Buổi tối hôm ấy, nhớ lời ông Hai đã dặn từ trước, cả vợ chồng ông bà Chấn cùng mợ Nhài vẫn dắt theo cả bé An xuống bếp ăn cơm cùng Ba Thành. Bé An đã mấy ngày nay cứ xuống bếp là lại khóc thét lên, nên mợ Nhài đành kiếm cớ để ôm con về lại trên phòng. Ông bà Chấn cũng liền đi theo. Trước khi đi bà Chấn còn hỏi Ba Thành:
“Chắc dưới này tối quá lại bí không khí nên thằng An nó không chịu ở. Hay ta sai bếp mang đồ ăn lên trên nhà cả nhà cùng ăn được không con?”
Ba Thành nghe thấy vậy thì lắc đầu nguầy nguậy tỏ ý không muốn đi, đôi mắt lấm lét nhìn xung quanh. Bé An vẫn khóc mãi không nín, ba ngừoi nhà ông Chấn đành bỏ Ba Thành lại mà rời lên trên nhà. Thấy ba người vừa ra khỏi cửa, Ba Thành vội đứng dậy đóng ngay cánh cửa ra vào lại. Xong xuôi cậu quay vào bàn ngồi, miệng thì thúc dục nhà bếp:
“Nhanh mang đồ ăn cho tôi, tôi đói lắm rồi. Nhớ mang nhiều lên.”
Ông Tuất được dặn từ trước, bưng một tô canh nóng ra trước. Ông hấp tấp vội vàng rồi trượt chân làm đổ cả tô canh lên trên mặt bàn. Nước từ tô canh tràn ra thấm ướt đẫm cả tấm khăn trải bàn màu trắng tinh. Ông Tuất vội xin lỗi cậu Ba Thành liên tục, rồi nhanh tay định kéo tấm khăn trải bàn lên mà mang đi. Ba Thành nhanh tay ngăn lại:
“Đừng… đừng đụng vào đó. Để yên đó cho tôi.”
Nhưng ông Tuất đã nhanh tay hơn một bước, ông túm một góc của tấm khăn mà kéo giật về phía mình. Nhanh chóng cả tấm khăn trải bàn bằng lụa đã nằm gọn trên tay ông. Lúc này ông mới nói:
“Bẩm cậu tại con sơ ý quá làm bẩm tấm khăn rồi, cậu để con mang đi giặt ngày mai con sẽ trải lại. Để ông bà thấy khăn bẩn ông bà đánh bọn con chết.”
Ba Thành đảo nhanh mắt nhìn lướt qua trên mặt bàn, lại nhìn về phía ông Tuất thăm dò. Thấy ông không có biểu hiện gì lạ cũng tạm thấy yên tâm. Ba Thành khép nép ngồi lại xuống ghế, ông Tuất lau sơ qua bàn ăn rồi rảo bước tiến vào lại trong bếp. Bước đầu xem như đã thành công.
Vào phía trong, ông ghé sát tai ông Hai mà hỏi nhỏ:
“Bây giờ chúng ta phải làm gì tiếp theo?”
Ông Hai nãy giờ vẫn đứng chăm chú theo dõi nhất cử nhất động mọi chuyện ở bên ngoài. Ông hướng mắt về phía những đĩa đầy đồ ăn đã được chuẩn bị xong vẫn còn đang nghi ngút khói rồi bảo:
“Được rồi, trời đánh còn tránh bữa ăn. Ông mang chỗ đồ ăn này ra ngoài bàn đi. Đợi họ ăn xong ta sẽ tính tiếp.”
Ông Tuất khẽ gật đầu nhưng trong lòng lại dấy lên một câu hỏi. Ông Hai vừa bảo là đợi họ ăn xong mới tính tiếp, trong phòng ăn lúc này chỉ còn lại một mình cậu Ba Thành, ông bà Chấn cùng mợ Nhài đã ra ngoài từ ban nãy, họ mà ông Hai đang nói ở đây là ai? Thắc mắc nhưng đã được dặn từ trước nên ông Tuất chỉ dám nghĩ ở trong đầu mà không dám hỏi sợ cậu Ba Thành sinh nghi thì hỏng chuyện.
Ông Hai vẫn tỉ mỉ quan sát mọi chuyện. Từ lúc ông Tuất kéo tấm khăn trải bàn ăn xuống, ông đã xác nhận được những suy đoán trong đầu mình là chính xác. Khoảnh khắc tấm khăn trải bàn được kéo xuống, ông Hai đã thấy ẩn hiện trên mặt bàn ăn bằng gỗ mít được sơn đen bóng mịn, ẩn hiện hình ảnh của ba khuôn mặt người đang vô cùng hoảng hốt. Lúc này khi ông Tuất lần lượt mang đồ ăn ra, dường như cảm nhận được ông Tuất không nhận ra sự có mặt của mình, ba cái bóng người ẩn nấp dưới mặt bàn đã trồi hẳn lên bên trên mặt bàn, để lộ ra thân thể của ba người. Một bà cụ già mặt mũi nhăn nheo, mái tóc bạc trắng như cước, một người phụ nữ trẻ gương mặt hốc hác in hằn vẻ khắc khổ và một đứa trẻ con tầm 5 tuổi. Cả ba người bọn họ đều gầy một cách đáng thương, từng đường gân xanh nổi hằn rõ trên khuôn mặt, trên người họ mặc những manh áo rách vá chằng vá đụp.
