Editor: Cơm Nắm Nướng Chảo
Beta: Thanh Du
~0O0~
Trải qua hai ngày bôn ba, chúng tôi rốt cuộc đã tới sông băng nằm
trong khe núi Tiểu Thánh. Trên đầu ai nấy đều bám đầy tuyết vụn, mệt nhừ tử. Nhưng vào lúc nắng chiều ngả về tây, đứng từ trên cao phóng mắt
nhìn ra xa, phong cảnh xung quanh lại khiến chúng tôi say mê ngây ngất.
Nhưng hành động của Muộn Du Bình lúc này lại khiến chúng tôi kinh
hãi. Chẳng ai hiểu vì sao hắn lại quỳ rạp trước núi tuyết mà hành đại lễ hết sức kính cẩn đến thế, tựa như hắn có một thứ cảm tình đặc biệt đối
với ngọn núi kia vậy.
Bái lạy xong xuôi, hắn liền trở về với vẻ mặt “xong chuyện rồi cóc
quan tâm gì nữa, chỉ ngủ phần tôi”, trèo lên một phiến đá trần mà nhắm
mắt nghỉ ngơi. Tôi không khỏi nổi lòng hiếu kì, quả thật không thể nhìn
thấu trong đôi mắt đen sâu không thấy đáy của hắn rốt cuộc còn ẩn giấu
những gì?
Suốt hành trình đến đây, mọi người đều
hiểu rõ tính hắn, đặc biệt là mấy người chúng tôi, nên cũng không ai hỏi han gì vì đoán trước hắn sẽ chẳng trả lời. Có điều, cứ xem ánh mắt của
nhóm Trần Bì A Tứ thì rõ ràng họ cũng rất bực mình. Chỉ có Thuận Tử là
không để bụng, có lẽ hắn tưởng Muộn Du Bình cũng là người Triều Tiên.
Mỗi người ôm một bầu tâm sự riêng, vừa ngắm phong cảnh vừa nghỉ ngơi, lát sau ai nấy đều khôi phục thể lực. Bàn Tử nhen lửa đốt lò không
khói, chúng tôi quây lại đun trà sưởi ấm, đồng thời Thuận Tử cũng bắt
đầu mở lớp giảng bài, hớp vài hơi rượu nóng cho lại sức rồi chỉ mấy ngọn núi tuyết xung quanh, giảng giải nguồn gốc của chúng cho chúng tôi
nghe.
Đây là bổn phận làm hướng dẫn viên du lịch của hắn, thằng nhóc này cũng tận tâm với nghề dữ lắm.
Hắn kể rằng trong truyền thuyết về núi Trường Bạch, hai ngọn núi
tuyết Tiểu Thánh và Đại Thánh cùng với núi Tam Thánh thần bí kia, vào
thuở hồng hoang vốn chỉ là một ngọn núi tuyết. Năm ấy Đại Vũ (1) trị thủy, khi đi ngang qua nơi này ổng vung lưỡi đao thần bổ hai cái, mới khiến cho núi chẻ làm ba.
Chuyện là trước thời giải phóng, khi nơi đây còn chưa mở cửa, anh ta
từng nghe ông nội kể lại rằng khi lần lượt leo lên ba ngọn núi tuyết này sẽ thấy phong cảnh xung quanh hoàn toàn khác nhau. Ví như, leo lên núi
Tiểu Thánh sẽ nhìn thấy cả hai ngọn Tam Thánh lẫn Đại Thánh, nhưng lên
núi Đại Thánh lại chỉ thấy Tam Thánh mà không thể nhìn ra núi Tiểu
Thánh, kỳ lạ ghê gớm. Mà kỳ lạ nhất chính là đứng trên đỉnh Tam Thánh
không những có thể nhìn rõ hai ngọn núi thánh lớn nhỏ, mà còn thấy xa xa về phía sau núi Tam Thánh có một ngọn núi tuyết còn đồ sộ hơn Tam Thánh nhiều, gọi là đỉnh Thiên Thê. Ngọn núi kia quanh năm bị mây mù che phủ, không thể nhìn rõ diện mạo thực. Tương truyền trên núi có một cái thang trời bắc thẳng lên Thiên cung, là con đường nối liền nhân gian và cõi
bồng lai tiên cảnh. Vào lúc trời quang mây tạnh, có thể thấy giữa đỉnh
Thiên Thê và hai tòa Đại Thánh Tiểu Thánh xuất hiện một dải hào quang y
hệt cầu vồng, tựa như một nét bút thần tiên tô điểm, lộng lẫy tuyệt đẹp, cũng lạ lùng hết sức.
Bàn Tử nghe xong bèn bảo với chúng tôi: “Truyền thuyết này chắc chắn
là sai bét rồi. Thiên cung rõ ràng nằm trên núi Tam Thánh, sao lại chạy
đến đỉnh Thiên Thê được. Người kể lại cái truyền thuyết này đảm bảo có
vấn đề về mắt.”
