Bạn đang đọc: BA ĐỜI TRẢ NGHIỆP

Chap 1

25/12/2023
 

“Mấy đứa bếp đâu rồi, mấy giờ rồi sao còn chưa mau dọn đồ ra bàn nhanh đi, ông bà cậu mợ xuống ngay bây giờ đó!”

Bà quản gia đứng ở trước cửa mà nói vọng vào, trong bếp lúc này có 4 đến 5 tên người ở đang tất bật, người chạy đi kẻ chạy lại, mỗi người một việc. Nghe tiếng giục của bà quản gia, một người đàn ông lớn tuổi nhất trong những người làm bếp lên tiếng đáp lại:

“Vâng, xong hết rồi đây bà Sáu. Giờ chỉ sắp đồ lên bàn nữa là xong. Bà lên mời ông bà chủ xuống dùng cơm là vừa rồi ạ.”

Vừa nói ông ta vừa nhanh tay múc canh từ nồi ra cái tô sứ. Canh chua cá lóc nấu bông lục bình, khói từ nồi canh vẫn còn toả ra ngào ngạt. Bà Sáu trong miệng vẫn còn nhóp nhép nhai trầu, bà vén miệng lên mà bảo:

“Ông bà xuống đây mà ngồi đợi chúng mày à? Bàn ghế còn chưa sắp, khăn giải bàn còn chưa trải, làm ăn thế này có mà chết. Nhanh chuẩn bị cho xong đi 15 phút nữa ông bà tới.”

Nói xong bà ta cắp đít đi thẳng lên nhà. Lúc này mấy người làm bếp mới giãn cơ mặt ra được đôi chút. Vẫn là người đàn ông lúc nãy lên tiếng:

“Con Xíu đâu, nhanh lau lại cái bàn rồi trải khăn lên đi. Còn mấy người này kiểm tra lại đồ ăn một lần nữa trước khi cho lên bàn nghe chưa? Hôm nay có cậu Ba về, có sơ xuất gì chỉ có ăn đòn cả lũ.”

Đứa đầy tớ gái tên Xíu nghe nhắc đến tên mình thì bỏ dở công việc đấy, lật đật đi kiếm cái khăn lau lại thật sạch cái bàn, rồi nhanh chóng trải lên bên trên tấm khăn trải bàn bằng lụa màu trắng tinh. Xong xuôi nó còn cẩn thận ngắm nghía lại một lượt để chắc chắn rằng không có chỗ nào bị nhăn nhúm hoặc lệch góc. Vừa làm nó vừa tặc lưỡi bảo:

“Đúng là của nhà giàu, đến cái khăn trải bàn cũng mềm mịn thế này. Này bác Tuất, cả đời cháu còn chưa bao giờ được mặc bộ quần áo nào đẹp như cái khăn trải bàn này đâu đó.”

Nói rồi nó quay qua người đàn ông lớn tuổi ban nãy cười nham nhở. Ông Tuất lúc này vẫn còn đang lúi húi với cái nồi trên bếp, ông chẹp miệng rồi bảo:

“Chuyện. Mày đúng đồ nít ranh chưa sõi sự đời. Ông nhà mình là bá hộ, nổi tiếng giàu có nhất cái vùng này thì ba cái chuyện vặt vãnh này thấm vào đâu. Thôi xong rồi thì dọn đồ ăn lên bàn nhanh đi.”

Cái Xíu lại hỏi:

“Thế còn cái nồi gì trên bếp nữa đó ạ? Bà quản gia bảo ông bà chủ sắp tới rồi mà.”

“À, tao đang hấp nồi óc heo. Cậu Ba là thích món này nhất đó. Cái này phải ăn nóng mới ngon. Mấy đứa cứ sắp các món kia ra trước đi, tý mọi người ngồi vào mới mang cái này ra.”

Rất nhanh sau đó, trên chiếc bàn được bày la liệt các món ăn toàn sơn hào hải vị. Một bữa ăn bình thường của gia đình bá hộ cũng thật cầu kì và sa sỉ. Phải có đến cả chục món từ rau cho đến món mặn, mà món nào cũng phải chế biến kĩ càng, bày biện đẹp mắt. Ông Tuất là bếp trưởng, trong đội bếp của ông còn có thêm ba người phụ việc vặt. Mỗi ngày ba bữa chỉ lo cơm nước cho gia đình ông Chấn.

Ông Chấn là bá hộ cai quản 100 hộ dân đinh trong vùng, nổi tiếng là giàu có và hung giữ. Lũ gia nhân trong nhà sợ ông như sợ cọp. Mà các cụ ta có câu, tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn ba ngày đường. Khắp trên dưới cái huyện tổng này không ai là không biết đến cái tiếng của bá hộ Chấn. Tuy nhiên, vẻ bề ngoài hung giữ là vậy nhưng trong việc công mà nói, ông lại là một vị quan vừa có tài vừa có tầm, dân vừa sợ nhưng cũng lại rất nể ông. Ông có một người con trai duy nhất là cậu Ba Thành. Giống với cha của mình, cậu ba Thành cũng nổi tiếng là hung giữ, không những thế cậu lại còn rất tàn độc. Chả phải ngẫu nhiên mà lũ tôi tớ trong nhà cứ nghe nhắc đến cậu Ba là lại run lên như cày sấy. Cậu ba Thành đã kết hôn và có một cậu con trai vừa lên 3. Tuy vậy nhưng suốt ngày cậu ta chỉ lo ăn chơi lêu lổng bên ngoài, lâu lâu mới ghé về nhà một lần, ở lại ít hôm rồi lại đi. Ông Chấn biết vậy thì bực lắm, nhưng nói mãi không được cũng đành phải nhắm mắt bỏ qua.