Thấy ông Tuất mang đồ ăn tới, cả Ba Thành và ba cái bóng ma kia đều cắm mặt vào ăn ngấu nghiến như thể đã bị bỏ đói từ rất lâu rồi. Ba Thành ban đầu còn dùng đũa, nhưng sau khi ông Tuất đi vào thì bỏ cả đũa xuống mà dùng tay bốc. Cậu cứ thế thồn từng vốc đồ ăn to tướng vào miệng mà nhai ngấu nghiến. Ba cái bóng ma lúc này đã ngồi hẳn lên trên bàn, hai tay liên tục bốc đồ ăn cho vào miệng với vẻ mặt rất thoả mãn. Đứa trẻ sau một hồi thì nằm lăn kềnh ra cả mặt bàn, gối đầu lên đùi của ngừoi đàn bà trẻ, nằm vắt chân hình chữ ngũ đưa tay xoa xoa vào cái bụng lép kẹp in hằn rõ nét tất cả những chiếc sương sườn, vẻ mặt thích thú lắm.
Sau một hồi Ba Thành cùng ba con ma ngồi ăn cơm chung với nhau, thấy đồ ăn trên bàn đã được vét sạch sẽ, ông Hai ra hiệu cho ông Tuất ra dọn hết bát đĩa vào. Lúc này ông mới tự tay mang ra cho Ba Thành một bát nước chanh đường để tráng miệng. Ba Thành không nghi ngờ gì mà ngửa cổ một hơi tu sạch. Khi thứ nước đấy vừa trôi vào đến bụng, Ba Thành thả vội cái bát xuống bàn đưa hai tay túm lấy cổ như muốn nhổ lại thứ nước đó ra ngoài nhưng không thành. Khoảnh khắc cái bát rơi xuống mặt bàn, ba cái bóng ma kia vội vàng biến mất tăm dưới lớp mặt bàn màu đen bóng.
Cậu Ba Thành vẻ mặt đau khổ, muốn đứng dậy bỏ chạy nhưng toàn thân bất động không thể cựa được, cậu ngồi như bị trói chặt chân vào trên chiếc ghế. Đưa mắt nhìn người đàn ông trước mặt, cậu run giọng nói:
“Ông là ai? Sao lại bắt tôi? Mau thả tôi ra.”
Ông Hai lấy từ sau lưng mình ra một cái roi bằng thân cây dâu tằm hẵng còn tươi, đập đập cái roi vào lòng bàn tay, nhìn Ba Thành mà hỏi:
“Các người là ma quỷ ở đâu mà dám tới đây gây loạn? Khai mau nếu không ta sẽ đánh cho hồn bay phách lạc.”
Ba Thành vẫn không ngừng giãy giụa hằng mong có thể thoát ra, nhưng cứ như có một thế lực vô hình nào đó giữ chặt thân mình lại trên ghế. Càng cố giãy giụa lại càng đau đớn. Ba Thành rít lên:
“Ông mau thả tôi ra. Tôi không làm gì sao lại bắt tôi?”
Vút!
Cây roi dâu trên tay ông Hai giáng xuống ngang bắp tay của Ba Thành, cậu ta rú lên đầy đau đớn. Hai mắt òng ọng nước. Lúc này ba cái bóng ma ban nãy lại trồi lên khỏi mặt bàn, vẻ mặt đầy giữ tợn. Chúng nhe hàm răng nhọn hoắt gầm gừ tính lao về phía ông Hai mà tấn công. Nhưng chưa kịp làm gì thì đã bị hất ngã văng lại phía mặt bàn. Cùng lúc đó một tiếng vút nữa lại cất lên, cây roi dâu trên tay ông Hai lại giáng xuống. Lần này không phải Ba Thành là người hứng chịu nữa, mà cái roi dâu vút thẳng xuống mặt bàn. Nhanh như cắt, cái bóng của người phụ nữ trẻ chồm lên lấy thân mình che chở cho bà cụ và đứa trẻ, tấm lưng của cô ta lãnh trọn cái roi dâu. Cũng giống với Ba Thành, cô ta rú lên như vừa bị tấn công rất man rợ vậy.
Ông Hai quắc đôi mắt sáng của mình lên mà nói lớn:
“Các ngươi đừng cố chống cự vô ích. Ban nãy ở dưới đáy chiếc bát kia ta đã dán một lá bùa áp vong ở đó. Càng cố chống cự thì chú pháp trong lá bùa sẽ đánh cho các ngươi đau đớn đến chết đi sống lại. Ta đã nghe qua những chuyện kì lạ xảy ra mấy ngày nay ở phủ bá hộ Chấn, nhưng ta thấy các ngươi chỉ là những con quỷ đói muốn tìm ăn chứ không có ý định hại người nên còn nương tay cho một cơ hội. Nếu không thành khẩn ta sẽ đổi sang một lá bùa khác đánh cho hồn bay phách tán thì thôi.”
Ba Thành lúc này không còn giãy giụa nữa, cậu nhìn ông Hai vẻ mặt van lơn:
“Tôi cắn răng cắn cỏ tôi lạy ông, ông tha cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ đến đây để đòi những thứ thuộc về mình chứ không có ý hại ai cả. Ông muốn biết gì tôi xin khai hết, xin ông đừng đánh mẹ và vợ con tôi.”
