Bạn đang đọc: Bà Tổ Cô

Chap 1

25/12/2023
 

Bà Tổ Cô
Tác giả: Anh Khoa
Chap 1:
Phải đến tận ngày hôm nay, khi đã nằm cuộn tròn trên chiếc giường quen thuộc, tôi mới có thể hoàn hồn lại. Có lẽ đến cuối cuộc đời này, tôi sẽ chẳng thể nào quên được những gì đã xảy ra với tôi trong tháng cô hồn vừa rồi. Bởi vì chúng đã ám ảnh, đã hằn sâu trong trí óc tôi những cảm giác kinh khủng, đằng đẵng suốt những ngày qua…
Chuyện bắt đầu vào đầu tháng bảy âm lịch, cái tháng mà người ta thường kháo nhau là tháng cô hồn, tháng mở cửa địa phủ, để những vong hồn có thể trở về dương gian.
Hôm ấy, như thường lệ, một thằng thanh niên vô công rồi nghề, chỉ biết quanh quẩn ở nhà ăn bám bố mẹ như tôi, lại đi chơi bạt mạng đến tận nửa đêm. Điều ấy vốn chẳng có gì lạ. Có ngày nào mà tôi lại không tụ tập cùng đám thanh niên trong làng, hết phá làng phá xóm, lại bày trò nghịch ngu để mua vui chứ. Nhưng hôm nay, dường như có chút khác lạ…
Tôi rảo bước trên khúc đường làng quen thuộc, nối từ xóm Giữa ra xóm Đê, men theo con sông nhỏ ôm vòng lấy cả ngôi làng. Nếu như là thường ngày, có thêm vài ba thằng bạn đi cùng, chúng tôi sẽ tha hồ chém gió đủ thứ chuyện, chẳng thèm để tâm tới xung quanh. Ấy nhưng hôm nay lại chỉ có một mình tôi, mấy đứa khác đã báo bận ở nhà cúng bái gì đó.
Vừa đi, tôi vừa lầm bầm chửi mấy cái thằng bỏ bạn bỏ bè, chẳng có chút tình nghĩa gì. Có lẽ, chính bản thân tôi cũng biết, miệng tôi chửi thì chửi như thế, chẳng phải vì tôi ghét chúng nó thật, mà là để át đi cảm giác lành lạnh, rờn rợn đang xâm chiếm lấy cơ thể tôi.
Miệng thì chửi, nhưng ánh mắt lại không ngừng đảo qua phía bên trái, ở phía bờ bên kia của dòng sông, chính là cái nghĩa địa của làng, mà người ta hay gọi là Đồng Mả.
Đoạn đường này, vốn là đường tắt, ít nhà, cũng ít người qua lại, nên chẳng có ai kéo đèn điện ra đây cả. Họa chăng, mới có một hai căn lều người ta dựng tạm để ra trông coi vườn cây, có mắc bóng đèn ngoài sân. Thế nhưng, hôm nay lại chẳng một nhà nào sáng đèn cả. Thành ra, nguyên một quãng đường dài, đều chìm trong bóng tối tĩnh lặng, đến cả ánh trăng cũng chẳng có lấy một tia. Mọi thứ đều mờ mờ ảo ảo…
Gió đầu thu lành lạnh, thở qua tán cây bên đường, len lỏi vào lớp da mỏng khiến tôi nổi lên từng đợt da gà da chó. Những cái bóng đen đặc, có lẽ là những tán cây, đang tạo thành vô vàn hình thù quái dị, lâu lâu chúng lại lay động như những bóng ma, kèm theo thứ âm thanh ghê rợn để thách thức chút can đảm cuối cùng của tôi.
Lần đầu tiên trong đời, một thằng ngông cuồng, không sợ trời, không sợ đất như tôi lại cảm thấy mọi thứ đáng sợ như vậy. Phải chăng, là vì câu chuyện mà thằng Kiên khi nãy, đã khiến tôi trở nên nhu nhược hẳn đi.
