Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn miền Trung. Ngày đó, hầu hết người trong làng đều là nông dân, ban ngày thì sáng sớm tinh mơ đã ra thăm ruộng, nào tát nước, cắt cỏ…thời bấy giờ cắt cỏ phải cắt bằng tay chứ không có máy như bây giờ, thế là cả ngày cứ ở ngoài ruộng, trưa thì về kiếm miếng cơm, bữa cháo lót bụng rồi lại ra ruộng tiếp tục công việc đồng áng. Bọn trẻ chúng tôi thì có đứa đi chăn trâu, những đứa nhỏ hơn thì tụm năm, tụm bảy lại có khi thì xuống mấy khúc sông, bắt con cua con cá về để giúp đỡ cho gia đình trong những bữa cơm hằng ngày, tôi nhớ hoài câu hát của thằng Tèo – một thằng bạn cùng trang lứa với tôi: “Chiều nay em đi câu cá, về cho má mày nấu canh chua…” Thế là cả ngày cả bọn cứ ở dưới sông, ngoài những buổi học thì thi nhau bắt cá, đến chiều về đứa nào tệ nhất thì cũng được chục con, với số lượng như vậy thì cũng làm được một tộ canh cá rồi…
Cuộc sống của người dân quê là vậy, ban ngày ai cũng có công việc của mình, được cái khi đêm về, thỉnh thoảng hai ba hôm một lần, hầu hết mọi người trong làng tôi, sau khi đã ăn cơm chiều xong thì thường có thói quen là tụ tập đến nhà nào đó để chơi, nói chuyện, tán gẫu, bàn chuyện thế sự…Vì hồi đó còn nghèo lắm, chưa có nhà nào có tivi để giải trí cả, thế nên bà con thường tụ tập đến một nơi để nói chuyện với nhau sau những giờ làm công việc đồng áng mệt nhọc, vừa là để tìm niềm vui, vừa là để gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau, bây giờ nghĩ lại thấy cuộc sống thôn quê của người dân mình ngày xưa mộc mạc, bình dị nhưng có một nét gì đó rất hay, rất đáng quý mà không thể tìm thấy được cái thói quen ấy vào cái thời công nghệ thông tin và phương tiện giải trí hiện đại như bây giờ.
Tụ điểm thường xuyên của “khán giả” trong làng chính là mảnh sân trước nhà của tôi, tôi còn nhớ, khi ấy, các thành viên trong gia đình tôi đều rất hiếu khách, khi thấy có người nào trong làng ghé tới chơi thì rất là mừng, đôi khi có công việc gì dở dang cũng bỏ hết mà ngay lập tức sau màn chào hỏi tay bắt mặt mừng, là ấm chè xanh mới pha còn nóng hổi. Tôi thường được giao nhiệm vụ trải chiếu, vì đáp ứng theo yêu cầu của bà con trong làng: “Trải chiếu dưới đất ngồi cho nó mát anh Năm, mình là dân quê cả mà, khách sáo làm gì?” câu nói của chú Thiêm hàng xóm với ba tôi làm tôi nhớ mãi đến bây giờ. Và cũng vì thế mà bây giờ tôi mới có được một số câu chuyện thú vị về ma quỷ để chia sẻ cùng các bạn.
Khi ấy là vào một đêm trăng sáng, sau khi cơm nước đã xong, như thường lệ bà con trong làng kéo đến nhà tôi ngồi chơi. Hớp một ngụm nước chè tươi, bà hai Châu buột miệng:
“Đêm nay là đêm 14, gần đến rằm rồi trăng sáng quá, mà sao từ chạng vạng đến giờ trời không có một ngọn gió, nóng quá chị ba nhỉ…?”.
Ngồi từ phía góc nhà, cô ba Len (người dân ở địa phương tôi thường gọi tên theo sau thứ tự trong gia đình) đang cầm chiếc quạt tre phe phẩy:
“Ừ từ chiều đến giờ không biết sao trời nóng quá, mà chú hai nhà thím đã đỡ chút nào chưa thím hai?”.
Bà Châu chưa kịp trả lời thì chú Thiêm xen vào:
“Uả anh hai bị làm sao vậy chị hai, mới chiều hôm kia tôi còn thấy ảnh vác cuốc đi xới đất, ảnh còn nói là định sửa sang lại miếng đất của nhà chị đã để không mấy năm nay giờ định trồng bắp để kiếm thêm thu nhập mà…?”
