Bạn đang đọc: ÁC NGHIỆP NÀNG DÂU

Chương 0

25/12/2023
 

Chương 0:

” Ầu ơ…dí dầu cầu dán đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó…đi
Khó đi mẹ dắt con đi
con đi trường học mẹ đi trường…đời…”

– Ơi má thương má thương, ngoan nín đi nín đi má thương. Ời má thương má thương nín đi, ngoan không khóc nữa má thương nè.

Tiếng hát ru con ầu ơ rồi những câu nói dỗ dành cứ lặp đi lặp lại không ngừng.

Giữa đêm khuya thanh vắng, với cái tiết trời giá rét những ngày cuối năm. Sắc trời se lạnh, trong một căn chòi nhỏ mái lá đơn sơ nằm hiêu quạnh giữa cánh đồng lúa xanh ngát. Dưới cái ánh sáng vàng le lói hắt ra từ cây đèn dầu hột vịt, thấp thoáng có bóng dáng của một người con gái tuổi chừng ngoài hai mươi. Ấy là Thùy Dương, vài tháng trước phải nói cũng hơn năm năm trước thì cô vẫn còn đang là con dâu của nhà ông bà hội đồng Tâm Lan. Thế nhưng chỉ vì sự ganh ghét, đố kỵ cũng như tính ích kỷ và lòng tham của bà mẹ chồng lăng loàn, mà giờ đây cô từ một nàng dâu nhà bá hộ giàu có nứt đố đổ vách, ngày ngày ăn trắng mặc trơn lại phải sống chui rủi một thân một mình giữa nơi đồng không mông quạnh không có lấy một bóng người như thế này.

Người ta nói số phận của người phụ nữ hơn nhau là ở tấm chồng, lấy được người chồng chí thú làm ăn, thương yêu vợ con chăm lo cho gia đình thì coi như là phúc đức. Còn lỡ mà lấy phải người chồng không ra gì, suốt ngày chỉ biết cờ bạc rượu chè bê tha, chỉ muốn ăn chơi mà không muốn làm rồi bỏ bê vợ con u mê vợ bé thì coi như kiếp này bỏ. Đó chỉ mới nói đến lấy phải người chồng, neo đậu ở bến bờ tốt hay xấu thôi. Vậy còn gia cảnh thì sao, làm dâu nhà giàu, mẹ chồng thương yêu thì sung sướng muôn phần. Chứ mà rơi phải vào nhà mẹ chồng chì chiết mắng mỏ, hà hiếp con dâu thì e rằng cả đời chỉ biết sống trong cảnh nước mắt chan cơm. Nếu mà mẹ chồng đã hắt hủi rồi còn thêm cả người chồng không có chính kiến nữa thì…chắc có lẽ nên đường ai nấy thì sẽ tốt hơn. Ấy là cái sự đời mà người ta hay nói nó là như thế, còn đối với Thùy Dương thì lại khác. Cô đi làm dâu nhà giàu, cha mẹ chồng hết mực thương yêu nhưng là mẹ ghẻ chứ không phải mẹ ruột của chồng. Còn mẹ ruột của chồng thì sao, bà ta là vợ bé là vợ hai của ông hội đồng Tâm cũng chính là cha chồng của cô. Nói bà Hai Lan vợ cả của ông Tâm thương yêu cưng chiều con dâu là thế, nhưng bản thân bà không phải là mẹ ruột của cậu Lâm chồng Thùy Dương. Thành ra lắm khi bà thấy thương cho đứa con dâu này, muốn đưa về sống cùng mình nhưng sống ở đời mà, có bao giờ có chuyện gì được như ý muốn của mình đâu. Dâu thì là dâu chung, nhưng mà chồng nó là con ruột tui thì con dâu phải ở nhà tui. Thế là bà Lan dù thương nhưng đành phải để cho Thùy Dương về sống bên nhà bà vợ bé là mụ Tư Loan.

Sau khoảng thời gian hơn một năm chung sống và chịu đựng biết bao nhiêu cực khổ tủi nhục, oan khuất do mẹ chồng ban tặng thì đến ngày hôm nay một cô thôn nữ nết na thùy mị, một nàng dâu ngoan hiền hiếu thảo ngày nào đã biến thành một người hoàn toàn khác.

Đêm nay cũng giống như mọi ngày, khi ánh nắng mặt trời vừa khuất bóng sau những hàng cây thì căn chòi nhỏ của cô lại sáng đèn. Cô cứ ngồi thất thần bên cạnh chiếc võng đan bằng tre mà vừa đưa tay đung đưa vừa cất tiếng hát ru con ầu ơ.

” Ầu ơ…dí dầu cầu dán đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó…đi
Khó đi mẹ dắt con đi
con đi trường học mẹ đi trường…đời…”

Những câu hát ru con ấy cứ lặp đi lặp lại vang vọng trong màn đêm, mặc dù chỉ là những câu hát thường và quá đỗi quen thuộc. Ấy thế nhưng qua từng câu từng chữ mà cô hát nó lại không giống như bao người phụ nữ khác, tiếng hát của cô có chút gì đó vừa thê lương vừa sầu thảm ma mị đến đáng sợ. Loáng thoáng người ta còn nghe cô nói những câu nói đòi ai đó trả con.

