Sau khi hoàn tất kỳ thi tuyển sinh Quốc gia tại điểm thi trường đại học Huế, Hà trở về nhà chờ đợi kết quả. Người ta vẫn thường nói đợi chờ không là hạnh phúc, quả thực thì những tháng ngày chờ kết quả khiến Hà hồi hộp và lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Bởi vì lần thi này cô đã không làm bài được tốt lắm. Nhưng Hà rất hi vọng mình sẽ thực hiện được nguyện vọng là trở thành một cô kỹ sư nông nghiệp cao cấp, mong rằng một chút may mắn sẽ tới với bản thân mình.
Rồi ngày đó cũng đến, cầm tờ giấy báo trên tay, Hà hồi hộp mở ra xem, đập vào mắt là những con số mà cô đã đoán ra được. May mắn đã không mỉm cười với Hà, thế là bao hoài bão, ước mơ về một tương lai rộng mở của cô đã khép lại thật rồi.
Bố mẹ đứng một bên cũng mang tâm trạng hồi hộp không khác gì cô, nhìn thấy sắc mặt trắng nhợt của con gái, bố Đăng không khỏi lo lắng.
-Kết quả sao rồi con? Nói bố nghe xem.
Đối mặt với ánh mắt đầy kỳ vọng của bố mẹ, Hà không biết mình nên trả lời như thế nào. Niềm hi vọng của cả gia đình đều đặt lên cô con gái nhỏ này, cô thật sự đã thất bại thật rồi. Bất chợt hai hốc mắt Hà đỏ hoe, cô cố gắng giữ bình tĩnh nhất có thể, nhỏ giọng nói.
-Con xin lỗi bố mẹ, con thi trượt Đại học rồi.
Nói rồi, Hà chạy thật nhanh về phòng mình, bỏ mặc lại bố mẹ vẫn đang đứng ngẩn người giữa nhà. Khép chặt cánh cửa, Hà gục mặt vào gối, từng giọt nước mắt thi nhau chảy xuống làm ướt một góc chiếc gối ngủ. Mười hai năm bố mẹ nuôi ăn học, bản thân lại kém cõi đến như vậy, Hà buồn lắm.
Bên ngoài, bấy giờ bố mẹ mới định thần lại được câu nói của con gái, mẹ quay sang hỏi bố.
-Giờ làm sao hả anh?
-Trượt thì cũng đã trượt rồi, năm nay không đỗ thì năm sau thi lại.
-Ừm, em thì sao cũng được, miễn con thích là được.
Hà có một người bố rất tâm lý và một người mẹ rất tôn trọng quyết định của cô. Hà thật may mắn khi được làm con của bố mẹ.
Năm đó, số điểm Hà đạt được chưa đủ điểm sàn đại học, Hà đã trượt nguyện vọng 1, tâm trạng của kẻ thất bại khiến Hà buồn bã suốt mấy ngày liền. Cô bỏ ăn bỏ uống tự giam mình trong phòng, bố mẹ có vào khuyên bảo thế nào Hà cũng không nghe. Sau mấy ngày nằm suy nghĩ, Hà cũng đã có dự tính riêng cho tương lai của mình, cô không muốn thi lại làm lỡ mất một năm nên đã lên mạng tìm trường cao đẳng để xét tuyển nguyện vọng 2. Ngôi trường mà Hà chọn nằm tại thành phố Vinh, nơi có ngành học mà cô yêu thích. Điểm của Hà không đỗ đại học chứ thừa sức đậu mấy trường cao đẳng này. Chỉ mất vài tuần sau, Hà đã nhận được giấy báo nhập học của trường gửi về nhà. Cứ đinh ninh là mình sẽ được theo đuổi con đường trở thành kỹ sư nông nghiệp cao cấp, học cao đẳng xong thì ở lại liên thông đại học luôn, dù phải đi đường vong một chút, nhưng được học đúng ngành mà mình yêu thích là được rồi. Con đường mà Hà đã tự vẽ ra rất suôn sẽ cho tới một hôm, có người bạn của bố Đăng tới nhà chơi, thấy Hà chú liền hỏi.
-Cháu anh năm nay học lớp mấy rồi?
Bố Đăng trả lời thay Hà.
-Con bé học xong cấp ba rồi, chuẩn bị ra Vinh học cao đẳng ngoài đấy.
-Cháu học ngành gì vậy anh?
-Cháu nó học ngành nông nghiệp.
-Con gái sao lại đi học nông nghiệp cho khổ, học ngành đấy ra khó xin việc lắm đấy, lại còn học ở Vinh nữa. Ngoài Vinh mấy năm gần đây xảy ra nhiều tệ nạn lắm, anh cho con bé ra đấy một thân một mình lại lo. Theo em, anh cho con bé đi học trung cấp y của tỉnh mình đi, ngành này dễ xin việc, an nhàn, học rồi liên thông dần lên làm bác sĩ cũng được.
-Nó không thi y thì làm sao mà học được.
-Ngành này chỉ xét tuyển học bạ thôi, anh cứ đưa học bạ của cháu đây, em lo liệu cho.
