Bạn đang đọc: U Minh Lộ

Chương 4

25/12/2023
 

U Minh Lộ
________
Đoạn kết
________
Bẵng đi nhiều năm, tôi cũng đã lớn, nhà tôi cũng tạm ổn định không có chuyện gì. Bà tôi thì lúc đó có giúp một người trong thôn tìm chỗ dựng nhà, người này làm ăn khấm khá nên nhớ ơn, tặng cho bà tôi vài tiệm ăn trên tỉnh, nhà tôi cũng từ đó mà từ không túng thiếu lại thành dư dả, theo cách gọi của nhiều người là có của để dành cho đời con cháu. Năm tôi 18 tuổi, lấy được bằng Trung học đệ nhất cấp thì được cô Tình giới thiệu đi học lớp tiếng Anh giao tiếp cấp tốc, mở tại Viện Đại Học Cần Thơ. Học được 2 năm thì tôi lấy được bằng tốt nghiệp loại ưu, lúc này thì miền Nam cũng đang hỗn loạn nên người Mỹ đến đông, cần có thêm phiên dịch.

Tôi do có bằng loại ưu, lúc học tại Đại học Cần Thơ thì có quen với ông Thomas là cố vấn cho tòa đại sứ, vậy nên khi tôi ra trường thì ông Thomas cho gọi tôi vào làm việc. Làm được nửa năm thì người Mỹ thất thế ở Liên Hợp Quốc, ký hiệp ước rHổ quân với miền Bắc. Công việc phải dọn dẹp trong vòng 2 tháng, để mọi cố vấn về nước, riêng tòa đại sứ thì tiếp tục làm việc cho đến 2 năm sau.

Tôi làm việc đến tháng 2 năm 1975 thì ông Thomas gọi vào nói rằng người Mỹ có kế hoạch đưa toàn bộ nhân viên về nước, tôi có thể đưa gia đình của mình sang bên Mỹ để tị nạn. Việc này do hệ trọng, nên tôi về nhà nói cho cha mẹ và ông bà nghe. Bà tôi cũng phân vân lắm, vì nơi đây là nơi bà đã sống, còn có cả mộ ông và em chồng. Ông Hai thì nhất quyết không đi, vì ông còn chờ ở đây, để đợi ngày gặp lại cô Xẩm. Ông Tư thì lại càng không đi, vì ông còn có mộ vợ ở đây, lúc sống đã không cho bà ấy sung sướng, thì lúc nhắm mắt xuôi tay cũng phải ở bên bà ấy. Cha mẹ tôi thì quản lý tiệm ăn của bà, cô Tình và chú Hổ, chú Hổ vốn làm trong binh lực Việt Nam Cộng Hòa, nếu không đi thì có thể phải đi học cải tạo, nhưng họ lại không đi, vì nếu đi thì người lớn ở đây ai chăm sóc. Vả lại nhà tôi cũng không gây ra tội gì với bên kia, họ cũng là người hiểu chuyện, chắc cũng không gây khó dễ.

Nhưng việc này nói thì dễ, quyết định thế nào mới là khó. Cuối cùng cả nhà tôi đi ra mộ ông và bà Tư, để xem ý họ quyết thế nào, vì bao lần nhà xảy ra chuyện, cũng là nhờ ông tôi và bà Tư giúp đỡ. Bà tôi nói rằng tốt nhất nên để tôi và chú Hổ xin, vì cả hai được ông bà thương nhất. Tôi và chú Hổ đồng ý, cả nhà đi đến mộ thăm ông. Bà tôi không quên nhờ người đến giúp mở mộ, vì nếu ý hai người là đi, thì nên dọn dẹp lần cuối, biết đâu sau này khó gặp lại.

Tôi nhớ lúc ấy trong làng, dân ở đây gần một phần ba đã đổ về Sài Gòn xin đi tị nạn, nên cái làng lại cảm giác thiếu vắng. Đầu giờ trưa, chúng tôi đến nơi, tôi và chú Hổ khấn vái ông xong, như mọi lần lại dùng nhang để xin. Nếu đi thì nhang bùng lên, còn không thì nhang tắt ngúm. Còn nếu vẫn cháy như thường thì ý họ chưa quyết, lần sau đến xin lại.

Cả nhà tôi thắp nhang xong thì hồi hộp chờ đợi, nhưng được một lúc thì vẫn không có gì xảy ra. Đến lúc nhang sắp tàn thì nghĩ là ý hai người chưa quyết, cả nhà định ra về thì chú Hổ bỗng dưng đi đến bên mộ, lấy hai cây nhang thắp lên rồi ngồi xuống. Bà tôi giận lắm, vì chú Hổ dám ngồi lên mộ ông, nhưng chú Hổ vừa mở lời, bà đã khóc, vì tiếng của ông rõ mồn một.

