Nhìn thấy dòng chữ này, tôi ngạc nhiên
đến suýt ngất. Ngô Tam Tỉnh với Trần Văn Cẩm chẳng phải là tên đầy đủ
của chú Ba với Văn Cẩm đó sao? Chẳng lẽ bản bút ký này là của hai người
lưu lại từ ngày đó? Nhưng tại sao nó lại xuất hiện trên con thuyền ma
này cơ chứ?
Nếu trước khi con thuyền ma này bị chìm,
trên thuyền vừa hay có hai người là Ngô Tam Tỉnh với Trần Văn Cẩm, mà
hai người đó cũng trùng hợp là dân khảo cổ, lại trùng hợp đến bãi đá
ngầm Tây Sa làm khảo cổ, xác suất trùng hợp như vậy đủ để tôi trúng số
độc đắc chứ chẳng chơi.
Tôi suy nghĩ một chút, có lẽ không cần
quá lo lắng, bản bút ký này có thể giải thích theo cách khác. Không còn
gì phải nghi ngờ, đây hẳn là do nhóm người chú Ba lưu lại. Hơn nữa xem
chữ ký bên trên thì quyển sổ này vốn là chú Ba tặng cho Văn Cẩm, còn Văn Cẩm lại dùng nó làm nhật ký ghi chép lại tiến độ khảo cổ ở bãi đá ngầm. Nghĩa là chủ nhân thực sự của bản bút ký này phải là Văn Cẩm mới đúng.
Vậy con thuyền quỷ này hẳn là có liên
quan với nhóm khảo cổ của chú Ba năm đó, nhiều khả năng đây chính là con thuyền đánh cá cỡ trung quay về mà không thấy trở lại khi ấy.
Tôi có chút suy tư, không khỏi cảm thấy vô số những nghi vấn đua nhau xuất hiện, đầu đau muốn nứt ra.
Những điều bí ẩn thực sự ẩn chứa trong
câu chuyện này, sợ rằng chỉ người trong cuộc mới biết. Lúc này tôi mới
hiểu được bề ngoài của câu chuyện, hình như vẫn còn thiếu mất một tình
tiết nào đó làm trung tâm kết nối những dữ kiện này lại. Nếu ông chú hồ
ly kia mà chịu thành thành thật thật kể hết mọi chuyện cho tôi biết, có
lẽ lúc này tôi đã nắm được điểm mấu chốt của vấn đề rồi.
Biết đâu bản ghi chép này có thể cho tôi
biết được điều gì đó. Tôi vốn định đem giấu thứ này đi, chờ đến lúc
không có ai thì mở ra xem, nhưng lại không thắng nổi sự hiếu kỳ mãnh
liệt trong lòng. Dù sao thì sớm muộn gì cô ấy cũng biết chuyện này, vậy
đâu cần phải ra vẻ thần bí, nghĩ thế tôi cũng chẳng kiêng kỵ gì nữa, mở
luôn ra xem.
Văn Cẩm quả là người rất nghiêm túc với
công việc, bản ghi chép của mỗi ngày cô ấy đều dùng cùng một quy cách,
liệt kê rõ ràng mạch lạc. Tôi thấy trang đầu chính là ngày đầu tiên bọn
họ xuất phát, ngày 15 tháng 7, trên đó liệt kê một danh sách, đứng đầu
quả nhiên là Ngô Tam Tỉnh, còn tên Muộn Du Bình kia tên gì nhỉ? Tôi nhớ
hình như có lần chú Ba nói hắn họ Trương, tìm một chút thì thấy quả thực có một người tên Trương Khởi Linh, lẽ nào chính là hắn?
Tôi lại lật sang trang sau, nội dung phần đầu chủ yếu là quá trình tìm kiếm và xác định vị trí mộ cổ dưới biển.
Mọi việc được ghi chép còn chi tiết hơn cả lời kể của chú Ba, ngay cả
loại dây thừng và quá trình suy luận cũng được viết ra rõ ràng, đúng là
khác biệt hoàn toàn so với ông chú Ba quê mùa thô kệch của tôi. Thật
không thể hiểu nổi tại sao hai người bọn họ lại có thể ở bên nhau nữa.
Nhưng đó không phải là chuyện tôi quan tâm vào lúc này. Tôi giở thẳng
đến phần cuối, vừa nhìn thấy liền choáng váng.
Thật ra chẳng cần xem hết nội dung phần
cuối, chỉ cần nhìn qua mấy tiêu đề cuối cùng trong bản ghi chép đã đủ
khiến tôi kinh ngạc rồi, đồng thời cũng không quên rủa thầm ông chú Ba
tệ hại kia một trăm lần.
Chỉ thấy cô ấy viết, ngày 21 tháng 7, lần đầu tiên vào mộ huyệt dưới đáy biển.