Bà quản gia dục là vậy mà phải đến gần 30 phút sau mới thấy vợ chồng ông Chấn cùng gia đình ba người nhà cậu Ba Thành bước tới bàn ăn. Những người trong bếp lúc này vội đứng xếp thành một hành dọc trước cửa khúm núm mà cúi chào từng người một. Mợ Nhài vợ cậu Ba Thành trao đứa con vào tay bà vú nuôi để cho đứa bé ăn cháo rồi vui vẻ cùng ngồi vào mâm. Lâu lâu Ba Thành mới về ăn cơm chung với cả nhà nên không khí hôm nay có phần vui vẻ hơn nhiều.

Khi mà ai nấy còn đang dở câu truyện, thì ở cái bàn nhỏ bên cạnh nơi mà bà vú đang nịnh để đút từng thìa cháo cho đứa cháu nội duy nhất của ông Chấn, đứa bé bỗng khóc thét lên, cả người nó co rúm lại ôm chầm lấy bà vú nuôi, tay chân bấu chặt vào người bà như thể đang sợ một cái gì đó ghê gớm lắm. Cậu Ba Thành quắc mắt lên hỏi:

“Có cái chuyện gì mà tự dưng cậu lại khóc lên như thế hả?”

Bà vú lúc này đã bế đứa bé đứng dậy, vừa đi đi lại lại để dỗ dành mới khúm núm trả lời:

“Bẩm cậu Ba tôi đang cho cậu nhỏ ăn thì tự dưng cậu khóc lên như vậy, thật tình tôi cũng không rõ cớ sự ra làm sao cả.”

Lúc này đứa bé vẫn ôm chặt lấy bà vú mà khóc ré lên, khuôn mặt nó đỏ như gấc. Mợ Nhài thấy vậy thì chạy lại đỡ lấy đứa bé dỗ dành, nhưng nó vẫn không chịu nín. Cậu Ba Thành vẻ mặt hằm hằm quát lớn:

“Vô lý, không có lý do gì sao cậu lại khóc như vậy được. Có phải bà vụng về cho nó ăn cháo nóng quá nên bị bỏng rồi không?”

Bà vú sợ co rúm người lại, khẩn khoản trả lời:

“Bẩm cậu tôi không dám làm ẩu như vậy đâu ạ. Tôi đã kiểm tra cháo rất kĩ trước khi đút cho cậu nhỏ rồi. Mà tô cháo này cũng không còn nóng đến mức để cậu bị bỏng được đâu. Xin cậu soi xét cho.”

Mợ Nhàn đứng gần tiện tay sờ bên ngoài bát cháo rồi gật đầu phụ hoạ theo:

“Bà ấy nói đúng rồi đó, tô cháo chỉ còn hơi âm ấm thôi đây này không bỏng được.”

Nói rồi mợ quay qua vỗ vỗ vào lưng đứa bé trên tay mình để dỗ cho nó nín khóc. Nằm trong vòng tay mẹ đứa bé thi thoảng vẫn nấc lên vài tiếng sụt sùi. Mợ Nhài thấy con đã dịu lại mới ân cần hỏi:

“An An ngoan của mẹ,có chuyện gì mà lại khóc vậy, hay con đau ở đâu?”

Đứa bé lúc này nước mắt nước mũi tùm lum trên khuôn mặt, chỉ nấc lên vài tiếg thay câu trả lời. Nó mới chỉ hơn 3 tuổi, mới chỉ biết nói những từ đơn giản chưa thể trả lời câu hỏi của mẹ. Thấy con đã nín mợ Nhài bế cả bé An ngồi vào mâm cơm cùng gia đình, rồi sai bà vú đi giặt khăn để lau mặt cho đứa bé. Nãy giờ ông bà Chấn cùng cậu Ba Thành vẫn ngồi theo dõi tình hình của đứa cháu đích tôn mà chưa ai thèm động đũa, mâm cơm vẫn còn y nguyên từ đầu. Thấy mọi chuyện đã xong, lúc này Ba Thành mới lên tiếng:

“Nín rồi thì thôi, chắc trẻ con nó uốn tý ấy mà, thôi cả nhà mời cơm đi đồ ăn sắp nguội hết cả rồi.”

Nói rồi cậu Ba Thành đột nhiên khựng lại, đưa mũi khịt khịt mấy cái rồi lại nói tiếp:

“Sao đồ ăn có mùi gì khó chịu thế nhỉ? Cha mẹ có ngửi thấy cái mùi đó không?”

Bà Chấn khoát tay:

“Lúc mới vào mẹ cũng có ngửi thấy, mà không phải mùi đồ ăn. Mà phải rồi, con không nhận ra hôm nay có cái gì lạ sao?”

Ba Thành lắc đầu, bà Chấn chỉ vào cái bàn ăn rộng đến 2 thước trước mặt rồi bảo:

“Cái bàn ăn này vừa được thợ đóng xong, hôm nay là ngày đầu tiên dùng đến đó. Mà con biết nó được đóng bằng gỗ gì không?”

