẽo đói rét như vậy, e rằng chúng không yên thân mà quấy nhiễu người sống, chui vào nhà gây họa. Trong Qủy Nguyệt, điểm dễ thấy nhất trong kinh thành chính là sắc trắng tịch liêu rải rác khắp nơi, cùng với sự ra đời của chiếc ô giấy trắng là câu hát trong Nguyệt Qủy Đồng Dao.

“Ô giấy trắng
Nhang đốt chân
Qủy mua đường.”

Dân chúng nghĩ, nam nhân chết dưới tám ô kia có lẽ là một người hành khất từ nơi khác đến, đối với tục lệ riêng biệt làm ô bố thí chỗ trú chân cho chúng quỷ của dân thành Thăng Long mới không hề hay biết, vì thế đêm mưa mượn tán ô che thân. Tranh chỗ của quỷ, khó tránh khỏi bị quỷ vật, hiển nhiên, nam nhân xấu số này mới chết một cách khó coi như vậy. Người ta đồn tai nhau, không biết trước lúc chết gã đã nhìn thấy gì, sắc mặt sau đó còn bảo lưu vẻ kinh hoàng tột độ, tròng mắt lồi ra, con ngươi co rút, khóe mắt, lỗ mũi, mồm miệng đều chảy máu. Lưỡi bị gặm mất, hơn nữa, bộ vị cũng mất.

Thông tin này khiến người dân nghe được đều kinh sợ, tại sao lại mất lưỡi và chỗ đó?. Hơn nữa rõ ràng bị thứ gì cắn mất, không cần truy sâu xa, bọn họ tự động cho rằng thứ giết gã nam nhân vô danh chính là đám cô hồn dã quỷ được Diêm Phủ thả ra. Từ đó, đã tránh nay càng tránh triệt để hơn, chẳng ai muốn mất mạng đúng trong dịp Qủy Nguyệt khí xấu như thế này. Mới đầu tối, nhà nhà đều đóng chặt cửa, hàng quán hạn chế bán đêm, bỗng chốc vẻ nhộn nhịp, sầm uất của kinh thành biến mất, chỉ còn một sắc trắng đơn liêu rải rác trên đường phố tịch mịch cùng với mùi nhang nến lởn vởn không tan trong gió.

Ngoài bố thí chỗ trú chân, người ta còn năng đốt hương vàng cho chúng quỷ hồn trong Tết Trung Nguyên. Có một điều đặc biệt trong việc này, là những nén nhang người sống đốt ra cắm nơi xó tối, hẻm nhỏ đều cháy rất mãnh liệt, một đốt đốt tận chân, “nhang đốt chân” là để miêu tả sự kì quái xảy ra trong dịp Quỷ Nguyệt như vậy, bởi kể cả không có gì che chắn dưới trời mưa rải rác, những cây nhang vẫn bền bỉ cháy, khói xám lượn lờ không tiêu tan. Vô tri vô giác, khi đi qua những nơi có nhang thắp cho cô hồn đang cháy, người ta đều cảm thấy lạnh người. Dĩ nhiên, Nguyệt Qủy Đồng Dao ra đời, mục đích không gì khác ngoài nhắc nhở người phàm cẩn thận, tránh xa những thứ liên quan tới chúng quỷ.

Cúng dường cho người chết, ngoài ô trắng, nhang nến, vàng mã, không thể thiếu hình nhân giấy, hay đồ thờ cúng, mà cái nghề chuyên làm mấy món dành cho người Âm như vậy cũng đặc biệt khác người, chính là nghề cắt giấy, buôn bán hàng mã. Nghề nào cũng đều sẽ hoạt động suốt năm, nhưng bởi đặc thù, cái nghề liên quan tới Âm giới này lại nhộn nhịp nhất chính là vào dịp Qủy Nguyệt. Trong hoàng thành có không ít hộ dân buôn bán mặt hàng này, nhưng để xét tính gia truyền và thanh thế của nó thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong hoàng thành Thăng Long bấy giờ, nghề hàng mã thủ công có ba gia tộc lớn lâu đời, chia theo Diệu Đức môn phía Bắc có nhà họ Tạ, Tường Phù môn phía Đông có nhà họ Ninh và nhà họ Dương, trong dân gian lúc ấy phổ biến một câu nói ” Tam Mã Gia”, chính là để nói ba vị gia chủ thương thế nổi trội trong giới thủ công hàng mã. Riêng ở phía Tây và Nam thì không có gia tộc nào nổi trội đáng để lưu nhớ. Cạnh hoàng thành là phủ Phụng Thiên, dân chúng trong phủ buôn bán hàng mã không tính là ít, tuy nhiên hội tụ đa số là thành phần từ khắp nơi đến, cũng chưa từng thấy gia tộc nào có nghề lâu đời là làm hàng mã như vậy.

