Bạn đang đọc: QUỶ NỮ BẾN ĐÒ VẮNG

Phần 1

25/12/2023
 

“Bao năm thân xác chôn vùi
Hạt mưa gió rụng sóng xô dập dìu
Than ôi! Ai vẫn đợi chờ
Hồn nghe từng phút hồn ai oán hờn…”

Tôi không biết mọi người đã từng nghe đến câu chuyện về những oan hồn hoặc tâm linh ở miền sông nước hay chưa? Riêng tôi thì chưa bao giờ tin những câu chuyện ấy nó có thật cả cho đến khi trước năm 75, chính mắt tôi từng chứng kiến được một câu chuyện tâm linh ghê rợn ngay chính quê hương của tôi ở tỉnh Đồng Tháp.

Bản thân tôi được sinh ra trong một xã nghèo của tỉnh Phong Thạnh giáp ranh với kênh Vĩnh Hạ. Một con kênh lớn giao thương giữa các huyện lúc bấy giờ. Trong một lần cùng với đám bạn trong xóm chèo xuồng qua bên kia bờ để ăn chè, tình cờ chúng tôi được bà lão bán chè kể cho nghe về một câu chuyện đã từng xảy ra ở ngay con kênh lâu đời này.

Năm 1956 tại xã Mỹ Trà thuộc tỉnh Phong Thạnh…

Khoảng thời gian ấy đường xá chưa có phát triển, phương tiện duy nhất để mọi người di chuyển chỉ gói gọn trên những con đò, chiếc thuyền nhỏ dọc ngang con kênh mà thôi. Lúc bấy giờ là vào buổi chiều, bỗng dưng tiếng những đứa con nít từ đâu chạy nhảy giỡn hớt ngay trước nhà làm cho Tú chẳng tài nào tập trung ôn bài được. Anh gấp hết sách vở đứng lên đưa bộ mặt hầm hầm tiến ra sân. Khoảng không gian của buổi chiều tà dần khuất đi để nhường lại cho màn đêm từ từ buông xuống kèm theo những làn gió lạnh từ dưới kênh thổi vào làm cho Tú khẽ rùng mình hắt hơi một cái thật lớn.

Thoáng đưa ánh mắt ngước nhìn ra ngoài con lộ đất nhỏ hẹp, đối diện phía trước là một khu vườn cây cối um tùm nối liền với con kênh Vĩnh Hạ. Anh thấy có 4,5 thằng nhóc tuổi từ 11-13, đứa cởi trần, đứa mặc áo sờn rách cũ kỹ, mặt mũi đứa nào cũng đen xì nhem nhuốc lọ nồi đang rượt đuổi nhau say sưa tưởng chừng như tụi nó không hề chú ý đến sự hiện diện của anh vậy.

—- “Nè nè mấy đứa về nhà hết đi. Trời sắp tối rồi kìa, đừng có mà làm ồn nữa.”

Nghe anh xua đuổi, cả đám liền quay đầu nhìn anh cười hí hửng trêu ghẹo rồi nhanh chóng kéo nhau bỏ chạy khuất dần sau khúc rẽ cạnh một bụi cây lá um tùm. Chốc chốc bầu không khí xung quanh yên tĩnh trở lại, Tú lắc đầu thở dài rồi nhanh tay đóng cửa quay về phòng của mình để tiếp tục ôn bài.

Bất giác, khi vừa định khép cửa sổ do gió lạnh từ con kênh không ngừng thổi, thì anh bỗng giật mình suýt ngã ra sau, tim gần như rơi khỏi lồng ngực. Là vì ngay đối diện cái bàn học, sau cánh cửa sổ đang mở toang một gương mặt ma quái đang nhe hàm răng trắng phễu nhìn anh trợn trừng đôi mắt. Thấy anh mặt mày kinh hãi, cái người ở bên ngoài bỗng dưng bật cười lên khoái chí, tay nó gỡ mặt nạ quơ quào về phía anh rồi nói.

—- “Là em đây mà anh Tú, thấy anh bự con vậy mà nhát dữ ha.”

—- “Cái..cái thằng quỷ, mày có điên hông? Định hù chết tao hả? Coi chừng tao méc má mày đó nghen. Về nhà đi, bữa nay tao bận rồi, hông có đi chơi đâu.”