“Cả nhà lại đây. Đây có thể là lần cuối tôi còn ở đây, cả con bé Quắn nữa, lại đây!”

Chú Hổ vẫy tay tôi, lúc ấy tôi không hiểu mộng mị thế nào, lại đi đến bên chú Hổ rồi ngồi xuống. Cả tôi và chú Hổ không nhớ gì về chuyện khi ấy, chỉ được nghe thuật lại từ những người khác trong gia đình.
_____________
Ngày xưa, cái làng này vốn là đất mộ táng của người Cam, sau đó họ bỏ đi vì nơi này đất phèn, cây lúa không mọc được. Khi người Việt đến thì lập làng, họ cải tạo ruộng đất rồi sinh sống, không biết dưới kia là bao xác người. Chỗ gò đất nhà tôi dựng lên, là nơi nhiều người chôn nhất nên âm khí nặng nề. Nhưng những vong này không làm hại gì ai.

Ông tôi lúc ra đồng thì cảm thấy người mệt mỏi, lúc trưa nắng định về thì được những vong này nói gia đình tôi sau này gặp nhiều chuyện bất trắc, ông tôi còn nhiều năm sống nên họ tới nói ông, nếu muốn giúp nhà thì phải chịu cảnh từ biệt mọi người, trở thành vong linh giúp cho nhà này. Ông tôi lúc đầu không tin thì được những vong này cho thấy việc xảy ra về sau. Ông tôi trông thấy thì kinh hãi, nên đồng ý ngay với họ. Thế là ông tôi mất khi đang đứng trên giữa đồng, nhưng vong hồn ông thì không đi đầu thai, mà luẩn quẩn ở đây để giúp cho gia đình.

Cái đầu tiên ông thấy, là bà Tư sinh khó, cả ba mẹ con đều không qua khỏi. Nói là sinh ba, vì bà Tư là thai đôi. Ông tôi thấy bà Tư số đã tận không thể cứu được, nhưng hai đứa con thì vẫn còn cách. Vậy là ông gọi bà ra sông để nói chuyện, sau khi nghe thì bà thờ thẫn cả người ra. Ngày bà Tư sinh, theo lời ông thì bà ra mộ, ông tôi lấy đứa bé gái ra để anh trai nó cơ hội được sinh ra đời. Lúc đẻ con xong, bà Tư khóc vì không cứu được con gái, còn ông tôi thì thấy thương bé gái phải chịu cảnh không thấy được đời nên giữ lại.

Cha mẹ tôi vốn số định không thể có con, ông tôi lại nhớ đến đứa cháu của mình vẫn còn đang vất vưởng, liền đưa đứa cháu ấy cho nhập vào làm con của cha mẹ tôi. Vì vậy nên khi tôi được sinh ra, chú Hổ linh cảm tôi là em của chú Hổ nên nhớ lại chuyện cũ, sau này khi lớn lên thì quên đi.

Chú Hổ do là cãi mệnh trời để được sống, nên có hai kiếp nạn phải vượt qua, một kiếp nạn là cho chú, một kiếp nạn là cho tôi, nhưng do tôi lại là thuộc gia đình khác nên chú tôi phải chịu thay. Cả hai lần thì mấy vong ám đều đến đòi bắt hồn chú Hổ về lại âm ty thì ông tôi đều đánh cho tan tác, bà tôi nuốt quả trứng ấy vào là để nuốt vong cho chúng không thấy đường mà quấy nhiễu nữa. Nhưng làm vậy thì mới chỉ qua nạn âm tào, còn nạn thiên kiếp thì ông tôi không có cách giúp, nên đã tạm bắt hồn chú Hổ đi để tránh hai nạn đạn lạc và lật tàu.

Nhưng ông tôi chỉ nhìn thấy đến đây, còn lại việc sau này thì ông phải theo dõi từng người, cho nên con bác Hai lúc đi tàu ông không giúp được, phải chịu vong mạng. Còn cô Tình thì ông dõi theo nên giúo lần suýt bị bắn ấy, sau thấy cô vượng khí lớn, ắt hẳn không gặp chuyện xấu nên ông mới theo dõi cô Xẩm. Riêng chú Út thì khác, do chú Út động đến chỗ cá trê, lũ cá này là đời sau của lũ cá đã ăn xác người chôn nơi đây nên thành tinh, lần ấy may có người khác cứu kịp. Còn ông tôi thì đã dẫn lối cho nó đi nơi khác sinh sống, không quấy nhiễu nơi đây.

Riêng cô Xẩm thì ông cũng đã trải qua đời người, lúc thấy cô Xẩm và anh Nghĩa tâm sự với nhau ở trên núi, cảm thấy họ hợp ý nhau nên ông mới cho về nhà. Đúng như ông đoán, sau này khi mọi chuyện đã qua thì cô Xẩm đã sống cùng anh Nghĩa thật.