Tạ gia ở phía Bắc hoàng thành, có thể nói chính là độc cứ một phương, những hộ buôn bán tầm thường nhỏ nhoi không đáng để so thương thế, bởi vậy việc buôn bán hàng mã trong Qủy Nguyệt của Tạ gia vô cùng lấn át. Gia chủ Tạ gia là Tạ Qúy, người này tuổi ngoại tứ tuần, trong người có bí quyết gia truyền về nghề cắt giấy, dòng họ y có năm đời chỉ làm hàng mã, đến đời y là đời chân truyền thứ sáu. Nghề làm hàng mã có thể so với việc hành thiện cứu người ở chỗ chính là tích âm đức, tổ tiên Tạ Qúy thuở ban sơ là vì điều này mới đi theo nghề làm hàng mã. Đến đời y, tin tưởng phúc dày lộc rộng này là do âm đức từ cụ tổ nhà mình hành nghề có được, đối với nghề gia truyền càng tâm huyết hơn. Nghề giấy dán cũng như việc buôn bán hàng mã của Tạ gia không có gì bận tâm, thuận buồm xuôi gió.

Duy chỉ có phía Đông Thăng Long thành, hai gia tộc khác nổi tiếng về hàng mã thủ công là Ninh gia và Dương gia do cùng tranh giành địa phận Tường Phù môn, nếu quanh năm là sóng ngầm, thì tới Qủy Nguyệt chính là lộ liễu đấu đá. Một năm chỉ có một dịp Trung Nguyên, cũng chỉ có một dịp này nghề hàng mã náo nhiệt, không tránh khỏi việc cạnh tranh, giành giật lơi nhuận. Nếu Tạ gia ở phía Bắc có bí quyết gia truyền về cắt giấy, thì Ninh gia có bí quyết riêng về làm hình nhân, cũng coi như trong tay nắm một lợi thế. Riêng Dương gia, lại là một nội hàm khác.

Gia tộc họ Dương, gia chủ hiện tại là Dương Thiết, cũng là gia chủ trẻ tuổi nhất trong ba đại gia tộc “hàng mã”, tuổi mới ngoài đôi mươi. Nguyên sơ, hắn cũng không phải giữ vị trí nặng nề này sớm, mà do phụ thân hắn vì bạo bệnh qua đời, hắn lại là quý tử Dương gia, không tránh khỏi phải đảm đương trọng trách, tiếp tục thay cha nối nghiệp gia truyền. Tuy nhiên, họ Dương không giống như hai đại gia tộc kia, trong nghề không có bí quyết đặc thù, Dương gia phát triển thủ công hàng mã được như hiện tại, là do tổ tiên của hắn cách đây bốn đời là đại thương phú kinh doanh giấy, rót tiền vào tìm hiểu hàng mã thủ công. Ở thời Lý bấy giờ, thủ công nghiệp có một câu: “gốm, giấy, sắt, đồng, mộc vượng trinh” , chính là để nói năm nghề: nặn gốm, làm giấy, rèn sắt, đúc đồng, nề mộc vô cùng phát triển. Đời tổ tiên của Dương Thiết không phải làm hàng mã, mà là làm giấy và in ấn, sau này vì thái bình ổn định, dân chúng ngày càng có nhu cầu cao hơn về mọi mặt, dư dả thờ cúng tổ tiên, đối với các dịp lễ tết không những không sơ sài mà còn chuẩn bị cực kỳ tươm tất, các thứ đồ lễ, cúng tự cũng theo đó phong phú, cấp thiết lên mấy phần. Cụ tổ Dương gia là thương nhân có mắt nhìn thời thế, nhận ra tiền đồ của nghề làm hàng mã, mới cắt vốn chuyển một phần nhân lực sang nghề này, dần dần qua các đời tiếp theo chỉ còn làm duy nhất một nghề ấy. Như vậy, hàng mã thủ công của Dương gia ở hiện tại có thể đủ sức so thương thế với hai gia tộc còn lại, chính là vì “tiền vượng lực, hậu hùng cường”.

