Bạn đang đọc: Đạo Mộ Bút Ký

Quyển 5 – Chương 45: Nơi tập kết

25/12/2023
 
 

Tôi nghe mà trợn mắt há mồm. Mới đây thấy tên địa điểm này được nhắc đến trong sổ tay của Văn Cẩm, mà sao giờ bọn họ cũng sắp tới đó rồi. Trong chốc lát tôi không kịp phản ứng gì. Hơn
nữa bọn họ chắc hẳn chưa từng đọc được quyển sổ tay của Văn Cẩm đâu, vậy cớ sao lại biết đến sự tồn tại của nơi này chứ?

“Sao thế?” Anh chàng người Caucasus thấy vẻ mặt tôi kỳ quái, bèn hỏi thăm: “Sao tự nhiên mặt mũi trắng bệch ra thế kia?”

“Không có gì. Mới rồi bị dọa đó mà.” Tôi
lập tức che đậy một câu, rồi làm bộ như lạ lùng lắm, vừa bám theo anh ta vừa hỏi: “Tháp Mộc Đà là chỗ nào? Các anh tới đó làm gì thế?”

“Tháp Mộc Đà hả? Cái này nói ra dài lắm,” Anh chàng Caucasus nhìn nhìn A Ninh đi phía trước một chút rồi nhỏ
giọng bảo tôi: “Để lát nữa tôi kể cho nghe. Chúng ta đi xem xem hai vị
Tiểu ca kia mang từ trong ấy ra thứ gì trước đã.”

Tôi thấy ánh mắt anh ta nhìn tôi, hình
như A Ninh không cho anh ta kể những chuyện này thì phải. Thế là tôi
cũng ngầm hiểu trong lòng, cũng không gặng hỏi nữa.

Người trong khu tập kết cứ chạy qua chạy
lại báo tin cho nhau, mấy người đang say giấc nồng trong túi ngủ đều bị
đánh thức dậy. Chúng tôi đành phải cẩn thận luồn lách qua đám túi ngủ
ngọ nguậy, đi một mạch theo nhóm A Ninh.

Cả khu tập kết thật là lớn, bao trọn cả cái bãi tập trung xe Land Rover1 ở ven đường nữa. Phía sau còn có một mảng toàn lều bạt, trong đó mái lều
tròn lớn nhất đường kính phải tới bốn-năm mét, hẳn là do dân bản xứ dựng lên, bên trên còn có chữ Tạng đánh dấu, hình như là bảng giá thuê trọ. A Ninh dẫn chúng tôi vào. Trong lều rất ấm. Tôi thấy bên mép lều có đốt
một lò than có ống khói nhỏ, trên nền đất trải lớp thảm lông dày nhiều
màu sặc sỡ. Sau này tôi mới biết thứ đó gọi là “len lông cừu thô”, hiện
giờ là thứ tương đối xa xỉ. Ngoài ra còn có rất nhiều đồ gỗ gia dụng
kiểu dân tộc Tạng ngày xưa, cùng với một số túi vải không dệt(*) ràng
thành từng bó chưa được tháo ra.

(*) vải
không dệt (Non woven fabric): có cấu tạo từ các hạt nhựa tổng hợp và một số thành phần tái chế tùy theo mục đích sử dụng, sau đó kéo thành các
sợi và liên kết với nhau bằng dung môi hóa chân hay nhiệt cơ khí tạo
thành những tấm vải nhẹ và xốp.

Cả căn lều thật ấm cúng dễ chịu. A Ninh ngồi xuống thảm trải sàn. Một người Tạng tiến đến, hình như là chủ lều, rót trà bơ cho mỗi người bọn tôi. Tôi bèn ngồi xuống quan sát những người này một chút.

Kẻ khiến tôi phát cáu nhất chính là Muộn
Du Bình. Tên này ngồi ngay đối diện tôi, thế mà lại chẳng thèm nhìn tôi
lấy một cái, chỉ tựa vào một đống chăn chiên bự rồi lập tức nhắm mắt
nghỉ ngơi. Đám người trên xe ban nãy không đến hết cả đây, mà chỉ có một số người tôi không quen biết, làm tôi cũng không được tự nhiên cho lắm. Trong số những người này, tôi chỉ biết mỗi Ô Lão Tứ và anh chàng người
Caucasus, còn lại đều là những khuôn mặt lạ hoắc.