“Ôi dời khăn trải bàn kín mít thế này thì sao mà con biết được, mẹ lại làm khó con hả?”

Bà Chấn vừa cười vừa khẽ lắc đầu:

“Con đó, tối ngày lêu lổng bên ngoài có để ý gì đến chuyện trong nhà đâu. Phải có lý do thì mẹ mới hỏi thế chứ. Cái bàn này được đóng bằng gỗ của cây mít cổ thụ ở phía sau nhà mình đó, con nhớ không?”

“Có phải mẹ đang nói đến cây mit mà trước đây rất sai trái nhưng vài năm gần đây thì không ra quả nữa phải không?”

“Phải rồi, chính nó đó. Cây mit này có tuổi thọ ngang với tuổi của cha mày đó. Ngày mẹ được gả về đây nó đã to cao vạm vỡ lắm rồi. Từng ấy năm năm nào cũng xum xuê trĩu quả, chả hiểu sao tự dưng mấy năm gần đây lại đột nhiên không ra quả nữa. Có năm đó vẫn có quả nhưng hễ cứ đến lúc chín là lại bị thối bằng sạch không ăn được miếng nào. Cha con đoán chắc tuổi của nó cũng đã lâu rồi nên không còn ra quả được nữa nên sai người đốn nó đi để lấy chỗ trồng những cây khác. Thấy gỗ của nó tốt nên mẹ sai người kêu thợ về xẻ gỗ đóng bộ bàn ăn mới. Chắc ban nãy mùi mà con nói là mùi sơn mới đó. Cha bố cái bọn gia nhân nhà này làm ăn vậy đó, sai lau chùi sạch sẽ mà vẫn để lại mùi.”

“Đứa nào làm ăn không nên hồn mẹ cứ nọc cổ nó ra đánh cho con, không thể nương tay với bọn này được đâu. Mà thôi con đói quá rồi mình ăn cơm thôi.”

Nói xong không đợi ông bà Chấn trả lời, cậu cầm bát của mình lên múc một muôi canh cá chua nấu bông lục bình vào đó, đưa lên miệng húp một hơi, nhưng ngay lập tức lại nhổ nó quay lại trong bát. Ông bà Chấn vừa cầm đũa lên chưa kịp đụng đũa thì lại đặt xuống bát, nét hằm hằm khó chịu hiện lên trên khuôn mặt. Cậu Ba Thành dằn mạnh bát canh xuống bàn rồi thét lớn:

“Đứa nào làm ăn cẩu thả như vậy hả? Canh thiu như thế này mà cũng dám mang lên mâm cho ông bà ăn sao? Hôm nay đứa nào đứng bếp bước ra đây cho tao?”

Những người làm bếp nghe thấy giọng quát của cậu Ba Thành mặt cắt không còn giọt máu, đứng sát vào với nhau còn không dám thở mạnh, chỉ có thể đưa mắt nhìn nhau chờ đợi. Ông Tuất từ trong bếp tất tả chạy ra cúi đầu trả lời:

“Bẩm cậu là tôi nấu, đồ ăn có chuyện gì sao ạ?”

Ông còn chưa kịp dứt lời thì Ba Thành đã đứng dậy cầm cả cái bát canh ban nãy đã nhè ra ụp thẳng lên đầu ông Tuất. Khỏi phải nói lúc đó những người làm bếp đã sợ hãi như thế nào. Nước canh từ trên đầu ông Tuất chảy xuống ướt cả đầu tóc mặt mũi, cái bát rơi xuống nền đất vỡ toang. Ông Tuất vẫn chưa kịp định hình xem có chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết là cậu Ba Thành đang rất giận. Ông run run hỏi:

“Cậu… cậu Ba… tôi đã làm sai ở đâu hay sao ạ?”

Ông Chấn lúc này mới lên tiếng:

“Ba Thành, vừa về đến nhà đã định gây chuyện rồi sao? Có cái chuyện gì mày bình tĩnh nói sao phải động tay chân với người làm vậy hả?”

Ba Thành quay qua ông Chấn đáp lại:

“Cha đó, bênh chúng nó cho lắm vào rồi cái nhà này không còn ra cái thể thống gì nữa. Nồi canh đã nguội ngắt thiu thối cả ra rồi còn dám đặt lên mâm cho chủ ăn, thử hỏi ở đâu có thứ gia nhân mất dạy như vậy?”

Ông Tuất nghe thấy vậy thì chắp tay lại giọng khẩn khoản:

“Thưa ông bà, thưa cậu mợ phận tôi tớ con nào đâu dám to gan như vậy. Nồi canh này con vừa nấu xong hồi nãy hẵng còn đang nóng làm sao mà có chuyện bị thiu được ạ. Chắc có hiểu nhầm gì ở đây xin ông bà kiểm tra lại giúp con.”

Bà Sáu quản gia lúc này đang đứng sau ông bà chủ cũng lên tiếng chen vào:

“Dạ phải rồi đó ông bà, ban nãy tôi xuống dục bếp dọn cơm thấy ông Tuất vừa mang nồi canh từ trên bếp xuống hẵng còn nghi ngút khói, làm sao mà lại thiu nhanh vậy được.”

Bà Chấn cũng cất cái giọng lanh lảnh chen vào:

“Gia nhân nhà này có cho ăn gan hùm cũng không dám làm ăn bát nháo như vậy. Hay là con đi nhậu cả đêm về hẵng còn hơi men trong người nên bị mất vị. Nào đâu để mẹ thử xem bát canh này nó thế nào.”