Thì ra là thằng Tày, đứa em họ quậy phá mới 16 tuổi. Khi nãy lúc gần đến nhà Tú, nó thấy anh ở ngoài sân đuổi đám nhóc kia đi. Sẵn biết trước trong nhà ngoài mình anh ra thì không có ai nên mới bày vẽ cái trò doạ ma nhát quỷ này. Nghe anh họ nói vậy, thằng Tày mới năn nỉ anh đi ra ngoài chơi với mình một chút nhưng thấy Tú liên tục từ chối, cứ cắm đầu vào đống sách vở ngổn ngang trên bàn nên mặt mày nó trù ụ rảo bước về phía hàng rào trước sân trèo qua như con khỉ nhanh chóng khuất dạng.

Qua hôm sau, gà bên ngoài vừa gáy tiếng thứ nhất thì cũng ngay lúc có tiếng gõ cửa ngoài sân kèm theo giọng nói của một người đàn bà gọi với vào.

—- “Tú..Tú à. Ba má về rồi nè. Mở cửa đi con.”

Ở trong phòng, anh nghe tiếng gọi thì vội vã chạy nhanh ra mở cửa. Vừa thấy con, bà Lan má của anh tay xách giỏ trái cây toàn là nhãn kèm theo một hũ mắm cười gượng nói.

—- “Má xin lỗi, hôm qua má tìm hết trên tỉnh mà hông thấy ai bán dây chuyền bạc của con hết. Để bữa khác má tìm lại cho. Má có mua nhãn hột tiêu con thích nè. Ăn đi con.”

Nghe mẹ nói vậy, Tú đượm buồn đôi chút nhưng cũng không nói thêm gì, chỉ lẳng lặng chào ba mẹ rồi đẩy xe đạp ra ngoài chạy đến trường mà thôi. Tú là con trai duy nhất của bà Lan năm nay được 40 và ông Hiệp chồng bà thì ngoài 50. Gia đình ông bà được xem là khá giả nhất ở cái xã này bởi hầu hết những nhà xung quanh không xây bằng gỗ thì cũng là nhà tranh vách lá khổ cực lắm. Tuy vậy từ đời ông nội của Tú, hễ nhắc đến đều được bà con làng xóm tôn trọng, nhà tuy có của ăn của để thoải mái nhưng ông nội của Tú thì được biết đến là người hào sảng, thỉnh thoảng hay giúp đỡ mọi người không phân biệt ai giàu nghèo hoặc như thế nào. Có lẽ vì vậy mà đến đời của ba mẹ anh, cuộc sống gia đình vẫn luôn đầy đủ, sung túc.

Trở lại với Tú, trên đường đạp xe dọc con kênh rộng lớn, từ phía xa xa chỗ một hàng bụi chuối um tùm có một bến đò nhỏ cũ kỹ. Nơi mà anh vẫn thường hay di chuyển qua sông để đến bên kia bờ. Thế nhưng hôm nay sao lạ quá, càng chạy đến gần bến đò thì anh càng ngạc nhiên bởi không hề có bóng một người nào, ngay cả 2,3 chiếc ghe thường ngày vẫn đang đợi chở khách cũng chẳng thấy đâu.

Cảm thấy lạ, Tú cho xe chạy thêm một quãng đường nữa để đến bến đò khác cho kịp thời gian đến trường. Chạy được một lúc lâu thì anh bắt gặp một người phụ nữ tay ôm thúng rau đi ngược về hướng mình. Nhận ra là người quen, anh cho xe dừng lại rồi thắc mắc hỏi.

—- “Chị Dung, nay đi đâu trễ vậy chị? Bé Xíu nó đâu? Sao em hông thấy nó?”

—- “Ủa Tú? Con Xíu nó bệnh, chị gửi nó cho tía dẫn đi thầy thuốc rồi. Mà sao em đi đâu chạy xuống đây vậy?”

Được dịp, anh kể lể cho chị nghe về sự hoang vắng tiêu điều ngay bến đò chỗ mình hay đi. Nghe xong sắc mặt chị bỗng dưng tái lại như sợ hãi một thứ gì đó. Tú nhanh chóng nhận ra điều ấy thì liền nói ngay.

—- “Chị..Chị Dung, chị bị sao vậy? Có chuyện gì kể em nghe đi.”

Chị ngập ngừng giây lát, đôi mắt cố tình né tránh trước câu hỏi của Tú, chị lưỡng lự một chút rồi mới đáp.

—- “Ờ..ờ. Hông có gì đâu. Mà thôi em đi học đi, trễ giờ học rồi kìa.”

—- “Thôi chết, lo nói chuyện với chị mà em quên mất. Em đi nha chị Dung.”

