MA NỮ BÁO OÁN TÁC GIẢ TRẦN QUANG LỘC
Ngày đăng: 23/10/2021
Phân loại:
Truyện Ma có thậtTags:
Truyện ma thành viênMA NỮ BÁO OÁN
(Chuyện ma kinh dị. Yếu tim không nên đọc)
Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Trên chiếc du thuyền hạng sang Tám Cali, tình cờ tôi ngồi cạnh một chàng trai còn khá trẻ. Với gương mặt sáng láng, mặc áo chim cò, mái tóc bồng, tôi nghĩ, nếu anh ta không phải nhà thơ cũng là nghệ sĩ của một đoàn ca múa nào đó.
Chiếc du thuyền chở 20 hành khách xuất phát từ bến Đại phú gia, rẽ sóng hướng về đảo Hòn khô thẳng tiến. Thuyền chạy rất êm trong làn gió sớm và ánh bình minh rực hồng từ phương đông. Thuyền qua khỏi cầu Nhơn hội một lúc, chàng thanh niên đột nhiên quay sang tôi:
-Khi nay anh có viết truyện ma nào nữa không?
Tôi nhìn bạn đồng hành bằng ánh mắt ngạc nhiên:
-Ô! Sao anh biết tôi? À, mà …toàn những chuyện vớ vẩn thôi mà.
-Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của anh, nhất là truyện ma tôi không bỏ sót truyện nào. Truyện ma của anh không thua kém tác phẩm cùng chủ đề của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.
Được khen quá thể, tôi cười hì hì:
-Ấy chết! Anh quá lời chứ làm sao mà dám sánh với nhà văn bậc thầy!
Chàng trai chợt hỏi:
-Hỏi thiệt, hồi giờ anh đã thấy ma chưa? Chắc là anh đã từng gặp ma rồi nên truyện ma anh viết rất lôi cuốn, rất hấp dẫn, rất rùng rợn khiến những ai yếu bóng vía phải vừa đọc vừa run!
Tôi bật cười:
-Trên thế gian này làm gì có ma quỷ! Chẳng qua là tưởng tượng ra viết cho vui. Anh Ngọc Ngạn cũng từng bảo thế mà.
Chàng thanh niên lấy bao thuốc lá hiệu Capri ra mời. Tôi từ chối viện cớ đang cai thuốc. Anh nhón lấy một điếu gắn lên môi, bật lửa đốt, kéo một hơi dài nhả khói rồi quay sang tôi:
-Nói thật với ông anh, tin hay không thì tùy. Tôi đã gặp ma! Chính con ma đó làm tiêu tan mộng văn chương mà tôi ấp ủ từ hồi còn là học sinh trung học!
Hóa ra dự đoán của tôi không sai. Người của văn chương rất lãng mạn, giỏi phịa chuyện. Nghĩ vậy nên tôi không lấy làm ngạc nhiên sau câu nói của anh. Hình như đóan biết ý nghĩ của tôi, chàng thanh niên nói giọng chắc nịch như đinh đóng cột:
-Chuyện có thật trăm phần trăm. Rất tiếc tôi chuyên thơ, với lại không có năng khiếu viết chuyện thế giới tâm linh nên cứ giữ mãi câu chuyện trong lòng, thi thoảng đem ra kể với bạn bè. Nghe xong chuyện tôi kể, có người tin, nhưng cũng không ít người cho tôi phịa. Chuyến du hành lần này rất may được ngồi cạnh nhà văn chuyên viết truyện ma. Anh vỗ vỗ nhẹ vào vai tôi: Nếu anh vui lòng, tôi sẽ kể cho anh nghe toàn bộ câu chuyện gặp người cõi âm. Lúc nào rỗi rảnh, anh có thể viết thành truyện ngắn phục vụ bạn đọc.
-Vâng, tất nhiên tôi rất vui được nghe câu chuyện có thật của anh. Còn viết lại thành tác phẩm văn chương thì… tôi không dám hứa trước.