Hoa hòa thượng ngẫm nghĩ rồi lắc đầu giải thích: “Không đâu, trước
khi đến đây tôi từng nghiên cứu truyền thuyết này rồi. Tôi ngờ rằng khi
xây dựng Vân Đỉnh Thiên Cung, tuyết trắng trên ngọn Thiên Thê và những
ngọn núi xung quanh khiến ánh sáng bị chiết xạ sinh ra ảo ảnh (2). Do ngọn Thiên Thê quanh năm mây mù, hơi nước lơ lửng tạo thành bức màn
phản xạ, in lên hình ảnh Vân Đỉnh Thiên Cung lẩn khuất trong sương,
trông cứ như thiên cung thật sự nằm trên trời vậy.”
Hiện tượng ảo ảnh này phần lớn phát sinh giữa những hồ nước nằm trong sa mạc, chứ rất hiếm khi xảy ra trên núi tuyết, chỉ e cũng không phải
ngẫu nhiên mà có lẽ liên quan tới việc nơi đây là ngọn nguồn của long
mạch. Hiện tượng này trong phong thủy gọi là “Ảnh cung”, tôi mới thấy
trong sách cổ một lần, cũng không biết cụ thể có điểm gì cần lưu ý. Nơi
đặt bảo huyệt thường phát sinh những chuyện kì quái, có xảy ra chuyện gì cũng không lạ.
Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng địa phương. Tôi nói tiếng Hàng Châu,
đám Hoa hòa thượng nói tiếng Trường Sa, Thuận Tử nghe không hiểu gì,
cũng chẳng thèm để ý. Giảng giải về phong cảnh xong, hắn đứng lên nói
với chúng tôi: “Quý khách tạm thời nghỉ ngơi một lát, ăn chút gì đó, sau đấy tự do hành động, nhưng xin hãy nắm vững thời gian. Trời sắp tối
rồi, ở đây cũng không có cách nào dựng lều, trời tối một cái là đường
không dễ đi đâu. Chúng ta còn phải qua đêm, nên tìm chỗ tương đối bằng
phẳng, tối đến dễ chừng sẽ có gió đấy.” Nói rồi hắn rót trà phân phát
cho chúng tôi, còn bản thân thì giữ ý, ra xa xa mà nghỉ ngơi.
Tôi xem đồng hồ, thấy còn hơn một tiếng nữa mặt trời mới lặn xuống
núi. Thời gian nói ngắn thì chẳng ngắn, bảo dài cũng không dài, nghỉ
ngơi như vậy cũng đủ rồi, có lẽ nên làm việc nghiêm chỉnh thôi.
Nhưng mà bốn bề tuyết phủ trắng xóa, không có chút dấu tích đặc biệt
nào. Nếu có lăng bồi táng ở đây thì nhất định cũng đã bị tuyết chôn vùi, cửa vào hẳn phải nằm trong lớp tuyết dưới chân chúng tôi. Môi trường
trên núi tuyết khác xa so với nơi đất bằng, cả đám đều không có kinh
nghiệm nên chẳng biết phải hành động thế nào.
Chúng tôi đứng cả lên, vây quanh Trần Bì A Tứ, định bàn xem bước tiếp theo phải làm sao mới ổn.
Trần Bì A Tứ trải qua một phen vật lộn vất vả như vậy, còn chưa hồi
phục lại. Lang Phong cầm bầu rượu đưa cho lão, bảo lão uống hai ngụm.
Hoa hòa thượng giúp lão xoa bóp sau lưng cho máu dễ lưu thông, sắc mặt
lão mới dần dần trở lại bình thường, thế nhưng cả người thoạt nhìn vẫn
có vẻ cực kỳ uể oải. Nghe chúng tôi hỏi, lão chỉ đưa mắt liếc qua loa
thế núi xung quanh rồi bảo: “Vị trí bảo huyệt nằm ngay dưới chân chúng
ta. Ta cũng chưa có kế nào hay, giờ cứ xúc thử vài xẻng xem dưới mặt
tuyết có gì rồi hẵng tính tiếp.”
Mọi người gật đầu. Thật ra tôi cũng biết không có lựa chọn nào tốt
hơn nữa, cái gọi là đổ đấu, chỉ khác những điểm râu ria chứ cơ bản cũng
chỉ có thế: sau tầm long điểm huyệt chính là tham huyệt định vị. Điểm
khác biệt giữa các thời đại chỉ là công cụ dùng để thăm dò huyệt, chứ
quá trình gần như đều rập một khuôn. Cho nên mới nói nếu không có giây
phút phấn khích khi mở quan tài thì trộm mộ thật ra là công việc buồn tẻ số một.
Tuyết mềm hơn bùn rất nhiều, xẻng thăm dò đào rất thuận lợi. Đám
người Hoa hòa thượng tay chân cực kỳ lanh lợi, trên mặt tuyết rất nhanh
đã có tới mười mấy hố thăm dò. Có điều, hình như bất cứ cái xẻng nào đào xuống độ sâu chừng 5, 6 mét trên sườn dốc tuyết phủ cũng đều không thể
đào tiếp được nữa. Bàn Tử cứ đinh ninh vì Diệp Thành èo uột như con khỉ
ốm mới thành ra thế, bèn chạy đến giúp một tay, dùng sức mạnh bạo cũng
chỉ bập vào thêm một chút, mỗi lần rút ra nhìn thử đều thấy xẻng vẫn
trống trơn.