Editor: Cơm Nắm Nướng Chảo
Beta: Thanh Du
~0O0~
Trường Bạch là một dãy núi lửa đã ngủ đông, căn cứ vào tài liệu lịch
sử thì lần phun trào quy mô nhỏ gần đây nhất của nó hẳn đã kết thúc từ
1000 năm trước. Hiện giờ tuy núi lửa đã yên tĩnh trở lại nhưng những
nguồn địa nhiệt quanh nó vẫn đặc biệt dồi dào, vô số khe nứt địa chất và miệng phun dung nham từ thời kỳ hoạt động vẫn còn duy trì nhiệt độ cực
cao. Phía sau khối phong thạch Bàn long này không chừng còn đè lên một
khe đất bốc hơi nóng, vì thế mới toát ra mùi lưu huỳnh.
Chuyện này đối với chúng tôi chắc chắn là một tin tốt lành. Trong
hoàn cảnh này, có được nguồn nhiệt ổn định đương nhiên là tiết kiệm hơn
hẳn so với đốt một đống lửa. Thế nhưng lại vướng tảng phong thạch Bàn
long vĩ đại màu đen chèn chặt bên trên, liếc qua đủ biết phải nặng đến
hơn mười tấn, chúng tôi lại không có bất kì thiết bị phá đá nào, muốn
lật nó sang một bên quả là hơi khó.
Bàn Tử thuộc phái hành động, hăng hái
vung tay kêu gọi chúng tôi cùng khuân tảng đá lên, có vài người cũng
bước tới nhấc thử mấy cái. Nhưng cả đám ra sức khiêng tới nỗi đầu tóc
nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ đến mang tai mà tảng đá vẫn không mảy may suy
suyển.
Bàn Tử thở hổn hển, than vãn: “Không được rồi bố già ơi. Tôi đã bảo
trang bị của chúng ta không dùng được rồi mà, bố xem giá lúc này có ít
thuốc nổ thì tốt quá.”
Hoa hòa thượng đáp, anh không biết thì đừng có nói lung tung, ông cụ
nhà này qua cầu còn nhiều hơn anh đi đường đấy. Không mang thuốc nổ là
đúng rồi, anh nói coi giờ chúng ta đang ở dưới đáy khe, trên đỉnh đầu
tuyết phủ trắng xóa, anh cứ thử đào bừa cái lỗ, chôn xuống quả mìn rồi
cho nổ, chờ đám tuyết đọng bên trên chấn động sụt xuống xem có bị chôn
sống ngay không.
Bàn Tử cứng họng, đúng lúc đó tôi lại thoáng thấy mép dưới của phiến
đá Bàn long còn kẹp rất nhiều khối đá to nhỏ không đều, nảy ra một ý,
bèn bảo bọn họ: “Có lẽ không cần dùng thuốc nổ đâu, để tôi thử xem.”
Nói rồi tôi lấy từ trong hành lý ra một chiếc búa đục đá, đến bên
cạnh khối phong thạch Bàn long, cẩn thận kiểm tra mấy khối đá lớn bên
dưới rồi nhắm chuẩn vào một tảng trong số đó mà khỏ một búa. Khối đá kia một mặt đã phải chịu sức nặng hơn mười tấn, nay lại phải nhận thêm nhát búa thốc từ bên sườn của tôi, tức khắc nứt ra một kẽ nhỏ. Tiếp đó là
những tiếng đá nghiến vào nhau rào rạo liên hồi, tảng phong thạch Bàn
long phía trên vì lực chống đột ngột biến đổi mà bắt đầu trượt xuống
theo vách núi đá.
Chúng tôi gấp gáp lùi về phía sau, phiến phong thạch Bàn long trượt
xuống vài tấc lại bắt đầu nghiêng ngả. Thế nhưng phiến đá kia thật sự
quá nặng, chỉ trượt khỏi vị trí một chút đã ngừng lại. Nhưng như thế
cũng đủ để chúng tôi nhìn thấy phía sau tảng phong thạch lộ ra một khe
nứt nằm trên vách núi.
