– Hay chúng ta quay lại thuyền đi.. Ta linh cảm không tốt thế nào ý…
Có một tiểu thư sợ hãi nói, bé giờ cô ta chưa từng trải qua chuyện như này, vì thế rất kinh sợ, trong lòng thầm nghĩ biết thế không nên đến đây.
Chủ thuyền nghe vậy thì khuyên nhủ:
– Tôi đã nhiều lần lên đây thắp hương rồi, mọi người đừng sợ, đi gần vào nhau tránh lạc là được. Phía trước có một cái miếu nhỏ, Trần tiểu thư chỉ cần bày lễ hoa quả, xong thắp hương xin thần sông tha tội là được.
Trần tiểu thư lúc này cũng không dám mạnh miệng nữa, im re nghe theo lời chủ thuyền. Liễu Thi đi đầu đoàn, trên tay cầm một ngọn đuốc, cứ đi được vài bước, cô lại rén rải vôi bột xuống, coi như đánh dấu đường về nếu chẳng may có chuyện gì bất trắc.
Chợt Trần tiểu thư nhìn thấy có những đôi mắt đỏ ngầu thấp thoáng sau những tán cây rậm rạp, chúng lúc ẩn lúc hiện, sợ hãi hét lên:
– Ma! Có ma!
– Chít… chít….
– Chít… Chít…
– Là tiếng khỉ đi ăn đêm, loài khỉ mắt đỏ chỉ có trên gò đất này, nghe nói chúng được thần sông giao cho nhiệm vụ trông coi miếu thờ của ngài. Chỉ cần chúng ta không bất kính với thần sông, chúng sẽ không làm hại ta đâu.
Chủ thuyền vội lên tiếng giải thích, trong lòng thầm kêu không biết năm nay mình đã gặp hạn gì mới vớ phải đám quý tộc kiêu ngạo nhưng lại nhát cáy này. Nếu sớm nghe ông ta sai người lên đây thắp hương có phải yên chuyện không, giờ thì hay rồi, nhất định đã làm thần sông phật ý, chắc chắn ngài ấy sẽ không dễ dàng bỏ qua đâu!
– Chị Nhan chị có cầm theo nước không?
Đi được một quãng thì vị tiểu thư váy xanh họ Trịnh thấy khát nước, nhớ rằng khi nãy Liễu Nhan có mang theo nước thì liền hỏi. Liễu Thi đi đằng trước nghe thấy, lập tức niệm chú, khẽ nói thầm trong đầu:
– Người phàm chúng tôi ngu muội, xin thần sông thứ cho.
Nếu vừa rồi Liễu Thi không niệm chú, rất có khả năng Liễu Nhan sẽ bị thứ gì đó không sạch sẽ quấn lấy, bởi ở những nơi linh thiêng như rừng xanh, đất vắng rất kiêng kị gọi tên nhau. Chủ thuyền là người khá hiểu những luật ngầm này, vội nhắc nhở:
– Ấy vị tiểu thư này, không được gọi tên người khác đâu, không sẽ bị người ta nhớ tên bắt mất đó!
Vị tiểu thư kia im bặt lại, ngay cả nước cũng không dám uống nữa.
Chủ thuyền còn chưa kịp thở phào thì lại đến lượt Trần tiểu thư gây chuyện.
– Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bẩy, tám, chín, mười, mười một, mười hai…
Trần tiểu thư đếm thử số người trong đoàn, vội kéo tay chủ thuyền, run rẩy hỏi:
– Sao sao lại mười ba, mười ba… người.. Rõ ràng chúng ta chỉ có mười hai người thôi mà….
Chủ thuyền thật muốn tát cho Trần tiểu thư này một cái bạt tai, sao lại có người ngu ngốc thế chứ, cô ta không biết khi đến những nơi linh thiêng như này, thứ nhất nói ít, cứ im lặng mà đi, thấy gì cũng không được nói, chờ sau khi ra khỏi nơi này mới từ từ kể lại cho mọi người. Thứ hai tuyệt đối không được đếm thành lời số người trong đoàn… Vì khi đếm chắc chắn sẽ thấy thừa….
– Cô không muốn chết thì đừng nói gì thêm nữa!
