-Ông nội ơi! Ông nội ơi! Có điện thoại…
Tôi vẫn nằm yên trên giường, cố gỡ gạc nghỉ thêm được giây phút nào hay giây phút đó. Mấy người sinh viên ngoại trú đàn em vẫn thường gọi các đàn anh nội trú bằng cái danh từ vừa kính trọng vừa diễu cợt đó.
-Anh trả lời điện thoại hộ tôi đi.
-Nhưng phòng nhận bệnh muốn nói chuyện thẳng với anh.
Tôi uể oải trở dậy, đi ra phía chỗ cái điện thoại. Y tá trực nhiều khi có bệnh nặng muốn nói chuyện thẳng với nội trú để tiết kiệm thì giờ cấp cứu vì biết rõ khả năng của những sinh viên y khoa trên ngực hãy còn sáng long lanh những vì sao. Tôi hỏi người đàn em:
-Mấy giờ sáng rồi? Giờ này mà vào thêm một cas nặng nữa thì hốc hác.
Một ngày gác lao động bở hơi tai từ sáng đến giờ, chưa được nghỉ bồi dưỡng.
-A lô, nội trú trực tôi nghe đây.
-Chào ông thày, ngủ được chút nào chưa?
-Làm sao mà nhắm mắt ngủ yên được với những người còn đầy nhựa sống như mấy cô, mới lim dim nhắm mắt nghỉ được một tí lại bị dựng cổ lôi dậy làm bổn phận….
Có tiếng cười đầm ấm ở bên kia đầu máy.
-Cho ông thầy đêm nay bò lê bò càng luôn!
Trong giới y khoa, nữ hộ sinh ăn nói bạo mồm bạo miệng không thua gì sinh viên y khoa.
-…cặp với cô xui tận mạng…
Đáng lẽ nói “gác cặp với cô…” tôi nuốt chửng chữ “gác” để chọc người nữ hộ sinh.
-Cứ làm như người ta ca bài “Hạ Trắng” không bằng.
-Không xui, sao từ sáng đến giờ ba cas mổ rồi. Có bệnh nặng mới vào phải không?
-Retention de la tête!
-Thật không? Bảo sanh Vuông Tròn gửi vào hả?
-Chứ còn ai nữa!
Tôi hậm hực:
-Cô cho vào phòng mổ đi. Sửa soạn xong báo cho tôi rõ.
Tôi ném ống điện thoại xuống giá đỡ. Cái nhà bảo sanh Vuông Tròn đã được chúng tôi đổi tên thành nhà bảo sanh Tam Giác. Tôi nghe nhiều lời đồn đãi về cái nhà bảo sanh đó. Người bác sĩ điều hành cái trung tâm y tế đó gạt khách ra không hết, bãi đậu xe lúc nào cũng tấp nập như một cái bến xe đò, đầy những xích lô đạp, xích lô máy, xe lam, xe Daihatsu…. Hệ thống làm ăn thật thần sầu… Saigon bây giờ giới nghiêm, tất cả những bà bầu xách đèn đi đẻ đều bị giới công lực “hốt” đem về quăng vào đó cả. Họ có đường giây móc nối với công quyền, một số nhân viên, nội trú đang làm ở đây, cũng là tay chân của họ cả. Người ta cũng kể lại rằng có một tên đạo chích đực rựa sau khi ăn hàng xong, giấu đồ cuỗm vào bụng, giả dạng thành một bà bầu xách đèn đi về sào huyệt đẻ. Trên đường về bị nhân viên công lực hốt bắt phải vào nhà bảo sanh Vuông Tròn để đẻ cho được mẹ tròn con vuông.
-Có chuyện gì đấy anh?
Tôi giật mình, nhận ra người đàn em vừa hỏi.
-Hai anh tìm ăn cái gì cầm hơi, một người xuống phụ mổ, còn một người lo chạy vòng ngoài.
-Sao lại phải mổ vậy anh?
-Thằng nhỏ bị kẹt cái đầu.
-…..?
-Nó nghịch dại, thích ngược đời.
-Đẻ ngược hả anh?
-Ừ , đẻ ngược, chỉ ra được hai chân, cái mình, hai vai, còn cái đầu bị kẹt lại.
-Còn sống không anh?
