Đó là một tấm ảnh đen trắng đã ngả nâu, trông na ná tấm ảnh mà gã họ
Sở cho tôi xem, kẹp giữa vô vàn tấm ảnh tương tự, không dễ dàng nhận ra. Tấm ảnh chụp chung hai người, tôi giật mình phát hiện ra một trong hai
chính là Trần Văn Cẩm!
Tấm ảnh này lớn hơn nhiều so với tấm gã họ Sở cho tôi xem, cho nên
nhìn tương đối rõ. Người đàn ông trong ảnh mặc trang phục dân tộc Dao,
nét mặt căng thẳng, còn Văn Cẩm thì cười tươi như hoa. Ngoài hai người
kia ra, nền tấm ảnh còn có một đứa bé.
Đây là chuyện quái quỷ gì vậy? Ảnh chụp Văn Cẩm sao lại xuất hiện ở
chỗ này? Tôi nổi hết da gà, lập tức hỏi A Quý: “Tấm ảnh này chụp vào lúc nào?”
A Quý bước qua xem: “Vài thập niên trước.” Anh ta chỉ vào người đàn
ông mặc đồ dân tộc, “Đây là cha tôi, còn cô gái này chính là thành viên
của đội khảo cổ.”
“Đội khảo cổ? Nơi này đã có đội khảo cổ đến?” Tôi gần như nhảy dựng lên, “Chuyện là thế nào vậy?”
“Tôi cũng không rõ lắm, hình như họ nói đã phát hiện ra thứ gì ở ngọn núi bên kia.” A Quý chỉ về một hướng, “Chuyện xưa lắc xưa lơ rồi, sau
bỗng dưng chẳng ai nhắc đến nữa.”
Trong lòng tôi thầm than, đi nát đôi giày không manh mối, thu được
kết quả chẳng phí công, chuyến đi này đúng là không uổng! Bèn vội vàng
kéo A Quý ngồi xuống, bảo anh ta kể ngay cho tôi nghe chuyện về đội khảo cổ.
A Quý chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, có khi còn đang nghĩ đám người
này chập mạch rồi chắc? Sao vừa nghe đến chuyện này đã hưng phấn làm
vậy?
Bàn Tử liền nói: “Chúng tôi hiếu kỳ thôi, ông đừng để ý làm gì, cứ kể chi tiết chuyện này đi, chúng tôi sẽ trả công hậu hĩnh, ngàn chữ đổi ba mươi đồng.”
A Quý nghe đến tiền là tươi tỉnh ngay, vội vẫy tay gọi con gái qua
đếm chữ, thuật lại câu chuyện từ đầu đến đuôi cho chúng tôi nghe.
Khi chuyện này xảy ra, A Quý mới hơn mười tuổi. Thuở ấy Ba Nãi vẫn
còn nghèo khổ, gần như cách biệt với thế giới bên ngoài, cho nên sự xuất hiện của đội khảo cổ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng anh ta.
A Quý vẫn còn nhớ đội khảo cổ có hơn mười người, do một cô gái đứng
đầu, họ theo chân những người ra ngoài họp chợ mà vào làng. Do cha anh
ta hồi đó là liên lạc viên trong thôn, nên phải đi tiếp đãi.
Cô gái kia nói với cha A Quý, họ là thành viên đội khảo cổ đến từ
thành phố, phải tiến hành khảo sát ở vùng phụ cận, mong anh hãy giúp
sức. Bọn họ có văn kiện đóng dấu đỏ của chính phủ, việc này ở trong làng có thể coi như đại sự, cha A Quý không dám thờ ơ, lập tức giúp bọn họ
thu xếp chỗ nghỉ chân và người dẫn đường.
Đội khảo cổ ở đây khoảng sáu bảy tháng, nhưng suốt bấy lâu, họ dành
phần lớn thời gian lần mò trong núi, người ở làng căn bản không hề tiếp
xúc với họ. Người có mối liên hệ mật thiết nhất với họ, chính là tay dẫn đường được cha A Quý thu xếp.
Sau khi đội khảo cổ đi rồi, người làng mới hỏi tay dẫn đường, những
người này rốt cuộc làm gì trong núi? Hắn cũng bảo không rõ. Suốt mấy
tháng trời gần như lặn lội khắp các ngọn núi quanh vùng, cuối cùng hình
như mới tìm được mục tiêu. Không tiếp tục thăm dò trong núi thì không
cần người dẫn đường nữa, hắn cũng rời khỏi đội. Cô gái kia chỉ bảo hắn
cách ba ngày đi trình diện một lần, còn đặc biệt lưu ý là đúng ba ngày
không sớm không muộn.
Về sau, lại xảy ra một chuyện nghe rất quái gở.
Thời gian đầu tay dẫn đường cứ ba ngày đi một lần, không xảy ra vấn
đề gì lớn. Nhưng có một lần hắn phải giúp nhà thông gia cắt cỏ, nghĩ
bụng đi sớm một ngày có làm sao, kết quả đến nơi thì phát hiện doanh địa của đội khảo cổ kia trống huơ trống hoác, không biết mọi người đã đi
đâu. Hắn sợ hãi, tưởng họ gặp tai họa gì, mà lại không dám nói ra, bèn
một mình đi tìm, tìm khắp các ngọn núi xung quanh cũng không thấy họ
đâu.
Hắn hoảng hồn quay về thôn, cả đêm mất ngủ, hôm sau lại lên đường thì phát hiện ra những người đó đã trở về, trong doanh địa tưng bừng náo
nhiệt, giống như chưa có chuyện gì xảy ra. Lúc ấy hắn đã cảm thấy bất
thường, tưởng sơn thần tác quái, cũng không dám nói ra, chờ đội khảo cổ
đi rồi mới kể cho người trong thôn nghe.
Lúc rời đi, đội khảo cổ mang theo hơn mười rương đồ, nghe nói đều tìm được từ chỗ kia. Chẳng ai biết bên trong đựng những gì. Tấm ảnh này là
cha A Quý chụp chung với nữ đội trưởng kia trước khi họ đi, mang vào
thành phố rửa ra rồi gửi về. Nhờ sự kiện này mà về sau cha Quý được lên
làm cán bộ thôn, cho nên ông vẫn coi đây là quá khứ huy hoàng của mình
mà đem trưng lên tường.