Nghe thấy những lời của ả kĩ nữ, bà cả không khỏi kinh ngạc. Ông thầy thì ra hiệu cho bà ta im lặng rồi cả hai kín đáo rời khỏi cửa phòng của người đàn bà trắc nết. Ông thầy nói với bà cả:
– Người phụ nữ đó quả thật là một người có tâm địa không tốt, nhưng dẫu sao đó cũng là một sinh mạng, nếu chúng ta làm lộ chuyện ra, rất có thể ông lý sẽ đánh chết cô ta.
– Tôi hiểu. Thôi thầy cứ vào khám cho cô ta đi.
Vốn là một người phụ nữ nhân hậu nên bà cả vẫn cố gắng giữ kín bí mật này, dù bị người phụ nữ không đàng hoàng kia lấn lướt. Lý trưởng càng lúc càng yêu thương cô ta vì cho rằng cái thai trong bụng là của mình. Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Đến một ngày nọ, trong một quán rượu trên huyện, ông ta tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của mấy người thanh niên, trong đó có con trai chánh tổng:
– Này, dạo này chúng mày có hay đi nghe hát không?
– Không, bố em bắt học nên không có thời gian. Sắp thi lên lớp nên bài vở nhiều lắm.
– Ừ, em cũng vậy.
– Tao thì được bố chạy cho một chân thư kí trên tỉnh cho quan Pháp nên không phải lo. Dẫu sao tao cũng giao tiếp tiếng Pháp ổn.
– Anh có nghe về con Thuý không?
– Có nhưng tao không quan tâm.
– Giờ nó là vợ ông lý ở làng Đọ rồi. Nhưng em nhớ lần cuối cùng anh ngủ với nó sau đó nó lại ngủ với ông lý. Có khi nào…
– Nó cũng nói với tao nhưng tao mặc kệ. Cái thứ lăng loàn, hôm nay ngủ với người này, mai ngủ với người khác, tao đâu có ngu mà rước về.
Rầm. Lý trưởng đấm tay xuống bàn khiến mọi người ngơ ngác quay ra nhìn. Biết thân phận mình nhỏ hơn chánh tổng nên lý trưởng dù rất tức giận cũng phải cố kiềm chế. Con trai chánh tổng thấy vậy thì kéo hai người bạn trở về, nhưng không quên nhìn lão lý trưởng bằng ánh mắt khiêu khích. Người đàn ông tứ tuần tức giận lắm, vội vã bắt xe kéo về làng tìm người đàn bà lăng loàn để xử tội. Lúc này thì ở nhà, người đàn bà đó vẫn hạch sách mọi người, đe doạ hết cái này tới cái khác, vênh mặt dương dương tự đắc. Rầm… lý trưởng đẩy mạnh cánh cửa bước vào, người làm chào hỏi nhưng mặt mũi lão sa sầm, lao tới chỗ người phụ nữ trắc nết, hùng hổ đưa tay lên tát mạnh vào mặt cô ta, khiến cô ta lảo đảo ngã dui dụi. Chưa kịp hoàn hồn, cô ta lại tiếp tục bị túm tóc và ấn đầu xuống đất. Lý trưởng gằn giọng:
– Nói mau, đứa con trong bụng mày là của ai?
– Ông làm sao thế? Con là của ông mà.
– Nói láo. Bốp, lý trưởng vung tay tát thêm một cái nữa. Nó là con của con trai lão chánh tổng.
Người phụ nữ lúc này sắc mặt trắng bệch, tỏ ra sợ hãi. Tại sao mọi chuyện lại bị lộ? Lý trưởng gằn giọng nói tiếp:
– Tao tình cờ nghe được cuộc nói chuyện giữa thằng nhóc đó và các bạn nó, chứ không thì không biết mày còn lừa tao đến lúc nào. Mang roi ra đấy cho tao, hôm nay tao phải đánh chết mày.
Một người làm mang roi ra cho lý trưởng. Ông ta không chút ngại ngần mà giáng đòn xuống người của ả. Tại sao trong cuộc đời của ông ta lại gặp phải những người phụ nữ như thế này? Trước là Thoan, giờ lại là Thuý. Đánh, tao phải đánh chết cái thứ lăng loàn mất nết, đánh chết cái thứ nghiệt chủng trong bụng mày rồi quăng xác cho chó ăn. Sau một cơn mưa đòn roi,
Thuý không chịu nổi nên thở hắt ra rồi chết. Máu chảy ướt đẫm cả nền đất. Lúc này lý trưởng mới ngừng tay, ra lệnh cho người làm khiêng xác cô ta vứt ra cho lũ chó, để mặc cho lũ chó xé xác. Bà cả đi chùa về thì được người làm kể cho mọi sự, bà chỉ lắc đầu rồi đi lên phòng. Cô ta cuối cùng cũng nhận một cái kết quá thê thảm. Nhưng đồng thời bà cũng nhớ lại lời Cúc khi chết. Con bé đã nguyền rủa gia đình này bị tuyệt tự. Đó không phải lời của Cúc mà là của Thoan. Cô ta đã trở thành ác linh, đang dần dần hãm hại cả nhà lý trưởng. Nhưng bà tin chắc cô ta sẽ không hại tới bà, bởi chính bà đã ra tay cứu vớt ba đứa trẻ nhà cô ta khỏi chết đói ngay sau khi bố mẹ cô ta bị bắt.