Ông Hai thấy Ba Thành có vẻ thành khẩn, hạ cây roi dâu trên tay xuống, khẽ vuốt chòm râu trên cằm rồi nói:
“Tốt, ngươi chịu hợp tác như vậy từ đầu có phải không ai bị đánh rồi không. Nói mau, các ngươi là ai sao lại đến phủ của bá hộ Chấn mà làm loạn.”
“Nhà tôi ở xóm Chùa, là dân đinh thuộc sự quản lý của bá hộ Chấn. Không phải chúng tôi tự vào, là người nhà ông Chấn đã đưa chúng tôi vào nhà.”
Ông Hai trừng mắt quát:
“Nói láo! Ông bà Chấn không hề biết các ngươi là ai sao tự dưng lại tác oai tác quái trong phủ. Ban nãy lúc ta mới bước vào phủ đã thấy có hai con sư tử đá canh cửa, chúng được tạc từ hòn đá thiêng ở chùa nên có linh khí rất mạnh, những hồn ma vất vưởng như các ngươi tuyệt nhiên không thể vào trong nhà được. Nói mau các ngươi đã vào đây bằng cách nào? Dám nói sai nửa lời thì cẩn thận với cái roi trên tay ta đó.”
Ba Thành nhìn ông Hai sợ co rúm người lại, thành khẩn mà trả lời:
“Tôi nói thật mà không dám dối ông nửa lời. Ba năm trước đây hạn hán kéo dài triền miên cây cối hoa màu không có nước đều chết hết, ruộng đồng của chúng tôi bị mất trắng không còn kiếm được gì ăn. Người chết đói nhiều vô kể. Lúc đó chúng tôi có nghe nói triều đình mở kho phát lúa gạo cho dân, lại còn cấp cho xóm Chùa chúng tôi 13 lượng vàng để đào mương trữ nước phòng những lúc hạn hán, cũng có lối mà thoát nước khi trời mưa lũ. Chúng tôi cứ lay lắt mà chờ đợi, nhưng càng chờ càng không thấy đồ cứu tế ở đâu. Lần lượt từng người trong nhà tôi, từ mẹ già, con trẻ đến vợ chồng tôi đều chết vì đói. Chúng tôi chết đói chết khát lại không có ai thờ cúng nên biến thành quỷ đói đi kiếm ăn. Tôi dẫn gia đình mình đến nhà bá hộ Chấn để hỏi thăm về chỗ đồ cứu trợ của triều đình và chỗ tiền để đào mương cho xóm Chùa. Tuy nhiên đúng như ông nói, trước cửa nhà ông bá hộ có hai con sư tử đá canh cửa chúng tôi không vào trong nhà được, mà chỉ quanh quẩn ở trong vườn. Đói quá chúng tôi đã ăn mít ở trên cây và tá túc luôn ở đó. Đến vài tháng trước thì có người đốn cây mít đó xuống, đóng thành bộ bàn ghế này rồi mang chúng tôi vào trong bếp. Vào trong nhà nhưng tôi đâu có dám làm hại gì ai đâu, ông tha cho tôi.”
“Vậy vết thâm tím ở chân của bà Chấn và đứa cháu nội là ai làm?”
“Cái vết thâm trên chân đứa bé là của con tôi nó làm. Ban ngày có người chúng tôi chỉ dám ở yên trong cái bàn không dám đi đâu lung tung cả. Mọi người đặt đồ ăn lên bàn không có ai thì chúng tôi nghĩ là cho chúng tôi thì chúng tôi ăn. Còn con tôi nó muốn ăn cả bát cháo của con cậu Ba Thành nên nó hiện hồn để doạ cho đứa trẻ khóc rồi bỏ lên trên nhà. Nhưng sau đó mợ Nhài lại bế nó lại bàn nên con tôi nó mới cấu cho vài cái để đuổi đi. Còn vết thâm trên chân bà bá hộ Chấn, là của mẹ tôi làm. Chúng tôi được đón vào trong nhà nhưng chỉ được ăn có một bữa đầu tiên, sau đó thì cứ có người ngồi vào đồ ăn mới được mang ra. Chúng tôi sợ không dám ăn. Mẹ và vợ con tôi đói quá nên mới doạ cậu Ba Thành và bà Chấn để mọi người không ăn nữa chứ chúng tôi không có ý làm hại người đâu.”
“Nếu như không muốn làm hại ai, tại sao ngươi lại nhập vào thân xác của cậu Ba Thành? Ngươi có biết âm và dương là hai thế giới tách biệt, người sống và người chết không thể ở cạnh nhau, việc ngươi chết đi rồi mà vẫn nhập vào thân xác của người sống là trái với lẽ tự nhiên hay không?”
“Tôi không cố ý, chỉ tại chúng tôi đói quá. Ban ngày thì không ai cho chúng tôi ăn, tối đến không còn ai trong bếp chúng tôi mới dám mò vào bếp để kiếm gì đó bỏ bụng. Nhưng mà ông trông bếp lại phát hiện ra nên vẫn không ăn được gì. Đói quá tôi mới phải nhập vào cậu Ba Thành để kiếm đồ ăn cho mẹ và vợ con tôi. Tôi cũng chỉ muốn đòi lại những thứ thuộc về chúng tôi, lấy được rồi chúng tôi sẽ đi ngay không ở đây thêm nữa.”