Như bắt được nhịp, bố Đăng nhanh chóng quay sang nói với Hà.
-Hà vào lấy học bạ cho chú Vĩ xem đi con.
Chú Vĩ lật mở hết mấy trang bảng điểm của Hà rồi đưa ra nhận xét.
-Học lực của cháu cao thế này, chắc chắn đỗ rồi. Nhưng phải làm nhanh lên, chỉ còn vài ngày nữa là hết đợt nhận hồ sơ rồi đấy anh.
Chú Vĩ là một bác sĩ, làm việc tại trạm y tế của địa phương, cũng là một người bạn học chung với bố Đăng ngày trước. Bố Đăng rất tin tưởng vào nhân cách của chú Vĩ. Được sự mách bảo như rót mật vào tai, tối hôm đó bố Đăng đã bàn bạc với mẹ Hà và đưa ra một quyết định, đó là cho Hà đi học trung cấp y tại tỉnh nhà. Chỉ vì mong con gái có một nghề nghiệp ổn định, không phải chịu khổ sau này mà vô tình bố mẹ đã đẩy Hà vào một con đường không lối thoát, mở màn cho những sóng gió mà Hà sắp sửa trải qua.
Bố Đăng lo lắng thời gian xét tuyển sắp sửa kết thúc, nếu không nhanh chân thì trường sẽ đủ chỉ tiêu, vậy thì cơ hội cho Hà đi học gần nhà sẽ rất thấp. Bố Đăng chỉ mất nửa buổi chiều là chuẩn bị xong giấy tờ, hồ sơ cho Hà. Sáng sớm hôm sau, bố Đăng qua đón chú Vĩ rồi cùng chạy xe máy vào thành phố nộp hồ sơ luôn. Hai người đi được khoảng ba mươi phút, tới một cánh đồng vắng người thuộc địa phận Thanh Khê đã xảy ra một sự cố bất ngờ. Bố Đăng là người cầm tay lái, xe đang lưu thông trên đường thì từ đâu có một con bò đi lạc bầy chạy ra chắn ngang giữa đường quốc lộ. Bố Đăng trở tay không kịp nên tông thẳng vào con bò, với cú va chạm với một lực mạnh vào chính diện làm con bò chết ngay tại chổ, còn bố Đăng và chú Vĩ thì văng ra bãi cỏ ven đường. Cũng may là cả hai đều đội mũ bảo hiểm chắc chắn nên đầu không bị sao, thêm vào đó cả hai ngã vào bãi cỏ mềm vì vậy chỉ bị xây xước nhẹ một vài chỗ ở tay. Chú Vĩ ngồi đằng sau nên áo quần vẫn lành lặn, còn bố Đăng thì bị tác động mạnh hơn làm rách một mảng áo khoác ngoài. Trong cái rủi cũng có cái may là cả người và xe đều bình an vô sự. Cả hai sợ người ta thấy sẽ bị giữ lại bắt đền con bò nên nhanh chóng dựng lại xe, để lại con bò nằm ở đó rồi tiếp tục lên đường vào thành phố.
Từ bé tới lớn, bố mẹ luôn chiều theo ý Hà, nhưng lần này bố lại muốn cho Hà theo học ngành y bởi vì muốn tốt cho con gái. Ban đầu Hà không có ý định đi học y, nhưng cũng không thể ngăn cản quyết định của bố. Giấy báo nhập học đã nằm sẵn trong tay Hà rồi, mà bây giờ bố mới nộp hồ sơ chắc gì đã kịp, nghĩ thế nên Hà cũng không thèm để ý tới việc bố làm cho mình. Nhưng không hiểu sao từ lúc bố Đăng dắt xe ra khỏi nhà tới giờ Hà luôn có cảm giác bất an trong người, cứ chốc chốc cô lại chạy ra cửa nhìn xem bố đã về hay chưa. Đầu giờ trưa, đang ngồi ở cửa thì nghe tiếng xe máy của bố, Hà vội vàng chạy ra cổng. Sau khi chứng kiến bố Đăng trở về nhà trong tình trạng áo rách tươm, quần dính đầy bùn đất, một vài chổ còn có lẫn máu, Hà chạy lại đỡ xe cho bố, giọng lo lắng hỏi.
-Bố làm sao thế?
-Bố bị ngã xe, chỉ trầy da vài chỗ thôi, không sao đâu con. Hồ sơ nộp xong rồi, cũng may nhờ có chú Vĩ nên gửi thẳng hồ sơ của con được tới tận tay của bên xét tuyển luôn, người ta hứa chắc chắn là con đậu rồi.
Thấy bố quan tâm tới mình như vậy, lại nhìn vào bộ dáng của bố lúc này, Hà bực mình nói.
-Đến lúc nào rồi mà bố còn quan tâm tới mấy việc đó. Sức khỏe bố không lo, lại đi lo cho con, học thì học, không học thì thôi.
Đối diện với những lời trách móc của con gái rượu, bố Đăng chỉ cười xuề xòa rồi đi vào nhà rửa ráy thay quần áo. Không phải tự dưng mà một người chạy xe cẩn thận như bố Đăng bị ngã xe, tất cả mọi chuyện xảy ra đều có nguyên do cả, nhưng mãi sau này khi xâu chuỗi lại tất cả, Hà nhận ra thì đã quá muộn màng.