Tôi nhìn vào mắt người đàn em:
-Anh thử đút đầu vào một cái túi kín xem có thể sống được bao lâu. Nó chết tốt, cũng là một diễm phúc rồi. Chỉ cần năm phút thiếu dưỡng khí là óc nó hỏng rồi. Nếu vô phúc nó sống còn nhờ người ta lôi cổ nó ra được, lớn lên, nó sẽ là một gánh nặng của xã hội loài người. Một bất hạnh cho loài người, có thể nó trở thành một thứ cây cỏ mang hình người đáng thương, hoặc nó sẽ trở thành những tên đầu trâu mặt ngựa, những bạo vương, những đỉnh cao trí tuệ loài người…
Uống xong ly sữa, tôi gọi điện thoại cho người nữ bác sĩ trực đêm nay. Giọng ngái ngủ của người y sĩ bảo tôi toàn quyền quyết định. Tôi cố né tránh vì biết đã ngoài tầm tay mình.
Tôi và người đàn em xuống phòng mổ soạn mổ.
Người sản phụ xanh bệch, môi khô, răng hở, mắt lõm sâu. Thở dốc. Người đàn bà nằm bất động, hai chân cố gắng dang ra thật rộng dường như sợ kẹp phải đứa con sẽ làm nó chết ngộp. Dĩ nhiên đứa trẻ đã chết ngộp từ lâu rồi. Thằng bé mũm mĩm, to con, khoảng hơn bốn ký lô. Hai cổ chân, đùi, cổ bầm tím, người ta đã cố kéo nó ra đời, nhưng nó đã từ chối chui ra nhìn đời. Nó xấu hổ nhìn đám người ngợm đang múa may quay cuồng ngoài đời này chăng? Nó như một đứa trẻ nghịch dại chui đầu vào một cái chum rồi bị mắc kẹt đầu trong đó. Dù sao thì nó cũng là một đứa trẻ ngỗ nghịch, ngược đời, nó đã không chịu cúi đầu, khom lưng ra cái khe đời. Nó chổng mông, nó đưa cái giống vào mặt đời. Nó tè, nó ị vào mặt người đời, vào mặt cuộc đời. Lỗi tại nó? Hay lỗi tại người phụ giúp nó vào đời? Người ta đã ước tính sai lầm về tầm vóc, kích thước và tính nết nó chăng? Tầm vóc lớn nên đầu nó to, cũng có thể đầu nó to vì có bướu, vì có nước… To đầu mà dại. Dù sao thì người ta đã ước tính lầm vì ngu dốt, vì vô trách nhiệm, vì lười biếng. Chuyện gì thì đứa bé cũng chết rồi, mọi chuyện bây giờ là lo cho sinh mạng của người mẹ.
-Ông thầy…. ông cố lôi thử ra xem sao, may ra…
Người nữ hộ sinh phòng mổ vừa có kinh nghiệm vừa lười nên đề nghị như vậy. Có nhiều trường hợp cổ dạ con như khúc cuộn của con trăn, khi người ta cố lôi đầu đứa trẻ ra, giống như con mồi vùng vẫy, khúc cuộn càng siết chặt lại, để yên nghỉ một thời gian sau, cổ dạ con không còn bị kích thích nữa sẽ dãn ra, nên nhiều khi lại lôi được đầu đứa trẻ ra một cách dễ dàng. Nếu lôi ra được thì tránh được một vụ mổ.
Trước khi làm theo lời đề nghị của người nữ hộ sinh, tôi khám bụng con bệnh. Chút nữa thì bị xúi dại, tôi lắc đầu:
-Không hy vọng gì nữa rồi.
-Rupture hả ông thầy?
-Có thể dạ con bị vỡ rồi.
Tôi viết lệnh cấp cứu, sửa soạn sẵn mọi thứ. Khi người y sĩ trực tới mọi chuyện đã sẵn sàng.
-Sao, anh đã kéo thử chưa?
-Tôi không dám làm.
-Anh tính sao?
-Bóp nát đầu nó, lôi ra…
-Ghê quá anh, anh làm nghe?
Tôi giả lơ:
-Người mẹ kiệt sức rồi, không thể chịu đựng thêm nữa, đã tới chân tường rồi.
Người nữ y sĩ như không nghe thấy những điều tôi nói, cố đem hết sức liễu yếu đào tơ nắm cổ thằng bé lôi ra. Cái cổ dãn dài như cổ vịt, mấy đốt xương sống cổ tách ra nổi thành những đường hằn, đường lõm chạy ngang cổ. Cái đầu vẫn kẹt cứng. Không chuyển dịch. Người mẹ rên thều thào.