Đúng lúc này cánh cửa bên ngoài được đạp tung ra, ông bà Chấn cùng mấy tên gia nhân từ ngoài ập vào trong phòng. Ông Chấn nãy giờ ở ngoài đã nghe hết mọi chuyện, ông chỉ thẳng ngón tay trỏ vào mặt Ba Thành mà nói:
“Ngươi nói láo. Chỗ gạo và tiền cứu trợ đó đã được chia hết cho những người đáng được hưởng từ 3 năm trước. Các ngươi ở đâu dám đến đây để đặt điều vu khống cho ta?”
Ba Thành lắc đầu nguầy nguậy mà nói:
“Ông nói dối. Xóm Chùa chúng tôi trước nay chưa từng nhận được đồ cứu trợ. Ông có biết trong xóm ngày ấy đã chết tất cả bao nhiêu người không? Cho đến tận bây giờ xóm Chùa vẫn chỉ như là một cái xóm hoang, không có sự sống. Chỗ đồ cứu trợ đó căn bản vẫn đang nằm ở trong phủ của ông.”
Ông Chấn vẫn chỉ tay vào mặt Ba Thành mà tiếp:
“Ngươi… ngươi đừng có nói láo. Chuyện này ta đã giao tận tay cho Ba Thành lo liệu, nó báo mọi chuyện đã xong xuôi luôn từ lúc đó rồi. Tại sao bây giờ ngươi vẫn đến đây để đòi tiền? Ngươi mau thoát ra khỏi thân xác của Ba Thành để ta hỏi nó cho rõ ràng.”
Rồi như sực nhớ ra điều gì, ông Chấn quay qua phía vợ mình lúc này mặt mày đã tái mét đi mà hỏi:
“Phải rồi, ngày đó là bà bảo tôi giao việc cho thằng Ba Thành để nó quen dần với công việc, rồi bà cùng nó lo việc này mà phải không? Bà nói đi, đúng là gạo và tiền đã được trao tận tay cho bà con xóm Chùa rồi đúng không?”
Bà Chấn lắp bắp trả lời chồng:
“Tôi… tôi không nhớ nữa. Hình như là như vậy.”
Thấy thái độ của vợ, ông Chấn đoán được có chuyện chẳng lành. Mặt mày đỏ gay như gấc, ông rít lên:
“Bà mau nói cho tôi biết, rốt cuộc ngày đó bà và thằng con quý tử của bà đã giải quyết như thế nào? Hả?”
“Thật ra, chỗ… chỗ gạo đó vẫn đang… đang còn ở trong phủ, chưa được mang ra ngoài.” Bà Chấn khó nhọc nói ra từng từ một. Ông Chấn chỉ thẳng tay vào mặt vợ mà thét lên:
“Trời ơi như vậy là bà giết tôi rồi.”
“Bà ấy không giết ông, mà giết chết cả gia đình tôi và mấy chục mạng người dân xóm Chùa.” Ba Thành lên tiếng chen vào.
Bà Chấn quỳ mọp dưới chân chồng mà nói:
“Ngày đó sau khi gạo và tiền được chuyển đến phủ, tôi cũng đã tính cùng với thằng Ba Thành mang đi chia rồi. Nhưng đúng lúc đó thì ông nội của thằng Ba Thành mất, tôi đau buồn quá mà không làm được gì suốt mấy tháng sau đó. Rồi thì tôi lại ốm, rồi đủ thứ chuyện liên tiếp xảy ra nên mãi vẫn chưa thể đi phát gạo được. Số tiền mà triều đình cấp là 13 lượng vàng, nhưng cả tiền mà những xóm khác ủng hộ nữa là hơn 14 lượng cơ, tất cả vẫn đang ở đây không thiếu một đồng. Ngay ngày mai tôi sẽ giao hết nó lại cho những người ở xóm Chùa, tôi hứa.”
Ông Chấn gạt tay vợ ra, bà ngã lăn ra đất. Ông gằn giọng mà nói:
“Bà đó, được quan trên tin tưởng giao cho việc quản lý các hộ dân đinh ở khu vực này, mà khi người ta đang khó khăn đói kém nhất, lúc người ta cần bà nhất thì bà không đến. Bây giờ thì còn nghĩa lý gì nữa hả? Người chết cũng chết hết rồi. Tiền đó là của triều đình, là của bà con gom góp lại lo cho vùng bị hạn hán, chứ không phải cho bà để bà thích làm gì bà làm bà đưa lúc nào thì đưa. Bà ăn ở thất đức nó cũng vừa thôi, không để phúc lại cho con cho cháu nữa với.”
Bà Chấn ôm mặt khóc nức nở. Chưa bao giờ bà thấy chồng nổi nóng với mình đến vậy. Lần này bà biết mình đã sai thật rồi. Bà trước giờ chỉ quen ở trong phủ ăn trắng mặc trơn, nào có biết bên ngoài người dân sống như thế nào. Ngày đó, bà nghe lời của Ba Thành, tính giữ chỗ đồ đó lại làm của riêng, đám dân đen bên dưới có mà kêu trời cũng chả ai thấu. Bà không ngờ sự việc lại gây nên hậu quả nặng nề đến như vậy, và ngay bây giờ đây bà đang phải tự gánh chịu những hậu quả từ việc làm của mình.
