Hoàng cầm tờ giấy trong tay rồi nhìn vào giấy xổ, kết quả làm Hoàng hết sức thất vọng. Bực bội anh vò nát tờ giấy ghi số, vò luôn cả tờ giấy xổ, buộc miệng chửi thề:
— Mẹ nó, tao nuôi con này cũng 10 hôm rồi đéo ra.
Toàn đưa chén rượu lên cụng vào ly của Hoàng để trên chiếu, rượu cũng văng cả ra ngoài. Ra vẻ an ủi:
— Uống đi ông, đen bạc đỏ tình, biết đâu tối nay về lại được vài nháy…
Cả ba bốn người nhậu chung thi nhau cười hả hê. Hoàng vẫn bực vì con đề anh nuôi mãi không chịu ra, ngốn đi của anh bao nhiêu là tiền. Tuy bực nhưng anh vẫn nâng chén uống cạn, đời dân phụ hồ mà. Rời khỏi công trường không về với vợ con thì kéo nhau lên bàn nhậu. Nhậu sương sương cho quên cái sự đời khốn khổ rồi về, chứ mai lại đi làm thì không dám nhậu nhiều. Chiếc xe cũ kỹ luồng lách vào con hẻm, vừa nhỏ lại vừa tối. Đi gần cuối đường thì Hoàng cũng về được đến nhà, nhà ở đây ai cũng giống nhau, nhà thấp lè tè lại còn cũ kỹ. May có căn nhà tồi tàn bố mẹ để lại cho chứ không thì mỗi tháng lại tốn tiền đi thuê nhà.
Cạch…
Cái cổng sắt cũ kỹ cũng được mở ra, Hoàng dắt xe vào chái hiên nhỏ rồi đóng cửa đi vào. Trên bàn nhỏ đang đậy một cái lồng bàn, Hoàng đưa tay mở lên. Trong đó ngoài cơm ra thì có thêm đậu phụ, rau luộc và ít trứng chiên. Khẽ thở dài Hoàng đậy nắp lại định bụng vào tắm rửa rồi ngủ luôn, ngày nào cũng chừng đó món ngán tận cổ. Nghe tiếng động Nga từ trong phòng đi ra hỏi han:
— Anh về rồi ạ? Anh ăn cơm đi.
— Thôi tôi không ăn đâu, ngán bỏ mẹ.
Nga cũng không mấy buồn, vì câu nói này cô nghe cũng khá nhiều rồi. Chuẩn bị đóng tiền học cho con anh ạ, tiền điện nữa.
Nhắc đến tiền là Hoàng cáu lên, mặt nhăn nhó rồi bỏ xuống dưới nhà:
— Biết rồi, tiền tiền…
Hoàng đi xuống nhà rồi Nga lúc này mới ngồi vào bàn ăn cơm. Lúc nãy cô cũng đã ăn một ít với hai đứa con, nhưng cô cũng muốn ăn chung với Hoàng. Có hôm Hoàng ăn, có hôm thì không cũng như hôm nay. Hoàng xưa nay rất lành tính, từ hôm cô biết chồng mình chơi đề thì anh đã thay đổi nhiều lắm. Sinh một lúc hai đứa sinh đôi nên cuộc sống vợ chồng vất vả hơn. May con cũng đã đến tuổi đi học nên cô mới có thời gian đi rửa chén phụ, đi nhặt ve chai cho có đồng ra đồng vào phụ chồng.
Hoàng tắm xong lên thấy vợ lặng lẽ ăn cơm một mình anh cũng xót xa lắm. Trách bản thân là đàn ông mà không lo được cho vợ con đầy đủ, anh lại khẽ thở dài rồi trèo lên gác ngủ. Nằm thế thôi chứ anh không ngủ được, trong đầu chỉ mơ về những con số đổi đời.
[…]
Mấy hôm sau, trong lúc đang làm, Toàn mới đi lại chỗ Hoàng nói nhỏ:
— Này, thằng Ninh lại vừa trúng đề đó ông ạ. Thằng này đỏ ghê, dạo này trúng liên tục. Mà nó không đánh lớn, mỗi lần chỉ đánh 50k, cứ vài hôm mới đánh.
Hoàng tay vẫn đều đều trát vữa, miệng ngao ngán trả lời cho qua chuyện:
— Vậy à?
— Mà tôi nghe nói nhé, nó chơi cầu cơ đó ông. Chơi cái đấy được ma quỷ trợ cho, đánh quả nào trúng quả đấy.
— Cầu cơ là gì hả ông?
— Nghe tụi kia nói là lấy cái ván hòm người chết, sau đó đo vào ô Tử bằng thước lỗ ban, khắc chữ lên đấy rồi sao đó nữa tôi không rõ. Dính đến ma quỷ tôi sợ vãi ông ạ.