– Con ơi con đâu rồi con ơi, trả con lại cho tao trả con lại cho tao. Há há há

Cô cứ ngồi đó đu đưa chiếc võng, hết hát ru thì nói những câu dỗ dành mà bất kỳ một bà mẹ nào cũng sẽ nói mỗi khi dỗ cho đứa con bé nhỏ của mình nín khóc. Cười cười nói nói chán chê thì cô lại phùng mang trợn mắt lên mà gầm nghiến đòi ai đó trả lại con cho cô, cứ như vậy cuộc sống của cô cứ lặp đi lặp lại suốt ba tháng trời ròng rã. Ban ngày thì cô chỉ nằm trên chiếc giường che ọp ẹp từ sáng đến chiều, lúc nào đói thì mới ngồi dậy kiếm gì đó để ăn. Ăn xong lại nằm lăn ra đó mà âu sầu ủ rũ, đến tối thì lại thức trắng đêm để hát, để dỗ dành và nói chuyện một mình với chiếc võng không hề có lấy một đứa bé nào…

Những người sống xung quanh khu vực đó ai ai cũng biết đến hoàn cảnh của cô, biết cô bị mẹ chồng đối xử tệ bạc, đến ngay cả người chồng đầu ấp tay gối cũng phụ tình rồi ruồng bỏ cô, dẫn đến cô trở thành cái hình dáng của một người chẳng khác gì người điên như ngày hôm nay. Chính vì họ biết, họ thấy và hơn hết là họ hiểu. Họ thấu hiểu cho nỗi lòng của cô, họ thương sót cho số phận cuộc đời hẩm hiu của một cô gái trẻ đến làm dâu nơi xứ lạ quê người. Thế là cái tình cái nghĩa của con người trỗi dậy, hàng ngày không có người này thì cũng là người kia thay phiên nhau đến thăm hỏi động viên, đồng thời cũng không quên mang theo cho cô một ít thức ăn. Cứ nhà ai có cái gì thì mang sang cái đó, khi thì vài ba ký gạo, lúc thì con cá, con tôm. Tuy nói là cô giống như người điên, nhưng thật ra thì không phải vậy. Hàng ngày cô vẫn biết nấu ăn, ai thăm hỏi hay cho cái gì cô cũng đều biết cảm ơn và hơn hết là thần trí vô cùng tỉnh toán chỉ có điều là trên người cô tràn ngập những vết thương chưa lành nên thành ra cô chẳng thể làm được việc gì nặng. Thành ra suốt ngày cô chỉ biết quanh quẩn trong căn chòi nhỏ, cô cứ ủ rũ như vậy mà sống lây lất qua ngày nhờ vào sự quan tâm giúp đỡ của bà con.

Mãi cho đến ngày hôm nay, khi mà những vết thương trên người cô đã khỏi hẳn. Mới vừa tờ mờ sáng người ta đã thấy cô cười nói vui vẻ đi hết nhà này đến nhà khác, đi đến đâu cô cũng đều tươi cười niềm nở mà chào hỏi. Cô tìm đến từng nhà, gặp từng người đã giúp đỡ cô trong suốt mấy tháng qua. Sau khi đi một vòng quanh xóm để cảm ơn mọi người rồi thì cô quay trở về căn chòi nhỏ của mình.

Đêm nay cũng giống như mọi ngày, cô cũng ngồi đó hát ru và nói chuyện một mình. Ấy thế nhưng tiếng hát của cô hôm nay nghe nó lạ lắm, nó nhẹ nhàng êm ái mà du dương lắm. Vẫn là những câu hát ru ầu ơ dí dầu ấy, vẫn ngồi bên cạnh chiếc võng tre ấy. Nhưng lạ ở chỗ là căn chòi của cô hôm nay có chút khác thường, tất cả những cánh cửa đều được đóng kín cài then. Đèn trong nhà cũng được thay bằng những chiếc đèn lồng bọc giấy đỏ, trước mặt Thùy Dương lúc bấy giờ là chiếc võng tre vẫn cứ đung đưa theo từng nhịp đẩy. Bên trên là một vật gì đó màu đen nhỏ thó được quấn bao quanh bởi một mảnh giấy màu vàng. Và đó không phải thứ gì khác mà đó chính là thân xác đứa con nhỏ của cô, một cái xác khô nhỏ xíu được quấn quanh bởi một lá bùa màu vàng, bên trên được vẽ chi chít những nét phù chú ngoằn ngoèo.

Bên dưới chiếc võng mà Thùy Dương đang đung đưa là một tràng những thứ lỉnh kỉnh, gồm có nhang đèn, thức ăn được nấu chính và cả thịt sống cùng với bánh kẹo, hoa quả và đồ chơi.