Thằng Kiên, là bạn từ thuở tấm bé với tôi, nhà nó là thầy cúng, nên có rất điều kì dị mà những thằng bình thường như tôi, chẳng thể nào hiểu được.
Hôm nay cũng vậy, thằng Kiên khoe với chúng tôi về một cuốn sách cũ kĩ, có phần rách nát, và những nét chữ đã nhòe đi theo năm tháng, mà theo lời nói của nó, thì là của ông nội nó để lại. Có vẻ như, cuốn sách là những sự việc mà ông nội nó đã trải qua trong suốt cuộc đời hành nghề thầy cúng. Thằng Kiên nó lật tới một trang sách, đã bị chuột gặm gần nửa, nó vừa chỉ tay lên những con chữ, vừa cố gắng phiên dịch lại cho chúng tôi hiểu, bởi vì chữ ông nó khá là xấu:
_ Đây này, tao phát hiện đoạn này hay… Khi làm thịt gà, bất kể để ăn hay cúng, gà nhà hay gà mua, thì trước khi cắt tiết, nhất định phải cởi dây buộc chân cho chúng. Để sau khi hóa kiếp, chúng còn đi tìm đường đầu thai chuyển kiếp. Nếu không, những hồn ma ấy sẽ quanh quẩn lại nơi bị cắt tiết, mà chẳng thể siêu sinh…
Lời thằng Kiên vừa dứt, tôi đã nói ngay:
_ Làm gì có chuyện ấy. Nhà tao thịt bao nhiêu con gà, có bao giờ chú ý tới cái này đâu. Chẳng sao cả…
Nghe tôi nói vậy, cũng có thằng khác tỏ vẻ đồng quan điểm. Thế nhưng thằng Kiên lại cười khẩy mà nói:
_ Chúng mày không tin chứ gì. Vậy thì tao bày cho cách cho chúng mày phải tin.
Chẳng chờ chúng tôi hỏi, nó đã nói ngay:
_ Trước hết, tao hỏi chúng mày, cơm tối, để qua đêm đến hôm sau có việc gì không? Có bị thiu không?
_ Việc gì là việc gì? Nhà tao sáng vẫn ăn cơm nguội để từ hôm trước. – Một thằng nhanh miệng đáp.
_ Đúng thế. Nếu là bình thường, cơm qua đêm sẽ chẳng có việc gì đâu. Thế nhưng, nếu chúng mày để một bát cơm mới, vào chỗ cắt tiết con gà ấy, chỉ cần một đêm thôi, chúng mày sẽ thấy nó ra sao…
_ Làm sao là làm sao? Mày nói rõ ra xem nào?
Thằng Kiên mỉm cười đầy bí ẩn, nó vừa lắc đầu vừa nói:
_ Chúng mày tự mà kiểm chứng đi, sẽ thấy những cái hay ho lắm đấy…
Mấy thằng tôi nhìn nhau, đều chau mày, không biết là có chuyện gì. Nhưng tôi vẫn cứng miệng mà nói:
_ Được thôi. Tao sẽ thử xem sao. Rồi tao sẽ nói lại cho chúng mày nghe.
Mấy đứa bạn tôi đều gật gù đồng ý, rồi thằng Kiên lại nói tiếp:
_ Cái đấy nó không có gì là nguy hiểm, nên tao mới để chúng mày làm. Nhưng nghe tao dặn đây này. Tháng này là tháng cô hồn, chắc chúng mày cũng biết, mà đêm nay là đêm mùng hai rồi, cửa Quỷ Môn cũng đã mở. Tốt nhất trong tháng này, chúng mày nên ở nhà, đừng đi chơi khuya. Có đi đâu cũng đi về sớm đi, kẻo gặp phải những thứ không nên gặp…
Cả đám nghe vậy thì nhìn nhau, trong lòng mỗi thằng đều cảm thấy lành lạnh.