Nói rồi bà cũng múc một muôi canh vào bát của mình, dùng thìa xúc một ít nước canh đưa lên miệng mình nếm thử. Rồi bà cũng vội nhăn mặt mà nhả chỗ canh quay lại bát. Bà đập bàn quát lớn:

“Đúng là lũ mất dậy, tốn cơm tốn gạo nuôi chúng mày mà làm ăn bát nháo thế này đây. Mả cha nhà chúng nó nữa, canh thối cả ra rồi còn dám cho chủ ăn thế này thì có chết không cơ chứ.”

Vừa nói bà ta vừa nghiến răng ken két. Thấy sự giận giữ của bà Chấn và cậu Ba Thành mấy người làm bếp đoán được chuyện kinh khủng gì đang chờ họ ở trước mắt. Mấy người vội quỳ thụp xuống mà phân trần:

“Bẩm ông bà chúng con không dám ạ. Đây chắc chắn là có gì đó hiểu nhầm, chứ thực sự là bát canh này vừa được nấu cách đây 30 phút trước.”

Bà Chấn lại đập tay xuống bàn, cả cái bàn rung nảy lên theo cú đập như trời giáng của bà, đồ ăn từ trong đĩa còn văng cả ra ngoài. Bà chỉ thẳng tay vào mặt mấy người bếp, nghiến răng trèo trẹo mà nói:

“Á à, đã làm láo mà còn dám già mồm à. Mày bảo vừa nấu xong thì đây, mày mau ăn hết chỗ canh này cho bà xem có nuốt nổi không mà dám đặt lên mâm cho ông bà mày ăn hả.”

Mấy người bếp vẫn quỳ mọp dưới đất không dám ngẩng mặt lên. Đứa con của Ba Thành lúc này đang ngồi yên trong lòng mẹ lại bắt đầu khóc ré lên. Ban đầu chỉ tưởng là do thấy bà nội và bố to tiếng nên nó sợ, nhưng lần này đích thân mợ Nhàn dỗ mãi nó cũng không chịu nín. Nó đứng hai chân lên đùi mợ Nhàn, quẫy đạp liên tục, hai tay cứ thế vẫy liên hồi. Ông Chấn lên tiếng bảo mợ Nhàn đưa đứa nhỏ về phòng trên nhà để nghỉ ngơi, lát nữa sẽ có người mang đồ ăn lên phòng cho hai mẹ con để tránh ở lại thấy to tiếng làm đứa bé sợ. Quả nhiên, vừa bước chân ra khỏi cửa nó đã ngừng khóc giống như chưa có chuyện gì xảy ra vậy.

Ở trong phòng ăn lúc này, cậu Ba Thành lại lớn tiếng quát:

“Ô tiên nhân chúng mày còn không mau dọn bát canh này xuống, tính đợi tao đổ cả lên đầu mới chịu hay sao? Còn mấy đứa này, đi nấu cái gì mang lên phòng cho mợ Nhàn với cậu An nhanh. Toàn một lũ ăn hại không được trò trống gì cả.”

Ông Tuất lén lau dòng mồ hôi chảy dài trên má, vội vàng bê tô canh hẵng còn hơi ấm trên bàn đi một mạch vào bếp. Lúc này ba người nhà ông Chấn lại ngồi quay trở lại vào bàn ăn. Lần này tới lượt ông Chấn phải nhả chỗ thức ăn trong miệng mình ra ngoài. Đến cả ông lúc này cũng không giữ nổi bình tĩnh mà nói:

“Mấy đứa bếp này hôm nay làm ăn kiểu gì mà cẩu thả thế này. Sao món nào cũng bị thiu hết thì ăn uống kiểu gì?”

Ba Thành đập tay xuống bàn gằn lên:

“Để con cho lũ chúng nó một trận cho nhớ đời. Mẹ kiếp, nuôi lũ chúng nó còn không có ích bằng mấy con chó trông nhà nữa.”

Rồi cậu ta hằm hằm tính đứng dậy, mỗi lần cậu Ba Thành nổi giận là y như rằng lũ gia nhân trong nhà khó mà yên ổn. Nhẹ thì bị cắt tiền công, cắt không cho ăn cơm mấy ngày, nặng thì bị đánh cho thừa sống thiếu chết. Hiểu tính của con trai mình, ông Chấn vội giơ tay ngăn lại:

“Nào có gì con cứ bình tĩnh ngồi xuống đây. Chắc hẳn trong chuyện này có uẩn khúc gì đó chứ trước đến giờ gia nhân trong phủ này chưa từng dám chểnh mảng công việc như vậy. Đặc biệt là ông Tuất này, ở đây từ ngày ông nội con còn sống, lo việc bếp núc đâu ra đấy ta rất yên tâm. Ông Tuất đâu nhanh ra đây ta hỏi chuyện.”