Ông Chấn lúc này mới quay qua phía hồn ma của dân đinh đang nhập trong thân xác của đứa con trai mất nết của mình mà nói:
“Tất cả cũng là tại tôi thất trách, tin tưởng giao cho vợ con mà không nghĩ mọi chuyện lại đi đến bước đường này. Chuyện cũng đã rồi không thể quay lại, bây giờ tôi có thể làm gì cho cậu và những người đã mất xin cậu cứ nói, tôi sẽ đáp ứng đầy đủ.”
Ba Thành bật khóc nức nở:
“Ông bà nói một vài câu là xong nghe đơn giản quá. Làm sao mà đổi hết lại được những gì mà chúng tôi đã phải gánh chịu. Chúng tôi đã chết vì đói, vì khát và chết bởi cạn kiệt niềm tin. Chết đi rồi cũng không thể siêu thoát mà phải biến thành quỷ đói lang thang khắp nơi để kiếm ăn. Bây giờ chúng tôi chỉ muốn có một chỗ nương thân, được cúng bái đàng hoàng mới mong có ngày được đi đầu thai kiếp khác. Còn nữa, chúng tôi muốn tất cả những gì thuộc về xóm Chùa thì người dân xóm Chùa phải được hưởng. Trả lại gạo lúa cho những người còn sống sót, ông bà phải tự bỏ tiền ra để đào kênh mương dẫn nước từ sông vào đồng ruộng cho bà con.”
Ông Chấn vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ một hồi lâu rồi nói:
“Việc đào kênh mương thì tôi có thể đáp ứng được, nhưng chuyện thờ phụng thì tôi e rằng hơi khó. Theo như cậu nói thì có đến cả mấy chục người chết, những người gia đình còn có người sống thì không sao tôi có thể bỏ tiền lo hương hoả. Nhưng những gia đình không còn một ai sống sót như gia đình cậu thì biết làm thế nào? Tôi không thể lập ban thờ từng ấy người trong phủ này được.”
“Về chuyện này, tôi xin được có ý kiến.”
Mọi người đổ dồn ánh mắt về phía vừa phát ra tiếng nói, là ông Hai. Ông Hai tiến đến trước mặt ông Chấn rồi nói tiếp:
“Tôi có ý kiến thế này, mọi người nghe thử xem có ổn không. Hồi trưa khi đi vào xóm Chùa, tôi để ý ở đầu xóm có một ngôi chùa tuy bé và cũ kĩ vì lâu ngày không được trùng tu nhưng chùa có linh khí rất tốt. Nếu được tu sửa lại, ta tin đó sẽ là nơi hội tụ khí thiêng, giúp ích được cho nhiều người. Ngày mai tôi sẽ đến ngôi chùa đó xin ý kiến của thầy trụ trì, tổ chức một buổi lễ cầu siêu cho tất cả những vong hồn những người xấu số đã chết trong đại hạn 3 năm trước. Đồng thời cũng làm lễ để gửi vong hồn của họ vào chùa để có nơi nương tựa chờ đến ngày được đi đầu thai chuyển kiếp. Mọi người thấy thế nào?”
Ông Chấn quay qua hỏi Ba Thành:
“Gia đình cậu thấy thế nào? Như vậy có ổn không?”
Ba Thành gật đầu đồng ý. Bà Chấn lúc này mới chen vào:
“Vậy tôi sẽ bỏ toàn bộ chi phí để trùng tu chùa và làm lễ cầu siêu cho mọi người, xem như là chuộc một phần lỗi lầm mình đã gây nên.”
Ông Hai gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Mọi chuyện đã ổn, ông lật dưới đít cái bát ban nãy đưa cho Ba Thành lên, xé lá bùa dán ở dưới rồi châm lửa đốt. Khi lá bùa vừa cháy hết thì Ba Thành đã có thể cử động được. Ông Hai lúc này lại nói:
“Việc âm hồn đã chết nhập quá lâu vào thân xác của người sống sẽ ảnh hưởng nhiều đến dương khí của họ, ngươi mau thoát ra trả thân xác lại cho Ba Thành. Hãy về đoàn tụ lại với gia đình của ngươi, yên tâm đi ngày mai tất cả sẽ được giải quyết. Sáng sớm mai ta sẽ đưa cả gia đình ngươi lên chùa.”
Ông vừa dứt lời thì Ba Thành khẽ rùng mình mấy cái, sau đó thì ngất lịm đi ngã lăn ra đất không còn biết gì nữa. Ông Hai không quên dặn ông Tuất trải cái khăn mới lên trên mặt bàn như cũ rời tất cả mọi người rời khỏi bếp.
