Editor: Cơm Nắm Nướng Chảo
Beta: Earl Panda
.
.
.*****
.
Câu chuyện về Cầu Đức Khảo đến đây tạm dừng, tiếp theo là những diễn biến xảy ra khi Giải Liên Hoàn đi tìm chú Ba.
Lời kể của chú Ba rất rõ ràng, rành mạch, khiến tôi có thể hiểu được
nguyên nhân sâu xa bên trong. Tôi thật không ngờ chú Ba đã dính vào
chuyện này từ lâu. Hơn nữa là công ty của A Ninh và nhà họ Ngô chúng tôi lại có liên quan sâu sắc đến thế.
Chú Ba sau khi một mạch kể tuồn tuột ra hết thì nghỉ một lát, bảo tôi nếu có câu hỏi gì, hay có gì không tin thì bây giờ có thể hỏi chú luôn.
Tôi biết chú chỉ dỗi thế thôi, rõ ràng là vì ban nãy tôi không tin ổng, cho nên ổng vẫn còn để bụng lắm.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc, không thể xổ toẹt là không tin được rồi, nhưng quả thực có mấy chỗ tôi vẫn thấy chưa được rõ ràng.
Vừa rồi chúng ta cũng đã biết, Cầu Đức Khảo và Giải Liên Hoàn đã gian díu với nhau từ lâu, lúc đó thấy mặt nhau chẳng qua chỉ là một lần gặp
lại. Vả lại, căn cứ vào những chuyện mà tôi biết sau này, tôi đoán rằng
mục đích khiến Cầu Đức Khảo tìm đến Giải Liên Hoàn rất có thể chính là
muốn hắn trà trộn vào đoàn khảo cổ Tây Sa của Trần Văn Cẩm, lặn xuống
ngôi mộ dưới đáy biển của Uông Tàng Hải để lấy một vật cho lão. Mà vật
đó rất có thể là thứ Uông Tàng Hải dùng để cất giấu bí mật của Đông Hạ:
xà mi đồng ngư.
Như vậy, Cầu Đức Khảo biết tin tức về mộ huyết thi chính là do tự chú Ba để lộ ra. Điều này không có nghi vấn gì nữa, nhưng còn ngôi mộ dưới
đáy biển? Một nơi bí mật như vậy, vì sao Cầu Đức Khảo lại có thể biết
đến nó được? Lẽ nào cũng là do chú Ba tiết lộ cho lão biết sao? Không
thể có khả năng này được.
Còn nữa, nếu dựa theo cách nói của chú Ba thì rõ ràng toàn bộ nguyên
nhân ở đây đều bắt đầu từ cuốn sách lụa Chiến quốc. Thế nhưng, Uông Tàng Hải ở Tây Sa và sách lụa Chiến Quốc thì liên quan quái gì tới nhau
được? Vậy thì vì sao Cầu Đức Khảo lại đánh mắt sang đến tận Tây Sa?
Tôi liệt kê những vấn đề này ra, chú Ba nghe xong liền gật đầu bảo:
“Mày nghĩ đến đúng điểm mấu chốt rồi đấy. Quả thực kẻ sai Giải Liên Hoàn trà trộn vào đội khảo cổ chính là Cầu Đức Khảo. Nhưng có điều, mày mới
chỉ đoán đúng có một nửa thôi. Theo chính lời lão ta đã nói, bảo Giải
Liên Hoàn vào cổ mộ lại không phải là vì xà mi đồng ngư, mà chỉ muốn để
hắn chụp lại hình ảnh thi thể bên trong quan tài.”
Về phần lý do vì sao thì lão người nước ngoài kia không chịu nói.
Đồng thời, cả chuyện lão moi được tin tức về mộ Uông Tàng Hải từ đâu ra, lão cũng không chịu tiết lộ nốt. Lúc chú Ba hỏi thì lão bèn dùng một
câu cách ngôn của Trung Quốc, ra vẻ thần thần bí bí: “Thiên cơ bất khả
lộ.”