“Thì mới hôm qua ổng còn đi cuốc đất tới chạng vạng mới về”. Bà hai Châu chậm rãi thở dài, “Sau khi ăn cơm chiều xong, ổng nói với tôi là sang nhà chú bảy có việc gì đó quan trọng lắm. Tới khoảng 10 giờ đêm ổng mới về tới nhà, khi về tới nhà thì người ổng nồng nặc men rượu, sắc mặt thì không còn một giọt máu, tôi thấy lo bèn hỏi có chuyện gì đã xảy ra với ổng thì ổng không một lời đáp lại mà thân thể cứ run lên bần bật, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Sau khi uống hết một ly nước chanh mà tôi pha, ổng liền nhảy lên giường trùm kín từ đầu tới chân. Thấy vậy tôi cũng không tiện hỏi nữa, tôi vớ lấy cây đèn thổi phụt tắt rồi cũng đi ngủ một giấc cho tới sáng…”
Bà hai Châu kể đến đây ngừng lại một lát, vớ lấy tách trà hớp một ngụm chậm rãi như để lấy giọng, thấy vậy chú Thiêm sốt ruột:
“Rồi sao nữa chị hai…?”
Bà hai Châu đặt tách trà xuống chiếu, sắc mặt bỗng thay đổi, đổi luôn cả giọng nói, bà thỏ thẻ: “Ông nhà tôi tối hôm qua đã gặp… ma, đến sáng khi ngủ dậy, sau khi ăn sáng xong xuôi, tôi bèn gặng hỏi hôm qua ông gặp chuyện gì mà như người mất hồn vậy, tôi lo quá. Bấy giờ ổng mới chịu kể ra”.
Nghe nói đến chuyện ma, tức thì không khí thay đổi hẳn, bà con nãy giờ có người thì trầm ngâm, có người thì suy tư, bây giờ nhốn nháo hẳn lên:
“Câu chuyện thế nào hả chị Hai, chú Hai gặp ma à, mà gặp ở đâu chứ?”
“Thì ở ngay chính làng mình chứ ở đâu nữa, theo lời ông nhà tôi kể thì tối hôm qua, sau khi nhậu ở nhà chú bảy về, lúc đó ổng đã ngà ngà hơi men rồi, chú bảy bèn sai thằng con lấy xe đạp để đưa về, nhưng ổng không chịu. Thế là cuốc bộ từ nhà chú bảy về đến làng mình thì đã gần 10 giờ đêm. Lúc đó, khi đi ngang bụi chuối nhà ông tư Chai, thì ổng thấy có một con gà cứ đi qua, đi lại trước mặt, ổng thấy làm lạ, không biết con gà này là của nhà ai mà lạ quá, giờ này sao không tìm chỗ ngủ mà còn ở đây, lại đi qua, đi lại như là muốn tìm một thứ gì đó…Lạ thật, ổng tự nhủ như vậy rồi bước đi.”
“Rồi thế nào nữa hả chị Hai, rồi con gà đó làm sao, mà cũng lạ thiệt chứ, gà vịt gì đến giờ đó còn chưa lên chuồng mà đi lung tung vậy?” Tiếng của bà con xen lẫn vào làm tăng thêm phần sinh động cho câu chuyện của bà hai.
“Sau khi bước đi được vài bước, ông nhà tôi quay đầu nhìn lại, vẫn thấy con gà cứ đi qua đi lại như muốn trêu ngươi. Bực mình, ổng vác cục đá thật to ném vào con gà, định bụng là coi thử nó có sợ mà chạy đi không, ai ngờ sau khi ném đá vào nó thì không thấy con gà nào đâu nữa mà chỉ thấy từ dưới đất một người từ từ ngồi dậy, rồi đứng lên, thân cao như cây sào, không thấy mặt mũi đâu, chỉ thấy toàn một màu đen đang từ từ tiến về phía ổng. Hoảng quá, ba chân bốn cẳng chạy thục mạng một mạch về tới nhà mà không dám nói một lời nào cho đến sáng…”
Kể tới đây, cô ba Len nãy giờ ngồi im hơi lặng tiếng theo dõi câu chuyện, góp lời:
“Đúng rồi, chính ngay cái bụi chuối nhà ông Tư Chai, tôi cũng đã từng nghe nhiều người đồn là ở đó có ma, nhưng mà tôi không tin, ngay chính thằng con của tôi cũng đã có lần thấy ở đó, nhưng không phải là một con gà mà là một cảnh tượng rất hãi hùng, không biết ở đây mọi người đã nghe qua chưa…?”
Nghe cô ba Len lên tiếng lập tức bà con lại một dịp nhao nhao:
“Con chị thấy như thế nào hả chị ba, có rùng rợn như chuyện của thằng cháu tôi hồi mấy năm nó còn đi đơm cá không?” Dì Út tôi buột miệng.