Bạn đang đọc: ÂM KHÍ

PHẦN 5 – CHẢY MỦ

25/12/2023
 
 

Hôm nay đứng đây giữa khu nghĩa trang của gia đình, nhớ lại sự việc đêm qua mà lòng anh nóng ran như lửa đốt. Vết ngứa trên chân hình như đã lan rộng ra mà vì anh mặc quần dài nên không ai để ý. Bố mẹ anh đã bắt đầu cúi người xuống thắp hương, khấn vái xì xụp. Anh cũng kéo thằng Tuấn làm theo cho đúng thủ tục rồi mọi người lủi thủi quay lưng bước vào nhà. Ông Toán đã nhờ gia đình ông Lam sang phụ giúp làm vài mâm cỗ, mời những người hàng xóm láng giềng thân thiết, cùng đội dân phu ở lại ăn cơm. Bà Toán cũng đang đứng cạnh bà Lam, hai người thì thầm to nhỏ một điều gì đó, khuôn mặt bà Lam cứ trắng bệch ra như người trúng gió, mẹ Tính lắng tai nghe rồi mặt cũng dần biến sắc.

– Chị Toán ơi, tôi bảo cái này! Tay thằng Sơn từ hôm phát hiện ra bộ hài cốt tự nhiên cứ đỏ tấy lên, ngứa ngáy mà không biết vì sao chị ạ?

– Thế thôi chết, thế chị đã đưa cậu Sơn đi thầy lang chưa?

– Tôi đưa rồi đấy! Nhưng thầy xem xong đoan chắc nó bị con gì đốt, nhện rết gì đó. Rồi cũng bốc cho vài thang thuốc uống, mấy lạng thuốc bôi. Dặn cứ sắc hết chỗ này thể nào cũng khỏi. Thế mà mãi không đỡ chị ạ! Tôi hỏi thì nó bảo là chỗ đấy bị mắt con cóc cụ bắn vào chứ chả có con gì đốt cả!

– Thế á? Đâu, đâu chị bảo cháu cho tôi xem nào!

Hai người đàn bà kéo anh Sơn ra một góc vắng, rồi bảo anh tháo lớp băng gạc quấn trên tay ra, để họ cùng nhau nhìn vết thương. Từng mảnh vải trắng từ từ được cởi ra, một mùi tanh tưởm đã nồng nặc bốc lên, khiến bà Toán phải ngoảnh mặt đi. Vết thương đang chảy ra một đống mủ vàng vàng xanh xanh như đờm dãi của người nghiện thuốc. Da tay Sơn nở rộng ra, lỗ chỗ như tổ ong. Từ những cái lỗ thịt ấy, thỉnh thoảng lại phòi lên một vài cái bong bóng khí như tăm cá. Mỗi lần bóng khí ấy vỡ ra, mùi thối lại bốc lên nồng nặc.

Ra hiệu cho con quấn băng lại, bà Lam mới bảo nhỏ người bạn mình.

– Ghê quá bà ạ! Nhìn rỗ như da cóc! Tôi là mẹ nó nhìn còn thấy tởm, huống chi người ngoài! Chắc mấy hôm nữa, tôi phải đưa cháu nó đi viện khám thôi chứ thuốc nam xem ra không ăn thua rồi!

Bà Toán nghe thế cũng gật đầu đồng ý. Rồi hai người đàn bà lại kéo nhau về phía sân, hòa vào đám đông, sắp đặt cỗ bàn cho xong việc.

Đến tối ngồi ăn cơm, bà Toán cũng kể lại việc ấy cho chồng con cùng nghe. Tính biết chuyện liền cúi xuống, rồi kéo gấu quần lên tận gối. Cả nhà đều kinh hoàng, sợ hãi. Trên chân trái của người con cả, một lớp da cũng đã bị đục ra những lỗ tròn sâu hoắm, đỏ lừ. Mùi tanh thối bốc lên khiến thằng Tuấn phải chạy vội ra cửa, nôn thốc nôn tháo.