Sau cùng thì Tú cũng tim thấy cái bến đò nhỏ cách đó không xa. Người chèo ghe là một ông chú độ tầm 48, dáng người gầy gò khắc khổ, đầu đội nón lá mặc áo bà ba nâu đã bạc màu. Ở trên ghe, ngoài anh ra thì còn có thêm hai người phụ nữ khác tay gánh thúng nem và một ít bánh tầm bì. Là món ăn vặt quen thuộc miền Tây xưa kết hợp với nước cốt dừa béo ngậy cộng với vị mặn của nước mắm, vị chua từ bánh tạo nên một hương vị không thể bỏ qua cho bất kỳ ai muốn thưởng thức món đặc sản này.

Chốc chốc ánh nắng mặt trời dần chói chang, soi sáng cảnh vật xung quanh con kênh. Đang trong tâm trạng sáo rỗng bỗng tiếng của người phụ nữ ngồi sau lưng anh tằng hắng nói.

—- “Ý, khúc bờ kênh bên kia có phải chỗ thằng Bảy bị ma nó nhát đêm qua hông chị?”

Vừa hỏi cô ta vừa chỉ tay về phía bờ bên kia của con kênh cách cái ghe hơn trăm thước. Tú cũng tò mò nhìn theo chỗ bến đò mình thường hay đi nằm giáp ranh giữa hai xã Mỹ Trà và xã An Bình. Chiếc ghe đang trôi chầm chậm đến bờ bên kia.

—- “Nè, con ngồi yên đi, đừng có hỏi lung tung nha. Hông có được đâu.”

Anh Tú được dịp chen vào câu chuyện.

—- “Kìa chú. Chuyện gì vậy nói con nghe đi? Chỗ đó lúc trước con vẫn hay đi ghe đến trường mà. Sao bữa nay vắng tanh không thấy ai chèo đò hết vậy?”

Anh nói với ông chú lái đò bằng nét mặt ngơ ngác.

—- “Ủa? Nhìn bây hơi quen quen, có phải thằng Tú con ông Năm Hiệp đó hông bây?” Anh gật đầu xác nhận.

—- “Mà bây ở gần bến đò đó bộ hông biết ấp giác gì hết hả?”

Anh lại lắc đầu, ông chú thở dài một hơi, tay vẫn thoăn thoắt chèo.

—- “Hồi đêm qua đó, anh Bảy Sinh của bây bị ma nó nhát ở trên ghe. Xém chút nữa dập bẻ chết đuối dưới nước rồi. Cũng may tao ở bên kia bờ phát hiện được liền gọi bà con nhảy xuống mới cứu được nó đó.”

Hai người phụ nữ nọ cũng ngồi xích lại để hóng chuyện, chợt một cô thảng thốt lên tiếng.

—- “Chèng ơi, thiệt..thiệt hông vậy chú Văn?”

—- “Thiệt sao hông mậy. Chính tao với ba người nữa nhảy xuống kênh kéo nó lên đó. Cái lúc vừa đưa nó lên được trên bờ rồi, nó tỉnh dậy la làng nói có con quỷ nữ chèo đò muốn bắt nó theo đó.”

—- “Quỷ nữ chèo đò?? Sao cái gì nghe ghê vậy chú? Xưa giờ sống ở đây con có nghe ai nói gì đâu?”

—- “Thôi, tụi bây biết như vậy là được rồi. Đừng có tò mò quá nha mấy đứa. Mấy cái chuyện tâm linh này hông có đùa được đâu à bây ơi.”

Vừa dứt lời thì chiếc ghe cũng cập bên kia bờ kênh. Anh Tú và hai người phụ nữ bước lên để nhường chỗ cho những vị khách mới bước xuống. Tú nhanh chân leo lên xe đạp đến trường, để lại phía sau hai người phụ nữ bưng gánh bán buôn vẫn còn đang xì xầm về câu chuyện của người thanh niên tên Sinh đêm qua.

Đến chiều tan học, Tú cùng với đứa bạn thân là Luân đạp xe ra bến đò để về nhà, chạy được một lúc thì tiếng sấm bất ngờ rền vang trên bầu trời, mây đen âm u dần dần kéo đến báo hiệu cơn mưa sắp sửa đổ ập xuống. Hai người nhanh chân đạp hết sức để kịp tới bến đò, cũng may vừa lúc ấy ông Văn chuẩn bị tháo sợi dây trên cọc gỗ chèo đi. Ở trên ghe, Luân chợt nhớ đến câu chuyện lúc sáng nghe anh Tú kể bèn buộc miệng hỏi.

—- “Rồi cái vụ ông Sinh sao mày kể tiếp tao nghe đi. Con quỷ nữ đó mặt mũi nó ra làm sao? Có ghê như con ma tía tao gặp hay hông?”

 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...