Nói về cậu Ba Thành, sau khi tỉnh dậy thì không còn nhớ mấy ngày vừa rồi đã xảy ra chuyện gì nữa. Cậu chỉ nhớ được đến hôm xuống bếp tìm đồ ăn, trong khi ông Tuất đang nấu ở trong bếp thì cậu ngồi chờ ở cái bàn ở phòng ăn. Rồi Ba Thành nghe có tiếng động lạ phát ra từ dưới gầm bàn. Tò mò nên Ba Thành cúi đầu xuống xem thử có gì ở trong đó, nhưng chỉ thấy một màu tối thui. trời đất như đổ sập xuống đầu, Ba Thành thấy có một bàn tay từ gầm bàn vươn ra, kéo cậu vào trong đó, rồi cảm giác như có nhiều bàn tay cùng lúc đưa lên bịt mắt bịt miệng Ba Thành lại khiến cậu không nhìn thấy gì cũng không thể phát ra âm thanh được. Thời gian cứ thế trôi đi cho đến tối thì Ba Thành nghe thấy có tiếng người nhà ông Chấn xuống ăn cơm, cậu đã cố giãy giụa để mọi người phát hiện ra mình nhưng dường như vô ích, những bàn tay kia vẫn đang bám chặt lấy thân thể của cậu. Cho đến khi mọi người ăn xong đi về trên nhà thì Ba Thành cũng không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy đã thấy ở trong phòng riêng của vợ chồng mình.
Sáng sớm ngày hôm sau, ông Hai cùng vợ chồng ông Chấn dẫn theo oan hồn của bốn con quỷ đói ẩn trong cái bàn ăn trong bếp nhằm thẳng hướng ngôi chùa nhỏ nơi xóm Chùa mà tiến tới. Ông bà Chấn lâu lắm rồi không đặt chân tới đây, thấy cảnh xóm làng tiêu điều tan tác mà trong lòng nặng như có trì vậy. Ba người được sư trụ trì tiếp đón rất niềm nở, sau khi trình bày lý do tìm đến chùa, vị sư đồng ý sẽ lập đàn cầu siêu cho vong linh tất cả những người đã chết trong trận đại hạn hán năm đó, sau đó làm sớ gửi họ vào chùa để có chốn nương thân không phải vật vờ vì đói khát, lại ngày ngày nghe tiếng tụng kinh niệm phật mà buông bỏ tà niệm sớm ngày được siêu sinh tịnh độ.
Với những ác nghiệt mà gia đình bá hộ Chấn đã gây ra, lúc này để chuộc lại lỗi lầm quả thực là rất khó. Nhưng để phần nào giảm đi tội ác của mình, theo sư trụ trì hình thức phóng sinh chuộc tội cũng là một giải pháp tốt. Trả nợ sát sinh, chỉ có phương pháp tốt nhất là phóng sinh, cứu mạng kẻ khác cũng như cứu mạng của mình. Lấy thiện để hoá giải những duyên ác mà mình đã gây ra. Số sinh mạng được mình cứu giúp càng nhiều, thì ác nghiệp càng nhanh giảm.
Cũng ngay trong buổi sáng ngày hôm đó, người nhà ông Chấn đã mua về vô số chim rừng, cá sông, cua, ếch còn sống được bán ở khắp các chợ khu vực lân cận, từng thùng, từng thùng cứ thế lũ lượt được mang về ngôi chùa nhỏ. Cũng trong ngày hôm đó, một đạo tràng cầu siêu nhanh chóng được mở ra tại ngay nghĩa địa của xóm Chùa, nơi chôn cất thi thể của những người dân xấu số đã chết đói trong trận hạn hán 3 năm trước. Nghe tin nhà ông Chấn chi tiền làm lễ cầu siêu cho những oan hồn ở xóm Chùa, người dân ở khắp nơi kéo về để chứng kiến lễ cầu siêu lớn nhất từ trước đến nay ở khu vực này.
Vào buổi lễ, hai vị sư ở chùa bắt đầu đọc chú đại bi, mỗi khi bài chú đại bi được tụng lên như hồi chuông thức tỉnh con người thoát khỏi u mê, tôi tăm, đày ải tiến tới cảnh giới của thanh tịnh và an nhàn. Trong suốt buổi lễ, ngoài tiếng tụng kinh của hai vị sư, người ta còn thấy ông Hai cũng thuộc lòng những bộ kinh của nhà Chùa, tiếng ông tụng kinh âm vang, trầm lặng:
“Nam mô a rị đa, bà lô yết đế, thước bát ra da, Bồ đề tát đoả bà da, Ma ha tát đoả bà da, ma ha ca lô ni ca da…”
Và lẫn vào trong gió, người ta còn nghe đâu đó thoảng tiếng tụng kinh của một người phụ nữ, âm thanh mơ hồ như có như không. Kết thúc buổi lễ, tất cả động vật được mang về đều được đem đi phóng sinh. Chim thả tự do bay về trời, cá thả xuống sông, cua ếch đem về đồng có nước. Số lượng được phóng sinh nhiều vô kể, công đức cũng không thể nào mà kể xiết. Sau đó, bà Chấn đã chi rất nhiều tiền để đại tu lại ngôi chùa nhỏ để lấy chỗ cho dân chúng đến cúng bái lễ phật. Bà trả lại toàn bộ số gạo cứu tế trong kho cho người dân xóm Chùa, chỗ tiền 14 lượng vàng cũng được mang ra mà chia đều cho bọn họ. Về phần kênh mương dẫn nước, bà bỏ tiền của gia đình mình ra để lo liệu, xem như cách để chuộc lại một phần lỗi lầm của mình.