Hoàng khẽ bật cười:
— Ông là kênh thời sự của công trường này mà sợ à?
— Sợ chứ, dính đến ma quỷ thì thôi cứ né cho lành. Phải tiên phải bụt thì tôi cứ bám vào, họ đuổi cũng không đi.
Cả hai cùng cười khoái chí, cánh phụ hồ thì cứ tám chuyện linh tinh tìm niềm vui thôi.
[…]
Mấy hôm sau con đề Hoàng nuôi lâu nay cũng ra thật, nhưng Hoàng lại không thấy vui. Bởi lẽ, cái số trúng lại không bằng số đầu tư, coi như lấy lại được chút vốn thôi. Đang đứng đợi chủ đề đưa tiền thì thấy thằng Ninh đi đến, nó lúc xưa cũng đi xách vữa trộn hồ như anh thôi. Nhưng nay thì nó nghĩ hẳn, thấy nó đến lấy tiền thì chủ đề có vẻ khó chịu. Bà ấy vừa lấy cọc tiền 100k xanh mướt ra đếm đưa cho nó:
— Hứ, mày lần sau đừng đánh đề chỗ tao nữa. Lần nào đánh cũng trúng, 10 thằng như mày thì tao có mà ăn cứt à.
Thằng Ninh cười xởi lởi, đưa cả hàm răng vừa sưa lại vừa vàng, đã thế nó lại không được đẹp trai:
— Bà cứ nhăn thế sao đẹp được.
Bà chủ đề dằn tiền về phía nó:
— Đây, tiền của mày đây.
Thằng Ninh nó cầm tiền rồi đưa cái tay bẩn bẩn quẹt chút nước bọt rồi đếm. Đếm xong nó rút ra 3 tờ 100k đưa lại cho bà chủ đề:
— Tán lộc cho bà.
Tất nhiên, không ngần ngại bà chủ đề cầm ngay. Mỗi lần nó đến lấy tiền thắng nó cũng đều cho bà tiền, nên có gắt với nó thì bà cũng ghi số cho nó. Bà biết tính nó rồi, nên khi nào nó đến ghi thì bà ghi thôi, chứ giờ nó lại nghĩ mấy hôm.
Thấy Hoàng, nó cũng xởi lởi chào hỏi:
— Mới đi làm về hả anh?
— Ừ, anh mới về. Chú mày dạo này làm ăn khấm khá thế?
Nó lại đưa cái hàm răng ai nhìn cũng khó chịu ra cười:
— Có liều mới có tiền anh ạ?
— Hôm nào mày chỉ cho anh bí kíp đi, cái nghề này nó khổ quá.
— Vâng, ai chứ anh thì em lại nhiệt tình. Hôm nào có dịp em chỉ cho, giờ em phải vào chợ mua đồ kẻo trễ.
— Ừ, chú mày đi đi.
Thằng Ninh lại rồ ga phóng tít. Anh với thằng Ninh xưa làm cùng chỗ cũng hay nói chuyện, anh cũng hay giúp đỡ nó. Đợt nó uống say tông vào cột điện gãy mất hai cái răng cửa, nên hàm răng nó đã xấu lại còn trống. May lúc đó anh đưa nó đi viện, rồi cho nó mượn tiền thuốc thang. Nhà nó cũng nghèo, mẹ nó cũng già, nó cũng thuộc loại không có ba đâu, nhưng nó lại thương mẹ nó lắm.
[…]
Bẫng đi một thời gian anh không quan tâm đến thằng Ninh nữa. Không phải không quan tâm mà vì nghe Toàn nói chơi với ma quỷ thì né, nên anh cũng né thôi.
Cuộc đời mà, có lúc xui rủi nó ập đến bất ngờ lắm. Đang làm việc trên dàn cao thì bỗng nhiên dàn sập, anh cũng như những người khác không có chỗ bám víu cũng đổ theo dàn.
Rầm…
m thanh khá lớn, bụi bay tung toé, anh thấy mình nằm đó. Lỗ tai ù đi, những tiếng la hét bỗng nhiên trở thành một thứ âm thanh rất hỗn độn. Chỉ vài giây anh đã ngất đi không biết gì.
Lúc này các anh em công trường xúm nhau lại, người gọi cứu thương, người lại dỡ cột tìm cứu người bị thương. Chỉ có ông thầu là chạy trốn mất tăm, không tung tích. Nhưng cứu được ai thì cứu thôi, chứ đất đá sắt thép ngổn ngang làm sao cứu hết cho được. Rất may là anh còn sống và được đưa đi viện.