Chủ thuyền hết chịu nổi Trần tiểu thư, lạnh giọng đe dọa. Trải qua một số chuyện kinh dị như vậy phần nào làm vơi bớt sự kiêu ngạo của đám người quý tộc, họ đành ngoan ngoãn nghe lời chủ thuyền.
Quả nhiên lời chủ thuyền nói không sai, đi được một lát thì đi đến một bãi đất trống, ở giữa là một ngôi miếu hoang, xung quanh được bao phủ bởi một lớp rêu xanh khiến cho nó càng trở nên thần bí. Bên cạnh ngôi miếu là một cây đa sừng sững mọc lên trơ trọi giữa bãi đất trống, không có lấy một cây cỏ nào mọc gần đó.
Trần tiểu thư sai người hầu bên cạnh bày hoa quả trước miếu của thần sông, sau đó thắp ba nén hương, vừa vái vừa khấn:
– Vừa rồi ta có lỡ miệng nói lời bất kính, xin thần sông tha tội, chút hoa quả này tỏ tấm lòng thành với ngài, mong ngài nhận cho.
Nói xong Trần tiểu thư cẩn thận cắm ba nén hương vào trong lư, hương vừa cắm xong thì trên tấm bia gỗ treo trước cửa miếu chợt hiện lên một dòng chữ bằng máu:
“Thần bất thần hề, linh bất linh. Như hà miếu mạo tại Giang Tân.”
Nghĩa là: Thần chẳng thần, linh ứng không linh. Bến sông miếu mạo để thờ ai.
Đây là một câu đối Nho học, Liễu Thi vừa đọc câu này liền hiểu ý của thần sông là muốn trách bọn họ xấc láo, không kiêng nể gì thần linh.
– Thần sông muốn thử chúng ta chăng?
– Chắc vậy rồi, đây là câu đối mà, đối lại được thì ngài sẽ tha thứ!
Liễu Nhan vừa thấy câu đố, muốn chứng tỏ mình với Lý Nguyên Vũ và đám người quý tộc ở đâu, lập tức đi lên đọc một câu đối lại thần sông. Liễu Nhan vừa dứt lời thì một trong ba nén hương mà Trần tiểu thư vừa thắp cháy rụi thành tro ngay trước mặt tất cả những người ở đây.
Lập tức có người nói:
– Thần sông không hài lòng với câu đối của Nhan tiểu thư rồi…
Đám người đều nhìn Liễu Nhan với ánh mắt trách móc, ngộ nhỡ nói sai khiến thần sông phật ý, phạt bọn họ thì sao. Mà Liễu Nhan cũng ngại cháy mặt, chỉ hận lúc này mình quá nóng lòng thể hiện, cô ta thầm oán trách Liễu Thi, đều tại có nó ở đây nên cô ta mới sốt ruột như vậy, làm hỏng đủ chuyện.
– Để ta đối thử.
Người đứng ra nói là con trai trưởng của Lê học sĩ, tài cao, học thức uyên bác nổi danh kinh thành đã lâu, thấy anh ta đã có đáp án thì mọi người ở đây đều tin tưởng, hết lòng cổ vũ.
– Cậu Lê thử đi.
Vị công tử họ Lê tự tin tiến lên gần ngôi miếu, đọc to một câu đối. Chỉ tiếc anh ta vừa nói xong thì nén nhang ở giữa cũng tàn lụi như lúc nãy khiến cho đám người không khỏi thất vọng.
Chủ thuyền thấy vậy thì hoảng sợ nói:
– Thần sông chỉ cho chúng ta ba lần để chuộc lỗi! Một nén hương còn lại đang cháy tức là chỉ còn một lần đối duy nhất mà thôi!
Nhưng ngay cả cậu Vũ- người giỏi nhất ở đây cũng không đối được thì bọn họ còn hi vọng gì đây… Cả bọn liền rối rít:
– Làm sao bây giờ…
– Đều tại cô, tự dưng chọc giận thần sông làm gì
Trần tiểu thư uất ức cãi lại:
– Các người làm như mình vô tội, giỏi thì sao lúc đó các người không can ngăn ta lại đi?