Sau khi dùng bữa cơm tối xong, Hà trở về phòng mình, cô ngồi bần thần trên chiếc giường. Hà nhớ đến chuyện lúc chiều, nhớ tới hình ảnh và nụ cười của bố, dù bản thân gặp phải nguy hiểm bố vẫn luôn luôn nghĩ cho cô. Trái tim Hà giằng xé giữa việc nghe theo lời bố học y hay là đi theo ước muốn của mình.
Thời tiết đã bắt đầu sang thu, bên cạnh ô cửa sổ đang khép hờ, những cơn gió thổi nhè nhẹ làm tấm rèm khẽ bay bay, có một cô gái vẫn đang ngồi đó, rồi cô nghĩ về tương lai, về những dự định sắp tới. Hà không quan tâm tới thời gian, cô cứ ngồi vậy cho tới khi từ đằng xa xa, trên bầu trời cất lên những tiếng kêu “te te tò hách”. Trong đêm khuya tĩnh mịch những tràng dài não nề của loài chim này, tạo cho người ta mộ cảm giác rợn người đến dựng tóc gáy. Theo quan niệm dân gian ở quê Hà, tiếng kêu của loài chim này thường báo hiệu một điềm gở sắp xảy đến cho người nào nghe thấy. Hà nhanh chóng thoát khỏi suy nghĩ, sợ hãi mà vội vàng đứng dậy chạy ra đóng kín cửa sổ rồi trèo lên giường trùm kín chăn đi ngủ. Tiếng kêu cứ vậy kéo dài cho đến tận ba giờ sáng thì ngừng hẳn, lúc này Hà mới dần dần chìm vào giấc ngủ. Có điều, không hiểu sao Hà lại mơ thấy một giấc mộng kỳ lạ. Trong mơ, Hà thấy ông nội đã mất từ lâu chống gậy trở về tìm cô, ông muốn nói gì đó, nhưng chưa kịp mở miệng lại bị một bóng trắng kéo ông đi. Hà hốt hoảng chạy theo để giữ ông lại, nhưng mà rất nhanh ông đã biến mất. Hà choàng tỉnh dậy, sợ hãi đưa tay sờ lên mặt mình thấy mồ hôi đã thấm đầy từ bao giờ. Hà hít một hơi thật sâu, tự trấn an mình rằng đấy chỉ là một cơn ác mộng vớ vẩn, ông đã mất rồi làm sao có thể về được chứ.
***
Mấy ngày sau, quả thực như lời bố nói, giấy mời nhập học y được đem đến tận nhà Hà. Trong khoảng thời gian đó, Hà cũng đã nghĩ thông suốt, hiểu được sự vất vả của bố, thương bố cô quyết định đi học y theo nguyện vọng của bố nên cũng không có phản ứng gì khi nhận được giấy mời.
Hai tuần trôi qua, đã đến ngày Hà lên đường nhập học. Trường y nằm ở trung tâm thành phố, nơi cách nhà khoảng chừng bốn mươi cây số, vì thế Hà sẽ phải thuê phòng trọ để ở lại học tập. Mọi con đường bước ra thế giới ngoài kia đã được bố Đăng và chú Vĩ lo liệu sẵn, Hà chỉ việc sắp xếp quần áo rồi ngồi sau xe của bố.
Lúc tới trường làm thủ tục nhập học, Hà gặp được nhóm bạn cùng trường cấp ba, nhưng khác lớp, họ cũng có sự quen biết sơ sơ nên lại chào hỏi nhau. Sau khi nói chuyện một lúc, cô bạn thấp nhất hội tên là Hải đứng ra hỏi Hà.
-Hà thuê được phòng trọ chưa? Tụi mình đang định đi tìm phòng đây, có muốn đi chung không?
-Hà chưa, lát nữa mấy bạn đợi Hà đi chung với nhé.
-Ừm, Hà cho Hải xin số đi, chút nữa xong việc Hải gọi, chúng ta tập trung ở cổng rồi đi cùng luôn.
-Đây là số Hà 0167***514
-Hà dùng số điện thoại sao lại có số 4 ở đuôi, người ta bảo số 4 là số tử đấy, số 4 xui xẻo lắm ít ai người ta dùng à.
Hải lưu số xong hồn nhiên mà nói với Hà ý nghĩ về số đuôi điện thoại, Hà cười méo mặt chứ không biết nói lại làm sao với cô bạn. Lúc mua sim điện thoại Hà cũng chỉ lấy bừa một số vậy thôi, đâu có để ý nhiều tới mấy quan niệm phong thủy vậy đâu. Sim này Hà mới chỉ mua được mấy ngày, để bỏ vào cái điện thoại Nokia 1280 mà anh trai cho. Thật tình cờ lại đúng như lời Hải nói, ý nghĩa của con số chết chóc này sắp sửa vận lên người Hà.
The comment box
Theo dõi
Đăng nhập
0 Góp ý