Thời kỳ khó khăn của Dương gia bắt đầu khi phụ thân Dương Thiết mắc bệnh nan y cách đây ba năm, mới qua đời được một năm. Ba năm theo cha hắn bệnh tình, việc kinh doanh của gia đình giảm sút. Xưa nay theo mặt bằng chung, giá sản phẩm làm ra của “Tam Mã Gia” đều cao hơn so với những hộ buôn bán nhỏ lẻ khác gấp bội, đương nhiên khách của bọn họ toàn là những bậc công hầu, đại gia trong hoàng thành. Tuy đương vận khó khăn, nhưng Dương gia không hạ giá sản phẩm, một đường vẫn cùng giá ngang hàng hai gia tộc kia bán ra, thiên hạ không khỏi có chút bất bình. Thứ nhất là vì Dương gia trong nhà mắc biến, sảm phẩm làm ra không những không có gì tiến bộ, thậm chí còn ngày càng tệ, bỏ ra một số tiền lớn như vậy, ai đành lòng mua về mấy thứ đồ cúng bằng giấy ọp ẹp, xoàng xĩnh, không có gì mới mẻ. Thứ hai chính là do hai gia tộc bên cạnh rất thức thời, không chỉ sản phẩm làm ra ngày càng chất lượng, mà mỗi năm còn mỗi khác, đổi mới theo nhu cầu và thị hiếu của giới đại gia, quý tộc, đương nhiên bỏ tiền túi ra mua hàng mã cũng bỏ một cách hài lòng, thống khoái. Mới chỉ qua hai năm, số lượng khách hàng lâu năm của Dương gia đã giảm xuống, bọn họ nếu không là mua ngày càng ít, thì là chạy qua họ Tạ và họ Ninh, riêng chuyện này đã khiến cho Dương Thiết tuổi còn trẻ đau đầu. Chưa kể theo sụt giảm nguồn cầu, tiền bạc thu về từ việc kinh doanh của gia tộc đều thấp xuống, không có vốn để đầu tư vào sản phẩm. Nếu không tìm ra cách giải quyết, thanh thế của Dương gia sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, vị trí gia chủ Dương gia của Dương Thiết cũng bị dòng tộc gây sức ép.

Một đêm nọ, sau khi xưởng chế tác giấy của Dương gia tới giờ nghỉ, người làm đều đã về hết, Dương Thiết lại một mình xách đèn đến. Xưởng làm hàng mã của nhà họ Dương chiếm một khoảng đất rộng phía sau gia trang. Ban đầu xưởng nằm ở nơi khác, sau này tới đời tổ phụ của hắn, cụ mới rời xưởng về trong gia phủ, để tiện bề trông coi, quản lý, mà cũng là bởi vì, đất đai Dương gia rất rộng. Dương Thiết vì trăn trở chuyện buôn bán không thuận lợi, dạo gần đây đêm nào cũng mất ngủ, đêm nay trằn trọc trong thư phòng, không hiểu sao lòng lại nóng như lửa đốt, bèn đốt đèn chạy tới xưởng chế tác một chuyến.

Xưởng chế tác nằm biệt lập ở phía Tây gia trang, dẫn vào có một lối đi riêng dài hun hút, hai bên trồng một hàng tùng tươi tốt. Dương Thiết đẩy cửa xưởng đi vào, bên trong rất tối, vì là xưởng giấy nên để phòng hỏa hoạn, người ta không đốt đèn bên trong xưởng ban đêm. Cũng tin tưởng rằng, không có trộm nào sẽ đi trộm mấy mặt hàng chỉ dành cho người Âm thế này. Trong tay Dương Thiết cầm một cây đèn lồng đỏ, ánh sáng không tốt lắm, từ trong xưởng phả ra một luồng khí lạnh như gió đêm tháng Chạp, Dương Thiết khẽ rùng mình, giơ cao đèn hơn nữa. Bốn phía xưởng chế tác ngổn ngang dụng cụ, la liệt giấy bản cùng đồ vật, hình nhân bằng giấy, theo ánh sáng đèn lồng lén lút lộ ra, không khỏi khiến cho Dương Thiết cảm thấy hơi rợn người. Đi kiểm tra xung quanh xưởng một vòng, không phát hiện có gì khác thường, Dương Thiết thở dài một hơi, định bụng trở về, mới ra đến cửa, sau lưng chợt nổi lên tiếng động nhỏ, bịch.

Dương Thiết quay đầu nhìn ngay, trên kệ tủ dài án gần chỗ hắn đứng, từ trên kệ rơi xuống một con hình nhân giấy, nó ngã chổng vó dưới chân kệ, khuôn mặt trắng toát với nụ cười cứng đờ chĩa về phía hắn. Dương Thiết miễn cưỡng quay lại nhặt con hình nhân bày lên chỗ cũ, xong xuôi trở ra ngoài. Hắn vừa khép lại hai cánh cửa xưởng chế tác, bên trong lại vang lên hai tiếng “bịch, bịch”, không khỏi nhíu mày nghi hoặc, lẽ nào hình nhân lại đổ, khó chịu mở cửa ra lần nữa. Ánh đèn lồng chiếu tới, nhưng Dương Thiết không thấy trên đất có thứ gì bị đổ hay ngã, vậy âm thanh mới vừa rồi là như thế nào?. Hắn đang lúc chau mày nghĩ ngợi, phía sâu trong xưởng chế tác nổi lên một tiếng động khác, nghe sột soạt, sột soạt như có ai đang xé giấy.

 
 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...