Lúc chia tay, vị sư trụ trì cúi đầu cảm tạ công đức của vợ chồng ông Chấn và ông Hai vì đã đóng góp cho chùa cũng như đã ra tay cứu giúp những oan hồn vất vưởng. Không dấu được sự tò mò, sư thầy nhìn ông Hai mà gặng hỏi:
“Ngay từ lúc mới gặp, bần tăng đã thấy ngài đây có đạo hạnh của một người tu hành đã lâu, khắp thân thể đều phát ra một luồng sáng của linh khí. Tuy nhiên ngài lại không xuống tóc, vậy cơ duyên nào đã đưa ngài đến vùng đất này vậy?”
Ông Hai khẽ mỉm cười mà trả lời:
“Không dấu gì thầy, tôi đã từng có 10 năm tu đạo tại một ngôi chùa ở ngoài miền bắc, tuy nhiên sư phụ của tôi bảo tôi còn chưa dứt được nợ trần, phải trả hết nghiệp của gia đình thì mới có thể bình tâm mà xuống tóc. Sau khi sư phụ viên tịch, tôi đã bôn ba suốt năm năm dọc từ kinh bắc vào đến đây, mang những đạo pháp mà mình học được để trừ ma diệt quỷ, làm phúc cứu người để phần nào làm vơi đi những ác nghiệp mà đời trước đã gây nên. Tôi đặt chân đến vùng đất này cũng xem như là một cái duyên. Nay chuyện ở đây đã xong, tôi xin phép phải lên đường rồi. Chả dấu gì thầy, nhà của tôi chỉ còn cách đây không mấy xa.”
Nói rồi ông cùng mọi người rời khỏi ngôi chùa. Trở về phủ bá hộ, ông bà Chấn sai gia nhân chuẩn bị tiệc rượu linh đình để khoản đãi ông Hai nhưng ngay lập tức liền bị ngăn lại. Đã 15 năm nay ông chỉ quen ăn chay mà không ăn mặn, chỉ xin chuẩn bị cho 2 xuất cơm chay để lót dạ trước khi lên đường. Ông bà Chấn thấy lạ ông chỉ ăn một mình nhưng lại dặn chuẩn bị hai xuất cơm, nhưng cũng không tiện hỏi. Tuy nhiên, khi ông đứng dậy thì chỉ ăn hết một xuất, còn một xuất vẫn còn nguyên chưa động đũa. Cái Xíu nhà bếp dọn vào, thấy tiếc của nên nhìn quanh quất thấy không có ai mới tranh thủ ăn chỗ cơm đó. Ngay lập tức, nó lại nhè sạch chỗ cơm đó ra, chạy đi tìm ông Tuất, vẻ mặt hoảng hốt:
“Bác Tuất ơi, không xong rồi. Đồ ăn trong bếp lại bị hỏng nữa rồi.”
Ông Tuất giật mình, vội hỏi lại:
“Mày nói gì cơ? Đồ ăn nào hỏng?”
“Thì cái xuất cơm chuẩn bị cho ông Hai đó. Ông ấy dặn chuẩn bị hai xuất, nhưng chỉ ăn hết có một, phần còn lại vẫn còn nguyên. Con tiếc của quá mới ăn chỗ cơm đó, nhưng mà nó đã bị thiu giống hệt như mấy hôm trước rồi. Có khi nào, mấy con quỷ đói đó vẫn còn đang ở đây không. Hôm trước ông Hai bảo ma ăn cơm thì đồ ăn chỉ mất chất chứ không hỏng, còn quỷ ăn thì đồ ăn mới bị thiu không ăn được nữa còn gì ạ.”
Ông Tuất toan đi lên nhà báo lại với ông bà Chấn, nhưng vừa lúc này ông Hai đã xuất hiện và ngăn lại.
“Ông đừng lo lắng chuyện đó. Những con quỷ đói trong nhà này đã lên chùa cả rồi. Còn bát cơm này, là của người đồng hành cùng ta đã ăn đó. Bây giờ chúng ta phải rời đi rồi.”
Ông bà Chấn đã trả cho ông Hai rất nhiều tiền bạc để cảm ơn nhưng ông từ chối không nhận. Sau sự việc này, ông bà Chấn cũng đã phải chi ra gần như toàn bộ sản nghiệp của mình. Tham thì thâm, cái giá nhận được cũng không hề rẻ. Tuy nhiên, đó chỉ là những thứ thấy được trước mắt, còn hậu vận sau này cũng không thể tránh khỏi những liên luỵ. Trước khi rời đi, ông Hai cứ tần ngần như có gì đó khó nói. Đắn đo một hồi rồi ông mới bảo:
“Có chuyện này, tôi không biết có nên nói ra hay không. Nói ra sợ ông bà không tin lại bảo tôi trù ẻo thì phải tội.”
Ông Chấn vội đỡ lời:
“Có gì xin thầy cứ bảo cho. Mấy hôm nay cũng may nhờ thầy giúp đỡ mọi chuyện trong phủ mới được yên ổn thế này. Ơn đức của thầy chúng tôi trả còn không hết thì nào dám nghĩ khác đi.”