Ông Tuất nghe gọi thì vội vàng chạy từ trong bếp ra, đứng phía sau ông Chấn chắp hai tay trước bụng sẵn sàng chờ đợi. Đôi mắt ông còn liếc nhìn sang bà Chấn cùng cậu Ba Thành sợ sệt. Ông Chấn vẫn giữ sự điềm đạm trên khuôn mặt, chỉ tay vào bàn đồ ăn trước mặt mà bảo:

“Ông nhanh kiểm tra lại hết chỗ đồ ăn trên bàn này cho ta. Mới chỉ thử hai món mà món nào cũng hỏng không ăn được. Ta vẫn rất tin vào tay nghề của ông, nhưng nếu không tìm ra được nguyên nhân thì hôm nay tất cả những người trong bếp đều sẽ bị phạt.”

Ông Tuất chắp tay trước mặt lễ phép nói:

“Bẩm ông bà, bẩm cậu chủ con xin mạn phép thất lễ thử lại những món ăn khác ở trên bàn để xem có gì khác lạ hay không. Con dám mang tính mạng của mình ra để đảm bảo toàn bộ đồ ăn trên bàn là đồ ăn mới vừa nấu xong hẵng còn đang nóng, nguyên liệu cũng được bà Tư bếp đây cẩn thận lựa chọn những thứ tươi ngon nhất ở chợ hồi sáng. Thực sự không thể nào mà đồ ăn vừa nấu xong lại bị thiu thối nhanh như vậy được.”

Ông Chấn gật đầu rồi hất mặt về phía bàn thức ăn ra hiệu cho ông Tuất cứ làm. Ông Tuất lấy đôi đũa mới gắp thử một chút cá chép
chiên giòn trên chiếc đĩa gần đó đưa vào miệng ăn thử. Con cá hồi sáng mua về vẫn đang còn giãy đành đạch, lúc làm thịt ông còn phải lấy sống lưng con dao làm bếp đập vào đầu nó mấy cái để nó thôi dãy dụa. Sau khi được móc mang, đánh vảy mổ bụng làm sạch sẽ, thấm khô nước rồi ngay lập tức được mang đi chiên, sau đó thì bỏ ra đĩa rồi sắp lên bàn. Cả quá trình chỉ mất chưa đầy một tiếng. Ấy vậy mà chính ông Tuất cũng không thể ngờ, con cá bề ngoài vẫn vàng ươm trông bắt mắt là vậy mà thực sự đã bị thiu từ bao giờ. Mùi tanh nồng xộc lên trong mũi kèm theo vị chua loét của đồ ăn để lâu ngày bị lên men. Mặc dù rất cố gắng nhưng ông Tuất cũng không thể nuốt được chỗ cá đó vào bụng, ông phải lập tức nhè nó ra cái khăn giấy trên tay mình. Lúc này trong lòng ông bắt đầu thấy hoang mang cực độ. Ông vội gắp một cọng rau muốn xào tỏi vẫn còn đang xanh mướt bỏ vào miệng. Và lần này vẫn thế, đĩa rau muống cũng đã bị thiu không thể ăn được nữa. Lần lượt thử qua những món còn lại, tất cả đều có chung tình trạng, bề ngoài trông vẫn rất tươi ngon nhưng khi ăn vào mới phát hiện ra đã bị thiu thối không thể ăn được. Ông Tuất nét mặt vô cùng hoang mang lo sợ, ông không thể lý giải được chuyện quái quỷ gì đang xảy. Thất thần ông buông đôi đũa xuống, nói bằng giọng run run:

“Bẩm ông bà, bẩm cậu Ba, tất cả đồ ăn trên bàn đều đã bị hỏng không thể ăn được nữa. Chuyện này sao có thể xảy ra vô lý như vậy được cơ chứ. Thực sự, tôi không biết có chuyện gì đang xảy ra ở đây nữa.”

Ba Thành nhăn mặt rồi nói:

“Ông là người cai quản bếp núc ở đây nói một câu không biết là xong hết trách nhiệm hay sao?”

Ông Chấn lên tiếng:

“Đúng là chuyện này rất lạ. Nếu chỉ một hai món bị hỏng thì có thể đổ cho nhà bếp bất cẩn, nhưng tất cả đồ ăn cùng bị hỏng thì chắc chắn là có điều gì khuất tất ở đây rồi.”

“có khi nào do nước không hả cha?”

Ba Thành lên tiếng đáp lại lời ông Chấn. Ông Tuất vội nói chen vào:

“Thế ban nãy trên nhà ông bà và cậu uống nước có thấy điều gì bất thường không ạ? Nếu là do nước có vấn đề thì chắc chắn uống nước cũng phải cảm thấy khác lạ.”

Ông Chấn lắc đầu:

“Không có. Nãy ta vừa pha ấm trà nóng, hương trà vẫn rất đượm và thơm, không có mùi vị gì là lạ cả.”

“Vậy hay do gia vị có vấn đề? Ông mau nhớ thử xem tất cả những món đó đã bỏ chung loại gia vị gì rồi đi kiểm tra lại cho ta. Để lâu ăn uống vào người rồi mang bệnh lúc nào không biết ấy chứ.”

Bà Chấn lên tiếng, rồi lúc này như mới nhớ ra điều gì, bà chỉ vào cái bàn nhỏ bên cạnh ban nãy bà vú cho đứa nhỏ ăn cháo ở đó rồi quát:

“Ông mau kiểm tra lại cả bát cháo hồi nãy cậu An ăn thử xem có bị hỏng không. Thôi chết rồi chắc ăn bị cháo hỏng nên nó mới khóc to như vậy chứ, khổ thân cháu tôi. Lần này nó mà có mệnh hệ gì mấy ngừoi không gánh nổi tội đâu.”