Trong lúc chiếc du thuyền đang lướt nhẹ về phía chân trời rực hồng trong làn gió sớm. Chàng thanh niên kể lại toàn bộ câu chuyện ma rùng rợn, chính anh là người trong cuộc. Nhìn nét mặt và chất giọng của anh, tôi đoan chắc, anh ta không phải người hay phịa chuyện như cái thằng tôi, một cây bút làng nhàng chỉ có tài ba hoa bốc phét!
Chàng trai kéo một hơi thuốc dài nhả khói rồi nhẩn nha kể:
Năm đó, tôi được tổ chức phân công về làm cán bộ biên tập thơ, đôi khi gánh luôn phần văn xuôi cho một tạp chí văn nghệ địa phương. Cơ quan tạp chí văn nghệ là ngôi nhà ba tầng, cách xa trung tâm thành phố, chung quanh cây cối um tùm, cảnh quang tĩnh lặng, rất thích hợp với người làm công việc bếp núc cho một tờ tạp chí văn nghệ tỉnh lẻ. Về mùa hè, khí hậu ở đây thật mát mẻ, mùa thu thì dịu êm, mùa đông có cảm giác ấm áp hơn, dễ chịu hơn nơi khác. Lúc rỗi việc, từ căn phòng im ắng này, phóng tầm mắt qua ô cửa sổ nhìn trời xanh mây trắng, tha hồ mơ mộng mà không sợ bị ai quấy rầy.
Cán bộ công nhân viên cơ quan thường trực hội chỉ có tám người, kể cả cô tạp vụ vừa mới hợp đồng. Chỉ cần dãy tầng trệt thôi cũng vừa đủ cho các phòng ban. Là “lính mới”, lại do đặc thù công việc, tôi tạm thời được giao cho một căn phòng trên tầng hai. Nhìn vào các dấu vết mờ nhạt trên tường, trên trần nhà, tôi đoan chắc, trước kia, người chủ cũ từng dùng nơi đây làm phòng ngủ.
Hôm đó là buổi chiều cuối thu. Mùa thu nơi đây ngày mau tối lắm. Đang đọc dang dở tập bản thảo thì tiếng các cánh cửa phòng dưới tầng trệt đóng sầm sập, đó là âm thanh quen thuộc báo hiệu đã đến giờ tan sở. Mới năm giờ chiều mà trời đã nhập nhoạng. Bản thảo tập trường ca chỉ còn tám trang cuối, tôi quyết định nán lại thêm một lúc nữa để đọc nốt kịp sáng hôm sau chuyển lên bàn tổng biên tập. Dưới ánh sáng của ngọn đèn huỳnh quang, loại sáu tấc, tôi tiếp tục cắm cúi trên trang bản thảo. Đọc chưa được năm trang, mắt tôi cứ muốn díp lại… Trong trạng thái mơ hồ, tôi nghe có tiếng dép khua nhẹ rồi một cô gái còn rất trẻ xuất hiện đứng khép nép bên bậu cửa, tay cầm tập tạp chí văn nghệ của tỉnh số mới. Cô gái độ khoảng hai ba hai tư tuổi gì đó, mặc đồ bộ màu xanh lơ trang nhã, mái tóc xoã dài thoang thoảng mùi nước hoa thanh khiết. Tóm lại, đó là một cô gái trẻ, đẹp và có sức quyến rũ lạ kỳ. Tôi đinh ninh cô ta là cộng tác viên đến gửi bài cho phòng trị sự, nhưng vì đến muộn nên muốn gửi trực tiếp cho tôi. Không phải là lần đầu tiên tiếp cộng tác viên nữ. Tôi vội đứng lên chào mời niềm nở. Khác với những cộng tác viên đến gặp tôi trước đây, họ thường tỏ thái độ vồ vập, thân thiện, thậm chí có người còn mời vô quán dùng cà phê rồi xì ra hàng tá bản thảo nhờ….