Khe đá này rộng vừa một đầu người, cố ép mình cũng có thể chui qua.
Nhìn mép động thì thấy đường đứt gãy của nham thạch vẫn còn nguyên
trạng, không có dấu vết đục đẽo của con người, mùi lưu huỳnh từ trong đó phả ra từng đợt.
Bàn Tử vặn đèn pin sáng lên, thò tay chiếu vào xem thử rồi quay đầu
lại nói: “Trong này ấm lắm, mỗi tội góc độ thì quá khó đỡ, chẳng chiếu
đến cái gì cả. Với lại, tường đá bên trong hình như còn viết chữ.”
“Viết cái gì vậy?” Tôi hỏi.
Bàn Tử nheo mắt nhìn cẩn thận một lát rồi đáp: “Đọc không nổi, mẹ kiếp chẳng biết nó viết cái của nợ gì.”
Nói rồi hắn lại định khom lưng chui vào, có điều Bàn Tử quả thực quá
mập, hang động này hiển nhiên không vừa với hắn, cố nhét người vào mấy
lần vẫn không được. Rốt cuộc hắn phải cởi tấm áo khoác bên ngoài ra mới
miễn cưỡng chui lọt.
Trần Bì A Tứ lại bảo Diệp Thành, Lang Phong và Phan Tử ở lại bên
ngoài, có gì còn tiếp ứng, còn chúng tôi theo sau Bàn Tử tiến vào trong
khe hở.
Đây là một kẽ đá nứt ra do vận động tạo núi, đi vào rồi mới phát hiện nó đột ngột dốc thẳng xuống dưới, bên trong tối om om, xem ra khe này
rất sâu, chỉ e nó thông thẳng vào trong lòng núi.
Không gian ngoài miệng khe nứt hơi chật, hai người không thể sóng vai cùng vào, hơn nữa trong khe rất khó đi, dưới chân toàn là những khối đá lớn góc cạnh lởm chởm. Mùi lưu huỳnh trong hang phải nói là nồng nặc,
nhiệt độ ít nhất cũng tầm 30 độ C, đến cả đá cũng nóng rẫy lên.
Chúng tôi dùng cả chân lẫn tay nhích lên vài bước, Bàn Tử lấy đèn pin chiếu sáng một bên, bảo: “Các anh xem, đây là chữ gì?”
Tôi quay đầu sang, thấy đám chữ không được khắc lên vách khe nứt mà
chạm trên một khối đá nằm ngang lẫn trong đống đá lộn xộn dưới đáy. Đây
toàn là những chữ lạ lùng, có phần giống tiếng Trung, lại hơi na ná chữ
Hàn, chạm khắc không theo thứ tự gì cả.
Hoa hòa thượng sáp lại gần nhìn thử rồi khẳng định: “Đây là chữ của người Nữ Chân(*).”
(Nữ Chân chính là dân tộc của hoàng
thất nhà Thanh, vốn họ thuộc một nhóm các bộ tộc du mục sống tại vùng
Mãn Châu – nay là đông nam Nga và đông bắc Trung Quốc – và miền bắc
Triều Tiên, cũng tức là sát với dãy Trường Bạch Sơn trong truyện. Trong
quá khứ họ từng thành lập nhà Kim, xung đột với triều Tống cho đến khi
bị liên minh Tống và bộ tộc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn diệt quốc. Sau
này họ lại nổi lên xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc của nhà Minh và lập ra triều Thanh, cũng chính là vương triều cuối cùng của giai cấp
phong kiến Trung Hoa.)
“Nó viết cái gì thế?” Bàn Tử hỏi.
Hoa hòa thượng đáp: “Chờ chút, tôi đâu phải siêu nhân, phải xem kỹ mới biết được. Để tôi chép lại đã.”
Chúng tôi chờ một lát cho Hoa hòa thượng chép xong những chữ này vào
sổ. Rồi Bàn Tử dẫn đầu, chúng tôi lại xếp thành hàng ngũ, tiếp tục đi
sâu vào trong động.