Về phần lý trưởng, sau sự việc của Thuý, ông ta cảm thấy nhục nhã và ngày càng độc ác hơn. Ông ta không phát chuẩn cho dân nữa, mà hàng ngày đều xách gậy ra đường, gặp ai không vừa mắt là đánh thẳng tay, thấy ai chỉ cần ngáp là sai tuần phu vứt thẳng lên xe cút kít chở đi chôn. Người chết vì đói đã nhiều đến mức tuần phu không đào hố chôn nữa mà chở thẳng ra sông, trói lại bằng ba cái lạt rồi vứt xuống. Hình ảnh lý trưởng đi khệnh khạng vẫn ám ảnh tâm trí Linh Nhi. Sau khi mơ thấy cảnh tượng Thuý bị đàn chó xé xác, cô không còn mơ thấy cảnh tượng trong nhà lý trưởng cũng như cảnh năm 1945 nữa. Nhưng cuộc sống thời đó thật khổ sở, cho người dân thường nói chung và phụ nữ nói riêng. Nhưng ít ra cô cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi ba đứa trẻ nhà Thoan không chết. Cô hỏi bà nội về kết cục của những bậc lý trưởng và chánh tổng thì bà chỉ nói sau năm 1945, tất cả các giai cấp thống trị, cường hào ác bá ở làng quê đã bị đấu tố, kẻ thì bị tử hình, kẻ bị đi tù. Chắc chắn lý trưởng cũng bị xử phạt như vậy thôi. Bà không muốn kể ra sự thật sợ Nhi hoang mang.
Thực tế, lý trưởng trong một lần họp mặt với chánh tổng và các bậc quan chức khác, ông ta tranh cãi trước mặt quan lớn nên bị bắt giam. Những kẻ ghét ông ta cũng tranh thủ tố cáo tội trạng của ông ta với quan lớn nên ông ta bị cách chức, giáng xuống làm dân thường. Buồn bã trở về nhà cũ, gia nhân đã bỏ đi, chỉ có mình bà vợ vô sinh của ông ta là ở lại chờ chồng. Bà khuyên nhủ ông nên bỏ đi khỏi làng này, bà đã chuẩn bị sẵn một số tiền và thuê sẵn một chiếc thuyền để hai người đi. Lý trưởng gật đầu, nhưng ông ta nói hãy để ông ta đi tham quan lại ngôi nhà một lần cuối cùng. Lần mò từng bước, đi tới từng ngóc ngách, từng căn phòng, lưu luyến những món đồ cổ đắt tiền. Đến phòng của Thục và Cúc, ban đầu ông ta ngần ngại không định vào, nhưng ma xui quỷ khiến ông ta đi vào đó chậm rãi. Rầm, cánh cửa đóng sập lại khiến lý trưởng hoảng hốt. Ông ta gọi người vợ lên mở cửa cho mình nhưng không thấy bà ta đáp lại. Trời đất bỗng tối sầm, mây đen kéo đến ùn ùn, mưa rơi nặng từng hạt bồm bộp xuống đất, lý trưởng cố gắng kêu cứu nhưng vô ích. Căn phòng bây giờ tối om, ông ta hoảng sợ nhìn thấy Thục, Cúc, bà vợ cả trước đây, rồi cả Thoan và Thuý, họ đang dần từng bước tiến đến bên cạnh ông, quàng vào cổ ông sợi dây thừng, siết thật chặt cho đến khi ông tắt thở. Người vợ của lý trưởng chờ mãi không thấy chồng xuống nên vội đi tìm. Tới phòng của Thục và Cúc thấy cửa bị khoá bên trong, bà hoảng hốt gọi ông ơi, ông ơi, tiếng bà vợ gọi nhưng ông ta đã không bao giờ trả lời được nữa. Căn nhà của lý trưởng, sau năm lần bảy lượt thay đổi chủ nhưng không ai ở được lâu, giờ đã bị san bằng và trở thành bãi đất trống để kinh doanh bãi đỗ xe và là chỗ cho trẻ con vui chơi. Nhưng ở chỗ đã từng có chiếc giếng, thi thoảng người ta vẫn nhìn thấy một cô gái mặc váy trắng, đứng lầm lũi như thể đang chờ đợi một điều gì đó. Không ai rõ đó là Thoan hay Thục. Nhưng không chỉ có linh hồn của hai cô gái, người ta vẫn thường thấy những vong hồn vất vưởng, đó là những nạn nhân của nạn đói lịch sử, đi lại như thể tìm chút thức ăn để sống sót qua ngày.