đọc giúp. Cô gái này thì ngược lại, nàng khẽ cúi đầu chào tôi với vẻ mặt thoáng buồn trước khi ngồi vào chiếc ghế đối diện. Tôi lên tiếng: Cô đến gửi bài cộng tác hay nhận báo biếu, nhận nhuận bút?. Cô gái khe khẽ lắc đầu, giọng nhẹ như cơn gió thoảng: Em không gửi bài cộng tác, cũng không nhận nhuận bút. Quái lạ! Không gửi bài, không nhận nhuận bút thì đến làm gì vào giờ này? Hình như đoán biết ý nghĩ của tôi, cô gái tiếp: Em đến trước là cảm ơn anh đã cho đăng cái truyện ngắn Thời đã xa của em vào số tạp chí vừa rồi, do một người bạn cũ đến gửi bản thảo. Tôi nói giọng hưng phấn:Tạp chí sẵn sàng cho đăng tải những tác phẩm hay của cộng tác viên từ khắp nơi trên cả nước gửi về. Cô không phải cảm ơn mà chính chúng tôi phải cảm ơn sự cộng tác của cô. Còn… sau nữa? Cô gái yên lặng một thoáng, tiếp: Sau nữa là em rất không bằng lòng câu chuyện có thật đã bị biên tập và viết thêm đoạn kết.. Lúc này, tôi chợt nhớ lại toàn bộ câu chuyện Thời đã xa đầy bi kịch của một nhân vật nữ mang tên Hạnh. Câu chuyện diễn ra vào những năm miền Nam vừa mới giải phóng. Chuyện tóm lược thế này:
Hạnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình quan chức giàu có của chế độ cũ. Cha Hạnh, một sĩ quan cấp tá nhưng có tư tưởng cách mạng ngay từ khi còn là sinh viên trường võ bị Đà Lạt. Hồi còn giữ chức chỉ huy phó tiểu khu, chính ông đã từng bí mật cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cơ sở cách mạng, nhờ vậy mà lực lượng bộ đội địa phương không những tránh được nhiều tổn thất nặng nề trong các trận càn quét mà còn lập nhiều chiến công xuất sắc. Cuối năm 1973, sau chuyến chuyển lô hàng thuốc tây ra vùng giải phóng bại lộ, ông bị cấp trên nghi ngờ, đẩy ra một đơn vị tác chiến đóng ở vùng I chiến thuật. Về đơn vị mới chưa kịp giáp năm, cha Hạnh mất trên đường rút quân vào những ngày cuối tháng tư năm bảy lăm. Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ con Hạnh sống lủi thủi trong ngôi nhà ba tầng, cách ly với cuộc sống bên ngoài vì tự ty mặc cảm.
Mẹ Hạnh, con của một Lương y giàu có. Thời con gái được cha mẹ cưng chiều, được học hành tử tế. Lấy chồng, bà là một nội trợ đãm đang, một người vợ hiền thục. Tuy là vợ thiếu tá quân đội Cộng hòa, nhưng bà sống rất giản dị, nhân hậu, dễ gần, được bà con khối phố nể trọng. Sau năm 1975, lịch sử sang trang, bà phải thức khuya đậy sớm chạy chợ nuôi con gái ăn học nên người. Vốn thông minh, lại có chí, ở bậc trung học, năm nào Hạnh cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Kỳ thi đại học đầu tiên, Hạnh đậu cao vào ngành sư phạm, nhưng ban tuyển sinh tỉnh không gửi giấy báo chỉ vì cha là sĩ quan nguỵ quyền. Không nản chí, vẫn tiếp tục nuôi niềm hy vọng. Hạnh tự ôn tập bài vở chờ đợi khoa sau. Kỳ thi đại học năm sau, Hạnh lại đậu thủ khoa ngành y. Sắp đến ngày nhập học, chính quyền địa phương không cắt hộ khẩu cũng vì cái vết đen to tướng trong trang lý lịch cá nhân. Vì định kiến lỗi thời, ước mơ trở thành cô giáo dạy văn, một bác sĩ y khoa của cô gái trẻ đầy khát vọng tan theo khói mây. Ngoài thời gian giúp mẹ trong cuộc mưu sinh, thi thoảng Hạnh viết truyện, làm thơ và chia sẻ nỗi niềm với những người bạn thân học cùng lớp.