Những người đó lục tục ổn định chỗ ngồi. A Ninh liền lấy thứ mà Hắc Nhãn Kính vừa đem ra từ tòa nhà ma lên, đặt
xuống cái bàn thấp trước mặt chúng tôi.

Đó là một cái hộp dẹt bằng gỗ lim, sau
khi mở ra thì thấy bên trong là một chiếc mâm sứ Thanh Hoa đã tàn tạ.
Mảng mâm bên trái bị khuyết mất một miếng to cỡ bàn tay.

Bên dưới cỗ quan tài đá nọ chắc chắn phải có một khoảng trống, như vậy xem ra chiếc mâm sứ này vốn được đặt ở
trong khoảng trống đó. Đây là cái gì vậy? Vì sao nhóm Muộn Du Bình lại
đi trộm thứ này về? Tôi không khỏi có chút hiếu kỳ.

Đúng lúc tôi đang định rướn cổ về
phía chiếc mâm sứ để nhìn, thì đột nhiên lúc này lại có hai người từ bên ngoài bước vào lều. Đó là một cụ bà người Tạng đầu tóc bạc phơ, và một
phụ nữ trung niên cũng là người dân tộc Tạng. Bà cụ người cũng gầy còm
hom hem giống Trần Bì A Tứ, ước chừng cũng quá bảy mươi rồi, có
điều trông vẫn khá quắc thước, ánh mắt rất sắc bén. Còn người phụ nữ
trung niên kia thì trái lại diện mạo cũng như một người Tạng bình
thường. Hai người bọn họ vừa bước vào thì bầu không khí trong cả lều bạt đột nhiên biến đổi. Ngoại trừ Kính Râm và Muộn Du Bình, những người
khác đều không kìm được mà ngồi thẳng cả người lên, quay về phía bọn
họ, nhất là với bà cụ nọ. Thậm chí còn có hai người còn hành lễ với bà.
Dường như địa vị của bà lão người Tạng này ở đây khá là cao.

Bà cụ cũng đáp lễ, rồi lại thoáng đánh
giá chúng tôi một chút, đặc biệt là tôi. Có lẽ vì thấy tôi lạ nên bà ta
nhìn nhiều thêm mấy lần, rồi mới ngồi xuống. A Ninh liền kính cẩn cầm
mâm sứ kia lên đưa cho bà ta rồi lễ phép hỏi: ” Nữ Lạt Ma, ngài xem xem, thứ năm đó ngài thấy có phải vật này không?”

Nói xong thì lập tức có người phiên dịch
sang tiếng Tạng. Bà cụ nghe xong bèn đón lấy chiếc mâm sứ, bắt đầu ngắm
nghía, xem được vài lần liền không ngừng gật đầu, đồng thời nói liến
thoắng cái gì đó bằng tiếng Tạng. Người phiên dịch bắt đầu dịch ngược
lại lời bà cụ vừa nói, mấy người bọn họ liền bắt đầu trò chuyện với
nhau.

Bọn họ đối đáp ngắt quãng, người phiên
dịch thì không chỉ trình độ tiếng Tạng làng nhàng mà chết dở hơn nữa là
tiếng Trung hình như cũng chẳng ra sao, cứ ngắc nga ngắc ngứ. Tôi căng
tai ra mà nghe nhưng cũng chả nghe ra gì cả, bèn nhỏ giọng hỏi Ô Lão Tứ
bên cạnh xem bà cụ này là ai thế.

Ô Lão Tứ không trả lời tôi, nhưng tay
Kính Râm ngồi cạnh đã lên tiếng. Hắn thì thào nói với tôi: “Bà ấy tên là Định Chủ Trác Mã, là người dẫn đường cho Văn Cẩm năm xưa đó.”

 
 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...