Khi anh tỉnh, đôi mắt nặng trĩu, toàn thân anh ê ẩm đau nhức. Anh không còn cảm giác được sự cử động của chân trái nữa, lồng ngực cũng đau nhức, đau đến nín thở. Nhưng qua đôi mắt mệt mỏi ấy anh thấy vợ mình đang đưa đôi mắt buồn nhìn về phía mình. Thấy chồng tỉnh, Nga mừng đến phát khóc:
— Anh ơi, anh tỉnh rồi anh ơi…
Hoàng cảm nhận được Nga khóc, nhưng vẫn cố kìm nén những giọt nước mắt đó lại. Anh thều thào:
— Đau quá… anh đau quá Nga ơi…
Nga đưa vội tay lên quẹt nước mắt, rồi chạy nhanh ra ngoài tìm bác sĩ:
— Bác sĩ…bác sĩ ơi… chồng em tỉnh lại rồi.
Giờ Hoàng mới cảm thấy hết được những cơn đau trên cùng cơ thể đổ về. Bác sĩ cùng y tá nhanh chân lại chỗ anh, bác sĩ lấy đèn pin rọi vào xem dồng tử của anh. Anh vẫn thều thào rên rỉ:
— Đau quá… đau chết mất…
Bác sĩ không nói gì, kiểm tra cho anh xong thì y tá tiêm cho anh mũi thuốc giảm đau và thêm một mũi thuốc an thần. Lúc này Nga mới đi lại nắm lấy tay chồng:
— Em đây, không sao nữa rồi anh, qua rồi anh.
Vì có thuốc giảm đau nên Hoàng thấy cơn đau như xé da xé thịt của anh cũng dịu hẳn:
— Bác sĩ nói anh bị làm sao?
— Không sao anh ạ, chỉ xây xước nhẹ thôi.
— Ừ, vậy cũng đỡ. Con đâu mà em vào đây,mẹ vào từ trưa em gởi con cho mẹ rồi. Anh đến giờ mới tỉnh.
Hoàng khẽ thở dài:
— Mấy anh em kia có sao không? Nghĩ lại mà kinh hồn bạt vía.
— Em không rõ anh ạ.
— Anh ngủ lát, anh buồn ngủ quá.
— Anh ngủ đi, đau ở đâu thì nói em nhé.
— Ừ.
Nói rồi Hoàng lại chìm vào giấc ngủ. Nga cũng đâu giám nói bệnh của Hoàng nặng, dập lá lách và dập nát mất một chân trái đâu. Cũng đâu dám nói anh Toàn, bạn thân làm cùng chỗ công trường với anh lâu nay đã mất. Cũng đâu giám nói số tiền chạy vạy để phẫu thuật cho anh ở đâu ra đây. Nhiều chuyện lắm nhưng Nga đâu dám nói, nói ra sợ anh sốc, Nga lại mất chồng mà con cô lại mất bố. Cô chỉ biết gồng gánh mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau này.
[…]
Sau hai lần phẫu thuật, thì lục phũ ngũ tạng của Hoàng đã yên ổn. Chân cũng phải bị cắt bỏ, biết được sự thật ấy anh lại buồn miên man. Bởi trong nhà anh chính là trụ cột, là lao động chính, giờ anh thế này lại thành gánh nặng cho vợ anh nữa. Giờ Nga có nói gì hay chăm sóc anh kiểu gì anh cũng hất ra.
Nga mấy nay ở viện chăm sóc cho anh, vì ai cũng bận đâu ai thay thế cho cô được. Cô tranh thủ mua cháo nóng về đút cho anh ăn lấy lại sức:
— Anh ăn chút cháo cho khoẻ anh, còn nóng đấy.
— Tôi không ăn, cô đi mà ăn.
— Anh ăn chút đi anh, em năn nỉ đấy, anh khoẻ thì mẹ con em mới mừng.
— Khoẻ làm gì, giờ tôi đã mất chân, thành một thằng tàn phế. Không làm gì được nữa rồi.
— Anh thương mẹ con em, anh đừng nghĩ thế. Còn sống là còn làm được nhiều việc mà anh.
— Sống mà không đi lại được như này thì tôi thà chết còn hơn.
Hoàng đưa tay hất tay tô cháo còn nóng trên tay Nga rơi xuống đất, có ít cháo nóng cũng bắn lên tay cô. Cô đau lòng lắm, cô biết chồng mình đang suy nghĩ gì, chỉ lẳng lặng gạt đi nước mắt rồi dọn dẹp đống cháo kia. Không quan tâm đến vết bỏng trên tay của mình nữa. Nhìn vợ cam chịu như vậy, Hoàng lại càng đau đớn hơn, anh chỉ ước sao lúc đó ông trời không cho anh chết quách đi. Sống như này đúng là của nợ.
The comment box
Theo dõi
Đăng nhập
0 Góp ý