Thời bao cấp, cuộc sống gieo neo vất vả, với lại tuổi già nên mẹ Hạnh thường hay đau ốm lúc trái gió trở trời, đi đứng khó khăn. Hạnh phải thay mẹ ra chợ bán từng lọn rau, từng túm hành…kiếm sống qua ngày. Không đành lòng phải để con vất vả trong cuộc mưu sinh, mẹ Hạnh dự tính sẽ bán ngôi nhà ba tầng đến xứ khác may ra đổi đời. Nhưng số phận nghiệt ngã lại ập đến. Một hôm, bà nhận được lệnh của chính quyền địa phương buộc mẹ con bà phải tìm nơi ở khác. Ngôi nhà ba tầng của sĩ quan cao cấp chế độ cũ sẽ chuyển giao cho cơ quan hành chính quản lí. Trên thực tế, đó là tài sản của chính cha mẹ bà để lại, nơi mà bà đã sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm vui buồn. Có người biết chuyện đã khuyên bà làm đơn tìm người trong cơ sở cũ xác nhận công trạng của chồng mới hy vọng giữ lại ngôi nhà. Nhưng, các hoạt động đơn tuyến thời chiến tranh đã giải tán, người có liên quan phần lớn đã hy sinh, ai may mắn sống sót bị tâm thần do bom đạn của cuộc chiến. Hoàn toàn tuyệt vọng, mẹ Hạnh lăn ra ốm chưa được một tuần thì qua đời. Chôn cất mẹ xong, không còn chỗ bấu víu trên cõi đời này, Hạnh phẫn uất tự treo cổ kết thúc đời mình. Câu chuyện nguyên bản đại khái là thế.
Đận ấy, Tạp chí Văn nghệ đang thiếu truyện ngắn, nhất là truyện mang nội dung tư tưởng lành mạnh, nêu cao tấm gương người tốt, việc tốt góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần nghị quyết 23 của bộ chính trị về văn hóa văn nghệ. Một hôm, có cô gái mang đến gửi tôi truyện ngắn Thời đã xa. Truyện viết có nghề, giàu biểu cảm, nhưng đoạn kết có vấn đề. Để truyện đăng được, tôi biên tập lại, bắt nhân vật Hạnh phải sống, phải vượt qua số phận và phấn đấu trở thành nữ cán bộ thôn, chuyên thụ tinh lợn giống, đạt nhiều thành tích cao trong công tác vận động bà con sinh đẻ có kế hoạch, được cử đi báo cáo sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, cấp tỉnh…
Tôi lúng túng phân bua: Cô thông cảm, phải biên tập và viết thêm đoạn cuối để truyện mang tính nhân văn… để nâng cao… tầm tư tưởng của tác giả, phù hợp với tôn chỉ của một tạp chí văn nghệ địa phương trong thời kì đổi mới!
Cô gái lạnh lùng phản ứng: Hồi đó, Hạnh tuy còn rất trẻ nhưng mang nhiều hoài bảo to lớn. Nhưng vì định kiến hẹp hòi, khắc nghiệt của thời đã qua làm cho ý chí phấn đấu vươn lên của cô gái đầy khát vọng tan theo mây khói nên phải chọn cái chết như một cách giải thoát. Vậy mà anh đã bắt Hạnh phải sống, sống để phấn đấu trở thành cô thôn nữ giỏi thụ tinh nhân tạo và chăn nuôi heo giống giàu kinh nghiệm!. Cô gái bỗng nhìn thẳng vào mặt tôi bằng ánh mắt nghiêm khắc: Anh đã xúc phạm đến nhân vật Hạnh trong truyện! Rồi anh phải trả giá cho việc làm không đáng có của một người mang danh trí thức như anh!