Người y sĩ thở hổn hễn nhìn tôi:
-Tính sao anh?
Tôi không trả lời thẳng câu hỏi:
-Chị là tướng lâm trận. Phải lựa một đường sống.
-Thôi mổ, anh.
-Mổ? Làm sao chị lôi ngược lên bụng hai cái vai vạm vỡ như thế kia qua cái khe hẹp…
Chần chờ. Người y sĩ đưa mắt nhìn mọi người thăm dò.
-Vả lại tôi nghi cái dạ con bị nứt rồi.
-Hay là cắt cổ nó rồi moi cái đầu ra.
Tôi muốn tháo găng cởi áo bỏ đi, nhưng cố nén lại làm như thế sẽ bị chửi là bất nhã với đàn anh, đàn chị, sẽ bị thầy giáo ghi sổ đen.
Người y tá hứng cái thau ở dưới thân đứa bé.
Hai nhát kéo cắt ngọt ngào, cái cổ như một cành cây gẫy răng rắc, thân đứa bé rơi gọn vào trong lòng cái thau. Cái đầu rơi lăn vào trong dạ con tìm một chỗ trũng. Người mẹ thở hắt ra, rên siết. Sảng khoái. Người nữ bác sĩ thò tay vào trong dạ con cố gắng lăn cái sọ như trái dừa khô ra ngoài. Lúc trước cái đầu còn dính vào cổ kéo còn không ra được huống chi bây giờ lăn lóc như một trái banh trơn trợt.
-Tóc nó ngắn quá không nắm được!
-Chị thò tay vào miệng nó, nắm lấy cái hàm lôi ra.
Loay hoay mãi không kéo được cái đầu ra, người nữ y sĩ vã mồ hôi trán, cầu cứu:
-Anh lôi thử.
Tôi thò cả cánh tay vào trong cái túi đựng con, thay vì tìm đầu thằng bé để vần ra, tôi đưa mấy ngón tay kiểm soát cái túi:
-Không nên cố nữa chị. Cái túi đã nứt rồi.
Người y sĩ tìm được lối thoát ra lệnh cầm dao kéo. Một vụ mổ thật chán nản. Mổ bụng người mẹ để lấy ra một cái đầu! Khi mổ bụng ra, quả thật cái dạ con đã bị bầm dập, nứt ở một góc. Chiếc đầu đứa trẻ mặt to tai lớn, sưng tím bầm. Cái lưỡi tím đen thè ra, mang nét mặt của một người bị siết cổ, bị treo cổ.
Sau hơn hai tiếng đồng hồ giải phẫu cắt bỏ cái dạ con bị rách, người y sĩ để tụi tôi đóng bụng lại, về trước. Chán nản, mệt mỏi cùng cực, tôi rời phòng mổ trở về phòng để người đàn em chăm sóc đứa bé:
-Anh chịu khó khâu cái đầu chú bé vào thân nó trước khi đem xuống nhà xác.
-Chi vậy anh?
-Tôi không muốn nó thành ma không đầu! Quê hương mình nhiều ma không nguyên vẹn hình hài quá rồi. Vả lại đó là bổn phận của tụi mình. Mình đã học và sống trên thân xác người chết và người sống.
Tôi mang máng nhận thấy giọng mình hơi mất bình tĩnh.
Về phòng, ngả người xuống, tôi ngủ thiếp đi được một lúc. Một mùi hôi tanh nồng nặc đánh thức tôi dậy. Buồn nôn, lượm giọng. Tiếng mấy tờ giấy lết soàn soạt trên mặt sàn xi măng, lao xao, đùa nghịch. Tôi mở mắt, kéo cái gối kê cao đầu lên nhìn ra hành lang. Hai tờ giấy đang lết trên sàn nhà, so le. Tôi dụi mắt, ngẩn người, dường như có một người vô hình nào đó đang đứng trên hai tờ giấy tiền vàng mã. Chắc là một đứa trẻ, một đứa trẻ tinh nghịch, đang trợt giấy chơi, hay đang cố ý trêu chọc phá giấc ngủ của tôi. Tôi nằm yên nhìn hai tờ giấy đang nô đùa trên sàn nhà.