Vì chỉ còn lại cơ hội cuối cùng, không có ai dám đứng ra đối tiếp. Mà nén hương càng lúc càng ngắn, cho thấy bọn họ không còn nhiều thời gian nữa rồi. Ngay lúc này giọng nói Liễu Thi trong trẻo vang lên:
“Dương Nghiệp tích Nhật do hiềm tiểu. Hà tích thiên kiểu bách vạn cân.”
Nghĩa là: nghiệp dương ngày trước còn chê nhỏ, tiền giấy này sao lại vật nại.
Ý Liễu Thi đang nhắc nhở khéo thần sông đã là thần rồi cớ sao còn nhỏ nhen để ý nhắc thứ lễ vật tầm thường. Khẩu khí trong câu đối của Liễu Thi rất cứng rắn, không vì sợ thần quyền mà kiêng nể nhưng cũng không kém phần khéo léo, mềm mại, ám chỉ đã có vật thờ thì thần sông hãy nhận lấy cho.
Đám người kia nghe Liễu Thi đọc thì muốn nín thở, trong thâm tâm bọn họ đều nghĩ cô chỉ là con nhỏ dưới quê lên, một chữ bẻ đôi cũng không biết thì sao có thể đối lại được với thần sông cơ chứ! Có người còn đang định trách móc Liễu Thi:
– Sao cô dám tự tiện…
Cô ta còn chưa kịp nói hết câu thì trông thấy nén nhang còn lại không những không tắt mà ở tấm gỗ bên cạnh đã hiện lên câu đối của Liễu Thi, đọc lại một lượt thì thấy một bộ đôi câu đối thật cân xứng nhau.
– Thần sông tha tội cho chúng ta rồi! Haha…
Trên đường trở ra sương mù đã tự động tan hết, trên đỉnh đầu đã có ánh trăng sáng tỏ soi đường cho bọn họ. Đám người ai nấy đều phấn khởi, có vị tiểu thư còn thân thiết nắm tay Liễu Thi nói:
– May nhờ cô cứu chúng tôi. Mà cô khiêm tốn thật đó, quả nhiên đã là con gái thượng thư thì không tầm thường rồi.
– Phải đó, lúc nãy là chúng tôi khinh thường cô, cô đừng để bụng.
– Nhà Liễu thượng thư thật có phước, con gái lớn thì là đệ nhất mỹ nhân kinh thành, con gái thứ thì là đệ nhất tài nữ! Cái danh này thực xứng với cô, đám người chúng tôi ở đây không ai đối được.
Ngay cả công tử họ Lê cũng đứng ra nói:
– Cô đối hay lắm, chuyện này ta sẽ đem bẩm cha, không thể để nhân tài như cô mai mốt được.
Phút chốc được nhiều người vây quanh như vậy khiến Liễu Thi thấy không quen. Khi nãy thời gian cấp bách, cô chỉ muốn cứu mọi người mà thôi, không ngờ lại gây ra chuyện ồn ào như vậy.
– Cô làm tôi ngạc nhiên hết chuyện này tới chuyện khác đấy.
Nguyễn Liêu cười nói, không tiếc dành lời khen cho Liễu Thi.
Liễu Thi cũng chỉ khiêm tốn đáp:
– Cảm ơn anh.
– À phải rồi, tôi sẽ ở lại kinh thành mấy tháng, lạ nước lạ cái, cô dẫn tôi tham quan được không?
Liễu Thi thắc mắc hỏi:
– Sao anh nói là lên kinh cùng người thân mà…
Nguyễn Liêu đáp:
– À ý cô là Nguyễn Phụng ấy hả? Em ấy lên kinh nhiều lần rồi, lần nào cứ đến kinh thành là nó đi nghe tuồng ở gánh hát gì ý, có ngó ngàng gì tới tôi đâu!
Liễu Thi mỉm cười:
– Tôi biết rồi, đó là gánh hát của ông chủ họ Lưu, khi nào có dịp tôi sẽ dẫn anh tới đó xem luôn.
Liễu Nhan nhìn Liễu Thi được người người vây quanh thì cảm thấy khó chịu, nghĩ rằng Liễu Thi đang cướp dần mọi thứ của mình thì tức đỏ mắt. Nhìn sang Lý Nguyên Vũ đang đứng cạnh mình nhưng mắt thì hướng về phía Liễu Thi thì càng cảm thấy nguy cơ ngày một nhiều.
– Cậu Vũ đưa em hồi phủ được không ạ?