Ông Tuất lật đật chạy lại bê bát cháo lên mà nếm thử. Lần này ông nhả đồ ăn ra như mọi lần mà cứ thế nuốt thẳng vào bụng, rồi lại ăn tiếp một thìa nữa. Ông reo lên:

“Bẩm ông bà bát cháo của cậu chủ không sao cả ạ.”

Ông Chấn đẩy ghế đứng dậy, giật lấy bát cháo trên tay ông Tuất mà nếm thử. Quả thật là vị cúa bát cháo vẫn rất thơm ngon không hề có gì khác lạ. Đang lúc mọi người còn chưa thể tìm ra cách lý giải, thì từ ngoài cửa mợ Nhàn bế theo đứa con tất tả chạy vào, vẻ mặt vô cùng lo lắng. Vừa vào phòng, mợ vén chân quần của đứa nhỏ lên nói bằng giọng run rẩy:

“Mọi người mau lại đây mà xem bé An bị làm sao rồi này.”

Ở phần bắp chân đứa trẻ bây giờ xuất hiện vài vết thâm tím bầm to bằng đốt ngón tay cái. Xoa vào thì đứa trẻ không có biểu hiện gì là đau đớn cả. Nhưng từ lúc vừa bước chân vào cửa phòng ăn, nó lại bắt đầu khóc ầm lên, hai chân liên tục chuỗi đạp y hệt như những lúc đòi đi chơi không muốn ở trong phòng.

Bà Chấn thấy tình trạng của cháu nội như vậy thì lấy làm lo lắng lắm, bà cuống quít hết cả lên hỏi dồn dập mấy câu liền:

“Trời ơi chân thằng nhỏ bị làm sao thế này? Nó bị vậy từ bao giờ? Sao giờ mới phát hiện ra hả?”

Mợ Nhàn lúc này vẫn đang bận dỗ con, ẵm đứa bé đi đi lại lại khắp căn phòng, nó vẫn không ngừng giãy đạp trên tay mẹ. Thấy tình hình không ổn, ông Chấn vội nói:

“Thôi mau đưa nó lên nhà rồi mời thầy lang về bắt bệnh coi sao. Chỗ bếp này giao lại cho ông Tuất, nếu không tìm được nguyên nhân thì toàn bộ những người trong bếp này sẽ bị phạt 3 tháng tiền công. Mau chuẩn bị đồ ăn khác rồi dọn lên trên nhà cho ông bà nghe chưa.”

Nói rồi ông cùng vợ con mình mang theo đứa bé trở lên trên nhà. Lúc này những người làm bếp mới dám thở mạnh một cái.

Bà Tư bếp vội tiến lại ăn thử đồ ăn trên bàn như để xác nhận xem những điều mọi người nói nãy giờ có đúng hay không. Bà đã sống hơn 50 năm trên đời này chưa từng gặp qua chuyện gì lạ lùng như vậy. Ông Tuất đây vốn là một người rất kỹ tính trong công việc, trước nay trong bếp chưa từng có chuyện sơ xuất xảy ra. Ấy vậy mà nay cùng một lúc tất cả đồ ăn ông nấu đều trở nên ôi thiu chỉ trong vài phút. Thử hết lượt đồ ăn rồi bà quay qua phía ông Tuất vẫn còn đang ngồi thất thần dưới nền nhà mà hỏi:

“Ông Tuất, tại sao lại có cớ sự lạ lùng như vậy được. Bây giờ chúng ta phải tính làm sao?”

Ông Tuất không vội trả lời, ông bảo mấy ngừoi chờ mình một chút, ông lật đật chạy vào trong bếp bê ra một cái nồi vẫn còn nghi ngút khói. Là nồi óc trần ban nãy còn chưa kịp mang ra. Ông đưa lên miệng thử qua một chút, món này vẫn hoàn toàn bình thường không bị làm sao cả. Ông lại ngồi thừ xuống ghế, vẻ mặt đăm chiêu. Thực sự ông không thể lý giải được chuyện gì đang xảy ra ở đây. Tại sao tất cả đồ ăn trên bàn đều bị hỏng, mà nồi óc hấp và bát cháo của cậu An thì không bị làm sao.

“Bác Tuất, ban nãy bác thử thực sự tô canh chua cá lóc đã bị thiu thật sao?”

Cái Xíu nhìn ông Tuất nghi hoặc rồi hỏi như thể nó biết có chuyện gì. Ông Tuất gật đầu xác nhận:

“Đúng vậy, không chỉ mình tô canh đó mà tất cả các món được đặt trong mâm đều đã bị thiu hết. Cả bà Tư cũng đã thử qua rồi đó. Mà sao mày lại hỏi như vậy?”

Cái Xíu gãi gãi đầu, nhìn ra ngoài cửa thấy không có ai rồi mới nói nhỏ:

“Thật ra là… ban nãy, cháu… cháu đã lén ăn vụng một chút từ chỗ canh còn thừa trong bếp. Nó vẫn rất thơm ngon không bị làm sao cả. Vậy mà sao mọi người lại bảo canh bị hỏng được?”

“Mày nói gì cơ? Thực sự là lúc mày thử chỗ canh trong nồi vẫn còn chưa bị làm sao hả?”

“Vâng, thật vậy mà. Cháu chỉ dám ăn vụng một chút thôi chứ không dám ăn hết, ở bên trong nồi vẫn còn nhiều, hay là bác cũng thử xem ạ.”

