Đám cưới ma (còn gọi là minh hôn hay âm hôn) là hôn lễ được tổ chức cho hai người đã chết hoặc là giữa một người sống và… một người chết. Đây là một hủ tục ghê rợn của Trung Hoa cổ đại, tuy rằng hiện tại hình thức này gần như đã bị xoá bỏ, nhưng đâu đó vẫn còn những nghi lễ âm hôn được tổ chức một cách lén lút.
Đi theo ngòi bút của tôi để cùng bước vào một câu chuyện tai ương chết chóc xảy ra tại một vùng thôn quê hẻo lánh. Tại đó không tồn tại thứ được gọi là tình người, nơi mà nhân tính con người bị ác tâm tha hoá. Và những thế lực vô hình đáng sợ sẵn sàng trừng trị những kẻ làm trái luân thường đạo lý, không cho họ có một cơ hội sửa sai.
Tôi cùng anh Nam đến thị trấn Pái Na vừa lúc kim đồng hồ điểm bốn giờ chiều. Tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu khi anh Nam nhận đơn hàng chuyển đồ tạp hoá từ thành phố về nơi xa xôi thế này. Rõ ràng chúng tôi có nhiều đơn hàng vận chuyển đến những chỗ gần hơn, làm cái nghề chở thuê này đã lâu mà nay tôi mới thấy anh Nam quyết định kỳ quặc như vậy. Khi tôi thắc mắc thì anh Nam cười:
“Anh em mình suốt ngày cứ quanh quẩn trong thành phố mãi cũng chán. Nay anh nhận đơn hàng này thứ nhất là bên đại lý họ trả tiền công ok hơn, thứ hai xem như tiện thể anh em mình đi du lịch luôn.”
Nghe anh ta nói vậy tôi cũng chỉ biết cười trừ. Anh em tôi giao hàng cho bên nhận xong xuôi thì lái xe qua một vài nơi cảnh đẹp, tranh thủ chụp lại những tấm hình ưng ý nhất để sau này đăng Facebook. Ngồi trên xe năm, sáu tiếng đồng hồ và bốc dỡ một đống hàng hoá đã làm đôi chân tôi tê mỏi và cái bụng bắt đầu reo lên sùng sục. Tôi bèn ca cẩm:
“Đại ca, kiếm chỗ nào oánh chén đi chứ em đói sắp đi không nổi rồi.”
Anh Nam gật đầu:
“Phải đấy, mất công đến nơi thâm sơn cùng cốc này mà không thưởng thức ẩm thực ở đây thì hơi phí.”
Sau đó, hai anh em tôi phi vào một quán ăn có tên Quán Bà Hoa. Nhìn menu đặt trên bàn toàn những món đặc sản địa phương. Hai anh em tôi chọn đại vài món rồi gọi kèm hai tô cơm lót dạ để khỏa lấp cơn đói đang diễu hành trong bụng mình.
Đồ ăn xếp ngay ngắn trong mâm đã được chuẩn bị xong xuôi, bà Hoa chủ quán cẩn thận bưng ra xếp lên bàn của chúng tôi, tay làm miệng hỏi:
“Hai cậu thanh niên từ nơi xa đến đây hả?”
Anh Nam nhanh miệng trả lời:
“Vâng ạ, bọn cháu từ thành phố chuyển hàng lên đây ạ.”
Nghe vậy, bà Hoa nhẹ gật đầu, đoạn có chút ngập ngừng hỏi:
“Thế… hai cậu đã qua miếu Mộc An chưa?”
Tôi ngạc nhiên nhìn anh Nam, sau đó quay sang bà Hoa, hỏi lại:
“Miếu Mộc An? Cháu không biết, mà qua đó làm gì hả cô?”
Bà Hoa nghe hiểu ra chúng tôi là lần đầu tiên đến đây nên chưa rõ, kế đó liền trầm ngâm nói:
“Các cậu trên đường về khi đi qua miếu Mộc An nhất định phải mỗi người xin một lá bùa phòng thân rồi hẵng đi tiếp nhé.”