Thực lòng mà nói, qua phản ứng của cô cộng tác viên, tôi nhận ra mình sai sai trong công tác biên tập. Đây là một bài học kinh nghiệm cho công việc làm dâu trăn họ sau này, bài nào dùng được cho đăng, không nên can thiệp sâu vào nội dung tác phẩm gây phiền cho tác giả. Biết mình có lỗi nên không trách cô gái xinh đẹp mà lắm lời. Nhìn đồng hồ báo gần 9 giờ đêm. Cô gái vẫn thản nhiên tiếp: Anh có biết Hạnh tự tử tại đâu không? Không cần câu trả lời: Tại căn phòng này, ngay phía trước mặt anh đang ngồi đó! Tưởng cô gái nói đùa cốt để dọa, tôi cười thầm: Tâm thần nặng! Giọng nàng thật nhẹ như chiếc lá: Còn tôi, tôi chính là hồn ma của Hạnh! Sau câu nói của cô gái, tôi rời mắt khỏi trang bản thảo nhìn người đẹp định nói câu xin lỗi trước khi chia tay, thì….trời ơi! Một hiện tượng dị thường đang hiện hữu trước mắt! Cô gái xinh đẹp đã hoàn toàn biến dạng: mái tóc rối bù phủ kín gần nửa khuôn mặt xám xịt như gương mặt người chết, đôi mắt trắng dã nhìn tôi chằm chằm, lưỡi thè ra hơn tấc, tập tạp chí văn nghệ số mới còn nằm trên mặt bàn. Trong cơn hoảng loạn, tôi thét lên một tiếng kinh hoàng rồi bật dậy xô bàn lao vút xuống tầng dưới, chạy ra phía cổng cơ quan. Lúc này trời tối mịt, chung quanh vắng lặng như đồng lõa với hiện tượng dị thường vừa mới diễn ra… Rất may, hình như chị tạp vụ đang loay hoay mở cổng chính. Tôi cố lấy bình tĩnh, nói không ra hơi: Chị..chị ơi, chị lên…lên tắt đèn và khóa cửa phòng giúp em với. Chị tạp vụ quay sang tôi cười sằng sặc, mặt trắng bệt, hai tròng mắt lồi ra. Hồn phi phách tán, tôi phóng người qua bờ tường trước cơ quan còn đang xây dở chạy một nạch về khu nhà trọ. Suốt đêm hôm đó, hình ảnh ma nữ cứ ám lấy tôi. Mãi gần sáng mới chợp mắt được một lúc.
Anh thanh niên dừng kể, lấy thuốc lá ra đốt. Tôi bảo:
-Theo tôi, chắc là do anh làm việc quá sức nên thần kinh não bộ căng thẳng sinh ảo giác chứ làm gì có chuyện…
Chàng thanh niên vẫn thản nhiên tiếp:
-Sáng hôm sau, tôi đến cơ quan muộn hơn. Vừa bước chân lên cầu thang về phòng mình, anh tổng biên tập gọi giật lại, hỏi:
– Bản thảo tôi giao cậu đã đọc xong chưa?
Là lính mới, còn đang trong thời kì thử việc, tôi nói lí nhí:
-Dạ thưa, thưa anh, còn mấy trang nữa chưa đọc.
Anh tổng cất giọng gay gắt:
-Tôi đã bảo cậu phải tranh thủ biên tập gấp để tôi duyệt cho in. Tối qua cậu làm gì mà ra về không tắt đèn, không đóng cửa phòng làm việc?
Tôi thật thà đem chuyện gặp ma đêm qua kể lại và xin anh bố trí lại phòng làm việc khác. Anh tổng trố mắt nhìn tôi, gằn giọng:
-Hừm! Thời đại công nghệ 4.0 mà cậu còn mê tín, còn tin vào chuyện ma quái huyễn hoặc. Hay là cậu đang bị chứng thần kinh hoang tưởng? Nếu quả thật, cậu sẽ không thể tiếp tục làm công tác biên tập. Tạp chí có nội dung phong phú, đa dạng năm nào cũng được cấp trên khen thưởng lẽ nào lại…
Vốn có thành kiến với tôi từ trước, ông tiếp bằng câu xanh dờn:
-Cậu nghỉ việc để điều trị bệnh!