_ Thứ không nên gặp là thứ gì?
_ Mày thừa hiểu rồi, lại còn hỏi? – Thằng Kiên không đáp mà hỏi ngược lại như vậy, khiến chính tôi cũng thấy bối rối. Thế nhưng, tôi vẫn ngang ngạnh mà đáp:
_ Tao hơn hai mươi tuổi đầu rồi, chưa gặp ma quỷ bao giờ cả. Mày đừng có hù tao.
Thằng Kiên nghe vậy thì cũng nhún vai:
_ Mày không tin, thì tao cũng không có cách nào làm mày tin. Nhưng tốt nhất, có thờ có thiêng, có kiêng có lành…
Ngưng một lát, thằng Kiên lại lật cuốn sách ngược trở lại vài trang, chỉ lên đó mà nói tiếp:
_ Trong này, ông tao có kể về một lần trục vong ma đói, hình như cũng là vào tháng cô hồn này…
Cả đám tôi nhao nhao lại, bắt nó đọc cho nghe. Thằng Kiên hít sâu một hơi, mắt nó nheo lại, nhìn chăm chú theo từng con chữ dò trên đầu ngón tay, thấp giọng đọc.
Hôm nay, nhằm ngày mười tư tháng bảy, bài khấn Thập Loại Chúng Sinh vừa xong, trời đã nhập nhoạng tối, gạo muối cũng đã rải ra ngõ, thì bố con nhà thằng Chiêm hớt hải chạy tới. Nhìn thấy nét mặt tái mét đi, cùng hơi thở gấp gáp, tôi đã dự cảm được điều không lành, nhưng vẫn lên tiếng hỏi:
_ Có chuyện gì vậy cậu Chiêm?
_ Thầy Phùng… Thầy mau tới… Xem… Xem xem u cháu… U cháu bị làm sao… Rồi…
_ Bị làm sao? Cậu bình tĩnh kể lại tôi nghe xem nào?
Thằng Chiêm lúc này mới hít vội vài hơi thật sâu để bình tĩnh lại rồi nói:
_ Cháu không rõ nữa. Mẹ cháu đi chợ chiều về, thì cả người tái mét cả đi, cứ nằm vật ra sân mà lăn lộn, không chịu vào trong nhà. Mà liên tục than đói… Bố cháu bảo vào tìm thầy… Nhờ thầy qua xem giúp mẹ cháu với, cháu sợ, bà ấy bị vong nhập…
Nghe thằng Chiêm nói qua, dường như tôi đã biết chuyện gì xảy ra, liền bảo hai bố con nó về trước, còn bản thân thì trở vào nhà, mang theo cái túi đồ nghề đi sau.
Vừa tới nhà thằng Chiêm, người ta đã xúm đầy ngoài sân. Có người tò mò xem, có người thì cố gắng đỡ bà Lành ngồi dậy. Nhìn người đàn bà đầu tóc rối mù, mặt mũi lấm lem đất cát, lại bết cả nước miếng đỏ quạnh do nhai giầu, tôi vội vàng ngồi xuống trước mặt bà ta, dùng hai tay vạch mí mắt ra xem. Lúc này, hai lòng đen của bà Lành đang trợn ngược, đến nỗi gần như là không thấy đâu nữa, cả con mắt chỉ còn là màu trắng xanh, với những tia máu vằn đỏ. Miệng bà ta há to, liên tục kêu gào, còn muốn cắn lấy những người đang gắng sức ghì mạnh bà ta xuống. Hàng xóm không ai nói gì, họ đều nhìn tôi bằng ánh mắt cầu xin giúp đỡ, có lẽ họ đã phí rất nhiều sức lực mới giữ được bà Lành ngồi yên dưới đất, thế nhưng cái đầu vẫn lắc qua lắc lại.