Cái Xíu vừa dứt lời ông Tuất đã vội đứng lên, một lần nữa chạy vào trong bếp. Ông ăn thử chỗ canh còn lại ở trong nồi, quả nhiên đúng như lời Xíu nói, chỗ canh đó vẫn bình thường không có mùi vị gì lạ.

Chưa bao giờ ông Tuất cảm thấy hoang mang như lúc này. Tại sao canh trong nồi thì không bị làm sao mà múc ra tô đặt trên bàn thì lại bị hỏng? Tại sao cháo của cậu An cũng múc ra ngoài lại không bị làm sao? Có rất nhiều câu hỏi đang cùng lúc xuất hiện trong đầu ông Tuất lúc này. Bây giờ bắt buộc phải tìm ra được nguyên nhân để còn phải báo cáo với ông bà Chấn, nếu không thì tất cả những người trong bếp đều sẽ bị phạt. Quay qua mấy người làm vẫn đang chăm chú nhìn mình, ông Tuất khẽ lên tiếng bảo:

“Chuyện này tôi cũng không thể lý giải được xem nguyên nhân là từ đâu. Thôi bây giờ cũng đã quá trưa rồi, mọi người nhanh tay vào chuẩn bị nấu lại đồ ăn mới cho ông bà chủ đi đã, chuyện này để tôi quan sát lại mọi chuyện trong bếp rồi sẽ bàn lại sau.”

Sau đó mọi ngừoi lại nhanh chóng bắt tay vào công việc của mình. Người nhặt rau, người thái thịt chuẩn bị nấu cơm. Xíu có nhiệm vụ dọn rửa bát đĩa và chỗ đồ ăn đã bị hỏng ở trên bàn. Riêng nồi óc chần ông Tuất bảo chưa bị hỏng nên nó không đụng đến mà để yên ở một góc trên bàn.

Lúc này ở nhà trên, mọi người đang tập trung trong phòng riêng của vợ chồng Ba Thành xem thầy lang bắt bệnh cho bé An. Từ lúc ra khỏi phòng bếp đứa trẻ đã không còn quấy khóc nữa, nhưng những vết thâm tím ở chân thì vẫn còn nguyên ở đấy. Thầy lang kiểm tra một lượt quanh người đứa trẻ, ông lắc đầu rồi bảo:

“Không có gì bất thường cả, đứa trẻ này hoàn toàn khoẻ mạnh. Duy chỉ có những vết thâm tím ở chân, cũng không phải là dấu hiệu của bệnh lý. Đây là vết thương ngoài da, do bị lực tác động vào gây vỡ các mạch máu dưới da, xuất hiện hiện tượng da bị thâm tím. Nói một cách dễ hiểu, thì chân của cháu bé có những vết tím này do bị ngã, bị va đập vào vật cứng. Tuy nhiên, theo như quan sát của tôi về vị trí xuất hiện, diện tích cũng như hình dạng các vết bầm, thì khả năng cao nhất là có người đã dùng hai ngón tay để cấu véo vào chân đứa bé. Đây ông bà xem, bên cạnh vết bầm còn xuất hiện cả vết xước giống như vết quẹt của móng tay để lại. Mà móng tay bé thế này chỉ có thể là móng tay của trẻ con. Chắc do bọn trẻ chơi đùa với nhau rồi sơ ý gây ra thôi, không có gì đáng ngại cả.”

Mợ Nhàn mẹ của đứa trẻ nghe thấy vậy liền lên tiếng đáp lại lời của thầy lang:

“Không thể nào! Trong nhà này chỉ có duy nhất một mình An An là trẻ con, ngoài ra không còn đứa trẻ nào khác cả. Hơn nữa mới ban nãy trước khi đi ăn cơm tôi còn cùng bà vú tắm rửa thay đồ cho con mà chưa hề xuất hiện những vết này. Mẹ, ban nãy lúc cháu thay đồ mẹ cũng ở đó mà phải không ạ?”

Nói rồi cô quay qua phía bà Chấn đang đứng cạnh giường như để tìm một người đồng minh với mình. Bà Chấn cũng gật đầu xác nhận:

“Đúng rồi đó, ban nãy trước khi đi ăn cơm tay chân thằng bé vẫn lành lặn. Lúc xuống phòng ăn cạnh bếp để ăn cơm nó cứ khóc không chịu nín, mẹ nó bế về phòng một lúc thì phát hiện ra cháu bị vậy rồi. Ông nói làm sao chứ chuyện bị cấu véo ra vậy là hoàn toàn không có đâu. Nó là cháu đích tôn của nhà này, có các thêm tiền cũng không đứa nào dám.”

Ông thầy lang vẫn quả quyết:

“Tôi đã hành nghề hơn 30 năm rồi, chả nhẽ chút chuyện đơn giản này cũng không biết hay sao? Nếu ông bà không tin, thì hãy làm theo cách này để kiểm tra. Cách hiệu quả nhất để làm tan các vệt máu bầm này là dùng trứng gà còn nóng để lăn trên các vết bầm tím đó. Trên bề mặt trứng có nhiều lỗ nhỏ li ti dẫn vào lòng đỏ, khi nóng trứng có áp xuất cao, máu bầm sẽ được hút từ từ vào trong lòng đỏ, dẫn đến lòng đỏ trứng gà sẽ dần chuyển sang màu đỏ giống như màu của vết bầm tím đó. Ông bà hãy thử xem lời của tôi nói có đúng hay không.”