Bây giờ nhà này hầu như chỉ còn vượng khí, ông và bà Tư cũng không thể ở lại lâu, nên lần này là lần cuối ông hiện về. Ý ông không thể quyết được, từ bây giờ, mỗi người phải tự quyết định cho mình.
___________
Đó là những chuyện đã xảy ra trước đây, sau cái lần được ông về nói lại mọi chuyện, cả nhà tôi họp lại với nhau, cuối cùng quyết định là để một mình chú Út đi, vì chú Út làm bên lính nhảy dù, không tránh được việc cải tạo, sau này ảnh hưởng đến con cái. Còn mọi người thì ở lại đây, sau này ai muốn đi thì tính tiếp.

Ngày 29 tháng 4 năm 1975, chú Hổ cùng ông Thomas lên trực thăng ra tàu sân bay tị nạn, còn cả nhà tôi thì ở lại Việt Nam. Ngày hôm sau, Sài Gòn tuyên bố thất thủ.

Đúng như lời bà tôi nói, ban đầu người miền Bắc đến đây cũng không gây khó dễ gì, nhưng nhà tôi là làm chủ quán ăn, nên bị liệt vào tầng lớp tư sản, tài sản của nhà đều đưa cho hợp tác xã quản lý. Bà tôi không tiếc gì, vì dù sao cũng no đủ.

Cô Tình, chú Hổ thì do làm ở bên bệnh viện và tòa hành chánh, cũng nhận đợt cải tạo một năm. Lúc này thì có lệnh của tổng bộ gửi về, trong đó nói gia đình tôi có công với cách mạng, những người ấy không thể đưa đi cải tạo được. Lúc chúng tôi ngơ ngác chưa hiểu gì thì anh Nghĩa và cô Xẩm đến thăm. Anh Nghĩa khi cùng cô Xẩm trở về miền Bắc thì làm đám cưới nhỏ, anh Nghĩa sau vài năm được thăng lên trung đội trưởng, rồi làm bên cục quân nhu cải huấn. Khi thấy tên của gia đình tôi trong danh sách cải tạo thì anh có trình bày với cấp trên nên cả nhà tôi được miễn đi cải tạo, xét lại có công mà không nợ máu, cô Tình do có bằng y sĩ nên được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy công tác, chú Hổ do làm tòa hành chánh nên được nhận vào ban quản lý địa chánh nhân dân. Còn tôi thì được phân công về dạy lớp tiếng Anh cho cán bộ chuyên ngành được cử đi học tập ở nước ngoài.

Năm 77 thì phía Mỹ tiếp tục cấm vận Việt Nam, hai bên thương thuyết không thành nên việc xét lại những người trước đây phục vụ chính quyền Sài Gòn rất căng thẳng. Do lúc đó thời kỳ bao cấp nên kinh tế cũng khó khăn, chú Út thì sang Mỹ không có tin tức gì. Năm 86 thì bắt đầu thời kỳ Đổi Mới, kinh tế thị trường được mở ra nên cả nhà tôi đầu tư làm ăn, nhưng do không biết cách quản lý kinh tế nên lâm vào nợ nần phá sản. Tuy vậy bà tôi vẫn nói rằng vượng khí nhà mình ông đã nói rất lớn, nên mọi chuyện sẽ qua đi. Cuối cùng năm 94 có đợt đối thoại hữu nghị hai bên Việt – Mỹ cùng chương trình gặp lại nhân thân, chú Út ở bên kia làm thư ký cho tòa hành pháp bang Kentucky đã xin về Việt Nam gặp lại gia đình. Lần này thì cả nhà quyết định sang bên kia để tìm lại cơ hội làm ăn, còn bà tôi, ông Hai, ông Tư, ông Út thì ở lại giữ đất hương hỏa. Đến năm 2009 thì kinh tế gia đình ổn định, chúng tôi về lại Việt Nam thăm quê hương. Người ra đón chúng tôi là cô Xẩm, anh Nghĩa và ông Tư.

Sau nhiều năm xa cách cùng bao chuyện, những người trên chỉ còn mỗi ông Tư còn sống, cả nhà tụ hội lại như lúc trước dù thiếu vắng bao con người yêu thương. Chúng tôi thăm lại mộ gia đình. Lúc thắp nhang, ông Tư đã khóc mà nói.

“Người ta bảo con đường u minh là tăm tối, nhưng nhờ con đường ấy mà những kẻ như chúng ta có lối đi tìm ánh sáng. Nay thắp nén nhang để tạ ơn, vì gia đình ta lại gặp nhau lần nữa.”
_____________
Hết

 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...