Tôi dùng ngón tay cái, ấn mạnh vào giữa trán bà Lành, để khống chế bà ta lại, mà quát lớn:
_ Cô hồn vất vưởng nơi nào, lại dám tới đây càn quấy?
Lúc này, bà Lành mới có phần trấn tĩnh lại, dời ánh mắt sắc lạnh về phía tôi, miệng thều thào:
_ Đói… Tao đói… Đói…
_ Hừ… Mày đói thì tới chỗ nhà người ta công quả mà xin, cớ sao lại dám ốp vào người ta?
Bà Lành lại liên tục lắc đầu, miệng chỉ gào lên kêu đói. Lúc này, ông Lành mới nhìn tôi mà hỏi:
_ Bây giờ phải làm sao đây thầy?
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi:
_ Nhà ông mọi năm có cúng chúng sinh hay không?
_ Có. Năm nào cũng cúng kiếng đầy đủ mà…
_ Ông cúng vào ngày nào?
_ À thì… Thường là ngày mười, nhà tôi đã cúng rồi. Nhưng năm nay, định để tới mười rằm mới cúng…
Thì ra là vậy… Tôi đáp lời:
_ Vậy thì đúng rồi. Bây giờ, ông hãy đi sắp lấy mâm lễ cúng đi. Bà nhà để tôi lo. Có gì tôi sẽ nói sau.
Ông Lành vâng dạ rồi cùng con trai bước vội đi. Tôi nhìn về phía bà Lành, rồi lấy trong túi ra một hũ mực đỏ, chấm ngón tay vào, bắt một cái quyết rồi điểm vào trán bà ta một cái.
Lập tức, bà Lành xụi lơ, cả người mềm oặt xuống. Lúc này, mấy người hàng xóm mới thở phào một hơi, tỏ rõ sự mệt mỏi. Tôi mới nói:
_ Phiền các cô chú, đỡ bà Lành dậy.
Rồi quay sang nói vợ thằng Chiêm, đem cái chiếu trải ra hè, để bà Lành nằm xuống đó. Xong xuôi, tôi mới bảo mọi người đi về bớt, kẻo đông người lại không hay lắm. Nhiều người thì tai tiếng nhiều.
Hàng xóm nghe vậy, cũng lục tục về bớt, chỉ còn đám trẻ con là thập thò ngoài hàng râm bụt mà hóng hớt.
Cả nhà ông Lành chạy đôn chạy đáo mất cả tiếng đồng hồ mới sắp xong hai mâm lễ, tạm xem như đầy đủ. Một bày trong nhà, một để ngoài sân. Nhưng lần này, tôi bảo nhà ông ấy chuẩn bị thêm một phần mặn, để riêng ra cái mâm nhỏ. Quay lại nhìn bà Lành vẫn còn nằm yên, mặt mày tái nhợt, hai mắt nhắm nghiền thì tôi yên tâm hẳn. Lúc này mới bắt đầu thay chủ nhà, đi vào làm lễ cúng chúng sinh.
Tôi cúng xong gia tiên nhà ông Lành, vừa bước ra cửa, thắp bó hương đi về phía bàn lễ chúng sinh thì bất chợt bà Lành vùng dậy, miệng há to khiến cô con dâu sợ hãi hét toáng lên. Bà Lành chẳng thèm để ý đến xung quanh, chực nhảy bổ tới mâm lễ, như con thú bị bỏ đói lâu ngày vậy. Cũng may, là tôi còn chú ý tới bà ta, liền vung tay, đem cả bó hương đang cháy đỏ, đập thẳng vào hai cánh tay đang chực phá mâm lễ đó. Khiến bà Lành rú lên ầm ĩ. Tôi bực mình, quát lớn:
_ Gia có gia quy, nhà có phép tắc. Mày còn hỗn láo, đừng có trách tao mạnh tay.