Bên cạnh đó còn có thêm bốn con hình nhân bằng vải bao gồm hai nam và một nữ, trên thân mỗi con như vậy đều được dán một mảnh giấy có viết chữ và vài con số. Tất cả đều được mặc quần áo chỉnh tề và có cả tóc, đối với nữ thì tóc dài và nam là tóc ngắn.

Thùy Dương ngồi xếp bằng phía trước đưa tay đung đưa chiếc võng, vừa đưa cô vừa hát ru một hồi lâu. Mãi cho đến khi bên tai cô vang lên một giọng nói trẻ con the thé vang vọng đầy ma mị.

– Đến giờ rồi…đến giờ rồi hé hé. Má cho con ăn đi má, cho con ăn đi.

Giọng nói kia vừa vang lên thì tiếng hát của cô cũng ngưng hẳn, lúc này cũng vừa đúng vào giờ tý. Cô liếc mắt nhìn ra bên ngoài qua một cái khe hở thông gió bên trên mái nhà, nhìn thấy trăng đã lên cao, bên ngoài cũng bắt đầu có những cơn gió lạnh mang theo âm lãnh tràn vào thì khẽ mỉm cười. Sau đó cô dùng một con dao nhỏ chừng một ngón tay, dài gần một gang tay được làm từ một loại gỗ chuyên dùng để đóng quan tài, cầm con dao trên tay cô nhìn vào cái xác thi nhi khô quắt được đặt yên vị trên chiếc võng kia mà lẩm bẩm.

– Con ngoan để má cho con ăn nghen.

Nói rồi cô cầm con dao cứa vào đầu ngón tay, nhìn thì thấy chỉ là một con dao bằng gỗ vô cùng bình thường. Ấy thế nhưng không thể ngờ rằng nó lại sắt bén đến kinh ngạc, ngay khi cô vừa cứa nhẹ qua thì liền xuất hiện một vết cắt từ đó tuôn ra những giọt máu tươi nóng. Ngau lập tức cô liền hướng ngón tay đang rỉ máu kia vào ngay vị trí cái miệng của cái xác con cô. Sau đó cô đè ngón tay cái lên đầu ngón trỏ mà nhăn mặt bấm mạnh cho máu nhỏ giọt xuống.

“Tách! Tách! Tách”

Âm thanh của những giọt máu rơi trên cái xác khô khốc của đứa nhỏ vang lên khiến không gian vốn đã tĩnh mịch lại thêm một phần u ám. Thùy Dương vừa nặn máu, gương mặt háo hức bị ánh trăng chiếu xuống làm lộ rõ trông thật kinh hãi. Cái môi đã bệch đi vì thiếu sức sống lâu ngày bất đầu ngân nga bài ru con, như đang dỗ dành đứa nhỏ:

” Ầu ơ…dí dầu cầu dán đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó…đi
Khó đi mẹ dắt con đi
con đi trường học mẹ đi trường…đời…”

Tiếng hát của Thùy Dương cứ vang lên đều đều trong đêm tối, khiến những người đi soi ếch đêm vô tình nghe thấy được ai nấy cũng đều sởn cả gai óc. Nhưng vốn dĩ cũng đã quen với những đêm cô thức trắng để hát ru rồi nên thành ra họ cũng không tò mò đến để xem hay làm gì, bởi họ biết cô đã trải qua những gì nên thành ra cũng thông cảm và thấu hiểu cho cô. Thế nhưng sự thật bên trong cô đang làm gì thì họ lại không hề hay biết.

Bên ngoài những cơn gió bắt đầu thổi ngày một nhiều, khiến những tán lá cây lao xao không dứt. Và rồi những tiếng cười đùa của con trẻ vang lên, lọt thỏm và lạnh lẽo, hoà vào giọng hát của cô

Sau khi cho đứa nhỏ ăn xong, cô đặt cái xác kia vào một tấm vải đỏ rồi quấn lại.

Lúc này một thân ảnh mờ ảo đỏ hỏn hiện ra trước mặt, nó ngồi chễm chệ trên chiếc võng thòng hai chân xuống đung đưa mà nhìn cô cười.

Nhìn nó hệt như một đứa trẻ bình thường còn sống, chỉ có điều bây giờ thân xác nó đã khô héo, và nó đích thực đã là một hồn ma. À không nói đúng hơn thì nó đã được luyện thành quỷ nhi hay còn gọi là kumathong hay là thiên linh cái.

Cô nhìn nó rồi đưa tay đung đưa chiếc võng theo từng câu hát, giống hệt như dỗ con ngủ. Và rồi bất giác cô lại nhớ về những ngày tháng đau thương vừa qua. Nhớ về những kẻ đã đẩy cô vào hố sâu của cùng cực và để cho phải sống một cuộc sống không bằng một con chó.

Nghĩ đến đây khóe mắt cô cay cay, thoáng thấy có vài giọt lệ đang lăn dài trên đôi gò má. Đoạn cô đứng dậy dọn dẹp đống đồ kia rồi mở cửa, cô ngồi bên bậu cửa hướng mắt nhìn về hướng có căn nhà nơi cô đến làm dâu mà hồi tưởng.

 

The comment box
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Loading...