Ngày hôm sau, hai gia đình cùng đưa con lên bệnh viện huyện. Vị bác sỹ da liễu méo mặt nhìn người nhà và bệnh nhân mặt mũi vẫn còn đang ngơ ngác. Chị cau mày, nheo mắt vào rồi lên tiếng trách:

– Thôi chết rồi! Sao nhà lại để hai cậu bị nặng thế này rồi mới chữa? Vết thương đã bị nhiễm trùng, loét ra, chảy mủ rồi đây này! Hai anh này đi làm ruộng rồi mới bị đúng không?

Tính lắc đầu, từ từ kể lại mọi chuyện cho người bác sỹ. Cô trầm ngâm nghe hết nhưng cũng bán tín bán nghi, khám lại lần nữa cho chắc chắn rồi cẩn thận kê ra một đơn thuốc, vừa uống vừa bôi. Rồi tẩy rửa vết thương, rắc thuốc kháng sinh. Sau đó dùng băng tiệt trùng, quấn lại cho kín, tránh bụi bặm, côn trùng.

Sự việc tưởng chừng đã dừng lại sau khi hai thanh niên trở về từ bệnh xá nhưng những chuỗi ngày đau khổ, chìm trong thảm kịch chỉ mới bắt đầu.

Người ta phải lãng quên mọi thứ rất nhanh để tiếp tục mưu sinh kiếm sống. Ông Toán giao hẳn việc chăn thả gia súc cho cậu Tuấn, để hai vợ chồng và người con cả tập trung xây cất chuồng trại. Những chiếc hố đã được đào lên, những chiếc cọc vót nhọn dần dần cắm xuống. Trang trại nhỏ dành riêng cho Tính từng bước hình thành. Chỉ mai đây thôi, anh cũng sẽ cất lên trên thửa đất này một ngôi nhà gạch mái bằng, đầy đủ tiện nghi để an cư lạc nghiệp. Tính sẽ lên thị trấn rồi chuyển về xuôi một thời gian để học cách chăn nuôi mới, tiết kiệm chi phí mà sinh lời cao hơn.

Cách đây không lâu, anh đã bắt liên lạc được với một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong thành phố. Chủ cửa hàng là một người đàn ông trung tuổi tên Lâm, vợ anh ta là Tuyết. Họ cũng mới chuyển về thành phố đó được ít lâu nên rất cần xây dựng quan hệ với các trang trại lân cận. Hơn nữa, Tính cũng biết được cặp vợ chồng ấy có hoàn cảnh rất đặc biệt. Ba đứa con chết hai còn một nên họ giờ này chỉ tập trung làm kinh tế, tính tình sởi lởi nhiều lúc vừa bán vừa cho. Có lẽ vì muốn giảm bớt đi nghiệp báo nên người ta mới kinh doanh kiểu đó. Nhiều kẻ biết thế nên cũng manh tâm lợi dụng, luôn miệng xin xỏ, vòi vĩnh. Hết đòi quà cáp lại muốn tăng chiết khấu, thế nhưng anh Lâm chị Tuyết vẫn rộng lượng bỏ qua, không hề chấp nhặt. Những người hiểu được hoàn cảnh của anh chị thì tỏ ra rất cảm thông, không những chủ động hỏi han, giới thiệu các mối làm ăn. Họ còn thỉnh thoảng lấy danh nghĩa tặng quà con để gửi gắm cho anh chị. Đôi khi chỉ là đồng quà tấm bánh nhưng cũng thắm đượm tình người. Nhiều năm về trước, cặp vợ chồng tội nghiệp ấy không chỉ mất đi hai đứa bé mà còn chịu đựng thảm cảnh trùng tang liên táng, đến nỗi phải bỏ cả quê hương bản quán mà ra đi. Tính biết chuyện lại càng muốn hợp tác làm ăn, anh mong có thể trở thành một cầu nối giữa cơ sở của vợ chồng Lâm Tuyết và người dân thôn Sơn Dương này.

Vết thương từ ngày uống thuốc tây cũng dần biến chuyển tốt, nó ít ngứa ngáy hơn, mủ cũng không còn chảy, những hố thịt sâu hoắm ngày nào đã dần khép miệng. Nhưng vì công việc bộn bề, làm xong thì người cũng mệt lả nên Tính bắt đầu quên bẵng nó đi

 
 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...