Bà Lành quằn quại dưới đất, mắt nhìn tôi long lên sòng sọc, thế nhưng không dám phản kháng lại. Thấy nó cũng biết điều, tôi chỉ tay vào cái chiếu trải dưới đất mà nói:
_ Mày quỳ ra đây, khôn hồn thì tao cho ăn. Còn muốn phá, thì tao bắt đem về nhốt.
Bà Lành lồm cồm bò dậy, bằng cái dáng kì quái mà lết tới phần chiếu tôi chỉ mà quỳ xuống, mặt cúi gằm, nhưng hai mắt vẫn hau háu nhìn vào mâm lễ.
Xem ra cái vong đó cũng chưa tới nỗi nào, tôi liền mặc kệ nó, tiếp tục công việc khấn vái dở dang.
Phải niệm tới hai bài kinh, đến quá nửa nén hương, mới xong, lúc này thấy bà Lành dường như đã gần hết kiên nhẫn, chỉ muốn lao thẳng vào hưởng lễ, tôi mới nói ông Lành bưng mâm lễ sắp riêng ra để trước mặt bà ta. Còn con dâu thì đem gạo bánh và muối đem rải ra sân, ra cổng.
Chẳng chờ tôi kịp nói, bà Lành đã vớ lấy đĩa xôi, và cái đùi gà mà ăn lấy ăn để. Tiếng nhồm nhoàm vang khắp cả một góc sân. Tôi thấy vậy thì thở dài. Chỉ có ông Lành là nhìn tôi với vẻ mặt ái ngại mà hỏi:
_ Thưa thầy, không biết nhà tôi thế này là thế nào ạ? Có phải là bị vong ma đói làm đúng không ạ?
Tôi gật đầu mà đáp:
_ Không sai. Đây có lẽ là cái vong mọi năm thường đến đây hưởng lộc chúng sinh. Nhưng năm nay, nhà ông sắp muộn, nên nó mới phá phách như vậy.
Ông Lành cau mày, dường như chưa hiểu lắm, tôi mới nói tiếp:
_ Người âm có điều khác với người dương, nhất là những cô hồn vất vưởng, không được hương khói đầy đủ như này. Họ thiếu thốn, đói khát nên mong được về cõi dương để hưởng chút lộc. Nhà ai có cúng chúng sinh, thì nó sẽ nhớ, cứ mỗi năm, đúng ngày đó sẽ đến chờ được hưởng lộc. Giống như ngày giỗ vậy. Thế nên, một khi đã cúng, thì phải theo cho tới. Năm nào cũng phải cúng, mà phải đúng ngày. Chứ những vong này ích kỉ lắm. Không thấy có, chúng tưởng mình quên, mà đòi hỏi như vậy…
Ông Lành “à” lên một tiếng, như hiểu ra.
Chờ đến khi hương tàn, bà Lành có vẻ đã thỏa mãn, liền quay sang phía tôi mà vái một vái thật sâu, rồi ngã lăn ra đất.
_ Nó đi rồi…
Tôi chỉ trấn an ông Lành như vậy, rồi tiến tới bấm huyệt nhân trung cho bà Lành, để bà ấy tỉnh lại. Cả người bà cũng đã dần ấm lại, chứ không còn lạnh ngắt như ban nãy nữa.
Vừa tỉnh lại, bà Lành đã nôn thốc nôn tháo phần cơm cháo đã ăn ra, rồi rên hừ hừ. Tôi dặn bố con nhà ông Lành đưa bà vào nhà, rồi nấu cháo hành cho bà ăn, nghỉ ngơi vài ngày sẽ khỏe…
Thằng Kiên kể tới đây thì dừng lại, nó hít sâu một hơi, nhìn vào từng khuôn mặt đang trắng bệch của đám bọn tôi, dường như nó đang đắc ý lắm.
Tôi thì cau mày, không hoàn toàn tin vào câu chuyện được ghi chép lại ấy. Thế nhưng, trong sâu thẳm, nó vẫn nhen nhóm trong lòng tôi một cảm giác sợ hãi vô hình.