Linh Nhi vẫn không khỏi thắc mắc về số phận của người đàn ông đã nghe lời bà cả hãm hại Thoan. Vì người đàn ông không phải là quan chức nên rất khó để tìm ra ông ta. Hôm nay ở làng, người ta tổ chức lễ viếng chung cho những nạn nhân bị chết đói trong thảm họa năm 1945. Nhi cũng tham dự cùng mọi người. Đình làng tập trung rất nhiều người, thậm chí có cả những người từ nước ngoài trở về. Nhi không hề biết rằng lẫn trong đám đông, đang có một người đàn ông nhìn cô bằng ánh mắt kinh ngạc. Ông ta chính là người đàn ông năm xưa đã nhận tiền của bà cả để hãm hại Thoan. Năm đó vì bị cái đói đe doạ nên ông ta mới làm liều. Tuy được bà cả cứu thoát nhưng ông ta vẫn không khỏi hối hận. Năm nào đến ngày này ông ta cũng trở về làng với mong muốn thắp hương cho vong hồn của Thoan. Giờ đây sau 75 năm, ông ta lại nhìn thấy một người giống hệt Thoan bằng xương bằng thịt, lại trẻ trung xinh đẹp nên ông ta không khỏi kinh ngạc và sợ hãi. Toan tiến đến gần cô để hỏi thăm thì Nhi bị bố mẹ kéo đi. Ông ta thở phào cho rằng mình đã quá đa cảm. Thoan đã chết rồi. Cô bé vừa nãy chỉ là người giống người thôi. Sau khi lễ tưởng niệm kết thúc, người đàn ông cùng con trai của mình trở về nhà nghỉ để sắp xếp lại hành lý trở về nhà ở Yên Bái. Năm nay ông ta đã gần 100 tuổi nhưng vẫn trẻ khỏe lạ thường. Ông ta nghĩ rằng có lẽ đây là lần cuối ông ta có thể tham dự lễ tưởng niệm. Quả đúng như ông ta linh cảm, sau khi trở về nhà được một ngày, ông ta cảm thấy đói vô cùng. Đói như cái thời điểm năm Ất dậu vậy. Ông ta lôi hết đồ ăn trong tủ lạnh mang vào trong phòng, khoá chặt cửa lại không để ai vào dù lúc đó nhà không có ai. Rộp rộp… ông ta ăn hết thứ này đến thứ khác cho đến lúc cảm thấy đau bụng dữ dội, hoa mắt, chóng mặt và hôn mê. Khi con cái của ông ta đi làm về, thấy bố bị như vậy, họ bèn đưa ông ta đi cấp cứu nhưng ông ta đã chết. Chết vì no, cảm giác này vẫn dễ chịu hơn chết vì đói.
Câu chuyện về Thoan thì không được bà nội kể, nhưng bà lại kể những điều mà có lẽ cả đời Nhi cũng không thể quên được, tất cả đều là về nạn đói lịch sử năm 1945. Những nạn nhân của nạn đói năm Ất Dậu 1945 không chỉ ở Nam Định mà còn ở rất nhiều tỉnh miền Bắc khác như Ninh Bình, Thái Bình… Mỗi ngày người ta chở cả xe xác người đổ xuống. Những thi thể chỉ còn da bọc xương, chết dần chết mòn sau những ngày tháng lang thang đói khát, chồng chất lên nhau. Người vừa chết, người đang phân huỷ, cả những người vẫn còn thoi thóp cũng bị hất xuống rồi lấp đất. Những cánh tay xương xẩu cố nhoi lên lớp đất mỏng, run rẩy rồi dừng hẳn. Thế thì đâu có khác những ngôi mộ tập thể của những kẻ diệt chủng bên Campuchia. Giọng bà nội vẫn đều đều, bà bảo ngày ấy và cả bây giờ, thi thoảng bà vẫn thấy những bóng người không rõ mặt mũi vật vờ trong bóng đêm. Bà phải lầm rầm Nam Mô A Di Đà Phật suốt đêm cho đến khi không nhìn thấy họ nữa. Nhi và em gái vẫn mải mê chăm chú nghe bà kể chuyện cho đến khi bố của hai cô gái chen vào:
– Không chỉ có ở quê mình đâu, ở ngoài Hà Nội chỗ chúng ta ở cũng đầy ma đói. Trâm (tên em gái Nhi) vẫn thích đến nhà cô Loan ở Times City (bạn của mẹ Trâm và Nhi) lắm mà, ở đó nhiều ma lắm đấy. Haha…
– Eo ơi, thật không chị? Thật không bà?
– Bố cháu nói cũng đúng đấy. Bà kể chuyện về nạn đói cho các cháu nghe là để các cháu phải biết quý trọng đồ ăn, không được làm lãng phí nếu không sẽ bị biến thành ma đói.
Những lời kể của bà và giấc mơ về Thoan vẫn in đậm trong tâm trí Linh Nhi. Cô chắc chắn rằng mình sẽ còn về quê nhiều lần nữa, nhưng lần về quê năm 17 tuổi này là lần mà cả đời cô không bao giờ quên.