Nghe tin tôi bị đuổi việc vì bệnh tâm thần hoang tưởng, bạn bè ai cũng rất ngạc nhiên. Anh ta ngừng kể một lúc, mặt hằn lên nét đau khổ: Người yêu tôi cũng tìm cách lánh xa tôi anh à…
Tôi cười hì hì, mấy bà bảo là kiểu cười cute:
-Nghề biên tập, anh đã bắt một nhân vật nữ trẻ trung, xinh đẹp, thông minh, học giỏi, có chí lớn phải sống, tiếp tục sống để trở thành nữ cán bộ thôn lập nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phối tinh lợn giống. Tôi nghĩ, anh cũng nên tự biên tập lấy số phận của chính mình.
Chàng thanh niên nói giọng thật buồn:
-Dạ, tôi biết mình đã sai rồi anh, nhưng vì chén cơm manh áo, vì…. Anh biết không, từ cái đêm hôm đó, đêm nào tôi cũng thấy cô gái hiện lên trong ác mộng bằng nhiều hình thù kì quái khiến tôi không thể nào ngủ được. Nhiều đêm thức trắng, tinh thần suy sụp. Mặc cảm vì bị đuổi việc, bị thần kinh nên suốt ngày nằm lì trong nhà. Thi thoảng đi lang thang trong thành phố, có hôm đến khuya mới về nhà….
-Hòn khô kia rồi!
Đang nghe chàng thanh niên kể câu chuyện khá lý thú, câu chuyện thực – ảo đang xen, bỗng một hành khách reo lớn.
Tôi đứng lên nhìn về Hòn khô nhấp nhô giữa mênh mông trời nước. Anh tài công nhắc hành khách ngồi vào vị trí vì tàu sẽ tăng tốc để vào bến kịp giờ cơm. Về lại chỗ cũ thì không còn thấy anh thanh niên đâu nữa. Đảo mắt khắp du thuyền, vẫn không tìm ra bóng dáng chiếc áo chim cò. Thận trọng hơn, tôi đếm số người trên du thuyền. Đếm đi, đếm lại vẫn cứ thiếu một người! Quái lạ! Lẽ nào lại là ma! Chỉ trong tích tắc đã biến mất tiêu?! Lúc nhìn lại chỗ anh thanh niên ngồi thì phát hiện ra mảnh giấy có ghi vội đoạn cuối của câu chuyện thay cho lời kể: “Vào một đêm rằm tháng 7, tôi đi lang thang khắp thành phố, đi mãi đi mãi, nhưng không biết mình đi đâu. Đến lúc có tiếng gió từ khơi xa rú rít liên hồi khiến tôi giật thót người và nhận ra mình đang đứng giữa cầu Nhơn hội lúc nửa khuya, tứ bề yên vắng, không một bóng người, chỉ nghe tiếng gió thét gào từ biển khơi. Mặt nước dưới chân cầu loang loáng ánh trăng như có một sức mạnh cuốn hút lấy tôi…”
Đọc xong đoạn kết câu chuyện ma của anh thanh niên khiến tôi rất hoang mang về một thế giới tâm linh đầy bí ẩn. Tôi bỗng rùng mình, rợn tóc gáy chợt nhớ lại, hồi năm ngoái, tôi có đọc bài báo viết về anh thanh niên bị bệnh trầm cảm nhảy cầu Nhơn hội vào lúc nửa đêm rằm tháng 7.
Sau này, thi thoảng đem chuyện gặp ma trong chuyến du hành kể lại với bạn bè vào những sáng cà phê vỉa hè. Nhưng nghe xong toàn bộ câu chuyện, ai cũng cười và bảo tôi khéo phịa chuyện tào lao bí đao.
Rẫy bạch đàn Vũng chua ngày trốn dịch
TQL
–