_ Mày đưa tao mượn tao đọc lại xem…
Thằng Kiên thấy tôi hỏi, cũng chẳng ngần ngại mà đưa quyển sách qua, còn nó vẫn đang không ngừng ba hoa với mấy đứa bạn về những điều ghê sợ trong tháng cô hồn này.
Tôi vừa lật cuốn sách, vừa nghe nó nói, bất chợt một hàng chữ được viết bằng bút đỏ khiến tôi chú ý. Lời nói định thốt ra đến nửa miệng, thì bị nuốt trở lại. Tôi sẽ thử, để xem, thế giới này thực sự có ma quỷ, như lời thằng bạn đang ba hoa chém gió thành bão kia không…
Ấy, là suy nghĩ nhất thời vào lúc đó. Còn bây giờ, câu chuyện và những lời hù dọa của thằng Kiên đang thực sự làm tôi thấy ớn lạnh. Mặc dù đã cố gắng gạt bỏ những lời nói ra khỏi đầu, thế nhưng, hình ảnh về bà cụ Lành hai mắt trợn ngược lại không ngừng tuôn ra trước mặt. Hai bên tai vẫn văng vẳng cái giọng trầm trầm của thằng Kiên, lúc nó ghé sát vào tai tôi mà thì thầm:
_ Cái con đường bà Lành đi chợ về, chính là con đường chút nữa mày đi về đấy… Hôm nay, mày còn đi một mình nữa… Hahaha… Nhớ, đừng nhìn về phía sau nhé. Kẻo mày sẽ thấy có ai đó, đang lặng lẽ bám theo mày đấy…
Thằng bạn khốn nạn! Tôi thì thầm chửi rủa nó. Phải chăng nó biết tôi hay to mồm, nói cứng nên càng muốn hù dọa tôi? Thế nhưng mà, dường như, phía đằng sau lưng tôi quả thực đang thấy rờn rợn, như có kẻ đang nhìn chằm chặp vào tôi vậy.
Trái tim nhỏ bé cứ run lên từng nhịp. Tôi thật sự rất muốn quay phắt lại, để nhìn xem phía sau kia có kẻ nào, hay là có thứ gì không. Vậy nhưng tôi không dám…
Bởi một khi quay lại, trước mặt tôi là một hình thù quái dị nào đó thật, thì tôi sẽ làm gì? La hét? Bỏ chay? Hay là ngất luôn tại chỗ?…
Đảo mắt nhìn về con đường dài phía trước, vẫn còn chìm trong bóng tối, phải thật xa nữa, mới thấy được ánh đèn đường hiu hắt, tôi chợt cảm thấy sao nó lại dài đến như vậy chứ?
“Xoạt… Xoạt…”
Đâu đó trong bụi cỏ ven đường, vang lên những thứ âm thanh rất khẽ. Nhưng đặt giữa màn đêm tĩnh mịch này, nó lại như một nhát dao xoáy mạnh vào tim tôi, khiến tôi giật mình mà quay phắt lại. Trước mắt chỉ có những cái bóng đen đen, lắc lư nhè nhẹ, nhè nhẹ. Lúc này, nước mắt tôi như trào ra, hai chân mềm nhũn lại. Tôi nhắm chặt hai mắt lại, mà lao đi. Hai bên tai ù ù, giống như có tiếng ai thở than, hay là đang cười nhè nhẹ tựa gió thoảng…
Tôi về đến nhà, vẫn còn nghe trái tim của mình gõ thình thịch vào lồng ngực. Xung quanh mọi người đã đóng cửa đi ngủ từ lâu, nhà tôi có lẽ cũng vậy. Cánh cổng sắt hoen gỉ đã khép hờ như mọi khi. Lúc này, tảng đá trong lòng tôi như được buông xuống. Tôi thở phào một hơi nhẹ nhõm. Nhớ về những điều vừa trải qua, nó tuy làm tôi sợ, nhưng lại đầy cảm giác thú vị.