Chúng tôi như hai đứa trẻ lên năm ngồi trước ti vi xem thời sự, ngờ nghệch chẳng hiểu bà chủ quán này đang nói về chuyện gì. Tôi nhíu mày tỏ vẻ khó hiểu:
“Bùa phòng thân? Bọn cháu lấy thứ đó để làm gì ạ?”
Bà Hoa bỗng thấp giọng, âm thanh thấp hẳn đi như muốn nói tới điều gì đáng sợ lắm:
“Để tránh tà. Các cậu nếu muốn về thành phố bắt buộc phải đi qua ngã tư thị trấn Pái Na, ở đó cánh lái xe đêm thường bắt gặp những thứ âm u lắm.”
Anh Nam nghe xong liền nghĩ bà cô trước mặt đây và cái miếu Mộc An kia có lẽ là một đường dây đa cấp, họ đang muốn mồi chài và tiêm vào đầu chúng tôi những thứ đáng sợ để hòng moi tiền, anh vừa cầm cái chân gà vừa cười:
“Thôi, nói cô thông cảm chứ bọn cháu lấy tiền đâu ra mà mua bùa ở miếu đó cô. Cô để bọn cháu ăn uống tự nhiên đi ạ.”
Bà Hoa nghe hiểu ý tứ của anh Nam nhưng cũng không giận, trên nét mặt của người phụ nữ này hiện rõ sự trầm lặng, giọng nói có phần nghiêm túc:
“Cậu nghe tôi nói hết đã. Nếu hai cậu là người cứng vía hoặc không mê tín thì không nói làm gì, chứ một số tay lái xe đường dài yếu vía khi đi đêm qua ngã tư Pái Na về phát điên hoặc ngã gãy tay gãy chân đấy.”
Tôi vội buông đôi đũa xuống rồi nhìn thẳng vào mắt bà chủ quán trước mặt. Quả thật, tôi không cảm nhận được ý tứ dọa nạt hoặc lừa lọc trong ánh mắt của bà Hoa. Tôi hỏi:
“Sao lại có chuyện như thế ạ?”
Bà Hoa ra chỗ cái máy lọc nước, rót một cốc rồi kéo lại cái ghế, ngồi xuống bàn ăn của chúng tôi. Đưa tay lau vệt mồ hôi vương trên trán, bà Hoa đáp lại tôi chỉ vỏn vẹn bốn chữ:
“Họ nhìn thấy quỷ!”
Anh Nam đang cắm đầu gặm miếng chân gà cũng dừng lại nhìn bà Hoa. Tôi liền hiếu kỳ hỏi:
“Nhìn thấy quỷ sao? Cô có thể kể rõ hơn được không?”
Bà Hoa gật đầu:
“Chuyện kể ra thì dài lắm, nếu không phiền đến bữa ăn của hai cậu thì để tôi kể cho. Mà hai cậu cứ vừa ăn vừa nghe tôi kể lại câu chuyện cũng được, đến lúc đó tin hay không là việc của các cậu.”
Anh Nam quay sang nhìn tôi như để hỏi ý kiến, tôi vốn là kẻ cuồng những câu chuyện tâm linh nên không chút do dự gật đầu đồng ý. Bây giờ đang là thời điểm vắng khách, trong quán ăn cũng chỉ có hai chúng tôi nên bà Hoa cũng khá rảnh rỗi.
Đặt đôi bàn tay đầy vết chai rát vì bếp núc lên bàn rồi đan ngón tay vào nhau, bà Hoa nhìn ra xa. Trong đôi mắt đã in đậm màu thời gian và vất vả kia bỗng ánh lên điều gì đó hoảng sợ lắm, như chính bà đã từng chứng kiến biến cố kinh hoàng ấy xảy ra tại thị trấn quỷ dị này vậy.