Ông Hai lúc này mới tiếp lời:
“Tôi đã nhìn qua tướng của đứa con trai của cậu Ba Thành, thằng bé có lông mày rất nhạt, lại vừa mềm vừa thưa, nhân trung bị lệch hẳn sang bên phải, cung tử tức, gò má và ấn đường xanh xao nhợt nhạt, phần dái tai mỏng và không đều. Tất cả những điều này đều chứng tỏ, sau này đứa trẻ này chỉ có thể sinh con gái, không có con trai nối dõi. Còn cậu Ba Thành, lông mày thưa thớt, xâm phá tán đường, mắt lờ đờ, môi thâm xám, đầu nhỏ, cổ dài, trán nhỏ nổi gân xanh, tuy còn rất trẻ nhưng khi đi và ngồi thường hay rụt cổ, đây là tướng của những người chết yểu. Chỉ e là cậu Ba Thành sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Như vậy rất có thể sau này dòng họ của ông bà đến đời của con cậu Ba Thành sẽ không còn con trai nói dõi nữa.”
Ông bà Chấn nghe vậy thì gương mặt thất sắc, đứng không còn vững nữa. Bà Chấn chắp tay lạy ông Hai rối rít:
“Thầy đã có thể nhìn ra được những điều này hẳn là cũng sẽ có cách để hoá giải. Mong thầy ra tay cứu giúp chỉ giúp chúng tôi cách để hoá giải những chuyện này. Có phải tán gia bại sản tôi cũng cam lòng.”
Ông Hai khẽ lắc đầu:
“Số trời đã định, có muốn tránh cũng không được. Tuy nhiên, vũ trụ luôn vận hành theo quy luật nhân quả. Gieo nhân lành thì sẽ thu được quả ngọt, gieo nhân ác thì sẽ gặp báo ứng. Những gì mà gia đình ông bà gặp phải ngày hôm nay, chính là quả của những việc trước đây đã làm. Cách tốt nhất để hoá giải những báo ứng xấu, đó là làm thật nhiều việc tốt, để chuộc lại lỗi lầm của quá khứ, và để dựng nên những mối quan hệ nhân quả tốt đẹp cho tương lai và hậu thế. Nói thế cũng có nghĩa là, tương lai sau này thế này, chỉ có gia đình ông bà là ngừoi quyết định được, người khác không thể can thiệp vào. Còn một điều này nữa, ngôi chùa ở trong xóm Chùa kia có nhiều linh khí tốt, nếu thường xuyên lui tới đó mà sám hối làm công đức thì cũng sẽ phần nào tiêu trừ được những ác nghiệp mà bà đã gây nên trong quá khứ.”
Bà Chấn nghe vậy thì gần như đã giác ngộ ra được nhiều điều, thoáng một chút ngập ngừng rồi bà hỏi:
“Vậy chỉ cần tôi vào chùa ngày ngày tụng kinh niệm phật, thì có thể sau này mọi thứ sẽ được chuyển hoá phải không ạ?”
Ông Hai khẽ lắc đầu:
“Việc bà vào chùa mỗi ngày không giải quyết được gì cả. Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ 3 tu chùa. Bà nên nhớ, tâm không thật thì phật liền đi vắng, tâm sống thật, phật ở tại tâm. Hãy bắt đầu từ việc đối xử tốt với tất cả những người xung quanh mình, không phân biệt người ấy giàu nghèo, sang hèn. Tôi tin là chỉ cần ông bà thực sự thành tâm, trời cao tự khắc sẽ chừa ra một con đường sống.”
Bà Chấn nghe xong thì đã hiểu.Ông bà Chấn vẫn muốn báo ơn ông Hai bằng một số tiền lớn, thầy Hai khoát tay mà bảo:
“Việc ta giúp đỡ mọi người cũng chính là đang trả nghiệp của gia đình mình nên không dám nhận công lao. Chỉ mong ông bà sau này, gặp người khó khăn hãy ra tay giúp đỡ, như vậy đã là một cách để cảm ơn ta rồi.”
Nói xong ông tạm biệt ông bà Chấn cùng gia quyến rồi rời đi. Ông bước nhanh trên con đường đất, nhằm hướng quê nhà mà tiến tới. 5 năm qua từ ngày rời khỏi ngôi chùa nơi mình đã tầm sư học đạo suốt 10 năm, ông đã đi qua biết bao nhiêu ngôi làng, gặp gỡ bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, diệt ma trừ quỷ cứu người để trả những ác nghiệp mà linh hồn Ái Liên cũng là mẹ ruột của ông đã hoá quỷ gây nên. Hành trình này ông không hề đơn độc, trong trái tim ông luôn ẩn hiện hình ảnh của cu Tũn, đứa con trai bé bỏng suốt 15 năm chưa gặp mặt. Chắc có lẽ bây giờ cu Tũn của ông đã lớn, đã trở thành một chàng trai khoẻ mạnh khôi ngô. Lần này ông phiêu bạt suốt năm năm cũng chỉ mong một ngày cha con có thể gặp mặt. Chỉ còn một đoạn đường nữa thôi là ông đã đặt chân đến mảnh đất Vân Điền, nơi mà gia đình ông đang ở đó. Nghĩ đến điều này ông lại có thêm nghị lực, bước những bước thật nhanh trên đường. Bên tai ông vẫn thoang thoảng một giọng hát rất quen thuộc suốt 15 năm qua.