Ba Thành hất hàm với một tên gia nhân bên cạnh, hiểu ý cậu chủ gã lật đật chạy đi ngay, một lúc sau quay lại với một quả trứng gà đã luộc chín còn nóng hổi trên tay. Ông thầy lang thả quả trứng vào trong một bát nước lạnh để làm giảm độ nóng, cũng là cách để dễ dàng lột vỏ trứng ra mà giữ được quả trứng còn nguyên vẹn. Ông cẩn thận lăn qua lăn lại quả trứng còn ấm nóng vào những vết bầm trên chân của bé An, đến khi quả trứng nguội hoàn toàn thì dừng lại. Quả nhiên lúc này những vết bầm đã có mờ đi đôi chút, không rõ rệt nhưng cũng có thể nhìn ra được.

Ông lang dùng tay bẻ đôi quả trứng ra, những gì xuất hiện bên trong làm ông giật mình kinh hãi. Bên ngoài lòng trắng quả trứng vẫn bình thường, nhưng bên trong lòng đỏ đã dần chuyển sang một màu đỏ sẫm như máu. Ông há hốc miệng vì ngạc nhiên, sau đó lẩm bẩm trong miệng:

“Trời ơi chuyện này là sao? Làm sao mà quả trứng lại đổi màu đến mức này được?”

Bà Chấn vội hỏi chen vào:

“Chẳng phải ban nãy ông bảo lòng đỏ quả trứng sẽ đổi màu sao? Sao giờ ông lại ngạc nhiên thế?”

Ông lang vẫn chưa hết bàng hoàng trên khuôn mặt, ông vội giải thích:

“Thì đúng là khi lăn trứng vào vết bầm thì lòng đỏ trứng sẽ đổi màu, nhưng nó là máu bầm bị hút vào nên chỉ đổi màu một chút sang màu sẫm thôi, chuyện cả lòng đỏ trứng gà đổi sang màu đỏ như máu này đây là lần đầu tiên tôi gặp phải. Chuyện này rốt cuộc là sao đây.”

Ông Chấn lo lắng hỏi:

“Thế rốt cuộc thì theo ông thằng bé bị làm sao? Làm thế nào để chữa trị, ông kê đơn bốc thuốc đi.”

“Như tôi đã nói,theo như phán đoán của tôi bằng mắt thường thì vết thương của cậu bé là bị cấu véo mà thành. Cách chữa thì đơn giản, mỗi ngày lăn vài lần bằng trứng gà luộc còn ấm nóng, với vết thương này chỉ ba ngày sẽ khỏi, không cần uống thuốc. Tuy nhiên…”

Nói đến đây thì ông thầy lang dừng lại, ngập ngừng không nói tiếp nữa. Bà Chấn sốt ruột cất giọng hỏi:

“Còn gì nữa sao ông không nói tiếp. Đang nói dở lại thôi sốt hết cả ruột.”

“Dạ bẩm bà, có chuyện này tôi không biết có nên nói hay không. Vì nó không liên quan đến chuyên môn của thầy thuốc.”

“Có gì ông cứ nói đi, đừng sợ.”

Được lời của ông Chấn, ông thầy lang nuốt nước bọt rồi nói tiếp:

“Chỉ có điều, lòng đỏ quả trứng đổi màu như vậy là một điềm báo không tốt. Rất có thể trong nhà này có tà khí. Để rõ hơn chuyện này, ông bà nên mời thầy pháp về thì tốt hơn.”

Ba Thành nghe vậy thì bỗng bật cười lên ha hả. Hắn ta nhìn ông thầy lang vẻ mặt đầy trâm trọc:

“Ôi bây giờ thầy lang đi bốc thuốc còn tính đổi nghề tay ngang sang đi xem bói dạo nữa cơ à. Này tôi nói cho lão biết, chừng nào còn có Ba Thành này ở nhà thì đừng có ông thầy pháp nào mơ mà đặt chân được vào cửa. Sống hơn 30 năm trên đời tôi chưa bao giờ tin vào mấy cái chuyện ma quỷ vớ vẩn đấy đâu. Ông đến đây xem bệnh cho con nhà tôi, thì gia đình tôi sẽ trả công cán hậu hĩnh, không cần phải dở trò vậy để vòi thêm tiền đâu.”

Ông lang nghe thấy vậy thì trong lòng giận lắm, mặt phừng phừng như có lửa. Ông vẫn biết trước nay Ba Thành nổi tiếng là ngang tàn độc ác không kiêng nể gì một ai, nhưng hôm nay bị nói thẳng mặt như vậy thực sự ông không kìm được cơn bực dọc.

“Cậu Ba Thành, là tôi thấy chuyện chẳng lành nên có ý tốt bảo với ông bà và cậu mợ để biết đường mà tránh, chứ chuyện này cậu có nhờ tôi cũng không giúp được. Thôi ở đây việc của tôi cũng xong rồi, xin phép ông bà cho tôi lui.”

Bà Chấn ra hiệu cho bà Sáu tiễn thầy lang ra cửa, không quên gửi thầy vài đồng bạc tiền công khám bệnh. Ông thầy sau khi ra cửa thì một mạch đi thẳng, không thèm ngoái đầu nhìn lại.

 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...