Lý Nguyên Vũ lơ đãng gật đầu, không hiểu sao thấy Liễu Thi thân thiết với người đàn ông khác khiến anh ta thấy khó chịu, đã vậy người đàn ông này nhìn còn giống người chồng đã chết của Liễu Thi. Chuyện nhà họ Hồ Lý Nguyên Vũ đã nghe quan tam phẩm kể hết tất cả, anh ta còn cảm thấy vui thay Liễu Thi, bởi người quỷ khác biệt, khó chung đường. Hồ Nam chết đối với Liễu Thi lại là một sự giải thoát.
– Em đừng buồn, em cũng chỉ muốn giúp mọi người thôi mà.
Lý Nguyên Vũ an ủi Liễu Nhan một câu….
Liễu Nhan ôm chặt lấy cánh tay của Lý Nguyên Vũ nói:
– Sao em có thể buồn cơ chứ, phải vui mới phải, em Thi có tài như vậy, sau lần này sẽ có nhiều người tới phủ nhà em cầu hôn em ấy đây. Mà không biết người đang đi cạnh em ấy là ai cậu nhỉ? Từ khi về phủ đến nay không thấy em ấy thân thiết với người con trai nào, có khi sau lần ngắm trăng lần này, em ấy tìm được người thương cũng nên….
– Chắc không phải đâu, em gái em dù sao cũng là khuê nữ, em nói như vậy nhỡ người ngoài nghe thấy làm hỏng thanh danh của em ấy thì sao?
Liễu Nhan bàn tay bấu chặt tà váy, cố bình tĩnh nói:
– Là em suy nghĩ không thấu đáo rồi.
Trải qua buổi ngắm trăng lần này, danh tiếng của Liễu Thi có thể nói là lên như diều gặp gió, các vị công tử tiểu thư được Liễu Thi cứu mạng ai nấy đều đi khắp nơi ca ngợi cô. Ngay cả Liễu thượng thư lên triều cũng được thơm lây, khiến cho ông ấy phải nhìn Liễu Thi bằng con mắt khác xưa.
Giờ khi nhắc đến phủ thượng thư, người ta không chỉ ca ngợi đại tiểu thư Liễu Nhan xinh đẹp mà còn khen cả nhị tiểu thư giỏi thơ từ nữa. Vì vậy dù dung nhan của Liễu Thi bị hủy nhưng đã có vài công tử trong kinh cho bà mối tới Liễu Thi cầu thân với cô mà bà nội thì vẫn muốn Liễu Thi có một tấm chồng để nương tựa sau này, làm Liễu Thi phải tìm cách từ chối khéo mãi.
Mà Liễu Thi cũng không thân thiết với Liễu Nhan như trước nữa. Từ ngày xem bói ở chỗ lão thầy kia về, thái độ của Liễu Nhan đối với cô khác hẳn, Liễu Thi biết lần ngắm trăng vừa rồi chị gái muốn dẫn cô theo chỉ để làm nhục cô mà thôi. Còn bên phía lão thầy bói, quan thượng thư đã sai quân lính đến dọn sạch địa bàn của ông ta, chỉ tiếc khi tới nơi thì ông ta đã chạy thoát.
Nhờ vào sự đề cử của công tử họ Lê kia, Liễu Thi được nhận vào viện học sĩ, việc này đối với một tiểu thư con vợ lẽ của quan như Liễu Thi có thể nói là một vinh dự vô cùng lớn. Viện học sĩ vốn là nơi chỉ dành cho những người thuộc tầng lớp quý tộc theo học, nó còn là nơi các học sĩ uyên thâm, văn hay chữ tốt tụ tập lại luận bàn nhau về chính trị, thơ văn đương thời.
Bà cả sai người gọi Liễu Thi tới phòng, đem ra cho cô ba bộ áo mới, đều là những loại vải tơ tằm tốt nhất, nói:
– Dù sao cô cũng đại diện cho phủ chúng ta, không thể ăn mặc đơn giản như vậy được, người ngoài nhìn vào lại nói ta bạc đãi con vợ lẽ.
Liễu Thi thấy bà cả quan tâm mình thì không hiểu sao thấy ấm áp vô cùng, mẹ đẻ của cô- bà Mai khi nghe tin Liễu Thi được nhận vào viện học sĩ không những không vui mừng mà còn đau nghiến chì chiết cấm cản Liễu Thi không được tới đó học.