Có tiếng động dưới cầu thang, hai tờ giấy chạy xệch xạc, rồi nhấc bổng lên, bay vút qua cửa sổ rơi xuống sân.
Tôi trở dậy ra cửa sổ tìm thêm không khí. Hai tờ vàng mã nằm yên trên sân. Mấy đóm lửa ở đầu mấy cây nhang cắm trên cái bánh bông lan góc sân, gió đưa, lập loè.
Tôi lại nhớ đến người sản phụ đẻ ngược, không chắc gì bà ta chống cự nổi lại tử thần. Một vụ mổ khó khăn, lâu dài mà người đàn bà như ngọn đèn cạn dầu trước gió. Mấy tên đàn em chắc bận rộn ở phòng sanh, chưa thấy về phòng nghỉ.
Có tiếng điện thoại reng. Tôi chán chường nhấc ống nghe lên áp vào tai.
-Allo, nội trú trực…
-Ông thầy… Ông thầy xuống trại tụi này… có cái này hay lắm!
-Tội quá, người đẹp ơi, xin cho hai chữ bình an đi.
-Ông thầy, có chuyện lạ trong nhà xác!
-Chuyện gì vậy?
-Ông thầy xuống đây rồi sẽ biết!
Tôi đặt ống điện thoại xuống, khoác vội chiếc áo choàng trắng lên người, bỗng dưng liên tưởng tới hai tờ giấy vàng mã quay cuồng trong vũ điệu ma quái..
Trại bệnh của người nữ hộ sinh vừa gọi tôi nằm sát khu nhà xác.
Đi qua khoảng sân rộng, lập loè vài ánh nến, ánh nhang cúng cô hồn, mấy cái kẹo rẻ tiền, mấy cái bánh ngọt, xấp áo giấy, xấp tờ tiền âm phủ. Hai tờ giấy trên sân hằn lõm sâu dấu hai bàn chân trẻ nhỏ, nằm bất động.
Gần tới trại bệnh của người nữ hộ sinh mới gọi tôi, lố nhố đám đông bệnh nhân trước phòng trực. Bàn tán. Đám đông thấy tôi tiến tới vỡ ra nhường lối, người nữ hộ sinh nói trong hơi thở:
-Có tiếng khóc trong nhà xác ông thầy!
Tôi cố làm tỉnh:
-Nhà xác nào chẳng có ma. Chính tai cô nghe chứ?
-Mấy bà bệnh nghe thấy trước đến báo cho tôi. Tôi cũng nghe thấy.
Tôi đưa mắt tra vấn đám đông. Những con mắt xúc động thật sự. Có những con mắt khiếp đảm. Tôi nhìn về phía nhà xác, thấp thoáng ánh đèn lù mù, sau hàng cây dâm bụt.
-Tiếng khóc trẻ con phải không?
-Sao ông thầy biết?
Người nữ hộ sinh nhìn tôi kinh ngạc. Khuôn mặt ngái ngủ. Đàn bà con gái đẹp nhất lúc nửa khuya về sáng, lúc không trang điểm, pha chút ngái ngủ gợi tình.
-Có một đứa trẻ mới lên phòng tôi đánh thức tôi dậy.
-Thật không ông thầy?
Ngay lúc đó một giọng hốt hoảng:
-Có tiếng khóc…
Tôi nhào ra ngoài. Tất cả mọi người nín thở. Tôi nghe thấy tim mình đổ hồi. Tiếng khóc. Tiếng khóc trẻ thơ ngằn ngặt, tiếng khóc ngột ngạt, tiếng khóc cầu cứu.
-Cô gọi y công mở khoá nhà xác cho tôi gấp. Tôi phóng tới phía nhà xác. Tiếng khóc im bặt. Dù sao tôi vẫn tin là mình đã nghe đã nghe thấy rõ tiếng khóc. Đứa trẻ đẻ ngược, đầu bị cắt lìa ra khỏi cổ chắc chắn nó không khóc được, nó chưa chào đời, chắc chắn nó chưa có thể đứng trên hai tờ giấy tiền mã lết đi được.
Người y công đôi mắt tỉnh ngủ chuyên nghiệp, tay cầm xâu chìa khoá rũ qua rũ lại kêu leng keng.
-Gì vậy ông thầy?
-Có tiếng khóc trong nhà xác!
-Chuyện đó có gì lạ…
-Ông thầy xuống đây rồi sẽ biết!