_ Đúng là thần hồn nát thần tính. Làm quái gì có ma chứ? Lớn bằng này rồi, mà vẫn còn để thằng Kiên nó chơi cho một vố. Quá đau!
Tôi vừa tự giễu, vừa mở cánh cổng mà đi vào, cố gắng khép nó thật nhẹ, để không làm mọi người giật mình thức giấc.
_ Mày đi đâu? Mà giờ này mới về…
Tôi giật thót tim, vì cái giọng nói thì thào ngay phía sau lưng mình. Hoảng hồn, tôi quay ngoắt lại, một khuôn mặt nhăn nheo, ẩn hiện trong ánh đèn mờ từ trong nhà hắt ra, đang hướng ánh mắt già nua nhìn tôi.
_ Kìa, nội! Nội làm con hết cả hồn… Mà sao nội chưa ngủ vậy ạ?
_ Mẹ bố nhà anh… Làm gì mà cứ như ăn trộm bị bắt quả tang vậy?
Tôi cười xuề xòa, đỡ bà nội đi vào gian nhà trong. Nhà tôi không lớn, nhưng có chia ra nhà chính để thờ tự và hai bên chái để ngủ. Phòng nội gần phòng tôi, cùng chung một chái. Đỡ nội về đến phòng, sau khi bà đã yên vị trên chiếc giường đơn có phần ọp ẹp vì thời gian, tôi mới yên tâm trở về phòng mình. Thế nhưng, tôi chưa bước qua khỏi ngưỡng cửa, nội đã lên tiếng gọi với ra:
_ Thương này… Mọi hôm, mày có đi đâu, bà cũng không có nói. Nhưng mà tháng này, chớ có đi đêm về hôm, xúi quẩy lắm…
Tôi nghe bà nói thì hơi khựng lại, quay sang nhìn bà mà cười nói:
_ Sao lại xúi quẩy hả bà? Cháu vẫn thấy bình thường mà?
_ Mẹ bố nhà anh… Các cụ bảo, đi đêm lắm, có ngày gặp mà, là chẳng có sai đâu. Mày cứ nghe lời bà thì không có sao.
Tôi quay hẳn người lại, mà hỏi tiếp:
_ Bà nói thế, là có ma thật hả bà? Sao mà cháu không biết nhỉ?
Lúc này bà đã nằm xuống giường, vừa phe phẩy cái quạt mo cau, vừa nói:
_ Báu bở lắm ấy mà ham… Người ta tránh con chẳng được, mày còn đòi gặp…
Trong lời nói của bà, tôi dường như cảm giác được điều gì đó. Chợt bà lại nói tiếp:
_ Bận này, người ta cúng kiếng đầy đủ, lễ lạt nhiều, người cũng no, mà ma cũng chẳng đói nữa. Nên chẳng mấy khi thấy ma quấy phá nữa. Chứ dạo ngày trước, đến miếng ăn còn chả có, ai hơi đâu mà cúng. Nên ma mãnh nhiều lắm…
_ Thật vậy ạ? Thế bà có gặp chưa, bà kể cháu nghe với…
Trong lòng tôi đầy hào hứng, muốn nghe bà kể chuyện. Thế nhưng ngược lại, bà lại đánh cái quạt mo lên đùi đôm đốp mà nói:
_ Mẹ bố nhà anh… Đêm hôm rồi không ngủ, mà còn hỏi lắm thế. Thôi anh đi về mà ngủ đi.
Tôi thấy bà nói vậy thì tiu nghỉu, đành vâng dạ đi về phòng, định bụng rằng lúc nào dụ khị bà kể cho nghe mới được…
( Mọi người thấy hay thì hãy like và share ủng hộ tác giả nhé ???)

 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...