– Con xin cảm ơn ý tốt của mẹ cả, nhưng có lẽ con phụ tấm lòng của mẹ rồi, con không có chí lớn vào trong đó học, chỉ muốn yên ổn ở phủ thôi ạ.
Nghe Liễu Thi nói vậy thì bà cả kinh ngạc vô cùng. Gần đây Liễu Nhan có thủ thỉ bên gối bà ấy em gái hay không an phận, lần đi ngắm trăng vừa rồi còn tìm cách chơi xấu con bé. Nay lại thấy Liễu Thi không có dã tâm như vậy khiến bà cả không khỏi hoài nghi về độ chính xác trong lời con gái mình kể.
– Cô hãy suy nghĩ cho kỹ, đây là cơ hội tốt, đến đó học tập sẽ quen được nhiều người, cô chỉ kém con Nhan vài tháng, tuổi cũng đã lớn, nên suy nghĩ chuyện cưới gả là vừa.
– Dạ, vâng ạ. Con xin phép mẹ cả con về ạ.
Bà cả thấy Liễu Thi như vậy không hiểu sao trong lòng lại thấy thương hại cô, liền nói:
– Mấy bộ váy áo kia là tôi sai người may theo dáng người của cô, con Nhan cũng không dùng được, cô cầm về mà mặc, không tôi cũng đem vứt đi lại uổng.
Liễu Thi cũng không từ chối nữa, tạ ơn bà cả rồi cầm áo váy ra về. Trước đêm nhập học một ngày, Liễu Thi nằm chiêm bao một giấc mơ lạ. Trong mơ có một ông già tóc bạc phơ, trông rất đẹp lão chèo thuyền về phía cô, cười nói:
– Ta là thần sông hôm trước ở hồ Kim Ngưu, thấy cô không tệ, có muốn làm làm việc dưới trướng của ta không?
Liễu Thi nghe vậy thì bất ngờ, cô còn chưa kịp trả lời thì thần sông đã nói tiếp:
– Ngày mai đến viện học sĩ tìm ta.
Nói xong thì thần sông biến mất sau đám khói trắng. Cả đêm Liễu Thi trằn trọc phân vân không biết có nên tới viện học sĩ hay không. Sau cùng cô vẫn quyết định tới. Trước giờ học pháp ngoài cậu chỉ bảo vài lần, còn lại đa số là Liễu Thi tự mày mò sách vở, cộng thêm tuệ tính của mình để ngộ ra và làm theo. Dù cô học tương đối nhanh nhưng không tránh khỏi sẽ có lần sai sót, nếu có thể kết thân được với thần, nhờ ngài ấy chỉ điểm thì đối với cô là việc tốt.
Hơn nữa thần sông biết đâu sẽ có cách khác hồi sinh cậu cả. Liễu Thi tính thử từ giờ tới cuối thu còn bốn tháng nữa, cô tới được họ Nguyễn tộc nhưng để mượn được đèn Bảo Đăng nào có dễ thế, vì thế cô cứ tính thêm cách khác cho chắc, thỏ khôn đào ba hang, người khôn tính ba nước. Vì vậy Liễu Thi ngồi dậy chuẩn bị một chút đồ dùng cần thiết, sau đó mới lên giường nằm chờ sáng.
Để tránh ồn ào không cần thiết, Liễu Thi dậy sớm tới từ đường thắp nhang cho các cụ, tới nơi cô đã gặp bà nội đang cầu khấn cho cô:
– Xin tổ tiên phù hộ cho cháu nội Liễu Thi của con bình an, mọi việc suôn sẻ, sớm tìm được tấm chồng tốt để nương nhờ.
Vốn ban đầu Liễu Thi vào phủ nhà họ Liễu với tâm lý mình là người ở nhờ, đến khi tìm được đồ thì sẽ lặng lẽ rời đi, không ngờ bà nội lại quan tâm cô thật lòng. Chờ bà nội khấn xong Liễu Thi mới đi ra chào bà:
– Nội dậy sớm vậy ạ?