“Có điều,” chú Ba sáp lại gần tôi nói, “Sau này có xảy ra một chuyện, làm chú ít nhiều cũng đoán ra được chút gì đó. Mày nghe thử xem có lý
hay không.”
Tôi gật đầu bảo được. Chú bèn ngồi ngay trên giường, dùng ngón tay vẽ ra mấy điểm. “Chú từng nghĩ, khi lão già ngoại quốc kia trở lại Trung
Quốc, nhắm chòng chọc vào Tây Sa thì đã là một năm sau chuyện ở Trường
Sa, suy ra, lão biết đến sự tồn tại của ngôi mộ dưới đáy biển hẳn cũng
chỉ trong một năm này. Như vậy, trong một năm ấy chắc chắn đã xảy ra một sự việc gì đó, tiếp theo thì Giải Liên Hoàn nắm được tin tức về việc
này.”
“Nhưng chúng ta lại biết rõ rằng, trong khoảng thời gian đó Cầu Đức
Khảo đã chịu một đả kích rất lớn, dĩ nhiên không thể chỉ vì một tin tức
dưới đáy biển có cổ mộ đã hồi tỉnh ngay lập tức, rồi toàn tâm toàn ý tập trung vào một việc khác chả liên quan. Trong lúc đó, chuyện có khả năng thu hút sự chú ý của lão nhất, hẳn chỉ có thể là những chuyện liên quan liên quan đến cuốn sách lụa Chiến quốc mà thôi. Như vậy, chúng ta có
thể suy ra được, sự việc kia chắc chắn có liên quan đến cuốn sách lụa.
Cầu Đức Khảo bị tin tức về sách lụa Chiến quốc thu hút trước, sau đó mới chú ý đến chuyện Tây Sa.”
“Đến đây thì không sao đoán được sự việc đó rốt cuộc là cái gì, tuy
nhiên, căn cứ vào những sự kiện đã xảy ra về sau, chú thấy rất có thể
lão già nước ngoài này đã gặp được một người. Người này hẳn là đã từng
vào trong ngôi cổ mộ dưới đáy biển, và rất có thể, chính kẻ này đã giúp
Cầu Đức Khảo giải mã được bí mật đằng sau bản đồ sao trong cuốn sách
lụa. Mà bí mật này tất có liên quan đến cổ mộ của Uông Tàng Hải, đẩy sự
hứng thú của Cầu Đức Khảo về phía Tây Sa. Vì vậy, Cầu Đức Khảo mới đến
Trung Quốc lần nữa, tìm Giải Liên Hoàn, âm mưu trà trộn vào trong đội
khảo cổ.”
“Sao chú khẳng định là lão ta đã gặp một người, chứ không phải là lại xảy ra một sự việc nào khác?” Tôi hỏi lại.
Chú Ba đáp: “Là bởi vì tài liệu. Những tài liệu của Cầu Đức Khảo về
ngôi cổ mộ này quá chính xác, nhất định là do có người đã vào đó trước,
rồi sau mới soạn lại, chứ không còn bất cứ khả năng nào khác có thể
khiến lão nắm được nhưng thông tin tỉ mỉ đến thế.”
Tôi gật đầu. Cái này cũng có lý lắm, nhưng mà bản đồ sao trong cuốn
sách lụa Chiến quốc thì có liên quan gì đến cổ mộ thời Minh? Chuyện này
thực sự có phần khó tin. Lẽ nào Thiết Diện Sinh xem được tinh tượng,
biết hơn ngàn năm sau sẽ có một gã đồng nghiệp xây mộ ở nơi đó chăng?
Nếu xem tinh tượng mà dự đoán được đến cả những thứ lông gà vỏ tỏi
thế này thì chỉ e đến nay cũng chẳng thất truyền nổi. Điểm này, còn phải khảo cứu đã.