Bà nội cười nói:
– Bà già rồi, có ngủ được nhiều đâu, chi bằng tới đây cầu phúc xin các cụ nhà ta phù hộ cho con.
Liễu Thi cảm động nắm tay bà nói:
– Con cảm ơn nội nhiều…
– Người một nhà thì không cần khách sáo thế. Hôm qua nghe con dâu cả nói con không muốn nhập học, ta đã nói con nhất định sẽ đi, con cháu họ Liễu ta chí khí lớn, đâu thể gặp chút chuyện mà nhụt chí được. Con thắp vài nén nhang cho các cụ rồi đi kẻo muộn. Này là ta chuẩn bị riêng cho con.
Bà nội lấy ra một tay nải dúi vào tay Liễu Thi. Liễu Thi nhận lấy, trong lòng cảm xúc khó tả. Xong việc Liễu Thi chào tạm biệt bà nội rồi lên xe ngựa.
– Ngày nào được nghỉ con sẽ về phủ thăm nội.
Trời còn sớm, Liễu Thi vén tấm màn lên để ánh bình minh chiếu vào xe ngựa, hít một hơi thật sâu để tận hưởng bầu không khí trong lành này. Viện học sĩ không nằm trong nội thành mà ở ngoại thành, từ Liễu phủ tới viện học sĩ mất tầm ba canh giờ xe ngựa. Lúc Liễu Thi đến nơi thì đã là nửa buổi sáng.
Ngày hôm nay cô mặc một bộ y phục học sĩ, tóc búi dài cài trâm, đôi môi được gấp thếp son đỏ, dù nhan sắc của cô đã bị hủy nhưng phong thái của cô vẫn toát lên vẻ thanh tao nhã nhặn. Bàn chân cô đi đôi hài cánh sen hồng, tà áo thướt tha khiến bao người phải ngoài nhìn. Bao học sĩ, giáo quan nhìn thấy Liễu Thi cũng phải dừng lại, cô mang thêm một chiếc khăn che mặt vén mỏng, đôi mắt lá liễu chỉ nhìn thôi đã khiến bao người đắm say.
Cô cùng dòng người học sĩ đi vào trong cổng. Ở trước cổng có 1 cái bia: “Hạ Mã”, đây là nội quy bắt buộc, tới đây phải xuống ngựa, hạ kiệu mà đi bộ vào bên trong. Ở trong viện học sĩ chỉ toàn là nam nhân, số ít là tiểu thư khuê cát hoặc là cành vàng lá ngọc mới được gửi vào đây để học lễ nghĩa.
Nhưng họ đa số đều không có mặc y phục học sĩ như Liễu Thi mà diện những trang phục lộng lẫy, chau chuốt. Thấy Liễu Thi lạ mặt thì người canh gác đưa tay giữ lại:
– Xin hỏi tiểu thư vào đây là có việc chi?
Liễu Thi cầm ra lá thư có con dấu đỏ trên đó, nhẹ nhàng đưa cho họ.
– Anh xem đi.
Người canh gác nhìn thấy thì mở to mắt, vội vàng dẫn đường:
-Thì ra là thư mời từ ngài Lê học sĩ. Xin mời tiểu thư đi lối này.
Hai người lính gác dẫn đường ở phía trước, Liễu Thi đi đằng sau. Nơi mà họ dẫn cô tới là một học viện nằm sâu bên trong, ở đây được canh gác cẩn mật, ai ra vào cũng phải trình bày giấy tờ chứng minh được thân phận của mình. Hai người lính gác đưa Liễu Thi tới đây thì chỉ vào bên trong, nói:
– Cô tới đằng kia đi, chỗ có hai người mặc giáo phục, cứ trình thư mời thì họ sẽ đưa cô vào trong. Chúng tôi chỉ dẫn tới đây thôi.
Liễu Thi gật đầu đáp:
– Vâng, cảm ơn hai anh.
Liễu Thi mang theo lá thư tới gặp trọng binh canh giữ, họ liếc nhìn cô rồi bảo cô đứng chờ ở đây một lát, họ sẽ vào thông báo ngay, chừng một canh trà thì họ gọi cô vào:
– Ngài ấy gọi cô vào, trước tiên xin cô cho chúng tôi kiểm tra vật sắc nhọn.
The comment box
Theo dõi
Đăng nhập
0 Góp ý